1. Đường sắt từ Điền Trung tới Đài Đông.
Thấy trên người ông buộc chiếc khăn len màu đỏ, trông có phần “dị”, ông đứng thẳng lưng, khép chân trước quan tài anh trai mình. Tôi thầm nghĩ đối mặt với bất cứ việc gì, ông vẫn luôn bình tĩnh như vậy.
Đạo sĩ miệng vừa lẩm bẩm đọc gì đó, vừa bắt tay ông. Hai người ai nấy tay cầm đinh đi quanh quan tài, gõ chỗ này một chút, gõ chỗ kia một chút. Đây chính là nghi thức đóng đinh quan tài. Ông nội bảy mươi bảy tuổi đang đóng đinh quan tài anh trai ông tám mươi sáu tuổi. Tôi rất sợ ông sẽ gục ngã. Tôi rất muốn chạy tới nói: Ông nội cháu già rồi, không thể thay một người khác tới làm nhiệm vụ này sao? Nhưng ông rất kiên cường, rất bình tĩnh.
Ông luôn bình tĩnh xử lý tất cả những việc lớn nhỏ mà ông cho là nên làm. Mỗi ngày về tới nhà, ông lấy chiếc đồng hồ đeo tay từ trong túi quần ra, vặn nút chỉnh giờ rồi cất đồng hồ vào ngăn kéo. Trước khi ra ngoài, ông đeo kính lão xong liền chỉnh giờ theo chiếc đồng hồ lớn ở phòng khách. Ông chỉnh chuẩn tới từng phút từng giây, sau đó mới cho đồng hồ đeo tay vào túi quần. Đó là chiếc đồng hồ ông được tặng nhân dịp kỷ niệm ngày hội của nông dân, giờ dây đeo đã xước và có nhiều vết nứt, vậy mà ông vẫn không thay đồng hồ mới. Ông nói: “Cái gì tiết kiệm được thì nên tiết kiệm”.
Một từ “tiết kiệm” mà ông gần như nói cả đời. Thậm chí ông còn hạn chế đi xa nhà. Cả đời ông chỉ tới Đài Đông duy nhất một lần. Năm đó, đường sắt Nam Tuần bắt đầu được lưu thông. Ông muốn tới thăm chị gái thứ hai sống ở Đài Đông đang bị ốm. Để tránh phiền phức, ông không thông báo với bất cứ ai, ông đi một mình cho tiết kiệm thời gian và không qua đêm để đỡ mệt. Sáng sớm ông đi xe máy ra bến Điền Trung để đáp chuyến tàu tám giờ, dự tính một giờ chiều tới nơi. Thăm chị gái xong, bốn giờ chiều ông lại đi tàu về quê.
Hơn chín giờ tối ông về tới nhà. Mọi người trong nhà sốt ruột vì cả ngày không thấy ông đâu, nên thấy ông về, ai nấy đều chạy tới hỏi ông đi đâu. Ông chỉ đáp: “Đài Đông”. Cả nhà không ai tin, liền gọi điện tới Đài Đông hỏi. Chỉ thấy cháu họ ông nghe máy rồi kêu ca, cố giữ ông ở lại mà ông nhất quyết không đồng ý. Cả nhà xì xào bàn tán, vừa bực mình vừa thấy buồn cười về hành tung bất định của ông. Trong khi đó, ông vẫn ung dung ngồi ngoài thềm cửa cởi giày, xếp ngay ngắn, lộn tất về mặt phải.
2. Đường sắt Đài Bắc tới Tả Doanh
Tôi vẫn nhớ câu chuyện ông nội và chiếc xe máy khiến ai nấy không nhịn được cười.
Một hôm, sáng sớm ông đi xe máy như mọi ngày ra chợ. Ông để mũ bảo hiểm ở giỏ xe, sau khi dạo một vòng chợ, ông ra tới nơi, mũ bảo hiểm đã biến mất. Ngày hôm sau, ông để xe máy cũng giờ đó, vẫn chỗ đó. Ông mang theo mũ bảo hiểm mới mua vào chợ, đi một vòng rồi ra ngoài. Xe máy của ông biến mất.
Tôi không biết sau đó ông và mũ bảo hiểm của ông làm thế nào để về được đến nhà, chỉ biết không lâu sau đó, ông lại tậu thêm chiếc xe máy mới giống hệt chiếc bị mất. Kiểu xe số đời cũ đó có lẽ là một phần tất yếu trong cuộc sống của ông.
Hồi còn nhỏ, ba anh em tôi đều từng được ngồi trên chiếc xe máy của ông. Từng được ông đưa đi chơi những đâu, tôi không còn nhớ rõ, cũng có thể chỉ là đi xe máy lượn lờ hóng gió. Chỉ nhớ rằng nếu phải dừng xe nghỉ giữa đường thì đó chắc chắn là xe bán thịt viên dưới gốc cổ thụ lớn. Chiếc xe hàng viết mấy chữ “thịt viên Bắc Đầu”, giữa “thịt viên” và “Bắc Đầu” hình như còn có một chữ gì đó tôi không nhớ nổi (Thịt viên Đài Loan là món ăn vặt thường được làm từ các loại thịt động vật, hải sản băm nhỏ trộn gia vị, bên ngoài bọc khoai lang, chiên nóng hổi, mỗi viên to bằng nắm tay). Có thể là chữ “hỏa”, chữ “sinh”, cũng có thể là chữ “đoan” với ý xe hàng đó bán đồ gia truyền. Tôi học theo ông, dùng chiếc dĩa làm bằng gỗ để chọn thịt viên nóng hổi bày trên đĩa. Ông chọn viên hà chiên, bên trong có thịt hà trộn lá hẹ băm nhỏ, rán giòn, chấm xì dầu. Có khi, ông còn đưa tôi tới nhà của người chuyên thảo hợp đồng. Lúc ấy, tôi mới biết, công việc dường như rất thong dong, nhàn nhã ông vẫn làm chính là “môi giới”. Hóa ra mỗi khi ngồi trên chiếc xe máy với tốc độ 20km/h, ông đều quan sát khắp cả cánh đồng để lên kế hoạch môi giới đất đai, nhận tiền hoa hồng. Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu một người ít nói và có phần khô khan như ông lại có thể làm công việc đó. Nhưng thực tế là ông làm rất tốt. Rời khỏi nhà của người thảo hợp đồng, tôi cũng được ông cho chút tiền tiêu vặt. Ba anh em chúng tôi đã trưởng thành, ông vẫn thường một mình đi xe máy quan sát cơ hội làm ăn. Có lần về tới nhà, tôi hỏi ông giờ thường đi những đâu. Ông nghiêm túc nói: “Đi xem tàu cao tốc lắp đặt tới đâu rồi”. Đây có vẻ như bài tập mà thầy giáo người Nhật giao cho ông vào những năm 1970. Rất nhanh sau đó, đường cao tốc chạy qua khu đất bằng rộng mênh mông ở làng bên đã khai thông. Tôi mời ông đi thử từ Đài Bắc tới Tả Doanh. Nhưng ông nói rằng ông thích đi tàu Shinkansen (tàu cao tốc Nhật Bản) hơn. Ông nói một cách rất nghiêm túc.
3. Tàu cao tốc Tokyo tới Kyoto
Có lần tôi đi tàu Shinkansen nhưng không nói cho ông biết. Bởi khi ấy mới là hơn một tháng ngày con trai trưởng của ông (cha tôi) qua đời. Trước đó rất lâu, tôi đã đặt mua vé máy bay giá rẻ và cũng sắp hết hạn sử dụng rồi. Tôi không cho rằng cứ phải lãng phí vé máy bay mới chứng tỏ nỗi đau mất cha. Bởi vậy, tôi lại lặng lẽ lên đường một mình. Có điều khiến tôi bứt rứt nhất vẫn là, mỗi khi về nhà, tôi không dám ríu rít kể cho ông nghe Nhật Bản trong tưởng tượng của ông thực tế như thế nào.
Con cháu trong nhà đều biết cách duy nhất để tỏ lòng hiếu thảo với ông là tới siêu thị của Nhật ở Đài Loan hoặc cửa hàng hoa quả nhập khẩu mua táo Nhật biếu ông. Nhưng lần nào ông cũng chỉ ăn thử một miếng rồi nói: “Đây không phải là táo Nhật”. Nhưng mọi người vẫn không thay đổi thói quen mua đồ Nhật cho ông ăn. Thi thoảng cũng nhận được một câu khen của ông: “Cái này có vẻ giống của Nhật đó!”. Ông vui vẻ nói như một chuyên gia ẩm thực đang nhận xét các đầu bếp và cho điểm vậy. Người có lòng nhất trong họ nhà mình phải kể đến bác dâu họ. Ngoài táo, bác thường xuyên mua nhiều đồ Nhật biếu ông như bánh rán Doremon, bánh gạo, bánh thịt dê, kẹo sữa bò loại lớn.
Mỗi khi mọi người nhắc tới việc sẽ đưa ông đi Nhật chơi, ông đều nói tối qua nằm mơ, ông đã tới Nhật rồi. Thế là, ai nấy đều bảo tôi học được chút tiếng Nhật rồi thì gắng tìm lấy một cậu bạn trai người Nhật mà cưới, có vậy tới lúc tổ chức lễ cưới, cả nhà mới có cớ mà đưa ông sang.
Việc đầu tiên tôi làm khi tới Tokyo là đến siêu thị mua thử táo Nhật xem có ngon tới mức khiến người ta ngây ngất như ông tả không. Thực ra cũng không đến nỗi nào. Tôi ra cửa hàng đồng giá mua một chiếc dao nạo hoa quả. Khi đi qua Tokyo, Kyoto, Himejishi, Naraken, hễ gặp siêu thị là tôi lại mua hai quả táo, vừa để giải khát, vừa để bổ sung vitamin sau khi ăn món cơm thập cẩm toàn thịt cá mà chẳng có chút rau nào.
Trên tàu Shinkansen, tôi cũng không mua suất cơm hộp mà cơm thì ít, thịt thì nhiều, tôi chỉ ăn táo. Vừa gọt vỏ táo, tôi bất giác đưa mắt nhìn xung quanh khoang tàu, thấy những người làm văn phòng tay cầm tờ “Tin tức hằng ngày”. Có lẽ lúc ấy, tôi đang cố gắng tìm kiếm một người có thể giả vờ kết hôn với mình.
4. Xe điện JR từ Kyoto đến Naraken
Tôi mới được năm tuổi, ông đã hỏi: “Cháu có biết năm 1868 là đời Minh Trị, năm 1911 là đời Đại Chính, năm Chiêu Hòa là 1926 không?”. Ông lấy cành cây long não viết mấy con số đó xuống nền đất sét. Tôi cầm mấy hòn đá ném quả long não rơi đầy dưới đất. Vỏ tách ra, nước từ trong long não bắn lên mặt mũi cháu, ông liền nhặt lá cây giúp cháu lau sạch. Từ đó tôi nhớ mãi mùi hương long não.
Câu chuyện vừa kể trên thực ra có một nửa là hư cấu. Tôi vốn định viết tiểu thuyết có tính lịch sử bằng những câu chuyện và bài học ông nội kể cho cô cháu gái nghe. Tiếc là tôi không viết nổi. Trên thực tế, từ nhỏ tới giờ, những lần đối thoại có liên quan tới các con số với ông là như thế này: Kỳ này ông mua số nào? Ông có trúng xổ số không? Trúng điện thoại Samsung chưa ông ơi? Ông có được giải đặc biệt không?
Ông là người chơi xổ số theo kiểu chơi vui, thắng thua không quan trọng và biết điểm dừng nhất mà tôi từng gặp. Sau mỗi kỳ quay thưởng, ông đều viết những con số trúng giải vào tập vở chúng tôi dùng không hết. Mỗi ngày ông lại đem so sánh, đoán xem số nào có xác suất trúng cao nhất. Có khi ông trúng vài chục hay vài trăm tệ, cũng có lúc ông thắng cả nghìn tệ. Tôi thường đoán số giúp ông, và lạ thay cháu đoán rất chuẩn. Sau đó, một loại vé số mới được phát hành. Cả nhà mình đều thi nhau mua về thử vận may, duy chỉ có hai ông cháu tôi là không tham dự và trung thành với cách chơi truyền thống.
Dù vậy, câu chuyện bên cây long não hoàn toàn là ký ức có thật của tôi về ông. Hồi nhỏ, ông bảo tôi rằng người Nhật gọi những tấm thiệp là “diệp thư”, tức là chữ được viết trên lá cây. Ông cháu tôi nhặt rất nhiều lá mộc lan để dưới rãnh nước, chờ cho lá cây bị lũ giòi ăn sạch, chỉ còn phần gân lá, sau đó có thể dùng làm thẻ đánh dấu sách. Hai ông cháu từng đi qua không biết bao nhiêu con đường nằm giữa hai bờ ruộng. Có lẽ vì thế mà sau khi tới Kyoto, tôi cố gắng đưa mắt tìm kiếm một đoạn đường ruộng giữa chốn cố đô toàn kiến trúc chùa chiền cổ kính. Trên xe điện từ Kyoto tới Naraken, tôi đi qua rất nhiều bến tàu xung quanh là núi. Theo những gì tôi biết từ chương trình truyền hình ẩm thực Đông Tây của Nhật, một nơi như thế này chắc chắn sẽ có cánh đồng rộng mênh mông, bên kia con đường ngoằn ngoèo thể nào cũng có một hộ nông dân tự trồng các loại rau sạch như cà chua, củ cải. Tôi chụp ảnh xung quanh và bỗng cảm thấy mình thật buồn cười.
5. Tàu hỏa Kinh Hỗ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh
Năm ông ngoài bảy mươi tuổi, do yêu cầu thời đại, bối cảnh xã hội thay đổi, hai con của ông, một trai một gái đều tới đại lục để mưu sinh. Con gái ông - cô của tôi ở Thượng Hải, còn con trai ông - chú của tôi ở Hạ Môn. Bởi vậy, mấy năm trở lại đây, tới bữa tất niên là nhà tôi lại có rượu vang Trường Thành và rượu nho Bách Nạp để uống. Năm nào mọi người cũng hẹn nhau: Sang năm tới sẽ đón tết ở Thượng Hải hoặc Hạ Môn. Nhưng tới năm nay, lời hẹn chưa một lần được thực hiện, nguyên nhân là ông không đồng ý.
Sau này, tôi cũng từng nhiều lần đi công tác hoặc du lịch tới miền tây Trung Quốc. Phần lớn đều vào mùa hè và nơi đến nhiều nhất là Thượng Hải. Mùa hè ở Thượng Hải thật khủng khiếp, mới đầu tôi còn hăng hái đi xe buýt với cô tới khắp nơi trong thành phố. Cho đến khi tới khu chợ chuyên bán hàng nhái các thương hiệu lớn, tôi phải đứng dưới nắng mà diễn một màn kịch thường gặp với người chủ bán hàng.
Bình thường, rõ là đồ chỉ đáng giá ba mươi tệ nhưng người ta vẫn ra giá ba trăm tệ sau đó thấy khách lắc đầu, họ lại rút xuống còn một trăm tệ. Tới khi khách định quay đi không mua nữa, họ mới gọi lại và nói với giọng tiếc rẻ: “Được rồi, được rồi, bán rẻ cho cô!”. Tôi diễn không được ổn cho lắm, nên chưa đóng được một nửa kịch, tôi đã rút tờ một trăm tệ ra trả cho xong. Dù tôi biết người mua hàng chuyên nghiệp thực sự là tới phút cuối cùng rút tờ mười tệ, hai mươi tệ ra trả vẫn còn tỏ vẻ tiếc rẻ: “Có ngần này thôi, bán hay không?”.
Trò chơi này ở Thượng Hải rất phổ biến, chơi lâu rồi cũng chán. Thế là, Thượng Hải trở thành “trạm chung chuyển” khi tôi tới những nơi khác. Ngay cả nhà của cô, số lần tôi tới cũng chỉ bằng số lần tôi về quê nhà Chương Hóa mà thôi. Mỗi khi tới nhà chơi, cô thường đùa tôi rằng: “Trong số các tiền bối của mình, cháu yêu ai nhất?”. Thường thì tôi sẽ không cho cô đáp án, cô chỉ cười trừ. Cũng có lúc tôi thêm vào một câu: “Ai cho cháu tiền cháu sẽ yêu người đó”.
Tôi là người không biết giữ tiền, cũng như không bao giờ ở đâu đó lâu được. Quãng thời gian ở Thượng Hải, tôi đi xe buýt tới bến tàu, đi tàu giường mềm tới thẳng Bắc Kinh.
Tàu khởi hành vào buổi tối nên lúc tỉnh ngủ, tôi đã có mặt tại thủ đô rồi. Mấy buổi sáng liền, tôi đều đi qua khu quảng trường náo nhiệt, sầm uất. Lúc ấy tôi biết rằng, mình đã ở một nơi xa ông nội lắm rồi.
6. Bến Thanh Đồng trên tuyến đường Bình Khê
Mỗi lần trước khi muốn “dụ” ông đi xa nhà, mọi người đều đặt cược xem rốt cuộc ông nội có chịu đi không. Lần nào cũng vậy, không hề có ngoại lệ, những ai cược ông không đi đều thắng. Cuối cùng, chẳng ai buồn đặt cược nữa. Nhưng lần này, ông lại đồng ý tới Đài Bắc để dự tiệc cưới con trai của cháu họ ông. Cũng phải nói là do bốn đứa con nhà cháu họ ông liên tục thay nhau gọi điện khẩn khoản mới thuyết phục được ông. Tôi tìm chiếc CD ca nhạc chọn lọc mua ở chợ đêm và đặt trong xe. Tôi thầm nghĩ biết đâu ông lại ưu ái muốn lên xe của tôi. Song kết quả không như tôi mong đợi.
Tôi nghĩ ông nội sẽ tới nhà mới của mình ở Thạch Đính nên lên kế hoạch đi thăm thú các nơi sao cho ông bà vừa được thưởng thức món ngon, vừa được tham quan, vừa không bị mệt. Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ không thích khu phố nơi người ta đi lại như mắc cửi nên những nơi ấy bị loại ngay. Nơi tôi nghĩ tới đầu tiên chính là bến Thanh Đồng nối giữa Thạch Đính và Bình Khê. Bởi nơi đó còn giữ lại khu nhà ở của người Nhật, có rất nhiều đĩa phim đồng quê mà ông bà đều thích, đó cũng là cảnh quay trong nhiều bộ phim. Những ngôi nhà đó được sửa lại và đặt tên là “Kyoto” hay “Hokkaido”. Tôi thậm chí còn dự định sẽ chụp cho ông bà mấy kiểu ảnh ở đó rồi đem ra để gạt mọi người rằng: tôi đã từng đưa ông nội sang Nhật rồi.
Kết quả, ông đến nhà tôi ở nhưng không có cơ hội đi ra ngoài bởi vừa nghe nói ông tới, tất cả họ hàng thân thích đều bất ngờ tới mức như có ai đó thốt lên rằng “sắp trúng số rồi”, nhiều người tới nhà thăm ông, trong đó có chị gái cả đã chín mươi tuổi của ông.
Nhà tôi nhanh chóng trở nên chật cứng vì người đông như tết. Mọi người thấy ông đều rất mừng. Cả nhà cùng chuyện trò rôm rả, ông vẫn ngồi, rồi lại đứng dậy, mở rèm cửa và một mình ngồi hút thuốc lá ở ban công. Cuối cùng, có người lên tiếng rủ cả nhà đi ăn đậu phụ ở phố cổ. Tôi thầm đánh cược với chính mình rằng ông nội sẽ không đi. Yeah!
Tôi đã đoán đúng. Ông giục chú hai đưa ông về nhà chú ấy để nghỉ trưa, thế là tôi tiễn họ xuống tầng và nói tạm biệt. Tôi bỗng sợ đây là lần cuối cùng ông tới Đài Bắc. Lúc lên lầu, tôi bỗng nước mắt giàn giụa.