Trên một bức tường trong khu nhà ở của các phi công FAC có treo một biểu đồ liệt kê số thương vong do bom (KBA) để ghi công cho các phi vụ do một số phi công dẫn đường trong tuần qua. Thiếu tá Billings được bốn “điểm”, thiếu tá Nugent ba “điểm”, đại uý Reese bốn “điểm”, đại uý Leroy hai “điểm” và trung uý Moore mười một “điểm”. Tối hôm đó, thiếu tá Billings nhận xét: “Đợt này Moore thâu tóm hết điểm KBA”. Cuối biểu đồ, một đoạn ghi chú giải thích hệ thống điểm, viết tay cẩn thận, cho biết:
Điểm được quy định như sau:
Nam giới.......................................Nữ giới
Người già: 3.................................Người già: 3
Tàn tật: 3......................................Tàn tật: 3
Trẻ em: 3......................................Trẻ em: 3
Tuổi quân dịch: 1..........................Tuổi quân dịch: 1
......................................................Mang bầu 5*
* Giết một người già, phi công ném bom được tính 3 điểm, một người tàn tật 3 điể, phụ nữ mang bầu 5 điểm… Biểu đồ này do phi công Mỹ tự động vẽ ra như là cách phản ứng, chế giễu chủ trương của cấp trên ném bom bừa bãi vào dân thường – ND.
Dĩ nhiên trong thực tế, phi công không mấy khi biết tuổi hoặc giới tính của những người bị chết do máy bay ném bom. Bởi vậy, cũng giống như câu chuyện tếu của họ vào tuần trước, biểu đồ này như một cách đùa tếu về việc dân vô tội thường hay bị bom sát hại.
Trong lúc tôi đọc biểu đồ thì thiếu tá Nugent nhìn tôi với vẻ bối rối và lắc đầu chán nản rồi nói nhỏ.
- Anh biết đó, vài ngày trước, một đơn vị bộ binh bị xơi đạn bắn tỉa từ một căn nhà, thế là họ gọi máy bay bắn rốc két xuống đó. Rồi lực lượng bộ binh lao tới và chỉ thấy hai người đàn bà và bốn em bé trong nhà, tất cả đều bị chết vì bom bi hoặc bom phốt-pho, còn Việt Cộng thì chẳng thầy đâu. Lực lượng ta không thể tìm được họ hoặc không thể biết là họ đi đâu. Kiểu chiến tranh này là thế đó. Đó là những gì mà chúng ta đang phải đương đầu. Có thể là những người đàn bà này đã bắn ra. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng dân thường luôn là người phải hứng chịu. Họ là nạn nhân trong mọi cuộc chiến tranh.
Ngày 28 tháng 8, khi cuộc hành quân Benton chấm dứt, Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tuyên bố rằng những đơn vị tham gia hành quân đã giết và đếm xác được 397 quân địch, phía Mỹ 47 lính bị giết. Trong một vùng diện tích 10x20(km), họ đã thả 282 tấn bom thông thường và 116 tấn bom na-pan; bắn 1.005 quả rốc két (không kể số rốc két do trực thăng phóng xuống); 132.820 quả đạn 20 mm, loại đạn nổ sát thương; 119.350 viên đạn 7,62mm, đạn súng máy từ máy bay Spooky và đã bắn 8.488 quả pháo. Vào cuối cuộc hành quân, Phòng Dân sự đã giám sát việc di dời 640 người trong số 17.000 dân trong vùng tới các trại của chính phủ.
Những báo cáo gởi về Sài Gòn để làm nên bức tranh số liệu chung về cuộc chiến tranh có thể chia làm hai loại. Một loại đánh giá thành tựu của Mỹ ở Việt Nam căn cứ vào số vật tư đã sử dụng – số vật tư này có thể là số bom đã ném xuống, số đạn pháo đã bắn ra, số truyền đơn tâm lý chiến đã thả, số cân gạo đã phân phối và số gallon chất làm rụng lá cây đã rải (1 gallon = 4,5 lít). Giống như sĩ quan tâm lý chiến của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tại Chu Lai thấy phấn khởi vì quân của mình đã gia tăng số truyền đơn rải xuống tỉnh Quảng Ngãi tới một triệu đơn/Ngày và cũng giống như viên sĩ quan pháo binh ở Đức Phổ cảm thấy tự hào vì lính của mình đã bắn 64.044 quả pháo và hai huyện trong ba tháng rưỡi, phần lớn các sĩ quan và quan chức Mỹ đều thấy có lý do để lạc quan trước quy mô những nỗ lực đã bỏ ra. Một loại báo cáo số liệu thống kê khác nhằm đánh giá các thành tựu của Mỹ ở Việt Nam theo kết quả của một số hoạt động. Những bản báo cáo thiệt hại do bom gây ra được các phi công FAC soạn thảo là một ví dụ dễ thấy. Các thuật ngữ “cấu trúc quân sự”, “nơi nghi là địa điểm tập kết địch” và “tỷ lệ bom rơi trúng mục tiêu” đều là những tiểu mục do cấp trên đặt ra, còn các phi công FAC chỉ làm nhiệm vụ điền vào đó những con số. Với hệ thống báo cáo như thế này, chỉ có những kết quả mà chúng ta nhằm đạt được mới được đưa vào báo cáo chuyển về Sài Gòn, còn những hệ quả phụ to lớn như tình hình các làng xóm bị huỷ diệt trên những khu vực rộng lớn lại không được nhắc đến. Điều không có gì ngạc nhiên là trong các “báo cáo đánh giá thiệt hại do bom” không có chỗ cho những con số về số dân thường bị hại và những ngôi nhà bị huỷ diệt.
Một vấn đề khác nữa là những từ ngữ dùng trong “báo cáo đánh giá thiệt hại do bom” không phù hợp với những gì mà các phi công FAC thấy trên mặt đất. Khi một phi công FAC dẫn đường cho một cuộc oanh tạc mục tiêu theo toạ độ của anh ta mô tả chỉ là một ô vuông của khu rừng rộng khoảng 100 mét mỗi bề và được gọi là “nơi nghi ngờ tập trung quân địch” hoặc dẫn đường cho một cuộc oanh tạc vào một ngôi làng được mô tả là “vị trí bắn tỉa của địch”, thì con số “tỷ lệ bom trúng mục tiêu” chẳng có nghĩa lý gì cả. Bởi vì người phi công không bao giờ biết được mục tiêu thực – là quân dịch – đã bị tiêu diệt đến đâu. Thế là họ xoay sang báo cáo về số lượng nhà cửa bị huỷ diệt hoặc bao nhiêu mét vuông rừng đã bị triệt phá, như thể đó là mục tiêu của cuộc ném bom. Hơn nữa, kẻ địch chủ yếu tiến hành chiến tranh du kích và thực ra họ không xây dựng các “cấu trục quân sự”, các phi công FAC đã vận dụng thuật ngữ này cho bất kỳ công trình nào mà máy bay của họ tình cờ ném bom. (Một số hầm và hang có thể đúng là cấu trúc quân sự, song báo cáo đánh giá thiệt hại do bom lại liệt kê chúng thành một loại khác.)
Phần lớn các thuật ngữ dùng trong các “Báo cáo đánh giá thiệt hại do bom” dường như được đề ra cho một hoạt động kiểu như cuộc ném bom vào căn cứ quân sự quy mô lớn, dễ quan sát tĩnh lại chứ không phải là cho cuộc ném bom vào các lực lượng du kích trong khung cảnh ruộng đồng, làng xóm và rừng rú mà các phi công FAC thường dẫn đường. Khi thấy mình phải dẫn đường cho các cuộc oanh tạc với một loạt những chỉ thị ít liên quan tới nhiệm vụ thực sự của mình, mỗi phi công FAC đều phải nghĩ ra cách báo cáo nơi đối phương đang hoạt động. Đây chính là lý do đã khiến đại uý Reese nghĩ rằng anh ta có thể phát hiện được đối phương trên những con đường mòn, nhìn thấy những đám cỏ mới bị rạp xuống do có địch vừa đi qua và rằng anh ta có thể phân biệt được đâu là nhà dân và đâu là nhà của lực lượng quân sự chỉ căn cứ vào việc chúng nó ẩn dướ hàng cây hay không. Đó cũng là cách mà trung uý Moore nghĩ rằng anh ta có thể phân biệt được người nông dân và người lính qua dáng đi của họ. Đó cũng là cách mà thiếu tá Billings tin rằng anh ta có thể phân biệt người lính địch và người dân thường chỉ bằng cách sà máy bay thấp xuống trên những dám ruộng và quan sát những ai đi tìm chỗ ẩn náu, và rằng anh ta có thể suy đoán được làn khói lơ lửng trên cánh rừng là từ đám lửa của người lính Việt Cộng hay của người Thượng.