Trong khi một vài đơn vị của Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 tham gia hoạt động với Sư đoàn dù 101 trong cuộc hành quân Benton, các đơn vị khác của Lữ đoàn 196 mở một cuộc hành quân không đặt tên dọc bờ biển dài năm cây số phía cực Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Lâu nay, hầu như lần nào đi vào vùng bờ biển này quân Mỹ cũng bị bắn; lần này Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 quyết định cách hành động tốt nhất là đưa toàn bộ dân chúng ước tính 5.000 người trong vùng di chuyển đến một nơi khác, sau đó huỷ diệt làng mạc của họ và biến cả vùng thành khu vực tự do bắn phá.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu của cuộc hành quân bắt đầu vào 21 tháng 8, các bộ phận của Lữ đoàn 196 sẽ bất ngờ đổ bộ bằng xe lội nước vào làng Tuyết Diêm, một làng chài trên một bán đảo nhỏ. Trong ba tiếng đồng hồ tiếp sau đó, số dân làng ước tính khoảng 600 người phải dỡ hết nhà cửa, lấy hết cột, xà, dầm nhà, tấm lợp trang rạ cùng với tất cả của cải, đồ dùng và gia súc, đưa ra bãi biển ngay phía trước làng. Sau đó theo kế hoạch, chiếc tàu đổ bộ sẽ liên tục chở người và mọi thứ chạy dọc bờ biển đến một địa điểm mới đã được chuẩn bị sẵn và dân làng sẽ dựng làng mới tại ví trí này. Địa điểm mới khai quang này nguyên trước kia là một làng lớn có tên là Sơn Trà, cách đây hai năm đã bị Lính thuỷ đánh bộ Mỹ dội pháo phá huỷ, dân làng đã phải di chuyển đến một vùng dọc quốc lộ cách đó mấy cây số, dựng lều lán để ở.
Một tuần trước khi mở hoạt động phá huỷ làng Tuyết Diêm, Lục quân đã có kế hoạch huy động dân làng Sơn Trà làm công việc dọn sạch mọi vết tích đổ nát trên làng cũ của họ để chuẩn bị cho dân làng Tuyết Diêm đến ở. Nhưng quân Mỹ lại nói với dân làng Sơn Trà rằng họ dọn dẹp làng cũ là để chuẩn bị cho họ trở về nơi ở cũ. Tung ra tin này, quân Mỹ hy vọng làm cho quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng không thể biết được mục đích việc dọn dẹp phát quang vùng này nhằm chuẩn bị cho một hoạt động quân sự mới.
Những người Mỹ vạch ra kế hoạch di tản làng Tuyết Diên và các làng dọc bờ biển khác cảm thấy rất ưng ý về tính gọn nhẹ, đơn giản trong kế hoạch của họ, nhất là khi so sánh kế hoạch này với nhiều kế hoạch dời dân lâu nay đã thực hiện trong tỉnh. Theo họ thì việc dời dân này sẽ không tạo ra số “dân tỵ nạn” như vẫn thường xảy ra gây nên một gánh nặng trong các trại tỵ nạn của chính quyền. Một đại tá của Lữ đoàn 196 nói về kế hoạch:
- Chúng ta chỉ làm gián đoạn công việc làm ăn của dân làng trong 6 giờ đồng hồ thôi. Họ sẽ có thể mang thuyền ra bờ biển và tiếp tục công việc ra khơi ngay khi chuyển đến làng mới. Một ưu điểm đặc biệt của cách làm này là chúng ta chỉ phải cung cấp cho họ một ngày lương thực. Họ sẽ đem theo nhà cửa của mình, do đó chúng ta không cần phải cung cấp cho họ vật liệu làm nhà, lần này sẽ không như những lần di dân trước kia – đưa năm ngàn dân vào trại tập trung nhưng chẳng có gì ăn, chẳng có nơi ở. Cuộc di chuyển lần này sẽ là hoạt động dân vụ tốt nhất trước đây chưa bao giờ chúng ta làm được. Việc di tản đã được chuẩn bị trước một tuần lễ, ông Ernest Hobson lâu nay thường không hài lòng với bất cứ hoạt động nào làm tăng số dân trong tỉnh phải dời chổ ở, nhưng lần này chính ông cũng phải nói rằng việc di tản dân làng Tuyết Diêm là một hoạt động được chuẩn bị cẩn thận nhất từ trước đến nay.
Những người Mỹ vạch kế hoạch cuộc di dân lại đặc biệt hài lòng khi nghe tin có một toán ca kịch người Việt Nam gồm ba diễn viên thuộc đoàn nghệ thuật do chính quyền Việt Nam Cộng hoà tổ chức làm nhiệm vụ lưu động khắp cả nước sẽ đến biểu diễn cho dân làng xem ngay vào đem đầu tiên họ mới chuyển đến nơi ở mới. Đêm trước đó, toán ca kịch này đã biểu diễn phụ vụ khoảng một trăm lính Mỹ tại một bãi chiếu bóng ngoài trời ở một căn cứ đóng quân của Lữ đoàn 196 Mỹ.
Dưới ánh đèn pha chiếu sáng một sân khấu thấp, hai thanh niên mặc quần áo nông dân màu đen hát những bản nhạc rock bằng tiếng Việt, có ghi-ta điện đệm theo. Sau đó chuyển sang một số bài hát Việt Nam và kết thúc bằng bài hát “Khi các thánh thần cùng đi hành quân” bằng tiếng Anh, giọng cao the thé. Phần hai của đêm diễn là một màn ảo thuật, trong khi các ca sĩ hoàn toàn giữ bộ mặt lạnh lùng vô cảm từ đầu đến cuối buổi biểu diễn thì anh chàng làm ảo thuật, một thanh niên chắc hẳn chưa quá mười tám tuổi lại không hề một lần mất nụ cười trên miệng trong lúc làm các động tác quen thuộc. Cậu ta di chuyển suốt cả buổi biểu diễn, thành thạo từng bước đi, từng cái vung tay… chứng tỏ mọi cử chỉ đều đã được tập dượt hết sức thuần thục. Ảo thuật gồm có các trò: làm biến mất một ly nước, lấy một tờ giấy bạc một đô-la gấp lại bỏ bào trong một mảnh giấy, bật lửa đốt mảnh giấy cho cháy thành than, rồi rút từ nhúm than ra một tờ giấy bạc còn nguyên vẹn; đưa ra ba chiếc cà vạt cho chúng tự buộc vào nhau giữa không trung; và trò tạo ra một chùm hoa giấy ngay trên vành tai của người bạn diễn.
Khi mở đầu buổi biểu diễn ảo thuật, số lính Mỹ ngồi xem vỗ tay một cách lịch sự, nhưng rồi sự hào hứng chẳng mấy chốc xẹp xuống, tiếp đó khán giả bỗng nhốn nháo vì một bầy côn trùng có cánh tựa như loài chuồng chuồn bay ra tràn khắp sân khấu và nơi cử toạ ngồi làm cho nhà ảo thuật mất hoàn toàn tập trung vào trò diễn. Buổi diễn kết thúc, một đại tá Mỹ tham gia và kế hoạch di chuyển nhăn mặt nói với một sĩ quan đồng sự:
- Tối mai họ có tiếp tục biểu diễn nữa không? Tôi nghĩ trường hợp tôi vừa mới phải bỏ làng cũ mà đi thì còn vui thú gì mà đi xem những trò này!
Sáng hôm sau, tôi đi theo các binh sĩ của lữ đoàn 196 có nhiệm vụ đổ bộ lên làng Tuyết Diêm. Vào bốn giờ rưỡi sáng họ tập hợp tại một khoảng đất cao phía trước căn cứ đóng quân, đến năm giờ bắt đầu đi theo con đường đất bụi ra phía bãi biển thành hai hàng dọc, người sau đi cách người trước khoảng mười mét. Ánh trăng hạ tuần xuyên qua màn mây mỏng màu sữa chiếu ánh sáng mờ nhạt xuống con đường đất. Tiếng nổ của đạn pháo từng loạt bắn nhanh từ xa vọng lại, pháo bắt đầu từ một giờ sáng, mỗi lúc một dồn dập cho đến sáng rỡ. Ở phía Đông hòn đảo, nơi chuẩn bị đổ quân, từng lúc lại rực lên ánh pháo sáng màu vàng dục. Buổi sáng mà trời đã nóng nực, oi bức, binh sĩ ai nấy đều đầm đìa mồ hôi trong bộ quân phục chiến đấu. Đoàn quân thành hai hàng dọc từ trên căn cứ đóng quân đi xuống và tiến dần về phía xóm nhà lá của dân làng Sơn Trà mới dựng lên.
Trời sắp sáng, nhiều nhà đã đỏ nến, dân dã dậy. Tiếng người nói trong các nhà bỗng im bặt khi biết có chúng tôi đến. Tiếng chó sủa cũng im bặt sau một tiếng quát gắt. Một bé gái đứng bên cửa nhìn đoàn quân đi qua; một người đàn bà ngừng kéo nước cạnh bờ giếng hay tay còn nắm dây gàu; một ông già cởi trần đứng trước sân trong ánh trăng mờ. Khi quân Mỹ đi được mười lăm, hai mươi phút, thì đoàn quân Việt Nam Cộng hoà xếp thành một hàng dọc lặng lẽ đi xuyên giữa hai hàng lính Mỹ theo hướng ngược lại. Có tiếng gà gáy mặc dù bình minh chưa ló. Cánh quân đừng lại.
Đột nhiên người nào đó thét to lên: “Chúng ta đang đến nơi chó đẻ nào thế này?”. Trên con đường vắng còn tối mù, tiếng thét càng vang to. “Mẹ kiếp, chúng mình lạc đường rồi”, có tiếng ai đó bực bội. Một sĩ quan đi nhanh lên phía đầu hàng quân, và một phút sau cánh quân lại tiếp tục di chuyển. Hai hàng quân bước qua một cái cổng gỗ để xuống bãi biển; có bốn thanh niên người Việt ngồi xổm thành một hàng trên bức tường đá, im lặng nhìn cánh quân đi qua. Một ông già dân chài mặc đồ đen đứng yên cạnh chiếc thuyền của mình, miệng ngậm điếu thuốc, nhìn đoàn quân đi. Đúng là nhóm dẫn đường đã đi nhầm đường vì, sau một lần dừng lại nữa, họ lại đưa cả đoàn đi qua một đám đất có nhiều bụi rậm đến đứng con đường họ vừa đi. Mười phút sau, binh lính cũng đến được bãi biển nơi có hai chiếc xe lội nước đang đậu trên bãi cát.
Cả đoàn được lệnh dừng lại nghỉ trong chốc lát, nhiều người lấy thuốc lá hút. Nghe lệnh, họ leo lên chiếc thang bắc hai bên thành xe, bước vào ngồi xuống sàn xe. Trên một chiếc xe lội nước, một trung sĩ chỉ huy trung đội bực bội quát to lên khi các binh sĩ đã ngồi xuống sàn xe: “Tất cả mọi thằng ở đây đều là đồ lính Mỹ chết tiệt; đi đâu tao cũng gặp những thằng lính Mỹ chết tiệt cả”. Nhìn một lính Mỹ đứng gần, gã hỏi: “Mày cũng là đồ lính Mỹ chết tiệt, hả?”. Người lính không trả lời. Một người khác nói: “Nhưng tôi không phải thế, ngài Trung sĩ ạ”.
Hai chiếc xe lội nước như hai cái thùng hộp nặng nề chuyển bánh rời bãi biển đi xuống nước. Điểm xuất phát đúng ngay cửa Trà Bồng, hai chiếc lội nước phải vượt lên làn sóng thuỷ triều đang lên mới đi được ra biển. Sau hai mươi phút di chuyển trên biển lặng, chúng tôi đã nhìn thấy làng Tuyết Diêm hiện lên trước mắt. Trời đã gần sáng rõ. Đến lúc ấy, chúng tôi mới nhìn thấy khoảng hơn chục ngôi nhà trong làng. Khi lực lượng tấn công đã đến gần, một người đàn bà vẫn tiếp tục công việc thu nhặt cái gì đó và ôm vào cánh tay trước của ngôi nhà của mình; một người đàn ông đứng dưới nước ngập đến đầu gối đang chuẩn bị mọi thứ để ra khơi bên cạnh chiếc thuyền đánh cá. Anh ta cũng chẳng ngừng tay, chỉ liếc mắt nhìn lên một thoáng, coi như hai chiếc xe lội nước chở quân Mỹ đang tiến vào làng là chuyện thường ngày. Hai chiếc lội nước lăn lên bãi cát, binh lính nhanh chóng nhảy xuống, một số bị té ngửa do mang trên người ba lô và súng đạn quá nặng. Một tiểu đội bước nhanh qua một bãi cỏ, súng M-16 cầm chắc bên hông trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Một tiểu đội khác chạy dọc bờ biển lên phía Bắc.
Đi qua mô đất thòi ra biển, đoàn quân đã tới bìa làng. Dân trong các nhà bước ra, im lặng đứng nhìn đám binh lính từng tốp đi vào làng họ. Binh lính cũng im lặng, không ai nói một lời, dân làng đàn ông cũng như đàn bà ăn mặc đơn giản, áo không có cổ, quần lửng. Đàn bà con gái để tóc dài xoã sau lưng, có kẹp tóc túm lại. Phần lớn dân làng đi chân trần, trẻ con dưới ba tuổi thì chẳng mặc quần. Chỉ vài người lính nghiêng đầu nhìn vào phía trong cổng mấy nhà dân, còn phần đông rảo bước theo con đường nhỏ hẹp chạy qua những ngôi nhà, vừa đi vừa căng mắt săm soi nhìn xung quanh, tìm mọi dấu hiệu phát hiện có địch. Chỉ có viên trung sĩ lúc ngồi trên xe lội nước ca thán bực bội về đời làm lính Mỹ bây giờ là hăng hái trong việc lùng sục. Gã đi thẳng tới một người trạc tuổi trung niên, tóc chải gọn gàng đứng bên cạnh vợ và đứa con trai trước một ngôi nhà trông dáng khá giả nhất trong xóm. Gã chỉ vào trong nhà, hỏi người đàn ông:
- Có gì ở trong kia không?
Không có câu trả lời, viên trung sĩ bước vào nhà, chỉ vào một cái hòm gỗ lớn, trang trí rất cầu kỳ:
- Mở cái này ra!
Người đàn ông nhìn viên trung sĩ tỏ ý không hiểu tại sao phải mở cái hòm.
- Đồ chết tiệt, tao bảo mở ra! – Viên trung sĩ thét lên, vừa lấy báng súng giáng mạnh xuống mặt hòm.
Người đàn ông mở hòm để lộ một chồng quần áo gấp cẩn thận. Viên trung sĩ thọc nòng súng vào hòm rồi bỏ đi.
Bước ra khỏi nhà, gã lại hỏi bằng tiếng Anh, pha lẫn một thứ tiếng Việt lẫn Pháp bồi mà lính Mỹ thường dùng:
- Việt Cộng ở đâu? Beaucoup* Việt Cộng hở?
* Beaucoup (tiếng Pháp): có nhiều. (Chú thích của người dịch)
Không ai trả lời. Gã đi qua một nhà khác. Thấy hai cánh cửa sổ bên hông đóng chặt có buộc dây thép, gã lấy báng súng giáng mạnh vào hai, cánh cửa nhưng không mở tung ra được. Gã tiếp tục đi qua nhà khác, cũng chẳng buồn đi vào nhà mặc dù thấy cánh cửa hé mở.
Một lát sau viên trung sĩ đến căn nhà thứ ba, hắn gạt tấm rèm che trước lối vào sang một bên, thấy một ông già đang ngồi trên nền nhà, ông cúi đầu xuống và nói điều gì đó chỉ nghe được một tràng “ơu- ơu- ơu- ơu- ơu”. Viên trung sĩ bực tức văng tục và nhại lại: “Mày điên hả, nói cái gì ơu- ơu- ơu- ơu- ơu!”.
Con đường giữa làng uống quanh chạy suốt cả làng Nhà cửa trong làng nằm rải rác khắp ngọn đồi. Ngay phía sau một nhà có mặt trước hướng ra biển, có một đống gạch đá vụn chất lên nền nhà chưa xây. Kề đó có một cây cọ, thân cây có đường kính khoảng 20 cách mạng bị chặt dở vào đoạn giữa thân nên cậy cọ vẫn sống được, phần ngọn của nó vẫn giữ được màu xanh, đổ nghiêng sang phần sân của nhà hàng xóm. “Do đạn pháo đấy”, một lính Mỹ nói to lên khi vừa trông thấy cây cọ. Ngược lên dốc đồi, những ngôi nhà trông nghèo nàn hơn, nằm kề sát nhau. Phần lớn là những nhà hai gian, vách trẻ trát đất, mái rạ.
Trên đỉnh đồi trải rộng ra những đám ruộng lúa bằng phẳng, toàn bộ diện tích khoảng một hécta.
Đám lính lúc nãy từ trên xe lội nước đổ xuống bãi biển đi qua một bãi cỏ, bây giờ đang ngồi trên sườn một đồi cát dốc thẳng đứng ngay phía sau đám ruộng lúa; từ trên đồi cát có thể nhìn thấy toàn bộ khu làng. Bao quanh đám ruộng lúa có hơn chục nóc nhà khá rộng, vững chắc, tương tự như những ngôi nhà dọc bờ biển. Hai nhà trong số đó đã bị đổ nát. Những quả pháo bắn vào xóm này cách đây không lâu còn để lại những hố sâu trên ruộng lúa đang trổ đòng, dấu bùn đất tung toé trên đám lúa xung quanh, trên các bờ ruộng cỏ mọc kín.
Nửa giờ sau khi lính đổ bộ vào làng, một toán chiến tranh tâm lý gồm hai người, một Mỹ một Việt bắt đầu mở băng phát loa kêu gọi dân chúng, loan báo quân Mỹ đến là để giải thoát dân làng khỏi sự thống trị của Việt Cộng, lệnh cho dân chúng tháo dỡ nhà cửa, chuyển toàn bộ vật liệu xây dựng, của cải, gia súc, chất xuống xe lội nước đổ bộ (lúc này chưa tới) cho xong trong vòng ba tiếng đồng hồ sau đó. Loa cũng loan báo là quân lính sẽ giúp dân chuyển mọi thứ của họ xuống tàu. Viên sĩ quan chỉ huy không ra lệnh cho lính phải làm việc đó, nhưng cho phép lính tự mình quyết định có thể giúp hoặc không giúp việc mang đồ đạc của dân xuống tàu.
Không bao lâu sau khi loan báo chuyện di tản, hai chiếc tàu đổ bộ được đưa tới, một chiếc dừng lại trong cái vịnh nhỏ ở phía trước giữa làng, chiếc kia đậu gần bãi cát dài ở phía Bắc. Dân làng đã bắt đầu làm theo lệnh đã loan báo vì họ đã biết tình hình là phải như thế. Trước đây lính Mỹ đã vào nhiều làng xóm ở Quảng Ngãi và thường ít gặp những đàn ông có đủ sức làm việc, nhưng ở Tuyết Diêm họ thấy có đến một phần ba các gia đình có đàn ông ở nhà. Tất cả mọi người từ những người rất già cho đến trẻ con năm, sáu tuổi bắt đầu mang từng túi, từng bao ra bãi biển. Dân làng thường cất giữ thóc lúa trong những chum vại sành cao ngang thắt lưng, những thứ này là khó di chuyển nhất. Những bé gái và bà già không có đàn ông đi theo phải tìm cách nài nỉ số lính Mỹ giúp họ bằng cách nắm lấy ống tay áo, cố lôi kéo số này về nhà mình để yêu cầu chuyển giúp đồ đạc của cải. Có bốn, năm lính Mỹ đồng ý giúp đỡ, thế là lập tức có ba, bốn bé gái và mấy bà già xúm quanh số lính này, nắm lấy ống tay áo, cố kéo họ về nhà mình, mỗi nhóm kéo về mỗi hướng khác nhau, có người cố cười để dụ dỗ, có người nét mặt tỏ vẻ buồn thảm van nài. Chỉ có số thanh niên và phụ nữ trẻ là chẳng cười, chẳng cần xin ai giúp.
Phần lớn dân làng bắt tay vào việc mang vác gồng gánh đồ đạc nhà mình xuống đồi với vẻ mặt lạnh lùng rắn rỏi. Phải làm cho kịp thời hạn ba giờ đồng hồ, họ gánh từng khối nặng ở hai đầu những chiếc đòn gánh bằng tre hối hả đi nhanh xuống bãi biển, quang gánh trên vai đung đưa nặng nhọc. Một bà lão mang đồ đạc trên lưng, vừa đi xuống dốc đồi vừa gào khóc ầm ĩ. Nhiều đàn bà khác khóc không ra tiếng. Một người đàn bà trẻ nước mắt ròng ròng dù trên nét mặt chị ta vẫn tỏ ra trấn tĩnh, đang cố dồn hết sức lực vào công việc. Tất cả bọn trẻ trên năm, sáu tuổi cũng im lặng chăm chỉ làm công việc của mình mà không chờ cha mẹ bảo. Lớp chín mưoif tuổi thì bồng bế em gái, em trai khoảng hai, ba tuổi ra bãi biển, để lại những gánh nặng hơn như lương thực, dụng cụ nấu nướng, đồ dùng gia đình cho cha mẹ chúng.
Trên bãi biển dài trống trải, những đứa trẻ nhỏ nhất, từng nhóm hai, ba đứa đứng khóc bên cạnh đống đồ đạc, của cải, nồi niêu xoong chảo của gia đình chúng. Bốn, năm lính Mỹ ghé vai vào đòn gánh khênh đồ đạc vừa cười vừa liếc nhìn nhau, lúng túng bước đi, giống như kiểu người lớn vui vẻ tham gia một trò chơi của trẻ con. Đối với số đông binh lính, những thứ dân làng mang đi chẳng có gì là đáng của đáng công. Ngoài những chum gạo dân làng còn muốn mang mấy chum nước mắm, một loại thực phẩm quan trọng đối với họ, thứ nước gia vị chắt lọc từ cá ướp muối, có mùi khó chịu đối với người Mỹ mới ngửi lần đầu. Họ còn mang đi cả những bó cành khô, lau sậy để làm củi đốt. Có người yêu cầu một lính Mỹ mang giúp một vài thứ xuống tàu, anh ta nhìn quanh những thứ ngổn ngang trên bãi cát rồi nói: “Cái gì? Tao mà mang mấy thứ đồ bỏ đi này hả?”.
Dân làng này là những người cứng cáp, khoẻ mạnh, ngay cả đàn bà cũng có thể mang những trọng lượng đủ mức thách đố một lính Mỹ trẻ. (Một lính Mỹ đỡ gánh củi nặng trên vai một bà già xuống rồi thử đặt lên vai mình, anh ta đặt xuống đất và bảo một người lính khác gánh thử, anh ta nhìn bà già dáng mảnh khảnh với ý muốn nói với những người lính khác sự kinh ngạc của mình). Lính chiến đấu Mỹ ở Việt Nam thường là những người to con, ngay cả với tiêu chuẩn người Mỹ, và ở Tuyết Diêm, nói chung họ cao hơn phần lớn dân làng một cái đầu. Một số đàn bà trong làng có thể đánh giá sức lực con người theo thầm vóc, nên đã kéo một số lính Mỹ tới trước một đống đồ đạc trọng lượng rất nặng và làm động tác ra hiệu nhờ họ chuyển dùm mấy thứ đó xuống biển. Một bà già dẫn một lính Mỹ về căn nhà nhỏ của mình, bà vừa đi vừa chạy, vào trong nhà hối hả dùng hai tay bới tầng đất cát dày giữa nền nhà. Cuối cùng lộ ra hai chum sành đựng đầy thóc, trọng lượng mỗi chum khoảng bảy mươi ký. Bà xoay chuyển hai chum thóc vào hai đầu quang gánh bằng dây thép và cầm chiếc đòn gánh, vừa làm động tác cố nài nỉ người lính Mỹ giúp bà chuyển hai chum thóc xuống bãi biển. Lát sau người lính Mỹ này phải cùng một người đàn ông trong làng cùng khiêng, mỗi người ghé vai một đầu đòn gánh, mỗi lần một chum, vất vả lần lượt khiêng theo con đường dốc đi xuống phía biển.
Đến khoảng mười một giờ, nắng bắt đầu xuyên qua mây mù, số lính Mỹ tham gia mang vác đồ đạc nặng cho dân dừng lại ngồi nghỉ, ai nấy mệt nhoài vì nóng bức. Đến mười một giờ mười lăm, đột nhiên một loạt súng máy vang lên, làn đạn làm tung toé mặt nước trong cái vịnh nhỏ, cách bờ khoảng hai mươi mét. Viên chỉ huy lệnh cho một toán tuần tiễu rà soát suốt dọc bờ biển, nhưng không xác định được loạt đạn từ đâu bắn ra. Đó là loạt súng duy nhất suốt cả ngày hôm ấy. (Cuộc hành quân Tuyết Diêm lần này có điều khác với các cuộc hành quân khác là không gặp địch. Lâu nay quân Mỹ hầu như không bao giờ biết trước được lúc nào thì quân địch sẽ dùng lực lượng trụ lại. Phần lớn các cuộc hành quân chỉ gặp hoả lực bắn tỉa hoặc đụng độ đơn vị nhỏ, kết cục là cả hai phía Mỹ và Việt Cộng đều bị thương vong.)
Chiếc tàu đổ bộ có thể vào sát bờ biển, cách mép nước khoảng mười mét, chỗ nước sâu ngang ngực người đứng. Mỗi lần chiếc tàu rời xa bờ, nhiều người dân nghĩ rằng đây là chuyến cuối cùng chuyển đồ đạc nên họ mang mọi thứ có thể nâng được trên tay, lội ào xuống nước sâu đến ném lên tàu. Lính ở trên tàu vội thét lên: “Không thêm được nữa. Đủ rồi!” và ra sức ngăn cản dân ném mọi thứ lên mép sàn tàu. Khi chiếc tàu chuyển dần ra xa bờ, một người đàn ông bất chấp sự phản đối của một lính Mỹ đứng ở đuôi tàu, cố bơi ra chỗ ngập nước tận vai, lấy hết sức ném lên tàu một bao đựng đầy nồi niêu xoong chảo. Người lính Mỹ tức giận đạp mạnh cái bao xuống nước.
Có vài chục lính Việt Nam Cộng hoà mãi gần trưa mới đến chiếc tàu đổ bộ. Họ chẳng mang giúp dân một thứ gì xuống bãi biển. Một người trong số họ mang theo một chiếc đài thu thanh bán dẫn, một nhóm lính Mỹ bảo anh ta dò tìm đài phát thanh quân đội Mỹ. Một điệu nhạc nền, thứ nhạc quên thuộc với lính Mỹ thường nghe ở các tiệm ăn hay khi bước vào cầu thang máy ở Mỹ, nay bỗng bang lên trên bờ biển đang đông kín dân làng. Một toán lính Mỹ khác ngồi xúm trên một áo choàng vải bạt che mưa, mở khẩu phần dã ngoại ra ăn, uống nước dừa họ vừa hái được quanh đó. Một số lính Mỹ mang theo máy ảnh, đang chụp những tấm ảnh dân làng mang vác di chuyển đồ đạc của cải ra bãi biển, chụp ảnh chiếc tàu chở quân đổ bộ chất đầy củi đốt, bàn ghế giường tủ, bao tải, chum vại đựng lương thực, súc vật đã trói chân, và những người dân trong làng. (Quân đội Mỹ ở Việt Nam khuyến khích lính Mỹ cố gắng chụp được những cảnh chiến tranh để gửi về nước. Ở phòng trưng bày ảnh tại nhà hàng dành riêng cho quân đội ở Đà Năng, có treo một tấm áp phích in hình những cây cọ, nhà cửa nổi lên trên nền một đám cháy lớn chiếm gần hết bức áp phích với ngọn lửa màu đỏ, da cam và khói đen. Hình cận cảnh nổi bật của bức tranh là hình bóng đen đầu đội mũ sắt của một lính Mỹ có kích thước lớn hơn người thực, hai tay cầm một chiếc máy ảnh đưa lên ngang mắt và bấm nút chụp ảnh. Phía dưới áp phích có dòng chữ: “Hãy gửi về nước một tấm ảnh có ý nghĩa lịch sử ghi lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.)
Để di chuyển được những thứ cần mang theo từ bờ ra phía tàu đậu, một số dân làng dùng loại thúng đan bằng mây tre, chống thấm nước bằng hắc ín và nhựa thông. (Các làng chài dọc biển Quảng Ngãi dùng loại thúng này như những loại thuyền con. Trên những chiếc thuyền đơn sơ này, người dân trong vùng đã dám ra biển ngay từ khi còn bé. Trên biển phía trước những làng này, tôi thường thấy bóng dáng bé xíu của những đứa trẻ chèo những chiếc thúng lướt nhanh trên mặt nước với một tốc độ đáng kinh ngạc, dù chúng chỉ có một mái chèo). Buổi sáng hôm đó, những người đi biển từ mấy hôm trước trở về Tuyết Diêm cũng tham gia chuyển đồ đạc xuống tàu đổ bộ. Đến trưa mới biết được dân số trong làng không phải là sáu trăm người như ước tính ban đầu mà lên đến một ngàn năm trăm người cho nên thời gian di tản dân phải kéo dài đến hết buổi chiều.
Tại Sơn Trà, nơi dân Tuyết Diêm được chuyển tới, một toán lính Mỹ được giao công việc giúp đỡ dân làng chuyển đồ đạc của cải của họ lên bờ. Xung quanh khu vực mới khai quang, để chuẩn bị cho dân làm nhà mới, một hàng rào dây thép gai được dựng lên nhằm bảo đảm kiểm soát được mọi người, người vào phải qua một cái lều bạt làm nơi đăng ký, phải lăn tay điểm chỉ, trả lời thẩm vấn, và qua một lều bạt chữ thập đỏ để kiểm tra nhanh sức khoẻ. Vì số người đông vượt quá xa dự kiến ban đầu, nên việc kiểm tra sức khoẻ và các biện pháp an ninh không đủ dù đã làm lướt qua rất nhanh. Có người nào đó đã phá hàng rào mở một lỗ hổng lớn và hàng trăm người đã ào qua đẻ giành chỗ dựng nhà. Tại khu đất này, sau khi phát quang vẫn còn lại ba ngôi nhà mái bằng, xây từ trước, trong đó có một nhà thờ đạo không mái che vẫn còn nguyên vẹn. Những hình vẽ của trẻ con vẽ máy bay trực thăng, trâu, bò, heo, gà, tàu chiến… tạo thành những nét cào xước trên mặt sơn các bức tường. Ở cuối khu đất là một đồi đá nhỏ đã bị biến dạng thành một cái ụ đá, lác đác những thân cây cụt ngọn xơ xác sau những trận ném bom, bắn phá của lính thuỷ đánh bộ Mỹ trước đó khoảng hai năm. Do kế hoạch bị trễ lại, các sĩ quan Mỹ ở Sơn Trà quyết định hoãn việc phá huỷ làng Tuyết Diêm sang ngày hôm sau, và đêm hôm ấy chỉ phá sập các giếng nước không cho Việt Cộng lấy nước dùng. Viên sĩ quan được giao công việc này nói rằng các giếng nước này đã được xây rất tốt, rất sâu, gồm nhiều tầng đá từ trên xuống dưới cho nên phải cần đến mấy trăm ký chất nổ mới phá hết tất cả các giếng.
Một viên trung sĩ quân đội Cộng hoà được chỉ định làm “trưởng làng” để kiểm soát và tổ chức dân làng Tuyết Diêm tại khu định cư mới. Binh lính Mỹ trong cuộc hành quân này luôn gọi anh ta bằng chức vụ mới và nói với anh ta với vẻ tôn trọng như tôi vẫn thấy khi người ta nói với Đại Tá Thọ ở Quảng Tín. Viên trưởng làng là một thanh niên cao, gầy, đôi môi lúc nào cũng mím chặt, dáng vẻ lúc nào cũng băn khoăn nôn nóng, mặc bộ quân phục ka ki còn nguyên hồ nếp, ủi cứng bóng, mắt đeo kính kiểu Pháp, gọng bằng nhựa trong chỉ vừa bọc lấy vành trên của hai tròng mắt kính. Đến khoảng hai giờ chiều khi tôi đến bãi biển phía trước khu đất, anh ta đang trong cơn tức giận vì lỗ trống của hàng rào thép gai đã làm cho việc đăng ký kiểm tra thành vô nghĩa. Anh ta đi qua đi lại phía trong hàng rào, vừa dùng loa điện gào to lệnh cho dân làng phải ở lại trên bãi biển, nhưng mệnh lệnh này đã quá muộn; có đến nửa số dân mới đến đã vào được trong khu đất trống.
Do dân làng không có đủ thời gian mà cũng chẳng có người để dỡ nhà và chuyển vật liệu lên xe đổ bộ như kế hoạch dự kiến ban đầu của quân đội nên vật liệu để dựng nhà không có. Trong mấy tuần liền sau đó, dân làng phải ngủ dưới những tấm vải căng làm lều dùng cọc chống đỡ hoặc ngủ dưới những chiếc thuyền thúng trát hắc ín. Trong thời gian này, họ bắt đầu đi chặt cây, chặt cọc ở khu rừng gần cạnh để dựng nhà ở tạm qua ngày. Đêm đầu tiên, họ dựng lều rải rác khắp khu đất, nhưng ngày tiếp sau đó họ mới hiểu ra họ chỉ là những người đầu tiên của một làng trong số nhiều làng phải di chuyển đến trong vùng khoanh của hàng rào và thế là họ phải dồn vào một góc ở phía cuối.
Ngày hôm đó, viên trưởng làng thực thi công việc hành chính đầu tiên của mình, anh ta thu hết giấy tuỳ thân của dân làng, không cho một người nào được ra khỏi vùng đã khoanh. Cùng hôm đó, quân đội quyết định cho di tản ngay một làng nữa, và thế là thêm một ngàn dân nữa được chuyển tới khu đất này, đưa tổng số dân theo con số chính thức lên đến hai ngàn rưỡi người. Nhưng số dân này chỉ được sử dụng một nửa khu đất, vì sẽ còn có thêm một số làng nữa đang nằm trong kế hoạch phải di tản trong tương lai gần. Đến cuối tuần đó, lính của Lữ đoàn 196 bộ binh cho nổ tung làng Tuyết Diêm, đốt cháy trụi cả làng không còn người ở. Quân đội phải hoãn việc di tản và tàn phá các làng khác cho qua kỳ bầu cử tổng thống tổ chức vào ngày 3 tháng 9, bởi vì quân của Lữ đoàn 196 còn phải làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực bỏ phiếu.
Cũng như nhiều đơn vị khác của quân Mỹ ở Việt Nam, bộ phận quân đội Mỹ làm công việc di tản dân làng Tuyết Diêm xong rồi tiêu huỷ làng này đều nghĩ rằng những việc họ đang làm chỉ là giai đoạn đầu của một kế hoạch từ thiện dài hạn đối với toàn miền Nam Việt Nam, sau đó sẽ xây dựng lại đất nước này và thành lập một chính phủ dân chủ tự do. Giai đoạn đầu của kế hoạch – tiến hành triệt phá các làng – thường được thực hiện một cách suôn sẻ, gây được niềm lạc quan rất mạnh đối với những người Mỹ làm công việc đó. Nhưng giai đoạn thứ hai – giai đoạn người Việt Nam cùng với các cố vấn dân vụ người Mỹ phải làm là xây dựng và tổ chức lại những làng như Tuyết Diêm, phải gắn kết toàn bộ xã hội lại – là một công việc khó khăn hơn nhiều người tưởng, và những người phải thực hiện công việc đó sẽ khó mà lấy việc tái thiết để bù đắp được quy mô tàn phá trước đó. Trên thực tế, rất nhiều nơi cuộc sống của những người dân ở các làng mới dưới chế độ của chính phủ Nam Việt Nam là một cái lều bạt cho cả gia đình đông người chen chúc trong một trại tập trung do chính phủ dựng lên, hoặc ở trên một khu đất trơ trọi như ở Sơn Trà.
Nhiều người Mỹ có tư tưởng lạc quan, trong đó có các phóng viên báo chí thường có khuynh hướng cho rằng việc triệt phá các làng xóm bằng nỗ lực quân sự được bù đắp lại tốt hơn nhờ hoạt động dân vụ sau đó, họ coi hai kết quả của hai việc đó tách biệt nhau nhưng lại là “hai mặt” cân bằng của cuộc chiến tranh; và khi nhìn vào việc chúng đổ người và vật chất vào đây, họ thường hay có ấn tượng đẹp trước quy mô của nỗ lực kiến thiết, như thể là công việc này đang được thực hiện ở một nước nào khác. Họ quên mất một thực tế là cả hai chương trình đó đã và đang được thực hiện ngay tại cùng những tỉnh, những làng đã bị tàn phá và những người dân đang nhận phần gạo trợ cấp lại cũng chính là những người của những làng đã từng bị huỷ diệt vì bom đạn Mỹ.
Những thường dân Việt Nam cảm nhận kết cục của hai chương trình đó không phải là “hai mặt” trừu tượng của cuộc chiến tranh mà là hai sự việc kế tiếp nhau của một thực tế duy nhất trong cuộc sống hàng ngày của họ. Theo đó, sự trợ giúp của người Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam đối với họ chỉ là một sự đền bù nhỏ bé (mặc dù đã có những lời hứa hẹn hào phóng in trong truyền đơn và các phương tiện tuyên truyền khác) so với những mất mát và đau khổ vô cùng to lớn họ phải chịu đựng. Nhiều người Mỹ, cả quân sự lẫn dân sự, đều có khuynh hướng không nhìn xa hơn những chương trình kế hoạch riêng biệt họ đã tham gia vào. Các quan chức dân vụ quên mất rằng chính bom đạn Mỹ là nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp gây ra sự cùng cực khổ ải của đại đa số dân chúng trong các trại tập trung, nên không hiểu nổi vì sao những người dân đói khát, mệt mỏi này lại không muốn biểu lộ lòng biết ơn sự trợ giúp của người Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam đã ban phát cho họ. Nhiều quan chức phụ trách dân vụ đã làm việc tận tuỵ không quản thì giờ, cố gắng hết sức mình làm cho thật tốt trong hoàn cảnh thời gian ít ỏi, của cải vật chất có hạn, và họ không thể nào hiểu được tại sao người dân vẫn còn ca thán và còn muốn có thêm nhiều hơn những gì họ đã được nhận. Nhiều quân nhân về phần họ chỉ tỏ ra trung thành với bổn phận của mình là thực hiện các hoạt động quân sự. Tự thấy đã thực hiện có hiệu quả một phần nửa của cuộc chiến tranh là phần quân sự - “phần nửa quân sự” -, họ coi trách nhiệm của chính phủ Nam Việt Nam và các cố vấn dân vụ người Mỹ là phải thực hiện nửa phần kia, tức là “phần nửa dân sự” bằng cách chăm sóc đến dân chúng, những người đã phải chịu nhiều đau khổ, mất hết của cải trong khi quân đội tiến hành công việc của “phần quân sự”. (Bởi vậy sau hai tuần tiến hành cuộc hành quân Benton, mặc dù Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đã triệt phá khoảng 65% nhà cửa của khoảng 17.000 dân, viên sĩ quan phụ trách công dân vụ của Sư đoàn Dù 101 vẫn có thể trả lời câu hỏi của tôi về tình hình sắp tới đối với nhân dân trong vùng này bằng cách nói rằng: “Chúng tôi không có bất cứ kế hoạch nào trước mắt cả. Trách nhiệm của chính phủ Nam Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hoà là thực hiện công cuộc Bình định và phát triển cách mạng”. Anh ta cũng không biết chính phủ Nam Việt Nam chẳng có kế hoạch gì đối với những người dân này). Nhưng bởi vì, trong khi mở các cuộc hành quân tàn phá các làng mạc, quân Mỹ đã giết chết nhiều thường dân, nên trong con mắt của dân làng, các nhân viên Mỹ phụ trách công dân vụ dù có thể có thiện ý bao nhiêu chăng nữa, dù có một ngày nào đó có thể họ được cung cấp đầy đủ để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, cũng không bao giờ có thể “bù đắp lại” được những đau khổ người dân phải chịu đựng do quân đội Mỹ gây ra hoặc có thể xoá bỏ được những việc quân Mỹ đã làm, những việc thường đến mức tận cùng không thể nào cứu chữa được.