Phần chính tông1
Chương 1Văn Thù
Khi đó, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi ở trong đại chúng liền từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Xin Ngài vì hội chúng tề tập trong pháp hội này, nói về pháp hạnh nhân địa thanh tịnh bản khởi của Như Lai2 và nói cho các hàng Bồ tát cách phát tâm thanh tịnh ở trong Đại thừa, xa lìa các bệnh, đồng thời cũng khiến cho chúng sinh thời mạt pháp cầu pháp Đại thừa khỏi sa vào tà kiến. Bồ tát nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế trước sau ba lần1.
1 Phần chính tông: Gồm 11 chương, có 11 lần vấn đáp, tóm tắt lại thành hai ý chính: (1) Phần vấn đáp thứ nhất khiến người tu Viên giác khởi lòng tin hiểu chân chính, để thành nhân bản khởi; (2) Mười chương vấn đáp sau, khiến hành giả y nơi tín giải tu hành, tùy căn cơ mà chứng nhập.
2 Pháp hạnh nhân địa thanh tịnh bản khởi của Như Lai: Dịch từ câu “Như Lai bản khởi thanh tịnh nhân địa pháp hạnh”. Như Lai là quả tướng. Bản khởi: pháp bắt đầu khởi ra gọi là bản khởi. Bản là bản thể của Viên giác. Từ nơi bản thể này mà phát khởi thành Phật. Thanh tịnh: bản thể viên chiếu vốn không phiền não. Nhân địa, nhân là nhân hạnh, địa là tâm địa. Tâm địa y nơi nhân hạnh, tức nhân tu hành thành Phật. Pháp hạnh, tu hành xứng hợp với chân pháp.
1 Phần này là Tựa phát khởi.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì các Bồ tát mà thưa hỏi về pháp hạnh nhân địa của Như Lai, và vì tất cả chúng sinh đời mạt pháp, những người cầu đạo Đại thừa được trụ nơi chân chính, không sa vào tà kiến. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói.
Khi ấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vui mừng, vâng theo lời chỉ dạy và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Ở đấng Vô thượng Pháp vương có pháp môn đại Đà la ni, gọi là Viên giác, rải ra hết thảy các pháp thanh tịnh: Chân như, Bồ đề, Niết bàn và Ba la mật, để dạy bảo cho các hàng Bồ tát. Hết thảy nhân địa bản khởi của Như Lai, đều nương tựa nơi giác tướng thanh tịnh viên chiếu, mà đoạn diệt vĩnh viễn được vô minh, thành tựu Phật đạo.
Sao gọi là vô minh?
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh từ vô thủy tới nay, bị các loại điên đảo mê hoặc, giống như người lạc đường, xác định nhầm bốn phương, nhận lầm bốn đại là thân tướng của chính mình, cho sáu trần duyên cảnh đó làm tâm tướng của chính mình. Ví như người bị bệnh mắt kia, thấy hoa đốm và mặt trăng thứ hai trong hư không.
Thiện nam tử! Thật ra không có hoa đốm trong hư không, đó chỉ là do vọng chấp sai lầm của người bệnh. Vì vọng chấp sai lầm này, nên không những chỉ mê muội phần tự tính của hư không, mà cũng lại mê muội cả nơi sinh trưởng của đóa hoa thực tế. Bởi vọng chấp sai lầm này nên có sinh tử luân chuyển, điều đó gọi là vô minh.
Thiện nam tử! Vô minh này không có thực thể, như người khi ngủ chiêm bao, trong lúc chiêm bao thấy như thật có, tới khi tỉnh giấc lại nhận ra là không có thật. Như hoa đốm trong hư không cũng biến mất trong hư không, nên không thể nói rằng, nhất định có nơi biến mất. Tại sao như vậy? Vì không có nơi sinh ra, mà lầm thấy có sinh có diệt, vì thế gọi là sinh tử luân chuyển.
Thiện nam tử! Người tu Viên giác ở nhân địa của Như Lai, nếu biết đó là hoa đốm trong hư không, tức không bị luân hồi, cũng không có thân và tâm để chịu khổ sinh tử kia, vì chẳng phải tạo tác ra. Bản tính vốn dĩ là không; Phần tri giác kia cũng như hư không; Phần trí biết hư không, cũng tức là hình tướng của hoa đốm trong hư không, không thể nói không có tính tri giác. Vì có và không đều dứt hết, đó gọi là tùy thuận với tịnh giác.
Bởi cớ gì? Vì tính hư không thường bất động. Trong Như Lai tạng1 không có sinh khởi và diệt mất, vì không có tri kiến, giống như tính của pháp giới1, viên mãn cứu cánh khắp mười phương, đó gọi là nhân địa pháp hạnh.
1 Như Lai tạng: Cũng gọi là Phật tính, nhất tâm. Như Lai tạng gồm ba nghĩa: (1) Ẩn phú, nghĩa là che lấp mất tạng của Như Lai (như nhất thiết chúng giai Như Lai tạng); (2) Hàm nhiếp, pháp thân Như Lai, hàm nhiếp tất cả chân tướng quốc độ, thần thông diệu dụng, hàm nhiếp tất cả chúng sinh trong Như Lai tạng; (3) Xuất sinh, nghĩa là Pháp thân, bao gồm mọi đức, xuất sinh ra mọi liễu đạt chứng ngộ. Ba nghĩa này, nghĩa (1) thì nói về phần mê, nghĩa (3) thì nói về phần ngộ, nghĩa (2) thì hàm nhiếp thể, nên chân vọng hòa hợp. Nghĩa (2) lại có hai thứ hành tướng, trong kinh gọi là “Như Lai tự tính sai biệt hòa hợp”. Tức là chân vọng hòa hợp, trong chân như có chân như tự tính và sinh diệt sai biệt. Trong chân như tự tính có hai tướng: (1) Không Như Lai tạng, tức là thoát ly hết thảy phiền não; (2) Bất không Như Lai tạng, tạng đầy đủ hằng sa bất khả tư nghì Phật pháp.
1 Tính pháp giới: Pháp giới tính, cùng thể với Như Lai tạng nhưng khác nghĩa. Khác nghĩa có hai ý: (1) Đối với loài phi tình, gọi là Như Lai tạng; trong loài hữu tình gọi là pháp giới tính. (2) Pháp giới thì tình thế gian và khí thế gian giao triệt nhau, tâm và cảnh bất phân. Như Lai tạng là chỉ về bản nguyên của tâm thể thanh tịnh của Phật và chúng sinh, còn pháp giới tính thì không có nghĩa đó.
Bồ tát nương vào điều này mà phát tâm thanh tịnh ở trong Đại thừa. Chúng sinh đời mạt pháp cũng nương vào điều này mà tu hành, thời không sa vào tà kiến. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Văn Thù thầy nên biết,
Hết thảy chư Như Lai,
Từ nơi bản nhân địa,
Đều lấy trí tuệ giác
Liễu đạt được vô minh.
Biết hoa đốm hư không,
Liền thoát được lưu chuyển;
Giống như người trong mộng,
Khi tỉnh chẳng có chi.
Giác thì tựa hư không,
Bình đẳng không động chuyển,
Giác biến khắp mười phương,
Tức được thành Phật đạo.
Mọi huyễn không nơi diệt,
Cũng không chỗ thành đạo
Vì bản tính viên mãn.
Bồ tát ở trong đó,
Hay phát tâm Bồ đề,
Chúng sinh đời mạt pháp,
Tu theo khỏi tà kiến.