Trong thời gian tôi ở cùng với các phi công FAC, họ và nhiều sĩ quan khác nói đi nói lại rằng chúng ta có thể chiến thắng nhanh chóng nếu như không bị quá nhiều ràng buộc. Chủ yếu họ nói về ba kiểu ràng buộc. Một là, trừ những nơi bộ binh tác chiến, còn thì không thể oanh tạc các xóm làng nếu như dân làng chưa được thông báo bằng truyền đơn hoặc bằng lao phóng thanh. Hai là, khi chúng ta muốn biến một vùng thành vùng tự do bắn phá” – tức là một vùng mà ta có thể ném bom tùy ý và không cần báo trước – dân làng phải được sơ tán đi nơi khác trước đó. Ba là, chúng ta không thể huỷ diệt một vùng nếu chưa được sự chấp thuận của tỉnh trưởng. Để tìm hiểu về hệ thống cảnh báo, tôi nói chuyện với Phòng Chiến tranh Tâm lý phục vụ Lực lượng Đặc nhiệm Oregon; về vấn đề sơ tán dân, tôi nói chuyện với Phòng Dân sự của Sư đoàn Không vận 101; và về quy chế xin chấp thuận, tôi nói chuyện với tỉnh trưởng. Sau khi bay trên khu vực của cuộc hành quân Benton trong 5 ngày đầu tiên, tôi tự giới hạn những điều cần hỏi của mình chỉ xoay quanh cuộc hành quân trong phạm vi thời gian đó. Kết cục, tôi đã khám phá ra rằng những thủ tục để vận dụng những ràng buộc này đã được điều chỉnh hoặc bị bóp méo hoặc bị bỏ qua tới mức trong thực tế những ràng buộc này không còn giá trị nữa, tuy nhiên đã có nhiều động tác giả tạo để làm cho đầu óc đám sĩ quan nghĩ là họ bị quá nhiều ràng buộc.
Tại Phòng Chiến tranh tâm lý của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, viên trung tá phụ trách nói với tôi rằng người của họ đã rải 1.515.000 tờ truyền đơn trên khu vực tác chiến và đã một lần thực hiện cảnh báo qua lao phóng thanh, song nội dung chỉ là những vấn đề có tính chất chung chung, và không có một cảnh báo rõ rệt nào về các cuộc oanh tạc sắp xảy ra. Anh ta cho tôi xem các bản sao (nguyên bản tiếng Anh) những tờ truyền đơn đã rải, kể cả những tờ truyền đơn mà Phòng Chiến Tranh tâm lý gọi là “loại Chiêu hồi”, loại này bao gồm nhiều truyền đơn kêu gọi các thành viên Việt Cộng về với “quốc gia” – tức là chính phủ Nam Việt Nam. Một số truyền đơn loại này có tính đe doạ, tung ra ảnh xác bộ đội Việt Nam trần truồng, vết đạn lỗ chỗ, chất thành đống. Một số truyền đơn khác có vẻ hoà giả cho thấy ảnh những người chiêu hồi mặt mũi tươi tỉnh, kèm theo những lời lẽ nói lên rằng cuộc sống trong các trại của chính phủ là ấm no, hạnh phúc. Máy bay chiến tranh tâm lý còn rải 180.000 tờ truyền đơn mang số 47-65, nhan đề “mìn của Việt Cộng gây những cái chết vô nghĩa”, đưa ra một bức vẽ người nông dân bị thương vì các vụ nổ tại ruộng lúa. Lời chú thích viết: “Việt Cộng cài mìn vào ruộng lúa của bạn và làm cho bạn bị đói. Bạn phải giúp quân đội Cộng hoà và Lính thuỷ đánh bộ chặn chúng lại và đừng cho chúng nó một hạt gạo nào của bạn”. Đằng sau tờ truyền đơn có những dòng: “Mìn của Việt Cộng giết người Việt trên đường, trong làng và trên những cánh đồng. Hãy giúp đỡ bạn bè và láng giềng của bạn bằng cách báo tin về những hành động ở đó của Việt Cộng”.
Viên trung tá nói cho tôi nghe về hoạt động của cơ quan ông ta trong ba tháng trước. Ông ta nói:
- Chúng ta thả truyền đơn vì muốn khai thác điểm dễ bị tổn thương của đối phương. Mỗi ngày chúng tôi thả tới hơn một triệu tờ truyền đơn. Chủ yếu chúng tôi dùng máy bay Cessna O02 để thả, nhưng bây giờ chúng tôi đã có loại C-47 và chúng tôi có thể rải hai triệu tờ truyền đơn mỗi chuyến bay.
(Sau đó, tôi nhìn vào sổ theo dõi truyền đơn của cơ quan này – trên một ngàn loại truyền đơn. Cuốn sổ chia thành các mục như “Các chiến binh vận động” trong đó có các loại truyền đơn như “Ủng hộ chính phủ Nam Việt Nam”, “Việt Cộng”, “Hướng dẫn cho dân”, “Chiêu hồi”, “Y tế”. Loại truyền đơn về “Y tế” đưa ra lời khuyên về vệ sinh cá nhân, vệ sinh công cộng. Ví dụ như khuyên dân làng đun sôi nước rồi mới uống, đậy nắp thùng rác, ngủ phải mắc màn. Những tờ truyền đơn này đều có một câu kết với nội dung cam đoan chính phủ sẽ “chăm sóc cho dân”.)
Viên trung tá nói tiếp:
- Chúng tôi cũng có loại máy bay mới, gắn loa với công suất 1.800 oát và nói nghe rõ ở độ cao 1.500 mét. Chúng tôi có một số cuốn băng chuẩn có thể dùng ở đây. Trong cuộc hành quân Benton, chúng tôi đã mở băng hoà giải dân tộc trong vài giờ. Ngay tại đây, chúng tôi cũng tự làm một số băng, bằng cách sử dụng những kẻ hồi chánh*; giống như cách chúng tôi thả truyền đơn. Đôi khi chúng tôi vừa mở băng vừa thả truyền đơn. Những kẻ hồi chánh kể lại việc họ đã được đối xử tốt ra sao, và đại loại những chuyện như thế.
* Kẻ chiêu hồi (cách dùng mang tính ca ngợi trong tâm lý chiến).
Viên trung tá nói rằng nhiều đơn vị bộ binh được sự trợ giúp của các tổ phát thanh bằng loa. Những tổ này đi trước bộ binh Mỹ, phát đi những bản tin kêu gọi đối phương đầu hàng. Trong chiến đấu, các đơn vị chiến tranh tâm lý thích dùng máy quay băng sẵn hơn là dùng giọng nói của người thật.
- Theo cách đó người đọc tin mới có thể tự tin và tránh được giọng run rẩy và rời rạc, - viên trung tá giải thích. – Đôi khi họ mở băng phát thanh từ ngoại vi khu vực đóng quân của Mỹ. Chủ yếu chúng tôi phát nhạc và thỉnh thoảng xen vào những cái mà chúng tôi gọi là “phương pháp kích động”. Chúng tôi dùng loại nhạc nhớ quê hương để làm cho Việt Nam cảm thấy cô đơn và muốn trở về với gia đình. Qua nghiên cứu chúng tôi biết rằng, đối với người Việt Nam nhạc sáo là thứ nhạc gợi tình cảm nhớ quê hương. Chúng tôi có ba bản nhạc, một bản do nam giới hát, một do nữ giới hát và một là nhạc sáo. Người nam và nữ hát về quê hương gia đình thân yêu của họ. Người Việt Nam rất gắn bó với quê hương. Có truyền thuyết cổ xưa của người Việt Nam nói về một vị chỉ huy thổi sáo hay đến mức kẻ thù vứt bỏ vũ khí và quay về với gia đình khi nghe ông thổi sáo…
Tôi nêu ra việc quân Mỹ đã huỷ diệt tới 40% số nhà cửa trong khu vực diễn ra cuộc hành quân Benton trong năm ngày đầu tiên, và hỏi xem ông ta nhìn nhận vấn đề này ra sao.
Viên trung tá nói:
- Chúng tôi đã huỷ diệt nhiều xóm làng và phải làm như vậy. Song có những luật tác chiến ngăn không cho chúng tôi tự ý ném bom bất kỳ ngôi làng nào đứng về phía chính phủ. Hễ có thời gian là chúng tôi cho máy bay tâm lý chiến tới đó và cảnh báo cho dân làng biết.
Viên trung tá cũng cho tôi biết về các tổ chức có tên là tổ nghe nhìn đi chiếu phim trong các trại và các thôn làng khi có cơ hội.
- Họ chiếu phim Mỹ, phần lớn là phim cao bồi miền Tây. Có lần, họ chiếu phim “The Swinger”, phim không tốt và đó là một sai lầm. Sau họ không chiếu lại phim đó nữa. Nhưng chúng tôi cố gắng đưa ra những bức ảnh nói về lối sống Mỹ. Chúng tôi cẩn thận thể hiện những gì mà họ hiểu được. Ví dụ, nếu ta cho họ xem một phim khoa học viễn tưởng họ sẽ không hiểu những gì đang diễn ra. Phim Walt Disney rất hay vì lời nói không quá trịnh trọng. Xen giữa các cuộn phim, chúng tôi cho họ xem phim hoạt hình và các phim ngắn có tác dụng củng cố những lời tuyên truyền của ta. Đa số các phim này là do Bộ Thông tin của Nam Việt Nam sản xuất. Một bộ phim có hình ảnh một Việt Cộng ngớ ngẩn đi lạng quạng rơi xuống con kênh, đại loại là như thế. Một phim khác lại cho biết một người hồi chánh đã quyết định bỏ hàng ngũ Việt Cộng ra sao. Đôi khi chúng tôi cho xã trưởng nói chuyện với dân giữa chừng buổi chiếu phim. Anh biết đấy, họ không hề có TV, không được xem chiếu phim, không có đầu đĩa hoặc thứ gì cả. Vì thế khi chúng tôi cho họ xem cái gì đó, họ thích thú vồ vập ngay. Điều mà chúng tôi làm được là đã để lại tâm trạng thích thú trong lòng đám trẻ, để rồi sau này chúng lớn lên khi gặp Việt Cộng tìm cách thuyết phục chúng, chúng sẽ nhớ lại những gì tốt đẹp mà Đồng minh đã làm cho chúng.
Khi tôi đi qua văn phòng của viên trung tá và bước vào một căn phòng rộng hơn, bên trong có nhiều bàn làm việc của các sĩ quan chiến tranh tâm lý khác, một viên đại uý gọi một viên trung uý:
- Này Ray, cuốn băng gợi nhớ quê do một giọng nữ hát thế nào rồi?
- Tốt lắm! – Anh ta trả lời, mắt vẫn chăm chú nhìn tấm bản đồ mục tiêu của Phòng Chiến Tranh Tâm lý nằm trong bìa kẹp hồ sơ, mặt ngoài có trang trí ảnh hai người mẫu của tờ “Playboy” mới ra trong tháng.
Một phút sau, viên đại uý đưa cho viên trung uý độc tờ truyền đơn nguyên bản tiếng Anh.
Viên trung uý cãi lại rằng lệnh giới nghiêm nêu trong tờ truyền đơn phải viết là: “Từ lúc mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc”, chứ không phải là “Từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng”. Người Việt Nam không biết giờ giấc gì cả vì họ đâu có đồng hồ.
Viên đại uý nói:
- Chắc chắn họ có đồng hồ. Anh cứ nhìn quanh căn cứ mà xem, ai cũng có đồng hồ cả đấy chứ.
Viên trung uý đáp lại:
- Đúng là ở căn cứ thì thế, nhưng nếu anh đi quốc lộ 1, nơi họ đang vận chuyển gỗ, gạo và thực phẩm, cứ mỗi chiếc đồng hồ mà anh nhìn thấy, tôi cược với anh hai chầu rượu đấy.
- Tôi nhớ lần vừa rồi, chúng ta ra lệnh thiết quân luật theo giờ. Sau câu này, hai người chuyển sang chuyện khác.
Trên sơ đồ treo tường bên cạnh bàn làm việc của viên đại uý có một cột cho thấy số truyền đơn rải từng tháng từ năm 1967, cột thứ hai là số người (Việt Cộng) đào ngũ hàng tháng, cột thứ ba là số người đào ngũ hàng tháng của năm 1966. Viên đại uý nói với tôi:
- Chúng tôi lập các bảng thống kê số người đào ngũ hàng tháng để qua đó đánh giá hoạt động của mình có hiệu lực đến đâu. Chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì con số hồi chánh năm nay cao hơn những tháng cùng kỳ năm trước. Đây là điểm mà chúng tôi quan tâm, cũng chính là điểm cho thấy chúng tôi thực sự đã làm được những gì. Tuy vậy, không có sự tương xứng giữa con số
truyền đơn rải xuống trong những tháng diễn ra nhiều cuộc hành quân của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon và số người đào ngũ trong những tháng đó.
Tôi đến thăm một lán nhỏ dùng làm Phòng Dân sự của Lữ đoàn 1 Sư đoàn 101 để hỏi xem có bao nhiêu người đã được di tản ra khỏi khu vực tác chiến trong cuộc hành quân Benton và được biết người ta cho rằng cuộc hành quân không làm phát sinh số dân di tản mới. Dường như tin tức về việc các trại ở đây chỉ có thể bảo đảm chăm sóc – một sự chăm sóc quá nhỏ bé – cho một số ít người bị mất hết nhà cửa, của cải trong khu vực này đã đến tai các vị quan chức ở Sài Gòn, và Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đã nhận được yêu cầu phải tiến hành hoạt động sao Cộng hoà không làm gia tăng nhiều số người tới các trại tỵ nạn. Trong tuần lễ đầu tiên của cuộc hành quân Benton, giải pháp của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đối với vấn đề này là vẫn thực hiện cuộc hành quân như bình thường nhưng không tiến hành việc sơ tán dân làng trước cũng như khi làng bị triệt phá. Vào ngày thứ sau của cuộc hành quân, tôi biết điều này khi hỏi viên thiếu tá phụ trách Phòng Dân sự là bao nhiêu trong số mười bảy ngàn người sống trong khu vực tác chiến đã được sơ tán, anh ta đáp có 15 người đã được trực thăng đưa đi và một trăm người khác đang chờ chuyển đi. Tôi nói rằng có khoảng 40% những ngôi nhà trong khu vực đã bị phá huỷ mà không cảnh báo cho dân làng. Viên thiếu tá nói là với sự giúp đỡ của Phòng Chiến tranh Tâm lý, Phòng dân sự đã lập một kế hoạch linh hoạt hơn, sẽ được thực hiện vào tuần thứ hai của cuộc hành quân nhằm tạo cho người dân ở khu vực tác chiến có cái mà viên thiếu tá gọi là “sự lựa chọn tự do” – hoặc vào các trại của chính phủ hoặc ở lại nguyên quán. Mỗi người lính Mỹ sẽ được giao một nắm truyền đơn được in ấn phục vụ cho cuộc hành quân Benton và tự anh ta sẽ đưa cho người dân ở đây khi có lệnh của người chỉ huy trực tiếp. Truyền đơn này mang số 244-133-68 với nhan đề là “Hãy đến trại tỵ nạn Lý Trà” với nội dung như sau:
“Người Lính Mỹ đưa cho bạn tờ truyền đơn này đang có mặt ở đây để giúp bạn tự giải thoát khỏi Việt Cộng và bọn xâm lược Bắc Việt Nam, những kẻ đã gây ra sự tàn phá của chiến tranh. Người lính này sẽ đưa bạn và gia đình đến trại Lý Trà, nơi đây chính phủ Nam Việt Nam sẽ bảo vệ các bạn. Tại trại này, các bạn có thể sống một cuộc sống hoà bình và thịnh vượng mà không phải lo lắng cho tính mạng của những người thân. Bạn sẽ tới Lý Trà bằng trực thăng và sẽ chỉ được mang theo hành trang cá nhân. Chính phủ Nam Việt Nam có trung tâm tỵ nạn ở Lý Trà và sẽ giúp bạn cho đến khi bạn có thể tự lập.
Nếu bạn muốn đến Lý Trà hãy vỗ vào vai người lính Mỹ và anh ta sẽ hiểu. Mang theo những tài sản của mình theo sự chỉ dẫn của người lính Mỹ. Nếu bạn không muốn tới Lý Trà, hãy xe tờ truyền đơn này làm đôi. Anh ta sẽ hiểu rằng bạn không muốn đi.”
Tôi hỏi viên thiếu tá phụ trách Phòng Dân sự xem theo anh ta thì mục đích của cuộc hành quân Benton là gì. Anh ta trả lời:
- Tỉnh trưởng đã cho chúng tôi biết vùng này gần như là vùng Việt Cộng 100%. Chúng tôi coi mọi người ở đây đều là Việt Cộng chính gốc, nếu không thì cũng là những người ủng hộ Việt Cộng ở mức độ nào đó. Trước khi cho oanh tạc một khu vực, luôn có một máy bay tâm lý chiến đi trước. Đây là cuộc hành quân để bắt sống Việt Cộng chứ không phải là càn quét khu vực. Ta không thể lúc nào cũng đi khắp nơi để lùa mọi người đi.
Tôi hỏi Phòng Dân sự còn có kế hoạch gì khác đối với người dân trong vùng. Anh ta đáp:
- Bây giờ chúng tôi sắp sửa ra khỏi khu vực này rồi. Chúng tôi không có kế hoạch gì cho thời gian trước mắt. Trách nhiệm của chính phủ Nam Việt Nam và Quân đội Cộng hoà là thực hiện công cuộc bình định và phát triển cách mạng.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì một viên đại uý ngồi gần đó nhận được một cuộc gọi điện thoại và sau khi gác máy, anh ta nói với viên thiếu tá:
- Đại tá gọi đấy. Ông ta muốn thiêu rụi hai làng đó. Ông ta nói đây là yêu cầu của Tỉnh trưởng.
Một trung uý dáng cao và trẻ mặc bộ đồ dã chiến có áo lót sơ mi đang ngồi ở phía bên kia lán hỏi xen vào.
- Thế còn dân làng thì sao? Viên đại uý trả lời:
- Đại tá nói chúng ta không định đưa bất kỳ người tỵ nạn nào đi cả.
- Ngài định nói gì vậy? Làm sao chúng ta có thể đốt làng mà không sơ tán dân đi?
- Đó là lệnh của đại tá!
Viên trung uý đứng phắt dậy và nói:
- Phải nhớ rằng chúng ta đã có luật tác chiến, chúng ta không thể đốt làng mà không chú ý đến dân. Đó là điều kỳ quái! Chúng ta có thể tôn trọng một vị đại tá hay không khi ông ta ra một mệnh lệnh như thế. Tôi muốn nói đây không phải là trò đùa đâu. Đúng không?
- Ông tỉnh Trưởng bảo chúng ta làm như thế. – Viên đại uý nói. Viên trung uý lại ngồi xuống.
Một thượng sĩ thuộc Phòng Tác chiến thốt lên.
- Người Việt Nam có thể tự tìm chỗ ở khác. Đó là cách của họ. Cứ khoảng hai năm, họ lại lên đường tìm một chỗ ở mới. Đó cũng là cách người ta đã làm ở Triều Tiên. Tại đó, các ngôi làng cũng không bị triệt hạ nhưng dân làng vẫn thu dọn đồ đạc và đi tìm chỗ khác.
Ngày hôm sau tôi tới Tam Kỳ, tỉnh lỵ của Quảng Tín, gặp ông tỉnh trưởng, Đại tá Hoàng Đình Thọ để hỏi về vai trò của ông ta trong việc trao quyền hạn hoạt động cho Lực lượng Đặc nhiệm Oregon trong năm ngày đầu của cuộc hành quân Benton và trong tỉnh của ông ta nói chung. Văn phòng của ông đặt ở một ngôi nhà lớn hai tầng, xây theo kiểu Pháp. Ngôi nhà nằm ở ngoại ô Tam Kỳ trong một khu đất rộng có một con đường dài cho xe ra vào, hai bên có hàng cây. Ở ngay hai bên lối vào của đường xe chạy, hai ngọn tháp ba tầng trát vừa có đắp hình nổi trang trí kiểu hiện đại, hai ngọn tháp đứng sừng sững như những tấm chắn khổng lồ đặt trên một khu đất bằng phẳng, cây cối đã bị san ủi để bảo đảm an ninh. Có một trạm gác đặt cạnh một ngọn tháp và bên ngoài là những cuộn dây thép gai rải dài ra tận những đám đất màu nâu sẫm. Một sĩ quan Việt Nam ở đó giải thích cho tôi biết rằng lẽ ra giữa hai tháp phải có một vòm nổi, song đã hết vật liệu. Theo ông ta, hàng cây đã được trồng theo một chương trình đặc biệt nhằm làm đẹp đất nước của Tổng Thống Diệm.
Hai bên văn phòng tỉnh trưởng là những dãy nhà dài và thấp dành cho các sĩ quan Việt Nam Cộng hoà và các cố vấn Mỹ. Ngay khi tôi tới – vào đầu buổi chiều – một chiếc xe tải nhỏ tiến vào một trong những nhà trên. Cuối thùng xe, một lính Mỹ cầm một khẩu súng canh gác khoảng hai mươi người Việt Nam, đầu bị những bao đựng cát dính đầy đất bụi trùm kín. Trong tình trạng mờ mịt không nhìn thấy gì xung quanh, một số người đan tay vào nhau, một số người khác quàng tay lên vai nhau. Một sĩ quan người Việt quát một tiếng gì đó và họ bỏ những bao trùm đầu ra rồi nhìn quanh, chớp chớp mắt trong nắng trưa chói chang. Có năm người trong số này là phụ nữ, tám hoặc chín người là nam thanh niên hoặc trung niên, ba người là ông già và hai người là con gái nhưng nhìn mặt còn dáng trẻ con. Sau khi giúp nhau run rẩy trèo ra khỏi xe, họ được giao cho một lính Mỹ cao to, trẻ và có nét mặt như học sinh, tóc dài thẫm màu. Anh ta có vẻ như tức giận vì chuyện gì đó. Anh ta quát những người này: “Đi ra đằng kia!”, vừa nói tay anh cầm cuộn giấy chỉ về phía cuối toà nhà. Đám người nhìn theo hướng anh ta chỉ nhưng vẫn đứng im. Người lính trẻ lại quát và quật cuộn giấy đang nắm trong tay vào mặt ông già vô tình đứng bên cạnh: “Tao đã bảo đi cơ mà!”. Ông già ngã người về phía sau, đôi mắt nhìn trân trân vào người lính, lúc này anh ta đang quay đi và hùng hổ bước lên trước đám người, mặt đỏ lên vì giận dữ. Bốn sĩ quan Mỹ trước đó đứng ở hành lang tán chuyện và nhìn đoàn người bị bắt ra khỏi xe, bây giờ đã đi vào trong nhà. Đám người đứng quanh một góc sân và được dẫn tới một căn nhà nhỏ quét vôi trắng, không cửa sổ đứng trơ trụi trên một đám đất điêu tàn. Vài ba sĩ quan Việt Nam Cộng hoà đang ngồi tán gẫu ở ngoài căn nhà nhỏ uể oải đứng lên khi nhìn thấy đám người bị bắt lại gần.
Tôi hỏi một sĩ quan Mỹ đi ngang qua khu vực này xem đám tù nhân kia là gì. Anh ta đáp:
- Họ là những người bị bắt giữ. Người ta tóm được họ ở nơi nào đó sau núi và bây giờ đưa về đây để thẩm vấn.
(Khi tôi ở Quảng Ngãi và Quảng Tín, tôi từng thấy nhiều tốp người bị bắt luôn bị trùm đầu bằng bao đựng cát, và bị lùa lên trực thăng hoặc xe tải dưới sự canh gác của lính Mỹ cầm súng ngắn. Qua Phòng Thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, tôi biết có đến 93% số người này cuối cùng đã được xác minh là vô số tội và đã được thả.)
Cuối cùng tôi cũng được Đại tá Thọ tiếp. Ông này trạc 40 tuổi, dáng người thấp bé hơn đa số đồng bào của mình. Ông ta có những nét bảnh trai, ăn mặc rất trau chuốt, phô diễn một thứ tiếng Anh khá vững nhưng lại thiếu tinh tế, cái vốn ngôn ngữ mà ông ta đã thu được trong hai năm tu nghiệp tại Mỹ. Mới đây báo chí quân sự đưa tin theo yêu cầu của ông, có một số máy điều hoà nhiệt độ dự định lắp cho các văn phòng rộng lớn của ông đã được chuyển sang dùng cho một bệnh viện quân đội. Khi gặp ông ta, tôi hỏi chuyện này và ông ta cười phá lên thích thú xen lẫn vẻ bối rối, vừa khoác tay bỏ qua chuyện đó. Sau đó ông ra hiệu cho một sĩ quan Mỹ đứng phía sau mình. Anh này bước lên mấy bước và bằng một giọng khàn khàn tự giới thiệu mình là trung tá Robert O. Lynch, cố vấn trưởng của tỉnh Quảng Tín, rồi bước lùi lại sau, mặt nghiêm trang như thể một quản gia đã được huấn luyện kỹ càng. Trong suốt cuộc phỏng vấn, Đại tá Thọ hay cười phá lên và khoa tay múa chân trong khi trung tá Lynch ngồi yên, dường như để tránh làm ảnh hưởng đến phong thái của Tỉnh trưởng do sự hiện diện khó chịu của một người Mỹ.
Chúng tôi ngồi quanh một bàn cà phê nhỏ, tôi hỏi Đại tá Thọ về vai trò của ông trong việc lên kế hoạch cho cuộc hành quân Benton, hỏi xem ông ta có hạn chế gì đối với Lực lượng Đặc nhiệm Oregon trong việc ném bom và bắn phá trong năm ngày đầu của cuộc hành quân hay không. Tôi biết phương pháp giao quyền hạn của ông ta trong một cuộc hành quân của Mỹ là không cần xem xét từng mục tiêu của từng cuộc oanh tạc hoặc bắn phá riêng lẻ mà đưa ra ý kiến giao quyền hạn tổng quát cho viên chỉ huy mặt đất của Mỹ trước khi bắt đầu cuộc hành quân. Khu vực Chóp Vum là nơi quân Mỹ đã được giao quyền hạn tổng quát như thế và đại tá Thọ không nhận được tin tức gì về kết quả của các trận oanh kích, trừ tin về thương vong địch, kể từ khi bắt đầu cuộc hành quân Benton.
Đại tá Thọ nói với tôi:
- Lục quân Mỹ có đến gặp tôi và xin phép mở cuộc hành quân và tôi báo cho họ biết những nơi không thể ném bom.
Về sau tôi được biết viên tỉnh trưởng đã được triệu tập tham dự một cuộc họp trước khi mở cuộc hành quân hai ngày và đã được yêu cầu phải quy định cụ thể về khu vực không được oanh kích. Lúc ấy đã có sự thỏa thuận rằng sẽ không được hành quân ở khu vực cách thị xã Phước Tiên vài cây số.
Ông Thọ nói tiếp:
- Ngoài Phước Tiên ra, người chỉ huy bộ binh được quyết định những khu vực ném bom. Đôi khi tôi cho phép đốt một làng có Việt Cộng phòng thủ nhưng số lần cho phép như thế không nhiều trong cuộc hành quân này. Chỉ một hay hai làng thôi. Đôi khi các làng ủng hộ Việt Cộng và chúng quá mạnh nên phải tiêu diệt chúng.
Tôi hỏi ông ta về kế hoạch đối với dân thường trong vùng.
- Hiện tại không có dân tỵ nạn, trừ khi họ xin đi. Chúng tôi mang đi tất cả những dân làng có thái độ thân thiện với chính phủ và đưa họ đến khu vực của chính phủ để bảo vệ. Đối với thân quyến của Việt Cộng, có lẽ họ phải chịu đựng khó khăn. – Đại tá Thọ nói:
Đến đây, trung tá Lynch ngước mắt lên xin được phép nói và sau khi được Tỉnh trưởng cho phép, anh ta nói:
- Dĩ nhiên, khi chúng tôi phải huỷ diệt một làng hầu như bao giờ chúng tôi cũng báo trước cho dân chúng bằng truyền đơn hoặc bằng loa phóng thanh. Chúng tôi rất cẩn trọng trong chuyện này.
Tôi hỏi Đại tá Thọ rằng sau khi cuộc hành quân Benton kết thúc, chính quyền có kế hoạch an ninh cho khu vực này hay không. Ông ta trả lời:
- Có thể có vào thời điểm nào đó, nhưng hiện tại chúng tôi không có đủ quân. Cuộc hành quân này nhằm tiêu diệt quân chủ lực của Việt Cộng. Cuộc chiến tranh này được tiến hành trên nhiều mặt. Đôi khi chúng tôi phát hiện ra Việt Cộng và di chuyển một số người để thực hiện cuộc chiến tranh kinh tế. Đôi khi chiến tranh kinh tế lại là quan trọng nhất. Phải kiểm soát được dân và thay đổi hình thái bố trí dân cư.
Tôi nêu nhận xét của mình với tỉnh trưởng là có hai nhà thờ ở Thạnh Phước bị ném bom và liệu ông ta có biết điều đó hay không.
Ông ta nói:
- Có chứ. Sáng nay tôi được nghe báo cáo là Việt Cộng đã huỷ diệt hai nhà thờ đó.
Tôi nói là chính tôi đã thấy máy bay Mỹ ném bom các nhà thờ này. Viên tỉnh trưởng cười phá lên vài giây và nói:
- Ôi dào! Trong chiến tranh, ta không thể lúc nào cũng phân biệt được những gì đang xảy ra và ta cũng không thể lúc nào cũng phân biệt được sự khác nhau giữa những ngôi nhà bình thường với nhà thờ.
Sau này, tôi nói chuyện với một đại uý Việt Nam Cộng hoà, một người đã nhiều lần đến các tỉnh phía Bắc từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, anh ta bày tỏ sự kinh sợ trước các chính sách của quân đội Mỹ ở vùng quân đoàn I trong khoảng một năm qua. Anh ta nói:
- Quân Mỹ đã huỷ diệt mọi thứ, nếu họ bị một phát súng ở một làng bắn ra là họ sẽ tiêu diệt cả làng đó. Chúng tôi có cảm giác là lực lượng S-5 của Mỹ xây dựng một làng còn S-3 sẽ huỷ diệt làng đó*. Tôi giúp phân phát gạo và vật liệu xây dựng cho một làng và ba ngày sau làng đó bị ném bom triệt phá hoàn toàn. Họ ném bom những làng có cả gia đình anh em binh sĩ chúng tôi đang sống. Một anh lính từ Sài Gòn trở về và thấy gia đình của mình đã bị giết hết. Họ ném bom cả người giàu lẫn người nghèo. Người giàu là kẻ thù của Việt Cộng. Chúng ta phải bảo vệ họ. Nhưng bây giờ người giàu có hai kẻ thù; đó là
* S-5 là Phòng Dân sự, còn S-3 là Phòng tác chiến. (Chú thích của người dịch)
Việt Cộng và những người Mỹ đã ném bom vào nhà cửa của họ. Người Mỹ ném bom cả vào trụ sở dân vệ địa phương. Ai vẽ ra chính sách mới này vậy? Người Mỹ không bao giờ tìm cách bảo vệ làng xóm. Chỉ cần một Việt Cộng – một người thôi – với một khẩu súng máy cũng có thể vào bất kỳ làng nào và dân chúng không thể làm gì đối với Việt Cộng đó. Dân thì có thể làm được gì? Chẳng làm gì được. Người Việt Cộng đó bắn vào quân Mỹ và thế là cả làng này bị ném bom.