Chương 6Thanh Tịnh Tuệ1
Lúc đó, Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn, xin vì chúng con, giảng dạy chi tiết việc bất khả tư nghì như thế, vốn xưa nay chẳng được thấy, chẳng được nghe. Ngày nay chúng con, nhờ sự khéo léo chỉ bảo của Phật, thân tâm đều thư thái, được ích lợi hơn. Xin Thế Tôn vì hết thảy chúng sinh cầu pháp đã tụ họp nơi đây, mà tuyên lại tự tính giác viên mãn của Pháp vương, những chỗ chứng và đắc của Như Lai Thế Tôn, các hàng Bồ tát cùng hết thảy chúng sinh, khác nhau như thế nào? Khiến cho chúng sinh đời sau được nghe Thánh giáo này, tùy thuận khai ngộ, mà thứ tự chứng đắc. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Các chương trên đã bàn về căn nguyên của giác trí mê ngộ, cội rễ của luân hồi, đã biết được tính Viên giác dù là Thánh hay phàm cũng không khác, nhưng chưa rõ được cái tâm tùy thuận Viên giác từ phàm tới Thánh khác nhau như thế nào, nên chương này giải thích rõ về trật tự khác nhau của bốn chúng ấy.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, thỉnh hỏi về nghĩa thứ tự khác nhau của Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó Bồ tát Thanh Tịnh Tuệ vui mừng, vâng lời Phật chỉ dạy và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Tự tính của Viên giác chẳng phải tính mà có tính, noi theo mọi tính mà khởi1; không lấy cũng không chứng, ở trong nơi thực tướng, không có chư Bồ tát và hết thảy chúng sinh. Tại làm sao? Bồ tát, chúng sinh đều là huyễn hóa, vì huyễn hóa diệt, tất cả đều không, nên không có lấy chứng. Giống như đôi mắt không tự thấy mắt, tự tính viên giác vốn bình đẳng, không có chủ thể nào có khả năng làm cho bình đẳng. Chúng sinh bị mê muội điên đảo, chưa thể trừ diệt được hết thảy cảnh tượng huyễn hóa, nên chỗ đã diệt hoặc chưa trừ diệt, hãy còn trong công dụng hư vọng, bèn hiển hiện có khác nhau. Nếu tới cảnh tùy thuận tịch diệt của Như Lai, thật không có tịch diệt và người chứng được tịch diệt.
1 Chẳng phải tính mà có tính, noi theo mọi tính mà khởi: Bản thể của Viên giác thì vượt qua cả năm tính sai biệt, nên nói không phải tính. Nhưng tính sai biệt đều không xa lìa Viên giác, nên gọi là có tính. Viên giác thì nương vào tính sai biệt mà hiển hiện mọi pháp, nên noi theo mọi tính mà khởi.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh từ đời vô thủy trở lại, do nơi vọng tưởng cái ta, yêu cái ta, từng không tự biết, niệm niệm sinh diệt, nên khởi ra yêu ghét, đắm trước nơi ngũ dục. Nếu gặp bậc thiện hữu, dạy bảo khiến khai ngộ được tính Viên giác thanh tịnh, soi rõ niệm niệm khởi diệt, liền biết tính nó cũng tự “trần lao tư lự”. Nếu lại có người đoạn trừ vĩnh viễn được trần lao tư lự, tới được tịnh pháp giới, chấp vào “tịnh giải” kia, tự làm cho chướng ngại nên không được tự tại trong nơi Viên giác. Đó gọi là tùy thuận giác tính của phàm phu1.
1 Tùy thuận giác tính của phàm phu: Thuộc tín vị tức Thập tín; tùy thuận giác tính của Bồ tát, chưa vào ngôi địa, thuộc địa Tiền hay Hiền vị, tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng. Tùy thuận giác tính của Bồ tát, đã vào ngôi địa thuộc Địa thượng, hay Thánh vị tức Thập địa. Tùy thuận giác tính của Như Lai thuộc Diệu giác, tức Quả vị.
Thiện nam tử! Hết thảy Bồ tát do sự hiểu biết của chính mình mà bị nó làm chướng ngại, cho dù đoạn trừ được điều đó nhưng còn trụ nơi thấy có sự giác ngộ, rồi chính thấy có sự giác ngộ này làm cho chướng ngại mà không được tự tại. Đó gọi là tùy thuận giác tính của Bồ tát chưa vào ngôi địa.
Thiện nam tử! Có chiếu có giác, đều gọi là chướng ngại, thế nên Bồ tát, thường giác không trụ, chiếu cùng chỗ chiếu đồng thời tịch diệt. Ví như có người, tự cắt đầu mình, đầu đã cắt rồi thời không có chủ thể cắt đầu đó. Bởi vì tất cả đều là do tâm tạo ra, nếu lấy tâm chướng ngại này trừ bỏ đi, thì các loại chướng ngại không còn nữa. Lời trong kinh dạy: Như ngón tay chỉ mặt trăng, bằng như thấy được mặt trăng, thời biết rõ ngón tay hoàn toàn không phải là mặt trăng. Các loại ngôn giáo của hết thảy Như Lai, khai thị cho Bồ tát, cũng lại như thế. Đó là tùy thuận giác tính của Bồ tát đã vào ngôi địa.
Thiện nam tử! Hết thảy mọi chướng ngại tức là cứu cánh giác1: chính niệm và thất niệm đều là giải thoát; pháp thành và pháp phá, đều là Niết bàn; trí tuệ và ngu si đều cùng là Bát nhã; Bồ tát và ngoại đạo, những pháp môn thành tựu của họ, đều cùng là Bồ đề; vô minh và chân như, đều cùng là cảnh giới không có khác; ba học giới, định, tuệ, ba độc dâm, nộ, si, đều cùng là phạm hạnh; chúng sinh, quốc độ, đều cùng là một pháp tính; địa ngục, thiên cung, đều cùng là Tịnh độ; có tính linh, không tính linh đều cùng thành Phật đạo; hết thảy phiền não toàn là giải thoát; tuệ như biển pháp giới soi rõ mọi tướng, cũng như hư không. Đó gọi là tùy thuận giác tính của Như Lai.
1 Từ câu “Hết thảy mọi chướng ngại tức là cứu cánh giác” trở xuống có mười cặp đối nhau, là nói về huyền lý của mê ngộ nhất thể, phiền não tức Bồ đề, trọng nơi tùy thuận giác tính của như Lai.
Thiện nam tử! Riêng chư Bồ tát và chúng sinh về tất cả đời sau này không khởi vọng niệm, ở mọi vọng tâm cũng không ngăn chặn, trụ cảnh vọng tưởng đừng thêm biết rõ ở chỗ không biết rõ, không bàn chân thực. Mọi chúng sinh kia, nghe pháp môn này, tin hiểu thọ trì, không sinh lòng sợ hãi. Đó gọi là tùy thuận giác tính.
Thiện nam tử! Các ông nên biết, chúng sinh như thế, đã từng cúng dường trăm ngàn vạn ức hằng hà sa chư Phật và Đại Bồ tát, trồng mọi công đức, Phật nói người ấy đã thành tựu “nhất thiết chủng trí”.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Thanh Tịnh Tuệ nên biết,
Tính Bồ đề viên mãn,
Không lấy cũng không chứng,
Không Bồ tát, chúng sinh.
Giác cùng khi chưa giác,
Lần lượt có sai khác,
Chúng sinh vì giải ngại (Tín vị),
Bồ tát chưa lìa giác (Hiền vị).
Vào địa tịch diệt mãi (Thánh vị),
Không trụ hết thảy tướng.
Đại giác đều viên mãn (Quả vị),
Gọi là khắp tùy thuận.
Chư chúng sinh đời sau,
Tâm không sinh hư vọng,
Phật nói người như thế,
Hiện đời là Bồ tát.
Cúng dường hằng sa Phật,
Công đức đã viên mãn,
Tuy có nhiều phương tiện,
Đều gọi trí tùy thuận.