1. Gia đình bạn có tạo được cảm giác quây quần ấm cúng hay không?
Điều quan trọng nhất là sự quan tâm giữa vợ chồng với nhau
Gia đình bạn có tạo được cảm giác quây quần ấm cúng hay không? Nếu có, vậy thì gia đình bạn quây quần bên nhau theo hình thức nào?
Những gia đình ấm cúng sẽ là những gia đình như thế nào? Nói nôm na là khi bước vào một gia đình ấm cúng, bầu không khí ấm áp của gia đình mang đến cảm giác thoải mái và thân mật. Vậy thì cũng không sai khi nói rằng gia đình chính là bầu không khí mà nó tạo ra. Và nhân vật chính tạo ra bầu không khí ấy dĩ nhiên là những người cha, người mẹ.
Dù con trẻ có gặp khó khăn gì ở bên ngoài, nhưng hễ cứ về với gia đình thì trái tim con sẽ được sưởi ấm. Hơn nữa, những trải nghiệm ngoài xã hội dù có khó khăn đến mấy thì đến một lúc nào đó cũng sẽ giải quyết được, thế nên chẳng phải những khó khăn này sẽ là động lực nuôi dưỡng ý chí vượt qua thử thách của con sao? Đối với người cha cũng tương tự như vậy, ở bên ngoài người cha sẽ vướng phải nhiều sóng gió lớn nhỏ, sẽ trải qua nhiều cảm giác khó chịu, nhưng hễ cứ bước về nhà và nhận được sự chào đón ấm áp từ gia đình thì những khó khăn sẽ như được thổi bay đi hết.
Đối với những người mẹ đang đi làm, gia đình phải là nơi có thể giúp tâm trí mình được thư giãn. Cho nên điều quan trọng là làm thế nào để tạo ra được cảm giác quây quần ấm cúng trong gia đình.
Đặc biệt, đối với con trẻ thì nếp sinh hoạt gia đình được xem là yếu tố quan trọng nhất, bởi đó là nơi tình cảm nảy nở và giúp ổn định cảm xúc. Đó là lý do tại sao bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều xem gia đình là yếu tố quan trọng. Chính vì ý nghĩa đó mà người ta vẫn nói rằng đối với con trẻ, gia đình vừa là tổ ấm, vừa là thành quách vững chãi.
Điều quan trọng trước tiên giúp gìn giữ sự ấm áp trong gia đình là phải có sự thông cảm, thấu hiểu giữa bố mẹ với nhau. Thêm vào đó là phải tăng cường xây dựng bầu không khí thoải mái, không ngần ngại. Trong một bầu không khí mà hai người có thể chia sẻ bất cứ điều gì, cảm giác ấm áp, thoải mái và dễ chịu dành cho nhau sẽ được tạo ra. Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi những người bố người mẹ như thế cũng sẽ không cảm thấy ngần ngại với bố mẹ, có thể cảm thấy thoải mái hơn và có thể giãi bày rõ ràng suy nghĩ của chính mình. Bởi thế, các bậc làm cha làm mẹ phải biết lắng nghe suy nghĩ của con trẻ.
Nạn nhân luôn là con trẻ
Khi bước vào một gia đình thiếu sự gắn bó, thì đâu đó cũng sẽ lộ ra sự lạnh lẽo. Dù bên ngoài có “diễn sâu” đến đâu, thì trong cử chỉ lời nói vẫn sẽ lộ ra sự gượng gạo. Tâm hồn con trẻ vô cùng nhạy cảm, sẽ dễ dàng nắm bắt được sự gượng gạo ấy. Chúng sẽ cảm nhận được rằng mẹ đang ngần ngại trước cha, hoặc cũng sẽ mập mờ nhận ra cha chúng đang giữ kín điều gì đó với mẹ. Thậm chí có khi mẹ còn tỏ ra lúng túng trước mặt cha.
Trong một gia đình như thế, bởi vì tính kiêu ngạo mà người chồng sẽ không nghĩ đến chuyện bản thân đang gây khó khăn cho người vợ. Cũng vì thế, người vợ hầu như không nói năng gì nhiều, kể cả khi chồng có hỏi: “Ý kiến của em như thế nào?”, thì người vợ cũng không trả lời một cách tích cực. Tuy vẫn có quan niệm “phu xướng phụ tùy”, nhưng đứng dưới góc độ là người vợ, họ sẽ cảm thấy bất mãn và trên gương mặt thường kém nét vui tươi. Ngoài ra, cũng có những người cha cư xử theo lối ích kỷ, tuyên bố rằng họ không muốn ai can thiệp vào cuộc sống của họ ở bên ngoài gia đình. Trong bầu không khí gia đình “chồng chúa vợ tôi” như thế, con trẻ sẽ dễ dàng nhận được thông điệp rằng ý kiến của chúng cũng sẽ không được lắng nghe và chúng sẽ càng co mình, không muốn chia sẻ tâm tư tình cảm với cha mẹ.
Chắc chắn những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình với những người cha, người mẹ như thế sẽ không có được sự ổn định về mặt cảm xúc, chúng thường mang bộ mặt sầu muộn. Đặc biệt nếu mỗi ngày đến chỉ mang theo sự bất an vì những chuyện của cha mẹ, thì những chuyện đó rồi cũng sẽ xảy ra với chính đứa trẻ. Hơn nữa, một khi đã mang nỗi bất an trong tâm trí thì thái độ nuôi dạy con của những người mẹ cũng sẽ thiếu nhất quán.
Đối với người cha, trẻ sẽ luôn cảm thấy bức bách, lo sợ mình không làm vừa ý cha, sợ bị la mắng,... Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ, và vô tình trở thành nguyên nhân dẫn đến những hành vi không tốt ở trẻ (như trút giận lên vật nuôi trong nhà, đánh các bạn yếu hơn trong lớp,…) do trẻ không giải tỏa được tâm lý bức bách khi về nhà. Thậm chí có trẻ còn có biểu hiện thu mình, tự kỷ vì không chia sẻ được nỗi bất an do không khí căng thẳng thường xuyên trong gia đình gây ra.
Sự ích kỷ của cha mẹ sẽ bóp méo tâm hồn con trẻ
Đặc biệt khi xảy ra những vấn đề liên quan đến sự chung thủy của vợ chồng, thì trong cư xử với con cái, dù cha mẹ có cố gắng đến mấy cũng sẽ để lộ ra sơ hở. Càng cố gắng che giấu thì chỉ càng tạo ra thêm nhiều thái độ, hành động thiếu tự nhiên mà thôi.
Con trẻ trông có vẻ không đau buồn vì những hành động ích kỷ như thế của người làm cha mẹ, nhưng thực tế không phải như vậy. Sự ích kỷ của người cha hoặc người mẹ để lại một ký ức tồi tệ trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ hoài nghi nhân cách của những bậc sinh thành, những người đáng lẽ phải làm gương cho trẻ. Một khi đã không còn tin tưởng cha mẹ mình, trẻ khó có thể tin tưởng những người khác và có thể dẫn đến sự lệch lạc trong mối quan hệ với người khác phái sau này. Một quan niệm sai lầm của các bậc cha mẹ là cho rằng con trẻ không biết gì, nhưng thực ra trẻ rất nhạy cảm trước mỗi thay đổi trong bầu không khí gia đình. Bầu không khí gia đình ấm áp hay lạnh lẽo sẽ quyết định quá trình lớn lên của trẻ theo chiều hướng tốt hay xấu.
Chắc chắn một gia đình sụp đổ sẽ bóp méo quá trình hình thành nhân cách của trẻ, và sau cùng con trẻ chính là nạn nhân, cho nên cả người cha lẫn người mẹ hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Cả cha lẫn mẹ đều có trách nhiệm trong việc sinh ra đứa con và cho con một gia đình ấm áp để trẻ lớn lên trong tình yêu thương.
2. Tạo dựng một gia đình có sự quây quần ấm cúng
Cùng nhau tạo nên bầu không khí vui vẻ và ấm cúng
Việc thường xuyên trò chuyện với nhau giữa hai vợ chồng còn quan trọng hơn cả chuyện quán xuyến những công việc trong gia đình như việc nhà, hay chăm sóc con cái. Những gia đình mà hai vợ chồng thường xuyên trò chuyện với nhau sẽ luôn có sự vui vẻ và ấm cúng.
Vậy thì hai vợ chồng nên trò chuyện với nhau lúc nào mới hợp lý? Đó là khi bọn trẻ đã ngủ yên hết rồi. Khi đó, hai vợ chồng có thể vừa nhâm nhi chút trà, vừa trò chuyện về chuyện nhà cửa, chuyện chăm sóc nuôi dạy con cái, được thế thì quả là không còn gì bằng.
Nếu nói rằng người phụ nữ vừa có vai trò là người vợ và cũng là người mẹ trong gia đình, thì hẳn là những chuyện như việc nhà, hay chăm sóc con cái đều đổ lên vai người phụ nữ. Nhưng trong đó, chắc chắn phải có những chuyện quan trọng cần đến sự thống nhất ý kiến của cả hai vợ chồng, hoặc cũng sẽ có một vài chuyện gì đó mà người mẹ, người vợ không thể tự mình quyết định được.
Về điểm này, chỉ khi là một người chồng biết lắng nghe một cách tích cực, rồi nói ra ý kiến của chính mình với người vợ, thì mới có thể làm cho cảm xúc của vợ được ổn định. Khi người vợ kể chuyện về con cái, hãy kể thêm những khoảnh khắc vui vẻ khi chơi đùa cùng với con cho chồng nghe. Vì nếu chỉ toàn là kể về những rắc rối liên quan đến con cái thôi, vô tình sẽ làm cho người nghe cảm thấy có chút chán nản. Cho nên có thể nói rằng nội dung của buổi nói chuyện cũng là một mẹo nhỏ để có thể duy trì cuộc trò chuyện vui vẻ giữa hai vợ chồng.
Tuy nhiên, khi sống chung với bố mẹ chồng, người vợ sẽ gặp phải không ít khó khăn, cho nên người chồng lúc này phải có nghĩa vụ lắng nghe những khó khăn ấy của vợ. Bởi vì chỉ khi được chồng lắng nghe một cách ân cần, quan tâm, thì mọi khúc mắc trong lòng người vợ mới được giải tỏa.
Ví dụ, khi người chồng đi làm về với tâm trạng mệt mỏi, nếu phải nghe những câu chuyện buồn bã, hay những lời than phiền về con cái, cha mẹ,… từ vợ, có lẽ người chồng sẽ cảm thấy chán nản và mệt mỏi hơn. Nhưng nếu người chồng nghĩ rằng vợ đang chăm sóc bố mẹ giúp mình, đấy chính là lý do để mình phải cố gắng chịu đựng.
Khi cả hai vợ chồng đều cùng đi làm, việc nhà và việc chăm sóc con cái phải là trách nhiệm chung của cả hai, cho nên việc trò chuyện với nhau lại càng quan trọng hơn nữa. Hai người sẽ thong thả sắp xếp xem cả hai người sẽ trò chuyện ở đâu và khi nào, việc sắp xếp chuẩn bị này sẽ còn phải tiếp diễn nhiều lần nữa, thế nên đòi hỏi hai vợ chồng cần bỏ ra chút tâm ý và thời gian.
Người ta vẫn hay nói “Nói thì dễ nhưng làm rất khó”. Trong các cuộc tư vấn hôn nhân - gia đình, không ít người vợ, người mẹ thổ lộ rằng họ biết rõ không nên than phiền với chồng con về những chuyện vụn vặt trong gia đình, như những tranh cãi với bố mẹ chồng do bất đồng quan điểm. Họ ý thức được rằng cần phải tạo ra bầu không khí ấm áp trong gia đình. Song, họ vẫn không kiềm lòng lại được, nhất là khi những bực bội cứ liên tục tích tụ và họ cảm thấy cần được giải tỏa. Vì thế những lời trách cứ, than phiền cứ tuôn ra và chính chồng con lại trở thành nơi để họ giải tỏa những bức xúc đó. Những lúc như thế, điều quan trọng cần nhớ là hạnh phúc hay đau khổ đều từ tâm mà ra. Vì thế, hãy học cách điều phục tâm mình bằng cách suy nghĩ tích cực và nhìn cuộc đời với một tấm lòng yêu thương.
Một vị thiền sư đã kể một câu chuyện rất đáng suy ngẫm:
Một người đàn ông đến gặp vị thiền sư và muốn được ông chúc phúc cho cuộc hôn nhân sắp tới của anh ta. Vị thiền sư hỏi lý do gì anh muốn cưới vị hôn thê của mình. Anh ta trả lời: “Đó là vì con nghĩ lấy cô ấy thì con sẽ hạnh phúc”. Vị thiền sư mỉm cười nói: “Đó là suy nghĩ ích kỷ. Con cần thay đổi cách suy nghĩ của mình. Con phải nghĩ rằng con lấy cô ấy vì con muốn làm cô ấy hạnh phúc”.
Với suy nghĩ ích kỷ đó của người chồng, nếu người chồng trông mong có cơm canh nóng hổi khi về đến nhà mà vợ lại không chuẩn bị chu đáo như mong đợi, có lẽ người chồng sẽ sinh bực tức với vợ. Khi mọi việc đều xoay quanh cảm xúc của anh ta, xem anh ta là trung tâm thì bất cứ việc gì vợ làm không đúng ý, sẽ khiến anh ta khó chịu. Trong khi đó, với tâm niệm “Lấy vợ để làm cho vợ được hạnh phúc”, người chồng sẽ làm mọi thứ để vợ vui lòng. Khi đó, chuyện ai đúng ai sai, ai hơn ai không còn quan trọng vì việc tranh cãi chỉ khiến đối phương không vui.
Tương tự như vậy, một người vợ, khi luôn tâm niệm mang lại hạnh phúc, niềm vui cho đối phương, sẽ luôn vì đối phương mà suy nghĩ. Chẳng hạn như, người vợ sẽ xem bố mẹ chồng như bố mẹ mình, cảm thấy biết ơn họ vì họ đã có công sinh dưỡng chồng mình. Người vợ sẽ hiểu được việc người chồng thương yêu lo lắng cho bố mẹ ruột của anh ta là chuyện tất nhiên, cũng giống như mình thương yêu bố mẹ ruột của mình vậy. Họ sẽ không có suy nghĩ: “Sao anh luôn suy nghĩ cho bố mẹ anh mà không nghĩ cho bố mẹ tôi?”. Với tình yêu thương, người vợ sẽ không còn chấp nhặt những chuyện vụn vặt trong quan hệ với bố mẹ chồng. Vì thắng thua có ý nghĩa gì khi làm cho gia đình bất an, mất vui. Đó là chưa kể những suy nghĩ của mình về người khác chưa chắc đã đúng, nhiều khi do tâm ghen ghét, ích kỷ của chúng ta khiến chúng ta nghĩ tiêu cực về họ.
Bí quyết để kéo dài buổi trò chuyện cùng nhau
Có những cặp vợ chồng quyết định mỗi tháng một lần sẽ ra ngoài vừa dùng bữa vừa trò chuyện về những vấn đề của bố mẹ già đang sống cùng, hoặc về việc nuôi dạy con cái và những việc vặt trong nhà. Chỉ lúc đó họ mới có thể trò chuyện một cách thong thả và thoải mái. Cũng có những cặp vợ chồng dành khoảng thời gian đó để chăm sóc con cái của họ, nhưng quan trọng hơn hết là họ vẫn cố gắng dành thời gian cho nhau để vẫn có thể trò chuyện, trao đổi với nhau.
Đặc biệt đối với chuyện chăm sóc và nuôi dạy con cái, việc thống nhất ý kiến giữa hai vợ chồng là điều hết sức cần thiết. Người mẹ là người thường hay tiếp xúc với con trẻ, nên việc giao tiếp trao đổi với con cái sẽ dễ dàng và tự nhiên hơn. Nhưng đối với trường hợp là những người cha có rất ít thời gian tiếp xúc với con cái, thỉnh thoảng khi ở bên con cái, họ dạy con khác với phương pháp giáo dục của người mẹ, đâm ra có những trường hợp làm cho con bị bối rối, và dẫn đến ý nghĩ không tin tưởng vào cách dạy dỗ của mẹ.
Vì vậy, càng ít thời gian tiếp xúc với con, càng phải nắm được nhiều thông tin về con từ người vợ, thế nên vợ chồng hãy bỏ chút thời gian để trò chuyện cùng nhau.
Ngay cả những cặp vợ chồng mới cưới, lúc đầu rất hay trò chuyện trao đổi với nhau, nhưng khi con cái đã lớn hết rồi, hoặc vì công việc ở công ty dần bận rộn hơn, dẫn đến một lúc nào đó họ dần mất đi khoảng thời gian dành để trò chuyện cùng nhau. Có khi đến vài tháng vợ chồng chẳng nói chuyện gì với nhau, rồi nghĩ rằng thật phiền phức khi cứ phải dành thời gian để trò chuyện. Tôi cho rằng việc không có sự trao đổi với nhau, về mặt tâm lý, cũng đồng nghĩa với việc ly hôn. Trong số các ông chồng, có thể cũng có những người ngay từ đầu đã cho rằng việc trao đổi giữa hai vợ chồng là việc gì đó thật phiền phức. Và trong số các bà vợ, cũng sẽ có những người nghĩ là không cần phải kể cho chồng họ nghe chi tiết về những chuyện như chuyện chăm sóc con cái hay việc nhà.
Điều này là do ảnh hưởng từ thời đại phong kiến trước chiến tranh, rằng người chồng không nên kể về những chuyện ở bên ngoài xã hội cho vợ, và người vợ cũng không nên kể lể chuyện trong gia đình cho chồng. Cách nghĩ này cho đến hiện nay vẫn còn khá nhiều. Hồi đó, dù hai vợ chồng có cố gắng trao đổi trò chuyện với nhau, thì cũng chẳng có vấn đề gì cả. Giống như những cặp vợ chồng ngày xưa, không cần có những cuộc trò chuyện có ý nghĩa thật sự, hay những cuộc trò chuyện bình đẳng và không có sự e ngại, thì cũng chẳng sao.
Xu hướng như thế vẫn còn tồn tại ở đất nước Nhật Bản và nhiều quốc gia phương Đông khác, và nó thường biểu hiện trong những buổi tiệc cưới, qua các bài phát biểu ngắn của cấp trên của chồng. Với mong muốn có được một nhân viên làm việc hết mình, họ hay nói: “Vì chồng của bạn phải làm việc hết sức ở công ty rồi, nên khi chồng trở về nhà, tôi muốn bạn (ở đây ý nói người vợ) hãy là một người vợ có thể cảm thông với điều đó”.
Đối với một người chồng đang đi làm trong một bối cảnh xã hội như thế này, thì dĩ nhiên “sự quan tâm, cảm thông của vợ” là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các công ty cũng cần phải có xu hướng lấy gia đình làm nền tảng càng sớm càng tốt. Để làm được điều này, nhất định phải bắt đầu từ việc cố gắng tạo ra những khoảng thời gian trò chuyện trao đổi với nhau giữa hai vợ chồng, chẳng phải thế hay sao? Tôi nghĩ việc này chỉ cần có sự quan tâm thì nhất định sẽ làm được.
Người cha, người mẹ cần phải hiểu rằng nuôi dạy con trong thời hiện đại không thể là trách nhiệm của chỉ một người. Một xã hội phức tạp với quá nhiều thông tin, quá nhiều mối quan hệ, quá nhiều cám dỗ trong thời đại Internet,… sẽ dễ dàng lôi cuốn con trẻ vào lối suy nghĩ sai lầm, lệch lạc, từ đó dẫn đến hành động sai trái, nếu không có sự định hướng từ bố mẹ, những người gần gũi con nhất và tác động đến con nhiều nhất. Ý thức được rủi ro này, người cha người mẹ cần phải để tâm đến việc nuôi dạy con cái. Do đó, việc trò chuyện thường xuyên và quan trọng là cố gắng duy trì thói quen trò chuyện, cùng trao đổi và thống nhất cách giáo dục con cái là việc vô cùng cần thiết. Mặt khác, trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ không còn chỉ gói gọn trong những công việc nội trợ. Nhiều người phụ nữ đi làm, thậm chí giữ những chức vụ lớn trong công ty, đóng góp vào kinh tế gia đình, chứ không còn chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc nhà cửa và con cái. Do đó, người cha càng không thể dồn mọi trách nhiệm nuôi dạy con cho người mẹ, mà phải cùng chia sẻ trách nhiệm này.
3. Người mẹ sẽ quyết định tính cách của con cái
Tính nhút nhát của con sẽ thể hiện mức độ tin cậy của con đối với cha mẹ
Nếu người mẹ chỉ ở nhà đảm đương công việc nội trợ, thì sẽ có đủ thời gian để tiếp xúc với con trẻ. Vì vậy, việc suy nghĩ một cách cụ thể xem mình sẽ có vai trò nào đối với đứa con là điều hết sức quan trọng.
Đối với cách nuôi dạy con cái, đã có nhiều sách viết về chủ đề này, nhưng nếu chỉ đọc thôi thì chưa hẳn là có thể nuôi dạy tốt con cái. Nhất định người mẹ phải tự mình suy nghĩ xem phải nuôi dạy con cái như thế nào. Tóm lại, việc người mẹ phải tự suy nghĩ để hành động là điều rất cần thiết. Những người mẹ không tự suy ngẫm mà chỉ mua một vài cuốn sách về giáo dục con cái để đọc, ắt hẳn sẽ có sự lo ngại về chuyện liệu có sự khác biệt giữa các cuốn sách hay không. Cho nên việc nuôi dạy con cái suy cho cùng vẫn phải do chính mình tự suy nghĩ và quyết định.
Trong đó, điều quan trọng nhất mà người mẹ cần suy nghĩ kỹ đó là phải trở thành một người mẹ có thể làm ổn định cảm xúc cho con khi chúng ở bên cạnh mình. Có thể gọi người mẹ như thế là “từ mẫu” (người mẹ trìu mến). Đương nhiên, hình ảnh về “từ mẫu” sẽ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi của con. Điều đó có nghĩa là nhu cầu đối với người mẹ của con cái cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của chúng.
Để có thể gây ảnh hưởng đến con cái, người mẹ cần tạo mối liên hệ với con ngay từ khi con còn trong bụng mẹ. Việc thường xuyên vỗ về con, nói chuyện với con từ khi còn ở trong bụng tạo sự tương tác và mối dây tình cảm rất lớn giữa mẹ và con. Người mẹ trong quá trình mang thai cần luôn vui vẻ, tránh cảm giác bất an vì sự bất an đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thai nhi. Xét về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự lo lắng, giận dữ, bất an,… sẽ kích thích tiết ra những chất hóa học không có lợi và những chất này được truyền sang cho con qua nhau thai. Về mặt tinh thần, giữa mẹ và con luôn có sự liên kết, vì thế con sẽ cảm nhận được sự bất an đó của người mẹ. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần tạo ra bầu không khí hòa thuận, an bình và vui vẻ khi người phụ nữ đang mang thai.
Trong một khoảng thời gian sau khi sinh con, tôi mong là những thành viên trong gia đình, nhất là người chồng hãy hỗ trợ người mẹ chăm sóc con trẻ (như pha sữa cho con, thay tã,…) để người mẹ có thể nghỉ ngơi tốt nhất. Cùng chăm sóc con ngay từ khi con mới chào đời sẽ giúp người chồng hiểu hơn nỗi vất vả của vợ và cũng tạo được mối liên kết trong gia đình giữa cha, mẹ và con cái.
Ngay sau khi sinh, cơ thể người mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều để phục hồi sức khỏe. Dù khi đó chưa thể trò chuyện nhiều với con, nhưng người mẹ có thể ôm ấp con để cho con có cảm giác ấm áp, gần gũi với mẹ. Khi sức khỏe đã hồi phục, người mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con, nói cách khác là tạo ra mối quan hệ về mặt tình cảm với con. Khi trò chuyện cùng con, sẽ bắt đầu có tiếng cười, chẳng mấy chốc sẽ tạo nên sự vui vẻ, náo nhiệt bên con, tôi trông mong một người mẹ có thể mang lại niềm vui như thế.
Vì vậy, nếu nhìn thấy con trẻ không chơi một mình nữa, và lắng nghe chăm chú những chuyện xung quanh, thì người mẹ nên bế con lên và trò chuyện cùng con. Nhất là khi con được vài tháng tuổi, con đã bắt đầu nhìn thấy rõ gương mặt của người đối diện. Con sẽ cảm thấy sợ hãi với những người mà con không quen mặt và sẽ níu bám lấy mẹ mình. Đấy chính là tính nhút nhát. Thể hiện tính nhút nhát, và bám lấy mẹ nghĩa là người mẹ đang nhận được sự tin tưởng từ đứa con. Chỉ khi có sự tin tưởng này, thì sợi dây liên kết giữa mẹ và con mới chặt chẽ.
Nếu đứa con không có “tính nhút nhát” ở giai đoạn này, có lẽ bạn sẽ phải lo lắng rằng mối quan hệ giữa hai mẹ con đang mong manh đấy. Lúc đó, chắc chắn là giữa mẹ và con đang có ít sự ôm ấp trò chuyện với nhau. Khi nhận thấy điều đó, hãy cố gắng ôm ấp và bế con lên thật nhiều. Nếu không có tính nhút nhát này, thì sẽ xuất hiện những mối lo lắng khác về sau ở con trẻ. Việc này sẽ không nuôi dạy khả năng xây dựng nên mối quan hệ tình cảm một cách ấm áp với những người khác cho con trẻ.
Nhưng cũng có những bà mẹ nghĩ rằng những đứa trẻ không có tính nhút nhát là những đứa trẻ có tinh thần độc lập, hoặc là đứa trẻ có tính hòa đồng, giỏi xã giao. Và nếu cứ để yên cho con trẻ như thế, vô tình sẽ làm cho đứa trẻ có những hành vi ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, hoặc biến nó thành đứa bé không muốn chơi vui vẻ cùng những trẻ khác.
Tóm lại, người mẹ cần tạo mối dây liên kết tình cảm ngay từ khi con còn trong bụng cho đến khi được sinh ra để có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con sau này. Người cha cũng phải dành thời gian để nói chuyện và chơi đùa với con sau khi đi làm về, hoặc bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi. Đừng nghĩ rằng chỉ cần người mẹ lo cho con là đủ, mà người cha cũng cần phải thắt chặt mối quan hệ với con mình ngay từ khi con còn nhỏ.
Đối với người cha, điều quan trọng là hãy để tâm đến việc dành thời gian cả cho con và người mẹ, để con cảm thấy gần gũi với cha và người vợ cũng cảm thấy có sự quan tâm săn sóc, chia sẻ từ người chồng, giúp tâm lý người vợ càng ổn định, vui vẻ, ít có khả năng dẫn đến trầm cảm sau sinh. Cần phải hiểu rằng trước sinh và sau khi sinh là cả một sự thay đổi rất lớn đối với người mẹ, vì thế cần có sự thông cảm và chia sẻ. Rõ ràng, một người mẹ trầm cảm, bất an sẽ chẳng thể nuôi dạy con cái tốt được.
Có như vậy, quá trình nuôi dạy con cái mới được thuận lợi.
Có thể xây dựng mối quan hệ giữa đứa con với người mẹ trong lúc hai mẹ con ngủ cùng nhau
Khi ôm ấp hoặc bế con quá nhiều, cũng có những người mẹ lo lắng rằng liệu em bé có bị quen với việc ôm ấp, bồng bế quá nhiều hay không. Về điểm này, khi đứa bé đang vui vẻ chơi một mình, nếu bé có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui ấy, thì chẳng sao cả. Điều này tôi sẽ giải thích rõ hơn ở phần sự phát triển tính tự ý thức.
Ôm ấp bao bọc quá nhiều là kết quả của việc không quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ, và vô tình cứ ôm ấp chúng kể cả khi chúng muốn chơi một mình, hoặc cứ ôm ấp để cho con không khóc. Đó là bởi vì chúng ta không thể thấu hiểu và giao tiếp với tâm hồn của đứa bé.
Mối quan hệ giữa đứa bé với người mẹ sẽ bắt đầu từ tính nhút nhát, và ngày càng khăng khít hơn. Có lẽ bé sẽ thích dựa cậy vào mẹ hơn là những thành viên khác trong gia đình. Bằng cách cho con cái dựa cậy vào mình, một hình ảnh đẹp về người mẹ sẽ được khắc sâu trong tâm trí đứa con. Những đứa con như thế nhất định sẽ không bao giờ có chuyện chúng rời khỏi gia đình.
Rời xa gia đình nghĩa là phải bước ra đời khi đến tuổi trưởng thành và tự mình vượt qua giới hạn của bản thân. Những đứa trẻ có xu hướng tự sát được cho là do hình ảnh một người mẹ tốt đã không được xây dựng trong lòng chúng. Nếu nghĩ như vậy, cũng có thể nói rằng nguyên nhân sâu xa của những vấn đề từ khi dậy thì vốn đã có sẵn từ khi còn là trẻ sơ sinh.
Từ một đến ba tuổi là khoảng thời gian hình thành mối quan hệ tình cảm với mẹ một cách chặt chẽ nhất, đặc biệt là từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi rưỡi. Mỗi khi đứa trẻ lo lắng, buồn phiền hay đơn giản chỉ là buồn ngủ... thì chúng sẽ muốn được leo lên nằm vào lòng mẹ. Đúng không? Đó là hiện tượng “cần được quan tâm” từ mẹ. Hoặc, có thể chúng sẽ bắt chước mọi thứ từ mẹ. Buổi tối, chúng sẽ chui vào trong chăn của mẹ, đúng không?
Tất cả những điều trên là bằng chứng cho thấy mối quan hệ với người mẹ đang trở nên vững chắc hơn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của trẻ, việc cho ngủ cùng hay ôm ấp trong lòng là rất quan trọng.
Sự độc lập giả tạo của những trái tim không được quan tâm chăm sóc
Làm như vậy, những đứa trẻ được quan tâm chăm sóc, trong quá trình trưởng thành, sẽ được ươm mầm cho một trái tim ấm áp có thể chấp nhận người khác. Khi nhìn vào những đứa trẻ không được quan tâm chăm sóc, ta sẽ thấy như thể chúng là những đứa trẻ độc lập, nhưng đấy chỉ là sự độc lập giả tạo.
Đứa trẻ cũng biết lo lắng về tương lai của nó. Để làm cho đứa trẻ biết quan tâm chăm sóc mẹ thì cần phải có thời gian. Hơn thế nữa, việc tiếp xúc cơ thể lại càng quan trọng. Tuy nhiên, chiều chuộng chúng lại là điều không nên làm. Chiều chuộng nghĩa là cho đồ ăn, cho đồ chơi,... để làm cho đứa trẻ vâng lời.
Ngoài ra, việc cho ngủ cùng đến bao giờ còn tùy vào sự chậm phát triển tính tự giác, nên hãy cố gắng giúp trẻ phát triển tính tự giác này.
Cho dù có cho trẻ cảm nhận đầy đủ việc tiếp xúc cơ thể đi nữa thì cũng không được phục vụ trẻ. Phục vụ trẻ sẽ gây cản trở việc phát triển tính tự giác ở trẻ. Thậm chí có người mẹ còn nhầm lẫn cho rằng yêu thương trẻ là phục vụ cho trẻ. Việc giáo dục con trẻ làm những việc bản thân có thể tự làm từ khi còn nhỏ là rất quan trọng.
Phục vụ quá nhiều chính là chăm sóc thái quá nên trẻ sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn, trải nghiệm ít hơn, không chỉ tính tự giác mà khả năng thích ứng đều không được nuôi dưỡng. Gần đây, sự xuất hiện của bạo lực gia đình là kết quả của việc người mẹ nuông chiều trẻ quá mức. Nó giống như thái độ đối với người giúp việc vậy.
Tôi hy vọng người mẹ cũng mong muốn có quyền như một người quản lý trong gia đình. Người mẹ là người sẽ đưa ra phương án, lên kế hoạch trong việc nuôi dạy, giáo dục con trẻ, hay làm việc nhà,… Cả gia đình, đặc biệt là trẻ, sẽ cùng giúp đỡ mẹ một phần công việc nhà theo phương án, kế hoạch đó. Và những khoảnh khắc nhỏ như vậy sẽ xây dựng nên thói quen về sau này.
Điều quan trọng là quá trình cho trẻ phụ giúp làm việc nhà – nếu người cha, người mẹ có thể cùng làm với con thì càng tốt. Nó sẽ giúp xây dựng tình cảm ấm áp giữa cha mẹ và con cái. Con cái sẽ hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, sẽ càng nuôi dưỡng sự thông cảm, tình yêu thương, hạn chế tính ích kỷ ở con. Từ chỗ biết yêu thương cha mẹ, ông bà bằng cách chia sẻ việc nhà để người lớn đỡ cực, trẻ sẽ dần dần biết yêu thương những người khác qua việc giúp cụ bà hàng xóm xách đồ chẳng hạn. Rõ ràng, cho trẻ chia sẻ việc nhà không chỉ dạy trẻ tính tự giác, tự lập mà còn dạy trẻ lòng yêu thương và quan trọng là tạo được mối dây tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc nuôi dạy con ở những giai đoạn tiếp theo.
4. Người cha hãy trở thành tấm gương cho con trẻ
Hãy bắt đầu dù bằng một lời nói đùa
Vai trò của người cha trong gia đình là gì?
Trước tiên, người cha chính là người đưa ra những chủ đề vui vẻ trong gia đình. Người cha là người có nhiều trải nghiệm bên ngoài nhất, nên hãy xem xem trong những trải nghiệm đó, chọn ra điều có thể trở thành chủ đề thú vị, chủ đề làm cho cả gia đình vui vẻ, rồi kể cho mọi người nghe vào bữa ăn tối. Đó cũng là điều trẻ mong chờ ở cha mình. Dù chỉ là tấm biển quảng cáo hay công việc của một người nào đó, nếu cố gắng tìm lấy một chủ đề thì bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bất ngờ khác nữa. Có thể bắt đầu bằng một lời nói đùa, miễn sao nó làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn là được. Khả năng pha trò cũng sẽ dần tốt lên khi chúng ta cố gắng.
Cứ như vậy, trẻ nhỏ cũng sẽ bắt đầu tự chia sẻ những câu chuyện của chúng về trường học hay bạn bè. Mọi người sẽ dành thời gian ở bên nhau nhiều hơn trong bữa ăn, đúng không?
Điều này cũng giúp loại bỏ dần thói quen vừa ăn vừa xem tivi nữa. Kết quả là cả gia đình sẽ gắn kết với nhau chân thành, chặt chẽ hơn.
Dành thời gian chơi đùa cùng trẻ sau bữa ăn
Hãy cùng với trẻ dọn dẹp bàn ăn. Hãy nghĩ rằng việc cùng nhau dọn dẹp sẽ giúp rút ngắn thời gian hơn rất nhiều và ta có thể dùng khoảng thời gian đó để mọi người trong gia đình vui đùa cùng nhau. Việc chơi đùa như thế nào sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ nên hãy lắng nghe ý kiến của trẻ trong việc này thì tốt hơn.
Đây cũng là một ý nghĩa của việc phục vụ. Nếu xem nhẹ điều này, người cha rất dễ trở thành người cung phụng cho trẻ. Bố hay mẹ đều có thể chơi đùa vui vẻ cùng trẻ. Nếu được như vậy thì sẽ phải làm cho trí não trẻ hoạt động nhiều hơn, đúng không?
Kỷ niệm về những ngày cùng bố mẹ chơi đùa khi còn nhỏ sẽ luôn được gìn giữ trong lòng trẻ suốt quãng đời còn lại. Đặc biệt đối với những đứa trẻ có ít cơ hội được chơi đùa với bố, điều đó sẽ lưu lại ấn tượng rất mạnh mẽ. Rất nhiều trẻ em đang mong muốn tha thiết được chơi đùa cùng với bố của mình.
Còn những người bố không thể dành nhiều thời gian chơi đùa cùng con do bận bịu sẽ mua cho con những món đồ chơi đắt tiền hay những món ăn ngon, đây chính là sự quan tâm chăm sóc về mặt vật chất cho trẻ. Mặc dù trẻ sẽ vui vì điều đó, nhưng điều làm trẻ vui thực sự không phải là việc có được những món đồ chơi xịn, mà là việc người bố đã nhớ tới trẻ khi đem quà về cho chúng sau những chuyến công tác. Trẻ sẽ càng vui hơn khi bố cùng chơi với mình, cùng lắp ráp những món đồ xếp hình mà bố đã mang về. Nói cách khác, điều mà trẻ mong đợi nhất là có thời gian ở bên bố của mình, chứ không phải là những món quà, những nhu cầu vật chất tầm thường kia. Suy cho cùng, chơi mãi các món đồ chơi cũng chán, quan trọng là trải nghiệm, là cảm giác trò chuyện cùng bố khi chơi món đồ đó. Đó là lý do vì sao trẻ cứ thấy bố đi làm về là vác đồ chơi ra, vì mong đợi được bố chơi cùng, chứ không hẳn trẻ thực sự thích món đồ chơi đó.
Khi hiểu được tâm lý này, nỗi khao khát này của trẻ, các ông bố hãy để tâm dành chút thời gian để chơi với con dù công việc có bận bịu. Một người cha luôn dành thời gian chơi với con sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình lớn lên của trẻ vì trẻ luôn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ cha mẹ.
Vậy nên việc dùng vật chất để bù đắp cho việc không thể cùng con trẻ chơi đùa sẽ không chỉ cản trở sự phát triển mối quan hệ giữa hai cha con mà còn làm cho trẻ trở thành người thực dụng. Chúng ta hy vọng điều này sẽ không xảy ra.
Một điểm lợi lớn của việc chơi cùng con trẻ là qua việc chơi, người cha có thể dạy con rất nhiều điều. Chẳng hạn như, dạy con hành vi chơi ăn gian là rất xấu vì như thế sẽ không có bạn nào khác muốn chơi với mình (ở đây là dạy con sống trung thực), hoặc dạy con tư duy logic qua các trò chơi xếp hình, lắp ráp. Vừa học vừa chơi là như thế, chứ không phải chỉ ngồi vào bàn mới là học, mới là dạy. Dạy là phải từ những chuyện nhỏ nhất trong cuộc sống của trẻ. Chỉ có dành thời gian ở bên con mới có thể dạy con từ những chuyện nhỏ nhất ấy. Tương tự như vậy với người mẹ, hãy luôn để tâm dành thời gian ở bên con để dạy con từ những điều nhỏ nhất.
Hãy để trẻ lao động vào những ngày nghỉ
Vào những ngày nghỉ, hãy nói chuyện với người mẹ, bỏ công sức ra rèn luyện cơ thể cho trẻ bằng cách cả nhà cùng nhau vui chơi ngoài trời. Thực ra, có thể nói rằng muốn rèn luyện thân thể cho trẻ mà lại dùng xe riêng đưa trẻ đi các địa điểm vui chơi hay những nơi nổi tiếng thì có phần thiếu suy nghĩ. Đó là một dạng phục vụ trẻ, người cha, là người lái xe, sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi và sẽ không tiếp tục làm như vậy mãi được.
Nếu không dùng xe riêng mà di chuyển bằng phương tiện công cộng để đi leo núi, hay những hoạt động khác không cần phải trông trẻ nhiều mới thể hiện sự tài tình của người cha, đúng không?
Và qua những chuyến đi, hãy dạy cho trẻ hiểu về những điều mấu chốt trong cuộc sống, hay về những thứ như đồ dùng để nấu ăn, đồ dùng đi cắm trại,... đó mới là điều quan trọng. Những kỹ năng sống mới là hành trang cần thiết cho trẻ. Trẻ có thể trải nghiệm sâu sắc và học hỏi nhiều điều thú vị qua những chuyến đi, vì thế đừng để các chuyến đi trở nên vô ích bằng những chuyến đi đúng nghĩa nghỉ dưỡng.
Tôi từng biết những gia đình đi du lịch kiểu năm sao, tức là đi máy bay đến các khu du lịch nghỉ dưỡng, vào tới khách sạn là chỉ có ngủ, xem tivi; khi đói thì gọi phục vụ phòng đem đồ ăn lên tận nơi; có chăng đi ra ngoài là đi xuống hồ bơi của khách sạn, bơi một vòng rồi lại đi về phòng ngủ nghỉ. Qua vài ngày nghỉ dưỡng như thế, cả nhà lại quay về thành phố để đi làm.
Rõ ràng, du lịch nghỉ dưỡng như thế chỉ là du lịch hưởng thụ, đừng dạy con cách sống hưởng thụ như thế mà hãy dạy con cảm nhận thế giới xung quanh mình, như cảm thụ vẻ đẹp của mặt trời mọc vào sáng sớm trên đỉnh núi hay chiều tà khi mặt trời khuất sau núi. Hãy dạy con biết yêu thiên nhiên, biết yêu, biết trân trọng những điều xung quanh mình, trân trọng những khoảnh khắc thực tại, thay vì chỉ buồn rầu về những gì đã xảy ra trong quá khứ hay lo âu vì những điều chưa xảy ra trong tương lai.
Không chỉ vậy, được trải nghiệm khoảnh khắc thực tại với cha mẹ mình như khi cùng ngắm mặt trời mọc thì còn gì hạnh phúc hơn. Cảm giác ấm áp này sẽ theo con suốt cuộc đời. Chinh phục đỉnh núi buổi sáng sớm để ngắm mặt trời mọc cũng sẽ cho con cảm giác về thành tựu. Những trải nghiệm đó vô cùng quý giá đối với quá trình trưởng thành của con trẻ.
Vậy thì để có những ngày nghỉ trải nghiệm cùng con, cha mẹ nên làm gì? Nếu quyết định đi du lịch xa với con, thay vì đi máy bay, hoặc lái xe riêng, hãy thử di chuyển bằng phương tiện công cộng như đi tàu xe. Mặc dù di chuyển bằng tàu xe đối với cha mẹ có một chút phiền hà, nhưng đối với trẻ sẽ là một trải nghiệm xã hội rất tốt.
Việc cho trẻ trải nghiệm nhiều thứ từ khi còn nhỏ nhằm thúc đẩy khả năng ứng biến trong xã hội là rất quan trọng. Hãy cố làm sao cho trẻ cảm thấy mọi chuyện không dễ dàng quá. Dạy cho trẻ cảm nhận về thành tựu khi làm được một việc gì đó. Thử nghĩ một đứa trẻ dậy sớm vào buổi sáng để leo lên núi ngắm mặt trời mọc cùng cha mẹ sẽ mang đến cảm nhận về thành tựu như thế nào. Khi chinh phục được một đỉnh núi, trẻ sẽ càng có niềm tin chinh phục một đỉnh núi khác cao hơn. Sự tự tin được tôi luyện qua chính trải nghiệm của bản thân sẽ là liều thuốc kích thích gấp trăm ngàn lần so với sự tự tin suông qua những lời khuyến khích sáo rỗng của cha mẹ như “Con rất giỏi, con sẽ làm được thôi!”.
Nếu không có điều kiện đi du lịch, một ngày nghỉ ở nhà cùng với gia đình cũng rất ấm áp. Chẳng hạn như, cha mẹ hãy phát động một ngày tổng vệ sinh nhà cửa. Cả nhà cùng dọn dẹp nhà cửa sẽ dạy cho trẻ yêu lao động. Có thể giao cho trẻ những công việc yêu thích và phù hợp (như sắp xếp lại đồ chơi, tưới cây,...). Ngoài ra, tôi đã đề cập đến chuyện này một lần rồi, khi người mẹ quá bận rộn với công việc nhà, thì việc trẻ giúp đỡ mẹ dù là việc gì đi nữa, người mẹ cũng sẽ cảm thấy được động viên, còn trẻ cũng có một hình mẫu tốt để noi theo.
Với ý nghĩa đó, những chuyện như bỏ bữa hay xem tivi quá giờ đi ngủ sẽ trở thành một hình mẫu cực kỳ xấu cho trẻ, vì ta đang cho trẻ nhìn thấy một cuộc sống lười biếng. Lúc đó, trẻ sẽ không còn muốn giúp mẹ nữa vì chúng cũng muốn được nằm lì xem tivi như bố mẹ. Hình ảnh chỉ có người mẹ bận rộn, loay hoay với công việc nhà sẽ trở thành cái được gọi là người hầu trong gia đình. Dần dà người mẹ sẽ không còn uy quyền gì trong gia đình nữa, mà trẻ cũng dần hình thành tính ích kỷ, xem mình là trung tâm và việc người khác (ở đây là người mẹ) phải phục vụ mình là chuyện đương nhiên, nhất là khi trẻ học được điều đó từ cha mình. Hình ảnh bố nằm lì xem tivi, hoặc chơi game sau khi ăn xong, còn mẹ thì tất bật chuẩn bị đồ ăn, rồi lại dọn dẹp sau khi ăn là cách dạy con rõ ràng nhất về vai trò người hầu của người mẹ trong gia đình.
Có những người cha lại cố tình dắt mũi con cái. Có người cha thì vô cùng lười biếng, việc gì cũng không chịu làm. Đây chính là kiểu đàn ông trong xã hội có cấu trúc chiều dọc. Điều này cũng là nguyên nhân khiến trẻ không muốn gần gũi hơn với cha của mình. Và như đã nói ở trên, trong số những bé trai, cũng có những đứa trẻ nhìn, học theo cha mình và dần trở thành một người đàn ông lười biếng, ích kỷ, sống theo chủ nghĩa cá nhân.
Do đó, những hành động làm hình mẫu cho trẻ khi ở nhà cần được suy nghĩ một cách thấu đáo ngay từ bây giờ.
Hình ảnh người cha không được yêu thích nhất là người luôn cho mình là trung tâm mà cư xử với con trẻ. Những người như vậy sẽ không thể hiện sự quan tâm đối với vợ mình và cũng không thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với con cái. Vậy mà, nếu họ có ngoại tình bên ngoài, chẳng những sẽ suốt ngày than thở về vợ, mà còn làm cho cả gia đình cảm thấy nặng nề nữa. Trẻ sẽ luôn cảm thấy bất an, lo sợ về những hành động gây gổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ví dụ trên có thể phần nào cho thấy các vấn đề ở trẻ em trong gia đình. Nếu bạn đã đọc được đến đây, chắc hẳn bạn cũng là một người biết quan tâm hy sinh cho gia đình mình.
5. Hãy quan tâm đến mối quan hệ giữa các con với nhau
Những người anh người chị hơn nhau bốn tuổi
Anh chị em đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của đứa trẻ. Tuy ở trong nhà chúng thường hay cãi cọ với nhau, nhưng chúng sẽ cảm thấy lo lắng nếu không thấy nhau, chúng sẽ đùm bọc che chở nhau khi ra khỏi nhà. Hơn nữa, có thể nói rằng luôn tồn tại sự tin cậy giữa chúng, để có thể giúp đỡ và cùng nhau vượt qua khó khăn.
Để xây dựng được mối quan hệ anh chị em như thế, điều kiện tiên quyết là phải mang đến cho con cảm giác tin tưởng rằng cả cha lẫn mẹ đều yêu thương chúng như nhau. Và để làm được điều đó, các bậc cha mẹ phải suy ngẫm đến độ tuổi của các con, rồi từ đó cố gắng đối xử một cách bình đẳng giữa các con.
Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là sẽ đối xử như nhau giữa các con, mà là cha mẹ phải nghĩ đến sự phát triển riêng của từng đứa trẻ để đối xử sao cho phù hợp.
Ví dụ, nếu người mẹ sinh thêm một đứa con nữa, trong khi đứa trước chưa tới ba, bốn tuổi, thì nên làm thế nào? Lúc đó, người mẹ hay nói với đứa lớn là: “Con được làm anh/chị rồi đấy”. Tuy nhiên, bạn cần biết là sự nảy mầm cảm xúc được làm anh, làm chị sẽ không thể phát triển cho đến khi đứa bé lên bốn tuổi. Nếu bạn biết điều này, thì ngay cả khi bạn nói: “Con được làm anh/chị rồi đấy” với con, thì cũng chẳng thể ép buộc con được điều gì.
Khi đang cho em bé nhỏ bú sữa, mà đứa lớn cứ bám lấy đầu gối của mẹ, khi đó người mẹ sẽ dang tay chào đón con chứ? Khi đó, người mẹ sẽ không thể không đặt em bé nhỏ xuống, phải vậy không? Đó là lúc đứa trẻ đang ngập tràn nỗi lo lắng rằng em của nó đang “cướp mất” mẹ của nó.
Cũng có những đứa nhỏ ba, bốn tuổi thôi nhưng cư xử ra dáng một người anh, người chị khi được cha mẹ bảo: “Con được làm anh/chị rồi đấy”. Nhưng thật ra hành động ngoài mặt là thế thôi, nó chỉ muốn được cha mẹ khen ngợi khi làm như vậy. Đấy chỉ là sự dối gạt.
Sự khác nhau trong tính cách nằm ở sự khác nhau trong cách giáo dục
Chắc hẳn chúng ta đều nghĩ dù bé lớn bắt nạt bé nhỏ đi nữa thì cũng không nên quy hết rằng đó là hành động của đứa trẻ hư.
Bé nhỏ tuổi hơn bị ăn hiếp nhưng từ đó sẽ học được và hiểu ra nhiều điều. Tuy nhiên, khi bé nhỏ bị ăn hiếp quá đáng thì bé sẽ cướp lấy tay mẹ, rồi lén lút phản ứng lại với anh chị của bé. Nếu bạn nhận thấy điều đó thì buổi tối trước khi đi ngủ hãy trò chuyện cùng bé.
Nếu đã tới giờ ngủ rồi mà bé cứ thức mãi chẳng chịu ngủ, chúng ta đừng quát mắng: “Ngủ mau đi!”, mà hãy từ từ dỗ dành bé.
Là một bà mẹ thì ai cũng thèm được rảnh nợ với hai đứa con và làm những gì mình muốn làm, nhưng việc suy đoán những bất ổn trong cảm xúc của bé lớn là điều rất quan trọng. Nếu con xác nhận được rằng mẹ cũng yêu thương mình thì bé sẽ không ăn hiếp em quá đáng và càng lớn hơn thì ta sẽ thấy bé càng biết chăm sóc em hơn. Tuy nhiên, đó là những việc sẽ diễn ra sau khi trẻ vào tiểu học.
Các bà mẹ thường hỏi rằng: “Đều nuôi dạy các con như nhau nhưng sao đứa lớn thì nhút nhát, còn đứa nhỏ lại lanh lợi vậy nhỉ?”. Một số người mẹ cho rằng sự khác nhau ở con mình là bẩm sinh. Có thể một phần là do bẩm sinh, nhưng phần lớn là nằm ở cách nuôi dạy trẻ.
Dù cha mẹ có cùng một cách nuôi dạy con đi chăng nữa thì chắc chắn tâm lý khi nuôi con cũng sẽ có nhiều điều đối lập. Khi sinh con đầu, mọi thứ liên quan đến việc chăm sóc trẻ sẽ là những kinh nghiệm đầu tiên, cho nên có rất nhiều điều không yên tâm. Các bậc phụ huynh thường tìm đọc những cuốn sách về cách chăm sóc trẻ để nắm được cách nuôi dạy tốt nhất.
Chính vì tâm lý đó nên các bậc cha mẹ thường lo lắng và cố gắng làm nhiều điều, nhiều cách. Chắc chắn khi chăm sóc con đầu lòng, trẻ cứ bệnh một chút là đưa ngay đến chỗ bác sĩ khám. Một bác sĩ nhi từng nói vui với tôi rằng: “Các bà mẹ có con đầu lòng, mỗi khi con bị bệnh thì cuống cả lên, cứ như con mắc bệnh nan y tới nơi vậy!”.
Đến khi sinh con sau thì những kinh nghiệm chăm sóc trẻ có được từ con đầu lòng cực kỳ có ích, cha mẹ không những đỡ lo lắng nhiều hơn mà thậm chí có phần xao nhãng, chẳng hạn như con hơi sốt thì vẫn bình tĩnh nói rằng: “Để hết bữa nay coi sao”. Từ đó, trẻ lớn lên một cách thoải mái, trẻ thường chứng minh cho cha mẹ thấy bằng cách hay vươn mình. Vả lại trẻ vốn đã coi anh chị mình chính là đối thủ để so bì nên càng mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, có thể thấy có sự khác nhau trong cách đối xử với bé đầu lòng và bé sau. Đối với con đầu lòng, chúng ta thường nhận thức sai lầm về việc nuông chiều trẻ, chẳng mấy khi âu yếm và có những cử chỉ yêu thương, nhưng đối với bé sau thì luôn dịu dàng, chẳng hạn như bế con lên đùi để cưng nựng.
Vì vậy, đừng để cho bé đầu lòng cảm thấy cha mẹ phân biệt đối xử mà từ đó sinh tâm ngăn cách với em mình. Một tình huống hay xảy ra trong gia đình là nhiều cha mẹ ít khi nào chịu khó nghe chuyện tranh cãi giữa hai đứa con để phân xử thỏa đáng mà cứ nói câu cửa miệng: “Làm chị, làm anh phải biết nhường nhịn em”, hay “Em còn nhỏ mà, con nhường em đi”. Điều này sẽ làm cho đứa làm anh, làm chị cảm thấy uất ức, nhất là khi đứa em giật lấy món đồ chơi, hoặc đồ ăn mà trẻ yêu thích. Phải nhường nhịn vô lý nhiều lần như thế sẽ càng khiến cho trẻ sinh lòng ghét em mình. Đồng thời, hành động bắt bé lớn phải nhường em “vô điều kiện” sẽ càng dung túng cho sự càn quấy, vô lý và ích kỷ ở bé sau. Vì thế, cha mẹ cần phải tạo sự công bình, cần dựa trên đúng - sai khi phân xử giữa hai con. Đây cũng là lúc cha mẹ dạy con biết phải trái và biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau một cách tự nguyện thay vì bị bắt nhường nhịn một cách vô lý.
Cách ứng xử khi nuôi ba đứa con trong gia đình
Sự khác nhau về ý thức của người mẹ khi nuôi dạy con đầu lòng và con sau dẫn đến ảnh hưởng trong việc hình thành nhân cách của từng trẻ, vì thế không thể nói rằng: “Cũng dạy con như nhau, mà tại sao…?” được.
Đặc biệt là nếu nhà có ba anh em, trai - trai - gái hoặc gái - gái - trai, thì trẻ ở giữa thường sẽ mạnh mẽ và khôn lanh hơn hẳn.
Đó chính là vì về mặt tinh thần hay mặt vật chất thì bé ở giữa đang được coi là “second hand”. “Second hand” ở đây mang ý nghĩa là cũ, thường thì từ quần áo cho tới đồ chơi đều sẽ là đồ “nhường lại”, đồ “còn dùng được”. Chúng ta rất dễ dàng nảy sinh suy nghĩ như thế. Nhưng đúng lúc đó mà các bà mẹ sinh ra em bé có giới tính khác với anh chị chúng thì mọi thứ lại thành đồ mới hết. Và khi đứa trẻ giữa nhìn thấy điều đó, đương nhiên là bé sẽ thấy mình thiệt thòi.
Vì vậy, để cố gắng cho trẻ giữa hiểu rằng bé đã là anh chị thì về mặt vật chất, chúng ta cần mua tặng bé những món đồ mới, về mặt tinh thần thì cần dịu dàng, trìu mến với bé hơn là những đứa trẻ khác. Nhất là những lúc chỉ có bé trằn trọc không ngủ trong khi mọi người đã ngon giấc, bạn cần từ từ trò chuyện cùng bé. Nhờ vậy mà những cảm xúc ấm ức, cáu gắt của trẻ sẽ không trỗi dậy.
Còn đối với bé trai được sinh ra sau khi đã có hai chị gái trước, nếu bắt những bé gái chăm sóc cho em trai mình quá nhiều thì sẽ vô tình trở thành ba người nữ giới của gia đình phải phục vụ bé trai, và bé trai sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn, khó thích ứng với xã hội, khó có bạn bè hoặc có xu hướng nữ tính hóa. Có không ít những trường hợp khi đến tuổi dậy thì các bé mắc chứng rối loạn thần kinh hoặc là bắt đầu trốn học, chán nản việc đi học, nhất là khi bị bạn bè chọc do các chị gái hoặc mẹ tỏ ra chăm sóc quá mức.
Hơn nữa, nếu như có cả bà thì tức là bé trai sẽ được chăm sóc chu đáo bởi bốn người là nữ, khiến cho có những bé phát triển cực kỳ muộn. Để trẻ có thể tự do lớn lên, phát triển bản thân một cách tự nhiên, chúng ta không nên phục vụ trẻ mọi thứ. Trong một gia đình toàn là nữ, vai trò của người cha càng quan trọng, vì là người đàn ông thứ hai trong gia đình, ngoài bé ra. Vì thế, sự dạy dỗ của cha rất có ý nghĩa trong việc cân bằng tâm sinh lý của trẻ.
Việc so sánh anh chị em trong gia đình là nguồn gốc của định kiến
Dù nói rằng cách nuôi dạy bé trai và bé gái là khác nhau nhưng cũng có một điều cần phải chú ý hơn nữa. Không ít các bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm rằng con trai là người kế thừa, còn con gái sẽ làm vợ.
Khi những đứa trẻ được nuôi dạy từ suy nghĩ đó, dù thế nào đi nữa thì bé gái cũng ít được coi trọng nên sẽ có cảm giác rất buồn vì sinh ra là con gái, và từ đó nảy sinh định kiến. Có những bé gái sẽ cảm thấy ghét người cha luôn giữ quan niệm cho rằng nữ kém cỏi hơn nam, và sau khi dậy thì, bé gái sẽ trở nên ít nói hơn hoặc có xu hướng nổi loạn để chứng tỏ nữ giới không hề kém nam giới.
Nhất định phải chấm dứt ngay việc so sánh các con với nhau. Phụ huynh so sánh các con của mình với ý nghĩ là khích lệ các con, nhưng thật ra đối với trẻ, điều đó chẳng những không khích lệ mà còn khiến cho định kiến ở bé ngày càng mạnh hơn. Điều đó vô tình làm cho tình cảm thân thiết giữa bọn trẻ dần trở nên xấu đi.
Giống như đã trình bày ở đoạn trước, để các bé tin tưởng rằng mình đang được cha mẹ yêu thương thì đối với con đầu, con giữa hay con út, các bậc cha mẹ đều cần phải để ý thật kỹ. Tình yêu thương sẽ được thể hiện ở cách đối xử với các bé, từ đó cảm xúc của bé sẽ ổn định hơn. Cha mẹ cần biết rằng nếu không chú ý đến những điều đó, tình cảm giữa các con sẽ dần xa cách, càng lớn càng thù ghét nhau.
6. Ông bà hãy tạo ra ranh giới với các cháu của mình
Sự riêng biệt trong cuộc sống là yếu tố quyết định then chốt
Sống chung với người bà lớn tuổi rất dễ gặp phải mối quan hệ không tốt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Có khi còn ghét nhau đến mức nàng dâu thất lễ gọi mẹ chồng là “bà già”. Do vậy các cặp vợ chồng đã sớm hướng tới cuộc sống của gia đình hạt nhân – là gia đình hai thế hệ, bao gồm cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, có nhiều người bà được các con trai và cháu yêu thương, tôn trọng hết mực. Đó là người bà luôn sống tình cảm với chồng, đối xử với cuộc đời bằng lòng vị tha và sự tử tế.
Và những người ông người bà này luôn vạch rõ cuộc sống riêng biệt, không chen vào đời tư của con cháu mình, đặc biệt khi các con của họ là những cặp vợ chồng trẻ.
Sống riêng biệt, đầu tiên là về nơi ở. Người lớn tuổi không sống chung nhà hoặc không xâm phạm cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Nói chung là sắp xếp phòng ở sao cho đôi vợ chồng trẻ có thể tự do sinh hoạt mà không liên quan đến người lớn tuổi.
Người bà luôn được người ông tôn trọng, dành tình cảm yêu thương thì khi về già chắc chắn họ sẽ không chen vào cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, cũng như không sống dựa dẫm vào con cái.
Những người lớn tuổi hiểu rõ ý nghĩa của việc sống riêng và luôn vì hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ mà hết lòng giúp đỡ chính là những người được con cháu yêu thương, tôn trọng. Họ luôn được con cháu thương nhớ, quây quần. Những khoảnh khắc vui vẻ trong gia đình được lan tỏa và ý nghĩa hơn. Nếu mẹ chồng không nói xấu con dâu, thường xuyên khen ngợi những sở trường của con thì đương nhiên không có nàng dâu nào coi thường mẹ chồng. Những điều này sẽ hình thành nên mối quan hệ thân thiết giữa mẹ chồng và nàng dâu, giống như giữa mẹ và con gái ruột vậy.
Thêm nữa, đối với những người bà trông cháu, bà có trách nhiệm phụ giúp người mẹ chăm sóc cháu nên bà cần tôn trọng cách chăm sóc con của con dâu mình. Chỉ khi như vậy thì con dâu mới tin tưởng mẹ chồng, nếu mẹ chồng có gì cần nhắc nhở thì con dâu sẽ ngoan ngoãn nghe theo, bởi vì ai cũng muốn nhận được những lời khuyên răn dịu dàng, tích cực.
Từ đó, việc sống cùng với người lớn tuổi sẽ trở nên thoải mái hơn, người lớn tuổi cũng vui vẻ mà sống cùng với đôi vợ chồng trẻ, cuộc sống tuổi già cũng có ý nghĩa hơn.
Điểm mấu chốt để có được mối quan hệ hữu hảo giữa ông bà và con cái nằm ở việc suy nghĩ tích cực. Có mẹ chồng cảm thấy khó chịu vì cho rằng: “Có con dâu là con trai quên mình, con trai mình chỉ biết lo cho vợ nên quên mất mẹ, trong khi mẹ là người mang nặng đẻ đau”. Từ suy nghĩ đó, người mẹ chồng cảm thấy con dâu thật chướng mắt vì cướp đi con trai của họ. Đó là mầm mống cho mọi bất hòa, tạo không khí ngột ngạt và căng thẳng trong gia đình. Nhưng có những người mẹ chồng lại suy nghĩ: “Có con dâu là có thêm một đứa con gái, con trai mình lại có người bầu bạn, chia sẻ vui buồn”. Từ suy nghĩ đó, bà mẹ lại thấy con dâu thuận mắt và nhìn mọi việc với thái độ yêu thương, bao dung hơn với con dâu.
Nguyên nhân rắc rối nằm ở sự nghe lời của con trai
Những rắc rối nảy sinh giữa mẹ chồng và nàng dâu cho đến thời nay vẫn luôn xảy ra ở khắp nơi. Nếu thử suy luận, ta sẽ hiểu rằng nguyên do nằm ở chỗ người vợ có cuộc sống không được vui vẻ ở nhà chồng.
Mà nguyên nhân sâu xa là ở mẹ chồng. Khi con trai lớn lên, lấy vợ, rồi lại thấy con trai mình yêu thương vợ, người mẹ sẽ có cảm giác “bị con dâu cướp mất con trai”, và từ đó trở thành người mẹ chồng khó tính, chỉ cần phát hiện con dâu có một chút khuyết điểm thôi cũng sẽ buông lời khiển trách. Cũng có những người mẹ quá đáng đến mức bất ngờ đi vào phòng ngủ riêng của con trai và con dâu mà chẳng e ngại.
Đối với những trường hợp như vậy, để tránh xảy ra bất hòa, trước tiên cần phải sống riêng. Nếu không thì con dâu sau này sẽ lặp lại điều không nên như người mẹ chồng lúc này, không có gì để nhớ đến ngoài việc là một “bà già khó chịu”.
Những người con trai hiếu thảo với cha mẹ lại thường khó mà dứt khoát hành động. Có thể coi đó là những người con nhát gan nên chỉ nghe theo những lời mẹ nói. Trong hoàn cảnh này, nếu không có con nhỏ thì người con dâu đã ra khỏi nhà rồi. Nhưng nếu có con thì cũng không thể làm thế được, bởi vì đó sẽ là những ngày tháng buồn bã không thôi, dần dần ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.
Và cũng có những người bà khi có cháu thì mang cháu rời khỏi vòng tay của mẹ. Họ làm điều đó là bởi vì chính bản thân họ không hề suy nghĩ cho cuộc sống về già của mình. Người mẹ sẽ cho rằng: “Cháu đã bị bà cướp đi”.
Cách nuôi dạy của người già thường là bảo bọc quá mức, cưng chiều quá mức cho nên dù đứa trẻ có trở nên ích kỷ và ngày càng ỷ lại, thì người mẹ cũng không biết phải làm thế nào. Dù có nói cho chồng nghe thì cũng chỉ là kiểu ỡm ờ rồi cho qua. Trong một gia đình như thế, khó mà có cách giải quyết vấn đề ổn thỏa.
Như đã nói ở trên, mọi vấn đề đều nằm ở cách suy nghĩ. Một người mẹ yêu thương con thật sự thì đó phải là tình yêu thương không bám chấp, không ích kỷ. Vì ích kỷ nên khi thấy con thương vợ thì cảm thấy tình thương của con trai dành cho mình bị cướp đi. Một người chồng thương vợ không có nghĩa là không còn thương mẹ mình nữa. Đó là hai thứ tình cảm hoàn toàn khác nhau.
Tôi rất thích câu nói “Tình yêu có đủ cho tất cả”, vì thế chúng ta không cần thiết phải giành giật tình thương yêu của ai cả. Nếu người mẹ nào đang chấp với tình cảm của con trai mình, hãy thay đổi cách suy nghĩ nhé. Trở nên hà khắc với con dâu chỉ càng khiến con trai mình thêm khổ sở vì rõ ràng bên tình bên hiếu là chuyện rất khó xử. Và một khi đã xem con dâu là con gái mình thì người mẹ chồng cũng sẽ trân trọng cách nuôi dạy con của con dâu và phối hợp trong việc nuôi dạy cháu. Tương tự đối với con dâu, cần xem mẹ chồng như là người mẹ thứ hai và đối xử trân trọng, yêu thương như mẹ ruột. Khi nhìn mọi việc với tình yêu thương thì mọi hành vi dù không như ý cũng sẽ được nhìn với thái độ bao dung hơn. Xét cho cùng, không ai muốn sống trong một bầu không khí gia đình ngột ngạt. Nhất định đó không phải là môi trường tốt để nuôi dạy con cái.
Vòng luẩn quẩn nuông chiều của ông bà sẽ bóp méo tính cách của con trẻ
Khi ông bà mất, bọn trẻ sẽ càng bám víu vào vòng tay của người mẹ hơn, khi đó người mẹ phải cố gắng yêu thương trẻ nhiều hơn. Tuy nói là quan hệ máu mủ mẹ con, nhưng vì cảm giác có sự dễ dãi từ người mẹ, và còn nhiều sự e dè giữa hai mẹ con, lại thêm tính cố chấp ương bướng của trẻ, sẽ làm cho mối quan hệ giữa mẹ với con cái lại càng trở nên mâu thuẫn đối lập nhau hơn. Lúc ấy, cảm giác muốn rời khỏi gia đình của trẻ sẽ càng mạnh mẽ. Cũng có không ít trường hợp vì thế mà con trẻ giao du với đám bạn có hành vi không tốt.
Mỗi khi nhắc đến những ví dụ như vậy, ông bà lớn tuổi trong nhà suy cho cùng cũng chỉ mong cho quan hệ giữa người mẹ và đứa trẻ được vun đắp hơn thôi, họ cảm nhận rất sâu sắc được tính cần thiết của việc tạo ra một ranh giới vừa đủ trong mối quan hệ với con cháu.
Nhưng cứ hễ bị mẹ mắng, đứa trẻ lại dùng phòng của ông bà như là một nơi để ẩn náu, và còn được ông bà lén lút cho kẹo nữa. Những đứa trẻ như thế không những không thể học được phép tắc, mà còn bị mất niềm tin vào mẹ của chúng.
Đối với những đứa trẻ được ông bà chiều chuộng đến sinh hư như vậy, các bà mẹ vì nóng lòng muốn dạy con lễ phép những lúc được ở riêng với con nên thành ra những lúc ấy lại vô tình la rầy con nhiều hơn. Ông bà nhìn thấy cảnh đó lại lầm tưởng rằng đây là một cô con dâu lạnh lùng và càng thấy tội nghiệp cháu mình, dần dà lại càng nuông chiều cháu hơn. Trong cái vòng luẩn quẩn đó, có không ít trường hợp nảy sinh sự méo mó trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Hơn nữa, người lớn tuổi thích một cuộc sống ngăn nắp và yên tĩnh. Nhưng đứa trẻ chưa được một tuổi đã bắt đầu bước vào độ tuổi nghịch ngợm và bắt đầu làm xáo trộn cuộc sống của những người lớn tuổi trong gia đình. Cho nên có lẽ các bà mẹ sẽ cảm thấy e ngại với những người lớn trong nhà, và thấy áp lực với sự tinh nghịch của con nhỏ. Kết quả là có rất nhiều trường hợp đứa trẻ bị bắt phải điềm đạm và mất đi sự phát triển tính cách riêng của chúng – đánh mất cơ hội để trẻ tự khám phá thế giới xung quanh, ảnh hưởng đến quá trình lớn lên của trẻ.
Nếu bạn cứ để cho con như thế, sẽ có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề khác nữa sau tuổi dậy thì. Cho nên chúng ta cần phải có cách để thúc đẩy sự phát triển tính cách riêng ngay từ sớm cho con trẻ.
7. Suy ngẫm về ý thức xã hội mang tính cấp bậc trên dưới
Lối sống của gia đình bạn hiện tại thật sự có tính dân chủ?
Các bậc cha mẹ thường hay nói với con cái những câu đại loại như “Cha mẹ nói gì cũng phải bảo vâng”, hoặc “Thầy cô bảo gì cũng phải nghe và làm theo”. Những câu nói như thế chắc chắn bắt nguồn từ tư tưởng xã hội mang tính cấp bậc trên dưới.
Nếu bạn muốn dạy con một cách dân chủ, thì bạn nên dạy con rằng: “Nếu con có ý kiến riêng của mình thì hãy cứ nói rõ điều đó với ba mẹ hoặc thầy cô nhé”, hoặc hãy nói: “Con hãy nghe hết lời thầy cô nói, sau đó tự đưa ra phán đoán của chính mình rồi mới thực hiện, con nhé”.
Đối với cuộc sống vợ chồng cũng thế, tuy bây giờ ý kiến của những người mẹ đã dần có trọng lượng hơn trước, nhưng đâu đó cũng có những người cha vẫn còn mang tư tưởng “phu xướng phụ tùy” như trước đây. Đó là những ông chồng hay cau có, tức tối khi vợ đưa ra một ý kiến nào đó.
Hai vợ chồng như thế chắc chắn không thể có những buổi trò chuyện cởi mở cùng nhau. Bởi vì chỉ khi có thái độ thật sự lắng nghe đối phương thì mới có thể tạo ra một buổi trò chuyện thật sự với nhau. Thái độ này cũng giống như khi bạn hướng đến trò chuyện cùng con trẻ, khi chúng nói ra ý kiến của chúng, bạn cần phải chú ý lắng nghe. Nếu bạn không thể làm được điều này, bạn sẽ không thể nào trò chuyện được với con của bạn.
Ngoài ra, nếu có một người cha hoàn toàn không có ý định chia sẻ công việc nhà, hoặc một người cha có tính cố chấp ích kỷ, khi quyết định điều gì đó đều dựa trên tư tưởng mang tính cấp bậc trên dưới chứ không hề có suy nghĩ bình đẳng, thì chắc chắn người đó là con người của xã hội mang tính cấp bậc trên dưới. Ngay cả trong số các bà mẹ, cũng có những bà mẹ suy nghĩ rằng việc phục vụ cho cả gia đình là nhiệm vụ của mình, hoặc cũng có những người vợ đang sống chung với chồng và với cha mẹ già của chồng với một thái độ e dè. Những người mẹ, người vợ như thế là những người vẫn chưa thể thoát khỏi tư tưởng của một xã hội mang tính cấp bậc trên dưới.
Đứng trên quan điểm như thế, nếu thử kiểm tra những hành vi và ý thức trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có thể thấy rằng tuy ngoài mặt có vẻ là dân chủ, nhưng gốc rễ của tư tưởng mang tính cấp bậc trên dưới đó hiện nay vẫn còn khá nhiều.
Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải thử một lần trao đổi với nhau, và thử kiểm tra xem hiện tại gia đình mình đã có sự dân chủ thực sự trong nếp sinh hoạt hay chưa. Có những bố mẹ dù cho con nêu lên ý kiến riêng nhưng cuối cùng vẫn quyết định theo ý kiến của mình vì cho rằng con còn chưa trải đời nên khó tránh những suy nghĩ, tư tưởng non nớt, dễ phạm sai lầm. Cho dù khả năng quyết định của con có dẫn đến sai lầm, nhưng nếu đó là sai lầm không đáng ngại thì cha mẹ nên để cho con thực hiện vì trẻ sẽ học được nhiều thứ từ chính sai lầm của mình, từ đó mới có thể trưởng thành. Cha mẹ có thể đưa ra ý kiến và những kịch bản có thể xảy ra để con xem xét, nhưng cuối cùng vẫn nên tôn trọng nguyện vọng của con. Suy cho cùng, cha mẹ sẽ không thể theo con cả đời, thay con quyết định mọi thứ được. Vì thế, hãy dạy con tính độc lập bằng cách trao cho con sự dân chủ thực sự.