Sau khi bánh máy bay dừng lại ở chỗ bơm nhiên liệu, người thợ máy trẻ hỏi:
- Chào thiếu tá, tình hình hôm nay ra sao? Ông có tiêu diệt được mục tiêu nào không? – Anh ta nói với vẻ bình thản nhưng không che giấu được ý nóng lòng muốn nghe câu trả lời.
Thay vì trả lời là “Không biết” hoặc “Tuyệt lắm” như anh ta và các phi công khác vẫn thường làm, lần này Billings lại thốt ra: “Bọn tớ ném bom hai nhà thờ”, rồi cười phá lên như bày tỏ sự bất ngờ và thích thú của chính mình trước sự kiện này.
Chiều hôm đó, khi trở lại khu nhà ở của phi công FAC, Billings gãi đầu và nhìn vào mặt các phi công khác, rồi lại thốt lên:
- Tớ cho oanh tạc hai nhà thờ! – Và anh ta cũng cười phá lên. Mọi người nói:
- Đừng có đùa!
- Họ treo cờ trắng ở trước nhà thờ. Lá cờ trắng chết tiệt đó hiện vẫn còn đang bay.
Trung uý Moore chen vào:
- Phải rồi, tôi cũng nhìn thấy lá cờ trắng hôm nay khi bay qua đó. Ta phải tiêu diệt nó. Đó là vấn đề nguyên tắc.
Cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề ném bom nhầm và thiếu tá Billings, từng là phi công ném bom trong Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, kể về lần cắt bom do nhầm lẫn trên đất Bắc Triều Tiên:
- Có một toà nhà lớn ngay ở trung tâm thành phố và họ bảo là một sở chỉ huy quân sự quan trọng. Mục tiêu này quan trọng tới mức họ điều hai máy bay trinh sát dẫn đường cho tôi vào đó. Tôi trút hết cơ số bom lên mục tiêu. Khoảng ba ngày sau, tôi biết rằng nơi đó là một trường học và chừng một trăm trẻ em đã bị sát hại. Họ không nói cho tôi biết sự nhầm lẫn này, nhưng tự tôi đã khám phá ra.
Một người khác mà tôi gọi là thiếu tá Nugent góp chuyện:
- Đầu năm 1965, có một phi công do nhầm lẫn đã ném bom vào một cô nhi viện và giết rất nhiều trẻ con. Về sau viên phi công đó biết được sự thật này, anh ta choáng váng đến nỗi phải xin làm việc vĩnh viễn trên mặt đất. Anh ta nói sẽ không bao giờ bay nữa.
Đại uý Reese, người đã cùng bay với tôi trong cuộc hành quân Hood River nhận xét:
- Đó là tâm trạng của rất nhiều người khi gặp một sự việc như vậy! Thiếu tá Billings phản đối:
- Không, ý tôi là đừng để cho cảm giác đó ám ảnh anh. Nếu không, anh không thể tiếp tục công việc. Phải làm cho nó trở thành một vấn đề hoàn toàn không liên quan gì đến bản thân mình. Sau khi anh giữ được tâm trạng đó một thời gian, anh sẽ quên đi ở dưới mặt đất đang có những con người.
Thiếu tá Nugent nói:
- Đúng vậy, mọi vật dường như rất yên tĩnh trên bầu trời nơi ta đang bay. Thậm chí chúng ta không thể biết khi nào thì mình sẽ bị ăn đạn. Chúng ta quên đi những gì đang diễn ra bên dưới. Chính những người lính bộ binh trên mặt đất mới biết rõ mọi chuyện đang diễn ra.
Tính chất trang nghiêm quá mức trong câu chuyện vừa rồi dường như đột nhiên lại tạo nên một sự thôi thúc trái ngược, gây ra trạng thái hưng phấn, và những nụ cười không thể kìm được bắt đầu xuất hiện trên nét mặt các phi công.
Đại uý Reese quay sang hỏi xem tôi có bao giờ được nghe những bài hát mà họ vẫn thường hát về cuộc chiến tranh này hay không. Tôi nói mình cũng đã được nghe một bài hát loại ấy.
Reese hỏi những phi công khác:
- Chúng ta có nên hát cho anh ta nghe một bài không nhỉ?
Đám phi công nhìn nhau và khi chưa có ai kịp trả lời thì Reese đã nhanh miệng cất tiếng hát:
“Bắn phá làng mạc và giết dân thường,
Thả bom na-pan xuống ô vuông toạ độ
Cất cánh mọi ngày chủ nhật từ lúc tinh mơ
Chộp được chúng nó vào giờ cầu nguyện.”
Tiếp theo, thiếu tá Billings lại ngân nga lời của một bài hát khác:
“Ném kẹo cho lính Việt Nam Cộng hoà,
Kéo chúng xúm lại với nhau
Rồi chộp lấy khẩu ca-nông 20
Bắn hạ lũ khốn chết tươi.”
Vào bữa ăn chiều tại nhà ăn của Lính thuỷ đánh bộ tối hôm đó, sau khi làm vài cốc giải khát, những người phi công bắt đầu những câu bông phèng để chế giễu ý kiến của ai đó cho rằng những cuộc ném bom do những phi công này dẫn đường thực hiện đều mang tính tàn bạo không cần thiết, rằng số phi công này đã bịa ra những nhận định sai lạc (trong khi bay tìm mục tiêu) và những tin tức bịa đặt như thế chỉ có thể xuất phát từ miệng những kẻ khát máu đi tìm thú vui trong việc cố ý tàn sát những người dân vô tội. Những người nói chuyện bông phèng đó dường như lại đang nói ra những lời trên đây trong một tâm trạng bất an và bối rối, còn số phi công khác thì lại gượng cười rất lâu để hưởng ứng, như muốn làm yên lòng những người đang nói. Tất cả những câu đùa giỡn này dường như lại gián tiếp nói ra sự cắn rứt lương tâm nảy sinh trong lúc họ tán gẫu với nhau vào buổi chiều tại cư xá phi công.
Khi ăn gần hết món chính, thiếu tá Nugent hỏi đại uý Reese:
- Hôm nay có xử được mụ đàn bà hay nhóc con nào không?
- Có chứ, nhưng tớ đã để thoát một mụ có bầu. Reese đáp.
Bộ mặt khô cứng nghiêm nghị với đôi lông mày rậm của trung uý Moore hiện lên sự đấu tranh giữa thái độ nghiêm nghị thường ngày và nụ cười điên loạn của anh ta qua câu nói:
- Khi ta khử được một mụ đàn bà mang bầu, ta phải tính là hai Việt Cộng, một tên là lính còn một tên là học viên sĩ quan.
Mọi người cười ồ lên. Thiếu tá Nugent nói:
- Bruce choảng trúng một đám trẻ đang chơi bi. Cả nhóm lại cười ầm ĩ. Trung uý Moore nói tiếp:
- Tớ khử được một bà già ngồi xe lăn. – Và mọi người lại phá ra cười. Billings nói:
- Các cậu biết không, hồi tớ bay trên đất Nhật Bản, mọi thứ đều có thể chơi xả láng. Bọn phi công chúng tớ hồi ấy đúng là chẳng có gì phải trù trừ, cứ gặp gì là bắn nấy. Tớ nhớ có lần gặp một lão già đang đi xe đạp trên đường, thế là tới bay đuổi theo lão ta rồi xả đạn xuống đường. Đôi chân lão già đạp xe mỗi lúc một nhanh hơn, các cậu không thể nào hình dung được hai chân lão già đạp nhanh đến mức nào đâu. Cuối cùng thì tớ cũng bắn trúng lão.
Việc thường dân bị giết trong các phi vụ ném bom do họ dẫn đường ít khi được nói ra trong các câu chuyện thường ngày của đám phi công này, song bây giờ chuyện đó được nói tới một cách vô tình – nhưng lại như là một kiểu tố giác. Họ đem những chuyện đó ra đùa giỡn bằng giọng nói tự nhiên, bình thường như mọi ngày. Tuy nhiên tiếng cười bùng phát ồ lên khác thường sau khi nghe câu chuyện của thiếu tá Billings đã làm cho họ cũng bị bất ngờ vì ngay chính tiếng cười đó. Tôi cảm thấy tiếng cười có làm dịu bớt sự căng thẳng đã nảy sinh và tăng lên trong lúc họ đùa giỡn. Nó làm dịu đi, vì có thể những người này vốn là những người nghĩ sao nói vậy, không câu nệ, và họ đã nhận ra rằng nếu để cho một vấn đề không được bàn cãi với nhau một cách rộng rãi cứ tồn tại giữa họ thì thật là một sự căng thẳng. Trung uý Moore cười sặc sụa đến nỗi không thể nuốt được phần thức ăn trong miệng, và trong nhiều giây người anh ta cứ co giật, đầu thì gục xuống, tay bịt lấy miệng. Cả anh ta và thiếu tá Nugent đều nước mắt giàn giụa.
Trung uý Moore thở dài, mệt bã người vì những tràng cười, nói:
- Ồ, tớ ấy à! Tớ chưa xử được mụ già ngồi trên xe lăn, nhưng chắc chắn mụ ấy phải mất nhiều máu lắm!
Không có ai cười vì câu nói đùa này. Im lặng.
Cuối cùng đại uý Reese nêu ý kiến là mọi người nên đi ra xem đêm nay trong căn cứ có chiếu phim gì.