Chương 5Di Lặc1
Lúc đó, Bồ tát Di Lặc ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài rộng vì các hàng Bồ tát chỉ dạy kho tàng bí mật2 khiến cho đại chúng hiểu biết sâu sắc ý nghĩa luân hồi, phân biệt rõ ràng nẻo chính đường tà, làm cho hết thảy chúng sinh đời sau, được con mắt đạo vô úy; đối với đại Niết bàn, sinh lòng tin quyết định, không tiếp tục trôi theo cảnh giới luân hồi, khởi ra hiểu biết sai lầm nữa.
Bạch Thế Tôn! Nếu chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, muốn được tự do tự tại ở biển đại tịch diệt của Như Lai, làm thế nào sẽ đoạn được căn bản luân hồi? Ở mọi ngả luân hồi, có bao nhiêu thuộc tính? Tu tập Bồ đề của Phật có bao nhiêu phương pháp khác nhau? Trở vào cõi trần lao, sẽ thiết lập bao nhiêu phương tiện giáo dục hóa độ mọi chúng sinh? Kính xin Ngài chẳng bỏ lòng đại bi cứu đời; khiến cho hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời sau, những người tu hành, được con mắt trí tuệ trong sáng, chiếu rọi vào gương lòng, viên ngộ được tri kiến vô thượng của Như Lai. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Chương này giải thích về cội rễ của luân hồi và chủng tính khác nhau của hết thảy chúng sinh, dạy người tu hành cần phải đoạn trừ chướng hoặc để được vào biển Đại Viên giác.
2 Kho tàng bí mật: tức Bí mật tạng. Chúng sinh vốn đầy đủ Viên giác, vốn đã thành Phật, mà Phật tính này bị bao phủ bởi màn vô minh, sinh tử luân hồi ở trong tâm mỗi chúng sinh. Nghĩa này không phải phàm tình có thể biết được, cũng không phải đem thường thức nông cạn có thể lường biết được, nên gọi là bí mật. Như vàng còn ở trong quặng, nên gọi là tạng.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Di Lặc rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, thỉnh hỏi về ý nghĩa vi diệu bí mật thâm áo của Như Lai, khiến chư Bồ tát được con mắt tuệ trong sáng và khiến hết thảy chúng sinh đời sau đoạn vĩnh viễn được luân hồi, tâm ngộ được thực tướng, đầy đủ vô sinh nhẫn. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Di Lặc vui mừng, vâng lời Phật chỉ dạy, cùng tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh từ đời vô thủy, bởi vì có ân ái tham dục, nên có luân hồi. Giả sử hết thảy chủng tính của mọi thế gian, bao gồm noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, đều do nơi dâm dục mà có được tính mệnh, nên biết luân hồi do “ái” làm căn bản. Bởi có mọi dục, giúp nảy tính ái, thế nên hay khiến sinh tử nối tiếp nhau như thế. Dục từ ái mà sinh, tính mệnh nhân từ dục mà có, chúng sinh yêu tính mệnh, lại nương ở gốc dục, lấy ái dục làm nhân, yêu thích mệnh làm quả. Bởi nơi dục cảnh, khởi ra tâm chán ghét hoặc thích thú cảnh giới với tâm ái liền sinh ra ghen ghét, tạo nên mọi thứ nghiệp, vì thế lại phát sinh ở địa ngục và ngạ quỷ. Biết dục phải chán lìa, yêu thích đường chân, lìa nghiệp ác, vui nghiệp thiện thì sinh ra ở cõi trời và cõi người. Vì lại biết mọi ái đáng chán ghét, nên bỏ “ái”, vui “xả”, lại tăng thêm cái gốc của ái, liền hiện ở quả thiện hữu vi tăng thượng, vì đều là luân hồi, không thành được Thánh đạo. Thế nên chúng sinh, nếu muốn thoát sinh tử khỏi mọi luân hồi, trước hết phải đoạn diệt tham dục và trừ bỏ khát ái.
Thiện nam tử! Sự biến hóa thần thông thị hiện của Bồ tát ở thế gian chẳng phải do ái làm gốc mà chỉ lấy lòng từ bi, khiến cho chúng sinh kia trừ bỏ ái dục, chỉ tạm mượn tham dục mà vào cõi sinh tử thế gian. Nếu hết thảy chúng sinh đời sau, hay bỏ được mọi tham dục, trừ được yêu ghét, diệt mọi luân hồi, tinh tiến cầu cảnh giới Viên giác của Như Lai, với lòng thanh tịnh, liền được khai ngộ.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh, bởi gốc tham dục, nảy phát ra vô minh, hiển hiện thành năm chủng tính khác nhau không đồng đều, y vào hai thứ chướng1 mà hiện ra nông sâu. Những gì là hai chướng? Một là lý chướng, chướng ngại phần chính tri kiến; hai là sự chướng, tiếp tục mọi sinh tử.
1 Hai chướng: (1) Lý chướng, cũng gọi là sở tri chướng. Như chân lý là pháp có thể biết được, lại do mê mà chẳng biết, nên gọi là chướng. Do nơi pháp bị chướng, nên gọi là lý chướng; (2) Sự chướng, cũng gọi là phiền não chướng. Chúng sinh chẳng rõ sự hòa hợp là giả pháp, chấp là có ngã. Do nơi chấp ngã mà thành si, nhân si mà có tham, còn nếu trái với ngã liền có sân, khởi ra phiền não, mê mất sự thật bị sinh tử luân hồi, nên gọi là sự chướng, hay phiền não chướng.
Những gì là năm chủng tính? Thiện nam tử! Nếu hai chướng này, chưa đoạn diệt được, gọi là chưa thành Phật. Nếu chúng sinh bỏ vĩnh viễn được tham dục, trừ được sự chướng trước, chưa đoạn được lý chướng, nên chỉ ngộ vào hàng Thanh văn và Duyên giác, chưa thể trụ ở cảnh giới của Bồ tát được.
Thiện nam tử! Nếu hết thảy chúng sinh ở đời sau, muốn được tự tại vào biển Đại Viên giác của Như Lai, trước hết phải phát nguyện, đoạn trừ hai chướng. Hai chướng đã ngăn chặn rồi, liền ngộ vào cảnh giới của Bồ tát. Nếu sự chướng và lý chướng đã đoạn diệt vĩnh viễn, tức vào được Viên giác vi diệu của Như Lai, đầy đủ cả Bồ đề và Niết bàn.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh đều chứng được Viên giác, nếu gặp bậc thiện tri thức hướng dẫn, y cứ vào pháp hạnh nhân địa của họ, khi ấy tu tập bèn có đốn ngộ và tiệm thứ. Nếu gặp đường chính tu hành vô thượng Bồ đề của Như Lai, thời căn cơ bất luận nhạy bén hay chậm lụt, họ đều thành quả Phật. Nếu như chúng sinh, tuy cầu thiện hữu, lại gặp người tà kiến, chưa được chính ngộ, thời đó gọi là ngoại đạo chủng tính. Đó là lỗi lầm của tà sư, không phải lỗi của chúng sinh, như thế gọi là năm chủng tính khác nhau của chúng sinh.
Thiện nam tử! Bồ tát chỉ lấy lòng đại bi và phương tiện thị hiện vào thế gian, khai phát cho kẻ chưa ngộ, lại thị hiện vô số các thứ hình tướng, vô số cảnh giới thuận nghịch, cùng đồng sự với các chúng sinh ấy, để giáo hóa khiến thành Phật. Các Ngài đều nương vào sức nguyện thanh tịnh từ vô thủy mà hoá độ. Nếu hết thảy chúng sinh về đời sau này, đối với Đại Viên giác, phát khởi tâm tăng thượng, phát đại nguyện thanh tịnh của Bồ tát, nên nói như thế này: Nguyện con đời hiện tại nay trụ vào Viên giác của Phật, cầu bậc thiện tri thức chỉ dẫn, không gặp phải ngoại đạo và Nhị thừa, nương theo nguyện lực tu hành, đoạn dần được mọi chướng ngại, chướng ngại hết rồi hạnh nguyện tròn đầy, lên được pháp địa thanh tịnh giải thoát, chứng ngộ cảnh giới Diệu trang nghiêm của Đại Viên giác.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Di Lặc thầy nên biết,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Không được đại giải thoát,
Đều bởi vì tham dục,
Đọa lạc trong sinh tử.
Nếu hay đoạn yêu ghét,
Và cùng tham sân si,
Không chủng tính khác nữa,
Đều được thành Phật đạo.
Hai chướng diệt vĩnh viễn,
Cầu thầy được chính ngộ,
Tùy thuận nguyện Bồ tát,
Y chỉ Đại Niết bàn.
Chư Bồ tát mười phương,
Đều lấy nguyện đại bi,
Thị hiện vào sinh tử.
Người tu hành hiện tại,
Và chúng sinh đời sau,
Cần đoạn mọi ái kiến,
Liền về Đại Viên giác.