Đến tháng Mười, tôi nhận được một bản báo cáo về thương vong của thường dân trong chiến tranh của một bác sĩ dân sự người Anh từng làm việc ở Quảng Ngãi trong ba năm. Trong báo cáo, ông viết rằng đến tháng 10 năm 1967, số người nằm viện riêng ở bệnh viện dân y của tỉnh đã lên đến 550 – 560 người mỗi ngày. Trong số này có khoảng 50% là những ca phải phẫu thuật. Như trong ngay 6 tháng 10 chẳng hạn, trong số 560 bệnh nhân thì có đến 350 người phải vào các phòng của khoa giải phẫu. Từ khi Lực lượng Đặc nhiệm Oregon đến đây, số dân bị thương nhập viên trung bình mỗi ngày khoảng 30 người, có ngày 10 người nhưng có ngày đến 40 người. Báo cáo viết:
Họ được chở bằng xe lambretta, bằng võng cáng, xe gắn máy, xe đạp và có khoảng 20% bệnh nhân đến bằng máy bay trực thăng. Số này gây nhiều khó khăn nhất, vì trực thăng phải chở từ những nơi rất xa đến, trong khi đáng lẽ phải được đưa tới bệnh viện gần hơn – ví dụ có lúc chúng tôi phải nhận cả những bệnh nhân đến từ tỉnh Quảng Tín. Đưa họ trở về nhà gần như là chuyện không thể làm được. Trong số bệnh nhân phải phẫu thuật có đến 95% bị thương do bom đạn, bao gồm:
1. Bị thương vì đạn pháo:.................................55% hoặc cao hơn
2. Bị thương vì đạn thường:...........................................15%
3. Bị thương vì bom:.......................................................15%
4. Bị thương vì lựu đạn:...................................................13%
5. Bị thương vì mìn:...........................................................3%
6. Bị thương vì bị bỏng do chiến sự:...........................8% - 10%
Báo cáo giải thích rõ những ca bỏng do chiến sự là các bệnh nhân bị bom na – pan, lân tinh, súng phóng hoả và do xăng của các thùng xăng do máy bay liệng xuống. Báo cáo viết tiếp:
“Chúng tôi thường gặp những người nhập viện với hội chứng chất nổ vì bom (ném từ máy bay) hoặc hơi độc từ các địa đạo. Có đến 10% số này thường chết ngay ở bệnh viện. Rất ít có tai nạn bỏng tại gia đình – không đến 1/20. Cũng có những ca bị thương do cảnh sát hoặc quân đội Cộng hoà tra tấn. Sau mỗi vụ bị bom đạn bắn phá, có đến một nửa số người bị thương nhẹ chỉ nằm ở nhà, cứ năm người ở lại thì có hai người bị chết tại nhà hoặc chết trên đường tới điểm cấp cứu của ấp hay trạm xá xã do một nhân viên y tế hoặc một nữ hộ sinh… cứa chữa. Một người được nằm điều trị cho đến khi khỏe. Hai người kia sinh người nhà chở tới bệnh viện tỉnh. Trường hợp người nhà nhận biết được tình trạng bị thương nặng thì họ có thể đưa ngay tới bệnh viện tỉnh chứ không đưa đến trạm xá. Tình hình ở các xã ven biển là đúng như thế. Ở những vùng khác xa hơn rất ít người bị thương được chở tới bệnh viện. Các tình huống dân thường bị thương là: 1. Đang sống yên ổn với gia đình, đang ăn, ngủ, làm việc bình thường thì bị bom đạn bắn phá, không biết trước sự nguy hiểm có thể đến bất kỳ. 2. Đang nấp trong hầm hố - hiếm khi xảy ra. 3. Bị thương vì đạn của bộ binh khi họ gặp địch bất ngờ hoặc bị quân đội cố tình bắn.”
Nếu phỏng đoán của ông bác sĩ trên đây về tỷ lệ thương vong của người dân đưa tới bệnh viện so với số thương vong của thường dân không được chở tới bệnh viện là đúng thì có nghĩa là từ khi quân đội Mỹ tới Quảng Ngãi, mỗi năm thương vong do chiến tranh gây ra đối với thường dân có tới khoảng 50.000 người. Vào ngày tôi phỏng vấn ông May thì đêm đó Việt Cộng đánh tràn vào thị xã Quảng Ngãi. Họ giải thoát 1.200 tù nhân bị giam tại nhà tù của tỉnh, phá sập hai trạm khí đốt của Mỹ, làm chết và bị thương 13 người.
Đêm đó tôi ở lại một nhà trong số nhiều nhà dành cho người Mỹ ở trong thành phố. Buổi tối, trước khi xảy ra cuộc tập kích, tôi còn ngồi nói chuyện với ông Hobson, cố vấn Mỹ của tỉnh phụ trách vấn đề dân tuy nạn và với nhiều bác sĩ y tá Mỹ làm việc tại bệnh viện tỉnh đang ở trong khu nhà đó. Trước đó, người Mỹ trong khắp thành phố đã được thông báo là có rất nhiều khả năng Việt Cộng sẽ mở cuộc tấn công vào thành phố ngay trong đêm đó. Ông Hobson, vốn trước đây có nhiều năm là sĩ quan quản giáo tù nhân ở Mỹ đã phát súng cho các bác sĩ, dạy họ cách sử dụng, nhưng cũng không mấy tin tưởng là nhân viên của ông có thể chống cự được nếu Việt Cộng tấn công vào khu nhà ở của họ. Ông nói:
- Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tấn công vào đây, nhưng họ có thể tấn công vào nơi nào mà chả được! Nếu họ muốn vào nơi anh ở họ cũng có thể vào được đấy.
Khu nhà này thường xuyên có bốn, năm lính Việt Nam Cộng hoà canh gác. Ban đêm, số lính này thường hay ngủ trong phiên gác, do đó người Mỹ sống trong khu nhà phải đặt ra chế độ mỗi đêm có một người Mỹ luân phiên nhau thức liền trong ba tiếng để nhắc nhở số lính Việt Nam Cộng hoà luôn tỉnh táo.
Đến chín giờ tối, một bà y tá đã có tuổi, tóc bạc, nét mặt hiền lành, nghiêm chỉnh đến gặp ông Hobson trong phòng của ông để hỏi cách nào đối phó nếu xảy ra một cuộc tấn công của Việt Cộng.
Ông Hobson góp ý với ba là cứ ở trong phòng mình và khoá cửa lại, các y tá khác ở trong dãy nhà đó cũng cứ làm vậy, khoá cửa lại và cứ ở trong phòng. Ông hỏi thêm:
- Bà có cần một khẩu súng không?
- Ồ tôi ấy à, không đâu. Tôi không muốn học cách dùng súng! – Bà y tá trả lời, giọng vừa tỏ ý ngạc nhiên vừa có ý đùa, vui vẻ.
- Vậy thì tôi sẽ kiếm cho bà một con dao nhé? – Ông Hobson hỏi bà y tá, và câu đùa bất ngờ của ông khiến cho cả nhóm binh sĩ bất đắc dĩ, trong đó có cả bà y tá già phá lên cười.
Mọi người trở về trong khu cư xá. Đến hai giờ sáng, hoả lực của súng máy bỗng nổ rền từ phía nhà tù nằm cạnh quốc lộ khoảng hai trăm mét, tiếp đến là dạn cối dội xuống liên hồi. Mọi người nhảy ra khỏi giường, bên ngoài là bóng đêm dày đặc. Ngay sau đó nghe có tiếng nổ đanh của pháo, liền tiếp theo là tiếng của đạn pháo rít qua đầu. Ông Hobson giải thích là mỗi khi có Việt Cộng tấn công, pháo của quân Mỹ cũng bắt đầu bắn vào “nơi nghi ngờ có địch tập trung” ở bất cứ nơi nào trong cả vùng. Tiếng súng ở khu vực quốc lộ nổ liên tục trong một tiếng đồ hồ rồi lặng dần, mọi người trong khu cư xá trở về phòng ngủ.
Buổi sáng hôm sau, dân thị xã đứng túm tụm từng nhóm bàn tán. Các quan chức thị xã cứ để xác một Việt Cộng trẻ tuổi, mình đóng khố, chân đi dép cao su, nằm trên vũng máu ngay trên đường phố trước cổng nhà tù; họ muốn chứng minh một thắng lợi của quân đội Việt Nam Cộng hoà và của Mỹ. Tuy nhiên trên cột cờ trước một sân trường học, một lá cờ của Việt Cộng vẫn phấp phới bay cho mãi đến mười giờ sáng. Khi nhà đương cục vặn hỏi viên hiệu trưởng, ông ta nói tự mình không dám hạ lá cờ xuống.
Trong khu cư xá của cố vấn quân sự, nhiều doanh trại bị hư hỏng, sáu chiếc xe Jeep ở giữa sân chính nằm bất động, lốp xe bị mảnh đạn cối đâm thủng. Tôi gặp hai sĩ quan đang đi kiểm tra tình hình.
- Cậu có nghĩ bọn con gái sẽ đến không? – Một sĩ quan lên tiếng hỏi viên sĩ quan kia.
- Con gái nào? – Viên sĩ quan kia hỏi lại.
- Bọn gái ấy mà! – Viên thứ nhất nói. – Bọn gái điếm ấy. Đến để đi picnic.
- À, tớ không biết. Rất nhiều nhân viên người Việt không đến sở làm việc sau vụ tấn công của Việt Cộng.
- Có lẽ một số gái sẽ đến. Chắc tớ phải chấp nhận con bé số 5 thay cho con bé mà tớ thích – cậu biết đấy, con bé số 2 ấy.
Ngay hôm đó, tôi biết được một lính Mỹ còn rất trẻ đã bị giết khi đang mặc đồ ngủ chạy từ trại lính ra công sự, mười hai lính khác bị thương khi chạy ra công sự hoặc ngay trên giường ngủ. Không có chiếc trực thăng nào có thể cất cánh được để trấn áp hoả lực của địch, vì đạn cối của dịch rơi trúng bãi đậu trực thăng ngay từ phút đầu tiên của cuộc tấn công.