Chương 10Phổ Giác1
Lúc đó, Bồ tát Phổ Giác ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Ngài đã nói về căn bệnh của thiền thật là thấm thía, khiến cho hết thảy đại chúng được nghe những việc chưa từng có, tâm ý chúng con đều rất đỗi vui mừng, được chỗ an ổn thật lớn lao. Bạch Thế Tôn! Chúng sinh đời mạt pháp, cách Phật ngày một xa, Hiền Thánh lại ẩn náu, tà pháp càng hưng thịnh, vậy nay phải khiến cho mọi chúng sinh, tìm đến những hạng người nào? Y vào pháp gì? Thực hành hạnh gì? Trừ bỏ những bệnh gì? Và phải phát tâm như thế nào? Khiến cho những chúng sinh kia, không đọa vào tà kiến. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Chương này nói về “Y sư ly bệnh”, nghĩa là khuyên bảo các hành giả tu hành quán hạnh, phải nương vào bậc thiện tri thức để trừ khử bốn bệnh và mọi hoặc vi tế.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Phổ Giác rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể hỏi về cách tu hành như thế ở Như Lai, để ban cho hết thảy chúng sinh đời sau con mắt đạo vô úy, khiến cho tất cả chúng sinh kia, được thành Thánh đạo. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó Bồ tát Phổ Giác vui mừng, vâng lời Phật dạy và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, muốn phát tâm rộng lớn, những người muốn tu hành, tìm thiện tri thức, phải nên tìm người có hết thảy chính tri kiến. Người này, tâm không trụ ở tướng, không đắm ở cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, tuy hiện vào chốn trần lao mà tâm hằng thanh tịnh. Tỏ ra có mọi lỗi mà vẫn tán thán phạm hạnh, không để cho chúng sinh phải trái phạm luật nghi. Người cầu đạo như thế, tức được thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Chúng sinh đời mạt pháp, thấy người như thế, nên phải cúng dường không tiếc thân mệnh. Bậc thiện tri thức kia, ở trong bốn uy nghi, thường hiện thanh tịnh, rồi đến lại thị hiện ra mọi thứ lỗi lầm, mà tâm cũng không sinh kiêu mạn. Làm sao lại có việc ăn uống1, vợ con, quyến thuộc? Thiện nam tử! Đối với thiện hữu kia, không khởi mối nghĩ xấu, tức hay rốt ráo thành tựu được chính giác, hoa lòng nở rộ, chiếu sáng cả mười phương cõi.
1 Ăn uống: Dịch từ chữ “đoàn”. Đoàn viết tắt của từ “đoàn thực”. Thực có bốn thực, bốn thực lại có ba thứ:
1/ Tứ thực (bốn thức ăn để nuôi dưỡng thân thể loài hữu tình): (1) Đoàn thực (thức ăn loài hữu tình); (2) Xúc thực (đối với cảnh vật tâm sinh vui mừng); (3) Thức thực (chấp trì mọi căn để tăng cường tám thức); (4) Tư thực (tư tưởng, hy vọng để duy trì xác thân).
2/ Tứ thực (bốn thứ ăn phàm phu cõi dục): (1) Bất tịnh y chỉ trụ thực (thức ăn phàm phu cõi dục); (2) Tịnh bất tịnh y chỉ trụ thực (thức ăn của cõi sắc và cõi vô sắc cùng hàng hữu dục); (3) Thanh tịnh y chỉ trụ thực (thức ăn của A la hán); (4) Thị hiện trụ thực (thức ăn của Phật Thế Tôn và Bồ tát đã chứng ngộ).
3/ Tứ thực (bốn thức ăn nuôi mạng sống đều là bất tịnh mà bậc Sa môn phải tránh): (1) Hạ khẩu thực (cấy cày, trồng tỉa, sinh hoạt bất tịnh để nuôi mạng sống); (2) Ngưỡng khẩu thực (quan sát tinh tú, mặt trời, mặt trăng, gió mưa, sinh hoạt bất tịnh để nuôi mạng sống); (3) Phương khẩu thực (dùng ngôn từ khéo léo, xu nịnh kẻ phú hào, thế lực, sinh hoạt bất chính để nuôi mạng sống); (4) Duy khẩu thực (học bùa chú, ma thuật, xem tướng, bói toán lành dữ, sinh hoạt bất chính để nuôi mạng sống).
Thiện nam tử! Chỗ chứng diệu pháp của thiện tri thức kia là phải xa lìa bốn bệnh2. Những gì là bốn:
1. Tác bệnh: Nếu lại có người đưa ra lời nói như thế này: Bản tâm của tôi, làm các loại hạnh, để mong cầu Viên giác. Nhưng tính Viên giác kia, vì không phải tạo tác mà có được, nên nói đó là bệnh.
2. Nhậm bệnh: Nếu lại có người đưa ra lời nói như thế này: Chúng ta ngày nay, chẳng cần đoạn sinh tử, không cầu chứng Niết bàn. Sinh tử và Niết bàn, không sinh một niệm khởi diệt, phó mặc cho hết thảy chúng, nương theo mọi pháp tính, để mong cầu Viên giác. Nhưng tính Viên giác kia, vì không phải phó mặc mà có được, nên nói đó là bệnh.
3. Chỉ bệnh: Nếu lại có người đưa ra lời nói như thế này: Ta nay tự tâm dứt hết mọi niệm, được hết thảy tính, tịch niệm bình đẳng để cầu Viên giác. Nhưng tính Viên giác kia, vì không phải do “chỉ” mà hợp được, nên nói đó là bệnh.
4. Diệt bệnh: Nếu lại có người đưa ra lời nói như thế này: Ta nay đoạn hết thảy phiền não, thân tâm đều rốt ráo không còn có chi, nữa là cảnh giới hư vọng của căn trần vậy ư? Hết thảy đều vắng lặng, để cầu Viên giác. Nhưng tính Viên giác kia, vì không phải do tướng vắng lặng mà có được, nên gọi đó là bệnh.
2 Bốn bệnh: (1) Tác bệnh: Tức tạo tác. Nghĩa là hành giả hiểu lầm, dùng tâm tạo tác để cầu Viên giác; (2) Nhậm bệnh: Tức nhậm vận tự nhiên. Nghĩa là hành giả nhận lầm, dùng tâm buông thả, chuyển vận tự nhiên đề cầu Viên giác; (3) Chỉ bệnh: Tức chỉ tức vọng niệm. Nghĩa là hành giả nhận lầm, dùng tâm ngăn đứng mọi vọng niệm để cầu Viên giác; (4) Diệt bệnh: Tức tâm cảnh đều diệt. Nghĩa là hành giả nhận lầm, cho tâm cảnh đều diệt là thể của tịch tĩnh để cầu Viên giác.
Lìa hết thảy bốn bệnh ấy, thời biết được thanh tịnh. Quán tưởng như thế, gọi là chính quán, nếu quán khác thế, gọi là tà quán.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, người muốn tu hành, phải nên hết mình, cúng dường bậc thiện hữu, thờ bậc thiện tri thức. Bậc thiện tri thức kia, muốn đến để thân cận với người tu hành này cũng phải đoạn phần kiêu mạn, nếu lại xa lìa phải đoạn sân hận, coi cảnh thuận nghịch, cũng giống như hư không; phải tỏ rõ thân tâm này, rốt ráo bình đẳng, cùng hết thảy chúng sinh đều cùng một thể không khác. Người tu hành như thế, mới vào được Viên giác.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, không được thành đạo, bởi có hết thảy chủng tử yêu ghét bản thân và tha nhân từ đời vô thủy, nên chưa được giải thoát. Nếu lại có người, coi kẻ oán kia cũng như cha mẹ mình, tâm không có hai, tức trừ được mọi bệnh. Ở trong các pháp, yêu ghét tự thân và tha nhân cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, nếu muốn cầu Viên giác, nên phải phát tâm nguyện như thế này: Tất cả mọi chúng sinh, ở khắp mười phương hư không giới, tôi đều khiến cho họ vào được Viên giác cứu cánh. Ở trong Viên giác ấy, không có chúng sinh nào “thủ giác”, trừ được hết thảy mọi tướng nhân ngã kia. Nếu phát tâm như thế, không đọa vào tà kiến.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, muốn tuyên lại nghĩa trên, mà nói kệ rằng:
Phổ Giác thầy nên biết,
Mọi chúng sinh đời mạt,
Muốn cầu thiện tri thức,
Nên tìm người chính kiến,
Tâm xa lánh nhị thừa.
Trong pháp trừ bốn bệnh,
Là tà, nhậm, chỉ, diệt;
Thân cận không kiêu mạn,
Xa lìa không sân hận.
Thấy các loại cảnh giới,
Tâm sinh trưởng hiếm có,
Như Phật lại ra đời.
Không phạm phi luật nghi,
Giới căn mãi thanh tịnh,
Độ hết thảy chúng sinh,
Vào Viên giác cứu cánh.
Không tướng ngã nhân kia,
Thường y chính trí tuệ,
Liền vượt được tà kiến,
Chứng giác nhập Niết bàn.