Chương 3Phổ Nhãn1
Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài vì các vị Bồ tát trong pháp hội này và vì hết thảy chúng sinh đời mạt pháp, diễn nói thứ lớp cách tu hành của Bồ tát, phải tư duy như thế nào? Phải trụ trì ra sao? Chúng sinh chưa ngộ, phải làm phương pháp nào khiến được khai ngộ?
Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh kia không có phương pháp chân chính và tư duy chân chính, chỉ nghe Phật Như Lai nói pháp tam muội này, thì tâm sinh mê muội tức không thể ngộ vào nơi Viên giác. Xin Phật mở lòng từ bi, vì tất cả chúng con và chúng sinh đời mạt pháp mà giảng bày phương pháp. Nói rồi, năm vóc gieo xuống sát đất, thỉnh cầu như vậy trước sau ba lần.
1 Từ chương Phổ Nhãn cho tới tám chương sau, gồm có chín lần vấn đáp về hành tướng của cách tu hành được chia thành ba loại: (1) Bốn lần vấn đáp đầu nói về quán hạnh chung cho bậc thượng căn tu chứng; (2) Bốn lần vấn đáp kế tiếp nói về quán hạnh riêng cho bậc trung căn tu chứng; (3) Một lần vấn đáp cuối nói về đạo tràng gia hành, cho bậc hạ căn tu chứng. Chương Phổ Nhãn này là chương khai thị môn quán, cùng với cảnh Phật.
Khi đó, Đức Thế Tôn bảo Phổ Nhãn Bồ tát rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp hỏi về thứ lớp cách tu hành và tư duy, trụ trì, cho đến giảng bày phương pháp của Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Phổ Nhãn Bồ tát vui mừng vâng nghe lời chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Các tân học Bồ tát kia và chúng sinh đời mạt pháp, nếu muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh của Như Lai nên phải chính niệm, xa lìa mọi huyễn cảnh. Trước hết phải nương hạnh Sa ma tha1 của Như Lai, giữ gìn giới cấm, cùng ở trong đồ chúng, tọa thiền nơi tịnh thất, thường khởi tưởng niệm như vầy: Thân ta hiện đây, do tứ đại hòa hợp thành, gồm: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, cốt, tủy, não, hình sắc nhơ nhớp đều thuộc về địa đại; bọt, dãi, mủ, máu, mồ hôi, nước mũi, đờm, nước mắt, tinh khí, đại tiện, tiểu tiện, đều thuộc về thủy đại; hơi nóng thuộc hỏa đại; động chuyển thuộc phong đại. Nếu tứ đại đều chia lìa nhau ra, cái vọng thân này sẽ nương tựa ở chốn nào? Liền biết cái thân này, rốt ráo là không có thực thể, lấy hòa hợp làm tướng, thật đều cùng huyễn hóa. Bốn duyên tạm hợp, vọng có sáu căn. Sáu căn bốn đại, trong ngoài hợp thành, vọng có nguyên khí, tích tụ ở trong, tựa có duyên tướng, tạm gọi là tâm.
1 Sa ma tha (Śamatha): Dịch là “chỉ”. Tọa thiền để đình chỉ vọng niệm, tức là phép tu định.
Thiện nam tử! Tâm hư vọng này, nếu không có sáu trần thời không thể có tồn tại. Nếu phân giải bốn đại, thời không có trần. Nếu duyên trần ở trong đều tan diệt hết, rốt ráo không còn thấy cả duyên tâm.
Thiện nam tử! Vì chúng sinh kia khi huyễn thân diệt, huyễn tâm cũng diệt; vì huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt; vì huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt; vì huyễn diệt diệt rồi, nên cái chẳng phải huyễn không diệt. Ví như lau gương, bụi hết gương sáng hiện.
Thiện nam tử! Nên biết thân tâm đều là huyễn hóa cấu bẩn. Nếu tướng cấu bẩn diệt vĩnh viễn rồi thì mười phương thanh tịnh.
Thiện nam tử! Ví như ngọc Ma Ni bảo châu thanh tịnh, khi rọi tới năm sắc đều hiện ra tùy theo mỗi phương hướng. Những kẻ ngu si thấy ngọc Ma Ni kia, lầm tưởng có năm sắc thực.
Thiện nam tử! Tính tịnh của Viên giác, khi hiện ở thân, tâm đều thích ứng tùy theo từng loài. Những kẻ ngu si kia, nói nơi tịnh Viên giác thực có tự tướng của thân tâm như thế, cũng lại như vậy. Do đó không thể xa lìa được huyễn hóa, nên nói thân tâm là huyễn cấu. Đối với ai lìa được huyễn hóa cấu bẩn thì được gọi là Bồ tát. Nếu cấu bẩn đã hết, huyễn hóa đã trừ, tức không còn cái đối trị huyễn hóa cấu bẩn và tên gọi ấy nữa.
Thiện nam tử! Bồ tát trong hội này và chúng sinh đời sau, chứng được cảnh giới diệt trừ mọi huyễn hóa, tức thì khi ấy liền được vô phương thanh tịnh1, giác được tỏ ngộ tới hư không vô biên. Vì giác tròn sáng nên hiển tâm thanh tịnh. Vì tâm thanh tịnh nên kiến trần thanh tịnh. Vì kiến trần thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh. Vì nhãn căn thanh tịnh nên nhãn thức thanh tịnh. Vì nhãn thức thanh tịnh nên văn trần thanh tịnh. Vì văn trần thanh tịnh nên nhĩ thức thanh tịnh. Vì nhĩ thức thanh tịnh nên giác trần thanh tịnh. Như thế cho đến tỵ, thiệt, thân, ý cũng đều như thế.
1 Vô phương thanh tịnh: Cũng như nhất thiết thanh tịnh, tức là hết thảy mọi cảnh giới đều thanh tịnh.
Thiện nam tử! Vì căn thanh tịnh nên sắc trần thanh tịnh. Vì sắc thanh tịnh nên thanh trần thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Vì lục trần thanh tịnh nên địa đại thanh tịnh. Vì địa đại thanh tịnh nên thủy đại thanh tịnh. Hỏa đại, phong đại cũng lại như thế.
Thiện nam tử! Vì tứ đại thanh tịnh nên 12 xứ1, 18 giới2, 25 cõi hữu3 thanh tịnh. Vì các pháp kia thanh tịnh nên 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 pháp bất cộng của Phật, 37 phẩm trợ đạo thanh tịnh. Như thế cho đến 84.000 pháp môn Đà la ni hết thảy đều thanh tịnh.
1 12 xứ: Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
2 18 giới: Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
3 25 cõi hữu: Tức nhị thập ngũ hữu. Vì do nhân mà có sinh quả báo nên quả cũng gọi là “hữu”. Quả pháp của ba cõi chia thành 25 loại, gọi là 25 cõi hữu. Trong đó Dục giới có 14 cõi hữu tức là bốn ác thú: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la; Bốn châu: Nam Thiện Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu; Sáu trời cõi Dục: Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Sắc giới có bảy cõi: Tứ Thiền Thiên (Sơ Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, Tứ Thiền Thiên) và Đại Phạm Thiên, Tịnh Cư Thiên, Vô Tưởng Thiên. Vô sắc giới có bốn cõi: Không Vô Biên Xứ Thiên, Thức Vô Biên Xứ Thiên, Vô Sở Hữu Xứ Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.
Thiện nam tử! Hết thảy thực tướng vì tính thanh tịnh nên một thân thanh tịnh. Vì một thân thanh tịnh nên nhiều thân thanh tịnh. Vì nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sinh trở nên Viên giác thanh tịnh.
Thiện nam tử! Vì một thế giới thanh tịnh nên nhiều thế giới thanh tịnh. Vì nhiều thế giới thanh tịnh như thế cho đến hết cả hư không, tròn đầy trong ba đời, hết thảy trở nên bình đằng thanh tịnh chẳng động.
Thiện nam tử! Nếu hư không bình đẳng chẳng động như thế nên biết tính giác bình đẳng chẳng động. Vì tứ đại bình đẳng chẳng động nên biết tính giác bình đẳng chẳng động. Như thế cho đến 84.000 pháp môn Đà la ni bình đẳng chẳng động.
Thiện nam tử! Vì tính giác biến khắp, thanh tịnh chẳng động, tròn khắp không biên tế, nên biết sáu căn biến khắp pháp giới. Vì căn biến khắp nên biết sáu trần biến khắp pháp giới. Vì trần biến khắp nên biết tứ đại biến khắp pháp giới, như thế cho đến pháp môn Đà la ni biến khắp pháp giới.
Thiện nam tử! Bởi vì tính diệu giác kia biến khắp, nên tính căn, tính trần không hoại không tạp. Vì căn trần không hoại không tạp như thế cho đến pháp môn Đà la ni cũng không hoại không tạp. Ví như trăm ngàn ngọn đèn, chiếu trong một căn nhà, ánh sáng đó biến khắp, không hoại cũng không tạp lẫn vào nhau.
Thiện nam tử! Vì giác thành tựu nên biết Bồ tát chẳng bị cái gì trói buộc, chẳng cầu pháp giải thoát, chẳng nhàm chán sinh tử, nên chẳng say đắm Niết bàn; chẳng kính người trì giới, chẳng ghét người phá giới; chẳng trọng người học lâu, chẳng khinh kẻ mới học. Vì sao vậy? Vì hết thảy đều là giác. Ví như con mắt sáng, soi rõ cảnh trước mắt, ánh sáng đó viên mãn, không có yêu và ghét. Vì sao vậy? Vì thể sáng không hai, nên không có yêu, ghét.
Thiện nam tử! Các Bồ tát trong hội này và chúng sinh đời mạt pháp tu tập tâm này, được thanh tịnh rồi, ở phần vô tu này cũng không cho là thành tựu. Bởi vì viên giác chiếu khắp tịch diệt không hai, nên ở trong đó có trăm ngàn vạn ức bất khả thuyết a tăng kỳ, hằng hà sa thế giới chư Phật, cũng như đóa hoa giữa hư không, nó tự loạn khởi, loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói buộc không giải thoát, mới biết chúng sinh bản lai thành Phật, sinh tử Niết bàn cũng như giấc mộng.
Thiện nam tử! Ví như giấc mộng đêm qua, nên biết sinh tử và Niết bàn không khởi không diệt, không đến, không đi. Phần đối tượng chứng đắc đó, cũng không được, không mất, không lấy, không bỏ. Phần chủ thể chứng đắc đó không tác, không chỉ, không nhậm, không diệt. Trong sự chứng đắc này không có chủ thể, không có đối tượng, rốt ráo không chứng cũng không phải không chứng. Hết thảy pháp tính bình đẳng chẳng hoại.
Thiện nam tử! Các Bồ tát kia tu hành như thế, tiến trình như thế, tư duy như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, cũng chẳng mê muội.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Phổ Nhãn thầy nên biết,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Thân tâm như huyễn hóa,
Thân thể thuộc bốn đại,
Tâm tính thuộc sáu trần.
Thể bốn đại nếu lìa,
Lấy gì để hòa hợp?
Tiến trình tu như thế,
Hết thảy đều thanh tịnh.
Chẳng động khắp pháp giới,
Không tác, chỉ, nhậm, diệt,
Cũng không chủ thể chứng.
Hết thảy thế giới Phật,
Như đóa hoa hư không,
Ba đời đều bình đẳng,
Rốt ráo không đến đi.
Bồ tát mới phát tâm,
Chúng sinh đời mạt pháp,
Muốn tìm vào Phật đạo,
Nên tu tập như thế.