Thực tế là con đã ngày càng xa rời thời thơ ấu của mình. Trưởng thành rồi con mới biết Vương Công hóa ra không phải là cung điện của vua. Hồi con còn nhỏ, cha và mẹ nuôi ba anh em con bằng đồng lương đi làm. Gia đình mình còn không được coi là gia đình trung lưu. Trong ký ức của con, cha chưa từng lái chiếc xe nào tử tế, nhưng hễ nhắc tới thời thơ ấu, trong đầu con lại hiện ra cảnh được cha đưa đi chơi.
Thời ấy còn chưa có ngày nghỉ cuối tuần. Làm việc tại xưởng ô tô, cả tuần chỉ có ngày Chủ nhật cha không cần mặc bộ đồng phục màu nâu. Trước khi đi chơi, cha không bao giờ nói cho con biết. Nhưng con nhớ là, mỗi khi thấy cha bắt đầu nổ máy, nhấc tấm đệm xe lên phủi bụi và thêm nước vào cốp xe, con biết ngay mình sắp được đi chơi.
Trước khi xuất phát, cha không bao giờ nghiên cứu lộ trình. Nhà ta ở khu vực đồng bằng trung tâm thành phố Chương Hóa nên thường đi theo hai tuyến đường: một là đi đường núi phía đông, từ Điền Vỹ tới Điền Trung, Nam Đầu, Danh Gian, Trúc Sơn, Lộc Cốc. Hai là đi đường biển phía tây, từ Điền Vỹ qua cầu tới Khê Hồ, sau đó tới Nhị Lâm, Phương Viện và bờ biển Vương Công.
Chúng ta không có địa điểm đến, cha cũng chưa từng nói sẽ đi theo lộ trình nào. Thông thường, nếu đi lên đường núi mà trông thấy đoạn đường nào có khe suối, cha sẽ dừng xe, cho chúng con đi nghịch nước hoặc câu tôm. Thấy có vườn cam đang cho quả sai trĩu, cả nhà liền mang theo túi ni lông, vặt đầy túi, chất lên xe, mang về chia cho người thân và bạn bè. Đi đường biển cũng hoàn toàn ngẫu hứng. Bắt cua, hái dưa hấu, đi lễ ở miếu long vương, ăn hà (một loại hải sản chiên dầu phổ biến ở các làng chài, bến cảng ở vùng duyên hải Phúc Kiến, Đài Loan), ăn mỳ xào hà, trên đường về cả nhà chắc chắn sẽ đi ăn kem ở xưởng bánh kẹo Khê Hồ.
Hồi con học lớp 3, lớp 4, trào lưu du lịch miền trung trở nên rất thịnh hành. Một vài khu du lịch lớn và các điểm nghỉ dưỡng ở nông thôn đồng loạt đi vào hoạt động. Biển quảng cáo của làng văn hóa chín dân tộc, Cửu Cửu Phong, Đẩu Lục Thiên Nguyên Trang, khu giải trí Kiếm Hồ Sơn được dựng sừng sững trên đường. Trên đó có dòng chữ: “Mua một vé, chơi tới cùng”. Thứ Hai, chúng con tới lớp, các bạn đua nhau khoe ngày hôm qua được mẹ đưa đi đâu, được chơi những trò chơi mạo hiểm nào. Nhưng tất cả những nơi các bạn nói, con đều chưa bao giờ tới.
Trên đường đi dã ngoại, cha lái xe qua một khu vui chơi giải trí, con ngầm quan sát tay cầm vô lăng của cha, xem cha có chuẩn bị bật đèn xi nhan lên không, nhưng tiếc là chưa bao giờ. Ngược lại, nhìn cảnh tắc đường ở khu vui chơi, cha còn thở dài ngao ngán. Có lần vì em gái con vòi vĩnh, cha đành lái xe vào đó. Cha đỗ xe ở bãi. Người bán vé chạy tới, đếm vé hai người lớn, ba trẻ em cộng tiền gửi xe, xem tổng cộng hết bao nhiêu tiền. Con không nhớ rõ cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết rằng, đó là cái giá trên trời đối với đứa trẻ một tuần chỉ có năm mươi tệ tiền tiêu vặt như con.
Vừa đánh xe ra khỏi khu vui chơi, cha vừa nói với em gái: “Thế là nhà mình cũng đến đây rồi nhé!”.
Nhiều năm sau, con tham gia đội cứu nạn động đất ngày 21 tháng 9. Khi xe cứu hộ đi qua con đường cũ, nhìn thấy khu vui chơi năm đó đổ nát do trận động đất, chiếc biển quảng cáo lớn đã tan nát, con bỗng cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không ai biết rằng nơi ấy từng là hy vọng và mơ ước của biết bao em nhỏ.
Vì không biết điểm đến nên mỗi khi về nhà viết nhật ký về chuyến dã ngoại, con lại hỏi cha hôm nay mình vừa đi đâu. Cha nói: “Cứ viết là ‘dân gian’ đi”. Con liền viết: Hôm nay, cha đưa chúng tôi đi chơi dân gian, tôi có cảm giác cả nhà tôi đã thành những cô hồn lang thang hay những thần tiên trên trời.
Hoặc cha nói, con cứ viết là “Cung” ấy. Con liền viết ngay: Hôm nay cha đưa tôi đi chơi “Hoàng Cung”. Nghĩ lại kỷ niệm ở bờ biển Vương Công, trên bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh chiều tà, và khuôn mặt thời trẻ của cha mẹ, đối với con mà nói, đúng là một “Hoàng cung” đẹp nhất1.
1 Địa danh Vương Công đồng âm với từ “Hoàng Cung”.
Sau đó, chúng con trưởng thành theo thời gian, giống như thước phim quay chậm.
Con rời khỏi nhà, học cấp ba, rồi đại học, nghiên cứu sinh, yêu đương, làm việc.
Cha không còn khỏe mạnh như trước nữa nên phải về hưu non. Tiêm Insulin, chạy thận, nhập viện, ra viện, sức khỏe giảm sút.
Nằm trên giường bệnh, cha bảo con đi thi lấy bằng lái ô tô. Câu nói này lại trở thành di nguyện duy nhất của cha mà con nhớ được.
Ba năm sau khi cha qua đời, con lái xe đã rất thạo rồi. Lần này, con chở bạn bè về thăm quê hương Chương Hóa. Con chọn đi đường biển, theo đúng lộ trình thời thơ ấu, trở lại Vương Công.
Mấy năm gần đây, Vương Công trở thành địa danh du lịch hút khách. Từ đánh cá, chụp ảnh hoàng hôn cho tới ngắm những cây cầu, tất cả lộ trình dã ngoại tuổi thơ dường như đã được Phòng Văn hóa Lịch sử và Sở Du lịch quy hoạch từ trước. Thêm vào đó là những tấm biển quảng cáo chỉ đường, tất cả dường như trở nên không thật.
Con tìm được một bãi biển có thể bắt cua. Gió biển thổi rất mạnh, nhiều khách du lịch cũng tới đó. Con phố lớn ở Vương Công trong ký ức của con giờ trở nên đông đúc hơn, nhiều các cửa hàng tiện ích và trung tâm bán đồ lưu niệm hơn. Con bỗng có cảm giác mấy người phụ nữ đội khăn, đội nón lá bắt hà ở ven đường cũng chỉ là để quảng cáo.
Đặc sản thì không thể không thưởng thức được. Ngoài dịch vụ cung cấp hải sản, Vương Công bắt đầu mở rộng dịch vụ ngắm cảnh kèm phục vụ các món đặc sản địa phương như lạc wasabi, trà dưỡng sinh, khoai lang. Có bạn đòi đi ăn kem, hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư là con mới tỏ ra am hiểu và nói: “Muốn ăn kem ngon thì chắc chắn phải tới xưởng sản xuất đồ ngọt Khê Hồ rồi!”.
Xưởng đồ ngọt Khê Hồ là nơi hội tụ những ký ức ngọt ngào nhất của nhiều trẻ nhỏ Chương Hóa. Phòng phúc lợi của xưởng có tủ lạnh chứa nhiều loại kem, sandwich, mười năm rồi vẫn vậy. Các bạn lớn lên ở thành phố dù lần đầu tới xưởng đều nhớ lại thời thơ ấu trong sáng, tươi đẹp. Nhận hộp xốp đựng kem, ai nấy vui vẻ chọn hương vị mình thích.
Một người bạn của con trông thấy các loại thực phẩm dinh dưỡng đặt trên giá liền hỏi mọi người còn nhớ hồi nhỏ hay được ăn viên C không. Vừa nhắc tới, mọi người đã nhớ lại những viên C bọc đường đủ màu sắc, chỉ muốn ăn một lúc cả vốc.
Có điều, trên giá không có viên C. Tôi hỏi nhân viên phục vụ, họ trả lời do sau này kiểm tra thấy trong viên C có thành phần của Enzyme thường dùng cho heo nên bị dừng sản xuất.
Nghe xong, chúng con dở khóc dở cười. Buồn cười là vì hóa ra từ nhỏ tới lớn chúng tôi được cho ăn giống heo, ký ức thời thơ ấu không thể nào quên ra là vậy.
Con cười nói rôm rả với bạn bè, nhưng cảm giác hụt hẫng bỗng trào dâng trong lòng. Cha biết không? Lúc ấy, con bỗng cảm thấy dù mình có thể không ngừng lái xe đi thăm thú những nơi từng tới thuở nhỏ, song con đã cách quãng đường ấy ngày một xa.