Chương 9Tịnh Chư nghiệp chướng1
Lúc đó, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng, ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài vì chúng con, chỉ dạy về hành tướng nhân địa của Như Lai, những việc không thể nghĩ bàn, mà đại chúng chưa từng được nghe, chưa từng được thấy rõ công dụng của hết thảy cảnh giới, cần khổ trải hằng hà sa kiếp của Đức Điều Ngự như là một niệm. Bồ tát chúng con rất đỗi an ủi vui mừng. Bạch Thế Tôn! Bằng như giác tâm bản tính thanh tịnh, nhân ô nhiễm gì mà khiến chúng sinh mê muội không vào được? Kính xin Như Lai, vì tất cả chúng con, khai ngộ pháp tính, khiến đại chúng đây và chúng sinh đời sau, lấy đó làm chỉ dẫn trong tương lai. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Chương này nói về trừ ngã nhập giác, nghĩa là hành giả phải đoạn trừ ngã chấp. Ngã chấp có nông và sâu, nên chia thành bốn tướng là “ngã”, “nhân”, “chúng sinh” và “thọ mệnh”. Vì bốn tướng này làm chướng ngại cho việc tu quán nên cần phải đoạn trừ mới vào được Viên giác.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, hỏi về phương tiện như thế ở Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng vui mừng, vâng lời Phật dạy và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh, từ vô thủy trở lại, vì còn vọng tưởng, nên chấp có ngã, nhân, chúng sinh cùng thọ mệnh, nhận bốn điên đảo làm thể thực ngã. Do đó liền sinh hai cảnh yêu, ghét ở thể hư vọng, lại chấp hư vọng, hai vọng cùng nương nhau, sinh ra đường vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp nên vọng thấy lưu chuyển, người chán lưu chuyển, vọng thấy Niết bàn. Do đó không thể nào vào được thanh tịnh giác. Không phải giác chống lại mọi người hay chứng vào, dù có người hay chứng vào, nhưng cũng không phải giác chứng vào. Thế nên, động niệm cùng dứt niệm đều quy về mê muội. Tại vì sao? Vì có vô minh vốn khởi ra từ vô thủy, làm chủ tể mình. Thế nên hết thảy chúng sinh, sinh ra không có con mắt tuệ, mọi tính thuộc thân tâm đều là vô minh, giống như mọi người, chẳng tự đoạn mệnh của mình. Vì thế nên biết, cái thuận với sở thích của “ngã”, thì ngã tùy thuận theo, cái không tùy thuận với ngã, liền sinh ra oán ghét. Vì tâm yêu ghét nuôi thêm vô minh, cứ tiếp nối, nên sự cầu đạo đều không thành tựu được.
Thiện nam tử! Thế nào là ngã tướng? Nghĩa là phần tâm chỗ chứng ở mọi chúng sinh. Thiện nam tử! Ví như có người, thân thể điều hòa thích ý, bỗng quên cả thân thể tồn tại. Một khi tứ chi uể oải, do tập luyện và dinh dưỡng không điều độ, khi dùng kim để chích, dùng ngải để cứu, thời biết có ngã. Vì thế tới lúc có chứng, có điều đạt được mới hiện ra ngã thể. Thiện nam tử! Tâm đó dù có chứng tới Như Lai rốt ráo, biết rõ Niết bàn thanh tịnh, đó cũng đều là ngã tướng.
Thiện nam tử! Thế nào là nhân tướng? Nghĩa là phần tâm “ngộ chứng” ở mọi chúng sinh. Thiện nam tử! Tâm ngộ có ngã, lại chẳng nhận ngã. Chỗ ngộ chẳng phải ngã, ngộ cũng như thế. Ngộ đã vượt qua hết thảy chứng thì đều là nhân tướng. Thiện nam tử! Tâm đó dù chứng tới viên ngộ Niết bàn, cũng đều là ngã, vì tâm còn vướng chút ít ở điều giác ngộ nhỏ bé, dù chứng lý đầy đủ, cũng đều gọi là nhân tướng.
Thiện nam tử! Thế nào là chúng sinh tướng? Nghĩa là phần tâm tự chứng ngộ chỗ chẳng kịp được của mọi chúng sinh. Thiện nam tử! Ví như có người nói thế này: Ta là chúng sinh, thời biết người kia nói chúng sinh ấy, chẳng phải ở ta, cũng chẳng phải ở kia. Thế nào là chẳng phải ở ta? Vì ta là chúng sinh, thời chẳng phải ở ta. Thế nào là chẳng phải ở kia? Vì ta là chúng sinh, nên chẳng phải ta ở kia. Thiện nam tử! Chỉ vì tất cả chúng sinh, liễu chứng, liễu ngộ, đều là ngã và nhân mà phần tướng ngã nhân chỗ chẳng kịp ấy, còn có chỗ liễu, gọi là tướng chúng sinh.
Thiện nam tử! Thế nào là tướng thọ mệnh? Nghĩa là phần tâm chiếu thanh tịnh giác chỗ liễu ngộ của mọi chúng sinh, hết thảy nghiệp trí, chỗ không tự thấy được, cũng như là mệnh căn.
Thiện nam tử! Nếu ở tâm, chiếu thấy hết thảy giác ấy đều là trần cấu, bởi chủ thể giác và đối tượng giác, đều không lìa trần, ví như băng tan trong nước nóng, không còn phần, có băng khác và biết băng tan. Còn ngã và giác ngã cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, chẳng liễu ngộ bốn tướng1, tuy trải nhiều kiếp, cần khổ tu đạo, chỉ gọi là hữu vi, trọn không thể thành hết thảy Thánh quả. Thế nên gọi là đời mạt của chính pháp. Tại vì sao? Vì nhận hết thảy ngã là Niết bàn2. Ví có chứng có ngộ gọi là thành tựu. Như có người nhận giặc làm con, của báu trong nhà đó, trọn không thể thành tựu. Tại vì sao? Vì có ngã ái cùng ái Niết bàn, núp ở căn của ngã ái, làm tướng của Niết bàn. Nếu có ghét ngã, cũng là ghét sinh tử. Vì không biết ái thực là gốc của sinh tử, chỉ ghét riêng sinh tử, gọi là pháp không giải thoát.
1 Bốn tướng: Bốn tướng có ba thứ: (1) Sinh, lão, bệnh, tử gọi là “Nhất kỳ tứ tướng”; (2) Sinh, trụ, dị, diệt gọi là “Hữu vi tứ tướng”; (3) Ngã tướng, nhân tương, chúng sinh tướng, thọ mệnh tướng gọi là “Thức cảnh tứ tướng”. Phàm phu mê chấp tứ tướng, gọi là “mê thức cảnh tứ tướng”. Người cầu đạo chưa thông được tứ tướng, gọi là “mê trí cảnh tứ tướng”. Trí cảnh tứ tướng: (1) Ngã tướng: Chúng sinh đối với lý của Niết bàn, có chỗ chứng ở nơi tâm, lấy chỗ chứng đó, chấp trước ở nơi tâm mà không quên, nhận đấy làm ngã, đó gọi là ngã tướng; (2) Nhân tướng: Đối với ngã tướng trên, đã tiến một bước không lại nhận “chứng thủ” làm ngã, còn đem ngã ngộ làm tâm, đó gọi là nhân tướng; (3) Chúng sinh tướng: So với nhân tướng ở trên, lại tiến một bước, dẫu đã siêu việt qua cái tướng ngã, tướng nhân, còn tồn tại lại cái tướng hữu chúng, liễu ngộ, đó gọi là chúng sinh tướng; (4) Thọ mệnh tướng: So với tướng chúng sinh trên, lại tiến một bước tuy đã vượt qua cái tâm chứng ngộ, nhưng còn đọng ở cái trí năng giác, như mệnh căn kia, nó tiềm phục ở trong, đó gọi là tướng thọ mệnh.
2 Nhận hết thảy ngã là Niết bàn: Nghĩa là vọng nhận hết thảy ngã làm Niết bàn. Như vọng nhận có ngã tướng làm Niết bàn, lấy tự mình có chứng gọi là thành tựu. Vọng nhận nhân tướng làm Niết bàn, lấy tự mình có chứng gọi là thành tựu. Vọng nhận tướng chúng sinh làm Niết bàn, lấy tự mình có liễu gọi là thành tựu. Vọng nhận tướng thọ mệnh làm Niết bàn, lấy tự mình có giác gọi là thành tựu.
Tại sao biết được pháp chẳng giải thoát? Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp kia, những người tu tập Bồ đề, lấy điều chứng đắc nhỏ bé của mình, làm tự thanh tịnh, nên vẫn chưa thể hết được cội rễ của ngã tướng. Nếu lại có người tán thán pháp kia, liền sinh hoan hỷ, muốn tế độ. Hoặc lại có người, phỉ báng chỗ chứng ngộ kia, liền sinh sân hận. Từ đó biết được ngã tướng còn chấp trì bền chắc, tiềm phục nơi tạng thức, du hý ở các căn, từng không gián đoạn.
Thiện nam tử! Người tu đạo kia, vì không trừ được ngã tướng, thế nên không thể vào được thanh tịnh giác. Thiện nam tử! Nếu biết ngã không, nhưng lại còn cho là có ngã thuyết pháp, thì ngã chưa đoạn trừ. Tướng chúng sinh, tướng thọ mệnh, cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, thì nói bệnh là pháp, thế nên gọi là kẻ đáng thương xót, tuy siêng năng tinh tiến, chỉ tăng thêm mọi bệnh. Thế nên không thể vào được thanh tịnh giác.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, không liễu ngộ rõ bốn tướng, lấy chỗ hiểu và tu hành của Như Lai làm chỗ tu hành của mình nên trọn không thành tựu. Hoặc có chúng sinh, chưa được nói là được, chưa chứng bảo là chứng, thấy kẻ tiến hơn, tâm sinh tật đố. Bởi chúng sinh kia, chưa đoạn được ngã ái, thế nên không thể vào được thanh tịnh giác.
Thiện nam tử! Chúng sinh đời mạt pháp, hy vọng được thành đạo, không mong cầu ngộ, chỉ chuộng ở nghe nhiều, để tăng trưởng phần ngã kiến. Phải nên siêng năng hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh, chỗ chưa được khiến được, chỗ chưa đoạn khiến đoạn, tất cả tham, sân, ái, mạn, siểm khúc, tật đố, khi đối cảnh chớ để phát sinh, ngã ân ái kia, hết thảy đều tịch diệt. Phật nói người đó, lần lượt được thành tựu, tìm bậc thiện tri thức, không đọa vào tà kiến. Nếu chỗ sở cầu còn sinh chút yêu ghét nào khác, thời không thể vào được bể thanh tịnh giác.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nên nói kệ rằng:
Tịnh Nghiệp thầy nên biết:
Hết thảy mọi chúng sinh,
Đều do chấp ngã ái,
Lưu chuyển vọng vô thủy.
Chưa trừ bốn thứ tướng,
Không thành tựu Bồ đề.
Yêu ghét sinh ở tâm,
Siểm khúc còn mọi niệm,
Thế nên nhiều mê muội,
Không thể vào giác thành.
Nếu trở về cõi ngộ,
Trước bỏ tham, sân, si,
Pháp ái chẳng vương tâm,
Lần lượt sẽ thành tựu.
Thân ta vốn chẳng có,
Yêu ghét từ đâu sinh?
Người này cầu thiện hữu,
Trọn không đọa tà kiến.
Cầu mà sinh phân biệt,
Vĩnh viễn không thành tựu.