Nếu không phải vì ngửi thấy mùi thuốc lá bay tới, tôi sẽ không phát hiện ra cô ấy... người hồi hương.
Năm 2007, tàu cao tốc đi vào hoạt động, những người về quê chuyển sang đi tuyến đường mới. Đi tàu cao tốc từ Đài Bắc tới bến Ô Nhật của Đài Trung, rồi lại từ đó đổi sang đi tàu hỏa tới bến tàu cách nhà gần nhất.
Họ phải đặt trước vé tàu vốn rất khó mua vào dịp nghỉ cuối tuần liền với ngày lễ, đặt tàu cao cấp hay bình dân, tuyến đường đi qua núi hay qua biển, lộ trình ba hay bốn tiếng. Nếu không đặt vé trước sẽ phải xếp hàng chờ đến lượt mua vé cùng đoàn người ở bến xe Thống Liên. Tôi có cảm giác họ xếp hàng dài tới tận Đài Nam vậy.
Những người hồi hương ở đây, rất xin lỗi khi phải nói về nguồn gốc của họ. Họ tới từ vùng nông thôn phía nam của thành phố Chương Hóa. Dù đi dọc tuyến cao tốc Bắc Nam, theo phong cách phương Tây (Nhiều ngôi nhà còn lấy những cái tên lãng mạn như Bốn mùa Paris hay La Mã cao quý).
Những người về quê và tôi đã đều từng ở những căn phòng mà chúng tôi gọi là “nhà” như thế này khoảng hai ngày một đêm hoặc ba ngày hai đêm. Nếu là mùa hè, chúng tôi sẽ mặc áo phông và quần thể thao giống em gái tôi mặc hồi học cấp ba, đi dép lê của cha hoặc ông nội, xõa tóc, đeo kính gọng nhựa và không bao giờ dùng mỹ phẩm như kem nền hay phấn che khuyết điểm. Nếu tâm trạng tốt, tôi thường đi chợ với mẹ, hoặc xuống bếp làm mấy đồ ăn tây học được trên thành phố như cá chép chiên nước sốt chuối hay đặc sản của tỉnh khác như rau trộn thập cẩm. Có khi tôi cũng phóng xe máy đi mua rượu nếp cho mẹ (mà còn không phải đội mũ bảo hiểm).
Kỳ nghỉ kết thúc, chúng tôi mang theo bánh ngọt hay sandwich, được người nhà xách hành lý cho, đi qua mấy con ngõ và đường ven ruộng, tới bến xe nhỏ Điền Trung (Đồng nghiệp tôi nói mấy món ăn đó rất đắt hàng, đều được mua trên mạng. Nhắc tới đặc sản, mấy người hồi hương luôn phản bác: Đài Bắc chán quá, từ nhỏ chúng tôi đã được uống những quả dừa to đùng rồi, lần sau về quê tôi mang lên cho các cậu).
Mua tấm vé tàu hỏa đi tới bến tàu cao tốc Ô Nhật, đi qua Giáp Khẩu, Nguyệt Đài.
Đúng lúc đó, tôi ngửi thấy mùi thuốc lá quen thuộc. Ồ, đó là loại thuốc lá dùng cho phụ nữ. Nhờ đó, tôi nhìn thấy cô ấy - cô gái hồi hương.
Cô ấy ngồi ở góc cuối sân ga Nguyệt Đài, có vẻ rất thoải mái, hay là đang tập trung nghĩ việc gì đó, cô ấy hút thuốc lá (Nên giờ tôi dám đảm bảo, lúc tôi gặp cô ấy là sau khi tàu cao tốc lưu thông và trước khi sân ga Nguyệt Đài cấm hút thuốc). Cô ấy lấy điếu thuốc từ một chiếc túi nhỏ để trong túi xách to. Ồ, lợi hại thật, giấu kỹ quá! Mấy lần liền trước khi về quê, nếu tôi đi tụ tập ăn uống với bạn bè, lúc sắp tới sân ga, tôi đều vội đưa hết thuốc lá chưa hút cho họ. Họ nói thẳng là hơi ngại nhưng tôi khoát tay, vì tôi không được mang thuốc lá về nhà.
Những người hút thuốc lá nhìn thấy người khác hút sẽ rất thèm. Đúng thế, nhưng tôi còn chưa kịp định thần, tôi chỉ lặng lẽ quan sát cô gái hồi hương ấy hút thuốc. Cô ấy dáng đẹp hơn tôi, không gầy không béo, người chuẩn. Có thể dùng các từ tiếng Anh như “slim, slender, exactly right” để miêu tả.
Cô ấy để tóc ép thẳng, trông rất nhẹ nhàng, tự nhiên. Nói theo kiểu của giới thời trang là “smart casual” - một phong cách ăn mặc đơn giản, thời thượng. Điều khiến tôi ngưỡng mộ nhất ở cô ấy là đôi giày hiệu “TOD ‘ STOD’ S” nổi tiếng của Italia. Đây là thương hiệu nổi tiếng với những thiết kế giày được hình dung là “êm như đi trên mặt nước”. Việc xa xỉ nhất mà kẻ có máu nghệ sĩ như tôi từng làm đó là lấy tất cả số tiền viết lách để đi mua một đôi giày, nhưng đôi giày của cô ấy, tôi cũng không đủ tiền mua.
Tàu đến, tôi ngồi đối diện cô ấy, tôi lặng lẽ ngắm nhìn đôi giày dưới chân cô ấy theo những đợt rung lắc của chiếc tàu. Đó là đôi giày trong mơ của tôi. Nhưng vừa chạy chưa được bao lâu, tàu bỗng dừng lại. Không phải vì đã tới sân ga nào đó, tôi không nghe thấy tiếng loa báo. Hành khách trên tàu bắt đầu xôn xao. Trưởng đoàn tàu cầm loa bước vào khoang tàu và nói: “Đầu tàu có người nằm chắn ngang đường ray, mọi người chờ một chút!”.
Mười năm về trước, tôi cũng từng gặp cảnh có người nằm chắn tàu, khiến tàu phải tạm dừng. Thậm chí tôi còn có thể nhớ rõ ràng ngày tháng, đó là ngày 2 tháng 7 năm 1998.
Mấy ngày thi đại học của tôi.
Vẫn trên tàu hỏa từ Điền Trung tới Đài Trung. Có người nằm chắn tàu, tôi và những học sinh đi thi đại học khác đều tá hỏa, chỉ sợ nhỡ giờ thi. Ngồi gần tôi là một bà mẹ đưa con đi thi. Bà xách túi đựng táo đã gọt và ngâm nước muối sẵn với hai chiếc ghế gấp.
Tôi bắt đầu tưởng tượng, ngày đầu tiên thi Tiếng Anh, tất cả học sinh ngồi chuyến tàu này đều phải được cộng điểm mới đúng. Không biết bao lâu sau đó, tàu mới chạy tiếp. Chúng tôi không bị muộn giờ thi, giấc mơ được sống ở thành phố của tôi cũng không bị dang dở.
Sau sự việc lần đó, tôi thi đỗ đại học ở Đài Bắc, rời quê hương lên thành phố. Tới giờ cũng đã được mười năm rồi.
Bỗng giọng nói tiếng phổ thông dịu dàng đánh thức tôi. Đó là giọng của cô gái hồi hương. Cô ấy cầm chiếc di động đời mới nhất, báo cáo vụ việc tàu bị chặn cho người ở đầu bên kia biết. Tôi đoán chắc là nói chuyện với bạn trai trên thành phố đó mà. Cô ấy lại gọi cho một số khác, nhưng lần này nói tiếng Đài. Tôi đoán có lẽ là báo cáo mẹ chăng, bởi nghe giọng điệu có phần nũng nịu, giống như đang bĩu môi đỏng đảnh khi nghe mẹ dặn dò thêm mấy câu.
Tôi cũng từng như vậy. Nhưng nhiều năm nay tôi đã có thói quen không phải báo cáo hành trình cho người khác. Với mẹ mình hay bạn trai trên thành phố cũng vậy.
Có điều, không phải lúc nào tôi cũng có thể đổi hai thứ tiếng và đổi ngữ điệu giống cô gái ấy. Tàu lại chạy. Một người đàn ông trung niên có vẻ rất nhiệt tình và giao tiếp rộng lớn tiếng kể: “Tôi vừa hỏi rồi, người đó nằm chặn ngang đường ray, bị tàu chèn, người lìa thành ba đoạn. Nghe nói là thần kinh có vấn đề, phải uống rất nhiều Amphetamine”.
Tôi biết đây là một loại thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương và được quản lý rất chặt.
Cô gái kia khẽ chau mày, chớp mắt, mím môi. Cô ấy đeo tai nghe lên như thể muốn cách ly mình khỏi những câu chuyện ở nông thôn.
Tôi cũng vậy. Tôi không biết cô ấy đang nghe nhạc gì, có thể là nhạc của Vương Phi, nhạc của Trần Ỷ Trinh, mà cũng có thể là nhạc của The Beatles. Chúng tôi không quen nhau, đều đeo tai phone, nghe loại nhạc của mình. Có điều, tôi đối thoại với cô ấy trong đầu.
Cô gái hồi hương à, cô cũng giống tôi, mười năm trước đi thi đại học, quyết định dù thi được bao nhiêu điểm cũng phải điền nguyện vọng là các trường ở Đài Bắc trước. Mà đã tới Đài Bắc thì chắc chắn phải đến hiệu sách Quách Nam. À, nói cho cô biết một điều rất ngu xuẩn, năm thứ nhất đại học tôi vẫn cùng bạn học cấp ba ở nhóm làm báo tường đến mua bia ở trước hiệu sách. Chúng tôi không ngủ và cảm thấy như thế mới giống nghệ sĩ trẻ. Trong một năm chúng tôi đã đi hết các quán bar vũ trường dưới lòng đất, tửu lượng chủ yếu được rèn luyện từ hồi ấy.
Chúng ta đã không còn là những cô gái mồ côi nữa. Nguyện vọng của cô gái mồ côi vốn là một ca khúc Nhật Bản. Những năm 50 của thế kỷ trước, ca khúc này được nhạc sĩ Diệp Tuấn Lâm viết lời tiếng Đài. Lấy hình ảnh một cô gái lần đầu vào đời làm nhân vật chính, lời bài hát miêu tả mơ ước của cô gái về cuộc sống nơi đô thị cũng như sự trông chờ vào cuộc sống của một nữ công nhân nơi công trường. Thời đó, những người rời xa quê hương không tới thành phố để hòa nhập với thời cuộc kinh tế phát triển mà vì chúng tôi cần thông tin và nguồn tài nguyên chỉ đô thị mới có. Nói một cách dễ hiểu hơn, những thứ chúng tôi cần lúc ấy là thuốc lá, rượu vang, bản dịch tiểu thuyết nước ngoài, CD nhạc Rock, thậm chí là bạn trai người ngoại quốc.
Nhưng tôi tin rằng từ sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ đến từ nông thôn. Nói to tát hơn, giống như tác gia người Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ, tác gia người Ấn Độ tới Anh, đều trở thành những giáo sư hay tác gia nói tiếng Anh như gió, viết truyện bằng tiếng Anh, dạy học bằng tiếng Anh. Nhưng dù sao họ vẫn chỉ là những người đi khám phá đất khách quê người, vẫn mang tâm trạng của người xa xứ. Bởi vậy, những tác phẩm mà họ viết ra được gọi là “văn học ly tán”.
Ồ, xin lỗi nhé, cô gái hồi hương! Tôi bỗng trở nên nghiêm túc quá. Có lẽ cô không nghĩ nhiều như tôi. Cô chỉ sống một cuộc sống thư thái, yên bình chốn thôn quê. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ cô.
Tàu đã vào bến. Từ đó tới bến tàu cao tốc phải qua một đoạn đường không hề ngắn. Tôi luôn cảm thấy đi qua đoạn đường ấy giống như đang được xuyên không vào thế giới khác vậy. Bởi ngay đầu bến tàu cao tốc là các thương hiệu cà phê Starbucks, Mos hamburger, nhà hàng Royal Host, hiệu sách, tiệm bánh Yamazaki. Tôi trở lại với những thứ chỉ thành thị mới có.
Những tấm biển hiệu, áp phích nổi bật xuất hiện, tôi không còn trông thấy cô gái kia nữa. Tôi cố đưa mắt tìm kiếm song cũng vô ích. Tôi tự nói với mình, thôi được rồi, đừng giống như một kẻ chuyên theo dõi người khác nữa, về tới Đài Bắc là phải nhanh nhẹn, dứt khoát hơn. Mua vé xong, trước khi qua chốt kiểm tra, tôi bỗng nhớ ra điều gì đó và như muốn kiểm chứng điều gì đó. Tôi vừa kéo theo túi lớn túi nhỏ hành lý, vừa chạy nhanh tới cửa hàng tiện ích. Tôi mua một bao thuốc lá và một chiếc bật lửa, sau đó đi qua cánh cửa cảm ứng, tới hành lang bên ngoài bến tàu cao tốc để hút thuốc.
Không có, cô ấy không ở đó. Cô gái hồi hương đã biến mất.