1.
Năm hai mươi chín tuổi, tôi từng tham dự một hoạt động hướng dẫn trị liệu cho trẻ ít nói. Tôi cùng một nhóm người ngồi khoanh chân vòng tròn. Thầy hướng dẫn trị liệu nhẹ nhàng nói: “Hãy nhắm mắt lại, trở về với thời thơ ấu”. Trong tiếng nhạc Ấn Độ đan xen với âm hưởng Tây Tạng, tôi cảm nhận được những người xung quanh cúi đầu, khóc nghẹn ngào hoặc rút khăn giấy để xì mũi. Thật đáng chúc mừng! Điều đó chứng tỏ họ đã thành công tìm lại những ký ức đau buồn chôn dấu trong tim thời niên thiếu. Những ký ức đó đang bị nước mắt gột sạch. Thầy hướng dẫn nói hãy mở rộng lòng mình, để có thể tìm thấy những ký ức đau buồn. Cuối cùng, tất cả mọi người cùng trao nhau những cái ôm đầy yêu thương.
Còn tôi, tôi bỗng phát hiện ra một vấn đề quan trọng: mình không bị ám ảnh thời thơ ấu. Tôi chỉ thấy mình của những năm 1980, ôm búp bê Nhật thịnh hành nhất thời đó, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười, tay cầm cây mía vừa nhai vừa nhả bã. Tôi đi theo sau anh trai, đạp xe đạp hoặc bắt dế, đắp cát thành lâu đài và khoét đường hầm xung quanh.
Một trong những nơi tôi thường lui tới lúc nhỏ là văn phòng chính quyền địa phương, bởi mẹ tôi làm việc ở đó đã hơn ba mươi năm. Mỗi khi tan học, tôi và anh trai đều đến đây chơi cho tới khi mẹ tan làm. Tôi còn nhận năm bà mẹ nuôi tại văn phòng nữa. Mỗi khi tôi chạy qua bàn làm việc của họ là có người gọi tôi lại gấp giấy hoặc cho tôi kẹo. Người đóng vai ma trong trò “nhắm mắt trốn tìm” phải nằm úp sấp ở tượng đồng quốc phụ trong vài giây. Mọi người thậm chí còn trốn cả dưới gầm bàn làm việc của trưởng thôn. Lại nói, trưởng thôn chính là anh em kết nghĩa của ông ngoại tôi.
Tiếng nhạc dừng lại, tôi và mọi người từ từ mở mắt, trở về hiện tại. Tôi phát hiện ra một việc kỳ lạ nữa rồi khóc sướt mướt. Thầy hướng dẫn hỏi: “Có vấn đề gì không?”. Tôi giơ tay và thắc mắc: “Tại sao thời thơ ấu của tôi không bị tổn thương, tôi lại khóc”. Đó lại là một chủ đề khác về sinh mệnh con người, thầy hướng dẫn mỉm cười đáp: “Chúng ta dành cho buổi học sau nhé”.
2.
Tôi luôn nhớ rằng cái đêm tôi học được cách viết tên mình là thứ Hai, nhưng đó là ngày tháng năm nào thì không nhớ nổi. Lúc ấy tôi được năm, sáu tuổi, khi ấy cha tôi khoảng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi. Tôi nhớ được hôm đó là thứ mấy bởi người bán đậu phụ thối luôn tới vào thứ Hai. Một đôi vợ chồng đi xe ba bánh, rao đậu phụ thối khắp các con ngõ nhỏ. Ông chủ cầm míc và nói lớn: “Đậu phụ thối đây!”.
Trong phòng khách ở ngôi nhà ba gian, cha xé mấy tờ giấy trong cuốn vở bài tập toán anh trai dùng không hết, trên đó có ô vuông, cha dạy tôi viết từng nét một. Ba chữ thôi nhưng có cả thảy bốn mươi mốt nét. Nhiều nét quá, khó viết ghê! Tôi học viết theo cha, một nét hất, rồi chấm, móc, vừa viết vừa căng tai nghe xem người bán đậu phụ thối đã tới chưa. Bởi cha nói: “Chỉ cần con học viết được tên mình, lát nữa cha sẽ mua đậu phụ thối cho con ăn”.
Tối đó, tại sao trong phòng khách chỉ có cha và tôi, còn mẹ, anh trai, em gái đi đâu cả rồi? Sau đó, tôi có được ăn đậu phụ thối không? Tôi đều không nhớ nổi nữa. Có điều chính xác là hôm ấy tôi đã biết cách viết tên mình. Đó cũng là một trong số ít những thành tích mà tôi dám đem ra khoe.
3.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang trong độ tuổi từ 1 đến 10, từ khi tôi chào đời cho tới lúc lên lớp 4. Hằng ngày tôi đều cùng các bạn trong lớp xếp thành hàng đi về nhà, vừa đi chúng tôi vừa cất tiếng hát. Quãng thời gian mười năm đó của tôi hoàn toàn không có liên quan gì tới hai chữ “xuất sắc” cả. Mỗi ngày đi học tôi chỉ cần mang đầy đủ đồ dùng học tập thôi là mẹ đã “A di đà Phật” rồi.
Từ năm lớp 1 tới lớp 4, chỉ hai chữ để hình dung về tôi: “ngốc nghếch”, tức là vừa nói được một nửa đã chuyển ngay sang chủ đề khác, còn có nghĩa là “đầu óc chậm tiến”. Nếu phải thêm hai chữ nữa để chỉ tôi lúc ấy thì là “nghịch ngợm”. Hồi lớp 1, tôi còn thi đấu với cậu bạn trai ngồi cạnh xem ai có thể gọt bút chì nhọn nhất. Hai đứa trẻ cứ thế cầm bút chì và không ngừng xoay gọt bút dưới ngăn bàn. Kết quả là lúc cô giáo đi tới, tôi lập tức nhét đồ nghề vào ngăn kéo, ngòi bút được gọt nhọn hoắt đâm thẳng vào lòng bàn tay nên bị gãy, ngòi bút chui vào trong da thịt.
Ở trường sợ bị mắng nên tôi không dám nói. Về tới nhà, lòng bàn tay tôi sưng tướng lên, mẹ phải lấy kim để khêu đầu chì ra cho tôi.
Tôi đưa một tay cho mẹ, tay kia cầm một cuốn sách tranh, đặt lên đùi để đọc. Dù đau lắm nhưng tôi không dám kêu, không dám khóc, cũng không dám rụt tay lại. Thật kỳ lạ, lúc ấy tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, chỉ cần thật tập trung đọc sách thì sẽ không cảm thấy đau nữa.
Nhưng tôi chỉ có một bàn tay “rảnh rỗi” nên đặt cuốn sách trên đùi, cứ mỗi lần giở sang trang là lại bị xô lệch. Tôi liền gọi em gái lúc ấy đang học mẫu giáo, tới lật sách giúp mình. Em gái có vẻ lấy làm thích thú với công việc chị giao. Chỉ cần tôi nói “xong”, con bé sẽ lật sang trang khác, đôi lúc còn phát biểu ý kiến: “Thật sao? Chị đọc nhanh vậy sao?”.
Dưới ánh đèn, ba mẹ con tôi trong khu nhà ba gian, đó là một trong số ít những gì tôi nhớ được khi đọc cuốn sách.
Lên lớp 5, kỳ thi cuối tháng đầu tiên, không biết ông trời hiển linh tự lúc nào, tôi đạt điểm tuyệt đối, sáu trăm điểm, không sai một câu nào, và đứng đầu bảng. Bạn bè trong lớp và thầy cô lấy làm ngạc nhiên, đồng thời đưa tôi vào top học sinh giỏi của lớp.
Từ đó về sau, tôi như bước vào dây chuyền sản xuất đồ hộp vậy, tức là được vào lớp chọn trước, sau đó thi nguyện vọng một vào trường trung học nữ sinh và đại học quốc lập. Câu chuyện về một học sinh ngoan khiến người ta phát ghét bắt đầu.
4.
Con làm việc trong môi trường được gọi là “giới văn hóa”, từng được nghe những tiền bối từ các tỉnh khác tới nói, họ có chung một ký ức tuổi thơ, đó là cảm giác được nằm ngủ trên từng xấp tiền mặt. Bởi cha mẹ họ làm việc ở xưởng in tiền trung ương.
Nếu nói tuổi thơ của tôi có gì liên quan tới “xưởng”, chắc chắn đó là “xưởng xe Vũ Điền”. Khi tôi chào đời chưa được bao lâu, cha đã tới đó làm việc. Dù chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng lúc ấy đãi ngộ rất tốt. Cứ dịp Tết, công ty lại phát cho nhân viên phiếu quà tặng từ các cửa hàng bách hóa chuyên kinh doanh đồ Nhật, đồ châu Âu. Đó cũng là giai đoạn mẹ và ba anh em tôi được “Tây hóa”. Lần đầu tiên chúng tôi được ăn bíp tết, ăn humburger, được mua giày Tây và đồ chơi xếp hình Lego đều từ những phiếu quà tặng ấy. Còn chưa kể bát đĩa trong nhà đều dán nhãn Peugeot - một trong mười thương hiệu xe hơi của thế giới, đó là công ty tập đoàn xe hơi lớn nhất của Pháp, chủ yếu sản xuất xe hơi và gia công, vận chuyển các linh kiện máy móc, ngoài ra tập đoàn còn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ. Những năm 80, công ty Vũ Điền khởi nghiệp từ dịch vụ lắp ráp xe Peugeot của Pháp. Năm 1983, sau khi ký thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với công ty công nghiệp Daihatsu Nhật Bản (thành lập năm 1907, tiền thân là công ty chế tạo máy Osaka), Vũ Điền bắt đầu sản xuất các dòng xe của Nhật. Song đến những năm 90, do không cạnh tranh được với các công ty trong nước, năm 1995, Vũ Điền phá sản.
Những ký ức thật mơ hồ, hình như cha còn cùng tất cả công nhân ngồi biểu tình trước cổng công ty. Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ tên của Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vũ Điền: Diệp Lâm Nguyệt Chiêu.
Có lần cha mang về một tờ giấy khen thưởng của công ty, có thể là giấy khen thành tích sản xuất tốt trong năm hay giấy khen thành tích tham gia hội thao dành cho nhân viên. Cha nhìn tên của Chủ tịch hội đồng quản trị trên đó rồi lắc đầu lẩm bẩm: “Diệp Lâm Nguyệt Chiêu, bảo sao lương lậu càng ngày càng chán”1.
1 Nguyệt chiêu đồng âm với “ngày càng chán”.
5.
Những năm 80, thường xuyên thấy có người đột nhiên nửa đêm chạy khắp nơi rồi hét lớn:
“Trúng rồi, trúng rồi”, đó là trò cờ bạc mà mỗi khi thắng đều khiến người ta sung sướng, khiến bà con cô bác ai nấy đều mê mẩn. Tới đâu cũng nghe được tin có người phát tài chỉ trong một đêm. Người bán thịt lợn ở chợ trúng mấy chục triệu tệ nên bỏ nghề bán thịt, bắt đầu xây nhà bốn, năm tầng trên ruộng của mình.
Có người thắng bạc tậu được cả chiếc Mercedes, có người thua bạc tới mất cả vợ. Tôi thường nghe các thầy cô và phụ huynh trong lớp thì thầm to nhỏ rằng: Lớp có vài học sinh mới chuyển tới được một thời gian lại chuyển đi vì phải trốn nợ.
Lúc bấy giờ, ai nấy đều chú ý để tìm được những con số may mắn. Dù là trong mơ hay trên đường phố, thậm chí là từ những kiểu suy luận phi khoa học, người ta đều có thể nghĩ tới con số. Nếu ngủ mơ thấy bươm bướm, họ sẽ nghĩ tới số 33, đi xe máy chèn phải rắn, họ cũng cố nhớ xem hình hài con rắn đó giống số 0, số 6 hay số 8. Nếu bị chó đuổi hoặc chó cắn thì khỏi phải bàn, chắc chắn là số 9. Thấy trẻ nhỏ tiểu lên trên đám thóc đang phơi, người ta cũng cố quan sát xem bãi nước tiểu tạo thành hình số gì. Con cháu đi thi được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy... đều là mật mã quan trọng để cô dì chú bác có thể đổi đời.
Khi mọi người đều đam mê cờ bạc, một người chẳng lấy làm hứng thú gì với trò chơi may rủi ấy là tôi lại trở thành thần đồng đoán số trong mắt mọi người. Lúc đầu, tôi được người lớn đưa tới chùa để xem tướng. Trong lúc chờ đợi tới lượt mình, người lớn cũng tham gia chơi trò đoán số. Người nhà chùa vẽ những thứ loằng ngoằng khó hiểu lên một lá bùa và phân tích con số ở trong đó, hoặc họ nói có thể nhìn thấy số từ đám tro hương hoặc gạo trắng. Kỳ lạ là dù chẳng am hiểu gì và có phần ngờ nghệch, tôi luôn đoán trúng những con số của họ và ăn tiền. Số tiền gửi tiết kiệm vài trăm tệ một học sinh tiểu học như tôi từng đem gửi tiết kiệm chính là tiền đoán trúng số mà ra.
Có một thời gian dài, các chú các bác liên tục tới nhà hỏi tôi, dạo này có thấy được con số nào không. Nhưng bỗng có một ngày, lệnh cấm chơi cờ bạc khiến trào lưu này đi xuống, thần linh cũng không còn ưu ái tôi nữa.