Đầu năm 1967, các quan chức Mỹ ở Việt Nam – cả quân sự và chính trị - thường nêu quan điểm rằng “dòng người tỵ nạn” là một hậu quả bất hạnh nhưng không thể tránh khỏi khi muốn tiến hành các cuộc hành quân có hiệu quả. Đến tháng 8, phần lớn các quan chức đều tuyên bố việc di dời dân chúng ra khỏi quê hương bản quán của họ là một chiến thuật có giá trị trong cuộc chiến chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng Giới quân nhân nói riêng, rất thích trích dẫn câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông rằng trong cuộc chiến tranh du kích, quan hệ giữa du kích với dân như cá với nước. Họ lập luận rằng chỉ khi nào tát cạn nước mới có thể bắt được cá. Tôi đã nghe câu nói hình ảnh của Mao ít nhất năm lần tại Quảng Ngãi. Trong một bài báo dưới đầu đề “The cause in Vietnam is being won” (Công cuộc của chúng ta ở Việt Nam đang thắng lợi) trên tờ The New York Times Magazine số ra ngày 15/10/1967, Tướng Maxwell D. Taylor, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và nguyên Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam đã giải thích tính lô-gíc của việc kiểm soát dân chúng và tuy không nói đến các trại tập trung làm dẫn chứng, ông đã mô tả lợi thế của chính phủ Nam Việt Nam khi có khoảng từ ba đến bốn triệu dân ở trong và xung quanh các trại tập trung do chính phủ kiểm soát trong số khoảng mười bảy triệu dân trên toàn miền Nam:
“Trong những tháng gần đây, số dân thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ đang tăng lên một cách đáng khích lệ ở vùng nông thôn là một chứng minh công cuộc bình định đang tiến bộ. Quả vậy, từ giữa năm 1965, số dân trong cùng nông thôn thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ đã tăng lên khoảng ba triệu người. Trong số này, có khoảng 1.200.000 người đã tăng trong sáu tháng gần đây. Đồng thời, số dân chúng thuộc quyền kiểm soát của Việt Cộng đã giảm trên một triệu người kể từ năm 1965, số dân tăng cho Chính phủ là ở các vùng tranh chấp. Trong năm ấy, ước tính có khoảng 26% dân chúng toàn miền Nam (kể cả trong các thành phố) thuộc quyền kiểm soát của Việt Cộng nhưng đến nay con số đó đã sụt xuống chỉ còn 14%. Nếu gộp cả các thành phố, tổng số dân thuộc quyền kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã tăng lên từ 6,6 triệu giữa năm 1965 lên đến 10,8 triệu giữa năm 1967.
Dân chúng thoát khỏi vòng kiểm soát của Việt Cộng là một tài sản có giá trị hai mặt theo quan điểm của chúng ta. Không những họ thoát khỏi sự đô hộ hà khắc của Việt Cộng mà họ không còn là nguồn nhân lực hết sức cần thiết để hỗ trợ cho phong trào du kích. Thông thường Việt Cộng bắt buộc phải sống bám vào nông dân để lấy tân binh, dân công, lương thực và các hình thức hỗ trợ khác. Nếu không có sự hỗ trợ của nông dân, phong trào du kích địa phương có nguy cơ suy yếu và tiêu hao dần.”
Tôi gặp một trung tá trẻ tuổi người Mỹ tại quận Bình Sơn đang thất vọng trước tình hình đang diễn ra ở trong tỉnh, nhưng anh ta cho rằng tình trạng này sẽ được cải thiện nhiều nếu kế hoạch quy mô anh ta đã suy tính có thể thực hiện. Sau trên một năm nói chuyện với những người Việt Nam trình độ tiếng Anh còn kém, vị trung tá này đã phát triển một kiểu phát âm rất chậm rãi, cẩn thận chỉ dùng một số từ ngữ cơ bản tối thiểu. Kiểu nói này đã trở thành thói quen đến mức đôi khi nói chuyện với người Mỹ, anh ta vẫn nói theo cách ấy, đặc biệt khi muốn làm sáng tỏ những vấn đề khúc mắc. Anh chàng vừa nói chậm, vừa nhấn mạnh các từ ngữ và các thì trong văn phạm, vừa làm dấu hiệu giơ cao nắm đấm để thể hiện toàn tâm, toàn ý vào công việc. Đôi khi anh ta phải mất rất nhiều sức lực để giải thích một vấn đề về tương lai của tỉnh đến nỗi khi nói xong, anh ta phải thả mình ngồi phịch xuống chiếc ghế với một nụ cười mệt mỏi kiệt sức.
Hôm gặp viên trung tá, tôi được nghe buổi nói chuyện của anh ta với một quan sát viên của Bộ chỉ huy Bình định của Mỹ ở Sài Gòn đến để đánh giá “tiềm năng” của tỉnh về chương trình phát triển Cách mạng, một hoạt động của chính phủ Nam Việt Nam nhằm đối phó với chương trình giáo dục chính trị của Cộng sản.
- Ông xem đấy! Việt Cộng kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng. Chúng tổ chức dân chúng. Dân chúng rất năng động, rất tự giác. Nhưng dân chúng mà chúng ta tưởng là đứng về phía ta thực ra chỉ là những kẻ ngờ nghệch, chậm hiểu. – Anh ta nhăn mặt buồn bã và giơ cao bàn tay thành nắm đấm ra phía trước, nói nhấn mạnh từng tiếng một. – Dân tỵ nạn ngồi chơi cả ngày, họ chẳng làm gì và chúng ta cũng chẳng làm gì để giải quyết tình hình này.
Rồi anh ta trình bày kế hoạch khái quát của mình để tái xây dựng.
- Chúng ta đã đưa họ ra khỏi nơi mà họ có thể sẽ bị giết. – Anh ngừng lại, mỉm cười và nói thêm. – Xin đừng hiểu nhầm tôi. Tôi không muốn họ phải chịu nhiều đau khổ hơn nữa. Họ đã chịu đựng đau khổ quá nhiều rồi, nhưng điều tôi muốn nói là chúng ta cần phải làm cho họ biết lý do tại sao họ phải ủng hộ chính phủ. Chúng ta cần làm cho họ có thêm động lực bản thân để tự mình bảo vệ lấy mình. Hiện nay họ chẳng có nghề nghiệp, nhà cửa hoặc bất cứ thứ gì có thể làm cho họ phấn khởi và tôi không trách tại sao họ lại thờ ơ. Hãy nhìn vào các trại. Bất cứ ai rồi cũng sẽ phải thờ ơ thôi.
Theo anh ta, yêu cầu đầu tiên cho việc tái thiết và xây dựng là phải có an ninh; và về vấn đề này, anh ta đã vạch ra một chương trình huấn luyện hoàn hảo rộng lớn cho thanh niên ở địa phương, bồi dưỡng cho họ một lòng tự tin và ý chí bảo vệ làng mạc chống lại Mặt trận Dân tộc giải phóng. Tiếp đó, các làng cần phải xây dựng lại về vật chất tốt nhất là để cho chính dân chúng tự làm. Anh ta nói:
- Người Việt Nam phải tự làm được điều đó. Chúng ta thường hay làm thay cho họ. Tôi biết cho trẻ kẹo quả là chuyện dễ dàng. Anh sẽ tự cảm thấy hài lòng với mình. Anh là nhất rồi. Nhưng với mỗi chiếc kẹo đó, anh đã làm cho trẻ mất lòng tin vào bố mẹ chúng vì bố mẹ chúng chẳng có tiền mua kẹo cho con. Rất nhiều lần tôi thấy người Mỹ đóng vai trò ông già Nô-en đi phát quà cho trẻ và cảm thấy ấm lòng, nhưng cái kiểu cách ấy làm hỏng trẻ con và làm cho người lớn mất cả lòng tự trọng. Giá chúng ta hiểu ra được vấn đề đó!
Phần tiếp theo của kế hoạch là việc thành lập một ban lãnh đạo hành chính dân chủ cấp làng, do dân bầu ra và đáp ứng được nguyện vọng của dân. Cuối cùng, sự thay đổi lãnh đạo ở địa phương phải đồng thời tiến hành với việc loại trừ hoàn toàn nạn tham nhũng ở cấp tỉnh và bắt đầu tiến hành chuyển sang chính quyền dân sự trên quy mô toàn quốc. Tóm lại, viên trung tá này muốn tạo được một xã hội hùng mạnh, dân chủ, phồn vinh, hạnh phúc, hoàn toàn đổi mới và hăng hái ủng hộ một chính quyền hoàn toàn cải cách ở Nam Việt Nam.
Tôi chỉ cho viên trung tá thấy rằng khoảng 70% các làng trong tỉnh đã bị phá huỷ và hỏi liệu ông ta có thấy đó là một cản trở nghiêm trọng cho việc thực hiện kế hoạch hay không.
- Tôi biết chứ. – Anh ta trả lời. – Trên dải đất dài mười lăm cây số dọc bờ biển trong vùng hành quân của chúng ta, chỉ có hai làng là còn đứng vững và nếu có ai bảo còn có nhiều làng nữa thì chúng là bọn nói dối. Có một điều là người Việt Nam có thể xây dựng lại nhà của họ rất nhanh, chẳng có khó khăn gì lắm. – Rồi anh kiên nhẫn mô tả chi tiết các nhà tranh trước đây chiếm tỷ lệ 80% số nhà trong tỉnh đã được xây dựng như thế nào và nói tiếp. – Vấn đề là chúng ta phải thay đổi hình thái bố trí dân cư. Chính hình thái dân cư sống rất phân tán là điều kiện trước tiên cho Việt Cộng tồn tại. Do đó chúng ta không nhất thiết phải di chuyển dân về làng cũ của họ. Nếu chúng ta có thể thay đổi hình thái bố trí dân cư, đưa dân sống tập trung trong các khu vực có thể kiểm soát chặt chẽ hơn thì chúng ta có thể thiết lập được hệ thống phòng thủ và chính quyền có thể kiểm soát được dân chúng dễ dàng hơn. Đêm nào chúng ta cũng có thể kiểm tra được thẻ căn cước của họ và bằng cách này sẽ ngăn không cho Việt Cộng xâm nhập.
Sau khi viên trung tá nói hết ý kiến của mình, vị quan sát viên đến từ Sài Gòn nói ông ta muốn sống một ngày và ngủ qua đêm trong một làng của quận này cùng với người thông dịch để tự mình đánh giá liệu xem các điều kiện đã chín muồi cho một chương trình phát triển Cách mạng hay chưa và yêu cầu viên trung tá giới thiệu cho một làng. Lấy tay vỗ lên trán, viên trung tá cười to nhưng tỏ ra lo lắng nói:
- Ông không thể ngủ trong làng được đâu. Tôi không thể để cho ông làm chuyện đó. Chẳng có làng nào mà một người Mỹ có thể ngủ qua đêm được cả.
Sau khi kết thúc cuộc hành quân Malheur II tại thung lũng sông Vệ, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn không vận 101 nhảy một bước nữa ra phía Bắc và mở cuộc hành quân Hood River tại thung lũng sông Trà Khúc. Họ hy vọng là sẽ chộp được một đơn vị lớn quân địch bằng cách đổ quân xuống các đồi cao xung quanh thung lũng rồi quét xuống từ mọi phía. Nhưng cũng giống như hai cuộc hành quân trước, cuộc bao vây khép lại vào chỗ không người. Việc chạm trán lẻ tẻ với quân địch là thường xuyên trong các cuộc càn quét, nhưng lần này thì ít hơn thường lệ. Con số chính thức về quân địch bị giết trong hai tuần hành quân là 78 và con số thương vong Mỹ là chết: 3, bị thương: 38. Tuy nhiên, bộ binh, pháo binh và không quân yểm trợ cuộc hành quân đã phá huỷ hầu hết các làng trong thung lũng và các làng trên cánh đồng ven biển ở cửa sông.
Vào giữa tháng 8, lần đầu tiên tôi đến căn cứ Chu Lai ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam tỉnh Quảng Tín, lúc đó là Sở chỉ huy của lực lượng Đặc nhiệm Oregon. Tôi được viên sĩ quan trưởng phòng Thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm, thiếu tá Patrick H. Dionne, thông báo ngắn gọn về lực lượng địch ở tỉnh Quảng Ngãi. Ông ta là một người to béo, bệ vệ, có bộ mặt luôn luôn tươi cười và cánh tay vươn dài ra bắt tay đón chào mỗi khi có ai vào phòng của ông, một kiểu chào mỗi khi có ai vào phòng của ông, một kiểu chào như muốn nói: “Chúng ta sẽ sống và làm việc hợp ý nhau!”. (Trong suốt thời gian ở Quảng Ngãi, tôi hoàn toàn được tự do muốn đến nơi nào cũng được và tôi còn được thiếu tá Dionne và các sĩ quan thông tin khác khuyến khích cùng bay với các máy bay kiểm soát phía trước và theo dõi các cuộc hành quân trên bộ càng nhiều càng tốt.)
- Chúng tôi ở đây để tuyên truyền cho dân chúng trong tỉnh tin tưởng vào chính phủ Nam Việt Nam. – Thiếu tá Dionne nói. – Cái khó là dân không muốn nghe chúng ta tuyên truyền cho chính phủ Việt Nam Cộng hoà, do đó việc chúng ta thực sự đang làm là nhét cái chính phủ đó vào trong họng họ. Vùng này là của Việt Cộng kể từ thời Nhật, do đó thực sự là họ chưa bao giờ có một mối liên hệ nào với chính phủ. – Rút một tấm thẻ màu hồng ra khỏi tủ hồ sơ để tham khảo, anh ta nói tiếp – Có từ bảy trăm ngàn đến một triệu người tại tỉnh Quảng Ngãi. Khoảng một nửa số này nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam và một phần tư theo Việt Cộng… Trong tỉnh có cả lính Việt Cộng địa phương và quân Bắc Việt. Sư đoàn 3 Bắc Việt đóng căn cứ tại huyện Đức Phổ.
Tôi hỏi gần đây có binh lính Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam không. Thiếu tá Dionne đáp:
- Thực tế, số này là những người đã vào Nam từ năm 1954 rồi ở lại và tổ chức dân chúng địa phương để ủng hộ Hà Nội. Chúng ta có thể nói họ là những người theo miền Bắc đang sống ở bên này giới tuyến khu phi quân sự. Quân đội Bắc Việt Nam ở đây là Việt Minh cũ nằm vùng. Họ có gia đình ở đây và thực tế họ chẳng có gì nhiều ở ngoài đó để khiến họ trở ra Bắc. Kế đó là Việt Cộng, gồm lính địa phương và quân chủ lực. Lính Việt Cộng địa phương sống tại gia và trang bị kém: mỗi tiểu đội có thể chỉ có hai súng trường và sáu quả lựu đạn nhưng từng Việt Cộng có động cơ chiến đấu rất cao và đảm trách công việc của một cán bộ chính trị. Ngược lại với quân Bắc Việt, lính Việt Cộng địa phương hoạt động đơn lẻ cùng với những người khác cũng đơn lẻ. Họ có lòng tin khá chắc chắn là họ sẽ thắng. Quân chủ lực có tổ chức thành đơn vị và thường xuyên di chuyển. Họ được trang bị tốt hơn.
Thiếu tá Dionne nói với tôi rằng những thành tích đáng tự hào nhất của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon là việc khai thông Quốc lộ 1 cho giao thông hoạt động trở lại. Khi mới đến, lực lượng Đặc nhiệm nhận thấy Việt Cộng đã phá huỷ hầu hết các cầu trên Quốc lộ này. Công binh của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đã xây dựng lại các cầu và tổ chức một buổi lễ khánh thành long trọng để đưa vào sử dụng với sự có mặt của nhiều quan chức cấp cao của Lực lượng Đặc nhiệm và viên tỉnh trưởng. Hàng tuần các toán lính Mỹ thực hiện nhiều cuộc quét dò mìn và trung bình mỗi tuần phát hiện được hai quả. Xe đạp và xe máy bắt đầu đi lại giữa một số thành phố mặc dù có nhiều đoạn vẫn chưa sử dụng được.
Sau khi kết thúc cuộc hành quân Hood River, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Không vận 101 lại phải chuyển quân lên hướng Bắc và mở cuộc hành quân Benton ở vùng Nam của tỉnh Quảng Tín. Tôi bay trên thung lũng sông Trà Khúc trong các máy bay FAC do không quân giao cho Lữ đoàn 1 của Sư đoàn không vận 101 trong hai ngày cuối cùng của cuộc hành quân Hood River.
Các phi công FAC có hai nhiệm vụ: Một là bay trên các khu vực được phân vùng cụ thể, đánh dấu những gì mà họ nghi vấn và lựa chọn các mục tiêu đề nghị không quân oanh kích. Các mục tiêu này không cần được xác định lại cho chính xác mà cứ thế cho dội bom luôn, trừ khi các mục tiêu này gần các đơn vị bạn hoặc các vùng cấm không được oanh tạc. Một vài phi công FAC ngày nào cũng bay trên một vùng nhất định trong nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài nhiều tuần, nên từ trên máy bay, họ biết rất rõ những gì có trên thực địa như thể họ có bản đồ trong tay. Nhiều phi công khác sẽ được biên chế cho Lữ đoàn và sẽ bay yểm trợ cho Lữ đoàn trong mọi cuộc hành quân, bất cứ khi Lữ đoàn hoạt động ở đâu.
Nhiệm vụ thứ hai của phi công FAC là hướng dẫn các máy bay tiêm kích oanh tạc bay đến mục tiêu. Người phát ngôn của Không quân luôn thận trọng nhấn mạnh rằng phi công FAC không thể tự mình có quyền gọi cho các máy bay đánh bom vào bất cứ một mục tiêu nào, và trong mọi trường hợp, họ đều phải được phép của Lục quân. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là khi một máy bay FAC phát hiện một mục tiêu mà họ muốn gọi oanh tạc, họ phải dùng bộ đàm để báo vị trí này cho Trung tâm Không yểm Trực tiếp (DASC) của Vugnf Quân đoàn và xin phi vụ tiêm kích oanh tạc trợ giúp, Trung tâm Không yểm Trực tiếp sẽ cân nhắc mức độ cấp thiết so với các phi vụ yểm trợ khác vào lúc ấy để ra quyết định cho một số máy bay hạn chế đang bay trên trời hoặc đang ở “vị trí báo động trực chiến” ở sân bay sẵn sàng cất cánh ngay lập tức để đánh vào mục tiêu. Không quân chia các vụ oanh kích làm hai loại được gọi là oanh kích theo kế hoạch có chuẩn bị trước và oanh kích ngay lập tức. Oanh kích chuẩn bị trước được lên kế hoạch từ 24 giờ cho đến hai tuần trước khi thời gian thực hiện oanh kích, còn các cuộc oanh kích ngay lập tức được tiến hành nhiều nhất chỉ trong vòng vài giờ sau khi bộ binh hoặc máy bay FAC yêu cầu trong trường hợp họ phán đoán là đã phát hiện được mục tiêu địch.
Trong lúc nói chuyện với một phi công máy bay FAC, có lần tôi nói nhầm là “oanh kích theo kế hoạch” mà đúng ra phải nói “oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước”, anh ta đã sửa lại ngay. Khi tôi hỏi sự khác nhau giữa các từ ngữ “oanh kích theo kế hoạch” và “oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước”, viên phi công trả lời: “Mọi cuộc oanh tạc của chúng ta đều có kế hoạch cả. Chúng ta không có cuộc oanh kích nào không có kế hoạch”.
Tại căn cứ Không quân Đà Nẵng, một thiếu tá đã thông báo cho tôi vai trò của các phi công FAC ở Vùng I. Khi tôi hỏi loại mục tiêu nào thường bị oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước, anh ta trả lời:
- Trong rừng núi, bất cứ vật gì chuyển động đều bị coi là Việt Cộng. Chúng ta đã đuổi hầu hết dân chúng ra khỏi khu vực nên những ai còn tiếp tục ở lại đều bị coi là Việt Cộng. Chẳng ai còn lý do gì phải ở lại đấy nữa. Chúng tôi oanh tạc các vùng căn cứ địch và các trung tâm nghỉ ngơi và dưỡng sức của Việt Cộng.
Lục quân muốn nói đến các trạm ngủ qua đêm dọc đường hành quân được coi là nơi V.C. nghỉ ngơi và dưỡng sức như các trung tâm an dưỡng của quân Mỹ ở các thủ đô nước ngoài như Bangkok, Tokyo, Sydney mà hàng năm, Lục quân vẫn thường gửi lính sang đó nghỉ một tuần.
- Phần lớn các hoạt động của chúng tôi đều ở đồng bằng. – Viên thiếu tá tiếp tục. – Tại đây, chúng tôi thường tấn công vào các hầm ngầm kiên cố và công sự phòng thủ. Việt Cộng ẩn nấp trong đấy và cũng cất giấu dự trữ hậu cần trong đó nữa. Tất nhiên, chúng tôi không thể đánh trúng hết mọi công sự. Chúng tôi còn đánh vào các làng có phòng thủ. Trong một số làng này, hệ thống hầm hào, công sự đào chằng chịt giống như trong Thế chiến thứ I, trông thật đáng kinh ngạc. Chúng ta đều biết các làng có phòng thủ này là căn cứ địch. Nhưng trước khi đánh một điểm nào, chúng tôi đều phái một toán Tâm lý chiến đến để báo trước cho dân làng chạy trốn. Trước kia, chúng tôi thường thông báo trước cho dân chúng bằng tờ rơi nhưng không hiệu quả mấy nên chúng tôi chuyển sang dùng loa gọi. Chúng tôi cho dân có khoảng ít nhất từ mười đến mười lăm phút để ra khỏi khu vực trước khi chúng tôi thực hiện cuộc oanh tạc. Nhưng chính các cuộc oanh tạc ngay lập tức lại cho kết quả tốt nhất. Đó là khi chúng tôi có con số để báo cáo người chết vì máy bay oanh tạc (mà chúng tôi gọi tắt là K.B.A – Killed by Air). Tất nhiên quân địch ở ngoài trời, không ẩn nấp, là loại mục tiêu mà chúng tôi ưa thích nhất.
Tôi hỏi anh ta khi muốn xin phép oanh tạc thì phải làm gì.
- Trước tiên, chúng tôi kiểm tra khu vực xem có còn quân bạn không, tiếp đó là gửi yêu cầu lên Trung tâm Không yểm Trực tiếp, và yêu cầu này phải được viên tỉnh trưởng chấp thuận. – Anh ta nói. – Chúng tôi chưa bao giờ thực hiện một cuộc oanh tạc mà không xin phép tỉnh trưởng trước. Ông ta là người Việt, và ông ta biết tình hình địa phương nên phân tích đến cùng thì ông ta là người biết rõ ai là bạn và ai là thù. Và dù sao thì, đây là đất nước của họ, nên họ phải biết chuyện gì đang xảy ra.
(Sau này, tôi hỏi ông Hoàng Đình Thọ, tỉnh trưởng Quảng Tín về các bước cụ thể thường được sử dụng để bảo đảm việc cho phép oanh tạc được chính xác và biết rằng trước mỗi cuộc hành quân trong tỉnh, ông ta đã xác định một số vùng nhất định, điển hình là các vùng xung quanh huyện lỵ - là vùng không được phép oanh tạc, và cho phép các chỉ huy trưởng hành quân trên mặt đất được toàn quyền oanh tạc các vùng còn lại trong khu vực hành quân).
Viên thiếu tá giải thích rằng Không lực Việt Nam Cộng hoà có tổ chức riêng, tách biệt với Không lực Hoa Kỳ nhưng cùng cất cánh từ các căn cứ giống nhau. Không lực Việt Nam Cộng hoà sử dụng các máy bay tiêm kích oanh tạc A-1 cánh quạt yểm trợ cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà – loại máy bay được Hải quân Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
- Không lực Việt Nam Cộng hoà có bộ phận FAC riêng của họ. – Viên thiếu tá bảo tôi. – Họ hoạt động theo kiểu chúng ta vẫn làm. Một nửa của căn cứ dành cho Không lực Việt Nam Cộng hoà và một nửa còn lại dành cho chúng ta.
Tôi hỏi máy bay FAC của Không lực Việt Nam Cộng hoà chủ yếu làm gì.
- Máy bay FAC của Không lực Việt Nam Cộng hoà thường theo dõi các đoàn xe. Họ khá bận rộn trong công việc này. Nhưng đó là công việc rất cần thiết. Không lực Việt Nam Cộng hoà dùng một phần sân bay Đà Nẵng. Chúng ta xây dựng cho họ các tiện nghi thiết bị giống hệt như tiện nghi thiết bị của Mỹ, nhưng riêng biệt… Các tiện nghi thuận lợi, nhưng lính Việt Nam Cộng hoà không biết chăm sóc. Bây giờ anh hãy đến đấy mà xem, đúng là một mớ hỗn độn. Anh có biết việc đầu tiên họ làm là gì không? Là tháo các vòi nước, đầu nối ống nước trong các phòng tắm đem ra chợ bán.
Tôi hỏi các máy bay FAC của Mỹ có hướng dẫn các máy bay tiên kích- oanh tạc của Không lực Việt Nam Cộng hoà đánh vào mục tiêu không. Viên thiếu tá trả lời:
- Các máy bay cũ A-1 mà Không lực Việt Nam Cộng hoà đang dùng chậm hơn máy bay của Mỹ rất nhiều nhưng lại chính xác hơn nên họ không dùng máy bay FAC nào cho công việc ấy cả.
Tôi biết rằng các đề xuất về mục tiêu nêu ra cho các máy bay tiêm kích – oanh tạc của Mỹ chủ yếu do các chỉ huy mặt đất, các phi công FAC và các báo cáo của “nhân viên chỉ điểm” – tên gọi hầu hết các nguồn thông tin khác. Đôi khi một tỉnh trưởng cũng ra lệnh đốt cháy hoặc ném bom một làng. Mọi mục tiêu báo cáo cho Trung tâm Không yểm Trực tiếp đều thể hiện bằng toạ độ trên bản đồ quân sự và Trung tâm Không yểm Trực tiếp sẽ chuyển tiếp các toạ độ này cho phi công FAC đang hướng dẫn cuộc oanh tạc. Phi công FAC sẽ xác định vị trí mục tiêu trên một bản đồ tương tự mà anh ta mang theo trên máy bay. Các bản đồ đều có các vạch ngang dọc làm thành một lưới ô vuông. Các dòng ngang cách nhau 2 cách được đánh số từ 01 đến 99; các cột dọc cũng cách nhau và đánh số như vậy. Mỗi ô vuông do các dòng và cột tạo ra biểu thị một cây số vuông trên mặt đất. Các toạ độ đưa ra gồm sáu chữ số của nhóm ba số thứ nhất chỉ một đường vạch dọc và hai con số đầu của nhóm ba số thứ hai chỉ một đường vạch ngang. Con số thứ ba của nhóm số thứ nhất chỉ một khoảng cách tính bằng đơn vị trăm mét ở phía Đông của đường vạch dọc trên bản đồ và con số thứ ba của nhóm số thứ hai chỉ một khoảng cách tính bằng đơn vị trăm mét ở phía Bắc của đường vạch ngang trên bản đồ.
Tuy nhiên, các khoảng cách hàng trăm mét không được kẻ trên bản đồ nên viên phi công cần phải tự ước lượng 100 mét hay 300 mét – theo các đường ngang dọc – dài đến đâu. Và thậm chí cả khi viên phi công có ước đoán chính xác đi nữa, khu vực nhỏ nhất mà anh ta có thể xác định theo hệ thống này vẫn là một ô vuông mỗi cạnh dài một trăm mét*. (Tất cả mọi điểm trong ô vuông mỗi cạnh một trăm mét ở phía Đông Bắc của toạ độ 691 873 như ví dụ nêu trên được chỉ định bằng chính toạ độ này). Trong khoảng 50% số phi vụ, Trung tâm Không yểm Trực tiếp có thể báo cho các phi công FAC biết được đặc điểm mô tả loại mục tiêu đã được xác định trong ô vuông mỗi cạnh một trăm mét bằng toạ độ. Một vài thuật ngữ mô tả được sử dụng chính thức như “hầm ngầm”, “cấu trúc quân sự” và “ấp địch” là để nói đến các mục tiêu đôi khi do máy bay có thể phát hiện được khi bay trên không, nhưng các cách mô tả khác như “vùng Việt Cộng nghỉ ngơi”, “nơi nghỉ ngờ là chỗ tập trung quân dịch” và “đường thâm nhập của địch” phi công lại không thể nhìn thấy được từ trên máy bay, và trong các trường hợp đó, phi công phải dựa hoàn toàn vào các toạ độ. Một khi phi công đã tìm được vùng mục tiêu ở trên bản đồ, anh ta sẽ xác định vị trí trên thực địa bằng cách sử dụng các nét nổi bật của địa hình được thể hiện trên bản đồ làm điểm chuẩn tham chiếu; tại vùng núi, anh ta sẽ dựa vào các con sông, đường sá và làng mạc. Sau khi tìm thấy mục tiêu trên mặt đất, anh ta sẽ dùng điện đàm để chuyển các toạ độ cho máy bay tiêm kích oanh tạc khi bay đến mục tiêu. Ngay trước khi oanh kích, anh ta sẽ “đánh dấu” mục tiêu bằng cách bắn xuống một quả rốc két phốt-pho làm vọt lên một đám khói trắng rất dễ nhìn và gây cháy trên một vùng có đường kính khoảng hai mươi mét. Dựa vào vệt khói, các máy bay tiêm kích oanh tạc sẽ ném bom hoặc các thùng na- pan, phóng rốc két hoặc xả súng vào mục tiêu. Trong lúc đó, máy bay FAC lượn vòng tròn quanh đấy, quan sát cuộc oanh tạc và dùng bộ đàm thông báo cho các phi công máy bay tiêm kích oanh tạc biết điểm bị oanh kích còn lệch xa mục tiêu bao nhiêu.
* Tức là diện tích 1 héc-ta. (Chú thích của người dịch)
Thông thường có hai hoặc ba máy bay tiêm kích oanh tạc trong một phi vụ và mỗi máy bay đảo qua hai hoặc ba lần tuỳ thuộc vào loại vũ khí phi cơ mang theo. Khi oanh tạc xong, phi công FAC sẽ bay trên khu vực lần nữa để đánh giá thiệt hại rồi báo cáo cho Trung tâm Không yểm Trực tiếp và cho các phi công tiêm kích oanh tạc. Bản báo cáo đánh giá thiệt hại này bao gồm tỷ lệ số “bom ném trúng mục tiêu” và tỷ lệ % “mục tiêu bị phá huỷ”. Phi công cũng sẽ báo cáo khi có bất cứ “cấu trúc quân sự nào bị phá huỷ”. Khi có bộ binh bạn ở trong khu vực gần mục tiêu, viên chỉ huy ở mặt đất sẽ dùng bộ đàm thông báo toạ độ vị trí quân của họ cho viên phi công FAC biết và viên phi công này chuyển tiếp cho các phi công tiêm kích oanh tạc. Viên phi công FAC cũng sẽ liên lạc với các chỉ huy pháo binh gần đó để nắm được đường đi của các viên đạn pháo đang bắn lúc đó để cho anh ta có thể tránh được. Một phi công FAC nói với tôi rằng cứ 20 phi công FAC thì có một bị giết chết trong năm 1966, nhưng anh ta giải thích rằng anh ta và đồng đội cảm thấy ít sợ hơn với lính trên mặt đất. Trên máy bay, anh chẳng biết lúc nào anh bị bắn cho đến khi có một viên đạn đến sát gần máy bay hoặc thực tế đã bắn trúng máy bay. Và anh ta mô tả viên đạn bay sát gần gây ra tiếng xoẹt như có ai vừa đóng nắp hộp đựng tàn thuốc ở ghế sau trên xe hơi. Bản thân các phi công máy bay tiêm kích oanh tạc không thể xác định được mục tiêu. Một phi công máy bay tiêm kích oanh tạc đóng tại Đà Nẵng nói với tôi:
- Chúng tôi thường bay nhanh 500 – 600 km/giờ nên không thể nhìn thấy gì nhiều. Tôi đã bay trên 100 phi vụ và tôi chưa bao giờ nhìn thấy một xác người hay một con người nào. Thực tế, tôi không thể nhìn thấy một cử động nào trên mặt đất. Phi công FAC mới thực giỏi. Còn chúng tôi chỉ chuyên đi ném bom mà thôi.
Vào tháng 8, Lữ đoàn 1 của sư đoàn 101 được biên chế sáu phi công FAC. Trong cuộc hành quân Malheur I và Malheur II, họ đã bay ra ngoài Đức Phổ, nhưng vì Lữ đoàn này chuyển dịch ra hướng Bắc để tiến hành hai cuộc hành quân Hood River và Benton, các phi công FAC cũng chuyển căn cứ hành quân ra Bắc Chu Lai. Trong khi Lữ đoàn tiến hành cuộc hành quân, các phi công này luôn luôn duy trì một máy bay trên vùng hành quân từ sáng tới chiều. Mỗi phi công thường bay theo kíp ba giờ bay mỗi ngày, mặc dù đôi khi do yêu cầu khẩn cấp, mỗi máy bay có thể làm theo kíp sáu giờ. Từ ngày 10 đến 21 tháng 8, hầu như ngày nào tô cũng bay với các phi công biệt phái cho Lữ Đoàn 1 này, cùng ăn ở tại căn cứ của họ.
Ngày 10 tháng 8, hôm trước ngày cuối cùng của cuộc hành quân Hood River, tôi đã bay từ sáng sớm với một phi công người Texas. Anh ta có bộ mặt nhỏ và khổ người gầy, tuổi khoảng ba mươi. Tôi sẽ gọi anh ta là đại uý Reese. Chiếc máy bay FAC tiêu chuẩn là một chiếc Cessna O-1, với hai chỗ ngồi, một phía trước và một phía sau; có một cánh quạt và bốn ống đựng rốc két phốt-pho đặt dưới cánh, mỗi bên hai chiếc. Nó có thể bay chậm với tốc độ 60-70km/giờ và có thể bay vòng cua rất hẹp mỗi khi phi công muốn nhìn kỹ một khu đất nhỏ trong một lúc khá lâu. Trước khi leo lên máy bay, đại uý Reese mang lên người chiếc áo giáp, chiếc mũ bảo hiểm, một khẩu tiểu liên và một bộ trang bị tự mưu sinh – hai trang bị sau là để sử dụng phòng khi máy bay bị bắn, buộc phải hạ cánh khẩn cấp và phải sống trong rừng. Trên đường bay, nơi các máy bay đỗ giữa các tấm sắt bảo vệ chống các mảnh văng của đạn cối hoặc rốc két, có ba thợ cơ khí không mặc áo đang ngồi chơi, chờ đợi tiếp dầu hay sửa chữa động cơ cho máy O-1. Trái với nội quy, đôi khi các phi công để cho thợ cơ khí leo cả vào ghế phi công và lái máy bay lăn trên một đoạn đường nhựa dài gần năm mươi mét giữa trạm xăng và các bức tường bảo vệ.
Ngay trước khi máy bay của chúng tôi đi ra đường băng, một trong những thợ cơ khí đang kéo các chốt bảo hiểm ra khỏi các ống đựng rốc két ở hai bên cánh lên tiếng hỏi đại uý Reese:
- Ông có oanh kích mục tiêu nào hôm nay không, thưa ông đại uý?
- Tôi không biết. – Đại uý Reese trả lời.
Thợ cơ khí thường hỏi các phi công về các phi vụ của họ nhưng ít khi nhận được câu trả lời cụ thể. Trong gần suốt ngày, thợ cơ khí ngồi trên các hộp gỗ xung quanh chiếc tủ lạnh giải khát trên có một miếng vải bạt làm mái che. Họ đọc đi đọc lại các số báo cũ của tờ Stars anh Stripes, lật đi lật lại dễ đến hàng trăm lần các tờ tạp chí Sir! Và Escapade đã bị dấu tay dầu mỡ bôi lem. Cách nơi có bóng râm bé xíu mà họ đang ngồi là một khoảng sân nhựa rộng, nóng nực, với những tấm tôn lượn sóng, lấp lánh dưới nắng và các máy bay. Một phần công việc của họ là lắp ráp các quả rốc két phốt-pho và gắn chúng dưới cánh của máy bay FAC. Các quả rốc két dài gần một mét, gồm có ba đoạn mà thợ cơ khí phải vít vào với nhau.
Có lần tôi hỏi một thợ cơ khí vừa bỏ xuống sân nhựa một thùng bốn quả rốc két rằng nếu tung rốc két lên trời và cho rơi xuống đường băng thì nó có thể nổ không. Anh ta nhặt một đoạn của quả rốc két có giá trị chữ “Đầu đạn”, đưa nó lên cao khoảng 1,5 mét và nói:
- Nó sẽ nổ nếu tôi thả cho rơi từ đây. Nếu rơi vào anh, nó sẽ thiêu cháy anh liền mấy ngày và ngọn lửa không thể nào dập tắt được. Để dập lửa, anh phải dùng một loại hoá chất đặc biệt chúng tôi để trong lán đằng kia.
Thợ cơ khí không biết gì về các cuộc hành quân mà máy bay phải yểm trợ mãi cho đến bốn năm ngày sau, khi “Bản tin” của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đến tay họ và họ có thể đọc các mẩu tin như “Các đơn vị Bộ binh đã tiến hành một cuộc tấn công ba mũi và trận đánh diệt được bốn mươi tư địch, nâng tổng số xác đếm được lên sáu mươi lăm trong hoạt động ở vùng phía Bắc Đức Phổ”, hay “Lính bộ binh không vận đã phát hiện hai quả mìn Trung Quốc khi sục tìm quân địch trong rừng rậm ở Tây thị xã Quảng ngãi, một người bị trúng đạn sau lưng đã bị bắt và đã được trao cho các nhà chức trách. Lính dù thu được ba vũ khí của dịch và một tấn rưỡi gạo”.
Thỉnh thoảng, một anh thợ cơ khí nào đó có thể nghe phi công FAC kể lại ít nhiều mẩu tin về hoạt động đang xảy ra nhưng thông thường, thợ cơ khí chỉ bơm xăng vào máy bay, nhìn xem chúng cất cánh rồi biến mất trên bầu trời, đọc lại các tờ báo cũ và lắng tai nghe tiếng bom rền cả ngày bên kia rặng núi.
Khi đại uý Reese và tôi thắt các dây bảo hiểm vào ghế, một thợ trẻ vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi vào một đường băng phụ. Đại uý Reese phải chờ một máy bay tiêm kích-oanh tạc F-4 cất cánh trước chúng tôi. Chiếc F-4 loang lổ màu sơn nguỵ trang xanh và nâu, thân hình nặng nề như con cá mập, đôi cánh ngắn củn, các cánh đuôi chếch xuôi nghiêng và chiếc mũi đen chúi xuống vừa cất cánh khỏi đường băng vượt qua trước mũi máy bay chúng tôi. Trong máy giây, tiếng gầm rú của động cơ làm váng cả đầu và đánh bạt hết mọi suy nghĩ. Trong khoảng mười lăm giây, ánh lửa xanh có ngọn màu da cam dần dần tan biến khi máy bay kéo lên một góc gần như thẳng đứng.
Đại uý Reese cho máy bay đi vào đường băng và chiếc máy bay nhỏ bé của chúng tôi cất cánh khỏi mặt sân sải nhựa sau khi chỉ chạy hơn 90 mét trên đường băng dài hơn ba cây số, vươn dài quá tầm mắt của chúng tôi nhưng một đường cao tốc trên sa mạc. Ngay khi máy bay rời khỏi mặt đất, viên đại uý quay máy bay về hướng Tây Nam rồi bay vọt lên đến hơn bốn trăm năm mươi mét. Theo quy định, các phi công FAC không được phép bay dưới độ cao này, nhưng họ hầu hết thường phá bỏ quy định và đôi khi họ còn bay thấp xuống tận ba mươi mét. (“Ngay khi được nghe quy định này, tôi biết đó là một trong những quy định làm ra để chẳng có ai chấp hành”, một phi công FAC nói với tôi như thế. “Không ai nhìn thấy được người dưới đất khi bay cao ba trăm mét. Không thể thấy gì hết rừ khi anh bay thấp hơn”). Đại uý Reese cho chiếc máy bay O-1 bay trên các đồng lúa bỏ hoang màu nâu và các làng bị thiêu rụi chỉ còn tro màu đen trong vùng Tây của huyện Sơn Tịnh. Bầu trời phủ đầy mây xám, nặng nề, u ám.
Lấy bộ tai nghe và một micro gắn cho người ngồi ghế sau sử dụng, tôi choàng lên đầu và hỏi đại uý Reese xem phi công thường phải tìm loại mục tiêu nào phổ biến nhất và mục tiêu của phi vụ này là gì.
Nói qua chiếc micro nhỏ bằng hạt đậu nằm ở cuối vòng sắt ôm lấy chiếc mũ bảo hiểm sát đến tận miệng, đại uý Reese trả lời:
- Ồ, thông thường chúng tôi đánh một căn cứ Việt Cộng, đốt trụi một làng hoặc đánh vào một kho hậu cần. Hôm nay, chúng tôi sẽ đánh vào một địa điểm được nghi là nơi tập trung địch tại toạ độ 324 733. (Tất cả các chữ số toạ độ trong thiên phóng sự này đều đã thay đổi).
Tôi hỏi việc ném bom mục tiêu này đã được quyết định ra sao.
- Tôi không biết. Có một nhân viên chỉ điểm nào đó báo tin này hoặc dựa theo một nguồn nào đó, tôi đoán thế. – Anh ta nói.
Chúng tôi vượt qua một rặng đồi nhỏ rồi bay ra thung lũng sông Trà khúc. Các ruộng lúa có màu xanh nhạt, các khu rừng trên các sườn núi có màu xanh đậm dưới bầu trời đang tối dần vì sắp mưa. Về phía Tây mấy dặm, thung lũng biến dần vào trong núi. Từ những đám mây đen, những màn mưa bắt đầu rơi xuống mặt đất, có nhiều màn mưa khác cũng đang trút xuống biển Đông. Không khí dưới các đám mây trong suốt một các lại thường, chúng tôi có thể thấy rõ những đỉnh núi màu xanh lơ rất xa về phía Tây sau những dày núi nhỏ ở gần hơn. Đường phân cách biển và trời bị xoá nhoà trong một màu xám đồng nhất và một hòn đảo lớn màu xanh hiện ra rất rõ cách bờ hai mươi cây số hoặc hơn như đang trôi trên bầu trời. Những đỉnh núi thấp ở phía Bắc và Nam của thung lũng đã bị trọc hết cây và đen kịt. Đại uý Reese giải thích rằng máy bay Mỹ thường ném bom và nã súng dự dội vào các đỉnh núi và thường gây cháy rừng để tiêu diệt bất cứ ai còn ở đó trước khi cho quân đổ bộ xuống. Trong thung lũng, các hố bom đủ mọi kích cỡ chen chúc nhau trên các ruộng lúa. Từ dưới thung lũng, năm sáu cột khỏi thẳng đứng đang bay lên. Quân Mỹ đang đốt những túp nhà lá.
- Đây là một căn cứ vững chắc của Việt Cộng.
Đại uý Resse nói với tôi. Anh ta bay vòng xuống thấp hơn để nhìn cho rõ. Trong khu vực này của thung lũng, nhiều cụm nhà dựng rải rác cách xa nhau dưới rặng cây dọc một con suối nhỏ. Binh lính lội qua ruộng lúa, đi vào một cái sân có ba ngôi nhà bao quanh. Một phút sau, binh lính lại xuất hiện trên đám ruộng phía bên kia sâu, một ngọn lửa bắt đầu lan rộng từ mái một ngôi nhà dang các nhà bên và chẳng mấy chốc, cả ba ngôi nhà đều đổ sụp trong đống lửa bốc cháy dữ dội. Đại uý Reese đưa máy bay lên độ cao 450 mét như cũ và lại hướng về phía Tây Nam, đến vùng mục tiêu của anh ta. Từ trên cao nhìn xuống mặt đất, chúng tôi thấy rải rác đó đây các ô vuông xám, dấu vết con lại của các ngôi làng mới bị đốt. Đại uý Reese, dựa theo các toạ độ đã xác định, đã tìm thấy ô vuông rộng mỗi chiều 100 mét bao gồm một rừng cây và một khe suối nằm ở lưng chừng một ngọn núi cao khoảng 900 mét. Phía bên kia của khe núi là các dãy nương trồng cây lương thực trải dài trên dốc núi.
- Họ muốn chúng ta đánh bom vào khe núi. – Đại uý Reese nói. – Đó là mục tiêu.
Đến 8 giờ 45 phút, chỉ huy trưởng tốp ba máy bay F-4 điện đàm cho biết họ đã bay trên vùng mục tiêu.
- Hãy cho tôi biết anh có những loại bom gì và cả các thức gác nữa, đại loại như vậy. – Viên đại uý hỏi.
- Chúng tôi có sáu quả na-pan, sau quả bom 750 pound và sáu quả 250 pound*. Có thể sử dụng được không? – Viên chỉ huy trưởng đáp và hỏi lại.
* Đơn vị đo lường của Anh, Mỹ 1 pound = 0454 kg. Ở đây chỉ loại bom 340 kg và 113 kg.
- Chúng ta có thể dùng tất cả. Tôi sẽ đánh dấu mục tiêu cho anh. – Viên đại uý trả lời.
Trong suốt cuộc oanh tạc, các phi công trao đổi với nhau một cách thoải mái, vui vẻ và với một giộng ngang bè bè, khi đi qua các bộ tai nghe cài trên đầu thì chuyển thành giọng mũi nghe nghèn nghẹt.
Đại uý Reese phát hiện ba chiếc F-4 qua chiếc vòm trong suốt của khoang lái khi chúng bay cắt ngang qua dưới các đám mây ở trên đầu chúng tôi. Lái chiếc máy bay trên mục tiêu, Reese nhào thẳng xuống và kéo cần để phóng ra một quả rốc két phốt-pho lắp trong chiếc ống nằm dưới cánh. Quả rốc két không phát cháy. “Đồ khỉ gió! Hôm nay nó tịt ngòi”, anh ta nói. Viên phi công lại bay vòng lại, lại nhào thẳng xuống lần nữa và lại kéo cần để phóng tiếp một quả rốc két lần thứ hai, quả này cũng không nổ. Trong lần lượn vòng tiếp sau đó, anh ta ném một quả lựu đạn khói qua cửa sổ và nó cũng không nổ. Reese lại ném thêm ba quả lựu đạn nữa trong các vòng bay sau và tất cả lại cũng tịt ngòi. Quả thứ năm phát ra một tia khói kéo dài từ máy bay xuống đỉnh núi rồi ngay một tia khói kéo dài từ máy bay xuống đỉnh núi rồi ngay sau đó, một vòm khói trắng xuất hiện trên các lùm cây.
- Tôi muốn đánh ngay và thung lũng này. Anh có thể bay vào từ hướng Đông và bay ra hướng Tây.
Đại uý Reese nói với chỉ huy trưởng phi vụ, rồi bắt đầu bay một vòng tròn cua gấp cách mục tiêu chỉ vài trăm mét. Khi chiếc O-1 kết thúc bay vòng tròn thứ hai, viên đại uý nhìn theo chiếc F-4 đi đầu đang bổ nhào xuống khe núi. Những trái bom lao chéo xuống đất và rơi vào khu rừng. Một làn sóng chấn động mạnh từ nơi chạm nổ lan nhanh ra xung quanh và một đám khói nâu vọt lên hàng trăm mét trên khu rừng. Chiếc F-4 kéo cần bay một vòng cua gấp để lộ cho chúng tôi thấy bụng nó đầy những bom gắn dưới hai chiếc cánh ngắn củn.
- Trúng rồi! – Viên đại uý reo lên. – Đúng là khu đó! Lần sau cố gắng đánh dịch xuống năm mươi mét về phía Nam, ở dưới thung lũng.
Chiếc máy bay tiếp theo nhào xuống thả bom từ một góc tương tự.
- Tốt lắm! – Viên đại uý nói.
Chiếc máy bay thứ ba liên tiếp phóng xuống hai ống màu trắng bạc đựng na-pan, và na-pan cũng rơi vào rừng cây. Một cột khói đen với một cột lửa dày đặc màu da cam nóng bỏng phun trùm lên rừng cây rồi bắn tung toé một thứ chất lỏng sền sệt gây cháy lan ra khắp rừng. Hai quả tiếp cũng là bom na-pan và chúng rơi vào sườn đồi. Sau lần thả bom na-pan thứ ba, viên chỉ huy trưởng hỏi:
- Anh có muốn thả nhiều xuống khe núi không?
- Có chứ, cứ ném thẳng xuống khe núi!
Ba lần bay vòng tiếp theo đã trút bom xuống khe núi, khói nâu bay lên mù mịt. Đến đây, cuộc oanh kích kết thúc và viên đại uý bay trở lại trên vùng mục tiêu. Nhiều hố rộng màu nâu hiện ra với cây cối gãy nát nằm la liệt khắp rừng. Những giọt na-pan vẫn còn đốt cháy từng vạt trên mặt đất và các cành cây. Ở đáy khe núi, hai quả bom rơi thẳng xuống một con suối. Phía trên những lùm cây, một đàn chim bay sát cánh vào nhau đang hoảng hốt lượn vòng quanh. Một quả bom đã rơi xuống phần nương rẫy bên khe núi.
- Tôi chẳng thấy gì cả. – Viên đại uý nói với tôi, giọng mệt mỏi. Sau đó, anh ta báo cáo với viên chỉ huy phi đội:
- 100% bom đã rơi trúng vùng mục tiêu, 50% diện tích mục tiêu bị trúng bom. Xin cảm ơn ông. Tôi chưa quan sát trước khu vực này và hình như kết quả chưa được tốt lắm.
- Không hề gì. – Chỉ huy trưởng phi đội nói.
Trong suốt cuộc oanh tạc này, cũng như trong hầu hết các cuộc oanh tạc mà tôi đi theo, viên phi công FAC và viên chỉ huy trưởng phi đội luôn trao đổi với nhau một cách nhã nhặn, hầu như rất khiêm tốn.
Tôi hỏi viên đại uý ai đã trồng trọt các nương rẫy này.
- Đó là kiểu canh tác của người Thượng. Anh sẽ phải ngạc nhiên khi thấy những nơi họ làm nương rẫy. – Anh ta trả lời.
Đại uý Reese lái máy bay trở về theo hướng Đông trên thung lũng sông Trà khúc. Dãy nhà bốc khói dọc theo con sông lúc này đã dài khoảng một cây số rồi ngoặt xa con sông để đi vào cánh đồng, nơi có hai ngôi nhà đang bốc cháy, đánh dấu nơi các đơn vị bộ binh tiền tiêu đã đến. Viên đại uý thất không cần thiết nói chuyện với viên chỉ huy phi đội nữa nên quay sang lắng nghe các mẩu chuyện đang trao đổi trên mặt đất. Thông tin vô tuyết điện giữa các đơn vị mặt đất đập vào tai chúng tôi giữa những tiếng nổ loạt xoẹt của sống nhiễu trong khí quyển.
“Chúng tôi bắt được một Việt Cộng, nhưng chúng tôi chưa lấy cung”, có tiếng ai nói.
“Hắn có mang vũ khí không?”, có tiếng hỏi.
“Hắn mặc quần áo bà ba đen, kiểu ống ngắn, nhưng không có vũ khí”, người thứ nhất trả lời. “Có khả năng hắn đang giấu ở đâu đó. Chúng tôi bắt được hắn cách nơi chúng ta ở đêm qua bốn trăm mét về phía Nam.”
Viên đại uý nói với tôi:
- Ngày hôm nay, có năm Việt Cộng chạy vào một cái hầm rồi bắn trả chúng tôi và cả nhóm đã bị diệt. Tất cả các làng chung quanh đều có hố cá nhân và công sự ngầm. Nơi này hoàn toàn thân Việt Cộng hoặc do Việt Cộng kiểm soát.
Nhìn xuống dưới máy bay, các làn khói từ các ngôi nhà đang cháy ở trong thung lũng đã trộn lẫn với nhau làm thành một màn mây mù mỏng trôi dần về phía Đông.
Tôi tranh thủ thời gian tạm ngừng nói chuyện để hỏi về chủ trương ném bom, nghĩa là chủ trương ném bom các làng xã mà anh ta, với tư cách là một phi công FAC, đã giúp tiến hành.
- Chúng tôi có hai loại oanh kích: oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước và oanh kích ngay lập tức. – Anh ta trả lời. – Oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước là khi chúng tôi nói với dân: “Được rồi, các người đã tỏ ra không tốt với chúng tôi đã hai, ba tháng nay rồi và chúng tôi không thể đợi cho đến khi các người trở thành người tốt được, nên chúng tôi phải quét sạch các người đi. Chúng tôi ra thời hạn cho các người phải ra khỏi vùng này trong vòng 24 tiếng đồng hồ”. Thông thường chúng tôi cho họ 24 giờ. Đó là oanh kích theo kế hoạch chuẩn bị trước. Còn lại oanh kích ngay lập tức nữa. Này nhé, khi có một đơn vị Lục quân ở gần làng và họ bị súng trong làng bắn, họ sẽ nói: “Được rồi, dân chúng các người phải ngừng tiếng súng ngay nếu không chúng tôi sẽ đánh các người ngay bây giờ”. Tất nhiên đó là trường hợp mà hầu hết mọi người trong làng đều ủng hộ Việt Cộng. Dân làng không cần được thông báo sẽ có oanh kích khi chúng tôi đang bay làm nhiệm vụ hợp đồng tác chiến trong trong cuộc hành quân như chúng ta đang làm bây giờ.
Trong khi đang nói chuyện, chúng tôi đã bay đến cửa ngõ thung lũng, nơi con sông chảy ra cánh đồng dọc bờ biển. Tại đây, khói cũng đang bay lên dọc theo một con đường và nhiều nhà đang bốc cháy. Những dòng khói đang lan ra hướng Tây, về phía Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 101 khi họ đang di chuyển về phía Đông, đi đến đâu họ đốt nhà đến đó.
- Bọn đang đốt các túp lều dưới kia là Lực lượng phòng vệ Dân sự. – Đại uý Reese nói. – Họ là người Thượng do Lực lượng Đặc biệt Mỹ đào tạo.
Một con đường cái duy nhất chạy dọc theo chiều dài thung lũng, uốn lượn theo dòng sông. Giữa các làng đang bị Lực lượng Phòng vệ Dân sự đốt và các làng bị Lữ đoàn 1 đốt, con đường ken đặc gia súc và người dân đang gánh đồ đạc trên vai. Gần con đường, một trại lực lượng Đặc biệt Mỹ cắm trên đỉnh trọc một quả đồi tròn, quả đồi duy nhất trong lòng thung lũng, nhìn xuống một ngôi làng lớn nhà cửa chen nhau trong một khoảng đất vuông có công sự bao quanh. Viên đại uý nói đó có thể là một ấp “tân sinh” và vì vậy không bị thiêu huỷ.
Khi chúng tôi lại quay về hướng Tây, tôi hỏi anh ta về các nhiệm vụ không thám và làm thế nào mà anh ta phân biệt được đâu là các lán và lối mòn của địch sử dụng và đâu là các ngôi nhà và đường đi của dân chúng.
- Phải tìm cho thấy những sự thay đổi, một cái gì khác biệt. – Anh ta nói. – Thông thường, chúng ta bay cao gần 500 mét để tìm các lối mòn, những dãy cây và những lều lán. Hình như một sự thật hiển nhiên là mọi vật nằm ở chỗ trống là thân thiện, do vậy những gì anh thấy ẩn nấp dưới rặng cây thì có thể nghi ngờ là không thân thiện bởi vì có thể đó là Việt Cộng. Chúng tôi báo cáo mục tiêu khi thấy các ngôi nhà tranh nằm ẩn dưới các hàng cây.
Tôi chỉ ra rằng, trừ trường hợp ở các ấp “tân sinh”, còn hầu hết các nhà dân đều thường xây dựng dưới bóng những rặng cây.
- Đúng, dân chúng xây nhà dưới rặng cây. Nhưng ở vùng quê này, khi ta thấy có một ngôi nhà không có ruộng rẫy chung quanh thì có thể đó là nhà của Việt Cộng. Cũng có thể đó là một kho gạo.
Tôi hỏi ai sống trên núi.
- Là người Thượng nhưng cũng có nhiều người Kinh. Hầu hết dân chúng đã bị đưa ra khỏi núi, do đó chẳng ai còn có việc gì ở đấy nữa, trừ Việt Cộng. Ngay cả người Thượng cũng hợp tác với Việt Cộng, chúng tôi cũng sục tìm các lối mòn lên tận trên các ngọn núi.
Tôi đã thấy nhiều ngọn đồi trở thành nương rẫy và hầu hết đều nhằng nhịt lối mòn, vì vậy tôi hỏi viên đại uý những lối mòn này.
- Tôi phải nhìn thật kỹ các lối mòn này. – Viên đại uý trả lời. – Nếu có người đi qua đám nương nào thì cỏ bị rạp xuống.
Tôi hỏi liệu có thể từ trên máy bay thấy được cỏ vừa mới rạp xuống không.
- Ồ! Có chứ, có thể khẳng định như vậy. – Anh ta nói.
Trung tâm Không yểm Trực tiếp gọi để báo có tốp hai máy bay không sử dụng hết bom trong trận oanh kích trước và hiện đang tìm một mục tiêu để sử dụng hết số bom còn lại, do đó Trung tâm Không yểm Trực tiếp gợi ý đại uý Reese tìm mục tiêu thứ hai.
Để đến mục tiêu thứ hai này, chúng tôi bay về hướng Nam và bay qua một dãy núi cao khoảng hơn 300 mét rồi đến một thung lũng nhỏ từ lâu không người trồng trọt, nơi đây các thửa ruộng bậc thang đã thành hoang dại, những nền nhà thì cỏ cây đã mọc lấp đi một nửa. Khắp cả thung lũng những hố bom B.52 chằng chịt làm thành bốn đường thẳng, mỗi đường dài gần hai cây số. Một dãy hố bom của một trận oanh kích bắt đầu từ đường sống núi trên phía Bắc của thung lũng rồi chạy qua các nương rẫy và một con suối, đi thẳng về phía Nam ngọn đồi và mất hút dần. Các toạ độ biểu thị một ở vuông mỗi chiều một trăm mét trong dải rừng ở phía Nam ngọn đồi.
- Chúng tôi sắp đánh vào nơi quân ta đã sục vào cách đây một tuần. – Đại uý Reese nói. – Họ đã phát hiện vài ngôi nhà và đã đốt sạch. Và sáng hôm qua, một phi công FAC phát hiện thấy có ít khói bốc lên ở đây nữa, do đó chúng tôi sẽ phải oanh tạc.
Rồi nhìn vào bảng điều khiển, anh ta kêu lên:
- Chết thật, tôi quên kéo chốt an toàn của quả rốc két! Đó là lý do tại sao chúng không nổ. – Dừng một lát, anh ta tiếp tục. – Anh có thể thấy là trước đây, họ đã đánh mục tiêu này rồi.
Reese muốn nói đến chục hố bom và những vệt nâu đen do bom na-pan tung toé làm rừng cây ở trong khu vực mục tiêu cháy lỗ chỗ. Anh ta giải thích:
- Đó là một căn cứ Việt Cộng. Mục tiêu này đã có đánh số rồi. Tất cả các vùng căn cứ V. C đều có mang số cả.
Các máy bay F-4 dành cho cuộc oanh tạc lần thứ hai đã bay trên thung lũng và điện đàm rằng, gộp tất cả lại, họ đang mang theo sáu quả 500 pound (220 kg) và bốn ống rốc két, mỗi ống 19 quả. Đại uý Reese cho chiếc máy bay O-1 nhào xuống và một tiếng nổ kim khí rất đanh khi quả rốc két phốt-pho phóng ra từ cánh phải máy bay của chúng tôi. Tiếp đó, xuất hiện một cột khối trắng bay lên từ khu rừng. Viên đại uý chỉ dẫn cho chỉ huy trưởng phi đội F-4 phải ném bom phía Tây cột khói 40 mét. Hai quả bom ném xuống trong vòng bay đầu tiên đã đánh vào phía Đông cột khói 100 mét. Các quả bom ném xuống trong vòng bay thứ hai đã rơi vào phái Đông cách 50 mét và trong vòng bay thứ ba và lần cuối, các quả bom đã rơi vào trong vòng 30 mét cách cột khói trắng. Cuộc oanh tạc tiếp tục với bốn đợt rốc két, mỗi đợt rải ra trên một chiều dài từ sáu mươi đến bảy mươi mét rừng, bốc lên các cuộc khói nâu. Các rốc két đều trúng mục tiêu hoặc trong vòng ba mươi mét.
Sau đó, đại uý Reese lái máy bay O-1 lao xuống và bay lượn vòng trên các hố bom để quan sát thiệt hại. Bên cạnh một hố bom trong rừng cây, anh ta thấy một đống đổ nát mà anh ta là tàn tích của một chiếc lán và trong Bản báo cáo đánh giá thiệt hại ném bom, anh ta ghi là một “Cấu trúc Quân sự bị phá huỷ”. Đến 11 giờ, anh ta bay trở về Chu Lai.
Căn cứ Chu Lai đã mở rộng rất nhiều kể từ ngày thành lập năm 1965, đến tháng 8 năm 1967, chiều dài của nó lên đến khoảng mười sáu cây số và chiều rộng tám cây số, chiếm một trong những dải bãi biển có thể xếp vào loại đẹp nhất thế giới. Một bãi biển rộng cát trắng tinh chạy theo chiều dài căn cứ có hình hơi cong lưỡi liềm và nước biển Đông trong suốt một màu xanh lơ, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Trên nhiều đoạn bờ biển, những đợt sóng ấm áp đều đặn cuộn lăn tăn vào bò qua các dải cát; một ngọn núi nằm xa ngoài biển khơi. Vùng đất bị chiếm làm căn cứ trước kia rất đông dân cư. Một mũi đất đồi dôi ra biển dài gần năm cây số tạo thành chỏm phía Bắc của căn cứ trước kia vốn là một vùng chen chúc nhiều làng chài. Khi tiến hành mở rộng căn cứ, nhiều truyền đơn đã thả xuống các làng, loan báo các làng sẽ bị phá bỏ để lấy chỗ xây dựng căn cứ. (Các tập hồ sơ của Lính thuỷ đánh bộ và Lực lượng Đặc nhiệm Oregon có lưu các loại truyền đơn này). Dân chúng phải di dời, các làng bị san ủi sạch và người Mỹ xây dựng căn cứ trên dải đất đã biến thành trơ trụi này.
Sau khi hạ cánh, đại uý Reese lái ngay xe Jeep đi về Sở chỉ huy. Chuyến đi dài 20 phút từ sân đỗ của máy bay FAC đến Sở chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Oregon qua những khu đất đầy cát bụi dài nhiều cây số đã được san ủi, đó đây lác đác những nhà chứa hàng, kho đạn và trạm sửa chữa, rồi sau đó chạy dọc theo bờ biển khoảng gần hai cây số. Trời vẫn còn u ám, đầy mây và bờ biển không có bóng người. Những vỏ lon bia vứt vương vãi trên bãi cát xung quanh các mái nhà bạt đơn sơ chống đỡ bằng các khung sắt, cũng là mái che chỗ ăn tối ngoài trời. (Khi mặt trời lặn, trên mặt sóng biển thường thấy các đầu người nhô lên và nhiều người lướt sóng trên các đệm hơi, trên bờ biển vẫn còn nhiều người lính nước da rám nắng mặc quần soóc tắm). Vượt qua bãi biển, con đường tiếp tục leo lên một ngọn đồi đến mũi đất nhô ra biển lởm chởm đá ở chót phía Bắc của căn cứ. Lên đến đỉnh mũi đất, đại uý Reese cho xe vòng qua phải và lái vào khu nhà chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon. Ở giữa một sân duyệt binh đầy đất bụi với xung quanh là các trại lính thấp mái tôn, phất phơ hai lá cơ Mỹ và Nam Việt Nam (cờ ba sọc đỏ ngang trên nền vàng) treo cùng một độ cao chính xác ngang nhau trên hai cột cờ đứng kề nhau. Hai miếu nhỏ thờ Phật cao khoảng ba mét tường sơn rực rỡ có trang trí chữ Hán cũng còn trên sân duyệt binh. Đó là vết tích duy nhất còn lại của các làng Việt Nam đã từng một thời tồn tại nơi đây.
Đại uý Reese ăn bữa trưa nhẹ rồi đi về trại làm một giấc ngủ dài. Vào bất cứ giờ nào trong ngày sau mười một giờ trưa, chúng ta cũng thấy hai hay ba trong số sáu phi công nằm dang rộng tay chân trên giường, đang ngủ bên làn gió mát nhẹ của chiết quạt điện. Các phi công thay phiên nhau tục trực tại phòng kiểm soát trung tâm, ở trong một trại lính rên sân duyệt binh. Phòng kiểm soát này giữ liên lạc thường xuyên với Trung tâm Không yểm Trực tiếp và các phi công FAC đang bay trên trời. Mặc dù các phi công này không bao giờ bay sau khi trời tối, nhưng một trong số bọn họ vẫn phải trực ở phòng kiểm soát này để giúp giám sát các cuộc ném bom tiến hành ban đêm và giúp hiệp đồng các chuyến bay đêm của máy bay AC-47 (vốn là máy bay DC-3 chuyển thành máy bay quân sự với tên gọi là Spooky) làm nhiệm vụ chi viện hoả lực cho bộ binh trên mặt đất. Vào những đêm chiến sự trên mặt đất đặc biệt căng thẳng, một phi công phải trực suốt đêm rồi ngủ bù cả ngày hôm sau.
Trừ khi các phi công FAC đang bay phi vụ, còn thì sinh hoạt của họ hoàn toàn khép kín trong căn cứ. Rất có thể một phi công làm nhiệm vụ này tròn một năm mà chưa hề nói chuyện với một người Việt Nam nào hoặc chưa hề đặt chân lên một làng hoặc một thành phố nào ngoài Sài Gòn. Ngoại trừ các chuyến đi nghỉ ngơi và dưỡng sức ở các thành phố nước ngoài và các chuyến đi trên các máy bay FAC đến căn cứ Đà Nẵng để mua bia và nước giải khát, thường gọi là “chạy sục mua xô-đa”, cuộc đời của các phi công chỉ xoay quanh các phi vụ, trại lính, phòng kiểm soát trung tâm, nhà ăn, quán bả và nhà hát trong các câu lạc bộ sĩ quan.
Doanh trại phi công FAC là một trong nhiều dãy nhà mái tôn với các tường bao, có lưới chống muỗi ở nửa phía trên. Các trại lính được chia thành ba gian, mỗi gian bốn giường và các giường được ngăn cách bằng các tủ đứng cao, bằng kim loại để đựng quần áo. Nhiều phi công đã trang trí tường bằng những hình ảnh cắt từ tạp chí Playboy ra hàng tháng. Trên tường cạnh giường một viên thiếu tá, có bức hình to của Hoa hậu tháng 5/1967 đang đứng trên boong tàu dưới nắng, mặc chiếc áo sơ mi hồng không cài khuy lấn át cả hơn mươi chiếc hình nhỏ của vợ viên thiếu tá, trong đó có một hình chụp bà mặc bộ đồ tắm, hai tay chống nạnh, đứng trên bờ biển và hình đứa con trai tám tuổi đang đứng bên bờ hồ, tay cầm một con cá nhỏ đưa lên trước ống kính. Trên bàn của viên thiếu tá là một bình thuốc diệt côn trùng, một tập san Reader’s Digest tóm tắt các cuốn sách, một lon Pepsi-Cola, một quả bóng ten-nít, mươi viên đạn và miếng gỗ chạm một nắm tay to bằng thật, với ngón tay giữa trỏ lên. Người Việt Nam không có cử chỉ trỏ ngón giữa lên và loại điêu khắc này được làm ra chủ yếu dành cho lính Mỹ đi tìm kiếm mua vật kỷ niệm ở Việt Nam.
Đôi khi, các phi công trẻ chơi trò phóng phi tiêu lên một tấm bảng treo trên cửa và bọn họ cũng chơi cờ Monopoly*. Một chiếc tủ lạnh chứa đầy bia và nước giải khát. Vì trời nóng, hầu hết phi công uống ít nhất hai lon bia hoặc nước giải khát mỗi ngày. Mỗi người phải tự giác bỏ mười lăm xu vào một chiếc hộp làm quỹ công cộng đặt phía sau tủ lạnh mỗi khi uống xông. Nhưng có ai đó hình như không thật tin vào chế độ tự giác, nên đã tìm cách chỉnh sửa lại một phần cách thức này bằng cách dán trước tủ lạnh một tờ giấy có đầy đủ tên mọi người và những ai uống phải tự đánh dấu số lần uống và ghi số tiền anh ta đã bỏ vào thùng.
* Monopoly: Một loại cờ của Mỹ chơi trò mua bán đường phố, nhà ở, khách sạn. (Chú thích của người dịch)
Ở phòng điều khiển trung tâm và ở những nơi khác có phi công tụ tập, luôn luôn có một không khí hài hước nhẹ nhàng và thân thiện. Một người đang đứng chơi quanh đấy nói đùa với một người khác một cách uể oải: “Quả là đẹp, một cuộc chiến tranh đẹp!”. Người thứ hai nói: “Đây là cuộc chiến tranh duy nhất bây giờ chúng ta mới gặp phải”. Bỗng một phi công FAC bước vào phòng đang có nhiều phi công đồng nghiệp và nói: “Đây là các phi công FAC cần cù chăm chỉ của chúng ta”. Anh ta nói với cái giọng không có ý muốn nói là có ai trong số này làm việc cần cù chăm chỉ mà cũng chẳng có ý muốn nói không có ai là không cần cù chăm chỉ.
Theo cung cách này, có thể nói các phi công FAC ít khi nói chuyện trực tiếp về chiến tranh nhưng cũng chẳng bao giờ không nghĩ đến chủ đề này. Tôi nghĩ kiểu cách thoải mái trong những câu chuyện hài hước phản ảnh đúng việc họ lựa chọn biểu tượng của phi đoàn là con chó Snoopy trong truyện tranh hài hước của hoạ sĩ Charles Schulz mô tả một con chó luôn mơ tưởng mình là phi công anh hùng nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất. Phía ngoài cửa của phòng điều khiển trung tâm, hình ảnh phác hoạ con chó Snoopy mang đôi kính to bự và chiếc khăn quàng kéo dài lê thê đang lái bổ nhào chiếc máy bay vận tải hai tầng cách thời Thế chiến thứ nhất. Bức tranh hoạt hình vẽ các quả bom nổ tung ở phía dưới máy bay. (Trên bức tường của phòng điều khiển trung tâm Đức Phổ có một bức tranh to vẽ con chó Snoopy kèm theo ô ghi lời con chó nói: “Đồ Việt Cộng chết tiệt!”. Bản tin của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon số nào cũng đăng một đoạn truyện tranh về con chó Snoopy và các phi công của Phi đoàn 20 Không trợ Chiến thuật tại Đà Nẵng thường dùng loại danh thiếp vẽ hình con chó Snoopy trên chiếc máy bay hai tầng cảnh đang bắn súng máy. Trên tường của văn phòng phi đoàn là bức tranh màu cỡ lớn vẽ một lính Mỹ đang buồn rầu bước đi trong một trại tù binh. Phía dưới bức tranh có ghi lời thề của phi công Mỹ không khai báo cho địch những thông tin mà luật quốc tế không đòi hỏi phải khai. Các phi công thường xuyên bay trên bầu trời Bắc Việt Nam đã lấy bút chì vẽ thêm bộ râu và ria mép lên bộ mặt nghiêm nghị ngoan đạo của anh tù binh Mỹ bị bắt.)
Tại câu lạc bộ sĩ quan Chu Lai dành cho Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, giá hàng giải khát là hai mươi xu mỗi cốc và các phi công thường uống ba, bốn cốc mỗi buổi tối trước khi ăn. Một phi công nhận xét: “Với giá cả rẻ như vậy anh không thể không uống”. Vào tối ngày 10 tháng 8, các phi công FAC lái xe đến nhà ăn của Lính thuỷ đánh bộ, nhà ăn được ưa chuộng nhất trong số nhà ăn tại căn cứ. Tại đây có phục vụ thịt dăm-bông, sườn, đùi heo, thịt gà. Tất cả đều được nấu đúng cách bảo đảm ngon miệng nhất như bữa ăn phụ vụ tài xế xe tải trên xa lộ tại Mỹ và anh ăn tuỳ ý thích bao nhiêu cũng được. Một số sĩ quan Đại Hàn ngồi túm tụm với nhau quanh mấy bàn ăn. Phần đông số này đều thích đi nghỉ ngơi dưỡng sức tại một căn cứ Mỹ như ở Chu Lai, nơi họ được phép ăn trong các nhà ăn sĩ quan Mỹ, mua sắm hàng hoá trong các căng-tin của quân đội Mỹ và bơi trên bãi biển an toàn của căn cứ.
Câu chuyện trong bữa ăn thường xoay quanh các vấn đề đời sống phi công. Thường thường, các phi công trao đổi với nhau về những chuyện xảy ra trong ngày, đôi khi chê bai hoặc khen ngợi mức độ chuẩn xác của một số phi vụ máy bay ném bom. Họ bám khá sát các vấn đề hàng ngày và các vấn đề kỹ thuật của các phi vụ ném bom, ví dụ như oanh tạc ở độ cao nào là tốt nhất và làm thế nào biết được khi đã cắt bom mà bom không rơi. Tối nay, họ thảo luận về một sự kiện: một phi công phát hiện thấy một người trên mặt đất đang tìm cách trốn chạy vào một lùm cây để tránh bị phát hiện nên phi công ấy cho rằng đó là một công việc và đã gọi máy bay đánh bom vào lùm cây này. Bản thân sự kiện này tuy là chuyện thường ngày xảy ra nhưng sự kiện này lại có một nét bất bình thường: viên phi công FAC này đã bay vượt ra ngoài vùng trách nhiệm được giao và những quả bom ấy suýt giết chết máy lính Mỹ ở gần đấy.
Một phi công khác nói anh ta cũng phát hiện thấy một Việt Cộng và sau đó đã gọi một máy bay đánh vào rừng cây nơi hắn biến mất.
Tôi hỏi anh ta làm thế nào để có thể biết đó là một lính Việt Cộng.
- À, thề này nhé, trông dáng đi của hắn có vẻ hiên ngang, bước chân nhấc cao giống như cách đi của một người lính thực thụ chứ không phải như của người nông dân thường bước kéo lê đôi chân. – Viên phi công trả lời.
Trong suốt thời gian tôi sống với các phi công FAC, họ chưa bao giờ bàn bạc về tình hình cuộc chiến, họ cũng không thể hiện sự căm thù kẻ địch. Họ trao đổi nhiều về chuyện lương bổng, phụ cấp, họ phàn nàn sự trì trệ trong thủ tục hành chánh về chuyện đề bạt, chuyện đi nghỉ ngơi và dưỡng sức ở thành phố nào thì thích hơn (phụ nữ Thái có hình dáng đẹp; ở Hồng Kông quần áo, trang bị điện tử và máy quay phim vừa tốt, vừa rẻ). Các phi công cười phá lên khi đọc tờ tin cho biết binh lính trước các chuyến đi nghỉ ngơi dưỡng sức sẽ được dạy về bệnh hoa liễu và cách làm thế nào để nhận biết khi mắc phải loại bệnh này. Các quân chủng Mỹ thường có thái độ dễ dãi đối với những binh lính hay đi các nhà chứa ở Việt Nam và ở các thành phố châu Á trong các chuyến đi nghỉ. Ở Hồng Kông, ngay mới gần đây, Lục quân sử dụng một gái điếm người Hoa lai Bồ Đào Nha, nói tạm được tiếng Anh, để giới thiệu cho binh lính cách thức tìm gái mại dâm trong các quán bar để tránh không xảy ra đánh nhau hoặc bị lừa. Điều này nhằm giảm bớt các vụ binh lính bị “chém đẹp” về tiền hoặc không hiểu ý muốn của các cô gái. Các phi công nói nhiều về điều kiện sống và thực phẩm ở các căn cứ khác. Có lần, trong một bữa ăn tối, đại uý Reese tham gia vào một cuộc thảo luận dài về các món ăn với một phi công khác và khi ăn một đĩa thịt dăm-bông, anh đã mô tả chi tiết về một bữa ăn thịt gà tại Đức Phổ…
Trong khi trò chuyện với nhau, tôi chưa bao giờ thấy các phi công nói về Việt Cộng với giọng tức giận nhưng họ lại tỏ ra khinh thường Lục quân so với Không quân, họ gọi lính Lục quân là “bọn bộ binh”. Cảm giác của họ đối với Lục quân na ná như cảm giác của nhóm cầu thủ trong các câu lạc bộ hay sinh viên trong một trường đại học đối với các đối thủ đang ganh đua với mình, nhưng đôi khi họ cảm thấy cay cú vượt quá mức ganh đua thân hữu. Một phi công nói với tôi:
- Bọn lính Lục quân đôi khi không quan tâm đến nhiệm vụ của chúng tôi là gì, miễn là bọn họ yêu cầu được một cuộc oanh tạc. Nếu như trường hợp tôi thì tôi sẽ không đưa lính của tôi đi làm một nhiệm vụ bất khả thi để phải lao vào chỗ chết như vậy. Còn tôi, tôi cũng phải có trách nhiệm với Không quân và tôi phải nghĩ đến sự an toàn của Không quân chứ. Đôi khi đó là một vấn đề khó, bởi vì trong những trường hợp như thế thì anh phải dám nhìn thẳng vào mặt chỉ huy và nói: “Không thể, thưa ngài, tôi không thể làm việc đó được”.
Tôi lấy làm ngạc nhiên về mức độ căng thẳng với nhau không những giữa các quân chủng mà còn giữa các đơn vị trong cùng quân chủng. Lính của Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Không vận 101 rất tự hào về việc đào tạo lính dù, và họ thường gọi lính bộ binh là “bọn chân đất” một cách khinh bỉ. Có một lần tôi đang ngồi trên xe chạy trong căn cứ Chu Lai vào một buổi chiều nóng nực với một lính dù của Sư đoàn 101, anh ta đã từ chối không cho một lính đang đợi xin đi nhờ xe, lý do chỉ vì tay xin đi nhờ là một “bộ binh chân đất” và đã là “lính chân đất thì không xứng đáng được đi nhờ xe”. Các sĩ quân cao cấp của Sư đoàn 101 và Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4, anh này nói xấu anh kia trước mặt tôi rằng việc đếm xác chết của đơn vị anh kia là không đúng sự thật. Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 đếm cả những người mà họ chỉ mới đoán là số địch có thể đã bị giết, một sĩ quan Sư đoàn 101 nói với tôi: “Chúng tôi không tính số địch phỏng đoán có thể đã bị giết. Chúng tôi chỉ tính số mình tận mắt thấy là chết thực sự. Đó là cách duy nhất của chúng tôi”. Trong một lần khác, một sĩ quan của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 cũng nói lời lên án tương tự đối với Sư đoàn 101, nói rằng cách tính tỷ lệ bị diệt tính theo số vũ khí của Sư đoàn 101 còn tồi tệ hơn cách tính của Lữ đoàn 3, hàm ý nói rằng Sư đoàn 101 còn kém xa so với Lữ đoàn 3 mỗi khi cần xác định kẻ thù là ai, phải giết ai. Lính lục quân và Không quân đều có các nhận xét chết nhạo Lính thuỷ đánh bộ…
Sau bữa ăn tối hôm đó, các phi công có hai phim chiếu để tuỳ ý chọn: một phim ở nhà hát ngoài trời trên bờ biển gần nhà ăn của Lính thuỷ đánh bộ còn phim kia chiếu tại Câu lạc bộ sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm Oregon. Câu lạc bộ sĩ quan này nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao khoảng một trăm năm mươi mét, nhìn xuống một bãi cỏ rải rác những bụi cây trải dài ra tận biển. Một số bàn ghế được sắp xếp trong một phòng rộng cố tường bao ba phía, mái che rộng bằng lá cọ giống như một nhà kho; mặt tiền nhìn ra biển. Phía sau, có một quầy bar dài, một đầu để một máy truyền hình, các chiếc ghế xoay, một bảng phóng phi tiêu và các nhân viên quán bả mặc áo kiểu Hawaii sặc sỡ. Phim được chiếu ở phía trước. Câu lạc bộ nhìn bao quát cả một đoạn bãi biển cong lưỡi liềm dài hai mươi cây số. Ngay cả trong ngày nóng nhất, tĩnh lặng nhất, vẫn có một làng gió nhẹ từ biển thổi vào. Ban đêm, trên biển khơi, các tàu đánh cá của dân bản xứ được lệnh phải đốt đèn lên khi trời tối. Hầu hết các đêm, tiếng pháo và bom vẫn nổ ầm ầm liên tục, đôi khi thắp sáng cả một vùng trời phía gần bờ. Trong những cuộc hành quân, các dù pháo sáng do pháo binh bắn lên hoặc máy bay thả xuống, trông giống như treo lơ lửng trên các núi suốt cả đêm.
Cách câu lạc bộ gần hai trăm mét, bãi đáp trực thăng của bệnh viện căn cứ nằm trên một triền đồi cao có sườn dốc thẳng đứng xuống biển. Mỗi ngày nhiều lần, một chiếc trực thăng vụt nhô lên từ bờ biển, với tốc độ cực nhanh rồi vội vàng hạ cánh xuống bãi đáp trải nhựa đường ở ngay phía trước Câu lạc bộ sĩ quan trông như một sân khấu nhỏ màu đen. Hai bóng người chạy tới chiếc trực thăng rồi chạy trở về bệnh viện, khiêng một người trên cáng. Nếu tấm vải che lên đến hai vai người nằm trên cáng, đó là một người bị thương và nếu tấm vải che kín cả đầu, đó là một người đã chết. Ngồi trong câu lạc bộ, chỉ một số sĩ quan ở hàng ghế phía trước có thể thấy được bãi đáp trực thăng của bệnh viện nên hầu hết các sĩ quan không chú ý khi chiếc trực thăng đến. Nhưng khi họ đứng trước câu lạc bộ vào giờ ăn ngoài trời cuối tuần và chăm chú chờ món thịt nướng trên ngọn lửa than đỏ hồng mà lúc ấy có một chiếc trực thăng hạ cánh xuống bệnh viện thì tiếng ồn ào trò chuyện bỗng nhiên ngưng bặt, những người đang ăn hay đang uống vội ngẩng đầu lên để xem hai bóng người đang khiêng một người bị thương hay một người chết đến bệnh viện.