Chương 2Phổ Hiền1
Lúc đó, Bồ tát Phổ Hiền ở trong đại chúng từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài vì các Bồ tát trong pháp hội, và hết thảy chúng sinh đời mạt pháp tu theo Đại thừa được nghe cảnh giới Viên giác thanh tịnh này rồi, phải tu hành như thế nào?
Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh kia, biết pháp như huyễn2 thì thân tâm cũng huyễn, làm thế nào lại lấy huyễn để tu huyễn? Nếu khi mọi huyễn tính, tất cả đều diệt hết, thời không có tâm, lấy gì để tu hành? Tại sao lại nói tu hành cũng như huyễn? Nếu mọi chúng sinh vốn chẳng tu hành, ở trong vòng sinh tử thường ở nơi huyễn hóa kia, mà chưa từng hiểu biết cảnh giới như huyễn, khiến tâm sinh vọng tưởng, làm sao giải thoát được? Xin Phật vì hết thảy chúng sinh đời mạt pháp mà chỉ dạy phải làm phương tiện gì để tu tập thứ lớp, khiến mọi chúng sinh được xa lìa vĩnh viễn mọi huyễn? Bồ tát nói rồi năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế trước sau ba lần.
1 Từ chương Phổ Hiền trở xuống, nói rõ phần hành giả tu Viên giác, phải y nơi niềm tin và hiểu biết chân chính để tu hành rồi tùy căn chứng nhập. Chương Văn Thù đã nói cách xây dựng niềm tin và hiểu biết để đốn ngộ bản thân. Từ chương này trở xuống là y vào niềm tin và hiểu biết để tu hành chứng quả. Chương này nói về cách dụng tâm như thế nào để tu hành, các chương sau nói về hành tướng của cách tu hành.
2 Biết pháp như huyễn: Dịch ở câu “Tri như huyễn giả”. Biết hết thảy mọi pháp đều như huyễn.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Phổ Hiền rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì các Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp mà hỏi phương pháp tu tập như huyễn tam muội và phương tiện thứ lớp tu tập của Bồ tát, khiến cho chúng sinh được xa lìa mọi huyễn. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi ấy Bồ tát Phổ Hiền vui mừng, vâng nghe lời chỉ dạy, và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Các loại huyễn hóa của hết thảy chúng sinh, đều sinh ở nơi diệu tâm Viên giác của Như Lai. Ví như hoa đốm từ hư không mà có, hoa đốm tuy diệt mất nhưng tính Không chẳng hư hoại. Tâm huyễn của chúng sinh lại nương nơi huyễn diệt, mọi huyễn đều diệt hết, tâm giác thì không động1.
1 Mọi huyễn đều diệt hết, tâm giác thì không động: Khách quan và chủ quan cũng đều như huyễn, vì thực thể của chúng là không, duy bản tính của tâm, tức Viên giác tâm là chân thực tại của vũ trụ, do đó nên không diệt.
Nương nơi huyễn mà nói giác, giác đó cũng gọi là huyễn, nếu nói có giác, thì giác vẫn chưa lìa được huyễn; nếu nói không giác thì cũng lại như thế, vì vậy nên huyễn diệt gọi là bất động.
Thiện nam tử! Hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp phải nên xa lìa tất cả cảnh giới hư vọng huyễn hóa, bởi vì chấp trì bền chắc tâm xa lìa, tâm như huyễn ấy cũng phải xa lìa. Xa lìa là huyễn, cũng lại xa lìa. Lìa huyễn xa lìa, cũng lại xa lìa. Được tới không chỗ lìa, tức trừ hết mọi huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, hai cây cọ lẫn nhau, lửa sinh cây cháy hết, tro bay khói chẳng còn, lấy huyễn để tu huyễn, cũng lại như thế. Mọi huyễn diệt hết mà không sa vào đoạn diệt.
Thiện nam tử! Biết huyễn lập tức lìa, nên không phải cần đến phương tiện nào khác nữa, lìa huyễn chính là giác ngộ, nên cũng không có quá trình thứ tự nữa1. Hết thảy Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp nương theo phương thức đây mà tu hành, như thế liền hay lìa mãi mãi được mọi huyễn.
1 Không có quá trình thứ tự nữa: Dịch ở câu “Diệc vô tiệm thứ” tức là trực giác, trực ngộ, đốn ngộ, lìa mọi huyễn tâm, lìa cả tâm nghĩ tới huyễn, biết tất cả vạn pháp đều như huyễn, tức thì thể của Viên giác hoàn toàn hiển bày.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, mà nói kệ rằng:
Phổ Hiền thầy nên biết,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Huyễn vô minh vô thủy,
Từ Như Lai mà ra.
Tâm Viên giác được lập.
Như hoa đốm hư không,
Nương hư không có hình,
Hoa ấy nếu diệt mất,
Hư không cũng chẳng động.
Huyễn từ mọi giác sinh,
Huyễn diệt giác viên mãn,
Vì tâm giác chẳng động.
Nếu chư Bồ tát kia,
Và chúng sinh đời sau,
Phải nên xa lìa huyễn,
Lìa tột cùng mọi huyễn.
Như lửa sinh trong cây,
Cây cháy hết lửa tắt.
Giác thì không lần lượt,
Phương tiện cũng như thế.