Chương 4Kim Cương Tạng1
Lúc đó, Bồ tát Kim Cương Tạng ở trong đại chúng từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay, mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài vì hết thảy chư Bồ tát, tuyên dương phương pháp tu phương tiện thứ tự và nhân địa pháp hạnh đại Đà la ni, Viên giác thanh tịnh của Như Lai. Vì mọi chúng sinh khai phát chỗ mông muội, cho phép hội chúng nương lời từ huấn của Phật, gột sạch mọi huyễn ế, để mặt trời trí tuệ được trong sáng.
Bạch Thế Tôn! Nếu mọi chúng sinh vốn đã thành Phật2, tại sao lại có hết thảy vô minh? Còn nếu chúng sinh sẵn có mọi vô minh, vì nhân duyên gì Như Lai lại nói vốn đã thành Phật? Loài dị sinh3 ở mười phương, vốn thành Phật đạo, sau đó lại khởi vô minh, vậy hết thảy Như Lai, khi nào lại sinh các thứ phiền não?
1 Kim Cương theo dụ mà có tên. Ngọc Kim Cương cứng mà lại sắc, vì cứng nên hủy diệt được mọi vật, vì sắc bén nên cắt nát được hết thảy. Trí tuệ của Bồ tát cũng lại như vậy. Chương này chủ yếu giải thích về tính Diệu giác viên chiếu thì siêu việt cả mê và ngộ, trước và sau.
2 Vốn đã thành Phật: Nếu chúng sinh vốn đã thành Phật thì không sinh ra vô minh. Nếu vô minh vốn có thì không có vốn đã thành Phật. Chúng sinh vốn đã thành Phật, nếu lại khởi ra vô minh thì sau khi thành Phật rồi, cũng lại khởi ra vô minh chăng?
3 Dị sinh: Là các loài chúng sinh.
Kính xin Thế Tôn, rủ lòng đại từ bình đẳng, vì chư Bồ tát, mở tạng bí mật, và vì hết thảy chúng sinh đời sau, được nghe pháp môn liễu nghĩa, kinh điển như thế, để đoạn trừ vĩnh viễn mọi ngờ vực, ăn năn. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế trước sau ba lần.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Kim Cương Tạng Bồ tát rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời sau, hỏi về những phương tiện cứu cánh bí mật thậm thâm của Như Lai. Đó là Đại thừa liễu nghĩa giáo dục tối thượng của chư Bồ tát, hay khiến các Bồ tát tu học ở mười phương và hết thảy mọi chúng sinh đời sau, đoạn diệt vĩnh viễn mọi ngờ vực, ăn năn, được lòng tin quyết định. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Kim Cương Tạng vui mừng, vâng nghe lời chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Hết thảy thế giới, thủy, chung; sinh, diệt; trước, sau; có, không; tụ, tán; khởi, ngưng1; niệm niệm nối tiếp, tuần hoàn xoay chuyển, các loại lấy bỏ, thì đó đều là luân hồi. Nếu chưa ra khỏi luân hồi mà bàn tới Viên giác thì tính Viên giác kia, tức cùng xoay chuyển theo. Nếu thoát khỏi luân hồi, thời không có lẽ đó. Ví như mắt chớp thấy nước đang tĩnh lặng mà dao động; lại như mắt lắng nhìn thấy đốm lửa do quay chuyển liên tục thành vòng lửa; giống như mây bay thì nhìn lên thấy ngỡ vầng trăng di chuyển; cũng giống như chiếc thuyền lướt sóng thì thấy bờ đê có đổi dời.
1 Thủy, chung; sinh, diệt; trước, sau; có, không; tụ, tán; khởi, ngưng: Đó là sáu phần đối lập của hết thảy thế giới. Trong sáu đối này, hai đối đầu là “thủy, chung” và “sinh, diệt” thuộc cả tình thế giới và khí thế giới. Thủy là bắt đầu, chung là kết thúc; sinh là mới khởi, diệt là rơi rụng tàn tạ. Ba đối tiếp theo là “trước, sau”; “có, không”; “tụ, tán” chỉ ước định ở khí thế gian. Trước là thời quá khứ, sau là thời vị lai; có thuộc trụ kiếp, không thuộc không kiếp; tụ thuộc thành kiếp, tán thuộc hoại kiếp. Một đối lập sau chót là “khởi, ngưng”, ước định ở tình thế gian. Khởi thuộc về hiện hành, ngưng thuộc về tiềm phục. Sáu đối trên đây để biện bạch về lẽ luân hồi, nếu tâm trụ vào phần hữu vi tức là tâm đó thuộc tâm luân hồi.
Thiện nam tử! Mọi lưu chuyển chưa chấm dứt, thì khiến các thứ khác dừng lại còn không thể được, huống là cấu tâm nhơ nhớp, sinh tử luân hồi, chưa từng thanh tịnh mà quan sát Viên giác của Như Lai, há lại chẳng quay chuyển vậy ư? Vì thế nên các thầy mới nảy ra ba điều nghi ngờ2.
2 Ba điều nghi ngờ: (1) Nếu chư chúng sinh vốn đã thành Phật, tại sao lại có hết thảy vô minh, đó là nghi ngờ về khởi nguyên của vô minh; (2) Nếu chúng sinh sẵn có mọi vô minh, vì nhân duyên gì Như Lai lại nói vốn đã thành Phật. Đó là ngờ về vốn đã thành Phật; (3) Thập phương dị sinh vốn thành Phật Đạo nếu sau lại khởi vô minh, hết thảy Như Lai, khi nào lại sinh khởi các thứ phiền não. Đó là ngờ về sau khi ngộ rồi vẫn còn vô minh.
Thiện nam tử! Ví như đôi mắt bị bệnh1 lầm thấy đóa hoa trong hư không, sau khi cảnh tượng được thấy mất đi, thì cũng không thể khẳng định rằng cảnh tượng đó hoàn toàn biến mất, hoặc cảnh tượng đó lúc nào lại được khởi lên. Tại vì sao? Vì hai thứ mắt bị bệnh và hoa đốm trong không trung, đều không phải là hai thứ được thành lập bởi vì nó đối lập với nhau. Cũng như hoa đốm trong hư không khi đã diệt ở hư không, thì cũng không nên khẳng định rằng, tới khi nào hư không lại sinh ra hoa đốm. Tại vì sao? Vì trong hư không vốn không có hoa, nên không có hiện tượng sinh khởi và diệt mất. Sinh tử, Niết bàn đều cùng ở chỗ sinh khởi và diệt mất, còn diệu giác thì viên chiếu, lìa cả hoa đốm trong hư không và đôi mắt bị bệnh.
1 Đôi mắt bị bệnh loạn thị (Huyễn ế): Thấy hoa đốm ở hư không là từ nơi vọng tưởng của huyễn ế, như khi con mắt bị bệnh thấy có hoa đốm trong hư không. Đó chỉ là vọng kiến, không phải là thực tại. Nhưng không thể hỏi rằng tới khi nào thì hoa đốm này lại khởi ra, và hư không tới khi nào lại sinh ra hoa đốm. Cũng đồng dạng ở thực thể của Viên giác, tới khi nào thì vô minh lại khởi ra. Đó là câu hỏi không chính xác.
Thiện nam tử! Nên biết hư không, không phải là tạm thời có, cũng không phải là tạm thời không, huống chi Viên giác tùy thuận của Như Lai, lại là bản tính bình đẳng của hư không!
Thiện nam tử! Ví như luyện quặng lấy vàng, vàng không phải luyện nấu thì nó mới có. Một khi nó đã thành vàng thì không trở lại làm quặng, dù trải qua thời gian vô cùng tận, tính chất của vàng vẫn chẳng mất đi, nên không thể kết luận rằng, tính chất của vàng đó vốn chẳng phải đã thành tựu. Viên giác của Như Lai cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Hết thảy tâm diệu giác của Như Lai, vốn dĩ không có Bồ đề và Niết bàn, cũng không có thành Phật và không thành Phật, không có cảnh tượng luân hồi và chẳng phải luân hồi.
Thiện nam tử! Ngay đến cảnh giới viên mãn của chư Thanh văn, thân tâm ngôn ngữ, đều đoạn diệt hết, cũng không còn có thể đạt đến chỗ hiện Niết bàn thân chứng kia, huống chi lại có thể đem cái tâm có tư duy mà đo lường cảnh giới Viên giác của Như Lai được, khác nào lấy lửa của đom đóm mà đốt núi Tu di, là việc không thể làm được. Lấy tâm luân hồi, sinh cái thấy luân hồi mà vào biển đại tịch diệt của Như Lai, trọn không thể đến được. Vì thế ta nói, hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời sau, trước hết phải chấm dứt cái căn bản vô thủy luân hồi.
Thiện nam tử! Phần tư duy suy nghĩ từ nơi tâm thức mà khởi ra, đều là do duyên với sáu trần vọng tưởng, không phải là thật thể của tâm. Nếu dùng phương pháp tư duy này để bàn tới cảnh giới Phật, thì cũng như đóa hoa trong hư không lại kết thành quả trái trong hư không, đều là vọng tưởng với nhau, tất không có lẽ đó.
Thiện nam tử! Tâm nông cạn hư vọng tự cho thông minh đó không thể thành tựu được phần phương tiện của Viên giác. Những gì ông ngờ vực phân biệt như thế, đều không phải là lời hỏi chính xác.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ:
Kim Cương Tạng nên biết,
Tính tịch diệt Như Lai,
Chưa từng có trước sau.
Nếu lấy tâm luân hồi,
Tư duy tức lưu chuyển,
Cho đến luân hồi mãi,
Không thể vào biển Phật.
Ví như vàng nấu quặng,
Vàng không nấu vẫn có,
Dẫu rằng vàng xưa nay,
Vẫn do nấu thành tựu,
Đã là bản chất vàng,
Không thể trở lại quặng.
Sinh tử cùng Niết bàn,
Phàm phu và chư Phật,
Là đóa hoa trong hư không,
Tư duy còn huyễn hóa,
Nữa là mọi hư vọng?
Nếu tỏ được tâm này,
Sau mới cầu Viên giác.