(Cảm nghĩ khi quay bộ phim điện ảnh cùng tên)
1.
Đêm đầu tiên, mọi người ai về nhà nấy. Khoảng sân và nơi đặt ban thờ cha dù có phần lạnh lẽo cô quạnh song tôi lại có cảm giác khó khăn lắm mới được yên tĩnh như thế này. Trong sân chỉ còn chú Nghĩa đạo sĩ và em họ Tiểu Trang đang ngồi vừa uống trà vừa trò chuyện. Chú Nghĩa nói với Tiểu Trang: “Chú là bạn học của mẹ cháu, nhưng ông nội chú là anh của bà ngoại cháu, cũng không phải ruột thịt đâu, chỉ là cụ ông đẻ ra bà cháu nhận ông nội chú làm con nuôi, nên chú phải gọi bà ngoại cháu là cô, gọi Quốc Nguyên là chú. Nếu tính vậy, mẹ cháu là cô của chú. Vậy thì... cháu phải gọi chú là... anh!”.
Quan hệ họ hàng thân thích phức tạp, chỉ tính thứ bậc chứ không tính tuổi. Tôi có rất nhiều cậu, dì ít tuổi hơn mình, hoặc dù bằng tuổi nhưng vẫn phải gọi là cô chú. Quốc Tiểu Nhất, giáo viên lớp 8, tôi phải gọi là cô. Ngày đầu tiên khai giảng đã gọi tôi tới và nói: Mẹ cháu dặn rồi, phải cố gắng nghe chưa. Tổ trưởng tổ giảng dạy ở trường là cậu của tôi, nên mỗi kỳ thi cuối tháng tôi xếp thứ mấy toàn trường, bà nội đều biết rất rõ.
Ví như mấy người hàng xóm dưới quê, lúc quay phim Ký ức về cha, ai nấy đều rất nhiệt tình trợ giúp. Trong số đó, người cho đoàn phim mượn chỗ ở là con trai trưởng nhà anh trai thứ ba của bà nội, nói gọn lại là anh họ của cha tôi, tắt hơn nữa là bác họ của tôi.
Người của đội tang lễ cung cấp vật dụng cần thiết trong đám tang cha tôi theo kiểu nửa bán nửa cho đó là con trai của em họ ông ngoại tôi. Người đó gọi mẹ tôi là “chị”, nên tôi phải gọi là “cậu”.
Cảnh người em họ đi xe khách về quê xuất hiện ở đoạn đầu phim. Cảnh này được quay trên ô tô điện của một người họ hàng khác. Tôi gọi người đó là “bác”. Đó là con trai thứ hai của chị gái ông nội tôi, cũng là anh họ của cha tôi.
Lần gần đây nhất mấy người họ hàng ấy có mặt có lẽ là trong đám tang cha tôi. Lần này, họ được tổng động viên tới cũng vì bộ phim kể về một người cha qua đời.
Nhiều tầng quan hệ phức tạp như vậy vẫn có thể đoàn kết, quây quần bên nhau, đúng là do những lần gia tộc có hỉ hoặc có tang. Như mỗi khi nhà có tiệc tùng, mọi người có dịp cùng ôn lại thứ bậc, danh xưng trong dòng họ. Đúng như câu mẹ tôi thường nói: Mọi người đều quá thân rồi còn gì!
Diễn viên quần chúng trong phim còn thân hơn. Nhóm phụ nữ gấp hoa sen chính là mẹ và dì ruột tôi. Diễn viên phụ trách đếm “1, 2, 3” trước đống “biệt thự vàng mã” là cậu em họ kém tôi hai mươi tư tuổi. Diễn viên đóng vai thầy cúng xem ngày không ai khác chính là ông ngoại tôi.
Ông ngoại biết đủ thứ nghề. Ông là nông dân, là chủ tịch nông hội hay là trưởng ban cán sự thôn gì đó, tôi không nhớ rõ. Tên ông được khắc trên tòa nhà của nông hội, trong nhà tôi cũng có rất nhiều hoành phi chúc mừng như vậy. Ông cũng là chủ chốt trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Ông là chủ trì các hoạt động ở chùa làng Long Châu Cung, mỗi khi mở hội dâng hương, ông đều tham gia múa sư tử. Ông gần tám mươi tuổi rồi, tóc đã bạc trắng, nhưng giọng nói vẫn dõng dạc, sức khỏe dẻo dai. Ông thích hát karaoke, thường hát song ca với tôi bài Tuyết hồng, Chiếc khăn tay. Lúc uống rượu ăn cơm, muốn biết ông đã say chưa thì phải để ý xem ông có nói tiếng Anh hay không.
Ngoài ra, ông ngoại cũng biết xem ngày, giúp trẻ đặt tên. Bởi vậy, mời ông đóng phim thực ra là để ông diễn lại vai diễn của chính mình. Ông ngoại tự đi xe máy tới, ăn mặc như thường ngày. Thấy ông là đã thấy như diễn viên rồi: Ông mặc chiếc gile đỏ, đeo kính lão, miệng ngậm điếu thuốc, mang theo lịch xem ngày. Ông viết sẵn mấy chữ “Tý sửu dần mão” lên giấy từ lúc ở nông hội. Nói chuyện với nam diễn viên Ngô Minh Phụng vào vai đạo sĩ Nghĩa - người từng đạt giải Kim Chung mà ông ngoại không hề tỏ ra xa lạ.
Ngồi bên chiếc bàn xem ngày còn có hai cụ già nữa, đó là thúc công của tôi (em trai ông nội tôi). Đạo sĩ Nghĩa - người chỉ đạo mọi việc lớn nhỏ trong tang lễ, vừa thảo luận chọn ngày với thầy (ông ngoại), vừa mời thuốc các cụ ngồi bên. Mỗi khi máy quay đổi cảnh sang một người, đạo sĩ lại phải châm điếu thuốc mới.
Sau đó, có hôm nhìn thấy Minh Phụng trên ti vi, ông ngoại và thúc công đều cười lớn rồi nói: “Cậu diễn viên này một buổi tối không biết phải châm bao nhiêu điếu thuốc cho mình!”.
Một diễn viên quần chúng khác là em trai của bà ngoại, tôi gọi bằng “ông” hay “cựu công”. Công việc của ông là trồng và chăm sóc cây non ươm giống. Trong trí nhớ của tôi, mỗi khi cựu công xuất hiện, ông đều mặc chiếc quần bò và đi đôi tông làm từ da bò. Tôi chưa bao giờ dám hỏi phong cách ăn mặc của ông từ đâu mà ra. Ấn tượng về cựu công của tôi chỉ là một người có phong cách ăn mặc rất “dị và phô trương”.
Trong phim có cảnh xe cấp cứu chở người cha chạy như bay qua con đường nhỏ ven bờ ruộng dưới ánh chiều tà. Bên vệ đường, một lão nông đeo chiếc radio bên người đi thăm ruộng. Tiếng phát thanh quảng cáo thuốc hay dự báo thời tiết quen thuộc vang lên. Bỗng, tiếng còi xe cấp cứu xé tan không gian yên ắng vốn có của đồng ruộng.
Lão nông ấy chính là cựu công. Tạo hình nhân vật y hệt ông ngoài đời. Lão nông mặc chiếc quần bò xanh, đầu đội mũ lưỡi chai, đi đôi ủng màu vàng.
Quay xong, trợ lý quay phim chạy lại nói với tôi: “Cựu công nhà cô mốt quá! Cứ như Clint Eastwood ấy!”. Tôi đưa mắt nhìn về phía cựu công. Ông khách khí rút tiền thù lao cho diễn viên quần chúng từ trong phong bao ra, đưa trả nhân viên đoàn phim và nói: “Nhận phong bao tượng trưng thôi là được rồi!”.
2. Phòng khách nhà Mai (nhân vật chính trong phim) vốn là gian phòng khách đầy đủ tiện nghi, từ sô pha, bộ pha trà, ti vi, đồ điện cho tới đồ gia dụng, một không gian đẹp như mơ. Sau đó, để phục vụ đoàn phim, căn phòng trở thành nơi tổ chức tang lễ với đủ thứ vật dụng như bàn thờ, đồ cúng, nến, di ảnh...
Lúc đoàn phim mới về nông thôn để tìm nơi dựng cảnh, vấn đề đầu tiên họ gặp phải đó là: Ai có thể cho mượn nhà để làm nơi tổ chức tang lễ? Tôi cùng nhân viên đoàn phim âm thầm tìm kiếm xem có căn nhà ba gian nào chưa có người ở hay không, liệu có thể mượn được không. Nhưng trước đó, một người vốn không biết kiêng kỵ là gì như tôi đã được mẹ dặn kỹ, không được mở miệng hỏi thẳng, tránh rước họa vào thân. Ở vùng nông thôn thờ trời lánh quỷ như thế này, muốn tìm được một gia đình đủ dũng cảm để cho đoàn phim bê quan tài, mang vòng hoa, cho đạo sĩ, diễn viên đầu đội khăn tang vào nhà mình mà chỉ cần giải thích: “Chỉ là đóng phim thôi!”, quả thực không dễ dàng chút nào.
Lúc ấy, cậu họ của tôi, thường được gọi là sếp Chiêm - người chuyên kinh doanh dịch vụ tang lễ - xuất hiện! Cậu họ tôi vốn không phải là ông chủ. Thời trẻ, cậu đi học nghề mộc, mà chủ yếu là học đóng quan tài. Vốn là người có đầu óc kinh doanh, mấy năm sau đó, cậu học những doanh nhân trong vùng, mở đội tang lễ. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt nên cậu muốn mở rộng sự nghiệp hơn nữa. Nhất là ở nông thôn, cái gì cũng thiếu trừ đất. Thế là, cậu họ tôi quy hoạch lại mảnh đất do tổ tiên để lại để phát triển việc làm ăn. Cậu còn xây cả viện dưỡng lão chuyên cung cấp dịch vụ cho người già.
Cậu họ hào phóng cho đoàn làm phim mượn lại phòng tiếp khách của viện dưỡng lão. Sau khi tổ mỹ thuật bài trí tỉ mỉ, căn phòng đã trở thành phòng khách cũng là nơi tổ chức tang lễ của hộ gia đình trong phim. Tại nơi đó, người gấp hoa sen, người tụng kinh, người làm phép thuật, cô con gái hơi một tí là lao tới quan tài khóc cha. Chúng tôi hỏi: Các cụ già sống ở đây có kiêng kỵ gì không? Cậu họ vốn đã tiếp xúc quen với việc ma chay hóm hỉnh trả lời: “Cho các cụ luyện tập trước cũng tốt mà!”.
Chúng tôi bắt đầu bấm máy quay.
Tại “phim trường” quay cảnh tổ chức tang lễ, nhiều hình ảnh đặc biệt được dựng lên. Bên trong, dàn diễn viên vận đồ tang bò ra bò vào. Bên ngoài, nhân viên đoàn phim bê quan tài ra lại bê vào. Ở xa hơn là các cụ ngồi xe lăn được điều dưỡng người nước ngoài đẩy đi. Người cắm ống truyền, người đờ đẫn, họ ngồi xe lăn xếp thành một hàng tới xem đóng phim. Xa hơn nữa, phó đạo diễn tinh tường phát hiện có một chàng trai trông rất “ngầu” thường chăm chú xem chúng tôi đóng phim, cảm giác như anh ấy rất muốn thử làm diễn viên vậy. Chàng trai đó là người làm ở viện dưỡng lão, chuyên phụ trách quét tước, sửa chữa sân vườn, đổ rác. Vóc dáng nhỏ con, gầy gò, trông anh ta rất giống những thuộc hạ máu lạnh thường đứng bên các đại ca xã hội đen trong phim. Khi được hỏi lúc trước làm gì, chàng trai trả lời: Lang thang khắp chốn. Cậu họ tôi nói, anh ta là “người gian khổ”, nên mới thuê anh ta tới giúp, vừa có chỗ ở, lại có chút tiền tiêu.
Ở nông thôn có rất nhiều người không biết từ đâu tới. Họ bôn ba, lưu lạc từ thành thị đến. Khi về vùng quê, họ đều được gọi với cái tên có vẻ đáng thương: “Người gian khổ”. Họ không nơi nương tựa, không có nhà để về, chỉ dựa vào lao động chân tay để mưu sinh.
Tốt rồi, có một cảnh quay chàng trai đó hoàn toàn có đất diễn. Kịch bản có đoạn: Người em họ là Tiểu Trang phải giúp anh trai Đại Chí chụp một bức ảnh tay cầm hoa, cần hai người trong thôn căng giúp tấm phông màu xanh làm nền, rồi dùng phần mềm đồ họa để xử lý ảnh. Tiểu Trang thấy mãi không làm xong, hết chịu nổi liền nói: “Người trong thôn phải dùng sức hất tấm phông xuống”, rồi vừa lẩm bẩm nói tục vừa đi ra ngoài.
Chúng tôi mời chàng trai đó thử vai. Anh ta giơ tay lên và nói đầy tự tin: “Cái này tôi làm được!”.
Ok! Bấm máy! Anh chàng cứ thế vào vai.
Tiểu Trang cất lời khen ngợi: “Được đấy, anh ta diễn rất tuyệt, vừa nhịp nhàng, lại có khuôn mặt chất phác, hành động đều rất chuẩn xác”. Quay một lần là xong. Cả đoạn “nói tục” là do Tiểu Trang tự thêm vào, chứ biên kịch như tôi, có đánh chết cũng chẳng viết nổi.
Sau đó, khi đoàn làm phim trở lại viện dưỡng lão quay thêm vài cảnh nữa, chàng trai ấy không biết lại lưu lạc tới phương nào. Anh ta như một thiên sứ, tặng cho chúng tôi một cảnh quay tuyệt vời, không tỳ vết trước khi ra đi.
3. Nhân vật đạo sĩ Nghĩa cầm tờ giấy niêm phong màu vàng, trên đó viết, mười lăm triệu tệ dành tặng Lâm Quốc Nguyên dưới âm tào địa phủ, các hồn ma khác không được chiếm dụng. Trợ lý của đạo sĩ mang một ngọn đuốc tới, đưa cho ba đứa trẻ và bảo chúng đứng thành vòng tròn. Đạo sĩ nói: “Làm vậy thì tiền vàng hóa cho cha cô mới không bay mất”. Nhà lầu, xe hơi, ô sin, thú nhồi bồng... tất cả đều làm bằng giấy và cháy rụi trong đám lửa. Ánh lửa hồng rọi sáng khuôn mặt mỗi người.
Tôi vốn dốt toán, trong cuốn sổ ghi chép chi phí quay phim có khoản tính toán khiến tôi phát sợ. Đó là chi phí ăn uống. Mỗi người trong đoàn phim ngày ba bữa nhân sáu mươi tệ, trừ bữa sáng với đậu tương kèm bánh trứng hoặc cà phê kèm xúc xích được người sản xuất dậy sớm mua, bữa trưa và bữa tối đều là cơm hộp hoặc đồ ăn nhanh.
Nếu quay phim trong hai mươi ngày, tức là mỗi người chúng tôi phải ăn liên tục bốn mươi bữa cơm hộp giá sáu mươi tệ.
May mắn thay, phim được quay chủ yếu tại quê nhà Chương Hóa. Tôi thảo luận với người sản xuất, mời đầu bếp địa phương tới, nấu mỗi bữa năm, sáu loại thức ăn với một món canh theo giá sáu mươi tệ mỗi người. Đến giờ ăn, cả đoàn phim ngồi thành đôi ba chiếc bàn tròn, ăn chung giống như cỗ quê vậy.
Có mấy bữa cả đoàn ăn ở miếu thờ nhà ông ngoại tôi, giống như đi ăn cỗ giỗ hay ăn tiệc cúng tế. Nếu là đúng dịp bà ngoại có nồi thịt ba chỉ kho hạt khô, bà lại bưng ra mời cả đoàn. Quay ra quay vào, đã thấy bà bê ra một đĩa ổi to.
Duy nhất có một tối, đoàn phim quay cảnh đốt tiền vàng ngoài mộ buổi đêm. Tới bữa, nhà ăn mang cơm hộp tới khu mộ. Lúc quay xong, cơm hộp cũng được đưa đến. Trong bóng tối, cậu con trai ông chủ quán cơm xách 10 hộp cơm đi qua các ngôi mộ, tiến về phía chúng tôi. Vừa nhìn thấy tôi, cậu ta đã cười toét miệng. Ồ, hóa ra là “phân gà”, biệt danh cậu bạn học cùng tiểu học của tôi.
Thực ra tên cậu ấy là “Cơ Thạch”1. Ông nội Cơ Thạch là trưởng thôn, bố mẹ cậu ấy làm nghề nấu cỗ. Hai chúng tôi học cùng lớp 3, lớp 4. Có thời gian chúng tôi còn là bạn cùng bàn.
1 Phát âm trong tiếng Hán nghe giống “phân gà”.
Lên lớp 5 thì bị tách lớp, từ đó gần hai mươi năm rồi, chúng tôi không gặp nhau.
Cơ Thạch phát cơm hộp cho từng người. Cậu ấy như “bản phóng to” của hồi lớp ba, khuôn mặt tròn, đôi mắt tròn, không mấy thay đổi. Vừa mở miệng, cậu ấy đã nói: “Con trai tớ học lớp hai rồi!”.
Ngược lại với sự bất ngờ của tôi, Cơ Thạch dường như cảm thấy rất bình thường. Cậu ấy sớm đã biết tôi đang làm phim, chỉ có điều chưa lúc nào tới gặp tôi được. Tôi cầm hộp cơm, ngồi ăn bên mỏm đá cạnh ngôi mộ. Cơ Thạch cũng ngồi xuống và bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe.
Khi cậu ấy nhập ngũ, bạn gái cậu ấy đã mang bầu rồi. Nên vừa xuất ngũ, họ liền kết hôn, giờ đã có với nhau hai mặt con. Tôi khen cậu ấy giỏi, Cơ Thạch đáp: “Đúng thế! Ai bảo sau này các cậu đều được học lớp chọn”. Trường chúng tôi chia lớp theo lực học. Khi nhiều bạn học đi xe máy không có bằng, hút thuốc lá trộm, tán gái, tôi chỉ biết học, học và học. Cơ Thạch cập nhật thông tin cho tôi, nói cho tôi biết các bạn giờ làm gì, ra sao, ai cưới xin rồi, ai sinh con rồi...
Nghĩa trang lúc ấy toàn là bóng người. Nhân viên đoàn phim thu dọn máy quay, dụng cụ. Tiền vàng cũng đã hóa thành tro. Khung tre của biệt thự vàng mã chưa cháy hết nên mọi người hợp sức xé ra, ném vào lư hóa vàng được vây bởi lưới thép để hóa nốt. Cơ Thạch cũng giúp chúng tôi. Trong ánh lửa, tôi cảm thấy ấm áp, có cảm giác tôi không còn là học sinh của lớp chọn ngoan ngoãn ngày nào.
4. Trong đêm tối tĩnh mịch nơi thôn quê, có một phiên chợ đêm sáng đèn, đó cũng là nơi sinh hoạt tinh thần của người dân. Mỗi tuần có một tối, các xe hàng lưu động bán đồ ăn truyền thống đều tập trung về đây. Một chiếc xe máy tiến dần về chợ đêm. Người lái xe dừng lại, bỏ mũ bảo hiểm xuống. Ngồi phía trước là Tiểu Trang, phía sau là Mai, cô gái đóng bộ, đi giày cao gót.
Khi chọn diễn viên vào vai Mai, lúc đầu đoàn phim định chọn diễn viên với điều kiện “sinh ra và lớn lên ở vùng Trung Nam sau đó tới Đài Bắc học tập và làm việc”. Chọn tới chọn lui, cuối cùng quan sát kỹ xung quanh mới phát hiện ra biên kịch kiêm diễn viên kịch nói Vương Lợi Văn rất phù hợp với vai diễn. Từ nhỏ, Lợi Văn đã giúp người nhà bán cá viên, tính tình hòa đồng dễ gần, nhìn có vẻ bình thường, song lại có nét đặc biệt rất riêng.
Cảnh “Mai và người cha trên xe máy” vốn định quay ở con đường có hai hàng cây mộc miên, nhưng vì ven đường có cả hàng dài ô tô, nhìn thế nào cũng không giống ở vùng quê Chương Hóa. Sau đó, chuyển tới một đoạn đường khác, chúng tôi quay cảnh hiện tại trước, con gái đi xe máy chởm di ảnh cha, sau đó lại quay cảnh trong quá khứ, cũng đoạn đường ấy, người cha đi xe máy đèo cô con gái còn đang mặc đồng phục của trường Đài Trung về nhà.
Lợi Văn thay bộ đồng phục học sinh, tóc để ngang vai, trông rất có hồn. Đồng phục nữ sinh Đài Trung nổi tiếng vì mỏng và khoét cổ rộng. Hồi cấp ba, tôi và bạn cùng lớp cứ tan học là trốn vào phòng tập bơi, bật máy sấy rọi thẳng vào ngực cho đỡ lạnh. Lần này vất vả cho Lợi Văn, chỉ có cách lúc nào cũng mang áo khoác bên mình, quay xong một cảnh là lập tức mặc vào.
Khi quay cảnh Mai chở di ảnh cha trên xe máy, chúng tôi ngồi trên chiếc xe đặt máy quay phim, theo ngay đằng sau. Quay phim của chúng tôi nói một từ chuyên ngành: “Free hand”, tức là để máy tự động quay. Mỗi cái lắc đều đem lại cảm giác rất thật, lúc quay khuôn mặt của Mai, lúc lại quay di ảnh của cha, thêm vào đó là tốc độ, dù không có ánh sáng mặt trời song vẫn mang lại cảm giác tầng lớp rõ rệt.
Không ngờ rằng, chiếc xe máy cũ khó nổ lại ghi điểm cho phim. Trời lạnh nên phải mất một lúc lâu mới nổ máy được. Song Lợi Văn không nản lòng. Mỗi lần xem cảnh quay ngang khuôn mặt hay sau lưng Lợi Văn lúc đi xe máy, tôi đều cảm thấy, vẻ dịu dàng nhưng kiên cường của một cô gái xuất thân nông thôn đều được khắc họa rõ rệt.
Nếu chúng tôi tìm một chiếc xe máy nổ ngon lành, e rằng sẽ không thể có hiệu quả như vậy. Trong cảnh này, người cha buộc phải mặc áo cộc, đi xe phân khối lớn. Đối với anh Thái Bảo - diễn viên võ thuật vào vai cha mà nói, phóng xe chạy quanh nơi sơn cùng thủy tận cũng như khởi động trước khi luyện võ mà thôi.
Đêm trước đó, cảnh liên hoan sinh nhật cha được quay ở nhà hàng Hắc Cẩu Huynh. Chúng tôi để anh Thái Bảo luyện đi xe phân khối lớn quanh đèo, có nhân viên hậu cần theo sát giúp đỡ anh. Nhân viên hậu cần tưởng anh Thái Bảo sẽ đi chậm vì chưa quen xe, cứ thế chạy chậm ngay sau anh. Nào ngờ, vừa nổ máy, anh Thái Bảo lập tức hóa thân thành chàng thiếu niên dũng mãnh, phóng xe vun vút với tốc độ ổn định. Chỉ thương nhân viên hậu cần chạy hộc tốc theo sau. Về tới nơi liền cúi xuống thở dốc, không nói nổi câu nào, chỉ đưa ngón tay cái lên tỏ vẻ thán phục.
Quay xong mấy cảnh ngoài cánh đồng, mưa xối xả.
Chúng tôi bắt đầu lo lắng, cảnh quay ở chợ đêm làm thế nào bây giờ? Chúng tôi liên hệ được với chủ sạp bán đồ chơi golf, họ đồng ý nếu trời mưa to quá, họ sẽ đưa chúng tôi tới chợ đêm Lạc Hoa. Lúc sẩm tối, những xe hàng lưu động đã chiếm hết chỗ, xem ra họ sắp mở hàng. Nhưng vì không biết xe bán đĩa karaoke có tới không, người sản xuất nhờ tôi tới nơi phát hành băng đĩa nhạc đồng quê ở địa phương để mượn mấy chiếc đĩa karaoke. Lỡ xe bán đĩa không tới, chúng tôi sẽ phải tự thiết kế sạp bán đĩa cho nhân vật người cha.
Chúng tôi vẫn đang trên đường, nhận được điện thoại báo chợ đêm gần khu đèo hôm nay không mở cửa, bao nhiêu ý tưởng bỗng chốc tiêu tan hết. Chúng tôi đành mau chóng quay về để cùng đoàn phim tới chợ đêm Vĩnh Hòa. Kết quả là vừa tới nơi, mưa tạnh, đèn sáng rực, một nửa xe hàng đã bày bán. Lúc ấy, bỗng tôi có cảm giác như đang đồng cam cộng khổ, cùng sinh cùng tử với những người ở đây, cảm giác chúng tôi đều là những người nhìn thời tiết để mưu sinh. Trời nhá nhem tối, vẫn chưa thấy xe bán đĩa karaoke đâu cả. May mà đã lên kế hoạch dự phòng, tôi lái xe về nhà lấy 100 chiếc CD toàn các ca khúc vàng của các ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhất Phong, Giang Huệ, Quách Kim Phát... Đạo diễn Vương gọi điện thoại tới nói, lỡ như số lượng không đủ, thì cứ mang thêm mấy cuốn sách cũ tới, thiết kế sạp hàng của người cha thành sạp bán sách báo cũ kèm CD. Việc này thì tôi làm được. Tôi tìm thấy mấy tập sách như “Món ăn gia đình, làm lần đầu biết liền”, “Lại Hòa toàn tập”, “Bách khoa ẩm thực thế kỷ Đài Loan”, “Tự điển Nhật Trung”, “Truyện Thủy Hử”, “Tam quốc diễn nghĩa” với một loạt tạp chí cũ như “The first weekly”, “Tuyển tập báo in” và một loạt lộ trình tàu hỏa của các nước.
Sau khi tôi mang những thứ đồ này tới, sạp đĩa karaoke thần kỳ xuất hiện. Tiếp đó, ngoài việc mưa lúc rơi lúc tạnh ra, mọi thứ đều suôn sẻ. Đang lúc quay, trời đột ngột mưa to. Anh Thái Bảo nói với nhân viên đoàn phim: “Tôi thấy trên xe các anh có mấy thẻ hương, mang cho tôi ba nén đi. Tôi cầu trời tạnh!”. Anh Thái Bảo nói đó là thói quen của anh, mỗi lần quay cảnh mới anh đều cầu trời tạnh mưa một lần. Anh nói: “Mọi người thấy chưa, lúc quay phim ban ngày ở ven đường đâu có mưa”. Hóa ra anh đã “cầu xin Trời Phật” trước rồi, thật khiến người ta cảm động.
Cảnh quay cuối cùng ở chợ đêm, sau khi cha qua đời, anh trai Đại Chí tiếp nhận sạp hàng đĩa karaoke của cha, người em họ Tiểu Trang vẫn bán đồ chơi golf. Hai diễn viên Gia Tường và A Thái đều diễn xuất quá đạt, thêm đó là mưa gió, là cái lạnh, càng giúp họ thể hiện tốt cái cảm giác lạc lõng, cô quạnh nhưng có phần ấm áp.
Mười một giờ, chợ đêm đóng cửa, chúng tôi cũng kết thúc công việc. Mượn tên cuốn sách người bạn thân tại Hồng Kông của tôi - nhà thơ Liêu Vĩ Đường: “Chúng ta ra về từ đây, chỉ còn ánh sáng ở lại”.
Xe đi từ phía bắc lên nút giao trên cao tốc, qua Tam Nghĩa, xung quanh đều tĩnh lặng.
Anh trai tôi đang lái xe bỗng cất tiếng.
Anh trai: Lưu Tử Khiết, mau nói gì đi, anh sắp ngủ gật rồi.
Tôi: Ồ, em cảm giác em sắp bị trúng gió.
Anh trai: Vì khóc cha à?
Tôi: Anh chẳng bảo tìm chuyện gì nói cho anh nghe mà.
Không khí trong xe lại rơi vào im lặng.
Anh trai: Vừa đi qua mấy trạm soát vé rồi?
Tôi: Hai, trạm Viên Lâm với Hậu Lý.
Anh trai: Vậy thì sắp tới Tào Kiều rồi.
Tôi: Qua Tào Kiều là tới trạm Dương Mai, Thái Sơn. Qua
Thái Sơn còn trạm thu phí nào nữa không?
Anh trai: Tịch Chỉ. Ở trạm Tịch Chỉ, đi về phía bắc phải mua vé, xuống phía nam thì không cần.
Tôi: Vậy ở phía nam, Viên Lâm đi xuống là Đẩu Nam... sau đó là Tân Doanh... Tân Thị...
Anh trai: Cương Sơn! Trạm cuối cùng đó.
Tôi: Yeah! Thế thì chúng ta cùng đọc lại bài lớp 11! Rừng cây, hồ nước...