Trên đường từ Tam Kỳ trở lại Chu Lai, tôi có dịp nói chuyện chừng 15 phút với một số người trong khoảng một trăm người dân trước đó một ngày đã được đưa ra từ khu vực diễn ra cuộc hành quân Benton tới khu vực tập kết để chuẩn bị chuyển tiếp đến một nơi khác. Theo các kế hoạch do văn phòng tỉnh trưởng vạch ra, những dân làng bị đưa ra khỏi khu vực hành quân Benton sẽ vào trại chính phủ ở Lý Trà, nhưng khi các quan chức tại Lý trà nghe được chuyện này, họ không nhận bất kỳ ai mới đến, với lý do là số người trong trại và họ hiện đã vượt quá khả năng bảo đảm ăn ở của trại. Số dân sơ tán đến vì vậy phải chia nhỏ và dồn về các trại nhỏ hơn. Chiếc xe Jeep chở tôi tình cờ dừng lại ở khu vực tập kết dân. Khoảng hơn trăm dân các làng từ nhiều nơi trong khu vực hành quân Benton đang tập trung trên một nền bê tông xi măng, cỡ bằng nửa sân bóng rổ, có lợp mái tôn, cột nhà bằng kim loại. Nền nhà nằm ở giữa một bãi đất trống đầy cỏ, nhiều bụi cây và cát sỏi, không có cây to. Kiểu địa hình này có rất nhiều ở vùng bờ biển của Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi, song đây không phải là vùng đất sinh sống truyền thống của người Việt Nam; những người dân nước này thường dựng nhà ở nơi có cây to, có nguồn nước, và dành những khu cát trắng khô cằn và cỏ xấu làm nghĩa trang. Cạnh nền nhà đã có nhiều dãy lều mái tôn hoặc mái rạ, tường bằng vôi rơm hoặc bằng bìa các-tông. Đây là nơi ở của những người đã bỏ nhà ra đi từ hồi đầu năm.
Tại đây không có lính Mỹ, nhưng với sự giúp đỡ của một thông dịch viên, tôi biết được trong số dân này có nhiều người đã sống xung quanh hai ngôi nhà thờ bị ném bom ở Thạnh Phước. Tôi tới gần nhóm này và tìm cách tự giới thiệu với người thiếu phụ ngồi co ro trên nền nhà với ba đứa con nhỏ đang xúm quanh mẹ, nhưng dường như đó là điều không thể làm được vì có khoảng hơn mười người khác ngay lập tức bu lấy tôi và tất cả đều cùng lên tiếng trả lời câu hỏi của tôi. Người thông dịch viên như bị ngợp trong những câu trả lời tới tấp này và chỉ có thể dịch được lời một số ít người. Chỉ có hai hoặc ba thanh niên trong đám này nhưng có rất nhiều phụ nữ trung niên và cho đến lúc này họ là những người nói năng mạnh dạn nhất. Tôi hỏi nhóm người bu quanh tôi rằng họ đã đi đâu khi cuộc ném bom bắt đầu và tôi lại được nghe những câu trả lời tới tấp:
- Chúng tôi chui xuống hầm.
- Chúng tôi không ra ngoài suốt ba ngày. Chúng tôi không có gì để ăn.
- Tôi muốn quay lại để tìm bà chị.
- Nhà tôi đã bị ném bom.
- Chúng tôi không có gì ăn ở đây cả.
- Ba người đã bị giết.
- Cho tôi xin cơm.
- Chúng tôi không có chăn ở đây.
- Toàn bộ nhà cửa bị ném bom rồi.
- Chúng tôi nấp trong hầm và đem theo bọn trẻ con.
- Chúng tôi không thể mang theo đồ đạc.
Tôi hỏi xem liệu họ đã tới được trại chưa và gia đình vẫn còn nguyên vẹn hay không.
- Các ơn, các con tôi đã có mặt đầy đủ ở đây.
- Tôi không biết con gái tôi ở đâu.
- Các con gái tôi đã ở đây nhưng con trai tôi đi đâu không biết.
- Chồng tôi không có ở đây.
- Chúng tôi chẳng mang theo gì được cả.
- Tôi muốn quay về tìm ba tôi.
Hình như tôi là người Mỹ đầu tiên nói chuyện với họ và đương nhiên, họ nhầm tưởng tôi là người phụ trách, người có thể giúp họ. Khi một phụ nữ nói ba ta muốn quay về tìm thân nhân của mình thì ngay lập tức cả nhóm người này tỏ ra phấn khởi hy vọng.
- Các ông có cho trực thăng quay lại chở thêm người không?
- Tôi có thể trở về không?
- Tôi không có gì ăn cả.
- Các ông có đưa thêm người ra không?
Khi đề nghị tôi đưa trực thăng trở lại đón thân nhân của họ, một số người chỉ tay về phía ngọn núi xanh xanh ở tận cuối cánh đồng nắng cháy.
Những người đàn ông có mặt ở đó đều không trả lời gì trừ khi họ được hỏi trực tiếp. Khi được hỏi về gia đình, một ông già đội mũ cói, mặt quần áo ba ba đen như đa phần nông dân Việt Nam thường mặc, nói với giọng lễ phép quá mức rằng con trai ông là lính Cộng hoà và ngay lập tức nhiều ba cũng đồng thanh nói rằng họ cũng có con là lính Cộng hoà.
Một bà khác nói thêm:
- Con tôi vào lính Cộng hoà cách đây bốn năm và kể từ ngày đó tôi chẳng có tin gì của nó.
Rồi lại có tiếng một bà khác:
- Con tôi đi với Việt Cộng.
Một số bà dường như không tin vào thông dịch viên nên đã dừng điệu bộ động tác diễn tả để thu hút sự chú ý của tôi. Họ chìa bàn tay không ra để chứng tỏ họ không có gì cả, họ chỉ vào đám trẻ bẩn thiểu hoặc chỉ vào bụng và nhăn nhó mặt mày làm vẻ đáng thương hại để thể hiện những gì mà họ đang chịu đựng. Một bà túm tay áo tôi, kéo tôi đi vài mét, chỉ vào một đống quần áo và những chiếc nồi đen xì rồi nói: “Đây là tất cả những gì tôi có thể mang theo”.
Trong số người tụ tập ở khu nền xi măng, có vài người đang đứng nhìn với đôi mắt đờ đẫn và miệng há ra. Tôi hỏi một bà về những người này, bà ta nói: “Anh này đang lên cơn sốt. Nhiều người khác cũng bị sốt”. Bà ta lắc đầu và nói: “Bây giờ mà bị sốt là khổ lắm”.
Một số người khác không quan tâm đến sự hiện diện của tôi. Một bà mẹ trẻ đi chân đất đang khom lưng cúi xuống đám con, quay lưng lại, cặp mắt giận dữ và sầu khổ khi nghe tôi muốn nói chuyện với bà qua thông dịch viên.
Bọn trẻ từ các lều lân cận đã hoà nhập với những người mới đến và chúng tỏ ra rất bạo dạn. Với thái độ giống như phần lớn trẻ em đã sống gần lính Mỹ trong thời gian dài, chúng thọc tay vào túi tôi và la to “Nào, nào, có gì làm kỷ niệm không nào?” (nghĩa thực tế là “Cho tôi cái gì ăn đi!”) hoặc “kẹo cao su, kẹo cao su” hoặc chỉ nói “ô kê”. Bốn đứa trẻ từ vùng Chóp Vum mà tôi tìm cách nói chuyện đã vụt bỏ đi, khi tôi đi theo chúng chúng không thèm nhìn tôi.
Sau khi tôi nói chuyện với người dân từ Thạnh Phước, một người đàn ông trung niên mặc bộ đồ đen sạch sẽ đã tìm đến tôi, ông ta tự giới thiệu là cựu mục sư của một trong hai ngôi nhà thờ đã bị ném bom. Ông ta cho biết đã rời Thạnh Phước trước đó một năm rưỡi và bây giờ đến khu tập kết này để giúp định cư những người dân mới đến đây. Ông ta giải thích, một ngôi nhà thờ là của Thiên Chúa giáo, ngôi nhà thờ kia của đạo Tin Lành. Người dân Thạnh Phước đã tự mình xây hai nhà thờ này từ một thập kỷ trước theo sự chỉ đạo của đoàn truyền giáo từ Sài Gòn đến – những người đã tạo điều kiện để họ có nguyên vật liệu xây dựng.
Khi xe chúng tôi rời nơi đó, một chiếc trực thăng hạ cánh và một gia đình đã mất người cha leo ra khỏi máy bay và đặt chân xuống một đám đất trống, mỗi người mang một bọc nhỏ.