Sáng sớm hôm sau, cuộc hành quân Benton đã được thực hiện tại khu vực tôi vừa bay qua cùng với thiếu tá Ingersol. Các binh sĩ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn Cơ động Không vận 101 đã bốn tuần liên tục chiến đấu và sắp bắt đầu tuần chiến đấu thứ năm. Vào tối ngày 12, các phi công FAC phục vụ Lữ đoàn 1, Sư đoàn 101 mỗi người chỉ được uống một cốc nước trước bữa ăn tối và sau bữa ăn cũng chẳng có lấy một giọt nước nào. Trong buổi họp lên kế hoạch lần cuối tại sở chỉ huy buổi tối đó, các sĩ quan cấp dưới gọi cấp trên của họ là “ngài”, đây là lần đầu tiên tôi nghe được điều này trong suốt hai ngày tôi sống cùng họ. Nhiệm vụ của họ trong ngày hôm sau là hướng dẫn máy bay không kích vào bốn bãi đổ bộ ban đầu (landing zone, gọi tắt là L.Z.), cho trực thăng chở quân vào khu vực. Những cuộc oanh tạc này là việc làm thường thấy và được gọi là “chuẩn bị bãi đổ bộ”. Trước khi đổ quân xuống, máy bay trực thăng còn dùng súng máy và rốc két bắn dọn đường.
Trong hai ngày đầu của cuộc hành quân, trên ghế sau của máy bay FAC chuẩn bị hoạt động có một quan sát viên pháo ngồi cùng phi công, do đó tôi không thể bay cùng; nhưng vào các buổi tối, những anh bạn phi công FAC kể lại cho tôi nghe những điều mà họ đã chứng kiến. Họ nói, vào phút chốc trước khi công tác chuẩn bị bãi đổ bộ được thực hiện, một phi vụ không kích đã bị huỷ bỏ do máy móc trục trặc, vì thế có một bãi đổ bộ chỉ nhận được hoả lực rốc két và súng máy của trực thăng. Tại bãi đổ bộ thứ hai, công tác dọn bãi được thực hiện ở một khu vực gồm những ruộng lúa cao, theo đúng kế hoạch, song binh lính lại được đổ nhầm xuống cách đó 1 cây số, trên một đỉnh đồi chưa được san phá trước. Trong khi đó ở cách xa khoản 7 hoặc 8 cây số, tại một đại đội pháo chịu trách nhiệm chi viện cho công tác chuẩn bị bãi đổ bộ và trong cuộc hành quân sắp tới, một máy bay trực thăng đã rơi trúng một xe chở đạn làm cháy xe đạn và nổ tung đại đội pháo, gây ra nhiều thương vong. Và do vậy, từ vị trí đó không còn có thể chi viện pháo cho bất kỳ bãi đổ bộ nào nữa. Việc bố trí một đài chỉ huy phục vụ cuộc hành quân trên đỉnh một ngọn núi nhỏ ngay phía Bắc sông Tiên – nơi con sông bắt đầu uốn theo hướng Bắc – lúc đầu được tiến hành thuận lợi nhưng rồi một đám cháy đã bùng lên ở bãi đổ bộ. (Theo các phi công FAC, các trận oanh kích do họ dẫn đường không bao giờ gây hoả hoạn. Họ cho rằng chính máy bay trực thăng đã gây ra hoả hoạn, do súng máy và rốc két của chúng). Khi hơn một trăm binh sĩ, một sổ khẩu pháo và nhiều hòm đạn dược đổ xuống, thì đám cháy đã đến mức không thể kiểm soát được. Nhiều quả đạn pháo đã nổ trong ngọn lửa, và binh sĩ phải chuyển đài chỉ huy sang dựng trại ở quả đồi gần đó, tạm thời bỏ lại phía sau những khẩu pháo, cối bị phá hỏng. Máy bay trực thăng phải đến chở người và trang thiết bị của đài chỉ huy sang một ngọn núi ở cách đó khoảng 5 cây số về phía Đông. Đạn pháo vẫn lác đác nổ trên quả đồi đang bốc lửa nơi đặt đài chỉ huy cũ trong nhiều giờ. Nhưng trong hai ngày sau, có thêm bảy chuyến đổ bộ đã được hoàn thành mà không bị trục trặc gì nghiêm trọng.
Trong buổi chiều đầu tiên, thỉnh thoảng quân Mỹ bị bắn tỉa khi đào công sự trên đồi. Viên chỉ huy bộ binh ở quả đồi kế bên vị trí đài chỉ huy vừa rút đi phán đoán các tay bắn tỉa là lính Bắc Việt từ làng Đức Tân, cách đỉnh đồi khoảng 1 cây số về phía Tây bắn ra và anh ta yêu cầu ném bom triệt hạ ngôi làng. Một phi công FAC trẻ tuổi có bộ mặt nghiêm nghị, khô cứng như gỗ, nhân vật mà tôi gọi là trung uý Moore, chỉ dẫn cuộc oanh tạc và sau đó đã báo cáo là 20 hoặc 30 ngôi nhà đã bị huỷ diệt. Anh ta nói với các phi công đồng nghiệp của mình về trận oanh tạc như thế này: “Tớ đã san bằng toàn bộ chỗ đó, nhưng có một ngôi nhà tớ không thể nào đánh trúng. Tớ đã bảo các phi công oanh tạc phải cố gắng ném bom trúng ngôi nhà, và chắc chắn xung quanh đó đã có đến sáu hố bom của loại bom 1.000 pound (454kg), nhưng vẫn không trúng được nó”. Anh ta nói tiếp: “Bây giờ thì việc phải triệt hạ ngôi nhà này là một vấn đề có tính nguyên tắc đối với tớ. Các cậu cứ chờ xem, tớ sẽ làm điều đó”.
Cũng ngày hôm đó, nhiều trận ném bom khác đã diễn ra ở nhiều nơi rải rác trong khu vực tác chiến. Khi đêm xuống, một đơn vị địch không rõ quy mô lực lượng đã tấn công vào số binh lính của sở chỉ huy mới di chuyển sang quả đồi bên cạnh. Một số địch quân leo lên ngọn đồi bỏ không và thu những quả đạn cối mà lực lượng thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn 101 bỏ lại khi di chuyển sang vị trí mới rồi bắn vào quân ta. Kẻ địch đồng thời tấn công vị trí mới. Các chỉ huy bộ binh đề nghị pháo bắn và cũng yêu cầu thêm loại vũ khí chủ yếu của hoả lực không yểm ban đêm là máy bay AC-47 (máy bay DC-3 cải biên thành máy bay quân sự có biệt danh là Spooky) được trang bị ba súng máy 7,62 mm, còn gọi là tiểu liên, có tốc độ bắn 100 viên/giây. Máy bay AC-47 thả những quả pháo dù khi bắn lên sẽ rơi xuống và chiếu sáng như ban ngày. Tuy n hiên trong những điều kiện như thế, hoả lực bắn ra cũng không thể đạt độ chính xác dù chỉ là tương đối, và thủ thuật là nã đạn tiểu liên xuống toàn khu vực nghi có địch. Trong đêm đầu tiên của cuộc hành quân, một máy bay Spooky đã tiêu thụ hết cơ số đạn của nó, tức là tới 21.300 viên. Hôm sau một báo cáo cho biết bốn lính Mỹ và 35 địch đã bị giết trong trận đánh. Trong ngày trước đó một trực thăng đã bị địch bắn rơi. (Trong thời gian còn lại của cuộc hành quân, khoảng hai tuần lễ, trung bình mỗi ngày có một trực thăng bị bắn rơi). Nhiều trực thăng cỡ lớn Chinook được điều đến chở một số máy bay bị bắn rơi ra khỏi vùng chiến sự và số còn lại thì bị hoả lực rốc két phóng từ các trực thăng đang bay lúc đó bắn xuống tiêu huỷ để ngăn không cho địch lấy radio, súng đạn và các trang bị trên máy bay. Ít nhất cũng đã có một trường hợp địch vào được một chiếc máy bay bị rơi và lấy đi một số trang bị trước khi máy bay bị phá huỷ. Trong các bản tin ra vào tuần lễ kết thúc của cuộc hành quân, không có bài nào nói đến khoảng hơn một chục máy bay trực thăng bị bắn rơi và tuy Lục quân không xác nhận tổng số máy bay rơi, nhưng họ tỏ ra rất sẵn sàng đáp ứng khi có nhà báo nào ngỏ ý muốn nhìn tận mắt cuộc hành quân từ trên không hoặc trên bộ, hoặc muốn nói chuyện trực tiếp với các binh lính đã tham gia cuộc hành quân. Trong suốt thời gian tôi bay trên khu vực hành quân, tôi đã nhiều lần nhìn thấy các trực thăng Chinook bay qua các dãy núi về căn cứ, dưới bụng có dây cáp treo những xác máy bay trực thăng Huey.
Một bản tin nhan đề “lính dù giao tranh với Tiểu đoàn Bắc Việt Nam” của Phòng thông tin thuộc Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 101 miêu tả cuộc đụng đầu với đối phương như sau:
Núi Chuông Việt Nam (Ban thông tin 101) – Ngọn lửa từ những quả đạn pháo nổ như rắc hoa trên ngọn đồi. Lửa bốc cao trên đám cỏ voi khô, phun những cuộn khói đen lên bầu trời không một gợn mây. Đại uý Ronald G. Odom, quê ở San Fransisco từ trong máy bay ngó ra nhìn ngọn đồi đang rực cháy…
Sau khi tường thuật một vài cuộc giao tranh nhỏ với đối phương trong ngày, bản tin tiếp tục:
Ánh trăng chiếu xuyên qua đỉnh đồi tạo nên những bóng đen kỳ dị hạn chế tầm nhìn của phi công và làm thần kinh họ căng ra.
Đến khoảng 11 giờ 30 đêm, ánh trăng không còn nữa. Vài phút sau đối phương bắt đầu tấn công.
Odom kể lại: “Đối phương khai hoả với mọi loại súng họ có. Chúng tôi bị hoả lực cối 81mm và 60mm bắn. Phía bên sườn chúng tôi, trọng liên của họ bắt đầu bắn và bộ binh của họ tiến vào”.
Trước đó, Odom đã đánh dấu trên bản đồ các điểm có thể có trận địa cối của địch và Nemetz đã gọi pháo bắn vào đó. Dù có pháo chi viện song địch vẫn tiếp tục cày xới đại đội B bằng súng cối và vũ khí tự động.
Tại sườn Tây Bắc, trung uý Robert Berry, quê ở Boston và trung đội 4 của anh ta phải hứng chịu phần lớn cuộc tấn công. Và Odom nghe tiếng anh ta hét qua máy điện đàm: “Một số địch chỉ còn cách 10 mét. Đúng tầm tay lựu đạn. Ném!”.
Odom nhớ lại anh ta đã cảm nghĩ như thế nào khi nghe tiếng của Berry: “Cha này thuộc loại máu quá lạnh, tôi không thể tin nổi và anh ta đã tiếp tục giữ thái độ lạnh lùng bình tĩnh như vậy suốt cả đêm”.
Trung uý Thomas J. Courney, quê ở thị trấn Knoxville, bang Tennessee cho trung đội 3 bắn vào lực lượng địch đang xông tới sườn mình. Những viên đạn vạch đường đan chéo bao quanh trận địa của trung đội những đường chéo đỏ rực.
Cối địch tiếp tục nổ trên đồi. Đột nhiên báo cáo từ trung đội Berry cho biết vị trí trận địa cối của đối phương chỉ cách họ có 100 mét.
Quan sát viên phía trước, Nemetz, chỉ điểm vị trí và gọi một khối lượng lớn hoả lực dội xuống.
Suốt đêm, đại tá Puckett khích lệ các chiến sĩ của mình. Ông ta vượt qua hoả lực cối của dịch để đến với các thương binh và đi ra tận vòng ngoài phòng ngự của đơn vị để nói chuyện với binh sĩ. Vào lúc hai giờ sáng, tức là gần chín giờ kể từ khi bắt đầu nổ súng, trận đánh kết thúc. Không gian tĩnh lặng bao trùm xung quanh những người lính dù đang chờ trời sáng.
Khi trời hửng sáng, các binh sĩ mỏi mệt của đại đội B đi xem xét xung quanh trận địa. Ba mươi lăm lính Bắc Việt Nam tử trận, vũ khí của họ nằm rải rác trên chiến địa.
Vào ngày thứ hai, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 101 bắt đầu tung các đơn vị nhỏ ra các vùng nông thôn, nhiều đơn vị đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ và bị tổn thất nặng. Đêm đó, các phi công FAC cho biết các chỉ huy mặt đất đã yêu cầu một số lượng phi vụ oanh tạc nhiều khác thường trên khắp khu vực tác chiến. Các phi công mô tả đặc điểm địa hình của mục tiêu cho nhau bằng thuật ngữ đồ hoạ hoặc bằng các toạ độ trên bản đồ của họ, bởi vì họ không hề biết tên làng xóm hay sông ngòi nào ở đây. Một phi công FAC nhận xét rằng các đơn vị tham gia cuộc hành quân Benton chắc chắn phải là “những kẻ thích chém giết”, bởi vì có ba đại đội đã chọn mật danh là “Cắt họng”, “Sát thủ” và “Kẻ giết người”.
Vào ngày thứ ba trong cuộc hành quân Benton, tôi bay trên khu vực tác chiến của Lữ đoàn 1 Sư đoàn 101 cùng với thiếu tá Billings, người bạn đồng hành với tôi trong chiến dịch Hood River. Tôi nhìn thấy làng Đức Tân, nằm phía dưới vị trí cũ của sở chỉ huy, đã bị triệt phá chỉ còn lại hai ba ngôi nhà. Bom đã xoá sạch một số thôn ở Đức Tân; dấu vết duy nhất chứng tỏ sự tồn tại trong quá khứ của các làng xóm này là những cái giếng hoặc những mảnh sân sau. Một số ngôi nhà khác đã bị bom na-pan thiêu rụi trơ lại nền đất. Xung quanh ngôi làng bị huỷ diệt, phần lớn các đám ruộng đã bị bom nổ chậm xoá sạch hoặc đã bị vùi lắp dưới những đống đổ nát. Còn nhiều hố bom nữa nằm rải rác trên những cánh đồng ở khu vực Chóp Vum và ở khắp các sườn núi. Những ô vuông màu xám của những ngôi nhà mới bị thiêu cháy nằm rải rác khắp nơi. Thiếu tá Billings cho tôi biết những ngôi nhà này bị thiêu huỷ bởi rốc két mang đạn phốt-pho từ các máy bay trực thăng vũ trang tuần tiễu phóng xuống. Vài phút sau, tôi quan sát thấy một trực thăng đang bay trên vùng này sà xuống thấp. Nó đột ngột chuyển hướng bay rồi phóng nhiều quả rốc két phốt-pho vào một cụm ba ngôi nhà nằm khuất dưới hàng cọ. Khói trắng bốc lên và những ngôi nhà bùng cháy. Chiếc trực thăng lượn vòng rồi lại phóng rốc két xuống khu nhà và phóng nhiều quả đạn khác xuống những đám ruộng và những mảnh vườn. Nhiều đỉnh đồi trước đây ba ngày tôi còn thấy rậm rì cây xanh nay đã bị bom na-pan đốt cháy đen. Những hố pháo còn mới nằm rải rác quanh bãi đổ bộ. Đến thời điểm đó đã có tới hai mươi phần trăm các ngôi nhà ở Chóp Vum bị huỷ diệt.
Thiếu tá Billings đã được giao nhiệm vụ dẫn đường cho “một cuộc oanh tạc hoạch định trước” nhưng khi anh ta chưa xác định được vị trí mục tiêu trên mặt đất thì chỉ huy bộ binh đã yêu cầu “oanh tạc khẩn cấp”. Có nghĩa là cuộc oanh tạc được thực hiện sau khi nhận được yêu cầu chỉ huy bộ binh hoặc của phi công FAC nhiều lắm là vài giờ. Chỉ huy bộ binh nói: “Sáng sớm nay, chúng tôi bị một số hoả lực bắn tỉa từ một vài căn nhà phía dưới bắn lên ở toạ độ 384o297, và chúng tôi yêu cầu các anh đánh vào đó cho chúng tôi”. Thiếu tá Billings bay trên một ô vuông mỗi cạnh khoảng 100 mét theo toạ độ mô tả và phát hiện ra trong ô vuông này có hai ngôi nhà thờ đá dọc con lộ, trong làng Thạnh Phước. Viên chỉ huy bộ binh này chịu trách nhiệm về bãi đổ bộ nằm trên đỉnh đồi cách nhà thờ nửa cây số. Khi bị hoả lực bắn tỉa, anh ta quan sát kỹ toàn khu vực và nhận thấy chỉ có hai tháp chuông của nhà thờ là cao hơn các hàng cây và quả quyết rằng những tay bắn tỉa đã từ nhà thờ bắn lên. Phía trước nhà thờ, một lá cờ trắng bay trên đỉnh cột cờ cũng cao vừa ngang nhà thờ. Thiếu tá Billings nói:
- Chúng ta hãy nhìn xuống xem ở dưới đó có cái gì nào.
Anh ta cho máy bay sà xuống sát nóc nhà thờ. Quanh nhà thờ có hai, ba chục ngôi nhà. Khoảng nửa số này có tường đá và mái ngói đỏ, những nhà khác đều phên trê trát bùn, mái rạ. Một ngôi nhà mái rạ chiều dài khoảng 15 mét, rộng 10 mét và có vẻ như là nơi để tụ họp đông người. Phía trước hai nhà thờ là những vườn hoa đang trổ bông. Phía sau hai nhà thờ, những vạt rau trải dài qua những hàng cọ ra đến tận những ruộng lúa. Sau khi cho máy bay lên lại độ cao 500 mét, thiếu tá Billings liên lạc với viên chỉ huy bộ binh:
- Có hai trong số những ngôi nhà ở đây trông giống như kiến trúc nhà thờ. Anh có muốn triệt hạ chúng không?
- Nghe rõ. – Viên chỉ huy trả lời.
- Hình như phía trước có một lá cờ trắng. – Billings nói tiếp.
- Cứ triệt phá đi, kệ nó, muốn là thì thì là. – Viên chỉ huy bộ binh trả lời.
Một giờ sau, ba chiếc F-4 bay đến khu vực mục tiêu và viên chỉ huy tốp bay liên lạc vô tuyến điện với Billings – lúc này đang cố gắng quan sát xem có nơi nào có hành động khả nghi không – cho biết rằng họ đã chuẩn bị oanh tạc với loại bom 750 pound (340kg), rốc két và ca-nông 20 mm. Thiếu tá Billings nói:
- Chúng ta có thể sử dụng tất cả các loại đó. Viên chỉ huy tốp bay hỏi:
- Mục tiêu thuộc loại gì vậy?
- Chúng là mục tiêu quân sự. Anh có thể nhìn hình dáng của chúng để xác định chúng là các cấu trúc quân sự.
Đúng lúc đó, một loạt mười chiếc máy bay trực thăng xếp thành đội hình sát nhau bay tới bãi đổ bộ trên đỉnh đồi. Thiếu tá Billings cho biết anh ta sẽ phải chờ cho các trực thăng này bay đi hết rồi mới báo lệnh tiến hành oanh tạc.
Tôi hỏi anh ta có cần thiết phải huỷ diệt những nhà thờ này không. Anh ta đáp:
- Nếu Việt Cộng không ngại gì vào đây để từ đó bắn vào quân ta thì cần phải xoá sạch nó đi.
Khi trực thăng cất cánh khỏi đỉnh đồi, Billings nói với viên chỉ huy tốp bay:
- Tin hay không tin thì hai toà nhà lớn dưới kia cũng là nhà thờ đấy, tôi sẽ hỏi lại viên chỉ huy bộ binh lần nữa xem ông ta có muốn xoá sổ chúng không.
- Không đùa đâu nhé. – Trưởng tốp bay nói. Billings hỏi viên chỉ huy bộ binh:
- Này, anh có muốn huỷ diệt hai nhà thờ kia không?
- Nhất định rồi. – Viên chỉ huy bộ binh trả lời.
- Ô kê, xem này! – Thiếu tá Billings nói xong là gọi ngay các phi công F-4:
- Cho máy bay bay từ phía Nam lên phía Bắc, tôi sẽ lượn vòng sang phía Tây.
Viên thiếu tá cho chiếc O-1 bổ nhào, mũi máy bay nhằm vào ngôi làng và phóng ra một quả rốc két phốt-pho. Làn khói trắng của quả rốc két bay lên từ một vạt cây cách phía Nam nhà thờ khoảng 45 mét. Anh ta hỏi viên chỉ huy bay:
- Anh có nhìn thấy khói rốc két tôi vừa bắn không? Viên chỉ huy đáp:
- Tôi nhìn thấy rồi. Tôi sẽ cho máy bay bay dượt một lần, sau đó sẽ cắt bom 750 pound.
Một phút sau, một chiếc F-4 xuất hiện từ phía Nam, nhào xuống thấp bay thử một lần lướt qua nóc nhà thờ. Khi máy bay ngóc lên, nó ngoặt về hướng Đông rồi lượn vòng lại để chuẩn bị cho lần đổ nhào thứ hai. Chiếc F-4 thứ hai cũng nhào xuống theo kiểu như vậy và cắt bom. Một cột khói nâu cao bốc lên từ vườn rau phía sau một nhà thờ. Thiếu tá Billings nói:
- Còn cách mục tiêu đến 100 mét. Thử xem anh có thể ném bom gần hơn không?
- Xin lỗi nhé. – Tốp trưởng bay trả lời.
Chiếc máy bay thứ ba cũng ném bom vào vườn rau. Chiếc máy bay thứ nhất trong lần cắt bom thứ hai cũng ném bom xuống một đám ruộng còn cách nhà thờ tới 60 mét. Lần này ba cột khói nâu bốc lên cao chừng vài trăm mét, làm cho những ngôi nhà thờ chìm trong khói. Trong lần cắt bom thứ hai của chiếc máy bay thứ hai, một quả bom rơi trúng phái sau một nhà thờ, ngôi nhà có treo cờ trắng.
- Trúng rồi, cưng ơi, tuyệt quá! Cậu đánh trúng rồi! – Billings reo lên.
Khi khói tan, ngôi nhà thờ đã bị xoá mất chỉ còn sót lại mặt trước với chiếc thánh giá gắn trên nóc. Lá cờ trắng vẫn bay trên cột. Chiếc máy bay thứ ba lại ném bom vào ruộng lúa bên cạnh nhà thờ. Trong vòng bay thứ ba, chiếc máy bay đầu tiên phóng rốc két nhưng chúng lại rơi xuống vườn rau sau ngôi nhà thờ đổ, để lại những đám khói nâu. Loạt rốc két sau đã trúng vào nhà thờ thứ hai làm sập phần sau và để lại trên mái trước nhà thờ hai lỗ thủng to bằng hai cửa lớn. Bốn, năm ngôi nhà quanh nhà thờ bốc cháy. Billings nói:
- Tuyệt lắm!
- Cậu muốn ca-nông 20mm bắn vào đâu đây? – Viên tốp trưởng bay hỏi.
- Bắn trúng vạch mà cậu đã dội trúng đó. Phóng vào đúng chỗ dãy nhà kia kìa để xem chúng ta có thể gây ra một số đám cháy hay không.
(Đạn súng máy thường làm bốc cháy những căn nhà, chứ bom lại ít khi làm được điều đó.)
Khi một máy bay F-4 bay qua bắn loạt đạn đầu tiên, một vầng lửa cắt ngang xuyên qua những căn nhà quanh nhà thờ và chỉ trong chớp mắt làm bốc lên hàng trăm tia lửa rực sáng. Billings kêu lên:
- Trúng rồi bạn ơi, trúng rồi! Mà sao cậu không khử nốt dãy nhà bên cạnh cái nhà thờ bên kia đường nhỉ?
- Được thôi. – Viên tốp trưởng bay đáp.
Đến loạt rốc két thứ hai, đường đạn rực lửa cắt ngang những ngôi nhà ở phía bên kia đường.
- Tốt lắm! Bây giờ làm sao hạ được những ngôi nhà gần đường ở đằng kia nhỉ. – Billings muốn nói đến ngôi nhà mái ngói trên đám ruộng ở phía Tây nhà thờ khoảng 100 mét.
Quầng lửa lại chụp xuống sau vòng bay xả súng thứ ba – vòng bay cuối cùng của cuộc oanh kích – để lại những lỗ hổng lớn trên mái nhà.
- Trúng phóc mục tiêu! Cám ơn, nhóc ơi! Các cậu đã làm tốt nhiệm vụ. Tớ sẽ ghi vào báo cáo cho các cậu điểm trúng mục tiêu 90%. – Billings reo lên.
Viên chỉ huy bay nói:
- Liệu tớ có được điểm KBA* không?
* KBA là số địch chếat do máy bay ném bom. Số địch bị chết do công của từng phi công không được lưu trong con số thống kê chính thức, nhưng đa số phi công tìm cách giữ thống kê riêng điểm KBA của bản thân mình. (Chú thích của tác giả)
Thiếu tá Billings trước đó đã cho tôi biết là anh ta không hề nhìn thấy có người ở khu vực này, đáp lại:
- Tớ không biết. Các cậu phải đợi đến khi bộ binh vào đó đã. Nhưng tớ dự bao số KBA là bốn tên.
Khi hai người này nói chuyện với nhau, khoảng hơn chục ngôi nhà trong khu vực ném bom đã bốc cháy. Đầu tiên, ngọn lửa bén vào những lỗ hổng trên mái, sau đó nhanh chóng lan ra những bức tường, biến mỗi ngôi nhà thành một quả cầu lửa. Phần lớn những ngôi nhà này cháy rụi trong vài phút, để lại những cột khói đen bay lên từ đống đổ nát.
Thiếu tá Billings gọi về cho Chu Lai để báo cáo đánh giá thiệt hại do bom gây ra. Anh ta nói: “Có hai cấu trúc quân sự vĩnh cữu bị tiêu diệt, mười cấu trúc quân sự khác bị phá huỷ và năm cấu trúc bị phá hỏng”.
Tôi hỏi có phải anh ta coi những ngôi nhà và hai nhà thờ ở đây là cấu trúc quân sự không. Anh ta đáp:
- Chúng tôi gọi chính những thứ đó là như thế.
Vài phút sau, viên chỉ huy bộ binh trên đỉnh đồi liên lạc được với Billings và yêu cầu một cuộc oanh tạc khẩn cấp nữa. Viên chỉ huy này nói:
- Có một loạt công sự ở ngay dưới điểm cao của chúng tôi, dọc theo hàng cây và chúng tôi thấy có những cái đầu Việt Cộng đang nhô ra thụt vào. Chúng tôi muốn thực hiện một cuộc oanh tạc vào đúng chỗ đó.
Billings bay ngay tới điểm mà viên chỉ huy bộ binh vừa cho biết và thấy một hàng cây cách ngọn đồi khoảng nửa cây số. Những miệng cửa đen kịt của một số công sự mở ra ở gần đó, còn phía xa hơn là một dãy nhà.
Billings nói:
- Tôi thấy mục tiêu rồi. Có phải cậu muốn ném bom trúng hàng cây đó không? Cũng có một số ngôi nhà ở đó nữa đấy.
- Dĩ nhiên. Chúng tôi gặp rắc rối với toàn bộ khu vực đó đấy.
- Được rồi. – Billings nói, giọng mệt mỏi, anh ta cao giọng với âm tiết đầu và hạ giọng ở âm tiết sau: - Chúng tôi sẽ làm công việc đó ngay khi các máy bay chiến đấu đến.
Hai mươi phút sau, ba chiếc F-4 đến khu vực này và viên chỉ huy tốp bay cho biết máy bay của mình mang bom na-pan và bom 1.000 pound (450kg), loại bom lớn nhất thường dùng ở Nam Việt Nam.
Những quả bom đầu tiên của cuộc oanh tạc rơi cách mục tiêu khoảng 100 mét. Một quả bom biến trọn một ruộng lúa thành một hố bom rộng 10 mét, sâu gần 2 mét làm bùn bắn tung toé lên các đám ruộng quanh đó. Hai quả bom tiếp theo trúng vào hai ngôi nhà và triệt hạ chúng. Hai quả bom khác rơi gần hàng cây, phạt đứt đôi phần lớn cây cối và thổi bay một cây cọ ra cánh đồng cách đó khoảng 50 – 60 mét. Billings nói:
- Tốt rồi, các cậu đánh trúng hàng cây rồi. Bây giờ hãy tiêu huỷ những ngôi nhà ở phía Nam hàng cây bằng bom na-pan đi.
Anh ta chỉ dẫn các phi công tới một cụm khoảng trên chục nóc nhà, cách hàng cây chừng 40 mét. Quả bom na-pan đầu tiên rơi cạnh hai ngôi nhà và lập tức làm chúng chìm trong lửa. Khi khói tan đi, chỉ còn lại khung nhà cháy đen nham nhở vẫn chìm trong ngọn lửa. Và lửa vẫn cháy sau khi hai ngôi nhà đã thành than, vì chất na-pan vẫn chưa cháy hết.
- Tuyệt quá! Các cậu hôm nay đánh trúng mục tiêu đấy! – Billings khen ngợi.
Quả bom na-pan thứ hai không trúng ngôi nhà, song do rơi gần đó nên chất na-pan tung toé lên bốn ngôi nhà và thế là chúng cũng bốc cháy.
Khi cuộc oanh tạc kết thúc, Billings nói với các phi công oanh kích:
- Cho các cậu điểm trúng mục tiêu 100%. Cảm ơn nhiều. Làm việc với các cậu thích thật. Hẹn gặp lại sau.
- Cảm ơn. – Tốp trưởng bay đáp.
Ba giờ bay của Billings đã xong và anh ta quay máy bay về Chu Lai. Mười lăm phút sau, chúng tôi hạ cánh.