Chương 7Oai Đức Tự Tại1
Lúc đó, Bồ tát Oai Đức Tự Tại, ở trong đại chúng từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn, Ngài đã vì chúng con phân biệt rõ ràng cảnh tùy thuận giác tính như thế, khiến cho chư Bồ tát tâm giác được sáng tỏ, nương vào viên âm của Phật, không nhân nơi tu tập mà được lợi ích tốt đẹp.
Bạch Thế Tôn, ví như thành trì lớn, bên ngoài có bốn cửa, tùy từng phương hướng cho người qua lại, chẳng phải chỉ có một đường. Hết thảy Bồ tát trang nghiêm nước Phật và thành đạo Bồ đề, chẳng phải chỉ noi theo một phương tiện. Kính xin Thế Tôn, mở lòng từ bi vì chúng con, tuyên thuyết hết thảy phương tiện thứ tự và người tu hành gồm có mấy thứ? Khiến cho Bồ tát trong hội này và chúng sinh đời sau, người cầu đạo Đại thừa, mau chóng được khai ngộ, được tự tại ở biển đại tịch diệt của Như Lai. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Chương này nói về hành tướng của tam quán: Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na, là những phương tiện tu hành của bậc trung căn tu chứng.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Oai Đức Tự Tại Bồ tát rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, hỏi những phương tiện như thế ở Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Oai Đức Tự Tại vui mừng, vâng lời Phật chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Diệu giác vô thượng, biến khắp mười phương, sinh ra Như Lai và hết thảy pháp, đều cùng thể bình đẳng, đối với mọi sự nghiệp tu hành thật không có hai. Nhưng những phương tiện tùy thuận, số đó có vô lượng. Nếu nhiếp chỗ quy tụ tròn đầy, theo căn tính khác nhau thì có ba thứ:
Thiện nam tử! Nếu chư Bồ tát đã ngộ được Tịnh Viên giác, dùng tâm tịnh giác, lấy tĩnh là hạnh tu hành, bởi lắng được mọi niệm, nên biết được tướng khuấy động của thức. Nhân tĩnh mà tuệ phát sinh, khách trần của thân tâm, diệt vĩnh viễn từ đây, bên trong liền hay phát sinh tịch tĩnh nhẹ nhàng. Do tịch tĩnh nên tâm của chư Như Lai khắp mười phương thế giới hiển hiện như bóng trong gương. Tu phương tiện này, gọi là Sa ma tha1.
1 Sa ma tha: Dịch là chỉ, tên riêng của định, có nghĩa là tịch tĩnh. Tọa thiền để tĩnh chỉ hết thảy vọng niệm. Thế nên muốn có được tâm tịnh giác, cần phải tu phương pháp tịch tĩnh làm gốc.
Thiện nam tử! Nếu chư Bồ tát đã ngộ được Tịnh Viên giác, lấy tâm tịnh giác, biết được tâm tính, cùng với căn trần, đều nhân vì huyễn hóa, liền khởi mọi huyễn để trừ diệt huyễn, biến hóa ra mọi huyễn mà khai thị cho huyễn chúng sinh. Do nơi khởi huyễn liền hay phát khởi lòng đại bi nhẹ nhàng ở trong. Hết thảy Bồ tát từ nơi khởi hạnh này, mà tăng tiến dần dần. Phần quán huyễn kia vì chẳng cùng huyễn thì quán chẳng cùng huyễn hóa, đó cũng đều là huyễn, nên xa lìa vĩnh viễn được tướng huyễn. Diệu hạnh tròn đầy của chư Bồ tát đây, cũng như đất làm tăng trưởng mầm cây. Tu phương tiện này, gọi là Tam ma bát đề2.
2 Tam ma bát đề (Samāpatti): Dịch là đẳng trì, hay là đẳng chỉ, nghĩa là tu pháp quán này, giữ cho tâm ở trạng thái bình tĩnh, không hãm ở động loạn hay hôn trầm, do đó đưa đến thắng cảnh bình tĩnh, nên gọi là đẳng trì hay đẳng chỉ.
Thiện nam tử! Nếu chư Bồ tát, đã ngộ được Tịnh Viên giác, lấy tâm tịnh giác, chẳng lấy huyễn hóa và mọi tĩnh tướng, nên biết rõ thân tâm đều là chướng ngại. Nguồn sáng không tri giác, chẳng nương ở mọi ngại, vượt qua vĩnh viễn cảnh chướng ngại và vô ngại. Thế giới thọ dụng cùng với thân tâm, cùng ở cõi trần, tựa như tiếng coong trong đồ kim khí, tiếng thoát ra ngoài. Phiền não và Niết bàn không cùng để vướng ngại nhau, tức thì bên trong phát ra tịch diệt nhẹ nhàng. Cảnh giới tịch diệt ở tùy thuận, diệu giác, thì thân tâm của tự mình, tha nhân không thể tới kịp. Thọ mạng của chúng sinh, đều là phù tưởng. Tu phương tiện này, gọi là Thiền na1.
1 Thiền na: Dịch là tĩnh lự. Tĩnh tức là chỉ, lự tức là quán, có nghĩa là chỉ quán song tu, để định tuệ được quân bình, không như Sa ma tha thiên về tu ở định (chỉ), hay Tam ma bát đề thiên về tu ở quán (tuệ).
Thiện nam tử! Ba pháp môn này, đều là tùy thuận thân cận ở Viên giác, Như Lai ở mười phương nương ở đây mà thành Phật. Hết thảy các loại phương tiện của mười phương Bồ tát giống nhau hoặc khác nhau, nhưng cũng đều nương vào ba thứ sự nghiệp như thế, nếu được viên chứng, tức thành Viên giác.
Thiện nam tử! Giả sử có người tu theo Thánh đạo, giáo hóa thành tựu cho trăm ngàn vạn ức A la hán và Bích Chi Phật quả, chẳng bằng có người nghe pháp môn Viên giác vô ngại này, chỉ một khoảnh sát na mà tùy thuận tu tập.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Oai Đức thầy nên biết,
Tâm đại giác vô thượng,
Vốn không cả hai tướng,
Tùy thuận mọi phương tiện,
Số đó có vô lượng.
Như Lai tóm khai thị,
Chia ra ba chủng loại:
Tịch tĩnh Sa ma tha,
Như gương soi mọi tượng;
Như huyễn Tam ma đề,
Như mầm cây tăng trưởng;
Thiền na duy tịch diệt,
Như tiếng trong vật kia.
Ba pháp môn vi diệu,
Đều là giác tùy thuận,
Mười phương chư Như Lai,
Và chư Đại Bồ tát,
Nhân đây đều thành đạo.
Viên chứng được ba môn,
Gọi cứu cánh Niết bàn.