"Điểu lộ trại” là câu cửa miệng của ông nội tôi. Mỗi khi nói xong ba từ này, ông liền tự động “biến mất”.
Mỗi khi cả họ có cỗ bàn tiệc tùng, mọi người lại cười nói rôm rả tới mức quên cả thời gian. Lúc ấy, ông nội sẽ nói: “Điểu lộ trại!” Sau đó, ông đứng dậy, đi ra ngoài để tìm sự yên tĩnh. Hồi ấy không ai hiểu tiếng Nhật cả, chỉ nghe có một từ “điểu” (thường dùng trong câu chửi thề của người Trung Quốc) nên đều nghĩ đó là câu chửi thề. Cả nhà lại thì thầm: “Ông nội giận rồi!”.
“Điểu lộ trại” không có nghĩa gì trong tiếng Hán, đọc theo âm Nhật là u-ru-sai, nghĩa là ồn ào, phiền phức, không phải câu trách móc hay mắng mỏ. Giống như câu mà các thiếu nữ bây giờ thường nói khi giận hờn, nũng nịu. Nhưng với một người già tám mươi tuổi vẫn khỏe mạnh, đứng thẳng lưng được như ông nội tôi, chẳng ai tin nổi ông đang giận dỗi hay làm nũng cả.
Đúng là một dòng họ lớn, những việc “u-ru-sai” như thế này nhiều vô kể. Ban tổ chức hội làng muốn quyên tiền hương, dầu đèn, bà nội tôi bảo đóng góp nhiều một chút để cả nhà mình được trời Phật phù hộ, trong khi ông nội chỉ nói: “Điểu lộ trại”. Mồng ba Tết hằng năm, cả nhà lại làm cỗ đãi họ hàng thân thích. Ba chị gái và một em gái của ông nội đều tới, và cả nhà sẽ phải nhiệt tình tiếp đón. Lúc ấy, ông lại nói: “Điểu lộ trại”. Họ hàng xa tổ chức cưới hỏi, ông phải đi ăn cỗ; thấy người ta đặt cột điện cao áp bên bờ ruộng mà chẳng để làm gì, các cháu gái mang chó mèo về nhà nuôi... ông đều nói: “Điểu lộ trại”, “điểu lộ trại”, “điểu lộ trại”. Những việc làm phiền tới nhiều người, hay việc phải tiêu tiền, việc ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt của ông đều là những việc “điểu lộ trại”. Ông như một ẩn sĩ thích sống thanh tịnh và yêu cầu cao, nhưng cũng là một cụ già ngoan cố, hồ đồ. Hai con người ấy trong ông tạo nên gen bảo thủ của cả dòng họ.
Không biết tính cách ấy được truyền lại từ đời cụ nào.
Có điều, không nghi ngờ gì, bản thân tôi cũng được di truyền lại. Có lẽ việc viết lách là cách tôi đối diện với thế giới ồn ào bên ngoài và tìm cách thoát khỏi câu “chửi thề” ấy của ông.