Ngày 13 tháng 8 năm 1967, hai ngày sau khi cuộc hành quân Hood River kết thúc, Lực lượng Đặc nhiệm Oregon mở cuộc hành quân Benton. Tại Quảng Ngãi, tôi đã tận mắt nhìn thấy hậu quả của những trận bom, pháo và các trận đánh trên bộ song phần lớn tôi chưa chứng kiến tại chỗ cuộc huỷ diệt nào. Giờ đây, tôi sắp được quan sát từng chi tiết một quá trình huỷ diệt diễn ra trong cuộc hành quân Benton. Trong cuộc hành quân này, Lực lượng Đặc nhiệm Oregon vượt biên giới phía Bắc Quảng Ngãi ra Quảng Tín. Đã nhiều ngày tôi bay trên máy bay FAC phối hợp với Lữ đoàn 1, Sư đoàn 101. Ngày 12 tháng 8, tôi bay trên khu vực sẽ diễn ra cuộc hành quân Benton. Đây là một phi vụ trinh sát trong ba giờ cùng với một phi công mà tôi sẽ gọi tên là thiếu tá Ingersol.
Viên thiếu tá này lớn hơn các phi công khác vài tuổi và có phần dè dặt hơn. Tại khu nhà của phi công FAC ở căn cứ Chu Lai, anh ta thường đọc các tiểu thuyết kỳ bí có bìa mềm hoặc các loại tiểu thuyết khác trong khi những phi công khác lại túm vào tán dóc. Khi tham gia câu chuyện, bao giờ anh ta cũng nói với giọng điềm đạm và nghiêm túc không phù hợp với cách chuyện trò đùa giỡn thường ngày của bạn bè. Một hôm, khi những phi công khác đang ngồi nhậu và tán gẫu về các cô gái bán bar ở Thái Lan, anh ta góp chuyện: “Tớ nghe nói ở Bangkok có một số nhà hàng tuyệt vời”. Lần khác, trong khi chuyện gẫu với một đại uý ở phòng kiểm soát trung tâm FAC, anh ta nói lên cảm nhận tinh tế của mình về cảnh đẹp thiên nhiên của Quảng Ngãi: “Đó là một miền quê đáng yêu. Một trong những điều tôi rất thích là bay qua vùng đồng bằng ngược lên tận các thác nước. Thật hổ thẹn khi chúng ta lại huỷ diệt nó”.
Trong khi thiếu tá Ingersol và tôi bay tới khu vực sẽ diễn ra cuộc hành quân mới, anh ta kể cho tôi về phương pháp phân biệt Việt Cộng với dân thường. Anh ta nói:
- Chúng ta nhận biết được Việt Cộng nếu hắn bắn anh hoặc hắn có mang vũ khí. Chỉ có hai cách đó thôi.
Về việc phát hiện đường mòn trong rừng, anh có những tiêu chí tinh tế hơn. Khi chúng tôi bay qua sườn một ngọn núi cao, Ingersol chỉ ra một con đường mòn, rộng như một con lộ, dẫn lên phía có nhiều núi của thung lũng. Tuy cây cối ở đây rất cao và rậm, vẫn có thể nhìn thấy con đường vì thỉnh thoảng lại có một khoảng trống trong các tán lá. Đến lưng chừng núi, con đường dường như vẫn chạy dưới tán lá dày đặc, bởi vì sau đó khi leo lên cao hơn, vẫn có thể nhìn thấy rõ, nhưng rồi nó hoàn toàn biến khỏi tầm nhìn. Thiếu tá Ingersol nói:
- Đó là cái mà chúng ta tìm kiếm. Anh có thấy con đường biến mất ở chỗ kia không? Điều đó cho thấy có thể có một trại căn cứ ở đó. Những đường mòn dẫn lên núi và rồi biến mất thường là đường mòn của Việt Cộng. Chúng ta cũng còn phải tìm xem có phải con đường vừa có người đi qua không.
Tôi nêu ý kiến của mình là từ độ cao 450 mét, chắc chắn rất khó biết con đường đó vừa có người đi qua hay không bởi vì nó bị che khuất dưới những tán lá dầy. Ingersol nói:
- Dù vậy, vẫn nhận ra được vì Việt Cộng thường dùng trâu và các động vật cỡ lớn để vận chuyển trang thiết bị và chúng sẽ để lại dấu vết. Những con đường mòn này thường bị dập pháo vào ban đêm.
Khi chúng tôi bay trên một hố bom rộng chừng mười mét làm mất dấu một đoạn con đường mòn, Ingersol nhận xét:
- Hãy nhìn xuống dưới để xem người ta làm đường mới đi vòng quanh hố bom ra sao? Đây là một dấu hiệu mà ta phải tìm kiếm.
Anh ta nói anh ta còn phát hiện các hầm trú ẩn kiên cố để yêu cầu máy bay tới đánh phá. Và như một ví dụ về dấu hiệu mà anh ta tìm kiếm trong các phi vụ trinh sát, anh ta cho biết trong một khoảnh đất nhỏ phía trên núi, có một đàn trâu mà cứ vài ngày lại biến mất. “Chúng tôi đoán rằng Việt Cộng dùng trâu để chở hàng.”
Thiếu tá Ingersol dành hầu hết ba giờ bay của mình bay trên một vùng chập chùng đồi núi và thung lũng vì đây là những nơi sẽ diễn ra cuộc hành quân Benton. Khu vực hành quân là một vùng hình chữ nhật mỗi cạnh mười và hai mươi cây số phía Tây Nam Phước Tiên, một thị trấn ở phía Nam tỉnh Quảng Tín. Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 101 sẽ mở cuộc hành quân vào sáng hôm sau trong một khu vực mỗi cạnh dài đến mười cây số, hai ngày sau đó, một số đơn vị của Lữ đoàn 196 sẽ được không vận đến một khu vực rộng tương đương ở phía Đông.
Trước đó tôi đã quyết định là trong khu vực tác chiến này, tôi sẽ tập trung chú ý vào một vùng hẹp hơn, có thể nhận biết được dễ dàng trên bản đồ đường không cũng như trên mặt đất và có thể quan sát từ trên máy bay FAC càng lâu càng tốt vào những ngày đầu tiên của cuộc hành quân Benton để có thể biết các trận ném bom đã được thực hiện như thế nào trong một cuộc hành quân lớn. Ngay ở phía Tây Nam Phước Tiên, trong vùng đồng bằng trồng lúa bao quanh là những quả đồi, hai con sông nhỏ, sông Tiên và sông Trạm – hợp lại với nhau tạo nên sông Chang. Giữa ngã ba hai nhánh sông Tiên và sông Trạm có một ngọn núi nhỏ, cao khoảng ba trăm mét, gọi là Chóp Vum và dưới chân núi là một số làng và nhiều ngôi nhà dân nằm rải rác. Phía Nam Chóp Vum có một con đường đất chạy theo hướng Đông Tây qua những khu dân cư đông đúc. Tôi quyết định quan sát một khu vực vuông vắn mỗi chiều sáu cây số quanh Chóp Vum và do vậy tôi sẽ gọi nó là khu vực Chóp Vum. Phía Đông vùng này giáp với sông Tiên, phía Tay giáp với sông Trạm, phía Nam là con đường đất và phía Bắc cũng giáp với sông Tiên vì con sông này lượn gấp khúc về phía Tây sau khi chảy về hướng Bắc khoảng sáu cây số. Giữa Chóp Vum và những đường giáp ranh này, ngay phía trên có một rặng núi, có ngọn cao khoảng 600 đến 900 mét, làm nổi bật một khung cảnh thiên nhiên với nhiều đồi nhỏ cây cối rậm rạp, hiếm khi cao hơn hai mươi mét, trông như một dãy đảo nhỏ trong một biển ruộng lúa bậc thang. Một số gò đồi hình dáng tròn thấp, nhưng đa số là đồi có chóp dốc đứng nổi bật lên trên cánh đồng lúa như mô hình thu nhỏ của những ngọn núi bao quanh. Đa số nhà ở đây không cụm thành làng mà nằm rải rác giữa đồng. Ở những nơi mặt đất thoai thoải thì được tạo thành ruộng bậc thang trồng hoa màu. Dọc theo triền dốc đứng của một ngọn đồi, có một con đường mòn dẫn đến một khoảnh đất bằng phẳng gần đỉnh đồi. Ở điểm tận cùng này, nông dân đã trồng lúa và xây mấy ngôi nhà, từ đó có thể quan sát phần lớn thung lũng và những ngọn núi phía xa. Hầu hết mọi ngôi nhà ở Chóp Vum đều có sân trước để thả gà vịt, và phía sau là khu vườn trồng rau, có hàng rào cây lúp xúp bao quanh nhà, quanh sân, vườn. Thường thấy một loài cây cọ chỉ có một tán lá và cao tới mười lăm, hai chục mét mọc trong các vườn. Những con đường đất nhỏ lượn quanh co từ nhà này sang nhà kia trên đỉnh, quanh những ngọn đồi, và ở mỗi khúc gấp quanh dường như đều có một ngôi nhà nép mình. Cách bố trí nhà cửa như thế giúp cho một khối dân đông đúc vẫn có thể bảo đảm cho từng nhà có cuộc sống riêng tư. Chỉ ở một số nơi có khoảng năm, sáu chục ngôi nhà cụm lại với nhau làm nên ngôi làng, nhưng ngay cả ở những nơi này, các ngôi nhà cũng không xếp thành dãy kề bên nhau dọc các con đường làng mà vẫn cách biệt bởi các khu vườn và những bụi trẻ, lùm cọ. Cách bố trí làng xóm phụ thuộc vào những chỗ lồi lõm của cảnh quan, chứ không buộc phải theo một mẫu hình cân đối. Nhiều con đường nhỏ nối liền nhiều ngôi nhà với nhau và vẫn đến một con đường chính uốn lượn gần quanh tất cả các ngôi nhà. Làng Phái Tây nằm dưới chân Chóp Vum, giữa ngã ba sông Trạm và sông Tiên; làng Đức Tân nằm ở bờ Bắc sông Tiên cách Phái Tay hai cây số về phía Đông Bắc, làng Thanh Phước trải dài hai bên con lộ tạo nên ranh giới phía Nam của khu vực này. Tại Thanh Phước có hai nhà thờ xay bằng đá nằm cách nhau chừng năm mươi mét ở hai phía của con lộ. Mỗi nhà thờ cao khoảng ba tầng và dài hơn hai mươi mét, tường và trần nhà chạm trổ những hoạ tiết rối rắm và trên nóc có gắn thánh giá.
Trong buổi chiều bay cùng thiếu tá Ingersol trên vùng đất này, tôi thấy những đàn trâu đằm mình trong làn nước sông trong veo. Nhiều nông dân đang khom mình lao động trên đồng nước và trước sân nhà. Vùng này trước đây đã bị tàn phá nặng nề và rải rác đó đấy là những khoảng đất màu xám hoặc đỏ quạch, dấu vết để lại của những ngôi nhà bị phá huỷ. Tính sơ sơ, cứ hai mươi nhà lại có một nhà bị tàn phá. Nhiều khoảnh ruộng bây giờ chỉ còn là hố bom, cánh rừng trên sườn đồi đã ngả màu đen kịt và lồi lõm. Trên hai quả đồi liền nhau, đỉnh cao chừng ba mươi mét và chân đồi rộng gần hai trăm mét, bom đã tiêu huỷ rừng cây và để lại những hố bom cái nọ chồng lên cái kia. Mỗi loại địa hình, núi ruộng và sân nhà dường như đều nhận được một lượng bom như nhau, như thể là các phi công ném bom có ý định phân phát một số thuốc nổ bằng nhau cho các khu vực được đánh dấu ô vuông trên bản đồ của họ. Trên các ruộng lúa và sân vườn, cũng có những hố bom nhỏ hơn do pháo cày xới, song chúng không đủ lớn để có thể nhìn thấy dưới tán rừng rậm rạp này. Nhiều hố pháo mới còn giữ sắc vàng, còn tất cả các hố bom đều đã phủ một lớp cây lúp xúp và xem ra đã có từ nhiều tháng trước.
Tôi hỏi thiếu tá Ingersol xem những vụ ném bom này đã được thực hiện từ bao giờ, anh ta trả lời:
- Chỉ có Lính thuỷ đánh bộ đã hoạt động ở đây trước khi Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tới. Song tôi không cho rằng các trận ném bom đã có từ dạo đó. Nhưng cũng có thể vào hồi đó. Tôi cũng chẳng biết. Mà có lẽ cùng cách đây khá lâu rồi.
Sau khi đã khảo sát xong khu vực tác chiến sắp tới, thiếu tá Ingersol bay về phía Nam qua nhiều dãy núi hướng về thung lũng sông Trà Khúc ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Trên đường bay, Ingersol mải mê ngắm nhìn những thác nước. Anh ta nói:
- Anh sẽ thấy công việc của FAC khá là tẻ nhạt, nhất là trong những phi vụ V.R* như thế này. Tôi sẽ chỉ cho anh xem một vài thái nước ở đây. Chúng mới đẹp làm sao. Đây là một số trong những miền quê núi non đẹp nhất mà tôi từng được thấy.
* V.R: Viết tắt của “visual reconnaissane” – trinh sát bằng mắt. (Chú thích của tác giả)
Trước khi chúng tôi bay tới một thác nước, anh ta mô tả cho tôi nghe một cách chi tiết theo trí nhớ của mình, và cho tôi biết dưới chân thác nước có hồ nhỏ hay không, nước có chảy đổ xuống từ trên vách đá hoặc chảy qua những tảng đá hay không và thác nước có mấy tầng. Một trong những thác nước mà anh ta rất thích – một ngọn thác đổ từ trên cao xuống một hồ lớn có đáy bằng đá, nước trong veo ở chân thác – đã bị trúng bom; và Ingersol chỉ cho tôi một hố bom ở mép hồ.
Khi chúng tôi quay lại Chu Lai đã là chiều muộn, mặt trời phình to đỏ rực treo trên rặng núi đen thẫm. Trong máy vô tuyến trên máy bay, một giọng nói ở đâu đó cất lên: “Này, đêm nay sẽ có tiệc ở D 19 đây nhé, tha hồ nhậu nhẹt. Nhớ đến nhe”.
Một giọng khác đáp lại: “Tôi sẽ đến nếu có thể, nhưng không biết đêm nay có đến được không. Cám ơn nhiều”.