Sau đó, con bắt đầu làm lành vết thương lòng bằng nhiều cách thức rất dị hợm.
Đang đi trên đường, con rẽ vào công viên. Xuyên qua những lùm cây, con tới dưới một gốc cây nơi ánh sáng mặt trời rọi xuống chói chang. Tìm được chỗ ngồi lý tưởng rồi, con vô tư đưa mắt nhìn một lượt mấy người già ngồi xe lăn có nhân viên điều dưỡng đẩy. Họ đang xếp thành hàng. Họ có vẻ đều bị lẫn, người gầy trơ xương, chẳng có chút sức sống nào. Cuộc sống của họ không thể tách rời chiếc túi chứa nước tiểu luôn kè kè bên mình. Túi truyền dịch được vắt lên thanh sắt cố định trên xe lăn. Họ đang ngồi sưởi nắng. Con bỗng cảm thấy cha thật may mắn (Vì cha nằm sáu ngày trong phòng hồi sức cấp cứu rồi mới đi).
Biến thái hơn, con thậm chí còn muốn tìm thấy cái gọi là “hoang đường” trong đám xe lăn đủ màu sắc, từ số ống truyền trên người họ, từ đám lông trên cặp đùi đã được đậy kín bằng khăn của họ, hay từ thứ tiếng địa phương của đám điều dưỡng người ngoại quốc. Nhưng thực ra, con chẳng tìm được gì hết. Con chỉ nhìn thấy sự kiêu ngạo của bản thân, sự kiêu ngạo làm vỏ bọc cho nỗi sợ hãi trong tâm hồn.
Con chẳng phải cũng từng cao ngạo, tự cho mình là đúng khi nhìn vào sự yếu đuối của cha sao? Con chỉ là một kẻ cô độc, dùng câu chữ để làm bệ phóng cho mình. Càng leo càng cao, đứng ở trên, lạnh nhạt nhìn mọi thứ bằng nửa con mắt. Con những tưởng đó là nơi xa chốn hồng trần, là nơi thanh cao, an toàn.
Những câu chữ xa rời thực tế chẳng khác nào trò chơi rút gỗ, chỉ cần rút một mẩu là cả công trình đổ bể. Con chẳng qua đang chờ đợi, chờ mình được rơi xuống, giống như cô người mẫu áo đỏ.
Đúng hôm cúng một trăm ngày cha, cô người mẫu áo đỏ nhảy lầu. Cha đi sau Trung thu một ngày, một trăm ngày của cha vừa đúng vào Giáng sinh. Như con nhớ, chiều hôm ấy, khi đang ngồi trên xe khách chạy cao tốc xuống phía nam, con nhận được cuộc gọi của nhỏ bạn. Nó vui vẻ rủ con buổi tối đi tụ tập cho vui. Không ngờ, con trả lời kiểu khiến người
khác cụt hứng: “Không được đâu! Mình phải về Chương Hóa”. Nhỏ bạn con vừa cười vừa hỏi: “Ngoan vậy à!”. Con chỉ đáp: “Ờ!”. Thật kỳ lạ, con không nói ra được. Chỉ mấy chữ thôi “Giỗ một trăm ngày bố mình”, mà sao khó mở miệng đến thế cha nhỉ?
Sáng ngày Lễ thánh, hơn mười người nhà mình, trong đó có cả nhà chú hai, chú ba, ra ra vào vào tấp nập để chuẩn bị đồ cúng. Ti vi trong phòng khách đang bật kênh thời sự. Con không nhớ rõ mình bê một đĩa bánh củ cải rán hay đĩa hoa quả cúng, con dừng lại trước màn hình ti vi rồi kinh ngạc hét lên!
Đêm Giáng sinh, một người mẫu hạng C đang trong độ tuổi đẹp nhất (Đài Loan chia sao hạng A là minh tinh, sao hạng C là sao ít được công chúng quan tâm) vì bị bạn trai ruồng bỏ đã nhảy lầu tự tử sau khi dùng sơn viết nỗi oan khuất lên nóc tòa nhà Vĩnh Hòa nơi cô ở. Cô người mẫu tử vong ngay tại chỗ. Khuôn mặt được trang điểm đậm, cô mặc bộ đồ màu đỏ rực. Con lại lẩm bẩm niệm kinh khi nghe xong tin tức đó. Một con người cô độc nhảy từ độ cao hơn hai mươi tầng xuống trong đêm mưa.
Phóng viên thời sự bình luận trên truyền hình về sự việc này theo kiểu “Hỏi thế gian tình ái là gì?” hoặc “Đúng là một thảm kịch đau lòng!”, “Khiến người ta nghẹt thở”...
Con hét lớn bởi hiện trường cô người mẫu tử vong được cảnh sát chăng dây vàng phong tỏa ấy là nơi quá đỗi quen thuộc với con. Con và em gái thuê trọ ở đó. Tòa nhà nơi cô người mẫu rơi xuống nằm đối diện, hơi chếch với tòa nhà chúng con ở. Căn hộ con thuê ở tầng mười bảy, từ đó có thể nhìn rõ toàn bộ khu sân thượng của tòa đối diện. Trong ti vi, máy quay của phóng viên lia một đường từ nóc tòa nhà xuống thẳng phía dưới. Nhiều phóng viên, cảnh sát đang vây quanh hiện trường. Xung quanh đó những ánh đèn Giáng sinh vẫn lấp lánh chiếu rọi.
Con và em gái, cả người nhà mình vây quanh cái ti vi rồi bàn ra tán vào. Con nghĩ bụng may mà không phải tòa nhà con ở, không biết thế này có thể yêu cầu chủ hộ giảm tiền thuê nhà không. Sau đó, mọi người lại tiếp tục làm lễ cúng một trăm ngày cho cha.
Mỗi người tay cầm ba nén nhang, xếp thành hàng nghiêm chỉnh. Bà nội khấn mấy câu mời cha về ăn cơm, dặn cha mời cụ nội về cùng. Mỗi lần nghe xong, con cảm giác toàn bộ nước trong cơ thể như dâng lên tận cổ, muốn trào ra mũi, miệng rồi tuôn chảy qua mắt. Con thấy nghẹn ngào! Bởi thế, con rất khâm phục bà nội, bà có thể nói tất thảy tâm nguyện hay suy nghĩ của mình ra, dù xúc động tới mấy bà vẫn kìm được. (Chỉ có một lần bà không kìm lòng được, ngồi xuống bậc cửa khóc: “Con ơi là con, con đi đâu mà không chịu về!”). Đáng tiếc là đa phần người thân nhà mình đều di truyền từ cụ nội cái tính cách ương ngạnh, một đi không trở lại.
Cúng xong là tới giờ đốt vàng mã cho cha. Thời gian hóa vàng nhanh hay chậm tùy vào ý quỷ thần. Theo phong tục, bà nội làm lễ xin đài âm dương (Bà dùng hai miếng quẻ gỗ hình bán nguyệt, mỗi miếng đều có hai mặt, một phẳng một lồi, để xin ý kiến quỷ thần. Mặt lồi đại diện cho “âm”, mặt phẳng đại diện cho “dương”. Sau khi gieo quẻ nếu được một phẳng một lồi gọi là “quẻ thánh”, tức là thần Phật đồng ý với lời cầu nguyện của người trần hoặc công việc sẽ thuận lợi như ý). Bà hỏi cha: “Đã ăn no chưa?”, sau đó chờ câu trả lời từ quỷ thần. Nếu được quẻ thánh là có thể đốt tiền vàng cho cha rồi. Sau đó, cả nhà hơn chục người lại vào phòng khách nói cười rôm rả rồi kể cho nhau nghe mấy chuyện mộng mị gần đây.
Trước tiên là bà nội. Bà nói mơ thấy cha về, cha bảo bà đốt ít bạc vụn cho cha, dưới đó ngân phiếu mệnh giá lớn khó tiêu. Nghe vậy, cả nhà được trận cười vỡ bụng. Có người nói: “Thấy chưa, ai bảo nhà mình cứ đốt toàn vàng mã mệnh giá mấy trăm triệu”. Có người lại nói: “Trời, sao không bảo bố cháu đi mua mấy bao thuốc lá để được trả lại tiền lẻ?”.
Tiếp đến là thím ba. Thím kể cha bảo thím rằng cha ở dưới đó không có giày mà đi, còn dặn thím đừng mua, lấy giày mẫu ở xưởng của chú ba là được. Chú ba làm thuê cho một xưởng đóng giày của thương gia Đài Loan ở Hạ Môn, chú thường mang giày mẫu hoặc hàng lỗi về cho các cháu đi. Xưởng giày chủ yếu sản xuất cho các thương hiệu Âu Mỹ nên toàn giày phong cách trẻ trung thời thượng. Chú ba dường như chưa từng nhớ đã mang về cho cha một đôi lúc cha còn sống. Nghe thím ba kể vậy, chú ba có phần áy náy. Chú lấy ngay ra một đôi giày, cả nhà hô lên: “Trời! Giày Nike kìa!”.
Nhưng sao cha lại không có giày mà đi? Rõ ràng lúc nhập quan cha được mặc nguyên một bộ vest, đi tất trắng, giày đen mà. Hơn nữa, trong bảy ngày đầu cha mất, ngày nào cả nhà cũng thắp hương, khóc cha, làm cơm cúng sáng tối cho cha. Sau đó theo phong tục, cứ cách bảy ngày là cả nhà lại sửa soạn đồ chay làm lễ cúng cha một lần, cho tới bảy bảy bốn chín ngày mới thôi. Mà lần nào làm lễ cũng hóa rất nhiều giày dép cho cha, lẽ nào cha không nhận được?
Mẹ chúng con - vợ cha kể lại cho mọi người nghe cái đêm cuối cùng cha được ở nhà trước khi nhập viện. Lúc nửa đêm, cha bỗng ngồi bật dậy, tinh thần có phần hoảng loạn. Cha xuống giường, đi cũng không vững, mẹ đoán cha muốn đi tiểu, nào ngờ còn chưa tới nhà vệ sinh, cha đã tè cả ra quần. Mẹ cảm thấy có gì không ổn liền vội xuống giường dìu cha vào nhà tắm. Thay rửa cho cha xong, mẹ không dám làm kinh động tới ông bà nội đang ngủ ở tầng dưới, gọi điện ngay cho dì hai ở gần đó. Mẹ nói khẽ: “Mau lái xe qua đây, anh rể sốt cao tới hôn mê rồi”.
Dì hai lập tức có mặt. Hai người phụ nữ mạnh mẽ vừa dìu vừa đẩy cha lên xe. Lúc ấy, cha vẫn đi chân đất. Cũng từ đó, chân cha không mang giày. Tới bệnh viện, cha được chuyển từ phòng cấp cứu sang phòng ICU1. Từ đó, cha không bao giờ xuống giường nữa. Sáu ngày sau, nhịp tim của cha về số 0. Khi cha đi, đúng là không có đôi giày nào cả (Ồ, hóa ra những gì linh hồn cha nhớ được là ký ức về giây phút cuối đời. Thế thì bảy ngày liền chúng con ra sức đốt vàng mã, đốt giày dép cho cha chẳng phải là mất công và thừa thãi sao?).
1 Phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt dành cho những người bệnh trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Ông nội vốn là người ít nói bỗng lên tiếng. Không ai biết rằng, đêm đó, sau khi dì hai lái xe đưa cha đi, ông nội thức dậy. Nhìn đèn xe màu đỏ khuất dần trong màn đêm tĩnh lặng, ông lại nằm xuống giường. Ông nửa tỉnh nửa mơ nhìn thấy cha, ngực con trai ông thấm đẫm máu. Cha cười giơ tay vẫy và nói chào ông (Con thầm nghĩ: Trời đất ơi, thế mà ông nội mình giấu kín suốt một trăm ngày mới nói ra).
Cả nhà bỗng im bặt. Bà nội đã lên lầu. Tiếng quẻ âm dương rơi xuống nền nhà rõ rệt. Mọi người lại hướng ánh nhìn về phía con như thể muốn hỏi: Bố thương cháu nhất, bố cháu có về nói gì với cháu không? (Trời đất, cho con xin mà, mọi người đều kể chuyện hay thế, con biết nói sao bây giờ?).
Nhưng con vẫn kể, đúng là con có mơ thấy, cũng là “Nike”. Trong mơ, cha mẹ cùng tới Đài Bắc, con tiễn cha mẹ ra bến xe Thống Liên để về Chương Hóa. Trong nhà chờ xe, cha nói cha thấy lạnh. Con mặc chiếc áo jacket màu hồng có mũ hiệu Nike. Con nói: “Hay là bố mặc áo của con đi”. Con chỉ mơ có vậy.
Chiếc áo đó con mua từ hồi năm thứ tư đại học bằng tiền đi dạy gia sư. Có lần con mặc về nhà, hiếm thấy một người vốn tiết kiệm như cha lại nhận ra logo của một thương hiệu thời trang. Cha nói với giọng trách móc: “Ồ! Áo của Nike, giày cũng của Nike!” (Nhưng cha của con ơi, cha có biết chiếc áo này con mặc những mười năm liền rồi không?)
Con hỏi mọi người: Thế nghĩa là cháu phải đốt cái áo này cho bố cháu phải không ạ? Người lớn lại nói: Như vậy không tính, trong mơ phải là bố cháu qua đời rồi lại về nhà, thế mới gọi là báo mộng. Nếu cháu mơ thấy bố hồi còn sống thì chỉ là vì cháu quá nhớ ông ấy mà thôi.
Nói vậy hóa ra giấc mơ của mọi người đều không được tính.
Thậm chí con còn mơ thấy hồi con mới học cấp hai, cha đã là chuyên gia sưu tập rượu vang rồi. Một hôm, người em họ có cuộc sống xa xỉ của cha tới nhà ta chơi. Mà lần nào đến nhà mình, chú ấy cũng đi một con xe nhập khẩu khác nhau.
Chú ấy muốn mua một thùng rượu vang của cha. Cha bê một thùng rượu từ trong bếp ra và nói: “Bên ngoài hình như họ bán một chai 160, anh lấy chú 150 thôi”. Chú ấy đáp: “Bên ngoài bán 180 cơ anh.” (Con tự nhủ: Hai người đang nói tiền đô sao?) Cha cười từ tốn, lại bê thùng rượu lên và nói: “Vậy sao, thế thì anh không bán nữa”. Lúc ấy hình như con đang viết bản tự đánh giá trong phòng, con nhìn trộm ra ngoài, thầm nghĩ: Oa, cha mình đẹp trai quá! (Giấc mơ ấy có lẽ không chỉ vì con nhớ cha, mà đó còn là niềm ao ước của con nữa).
Hôm ấy, con gọi điện về nhà bảo mẹ mua cho mấy tấm vé số 15, 16, 18. Không ngờ trúng hết cha ạ! Con cứ tưởng là cha báo mộng về cho con biết, hóa ra đều không tính. Trong giấc mơ của con, cha rất trẻ trung, đẹp trai, khỏe mạnh. Con không biết nếu cha trở về sau khi qua đời, trông cha sẽ thế nào (Con từng hỏi thím ba, thím bảo thím không biết tả thế nào, chỉ biết người trong giấc mơ của thím đúng là cha).
Bà nội gọi: “Hóa vàng được rồi đấy!”. Chúng con mang theo từng xấp giấy tiền, vàng mã (Mẹ thường bù tiền cho chúng con dù ít dù nhiều. Lần nào trả lại mẹ, mẹ cũng không nhận. Duy có tiền mua vàng mã cho cha, mẹ không bao giờ
cho chúng con khất lần. Năm nào cũng vậy, mỗi đứa một trăm tệ). Cả nhà hơn mười người vây quanh lư hóa vàng đặt ở sân. Chờ vàng mã bén lửa, chú ba ném đôi giày vào trong. Giày cháy như cao su nóng chảy, tỏa khói đen ra xung quanh. Người làng đi qua đều chau mày, bịt mũi. Logo hình móc câu của hiệu Nike cũng dần biến mất.
Cha đã nhận được chưa cha?
Sau bữa trưa, con và em gái đi nhờ xe chú thím hai về Đài Bắc. Vừa rời khỏi nhà chưa được một cây số, xe bỗng chạy chậm lại. Chú hai ngoặt vô lăng, rẽ vào một bãi đỗ xe rộng rãi, không người. Đương nhiên là con biết đó là đâu. Con tự khấn trong lòng, xin chú, đừng dừng xe lại. Nhưng lời khấn của con vô hiệu. Chiếc xe dừng lại, chú hai ngoảnh đầu nói với chúng con: “Đi thăm bố cháu một lát!”.
Cha cháu ở đâu ạ?
Nếu là ở nhà, mẹ con thường nói, đi thăm cha đi. Ý mẹ là bài vị cha đặt ở từ đường trên tầng. Còn ở bãi xe cạnh nghĩa trang này, có một ngọn tháp. Nói tới thăm cha tức là thăm mộ cha đặt trong ngọn tháp. Đó là thứ vật chất duy nhất thuộc về cha còn tồn tại trên cõi đời này.
Chúng con nhanh chóng tìm tới mộ cha. Con chắp hai tay, cúi đầu, quả nhiên, nước mắt nước mũi trào ra. Thôi, con đầu hàng, con không kìm nén được nữa, cứ khóc cho thoải mái, xấu xí cũng được. Khóc hay không khóc, có lúc con lạnh lùng lựa chọn từ bỏ (Phải rất lâu sau này, thầy dạy Yoga mới nói với con: “Đừng giấu đi nước mắt và che đậy sự yếu đuối của bản thân. Người kiên cường nhất luôn thoải mái đón nhận những điều đó”, con mới dần học được cách thoải mái rơi lệ mà không phải đắn đo, dè chừng).
Con ngẩng đầu lên, quay lại nhìn. Chú hai - người luôn rất bình tĩnh đứng cách chúng con ba bước, chú không dám bước về trước. Thím hai bảo chú lại gần thăm cha. Chú lắc đầu, hai mắt đỏ hoe. Con biết chú hai vốn trầm tính như cụ nội. Chú biết rằng, chỉ cần tiến thêm một bước nữa thôi, có thể chú sẽ không kìm nén nổi mà òa khóc tới mức không lôi dậy được, giống như bà nội vậy.
Vậy là, trên chặng đường cao tốc đi về phía bắc, bốn người thân của cha, chẳng biết ai nên an ủi ai, cũng không biết nói gì để an ủi nhau. Chiếc xe cứ thế chạy hết hai trăm cây số trong im lặng. Cuối cùng cũng tới Đài Bắc, tới tòa lâu đài mười bảy tầng của con.
Con hít một hơi thật dài, nói cảm ơn thím hai rồi cùng em gái xuống xe. Thẻ ra vào cửa cảm ứng kêu một tiếng, từ cổng lớn khu chung cư, cổng chính tòa nhà, tới thang máy, máy lạnh, tất cả đều tượng trưng cho sự hiện đại, an toàn và bảo mật. Con khẽ nắm túi cỏ thơm bà nội cho trước khi đi để khỏi run sợ, rồi nhanh chóng đi vào trong tòa nhà. Vì gần đó mới có vụ cô người mẫu áo đỏ chết thảm.
Sau đó, con thường xuyên về nhà. Chẳng hiểu sao con bỗng trở thành một cô gái ngoan, không ngủ ở phòng riêng mà qua ngủ với mẹ. Con mới biết hằng đêm mẹ vẫn âm thầm ngủ quên trong nước mắt.
Con trở thành một người biết an ủi người khác. Thật lợi hại! Con không tin nổi mình có thể nói với mẹ rằng: Tự cổ chí kim có biết bao người sống không bằng chết, muốn chết cũng không xong, thấy những người già nằm ở viện dưỡng lão, trên người cắm đầy ống truyền, lẽ nào mẹ muốn cuối đời cha cứ nằm trên giường bệnh, đi vệ sinh cũng trên giường bệnh, tới khi con cháu nhìn cũng phát sợ sao? Cha có thể đi như vậy là phúc đức tu từ kiếp trước đó!
Mẹ sụt sịt nói: “Bố con ra đi thanh thản là sướng, những người ở lại như chúng ta mới không cam tâm!”.
Mấy đêm liền, trên chiếc giường đôi cha mẹ vẫn nằm, đầu giường luôn để di ảnh cha. Hai mẹ con cứ thế nói chuyện cho tới khi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Mỗi lần về nhà, con lại phát hiện ra mẹ bắt đầu treo các loại gấu bông, chuột bông... Con lặng lẽ quan sát, lẽ nào mẹ bị sang chấn tâm lý, tâm hồn trống trải nên có xu hướng mắc bệnh thần kinh chăng? Cũng may, mẹ vẫn bình thường, vẫn đảm đương hết mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Con hỏi em gái có chú ý đến điều này không, nó nói, mẹ rất bình thường mà! Mẹ khéo tay, nhân lúc rảnh rỗi lại cầm kim chỉ, làm thú nhồi bông, làm gối tựa.
Sau đó, con mới biết, những món đồ này vốn là thứ để các thiếu nữ Nhật Bản làm lành vết thương lòng, giúp họ đỡ cô đơn. Bản thân con chẳng phải cũng thường xuyên quấn quýt, ôm hôn hai chú mèo sao? Chúng luôn quấn quýt con, lúc ở dưới chân, lúc luồn dưới cánh tay, co tròn như hai cục bông, ngủ cùng với con. Có khi ở bếp, con lông vàng bụng trắng chốc chốc lại kêu lên, nhảy lên mặt bếp, muốn chạm mũi vào mũi con.
Những con vật ấy, dù là giả hay là thật cũng đã trở thành thứ bù đắp không gian trống trải của hai mẹ con con. Như mèo mọc lông là để che đậy lớp da thịt nhăn nheo của chúng (Chỉ có điều, con không dám nghĩ, một ngày nào đó chúng cũng sẽ rời xa con).
Thôi, cứ nhắc tới mèo là con lại thấy thương cảm. Con biết cha cũng sợ phải đối mặt với cảm giác đó.
Mấy tháng sau khi cha qua đời, lúc con thông báo tin cha mất cho bạn thân, con bỗng có cảm giác mình đang cắt đứt tự do của mình. Bạn con thản nhiên hỏi: “Vậy à? Mẹ cậu sẽ không quản cậu chặt hơn đấy chứ?”.
Đúng vậy, tụi nó nói đúng. Mấy con thú nhồi bông làm bạn là không đủ đối với mẹ. Câu nói đầy vẻ bất an trở thành câu cửa miệng hằng ngày của mẹ: “Dù sao thì bố con cũng không còn nữa!”.
Con thường xuyên trong tình trạng gọi di động không thấy tín hiệu, gọi máy bàn không ai nhấc máy. Tới khi có tín hiệu thì chỉ nghe thấy câu trách móc: “Dù sao thì bố con cũng không còn nữa!”. Cuộc sống của con rất nhàn nhã, con bỏ công việc biên tập, thi thoảng lại nhận viết bài kiểu có cũng được, không có cũng chẳng sao. Mẹ vẫn không từ bỏ việc thuyết phục con thi lấy bằng sư phạm. Mỗi khi nhắc tới việc này, hai mẹ con khó tránh khỏi lời qua tiếng lại. Rồi mẹ lại thốt lên: “Dù sao thì bố con cũng không còn nữa!”.
Con thực sự không phải là đứa con gái ngoan. Con bắt đầu trở nên lãnh đạm, thờ ơ, muốn từ bỏ mọi thứ. Ngày nào con cũng cầu xin cho mình được thoát khỏi cõi trần này. Con không muốn ở cái nơi mà cha của con không ở đó. Hằng ngày đi trên đường, con chỉ hy vọng bỗng có một chiếc xe, hay một con thuyền, một chiếc máy bay xuất hiện và nói với con: “Lên đi!”.
Quả nhiên, chiếc xe ấy đến thật cha ạ! Cơ hội phỏng vấn làm việc ở Thượng Hải đến với con. Vòng đầu tiên, phải chuẩn bị trước lý lịch cá nhân và tác phẩm đã có. Con bình thản, chậm rãi dọn nhà. Mấy tác phẩm được in bằng chữ chì nổi, con không giữ lại làm gì hết. Trong số những di vật của cha, ngoài một chiếc ví, mấy cuốn sách về chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường và cẩm nang chăm sóc sức khỏe bản thân, còn có một xấp báo dày, được xếp cẩn thận, ngăn nắp. Cha quen xếp báo vào tủ sách ở phòng khách. Cứ có khách tới chơi là cha lấy ra cho họ xem. Nếu vừa hay lúc ấy con có nhà, con toàn xấu hổ tới mức chỉ muốn lao thẳng lên lầu. Bởi trên những tờ báo đó đều có tên con. Báo in bản lớn nhỏ đủ loại, thời gian xuất bản khoảng ba đến bốn năm trước, từ thời con còn là phóng viên thực tập. Có thể chỉ là ghi chép về một buổi họp báo ra sách mới, hay ghi chép về cuộc họp bình chọn giải văn học, hay bài phỏng vấn một tác gia nào đó. Nhưng đối với cha mà nói, có lẽ đó là niềm tự hào của cha.
Con đứng trước máy photo trong cửa hàng bách hóa, in từng tờ báo ra. Nhìn vạch sáng quét qua trên máy, từ trái qua phải, con nhớ lại nguồn gốc của những tờ báo cũ này.
Phần lớn là Tuần báo văn nghệ sĩ phát hành vào cuối tuần. Mỗi sáng Chủ nhật, cha đều gọi điện cho con và hỏi: “Hôm nay có không?”. Ý cha là hôm nay có bài của con đăng báo không? Có lúc con còn sung sướng khoe cha: “Có chứ, bài lớn là đằng khác!”. Có khi con lại đỏng đảnh tiểu thư: “Ôi dào, bố tự xem đi!”. Cha đi xe máy tới sạp báo. Bà chủ ở đó mau mồm mau miệng: “Thấy anh đến là biết ngay hôm nay lại có bài của con gái rồi!”.
Đây có lẽ là mối liên hệ mật thiết duy nhất giữa hai cha con ta từ sau khi con đi học cấp ba xa nhà.
Cha thích xem mấy chương trình đoán thành ngữ trên truyền hình nhưng luôn cho rằng mấy câu đố của họ chẳng có gì sáng tạo nên thường bảo con viết những đề cha nghĩ ra và chuyển tới chương trình “Tôi đoán tôi đoán” hoặc những chương trình khác. Con đều chiều ý cha.
Có lần về nhà, cha dán giấy lên chiếc đồng hồ hỏng và quả bóng trị liệu cha hay cầm trên tay rồi viết chữ lên đó (Đúng thế, sau khi cha bị bệnh, nhà mình có rất nhiều những dụng cụ trị liệu như máy đo huyết áp, máy đo đường máu, bơm kim tiêm, cồn, bông, băng). Cha viết chữ “bình an” lên chiếc đồng hồ báo thức, viết “sinh tồn” lên trên quả bóng, còn cố ý viết thành kiểu chữ cứng. Rồi lại bắt con phải đoán xem nó có ý nghĩa gì. Con chán chẳng buồn đoán. Cha nói, đáp án là: Trong bình an2, cầu sinh tồn3. Con cười lớn: “Cha ơi nhạt quá đi mất!”.
2 Chữ “trong” và “đồng hồ” đồng âm.
3 “Cầu” và “Quả bóng” đồng âm.
Cha ơi! Thượng Hải lạnh lắm cha à!
Năm tháng sau ngày cha mất, sau Tết âm lịch, con xách chiếc va ly tới Thượng Hải.
Khó khăn đầu tiên của con đó là bị thời tiết khô lạnh ở đây đánh bại. Không hợp thời tiết khiến con liên tục sổ mũi, còn chảy máu cam nữa. Con uống đủ các loại thuốc cúm song vẫn không khỏi. Ngủ trong phòng có lò sưởi, hai mũi con tắc nghẹt, chân tay lạnh ngắt, hơi thở nóng rực, mấy đêm liền con mơ thấy ác mộng có người nhét bánh mỳ vào miệng con. Sau đó, con lại mơ thấy cha.
Đúng là khi nhập quan, nhân viên đội tang lễ đưa cha từ trong tủ đông ra. Thi thể đông cứng không có mùi lạ gì, như được cho vào túi ép chân không rồi nhanh chóng được đưa vào quan tài. Xong việc, ông nội than thở, thời đại đúng là tiến bộ, giờ họ làm thật là sạch sẽ. Chẳng bù cho cái hồi bà nội của ông mất, đúng đời Chiêu Hòa bên Nhật, vẫn chưa có tủ đông, thi thể để tới mức thối rữa chảy nước. Lúc nhập quan gần như phải vớt thi thể lên, đặt vào quan tài, nước từ thi thể tiết ra ngấm vào bùn đất. Tang lễ kết thúc, mùi thối của xác chết vẫn còn phảng phất, không gột sạch nổi trong thời gian dài. Người người ra vào đều phải bịt chặt mũi, có người còn buồn nôn.
Cảnh này tự động hiện ra như thước phim quay chậm trong đầu con. Trong mơ, con thấy cha nằm ở phòng khách của khu nhà ba gian trên nền đất đã bị san bằng, cha giống như bà nội của ông, cơ thể đang đang bốc mùi. Giống như đang ở nơi giao tiếp lịch sự bỗng có người “xì hơi”, chỉ cần giả vờ đưa mắt nhìn xung quanh như thể mình không biết gì rồi lên tiếng trước: “Thối quá!”, tất cả mọi người thấy vậy liền hùa theo. Họ hàng thân thích chẳng ai màng tới lịch sự tôn nghiêm nữa, ngay cả anh trai và em gái con đều bịt chặt mũi (Đó là điềm báo sao? Không, trong giấc mơ của con, cha đã đi rồi mà không trở lại).
Còn con, cố tình làm ra vẻ ương ngạnh cứng đầu, con không muốn ngửi mùi thi thể cha. Chẳng nói chẳng rằng, con đứng một mình một góc, như đang luyện nhịn thở khi tập bơi vậy. Con sợ hãi, chỉ cần một chút lơ là, bao nhiêu công sức trước đó sẽ đổ xuống sông xuống bể. Con cũng sẽ bắt đầu cảm thấy ghê sợ và tránh xa cha. Con nhịn tới nỗi mặt mũi đỏ rực, hai tay nắm chặt tới mức móng tay cắm vào da thịt, não con như muốn nổ tung vì yếm khí. Cuối cùng, con vẫn đầu hàng.
Con tỉnh dậy, thoát khỏi cơn ác mộng. Hơi thở gấp gáp, mũi con không nghẹt nữa, thông mũi rồi. Máu mũi nóng hổi chảy ra, khuôn mặt con đẫm nước mắt vì sợ hãi. Trời đã sáng, tuyết vẫn đang rơi. Ngoài cửa sổ, hoa tuyết bay trong gió, tạo thành cả một dải tuyết trắng xóa sau ký túc xá. Trận tuyết ấy dường như có thể xuyên thấu tới một góc nào đó trong tâm hồn, làm con cảm nhận được sự ấm áp và nhân từ trong cái lạnh.
Từ đó về sau, mỗi khi gặp phải khó khăn hoặc đau đớn, con liền muốn chạy tới một nơi có tuyết và đứng lặng im ngắm nhìn tuyết rơi. Sau đó, con cảm giác mình không như trước nữa. Ví như con trở nên thích ước ao. Dường như có cha ở nơi ấy phù hộ, mọi điều ước của con đều rất linh nghiệm. Đó là sự trải nghiệm tâm linh, hay cảm giác huyền bí, hoặc như mọi người thường nói là duy tâm. Không, lúc đó cũng không tính.
Ở Thượng Hải, công việc của con là viết bài quảng cáo, viết truyện, viết báo cho sản phẩm từ đá lưu ly. Con học thuộc lòng mấy câu trong kinh Kim Cương, hay trong kinh Bản nguyện Dược sư lưu ly quang (Nguyện kiếp sau con được hóa thân làm đá lưu ly sạch sẽ, không tỳ vết), rồi cả Ban Nhược Ba La Mật Tâm kinh nữa. Con học thuộc lòng, đơn giản chỉ vì cần dùng khi viết bài cho sản phẩm.
Con vốn là một đứa đầu óc không nhanh nhạy, lại chậm mồm chậm miệng. Hằng ngày, con cứ chạy tới chạy lui hết ở xưởng sản xuất lại tới bảo tàng đá lưu ly đang được thi công. Từ khu sản phẩm Vô Tượng cho tới khu Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, từ sản phẩm Hoa hảo nguyệt viên tới khu Trừng minh chi ngộ. Ông chủ của con luôn rất khoan dung với con, thi thoảng còn đùa con nữa. Ông ấy nói con là một nữ nghệ sĩ trẻ, tưởng không ngộ đạo mà lại rất sành. Từ khu Vô Tượng tới khu Quan Âm nghìn mắt nghìn tay phải đi qua một dãy hành lang dài, hai bên là cả hàng pháp luân lưu ly có tên gọi “Thường niệm từ bi”. Thiết kế này hy vọng khách tham quan khi đi qua, giơ tay chạm nhẹ hoặc khẽ quay pháp luân bên trong có khắc đầy kinh văn. Đêm trước ngày khai trương bảo tàng, ở công trường dày đặc bụi, chỉ có mấy ngọn đèn vàng được treo lên cao để chiếu sáng. Ở dưới có rất nhiều bàn tay đang gõ đập, lau chùi. Pháp luân lưu ly được lắp đặt xong, ông chủ bảo con ra quay thử để xem có cảm giác gì không (Đúng vậy, mấy bài quảng cáo con viết chẳng phải là để bán một thứ cảm giác tâm linh sao?).
Con xem như đang được chơi trò chơi. Bước vào dãy hành lang, trong ngoài đều hơi tối, kinh văn lưu ly như được ánh đèn soi xuyên thấu bàn tay con. Con không biết có cảm nhận được gì không, nhưng những dòng chữ ấy đập ngay vào mắt con (Là cha sao? Có phải cha tới rồi không?).
Con không kịp phản xạ, con đan hai bàn tay vào nhau để lên đôi môi đang run rẩy. Con biết thứ chất lỏng nóng hổi từ trong mắt con sắp tuôn ra trước mặt nhiều người. Con quay đầu lại, như một nghệ sĩ trẻ bất cần, con nói: “Tôi nghĩ khách tham quan đi tới đây là không chịu nổi nữa rồi! Đến tôi như thế này, thế này...”. Ông chủ tiếp lời con: “Ngốc nghếch thế này, thực tế thế này, cô định nói vậy sao”. Ông ấy vẫn vậy, luôn nở nụ cười độ lượng với con.
Đúng thế, con không phủ nhận lời ông chủ nói.
Nghệ sĩ trẻ không tin vào thuyết quỷ thần nhưng kẻ bị quỷ ám là con đây vừa hay đang cần một lời giải thích khoa học. Thế là, con bắt đầu đọc những sách về não bộ và giác ngộ, thuyết lực học lượng tử và linh hồn, càng đọc càng mụ mẫm. Sau đó, một người bạn thường tìm hiểu về lĩnh vực tâm linh nói với con, đừng cố đi giải thích nó làm gì, lúc cần sẽ gặp thôi.
Khi con tin Phật hay theo đạo sao? Không, con biết rất rõ, đó không phải là sự sùng bái với quỷ thần, cũng không phải là sự chuộc lỗi với tôn giáo, càng không phải là điều bí mật con luôn tin tưởng. Mà là, dần dần con tìm thấy nơi sáng rạng, bình an, từ bi theo tiếng gọi của trái tim. Con tin rằng, có thể cha đang ở đó.
Năm năm sau khi cha qua đời, vào đêm trước ngày lễ Thanh minh, thím ba mơ thấy cha. Dưới quê làm cỗ rất linh đình (Con tự hỏi là đám cưới anh trai sao?). Cha một mình đi vào nhà. Thím ba nói cho mọi người xung quanh: “Anh rể tôi về rồi”. Nhưng ngoài thím ba ra, không ai nhìn thấy cha cả. Cha đi vào một góc yên tĩnh, ngồi xuống ghế và hỏi thím: “Cả nhà muốn tôi phù hộ cho gì nào?”.
Thím ba vốn định nói, tất nhiên là phù hộ cho chúng em kiếm bộn tiền. Nào ngờ, thím nghẹn ngào, không nói nên lời, nước mắt cứ thế trào ra, cuối cùng, chỉ nấc mấy tiếng và nói: “Anh phù hộ cho cả nhà bình an là được”.
Cha gật đầu rồi đứng lên, vỗ vai thím như muốn nói: “Tôi biết rồi, thím đừng khóc nữa”.
Thím vẫn không ngừng khóc, cho tới khi tỉnh lại vào sớm hôm sau.
Con nghe điện thoại ở nơi cách nhà hai trăm cây số, thấy mẹ kể giấc mơ của thím ba, không kìm lòng được, con bật khóc. Con khóc vì không biết giờ cha đã có khả năng thực hiện mơ ước của mọi người chưa? Từ khi cha mất, việc gì con làm cũng thuận, lẽ nào là do cầu được ước thấy?
Con viết một bài văn kể về việc cha qua đời và bài văn ấy đạt giải tác phẩm văn học xuất sắc. Hãng phim mời con làm biên kịch cho họ, con cũng sẽ nhận được tiền phụ đạo điện ảnh. Đoàn phim cùng về quê mình để ghi hình. Sau khi hoàn thành, bộ phim còn được mời tham dự mấy liên hoan phim quốc tế, hãng phát hành chủ động liên hệ với các rạp chiếu phim. Khi thím ba mơ thấy cha, con vừa trở về từ Liên hoan phim Hồng Kông. Truyền thông đánh giá con là rất có tiếng tăm.
Con thường được hỏi: Nhân vật người cha và cô con gái trong phim nhớ lại quãng thời gian và kỷ niệm đã có, chính là cô và bố cô phải không? Câu trả lời là không. Đó chỉ là sau khi hoàn thành kịch bản lần đầu, nhiều người có kinh nghiệm trong ngành và nhà sản xuất phim đề xuất: Nên thêm nhiều cảnh quay tình cảm cha con xúc động lòng người.
Con hiểu rất rõ luật chơi. Con biết để một bản thảo có thể thành kịch bản phim, một tác gia buộc phải trở thành chiếc máy pha cà phê đa năng, dù là cà phê đậm, nhạt, thêm đường hay thêm sữa đều có thể đáp ứng được.
Khán giả muốn phim thêm chút “đường sữa”, ồ không, phải nói là thêm tình tiết cảm động. Bởi vậy, con viết thêm được một cảnh quay nữa. Cô con gái còn đang học cấp ba từ trường trở về nhà. Người cha đi chiếc xe phân khối lớn ra bến xe đón con. Trên đường, hai cha con nói chuyện vu vơ. Người cha hỏi, con đi thi thử thế nào rồi, liệu có vào được Đại học Quốc lập Đài Loan không. Cô con gái ra vẻ tiểu thư đỏng đảnh đáp: “Đừng hỏi chuyện thành tích nữa mà!”.
Vậy mà, thời gian đã làm thay đổi tất cả. Cô con gái đi xe máy chở cha, chỉ có điều, đó không phải là người cha hay nói hay cười nữa, mà là bức di ảnh của cha.
Lúc quay cảnh đó, con hoàn toàn không ngờ rằng, mình cảm động tới mức nước mắt nhạt nhòa. Con ngồi trên chiếc xe quay phim, nhìn hai cha con giống như cặp tình nhân trên màn ảnh, con không kiềm chế được cảm xúc, nhưng không tới mức kêu gào thảm thiết, mà chỉ là không cầm được nước mắt thôi. Nhân viên đoàn phim có lẽ đều tưởng rằng con khóc vì nhìn thấy quá khứ từng trải của chính mình. Thực ra, nguyên nhân chính chỉ mình con mới biết.
“Không, tôi và bố tôi chưa từng có lúc nào gần gũi thế này cả”, con giải thích. Nhưng chính vì thế mới càng khiến người ta đau lòng. Bởi, con mãi mãi không có cơ hội đó nữa.
Nhưng cha biết không? Năm năm kể từ ngày cha mất, ngoại trừ trong công việc, con được coi là máy pha cà phê đa năng, chuyên nghiệp, con chẳng làm được gì ra hồn cả. Thế là, con lại tới nơi có tuyết rơi. Núi Kii ở Nhật được mệnh danh là thánh địa ngàn năm và được liệt vào di sản văn hóa thế giới. Nhiều dòng tộc danh tiếng của Nhật Bản như Tokugawa Ieyasu, Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi, Basara đều được an táng tại đây. Ngoài ra còn có nhiều bia tưởng niệm và tháp tưởng niệm của các doanh nghiệp cũng được đặt ở đó. Con bước đi trên tuyết, tới nơi cao nhất. Trước mặt con là chốn an nghỉ của đại sư Không Hải.
Trong các ngôi chùa ở Nhật Bản, những thứ dùng để cúng tế đều được đề giá rõ ràng. Khách du lịch có thể tự lựa chọn mua hương, mua nến thắp hay bùa bình an. Trước khi con xuất phát, hai người con quen, một là bà cụ chín mươi tuổi, hai là bạn đại học bị ung thư, đều đã qua đời.
Bà cụ lúc sinh thời sống rất giữ mình, ngay cả một chiếc răng sâu cũng không có. Sau đại thọ chín mươi tuổi, cụ bị ngã rồi nằm trên giường suốt nhiều ngày và chìm vào giấc ngủ mãi mãi. Bạn đại học của con vốn là người sống rất lạc quan, nụ cười luôn nở trên môi. Trước khi kết hôn, cô ấy đi kiểm tra sức khỏe phát hiện mình đã mắc ung thư giai đoạn cuối, vậy là cô ấy không có duyên được mặc áo cô dâu nữa. Nửa năm trời hóa trị không theo kịp tốc độ lây lan của tế bào ung thư, cô ấy vẫn bình tĩnh chấp nhận thực tại, thậm chí còn để lại lời nhắn cho người thân và bạn bè: “Không nhận tiền phúng. Nếu mọi người tới, xin hãy mang theo hoa hướng dương - loài hoa mà tôi yêu nhất”.
Con và họ tuy không được xem là rất thân quen, thậm chí cũng chẳng thân tới mức con phải tới viếng. Nhưng theo trực giác, con vẫn thắp cho hai người họ một cây nến trắng. Mỗi cây nến năm mươi Yên, con bỏ một đồng xu một trăm Yên vào hòm gỗ. Con thành tâm cầu chúc cho họ bình an nơi suối vàng. Sau đó, con đi tới cầu Ngự Miếu.
Dưới cầu là nước sông xanh ngắt. Ven sông có một hàng tượng Phật trang nghiêm đang ngồi cõng nước. Sắp tới điện đường thần thánh nhất, con bỏ mũ lông, găng tay, khăn choàng ra, cất máy ảnh đi đúng như quy định của chùa. Đúng lúc con đang lấy túi đựng máy ảnh từ trong ba lô ra, con bỗng giật mình: Còn cha nữa? Con lại quên cha rồi?
Con dừng chân, quay đầu lại nhìn, một đoàn dâng hương toàn các ông các bà Nhật Bản cũng đi tới. Họ mặc áo trắng, chống gậy, thần thái có vẻ nghiêm nghị.
Con do dự không biết có cần đi ngược không. Lúc ấy, tay con vẫn cầm mũ lông, găng tay, khăn choàng, máy ảnh và túi đựng máy ảnh, chiếc ba lô còn chưa kéo khóa vắt trên cánh tay, trông con vừa thê thảm vừa đáng nghi. Hướng dẫn viên du lịch của đoàn dâng hương phát hiện ra con, tưởng con định dừng lại chụp ảnh, liền giơ tay về phía con và nói lớn: “Đi tiếp về phía trước đi! Ở đây cấm chụp ảnh!”.
Phía trước là bậc thang đá rất dài. Mỗi bậc đều phủ đầy tuyết trắng, trên đó là vết chân của đoàn dâng hương. Con cũng bước lên, xung quanh tĩnh lặng tới mức con có thể nghe thấy nhịp thở của chính mình. Đi nốt bậc đá cuối cùng, con đã tới ngự miếu của Không Hải đại sư. Máy đo nhiệt độ hiển thị: -27 độ C. Trước cổng miếu có câu đối: “Trú dạ úy vạn dân phổ hiền bi nguyện, nhục thân chứng tam vị đãi từ thị hạ sinh”.
Cấm chụp ảnh, vậy chép lại câu đối chắc là được nhỉ? Con lấy cuốn sổ tay ra, hà hơi để làm ấm bàn tay đang lạnh cóng, rồi chép lại đôi câu đối.
Lần này, con không rơi nước mắt, bởi chẳng có dòng điện hay cảm nhận kỳ lạ nào cả. Nhìn làn khói trắng tỏa ra xung quanh, con thầm hiểu, cha không cần con phải thắp nến cho cha. Bởi, cha yêu quý của con, với con mà nói, cha mãi mãi tồn tại.