1. Sự yêu thương, quan tâm đến con trẻ sẽ nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn con
Cảm xúc chính là tấm lòng biết cảm thông với người khác
Tôi muốn con trẻ sẽ trở thành những người giàu cảm xúc, và tôi nghĩ rằng đây cũng là mong muốn chung của các bậc làm cha làm mẹ.
Vậy thì cảm xúc là gì? Nếu hỏi các bậc cha mẹ: “Cảm xúc tâm hồn của họ là gì?” và “Cảm xúc tâm hồn ấy giàu có đến mức độ nào?”, thì sẽ nhận được câu trả lời thế nào nhỉ?
Nếu bạn chưa từng nghĩ về điều này, có lẽ bạn cũng chẳng thể nghĩ đến chuyện làm thế nào để có thể nuôi dưỡng cảm xúc cho con cái của mình đâu nhỉ.
Tôi nghĩ sự cảm thông là điều quan trọng hơn cả đối với cảm xúc của một người. Có thể nói rằng cảm thông chính là đứng trên lập trường của đối phương mà suy nghĩ, đó là tấm lòng biết đồng cảm với cảm xúc của người khác. Cũng có người gọi đấy là khả năng tiếp nhận.
Các bậc cha mẹ có sự cảm thông như thế nào, và có thử nghĩ về điểm này chưa? Bản thân người mẹ có thể đứng trên lập trường của người cha, và hiểu được cảm xúc của người cha đến mức độ nào? Và người cha đang tiếp nhận chuyện của vợ mình đến mức nào?
Chúng ta cũng phải thử suy nghĩ về sự cảm thông đối với con trẻ. Bạn có đứng trên lập trường của con trẻ theo từng độ tuổi để suy nghĩ, và tiếp nhận những cảm xúc ấy hay chưa? Điều này thật sự ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cảm xúc của con trẻ.
Những người có ít sự cảm thông thường sẽ chỉ tập trung vào bản thân mình. Nói nôm na đó là những người ích kỷ. Những người ích kỷ chỉ luôn nghĩ đến bản thân, nên không nuôi dưỡng được đủ đầy cho tấm lòng biết quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Những người như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái, và nhiều tính cách tốt của con trẻ sẽ bị bóp méo.
Độ tuổi của con càng nhỏ thì việc nuôi dưỡng để con có được sự cảm thông với người khác lại càng quan trọng hơn. Vậy làm thế nào để thể hiện sự quan tâm nhằm nuôi dưỡng cảm xúc tâm hồn con trẻ được giàu có và phong phú đây?
2. Con trẻ mong muốn được tiếp xúc gần gũi
Sự tiếp xúc gần gũi sẽ làm cho xúc cảm của con trẻ phát triển hơn
Khi trẻ sơ sinh đang khóc, nếu bạn bồng bé lên tay, bé sẽ nín khóc ngay, đúng không? Điều này là do cảm xúc của đứa trẻ đã lắng dịu xuống nhờ được tiếp xúc gần gũi với người mẹ. Cũng có lúc dù bạn đã bồng bé trên tay nhưng bé vẫn không ngừng khóc, thì chắc chắn là bé đang bị đau đâu đó trong người rồi đấy.
Vài ba tháng sau khi sinh, sẽ xuất hiện tình trạng gọi là thói quen thích được ôm ấp ở đứa trẻ, đó cũng là do bé cảm nhận được niềm vui thích khi được ôm ấp.
Cũng có thể nói rằng đứa trẻ ngay từ lúc được sinh ra đã luôn mong muốn tìm kiếm sự tiếp xúc gần gũi với người mẹ.
Thời điểm đó, việc được cho bú sữa mẹ chính là một quá trình hết sức tự nhiên để có thể hoàn toàn được tiếp xúc gần gũi với đứa bé. Kể cả khi phải nuôi đứa bé bằng sữa ngoài, nhưng nếu vẫn ôm ấp bé đúng cách thì việc tiếp xúc này vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt là khi đứa bé được năm, sáu tháng, lúc này mắt bé vẫn chưa thể nhìn nhận rõ mọi thứ, nên bé tiếp nhận được sự kích thích từ thế giới bên ngoài và phát triển được cảm xúc nhờ vào sự cảm nhận của da (xúc giác) và khả năng lắng nghe (thính giác).
Không phải là không ít những bà mẹ sau khi cho con bú xong là cho bé đi ngủ ngay, giống như là vừa hoàn thành xong việc cung cấp dinh dưỡng cho con rồi ấy, hay sao? Nếu cho đứa trẻ đi ngủ ngay như thế, thì sau đó đứa trẻ sẽ dễ bị nôn trớ. Cho nên người mẹ sau khi cho con bú xong, nên bồng con thêm một tí, vuốt nhẹ phần lưng của con để không khí còn sót lại trong dạ dày của con được đẩy ra hết, rồi mới cho con đi ngủ.
Làm như thế không chỉ là vấn đề liên quan đến sinh lý, mà đối với những em bé có ánh mắt ngơ ngác nhìn quanh, có lẽ bạn sẽ muốn thử bẹo vào má, hoặc tặc lưỡi, hoặc lên tiếng bắt chuyện với bé. Nhờ những sự kích thích như vậy, bé sẽ bắt đầu biểu lộ nụ cười vào khoảng hai tháng sau khi sinh. Người mẹ sẽ tràn ngập cảm xúc vì vẻ đáng yêu ngộ nghĩnh của con, và đứa bé cũng sẽ phát ra tiếng “a, a”. Đứa trẻ sẽ dần trở nên thích thú và mong muốn những sự kích thích nhiều hơn từ người mẹ, và dần dần quay đầu về hướng giọng nói của người mẹ. Nhờ những tình huống như thế, cảm xúc của đứa trẻ sẽ được phát triển.
Đừng nên ôm ấp con một cách tùy tiện và chỉ nghĩ đến cảm xúc của riêng mình
Tôi đã từng có trải nghiệm rằng một em bé chỉ mới bốn tháng tuổi đã có thể phân biệt rõ ràng đó là mẹ mình qua cảm nhận của làn da. Đứa bé này không thích sữa, nên mỗi khi mẹ nó đưa bình sữa đến gần miệng là nó sẽ trở nên khó chịu, tỏ vẻ từ chối và quay mặt sang một bên. Đó là do người mẹ đã ép buộc nó phải uống sữa.
Vì vậy, tôi đã quyết định giữ đứa bé ấy lại để chăm sóc một thời gian. Tôi quyết không bắt ép đứa bé phải uống sữa, và nó đã trở về trạng thái ban đầu sau mười ngày. Cuối cùng, tôi cũng đưa trả bé về với gia đình của bé, để bé được mẹ chăm sóc. Tuy nhiên, nếu người mẹ lại ôm đứa bé và ép bé uống sữa, thì bé lại trở nên gắt gỏng và quay mặt đi. Vậy thì, nếu đổi lại là tôi thử thay người mẹ cho đứa bé uống sữa, liệu đứa bé có thích thú rồi uống ừng ực hay không? Bởi vì đứa bé chỉ mới bốn tháng tuổi, nên nó vẫn chưa thể nhìn rõ được xung quanh. Thế cho nên tôi nghĩ là nó chỉ phân biệt được mẹ nó qua cảm giác được ôm ấp thôi.
Vì thế, nếu bạn quan tâm đến cảm xúc của bé, bạn chỉ nên bế bé lên tay khi nào bé thật sự mong muốn được bạn ôm ấp.
Nói cách khác, người mẹ không nên ôm bế con chỉ vì bản thân mình mong muốn như thế. Đôi khi vì thấy bé đáng yêu quá nên muốn ôm và lỡ bế con lên, nhưng lúc đó đứa bé lại đang không mong muốn như thế, có khi sẽ làm cho bé trở nên khó chịu, gắt gỏng. Ngược lại, lỡ như bé đã quá quen với việc được bạn ôm ấp, thì những khi không được bạn ở bên cạnh ôm, bé lại cảm thấy bất an, lo lắng.
Bé đã có thể cảm thấy thích thú khi được ôm ấp từ tháng thứ sáu đến tháng thứ tám trở đi. Mắt của bé đã bắt đầu có thể nhìn rõ, lúc này bé sẽ bắt đầu biết nhút nhát. Khi cảm thấy lo sợ trước người lạ, bé sẽ bám lấy mẹ, người mà bé có thể tin cậy, việc tìm kiếm sự bảo vệ từ người mẹ như thế chính là tính nhút nhát của đứa trẻ. Thể hiện sự nhút nhát, và cứ liên tục như thế, hiện tượng này cho ta thấy mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và bé đang dần dần phát triển.
Nếu đứa bé không thể hiện tính nhút nhát, điều đó có nghĩa là mối quan hệ giữa người mẹ và đứa bé đang mong manh. Và nếu bạn cứ để cho đứa bé như thế, thì nó sẽ trở thành một đứa trẻ không có cảm giác muốn tìm kiếm mối quan hệ tình cảm đối với người khác, và có nguy cơ nó sẽ gây ra những hành vi không tốt sau tuổi dậy thì.
Cứ bám theo mẹ là bởi vì con đang có nỗi lo sợ
Khi bé được khoảng một tuổi, hễ có chuyện gì người mẹ cũng ôm lấy bé. Có lúc bạn nghĩ là mình không nên hình thành thói quen ôm ấp bé, thì cũng có lúc bé thật sự không muốn được ôm ấp.
Trong số các bà mẹ, có những người đã đến chỗ tôi để trao đổi về chuyện dù người mẹ có ôm ấp đứa bé trên tay, thì đứa bé vẫn thấy khó chịu. Trước đây, con bạn đã từng tỏ vẻ từ chối không muốn được mẹ ôm ấp chưa? Hoặc bạn có từng bất giác ôm ấp con trong lúc nó đang muốn được chơi đùa một mình? Dù là trong trường hợp nào đi chăng nữa, việc cứ bị ôm ấp hoài sẽ đem đến cảm giác không thoải mái cho đứa trẻ.
Đối với những đứa trẻ như thế, người mẹ cần phải để ý để có thể bắt lấy cơ hội được ôm ấp con, bạn càng vội vàng, nôn nóng sẽ càng làm đứa bé từ chối mình hơn. Ví dụ, khi đứa trẻ bị giật mình ngạc nhiên bởi một tiếng động lớn nào đó, bạn sẽ tiến đến gần bé, và đây chính là cơ hội để ôm ấp bé. Nếu bé được xua đi nỗi lo lắng, bất an nhờ vào sự ôm ấp của người mẹ, thì đấy chẳng phải là một yêu cầu được ôm ấp mang tính tích cực hay sao?
Thời kỳ “hoàng kim” nhất dành cho việc nâng niu, tiếp xúc gần gũi như thế giữa mẹ và bé là lúc bé được một tuổi rưỡi đến hai tuổi rưỡi. Đứa trẻ sẽ bám theo mẹ nhiều hơn trước, chính điều này làm cho người mẹ cảm thấy lo lắng hơn cho đứa trẻ.
Chẳng hạn như, khi ở trong phòng với con, hãy để đứa trẻ chơi một mình với đồ chơi, còn bạn thì ngồi đan len hoặc làm gì đó.
Trẻ con khi chơi một mình, thì thường tập trung chú ý vào trò chơi của chúng, thế nên hầu như chúng không để tâm đến những hành động xung quanh. Và đứa bé cũng không nhận thức được là mẹ nó đang đứng trong bếp hay đang trong nhà vệ sinh. Thế nên, khi đứa bé dừng chơi, và bất chợt hướng mắt về phía mẹ, nó sẽ trở nên cực kỳ lo lắng, bất an khi không thấy mẹ ở đó nữa. Vì thế, để làm an lòng bé, hãy đến chỗ con đang chơi và nói cho bé biết bạn sẽ đi đâu, làm gì.
Nếu đứa bé đã trải qua chuyện như thế, thì sau này bé sẽ tiếp tục cảm thấy lo sợ khi mẹ đi đâu đó mà bé không nhìn thấy. Thế nên, bé sẽ cứ bám theo mẹ. Khi người mẹ vào nhà vệ sinh và khóa cửa lại, bé sẽ vừa đấm vào cánh cửa vừa hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi”. Nếu là một người mẹ không thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lo sợ của con, có lẽ mẹ sẽ lớn tiếng mắng: “Ồn ào quá đi!” hoặc “Đừng đấm vào cửa!”.
Điều quan trọng để không mang lại nỗi lo sợ cho đứa bé là trước khi rời khỏi phòng, bạn hãy nói một lời với con để con biết được bạn sẽ đi đâu, chẳng hạn như hãy nói với con rằng: “Mẹ đi vệ sinh nhé”.
Hơn nữa, để có thể xua đi nỗi lo sợ mà bạn lỡ gây ra cho con, hãy nói rõ với con ý định của bạn trước khi bạn định rời khỏi tầm mắt của con, và đừng bao giờ bắt con phải im lặng. Nói cách khác, hãy dạy cho con những điều tốt đẹp để chúng có thể tin tưởng vào mẹ của mình.
Những đứa trẻ trong thời kỳ này hễ có chuyện gì cũng muốn được mẹ đặt ngồi trên đầu gối của mẹ. Điều này là do bé đang muốn mẹ giúp mình xua đi những lo lắng, bất an, hoặc xoa dịu cảm giác lúc bé buồn ngủ và mỏi mệt bằng cách ngồi trên đầu gối của mẹ. Thế nên, dù có nghĩ bé thật là nũng nịu, hoặc dù có đang bận tay làm gì đó, thì cũng hãy chấp nhận và hiểu cho cảm xúc của bé. Nhờ vào đó mà người mẹ có thể xoa dịu, làm ổn định cảm xúc của con. Điều quan trọng là mối dây tình cảm giữa hai mẹ con sẽ càng bền chắc.
Đầu gối của mẹ được con trẻ xem là nơi để xua tan cảm giác lo lắng, bất an của bé
Cũng có những bé đã lên ba, lên năm rồi mà vẫn còn muốn leo lên ngồi trên đầu gối của mẹ. Khi bé được đón về nhà từ trường mẫu giáo, chỉ cần được mẹ bế lên ngồi trên đầu gối một lát thôi, là đủ để người mẹ có thể xua tan đi những cảm giác căng thẳng và những khó khăn mà bé đã trải qua ở trường. Với ý nghĩa này, cũng có thể nói đầu gối của mẹ chính là nơi xua tan cảm giác bất an, lo lắng cho con trẻ.
Khi trẻ đã vào tuổi đi học, có lẽ bé sẽ không còn muốn được ngồi trên đầu gối của mẹ nữa. Nhưng thi thoảng, khi tiến đến gần chỗ người mẹ đang ngồi, bé vẫn hay nghiêng người và dựa vào mẹ, hoặc nép mình núp sau lưng mẹ. Những hành động nũng nịu như vậy thể hiện bé đang cảm thấy bất an. Chắc hẳn là đã có chuyện gì đó với bé, chẳng hạn như bé bị cô giáo la, hoặc bị bạn bè bắt nạt.
Điều quan trọng là nếu bạn đặt bản thân mình vào vị trí của con và thấu hiểu được cảm xúc của con, bạn sẽ thấy tôn trọng và chấp nhận chuyện con nũng nịu, dựa vào người mình. Khi đó, bạn không cần phải hỏi con: “Đã có chuyện gì xảy ra ở trường phải không?”, vì khi hỏi han con như thế nghĩa là vô tình bạn đang quan tâm chăm sóc con thái quá. Bởi vì trẻ đã đến độ tuổi có thể tự mình giải quyết nỗi lo sợ rồi. Hơn nữa, bạn cũng cần để con trẻ học cách tự giải quyết vấn đề ở trường học. Điều bạn cần làm là cho trẻ chỗ dựa tinh thần để trẻ có thêm tự tin.
Những đứa trẻ từ một đến ba tuổi không có sự tiếp xúc với cha mẹ và cứ thế lớn lên, khi chúng bước vào tuổi dậy thì, nếu gặp phải những cảm giác thất bại, chán chường vì một nguyên do nào đó, thi thoảng chúng vẫn muốn có được cảm giác tiếp xúc gần gũi với người mẹ. Khi ấy, con trẻ sẽ cứ bám theo sau mẹ và cố gắng chạm vào người của mẹ, thậm chí có khi chúng còn trốn trong giường của mẹ. Nếu đó là bé gái thì thật dễ dàng để bạn có thể cho phép và bỏ qua cho con khi chúng làm như thế, nhưng trong trường hợp là bé trai, phải chăng sẽ thật khó khăn để con có thể bày tỏ cảm xúc qua những hành động như thế?
Ngoài ra, tôi cũng từng thấy một câu chuyện thế này, có một đứa trẻ vì muốn thu hút sự quan tâm của người mẹ, mà bị nghi ngờ là mắc bệnh tâm thần vì cởi trần truồng chạy nhảy chơi đùa ngoài trời. Nhưng khi tôi gặp đứa bé và thử bắt chuyện hỏi han, tôi lại không nghĩ giống như người mẹ, tức là cho rằng đứa trẻ đang có vấn đề về tâm thần, tôi hiểu rằng vấn đề nằm ở chỗ đứa bé này ngay từ khi còn nhỏ hầu như đã không được tiếp xúc gần gũi với người mẹ.
Đối với những người mẹ đã hiểu rõ chuyện này, để có thể xây dựng được sự tin tưởng từ con trẻ, họ sẽ cố gắng tiếp xúc gần gũi với con thật nhiều, và cùng con đi du lịch nhiều hơn, cho nên kết quả là người mẹ đã hoàn toàn xoa dịu những hành động kỳ quặc của con trẻ. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần có sự góp sức của những người lớn tuổi đang sống chung trong gia đình, nếu người mẹ không để con trẻ được có những hành động nũng nịu, tiếp xúc gần gũi với mình, thì e là đứa trẻ sẽ không có cảm giác tin tưởng vào người mẹ.
Các vấn đề đều có thể dễ dàng giải quyết nếu cả hai phía – cả mẹ lẫn con – có mối dây liên kết tình cảm chặt chẽ. Muốn được như vậy, người mẹ phải hết sức tinh tế và quan tâm đến con đúng mức để con có thể tin tưởng vào người mẹ và cũng có niềm tin vào bản thân.
Hãy để con được ngồi trên đầu gối của bạn cho đến năm con lên ba
Nếu con trẻ có những biểu hiện hoặc hành vi kỳ quặc bởi vì thiếu sự tiếp xúc gần gũi với người mẹ trong giai đoạn từ một đến ba tuổi, thì dù con trẻ có đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, người mẹ hãy cố gắng hết sức để khôi phục lại lòng tin từ con, bằng mọi cách tiếp xúc gần gũi với con nhiều hơn, hoặc cùng con đi du lịch rong chơi đâu đó mà chỉ có hai mẹ con thôi. Để làm được điều này, có thể phải mất khá nhiều thời gian, nhưng đổi lại những hành động và biểu hiện kỳ quặc của con sẽ dần biến mất. Thế nên, hãy thật kiên nhẫn cùng con nhé!
Vì vậy, việc phát hiện sớm tình trạng của con trẻ là điều hết sức quan trọng. Nếu đó là đứa trẻ còn học mẫu giáo, khi được mẹ bồng bế lúc bé đi học về, thì chỉ khoảng dăm ba tháng là sự tin tưởng của đứa bé đối với mẹ đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Một khi đã có được sự tin tưởng giữa hai mẹ con, thì đứa trẻ sẽ không còn cần được đặt ngồi trên đầu gối của mẹ nữa.
Tuy nhiên, trong số các bà mẹ cũng có những người đặt con lên đầu gối một cách gượng gạo. Cảm xúc của người mẹ khi làm như thế sẽ được trẻ cảm nhận ngay thôi, vì trẻ con rất nhạy cảm.
Cơ thể của trẻ đang dần lớn lên từng ngày, và đã là học sinh tiểu học rồi, cho nên khi đặt trẻ lên đầu gối, bạn sẽ cảm thấy nặng, có lẽ sẽ xuất hiện nỗi băn khoăn rằng có nên bế con lên đầu gối như thế nữa hay không. Điều đó sẽ làm cho con cảm thấy không thoải mái dù được bạn bồng bế. Kết quả là bạn vẫn không thể xoa dịu và làm mất đi những hành động kỳ quặc của con.
Qua ví dụ trên, bạn cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra những tiếp xúc gần gũi với con, nhất là khi bé đang ở trong độ tuổi từ một đến ba tuổi, độ tuổi mà bạn vẫn có thể dễ dàng bồng bế con trên đầu gối.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người mẹ cảm thấy không thích khi con muốn được tiếp xúc gần gũi với mình, ngay cả khi con đang ở trong độ tuổi thích hợp – từ một đến ba tuổi. Đại loại là họ sẽ cảm thấy rùng mình khi bị con trẻ chạm vào người. Những bà mẹ như thế được xem là những bà mẹ không thích con nít.
Chỉ cần nghĩ về nỗi bất hạnh của một đứa trẻ được nuôi nấng bởi một người mẹ không yêu thích con nít thôi, thì tôi đã không thể ngừng suy nghĩ về lý do tại sao đã không thích con nít mà vẫn sinh con cơ chứ!
Bạn có trái tim biết quan tâm, cảm thông với con trẻ hay không?
Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát, và thu được kết quả là có khoảng 20% các bà mẹ không muốn có con. Tuy nhiên, họ lại có ý định sẽ có một đứa con cho riêng mình. Mặt khác, cũng có một số bà mẹ có con chỉ vì bản thân cảm thấy cô đơn, buồn tẻ khi không có con cái. Nói cách khác, với họ, đứa bé chỉ có ý nghĩa như là một món đồ trang trí tô điểm thêm cho cuộc sống của họ, giải tỏa nỗi trống vắng trong lòng họ.
Nếu người mẹ đã như thế, thì có thể hiểu chắc chắn người cha cũng có suy nghĩ giống như vậy. Những bậc cha mẹ như thế có quan niệm mạnh mẽ về chuyện đặt bản thân mình làm trung tâm.
Họ mong muốn tìm kiếm những thú vui cho riêng bản thân, thay vì cố gắng làm chuyện này chuyện kia vì con cái. Đối với những bậc cha mẹ có quan niệm đặt bản thân mình làm trung tâm, thì việc phải chăm sóc con cái khiến họ cảm thấy chán ghét. Chắc chắn là trong mọi hoạt động hằng ngày, họ sẽ không vì con cái mà suy nghĩ. Nếu trẻ quấn lấy họ vì nỗi bất an nào đó hay vì muốn được quan tâm, yêu thương, họ sẽ cảm thấy chướng mắt, buông lời nặng nhẹ, làm tổn thương cảm xúc của con trẻ. Nhưng họ cũng không bận tâm đến việc con trẻ có tổn thương hay không vì họ chỉ bận tâm đến cảm xúc của chính mình. Nghĩa là với họ, con cái chính là vật cản. Thế nên, trong thực tế, có một số cha mẹ có hành vi bạo hành đối với con cái của mình. Ở Mỹ, người ta thường sử dụng cụm từ “battered person syndrome” để thể hiện cho tình trạng con trẻ phải gánh chịu những tổn thương do những bậc cha mẹ như thế gây ra.
Dù cho không bị bạo hành bởi những bậc cha mẹ như thế, nhưng chính suy nghĩ không thích trẻ con của người làm cha làm mẹ đã khiến cho trái tim con trẻ dần trở nên lạnh lẽo và khép lại với mọi thứ xung quanh. Điều này ẩn chứa mối nguy hiểm rằng khi trẻ đến tuổi dậy thì, chúng sẽ gây ra những hành vi phạm pháp, hoặc có ý định tự sát chỉ vì một động cơ giản đơn nào đó, hoặc có khi thực hiện những hành động kỳ quặc đến độ bị nghi ngờ là mắc bệnh tâm thần.
Chuyện có muốn tiếp xúc gần gũi với con hay không, thật ra chính là chuyện bạn có cảm thấy thích con nít hay không mà thôi. Nó phụ thuộc vào chuyện bạn có vì con cái mà thấu hiểu cho cảm xúc của con để mà yêu thương, nâng niu con trẻ hay không. Để làm được điều này, nó còn liên quan đến chuyện bạn phải có một trái tim biết quan tâm, cảm thông – kìm nén được những mong muốn riêng của bản thân vì con cái. Không chỉ những người mẹ, mà những người cha cũng cần phải thấu hiểu. Một khi bạn luôn vì con cái mà suy nghĩ, đặt mình vào vị trí của con, bạn sẽ hạn chế tối đa việc làm tổn thương con mình.
Trong những năm gần đây, nữ giới cũng đang rất đề cao cách sống của họ. Tôi nghĩ điều này cũng khá là quan trọng, nếu cách sống đó xuất phát từ cách suy nghĩ lấy bản thân làm trung tâm, có lẽ nên xem xét lại tính cách của họ. Bởi vì một người có xu hướng đặt bản thân mình làm trung tâm thì sẽ hay dối lừa và mang những điều bất hạnh đến cho những người xung quanh. Có thể gọi người mẹ như thế là “Kibo” (ác mẫu). Nhưng điều mà con trẻ đang mong muốn phải là “Jibo” (từ mẫu).
3. Tập trung vui chơi tạo nên cá tính
Việc bắt chước xuất hiện từ tháng thứ tám hoặc chín
Trẻ con rất thích chơi đùa cùng bố mẹ. Những biểu hiện này xuất hiện từ khoảng hai tháng sau khi sinh. Việc cười đáp trả khi được bố mẹ âu yếm chính là biểu hiện cho điều đó.
Đặc biệt những đứa trẻ từ sáu tháng tuổi trở đi rất thích được bố mẹ âu yếm; khi đến tám, chín tháng thì bắt đầu bắt chước lấy tay xoa xoa đầu. Đây cũng là một trò chơi thú vị giữa bố mẹ và con cái. Hơn thế nữa, chẳng hạn trong giờ ăn, khi trẻ được gần gũi với bố mẹ, được bố mẹ làm cho cái này cái kia, bé cũng sẽ cảm thấy rất vui.
Gập gối và chơi một mình từ một tuổi
Khi qua một tuổi, việc chơi đùa cùng cha mẹ là điều cực kỳ vui nhộn. Trẻ rất thích vừa đuổi theo vừa nói: “Đợi con”, hay ném bóng đi rồi nhặt lại. Tuy nhiên, khi chơi chán thì chúng sẽ leo lên đầu gối của cha mẹ ngồi ngay lập tức.
Dù chơi một mình, hay có đồ chơi trong tay, chúng cũng muốn cha mẹ nhìn xem. Chúng sẽ đem đến cho cha mẹ không chỉ đồ chơi, mà còn cả giấy gói quà, và bắt đầu bập bẹ giải thích về điều đó.
Hoặc là khi cha mẹ hắt hơi, chúng sẽ bắt chước hành động đó, làm cha mẹ không thể nhịn được cười. Và khi cha mẹ cười, chúng lại bắt chước, và cười, rồi lặp đi lặp lại kiểu cười đó.
Trong giai đoạn này, cha mẹ cần chơi với con vì đây là giai đoạn bồi dưỡng tình cảm thân thiết giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ từ chối chơi cùng trẻ, trẻ sẽ bị tổn thương. Lúc bạn đang bận một việc gì đó gấp không thể chơi cùng con, bạn phải giải thích để trẻ hiểu và thông cảm. Đừng buông lời trách mắng như: “Mẹ đang bận, con chơi một mình đi!”. Vì làm như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mẹ chán ghét mình. Điều đó sẽ không tốt trong việc thiết lập mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái.
Mối quan hệ với cha mẹ gần gũi nhất là khoảng từ một tuổi rưỡi
Khi qua một tuổi rưỡi, trẻ sẽ bắt chước rất nhiều nếp sinh hoạt của mẹ. Khi mẹ cầm giẻ lau, trẻ tìm thấy miếng vải thì sẽ bắt chước lau giống như vậy.
Đây là lúc gần gũi với mẹ nhất nên ngay cả khi mặc quần, nếu không phải là mẹ thì trẻ nhất định không chịu. Điều này không có nghĩa là ích kỷ. Và khi trẻ nói rằng: “Con không thích ba đâu”, thì cũng không có nghĩa là chúng ghét cha của mình.
Trước khi đi ngủ, trẻ con thích chơi với cha nên chúng sẽ rất vui khi bày trò chơi trốn tìm, leo lên lưng cha chơi trò cưỡi ngựa,… Đặc biệt trẻ rất thích khuấy động ầm ĩ, nhất là khi được cùng cha ồn ào, cười thật sảng khoái, vui vẻ và làm lại điều đó rất nhiều lần. Nhờ việc hai cha con được chơi cùng nhau, nền tảng cho mối quan hệ giữa hai người được vun đắp, và cũng giúp khắc sâu trong lòng con trẻ hình ảnh về người cha như vậy.
Trẻ con rất thích ra ngoài đi dạo cùng bố mẹ, nhưng lại buông tay bố mẹ để tung tăng đi trước. Cho dù có nói là nguy hiểm thì vẫn nhất quyết không nắm tay bố mẹ đi cùng. Bởi vì chúng đang ở độ tuổi thích đi bộ một mình. Chính vì vậy, cần phải chọn con đường nào ít xe cộ nguy hiểm để đi.
Ngay trước lúc hai tuổi, chúng ta có thể thấy trẻ giống như là những đứa trẻ hư
Từ lúc một tuổi chín tháng cho đến hai tuổi, trẻ hoàn toàn không nghe lời cha mẹ nói. Đặc trưng của độ tuổi này là trẻ trông như là đứa trẻ hư, bởi nếu cha mẹ không chấp nhận yêu cầu của trẻ, không để ý đến trẻ thì trẻ sẽ khóc thật to, lăn qua lăn lại, giậm chân, giãy đành đạch,…
Tuy là như vậy, nhưng nếu được mẹ vỗ về, trẻ cũng rất thích cùng mẹ dọn dẹp sau giờ ăn. Việc dọn dẹp sau khi ăn xong đối với trẻ cũng là một trò chơi. Nếu chán, chúng sẽ bỏ cuộc một cách nhanh chóng dù đang làm dang dở, và dù được mẹ nhắc nhở, chúng cũng không nghe. Trẻ cũng rất thích chơi cùng với cha.
Khi qua hai tuổi rưỡi, trẻ bắt đầu tìm kiếm bạn bè
Từ hai tuổi đến hai tuổi rưỡi, trẻ thích được ngồi trên đầu gối mẹ để nghe mẹ đọc truyện tranh hoặc nghe mẹ kể chuyện. Trẻ cũng thích những trò sôi nổi chơi cùng với cha nên sẽ đòi hỏi rất nhiều lần, lúc đó cũng có những người cha không kìm được, đâm ra lớn tiếng với con.
Khi qua hai tuổi, sự thay đổi về thái độ đối với cha mẹ cũng sẽ được thể hiện. Trẻ sẽ cố tập trung sự chú ý của cha mẹ, huyên thuyên nói, hay nịnh nọt cha mẹ thật nhiều, nhưng khi mẹ định làm gì đó giúp chúng thì chúng sẽ nói ngay: “Con sẽ tự làm”, rồi từ chối sự chăm sóc đó.
Tuy nhiên, khi trẻ xếp chồng những khối đồ chơi, tô vẽ bằng bút chì màu thì lại yêu cầu cha mẹ: “Xem con này, xem con này” rất ồn ào. Hơn nữa, cũng cần chú ý bởi sẽ có những khi trẻ bắt chước cha nhét tiền vào ví, thể hiện sự quan tâm đến thuốc lá, hay mang theo bật lửa,… Rồi khi lên giường đi ngủ, trẻ sẽ yêu cầu cha mẹ ở bên cạnh, đọc truyện tranh cho chúng nghe.
Trẻ con sẽ bắt đầu tìm kiếm bạn bè từ những lúc như vậy. Tuy nhiên, nếu có đông trẻ con, chúng sẽ thích nhìn những đứa trẻ khác hơn. Nếu quen rồi thì chúng sẽ theo sau những đứa trẻ khác và bắt chước, rồi chơi đùa.
Qua ba tuổi thì chơi đuổi bắt
Khi qua ba tuổi, hành động của trẻ sẽ trở nên bình tĩnh hơn, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng quen dần nên cũng dễ chăm sóc, đối xử hơn. Trẻ bắt đầu thích chơi với nhau và chơi đuổi bắt nhiều hơn. Vì thế chúng mới hiểu được sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ bạn bè.
Tuy nhiên, trẻ con cũng thích được chơi cùng với cha mẹ. Dù có chơi với bạn thế nào thì các bà mẹ vẫn nên hoan nghênh khi trẻ trở nên thân thiết trong những trò chơi như vậy. Trẻ sẽ bắt đầu hiểu sự hài hước trong lời nói của cha, đặc biệt sẽ rất vui khi được cho thấy những hành động dí dỏm và sẽ thôi thúc lặp đi lặp lại những điều đó. Việc sinh hoạt trong những gia đình thông minh như vậy sẽ cực kỳ quan trọng trong việc ổn định cảm xúc của trẻ.
Cần chú ý đến cách tham gia vào trò chơi của trẻ từ bốn tuổi trở đi
Từ bốn tuổi trở đi, trẻ chơi gì với cha mẹ và chơi đùa như thế nào? Nếu giàu tình cảm và dư dả về thời gian thì các bà mẹ có thể tham gia với con những trò mà trẻ tự mình bày ra.
Tuy nhiên, cách tham gia vào chơi cũng cần phải cân nhắc để không gây cản trở cho con.
Đặc biệt, chúng ta cần thận trọng trong lời nói với trẻ. Khi con nói: “Mẹ ơi, mẹ làm đi”, thì các mẹ mới nên tham gia vào. Tuy nhiên, việc nói “Con hãy tự suy nghĩ và làm thử cho mẹ xem nhé” để giao phó lại cho con sẽ làm phát triển tính tự giác và khả năng suy nghĩ của trẻ hơn.
Các bé gái thường thích việc nhà nên có thể sẽ nhờ mẹ đóng một vai gì đó. Lúc đó, dù là vai gì, hãy cứ nhận lời của con. Cũng có khi trẻ yêu cầu sự tham gia của mẹ trong lúc chơi với bạn. Hãy nghĩ rằng làm thế để giúp trò chơi của con trở nên thú vị hơn và tham gia vào trò chơi. Nếu mẹ có thể tham gia tốt, và trẻ thích thú với sự tham gia của mẹ, thì sự hồn nhiên bên trong người mẹ đã được khơi dậy. Người mẹ có sự hồn nhiên ấy sẽ được con cái ngưỡng mộ vô cùng.
Không thong thả thời gian hay là đang không cố gắng
Tuy nhiên, rất nhiều người mẹ có lẽ không dư dả thời gian để chơi cũng như ở cùng với con. Dẫu vậy, cũng có trường hợp họ thực sự bận rộn, và trường hợp không cố gắng dành thời gian để chơi đùa cùng con.
Chẳng hạn như, khi đang chuẩn bị bữa tối, người mẹ bị con cố lôi kéo bằng cách nói “Mẹ ơi, mẹ ơi”, thì sẽ chìa bàn tay ướt ra cho con coi và nói vui với con rằng: “Mẹ đụng tay này vào con đấy nhé!”, hoặc là vẩy nước lên mặt con cũng là một cách không tệ để chơi với con.
Những việc làm ấy sẽ trở thành trò chơi yêu thích đối với trẻ. Trẻ sẽ nói: “Mẹ xem kìa”, rồi trốn đi. Trẻ mong chờ chơi thêm trò như vậy, sẽ lại nói: “Mẹ ơi!” để mời gọi mẹ một cách ồn ào. Sau khi đã lặp lại hai đến ba lần, nếu mẹ nói với trẻ: “Bây giờ mẹ đang nấu cơm nên mình không chơi nữa nhé”, thì trẻ sẽ nghe lời. Đó là do trẻ đã cảm nhận được sự ấm áp xuất phát từ những trò đùa vui của mẹ.
Đối với người mẹ không có sự thảnh thơi trong tâm hồn, họ sẽ hét lên: “Ồn ào quá”, hay “Con không thấy mẹ đang phải làm việc hay sao?”. Vào những lúc như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được sự lạnh lùng của mẹ và cảm thấy vô cùng bất mãn. Lúc đó, trẻ sẽ vừa hờn dỗi, vừa dai dẳng khiêu khích, hơn nữa trẻ cũng sẽ bị mẹ mắng, nhưng nguyên nhân lại là do người mẹ.
Những lúc trẻ cần mẹ chơi cùng, muốn vui đùa cùng mẹ, các bà mẹ không nên từ chối cơ hội được gần gũi với con, vì đây là những lúc giúp gắn kết tình cảm mẹ con. Lời từ chối sẽ khiến trẻ bị tổn thương, và nhiều lần bị mẹ la mắng sẽ ngày càng tạo ra khoảng cách giữa mẹ và con vì trẻ sẽ nghĩ rằng mẹ không thích mình. Điều này sẽ không có lợi cho sự phát triển tính cách của trẻ.
Cách giúp phân biệt giữa mắng mỏ và quan tâm
Nếu người mẹ chỉ cần có một chút quan tâm đến việc chơi với trẻ thì dù có đang làm việc đi nữa, chỉ cần có một chút thời gian, họ cũng có thể chơi với trẻ. Làm được như vậy sẽ giúp trẻ tiếp nhận sự ấm áp từ mẹ, nó khắc sâu vào tâm hồn trẻ hình ảnh một người mẹ tuyệt vời.
Hoặc là cho trẻ tham gia vào công việc, trẻ sẽ xem đó như là chơi với mẹ và trải nghiệm niềm vui thích khi được lao động.
Hãy nói: “Bây giờ mẹ đang xắt dưa muối, rồi sẽ bày lên dĩa. Sau khi làm xong việc, mẹ sẽ nghe Taro kể chuyện nhé” để giao việc cho trẻ. Nếu như trẻ bốn, năm tuổi có hứng thú với công việc đó thì chẳng phải là trẻ sẽ vui vẻ giúp đỡ hay sao.
Việc giúp đỡ này cũng được coi là một loại trò chơi đối với trẻ. Do đó, ngay cả việc bày dưa muối lên dĩa, trẻ cũng sẽ dồn hết sức vào trò chơi của mình. Cách bày dưa muối của trẻ có thể khác so với cách làm của mẹ. Lúc đó, thay vì bảo trẻ: “Không được làm như vậy!”, người mẹ nên nói rằng: “Cách làm này mới thật, con nhỉ!” thì có thể sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc phát triển tâm hồn con trẻ.
Trong trường hợp người mẹ la mắng trẻ, trẻ sẽ bị gò bó theo một khuôn khổ và ngăn cản niềm vui thích lao động của trẻ. Nếu quan tâm đến trẻ, người mẹ không chỉ tạo cho trẻ niềm vui trong việc sáng tạo mà còn tạo cơ hội để trẻ tận hưởng niềm vui của việc lao động. Quan trọng là tạo cho trẻ sự tự tin và khiến trẻ cảm thấy mình có ích.
Tùy theo cách xử lý mà trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ đam mê làm việc và giúp đỡ mẹ một cách tích cực, hoặc là trở thành một đứa trẻ miễn cưỡng nghe lời mẹ với khuôn mặt chán chường.
Giải tỏa căng thẳng sau khi đi học về
Khi trẻ đã trở về nhà từ trường tiểu học và nhà trẻ, mẹ sẽ chào đón trẻ như thế nào? Đối với những đứa trẻ ra khỏi nhà và hoạt động một mình, chúng cũng được trải nghiệm nhiều niềm vui, nhưng mặt khác trẻ cũng trải nghiệm sự căng thẳng, nghĩa là cũng có những trải nghiệm khó khăn và trải nghiệm buồn nữa. Nếu nghĩ đến những việc đó thì suy nghĩ đầu tiên về việc giải tỏa sự căng thẳng chính là thể hiện sự quan tâm đối với trẻ.
Chẳng phải lúc đó trẻ cũng đang đói bụng hay sao, vậy thì hãy đưa cho trẻ một chiếc kẹo mà trẻ yêu thích, kể cho trẻ nghe những câu chuyện vui và sau khi kết thúc thì cho trẻ ngồi lên đầu gối, đọc sách cho trẻ nghe. Hãy cho trẻ một nơi để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ ngay khi trẻ mới đi học về đã vội vàng hỏi: “Hôm nay con đã làm gì vậy?”. Lúc đầu có thể trẻ sẽ trả lời, nhưng dần dần trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và bảo: “Con không làm gì cả”, chẳng phải là có cả những đứa trẻ im lặng nữa hay sao. Nếu sự việc như vậy xảy ra, người mẹ sẽ quát lớn: “Làm gì có chuyện con không làm gì cả!”.
Làm vậy có nghĩa là trẻ đã không thể trải nghiệm được cảm giác thư giãn khi trở về nhà. Hình ảnh người mẹ sẽ trở nên xấu hơn rất nhiều. Đặc biệt đối với trẻ tiểu học thì niềm vui của trẻ sẽ ít đi, trẻ sẽ thường xuyên bị giáo viên la mắng và đánh nhau với bạn. Sau đó, trẻ sẽ trở thành đứa trẻ bướng bỉnh và hầu như không nói chuyện về trường lớp nữa.
Tôi thường xuyên nhận được những cuộc trao đổi như “Con nhà tôi chẳng nói chuyện gì về trường lớp cả”, hay là “Chúng chẳng nói gì với ba mẹ”, nhưng những người mẹ như vậy thường có đặc điểm là ích kỷ và không có sự quan tâm thực sự đối với trẻ.
Trẻ không muốn chia sẻ với mẹ về trường lớp hay chuyện cá nhân của mình phần lớn xuất phát từ việc hai mẹ con chưa có mối dây gắn kết chặt chẽ từ khi trẻ còn nhỏ. Đó là vì khi còn nhỏ, người mẹ đã không làm tốt vai trò là người bạn của trẻ, cùng chơi với trẻ, sẵn sàng lắng nghe và hiểu trẻ. Thử nghĩ xem liệu bạn có thể cùng một người xa lạ trò chuyện thân mật không? Chắc chắn là không, bạn chỉ có thể tâm sự với một người mà bạn xem đó là tri kỷ, ít nhất là người có thể cảm thông với bạn.
Nói cách khác, trẻ không muốn kể chuyện ở trường với mẹ vì trẻ nghĩ rằng mẹ không hiểu mình và chưa thân thiết đến nỗi có thể chia sẻ mọi chuyện. Tình cảm thân thiết cần phải được nuôi dưỡng và tất nhiên phải trải qua một quá trình dài. Vì thế, người mẹ phải biết duy trì mối dây tình cảm với con ngay từ khi bắt đầu. Những bữa tối quây quần bên mâm cơm cười đùa vui vẻ với con, đọc truyện cho con nghe trước khi đi ngủ, hay chơi cùng con,… là những lúc người mẹ gần gũi với con mình.
Người mẹ tốt là người mẹ giỏi lắng nghe
Người ta thường nói: “Đối thoại giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng”, nhưng việc tạo bầu không khí như thế nào để trẻ muốn nói chuyện với mẹ chính là chìa khóa trong việc đối thoại với trẻ. Nếu người mẹ chỉ nói chuyện một cách đơn phương thì trẻ sẽ không muốn trò chuyện nữa.
Để tạo bầu không khí tốt, người mẹ phải thử suy nghĩ đến việc trở thành một người giỏi lắng nghe. Lắng nghe giỏi có nghĩa là phải hiểu được tâm trạng của đối phương, tức là bạn phải xem mình có quan tâm đến trẻ hay không.
Đối với những người mẹ không quan tâm đến trẻ thì khi trẻ đi học về, họ sẽ chờ đợi trẻ để đưa ra hàng đống câu hỏi về việc học hành, chẳng hạn như “Con đã học gì vậy?”, hay là “Bài tập về nhà là gì?”. Những người mẹ như thế chỉ tập trung vào việc học mà không quan tâm về mặt tâm hồn (đặc biệt là cảm xúc) của trẻ.
Trẻ phải học rất nhiều ở trường rồi. Khi trở về nhà, trẻ chỉ muốn được nghỉ ngơi. Trẻ cũng muốn được chơi nữa. Nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con mà không thấy được nỗi vất vả, cũng như khó khăn mà con mình gặp phải ở trường. Tôi biết có những bậc cha mẹ đánh con vì con chỉ được chín điểm. Điều đó làm tổn thương cảm xúc con trẻ và đặc biệt gây áp lực cho chúng. Có những đứa trẻ cảm thấy sợ hãi khi về nhà vì hôm nay chúng không được điểm cao.
Chính vì sự vô tâm của cha mẹ mà trẻ dần dần không còn muốn gần gũi với cha mẹ nữa. Sau khi trở về từ trường học, trẻ sẽ muốn đến nhà bạn chơi. Thêm vào đó, do cha mẹ nói: “Nó không chịu nói gì mà đến nhà bạn rồi!”, và truy hỏi trẻ dẫn tới trẻ không thể chịu đựng thêm. Chẳng phải sau đó mong muốn rời khỏi nhà sẽ dần dần được hình thành trong trẻ hay sao.
Hình ảnh của người mẹ rất quan trọng
Đối với trẻ, gia đình vô cùng quan trọng. Bằng cách cho trẻ trải nghiệm bầu không khí ấm cúng trong gia đình thì cảm xúc của trẻ cũng sẽ trở nên phong phú hơn. Cảm xúc quan tâm vừa chớm nở của trẻ cũng sẽ được nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cảm xúc quan tâm đó sẽ không được nhìn thấy ngay lập tức.
Càng trưởng thành, đặc biệt là sau giai đoạn dậy thì, nó sẽ được thể hiện một cách rõ ràng. Đến lúc đó nếu thử theo dõi lại cuộc sống quá khứ của đứa trẻ mà đã ra khỏi nhà và đang phạm tội thì sẽ thấy được sự ấm áp trong gia đình là hoàn toàn không có. Tôi hiểu rằng những đứa trẻ như vậy rất ít tiếp xúc với mẹ và cũng không hề được chơi với mẹ. Những đứa trẻ tự sát cũng rơi vào tình huống tương tự như vậy.
Nếu không thể trải nghiệm sự ấm áp trong gia đình, đặc biệt là không thể tạo được một hình ảnh người mẹ tốt thì trẻ sẽ dễ dàng vứt bỏ gia đình mình. Dù có nói gì đi nữa, đối với việc hình thành tính cách của trẻ, hình ảnh một người mẹ tốt tỏa sáng một cách ấm áp trong tâm hồn trẻ là điều vô cùng quan trọng.
4. Phát triển sự cảm thông của trẻ bằng cách cho trẻ nuôi thú cưng và trồng cây
Hãy cho trẻ được nuôi thử trước khi nói “Không được”
Nuôi thú cưng và trồng cây là điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng quan tâm, cảm thông của trẻ.
Điều đầu tiên đó là phải cố gắng không để cây khô héo hay làm chết thú cưng. Để làm được điều đó, bé phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, và thế là mỗi ngày bé phải làm công việc chăm sóc mà không thấy chán. Đặc biệt là đối với động vật, bất kể là chim, chó hay mèo đều phải cho ăn. Để chúng đói bụng bị lạnh thì thật đáng thương. Suy nghĩ không biết nó có đang đói không, không biết nó có đang bị lạnh không,... chắc chắn sẽ nuôi dưỡng tấm lòng biết quan tâm, cảm thông của đứa bé. Vì vậy, tôi muốn cho bé trải nghiệm việc nuôi dưỡng thú cưng và trồng cây.
Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng có những người ghét động vật. Có người, khi con cái nói muốn nuôi thú cưng thì cấm đoán. Những phụ huynh ưu tiên nỗi niềm yêu ghét của bản thân hơn sẽ không thể thấu hiểu cho cảm xúc của con trẻ. Nếu hiểu được cảm xúc của con, cha mẹ hãy thử suy nghĩ lại xem vì sao bản thân mình lại ghét động vật.
Phải chăng việc không có sự quan tâm, cảm thông đối với động vật là do ông bà đã dạy cho cha mẹ như thế, chắc vì đã có ấn tượng xấu với động vật từ khi còn nhỏ nên mới không nuôi dưỡng được tâm hồn yêu thương động vật?
Vì vậy, nếu như đã bị gây ấn tượng xấu trong quá khứ thì giờ bạn nghĩ sao nếu chúng ta chung sức xóa bỏ ấn tượng xấu đó đi? Để làm điều đó, hãy thử cho bé nuôi động vật.
Có nhiều bà mẹ nghĩ rằng nuôi động vật là điều tốt, nhưng vì bé quan tâm chăm sóc động vật chỉ trong lần đầu, dần dần bé sẽ ít quan tâm hơn... thành ra cuối cùng việc của chúng ta lại nhiều hơn. Vậy nên làm gì để giải quyết vấn đề này đây?
Để làm điều đó, cần thiết phải có quyết tâm… không giúp đỡ.
Ví dụ, dù liên tục nhiều ngày bé không cho vật nuôi ăn, mẹ cũng quyết không được giúp bé. Cách này có vấn đề ở chỗ là... mẹ không thể đứng nhìn được. Do đó, mẹ hãy thông báo tình hình cho bé khi bé đi học về, rằng: “Mẹ nghĩ rằng nó trông thật đáng thương”. Cần phải truyền đạt chi tiết tình trạng của con vật. Có nhiều bà mẹ tự mình chăm sóc, rồi sau đó lại phàn nàn.
Để nuôi dưỡng một trái tim biết quan tâm, cảm thông ở trẻ thì việc giữ trái tim sắt đá tạm thời là điều quan trọng đối với người mẹ.
Quan trọng là dạy trẻ tinh thần trách nhiệm đối với việc mình làm. Nếu bé muốn nuôi thú cưng, cần cho bé hiểu trách nhiệm nuôi thú cưng gồm những gì (như hằng ngày phải tắm rửa hay cho thú cưng ăn, đừng để nó đói bụng, hay dắt thú cưng đi chơi). Không nên đáp ứng sở thích nhất thời của trẻ mà phải luôn cho trẻ hiểu trách nhiệm kèm theo. Có nhiều cha mẹ khi thấy con đòi nuôi thú cưng đã vội vàng đáp ứng, đến giữa chừng trẻ chóng chán, cha mẹ lại đem bán hoặc đem cho thú cưng. Đây là hành vi không nên khuyến khích. Làm trẻ ý thức được trách nhiệm là rất quan trọng.
Đối với trẻ, trải nghiệm về cái chết cũng rất quan trọng
Chắc hẳn cũng sẽ có người mẹ nghĩ rằng: “Vật nuôi khi bị bệnh, hay bị chết thì sẽ làm thế nào?”. Với điều này cũng vậy, cần phải cho trẻ trải nghiệm nếu không chăm sóc thì vật nuôi sẽ chết.
Điều này có lẽ khó mà chịu đựng được, nhưng nó sẽ giúp trẻ trải nghiệm được sự quan tâm và cảm thông. Tôi muốn các bậc cha mẹ hiểu rằng đối với trẻ, việc trải nghiệm thực tế quan trọng hơn bất cứ điều gì, dù có nói bao nhiêu, nói thật nhiều với trẻ đi nữa thì cũng không thể so sánh với việc trải nghiệm thực tế.
Dù có cố gắng chăm sóc thì con chim nhỏ cũng có thể bị chết. Cũng có cha mẹ cho rằng nuôi động vật cũng được, nhưng vì chúng sẽ bị bệnh, hay sẽ chết nên không muốn nuôi, vậy hãy thử nghĩ đến tính cần thiết của việc cho trẻ trải nghiệm về thứ gọi là cái chết.
Những sinh vật đang sống rồi cũng sẽ chết đi. Đó là quy luật của sự sống. Nếu nghĩ đến việc dạy cho trẻ hiểu về quy luật này thì cũng nên để trẻ trải nghiệm về cái chết của động vật nữa. Chúng ta hãy dạy cho trẻ biết khi động vật chết đi, chúng ta sẽ thể hiện sự thương tiếc như thế nào. Việc làm mộ, rồi đặt hoa lên mộ không chỉ dạy trẻ có một trái tim biết quan tâm, cảm thông mà cha mẹ còn dạy cho trẻ hiểu được sự tôn nghiêm khi một sinh vật nào đó mất đi.
Cha mẹ hãy thử suy nghĩ kỹ về điều này, vì làm như vậy sẽ mang lại cho trẻ nhiều trải nghiệm phong phú về những hiện tượng khác nhau xảy ra trong cuộc sống, và việc tận dụng những trải nghiệm đó sẽ giúp nuôi dưỡng hạt giống quan tâm, cảm thông ở trẻ.
Thành quả của quá trình chăm sóc là khi hoa nở và nhìn ngắm chúng, tình cảm trong con người cũng được bồi đắp. Cả việc động vật trở nên thân thiết, gắn bó với con người cũng giúp tạo nên một gia đình tốt đẹp.
Đối với trường hợp không thể nuôi thú cưng hay trồng cây cối trong nhà thì việc giữ lại thức ăn còn thừa sau bữa ăn, rồi mang đến nơi có nuôi gà vịt để cho chúng ăn, cách làm này cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp nuôi dưỡng tinh thần quan tâm, cảm thông ở trẻ.
5. Học âm nhạc và hội họa có thật sự cần thiết?
Ép buộc chỉ bóp méo tình cảm hơn mà thôi
Có nhiều bậc phụ huynh ép con mình học âm nhạc và hội họa với mong muốn nâng cao cảm xúc cho con trẻ. Chẳng phải là nếu tâm hồn trẻ được nuôi dưỡng sự thích thú đối với âm nhạc và hội họa, thì bằng đấy thôi cũng đủ để sống với một tâm hồn phong phú rồi sao?
Thế nhưng, bắt ép con trẻ phải học âm nhạc và hội họa là có thể nâng cao cảm xúc của con sao?
Chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn trọng về điều này.
Cảm xúc chỉ được nuôi dưỡng khi kèm theo đó là sự đam mê và yêu thích. Nếu trẻ không yêu thích môn piano hay violin thì bắt trẻ đi học là một sự tra tấn. Khi trẻ học với thái độ tiêu cực, trẻ chẳng tiếp thu được gì từ các buổi học (do trẻ không tập trung), mà còn mất thời gian của trẻ và gia đình (vì cha mẹ phải bỏ thời gian để đưa bé đến lớp học). Rõ ràng điều đó không hề nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong trẻ mà hoàn toàn ngược lại. Khi nghĩ đến điều này, cha mẹ có còn muốn ép trẻ học âm nhạc hay hội họa nữa không? Thiết nghĩ, có không ít bậc phụ huynh đang mang trong mình một đoạn hồi ức của những ngày tập luyện đẫm nước mắt, như kiểu vừa tan lớp học đàn violin, về đến nhà lại bị mẹ bắt phải học thêm nữa. Kết cục là sẽ có người mang suy nghĩ căm ghét chính người mẹ của mình. Những bài học tạo nên lòng căm ghét đối với một ai đó bóp méo sự phát triển về mặt cảm xúc.
Thêm vào đó, cũng có một số trẻ chịu thua trước những ép buộc của cha mẹ và tuân theo sự ép buộc ấy. Theo đó, bản tính năng nổ không được phát triển mà sẽ bị kìm hãm. Dựa trên quan điểm đó, tôi mong muốn những bậc làm cha mẹ, những người đã từng trải qua những bài học như vậy, thử suy nghĩ xem việc cho con trẻ theo học lớp học về âm nhạc ngay từ bé có thật sự tốt hay không.
Những phụ huynh đã trải qua tuổi thơ không phải theo học lớp học về âm nhạc, hãy thử xác nhận xem trong số những gia đình có con là học sinh trung học và học sinh phổ thông trung học mà các bạn quen biết, nếu có trẻ bị bắt phải theo học đàn piano hoặc đàn organ ngay từ nhỏ, thì bây giờ những nhạc cụ đó đang được sử dụng như thế nào?
Chẳng phải ở đa số các gia đình thì những nhạc cụ ấy đang bị phủ bụi sao? Chẳng phải vì đàn piano chiếm diện tích, nên được xem như là một thứ đồ gây cản trở hay sao? Hơn thế nữa, cũng cần phải xem xét đến tính phong phú về cảm xúc của đứa trẻ trong ngôi nhà đó. Hãy quyết định xem có nên cho con cái mình theo học âm nhạc hay không, sau khi đã thận trọng cân nhắc những vấn đề nêu trên.
Đàn piano được loại bỏ hoàn toàn khỏi trường mẫu giáo ở Đức
Theo xu hướng gần đây, người ta nói rằng dù là âm nhạc hay hội họa đi nữa thì tốt hơn hết nên cho học ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, việc đó cần phải được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau.
Tại các trường mẫu giáo ở Đức và Úc, những nước có nền âm nhạc phát triển mạnh, người ta đã loại bỏ hoàn toàn đàn piano ra khỏi trường học. Hầu như không còn kiểu giáo dục bắt buộc con trẻ phải học đàn piano nữa. Dĩ nhiên vẫn có trường mẫu giáo còn để lại đàn piano, nhưng số lượng cực kỳ ít.
Lý do là gì nhỉ? Đó là kết quả được đưa ra sau khi các nhà chuyên môn về giáo dục trẻ em thảo luận với nhau trên nhiều phương diện. Lý do thứ nhất phải kể đến đó là việc chiếm diện tích trong căn phòng và không tài nào di chuyển thoải mái được. Và cũng có lý do là vì giáo viên khó mà vừa đàn vừa theo dõi tư thế của trẻ. Hơn thế nữa, đã có kết luận rằng việc để cho giọng hát của trẻ lọt vào tai cũng là một hình thức giáo dục âm nhạc cho trẻ. Thế nên, các giáo viên chủ yếu sử dụng đàn guitar và sáo để trẻ dễ học. Bởi vì nếu lựa chọn những nhạc cụ này thì chúng ta có thể cùng nhau hát vang khi đưa con trẻ đến trường mẫu giáo vào những ngày trời trong xanh...
Nói tóm lại, vì muốn mọi người suy nghĩ lại một lần nữa về việc nên giáo dục âm nhạc cho trẻ thơ như thế nào cho tốt, nên tôi đã trình bày hết những quan điểm kể trên.
Bởi vì có vô số ví dụ về việc cho con trẻ theo học âm nhạc chẳng vì một lý do nào cả, cha mẹ lại không xem xét cẩn thận, ép trẻ học vì đứa trẻ nhà hàng xóm đã bắt đầu theo học, hoặc chỉ vì bạn của mẹ rủ rê,... cho nên có không ít trẻ đang phải hứng chịu những tổn thương.
Trong việc nuôi dạy trẻ, nếu như bản thân cha mẹ không trao đổi cẩn thận với nhau xem nên làm thế nào để tốt cho con, không nắm vững chính kiến của bản thân, thì chỉ mang lại cho con cái mình ánh mắt thương hại từ người khác mà thôi.
Việc con trẻ có đang nhận được ánh mắt thương hại từ người khác hay không thì không thể thấy liền được, vì chuyện đó phải đợi đến khi trẻ vào trung học thì mới rõ. Việc bắt con trẻ theo học âm nhạc khi còn bé không đem lại kết quả gì thì chẳng những đã lãng phí thời gian của con, mà ngược lại còn đánh cắp đi thời gian vui chơi của chúng. Chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách con người.
Một vấn đề khác là các giáo viên ở trường âm nhạc đã không thể thấu hiểu tâm lý của trẻ. Để có thể nắm bắt được tâm lý của trẻ, tất nhiên cần phải học tâm lý học trẻ em, nhưng quan trọng hơn đó là những cảm xúc được truyền đi ở đứa trẻ ngay trước mắt mình. Đây được gọi là tâm lý đồng cảm.
Nếu không đồng cảm được với trẻ thì sẽ không thể nào dạy dỗ trẻ một cách thực thụ, rốt cuộc chỉ biến thành những bài học mang tính ép buộc mà thôi. Có không ít giáo viên kiểu như vậy. Chẳng phải là việc đó không thể nào giúp nâng cao cảm xúc cho trẻ, mà ngược lại còn tạo ra nỗi bất an cho trẻ hay sao?
Cách lựa chọn lớp học hội họa
Về khía cạnh này, việc dạy học hội họa đã có bước cải thiện lớn sau khi chiến tranh kết thúc. Mục tiêu được nhắm đến đó là dẹp bỏ hết những kiểu vẽ tranh mang tính hình thức, cho trẻ tận hưởng niềm vui của việc vẽ tranh đúng nghĩa, dựa vào đó mà trẻ có thể giải phóng tâm hồn mình. Thế nên tôi rất xem trọng những bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ, những bức tranh mà chúng đã tự do thả hồn mình mà vẽ nên.
Có không ít các ví dụ về việc tâm hồn của trẻ được giải phóng chính bằng chỉ dẫn này. Ngay cả những giáo viên hướng dẫn cũng đã bắt đầu nắm bắt được khá rõ tâm lý của trẻ. Ít nhất thì cũng không cần phải áp bức tâm hồn bằng cách kiểm soát trẻ như thế.
Tuy nhiên, khoảng mười năm trước đây đã xuất hiện một xu hướng khác trong việc chỉ dẫn cho trẻ học hội họa. Đó là việc cho trẻ quan sát thật rõ đối tượng rồi miêu tả lại một cách chân thực nhất. Có thể nói tính chỉ đạo như thế là khá cao phải không nào. Dĩ nhiên sẽ có e ngại rằng nếu tính chỉ đạo cao thì lại kìm hãm sức tự do sáng tạo của trẻ.
Lý do tôi nói đến chuyện này là vì tôi hy vọng các bạn hãy lựa chọn cẩn thận sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về cách dạy của các giáo viên ở lớp học hội họa. Nếu bạn thật sự muốn nuôi dạy con trẻ một cách thoải mái thì nên chọn một lớp học đúng theo cách hướng dẫn ấy.
Chính vì là việc giáo dục con em chúng ta, nên cần phải tránh lựa chọn một cách cẩu thả. Bất cứ phương pháp giáo dục nào khiến cho trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu thì cần phải xem xét lại. Có thể kiểm tra bằng cách khảo sát ý kiến sau một thời gian thử nghiệm.
6. Cách sống của cha mẹ sẽ chi phối cảm xúc của trẻ
Các yếu tố cảm xúc bao gồm chân-thiện-mỹ-tôn giáo
Bầu không khí trong gia đình được xem là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao cảm xúc của trẻ nhỏ. Điều đó liên quan đến việc cha mẹ đang nỗ lực như thế nào để nâng cao cảm xúc cho con cái. Khi được hỏi rằng bạn đang nỗ lực như thế nào, thì các bậc cha mẹ sẽ trả lời sao nhỉ?
Nếu cho phép tôi định nghĩa, thì cảm xúc là những thứ có liên quan đến chân - thiện - mỹ - tôn giáo được nói đến từ xa xưa.
Đứng trên quan điểm khoa học - lý luận thì chân là tâm hồn theo đuổi sự thật; thiện là con người có đạo đức, nói chung, đó là một tâm hồn nỗ lực để trở thành kiểu người mà mình nghĩ là “người tốt”; mỹ là sự rung động trước cái đẹp, trong này vừa có sự xúc động đối với nét đẹp tự nhiên, vừa có sự xúc động trước nghệ thuật, bao gồm hội họa, âm nhạc và văn chương; tôn giáo thì không cần phải nói, đó chính là lòng mộ đạo.
Trước tiên hãy xem lại bản thân mình
Tôi thảo luận với một người mẹ để xem trường tiểu học nào mới là ngôi trường tốt cho con của cô ấy. Bản thân người mẹ này đã có quyết định sẵn rồi: “Tôi nghe nói trường tiểu học A là một ngôi trường tốt...”. Thế là tôi hỏi lại: “Tốt ở đây có nghĩa là gì?”, ngay lập tức cô ấy đáp lại rằng: “Bởi vì tôi đã nghe cô hàng xóm nói như vậy”. Sau đó, tôi lại hỏi: “Vậy ắt hẳn người đó phán đoán chính xác lắm nhỉ?”, thì cô ấy lại trầm ngâm suy tư: “Ừ thì...”.
Có thể thấy trong ví dụ này, người mẹ hầu như không có cảm giác mong mỏi điều gì, mà chỉ đang chạy theo phong trào thôi. Vì nếu thật sự muốn cho con mình vào một trường tiểu học tốt, cô ấy cần phải phân tích độ “tốt” ấy từ nhiều góc độ. Cả việc phân tích theo cách như thế nào và xem xét nó ra sao cũng rất quan trọng. Cha mẹ cần phải cân nhắc về vấn đề đó để quyết định lựa chọn cách suy nghĩ cho mình.
Cha mẹ cần xem xét mình mong đợi điều gì ở cách giáo dục của ngôi trường, chứ đừng chạy theo đánh giá tốt xấu từ chị bạn hàng xóm có con theo học trường đó. Tốt hay xấu là tùy thuộc vào nhu cầu, mong đợi của cha mẹ đối với ngôi trường. Chẳng hạn như, nếu cha mẹ mong đợi một ngôi trường chú trọng đào tạo kỹ năng sống cho trẻ thì nên tìm trường có những chương trình học giúp hỗ trợ điều đó. Có cha mẹ muốn con theo học trường chuyên để con có cơ hội tham gia các cuộc thi toàn quốc về môn toán, văn, vật lý,… Nếu mục đích là như vậy thì các ngôi trường có chương trình học ít chú trọng các môn văn hóa mà chú trọng hơn vào các chương trình ngoại khóa đào tạo kỹ năng sống sẽ được đánh giá là trường không tốt, không đạt yêu cầu, là trường học chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.
Vì định khảo sát một trường tiểu học nọ nên tôi đã hỏi thăm người có liên quan đến ngôi trường đó. Và rồi người ấy trả lời rằng: “Chỗ đó không được đánh giá tốt đâu...”. Tôi hỏi lại: “Nó bị đánh giá không tốt ra sao?”, thì lại nhận được câu trả lời không đáng tin cậy rằng: “Mọi người nói như vậy đó”.
Do đó, tự tôi đã đi đến ngôi trường và thử tiếp xúc với các giáo viên. Thế là tôi đã được đón tiếp một cách nồng hậu, còn được họ hợp tác hết mình, với mong muốn có thể giúp ích cho việc giáo dục con trẻ. Tôi còn chứng kiến việc họ luôn nỗ lực quan sát từng đứa trẻ một để có thể dạy dỗ chúng một cách phù hợp.
Tôi đã tự hỏi tại sao ngôi trường như vậy lại bị đánh giá không tốt và thử tìm hiểu những điểm đó. Tôi đã hiểu được lý do tại sao có những giáo viên nhiệt huyết với các cuộc vận động của Hiệp hội Cán bộ Giáo dục Nhật Bản như vậy mà vẫn có những đánh giá như thế. Theo tôi, những người có “đánh giá không tốt” là những người không thích Hiệp hội Cán bộ Giáo dục Nhật Bản.
Đối với chữ thiện, tôi đã thử suy nghĩ đến những người có sự đồng cảm. Tôi đã nghĩ làm sao để có thể giữ được sự đồng cảm – một yếu tố quan trọng để trở thành người tốt – và những người cha, người mẹ, người có sự đồng cảm ấy đã nỗ lực ra sao để có thể hiểu thấu.
Về chữ mỹ, tôi đã lấy lớp học âm nhạc và lớp học hội họa ra để so sánh, tôi đưa ra yêu cầu đối với cha mẹ rằng họ phải suy nghĩ thật cẩn thận xem những lớp học đó có thật sự có tác dụng không, có thể nuôi dưỡng được cảm xúc không. Thông qua đó, tôi muốn bản thân các bậc cha mẹ phải suy nghĩ lại một lần nữa về chữ mỹ này. Cha mẹ đang cố gắng yêu cầu một chữ mỹ như thế nào?
Tôn giáo liên quan đến việc bạn có tín ngưỡng hay không, hoặc bạn có quan tâm đến tôn giáo hay không. Tuy nhiên, dù nói là bạn đã đi đến đền thờ hoặc chùa chiền thì cũng không thể biết được liệu đó có phải là lòng tín ngưỡng thật không. Nếu là kiểu đi chỉ vì mục đích “buôn thần bán thánh” thì không thể nào gọi là tín ngưỡng được.
Sau khi đã phản tỉnh, hãy bắt đầu nỗ lực
Tôi đã nhận ra rằng từ trước tới nay, mỗi ngày trôi qua đều mơ hồ và cứ lặp đi lặp lại. Thế nên tôi đã nghĩ bước đầu tiên đó là bắt đầu nỗ lực. Nếu không, tôi sẽ trở thành kiểu “động vật kinh tế”, chỉ biết đến tiền, luôn xem tiền bạc là trên hết, rồi sẽ giống như đa số những người đang vùi mình vào giá trị của đồng tiền mất thôi.
Trong những gia đình mà cha mẹ là kiểu “động vật kinh tế”, cảm xúc của con cái không thể nào nâng cao được. Đặc biệt, đối với những người chỉ biết đến tiền, họ cũng sẽ để con cái mình tiêu tiền một cách vô tội vạ. Đối với những đứa trẻ như thế, sau khi đến tuổi dậy thì, chúng sẽ chạy theo xu hướng, tiêu tiền và ăn vận xa xỉ, có khi còn vướng vào các tệ nạn xã hội. Những đứa trẻ như thế nhìn vẻ ngoài thì lòe loẹt sặc sỡ, nhưng thực chất bên trong lại cực kỳ thiếu thốn (nhất là tình cảm). Bởi vì không được nuôi dạy về mặt tình cảm, nên chúng chỉ còn biết tập trung chăm chút cho vẻ ngoài của mình mà thôi. Những đứa trẻ như thế có quan điểm sai lầm về giá trị con người. Đối với chúng, mặc áo đẹp, đeo một chiếc đồng hồ sang trọng, sắm điện thoại đắt tiền mới nói lên được giá trị con người, trong khi suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm vì rõ ràng “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Chúng suy nghĩ lệch lạc vì thiếu sự quan tâm và giáo dục của cha mẹ từ khi còn nhỏ hoặc là cha mẹ áp dụng phương pháp giáo dục sai lầm đối với con trẻ. Một người cha, người mẹ ham mê vật chất thì không thể giáo dục con trân trọng cảm xúc hay giá trị tinh thần của người khác được.
Để có thể nuôi dạy con trẻ thành người tốt, những người làm cha làm mẹ một lần nữa hãy tự xem lại cảm xúc của bản thân mình! Hãy bắt đầu nỗ lực nâng cao cảm xúc ấy, cho dù là ít ỏi đi chăng nữa. Nhưng đấy sẽ là tiền đề để nuôi dưỡng cảm xúc nơi con trẻ.