Đúng thế, tôi nghe, một thời Đức Thế Tôn1 vào Thần thông Đại Quang minh tạng, Tam muội2 Chính thọ, đó là đại định mà hết thảy các Như Lai quang nghiêm trụ trì3. Đó cũng là giác địa thanh tịnh của chúng sinh, thân tâm đều vắng lặng, bình đẳng nơi bản tế, viên mãn khắp mười phương, ở cảnh giới tùy thuận bất nhị4. Trong cảnh bất nhị ấy, hiện ra các cõi tịnh độ. Cùng với các hàng Đại Bồ tát, gồm có mười vạn người, tên các Bồ tát đó là: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Phổ Nhãn Bồ tát, Kim Cương Tạng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Thanh Tịnh Tuệ Bồ tát, Oai Đức Tự Tại Bồ tát, Biện Âm Bồ tát, Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ tát, Phổ Giác Bồ tát, Viên Giác Bồ tát, Hiền Thiện Thủ Bồ tát v.v. đều là bậc thượng thủ, cùng với tất cả quyến thuộc, cùng vào Tam muội, cùng trụ trong pháp hội bình đẳng của Như Lai.
1 Thế Tôn: Dịch từ chữ Bhagavat.
2 Tam muội: Tiếng Phạn là Samādhi, phiên dịch là Tam muội, là chính định, chính tư duy.
3 Quang nghiêm trụ trì: Hết thảy chư Phật đều phóng hào quang, hào quang trùng trùng điệp điệp xen lẫn nhau, chiếu cho nhau, trang nghiêm mật thiết lẫn nhau, không hoại không mất, đều nhịp nhàng với nhau trong nơi nhất thể.
4 Bất nhị (không hai): Nhị là mê và ngộ, thuận sinh tử là mê, tới Niết bàn là ngộ. Nay không trụ ở mê và ngộ, gọi là mê ngộ bất nhị, hay tùy thuận bất nhị. Như nói, theo chính báo thì chúng sinh và Phật bất nhị, nói về y báo thì tịnh độ và uế độ bất nhị. Ở cảnh giới bất nhị bất khả tư nghì ấy, thích ứng với cơ duyên mà hiện ra các cõi Tịnh độ để thuyết pháp.