Chương 8Biện Âm1
Lúc đó, Bồ tát Biện Âm ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Pháp môn như thế rất là hy hữu. Bạch Thế Tôn! Mọi phương tiện này có mấy thứ tu tập, ở môn Viên giác đối với hết thảy Bồ tát! Xin Thế Tôn vì đại chúng và chúng sinh đời sau phương tiện khai thị khiến được ngộ vào thực tướng. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Biện Âm rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, hỏi về cách tu tập như thế ở Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Biện Âm vui mừng nghe lời Phật chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
1 Chương này nói rõ về pháp môn tu tập ba quán: Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na, có đơn kép, ly hợp, biến hóa khác nhau, hình thành 25 định luân, tức 25 quán. Luân là bánh xe, có nghĩa là nghiền nát. Định luân hay nghiền nát mọi hoặc chướng và phiền não để chuyển thành chính trí.
Thiện nam tử! Viên giác của hết thảy Như Lai thì vốn dĩ thanh tịnh, không có pháp để tu tập và người tu tập. Hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời sau, nương vào chỗ chưa giác ngộ, tu tập theo sức huyễn. Khi ấy liền có 25 thứ định luân thanh tịnh1.
1 25 định luân: chú thích này đưa về phần phụ lục.
Nếu chư Bồ tát, duy lấy cực tĩnh, do nơi sức tĩnh đoạn diệt vĩnh viễn phiền não, được thành tựu cứu cánh, ở ngay nơi tòa ngồi, liền chứng vào Niết bàn. Tu tập hạnh Bồ tát này gọi là “Đơn tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, chỉ lấy quán như huyễn, vì lấy sức Phật, biến hóa các loại tác dụng của thế giới, làm đầy đủ diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát, mà không mất tịnh niệm và mọi tĩnh tuệ của Đà la ni. Tu tập hạnh Bồ tát này gọi là “Đơn tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, chỉ diệt mọi huyễn, không lấy tác dụng, mà chỉ đoạn phiền não, đoạn hết phiền não, liền chứng vào thực tướng. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Đơn tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, trước lấy chí tĩnh, lấy tâm tu tĩnh tuệ, chiếu mọi cảnh huyễn, liền ở trong đó, khởi ra hạnh Bồ tát. Tu tập hạnh Bồ tát này gọi là “Trước tu Sa ma tha, sau tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, vì lấy tĩnh tuệ, chứng vào tính chí tĩnh, bèn đoạn được phiền não, thoát vĩnh viễn đường sinh tử (tịch quán). Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Sa ma tha, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy tuệ tịch tĩnh, lại hiện ra huyễn lực, các loại biến hóa, độ các chúng sinh sau đoạn phiền não mà vào tịch diệt. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Sa ma tha, giữa tu Tam ma bát đề, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức chí tĩnh, đoạn phiền não rồi, sau khởi ra diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát, độ mọi chúng sinh. Tu tập hạnh Bồ tát này gọi là “Trước tu Sa ma tha, giữa tu Thiền na, sau tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức chí tĩnh, giữa tu đoạn phiền não ở tâm, lại độ chúng sinh, kiến lập thế giới. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Sa ma tha, sau tu Tam ma bát đề với Thiền na cùng lúc”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức chí tĩnh, giúp phát sinh biến hóa, sau đoạn phiền não. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Tu Sa ma tha cùng lúc với Tam ma bát đề, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức chí tĩnh dùng giúp tịch diệt, sau khởi ra mọi tác dụng, biến hóa các cảnh giới. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “tu Sa ma tha cùng lúc với Thiền na, sau tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa, tùy thuận các loại huyễn hóa, rồi lấy chí tĩnh. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Tam ma bát đề, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa, các loại cảnh giới, rồi lấy tịch diệt. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Tam ma bát đề, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa mà làm việc Phật, an trụ tịch tĩnh mà đoạn phiền não. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Tam ma bát đề, giữa tu Sa ma tha, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy tác dụng vô ngại của sức biến hóa, đoạn trừ phiền não, an trụ ở chí tĩnh. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Tam ma bát đề, giữa tu Thiền na, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa, khởi phương tiện tác dụng, tùy thuận với cả hai, chí tĩnh và tịch diệt. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Tam ma bát đề, sau tu Sa ma tha cùng lúc với Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa, khởi các loại tác dụng, để giúp cho chí tĩnh, sau đoạn phiền não. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “tu Tam ma bát đề cùng lúc với Sa ma tha, sau tu Thiền na”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức biến hóa, giúp cho tịch diệt, an trụ ở Tĩnh lự vô tác thanh tịnh. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “tu Tam ma bát đề cùng với Thiền na, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức tịch diệt mà khởi chí tĩnh, trụ ở thanh tịnh. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Thiền na, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức tịch diệt mà khởi tác dụng, tùy thuận tịch dụng ở hết thảy cảnh. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Thiền na, sau tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, lấy tự tính của các loại sức của tịch diệt, an trụ ở tĩnh lự mà khởi biến hóa. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Trước tu Thiền na, giữa tu Sa ma tha, sau tu Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức tự tính vô tác của sức tịch diệt, khởi ra tác dụng cảnh giới thanh tịnh, rồi trở về tĩnh lự. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là trước tu Thiền na, giữa tu Tam ma bát đề, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy các loại thanh tịnh của sức tịch diệt, mà trụ ở tĩnh lự, rồi khởi ra biến hóa. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là: “Trước tu Thiền na, sau tu Sa ma tha cùng lúc với Tam ma bát đề”.
Nếu chư Bồ tát, lấy sức tịch diệt, giúp cho chí tĩnh mà khởi ra biến hóa. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “tu Thiền na cùng lúc với Sa ma tha, sau tu Tam ma bát đề.”
Nếu chư Bồ tát, lấy sức tịch diệt, giúp cho biến hóa, mà khởi cảnh tuệ của chí tĩnh trong sáng. Tu hạnh Bồ tát này, gọi là “tu Thiền na cùng lúc với Tam ma bát đề, sau tu Sa ma tha”.
Nếu chư Bồ tát, lấy tuệ Viên giác, viên hợp hết thảy ở mọi tính, tướng, không lìa tính giác. Tu tập hạnh Bồ tát này, gọi là “Viên tu ba thứ tự tính thanh tịnh tùy thuận”.
Thiện nam tử! Đó gọi là 25 luân của Bồ tát. Hết thảy sự tu hành của Bồ tát là như thế. Nếu chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, tu theo những luân này, phải giữ phạm hạnh, tịch tĩnh, tư duy, cầu khẩn, thương xót, sám hối, trải qua ba tuần 21 ngày; làm ký hiệu cho 25 định luân này, gấp xếp thành nút, an trí nơi đạo tràng, rồi chí tâm cầu khẩn, thuận tay bốc một nút, y nơi khai thị trong đó, liền biết được tu đốn hay tu tiệm, nếu thảy một niệm nghi ngờ, tức thì không thành tựu.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Biện Âm thầy nên biết,
Hết thảy chư Bồ tát,
Tuệ thanh tịnh vô ngại,
Đều y thiền định sinh.
Đó là Sa ma tha,
Tam ma đề, Thiền na,
Ba pháp tu đốn, tiệm,
Có hai mươi lăm thứ.
Mười phương chư Như Lai,
Tu hành trong ba đời,
Đều cùng nhân pháp này,
Mà được thành Bồ đề;
Duy trừ người đốn giáo,
Và chẳng tùy thuận pháp.
Hết thảy chư Bồ tát,
Và chúng sinh đời mạt,
Thường phải trì luân này,
Tùy thuận siêng tu tập,
Nương sức Phật đại bi,
Mau chóng chứng Niết bàn.