Vài năm trước, khi đi phượt ở Vân Nam, con quen một anh bạn người Nhật tên K ở Đại Lý. Anh chàng K này bằng tuổi con, đeo cây đàn guitar Hawaii đi lang thang du lịch khắp nơi, từ Trung Quốc, Việt Nam đến nhiều nơi khác. Khi con và bạn đồng hành đang ăn đến no nê buffet siêu rẻ chỉ mười đồng ở Nhà nghỉ Thanh Niên - nhà nghỉ thuộc hệ thống nhà nghỉ dành cho thanh thiếu niên trên khắp các tỉnh thành của Trung Quốc thì cậu ta gặm một gói bánh quy xốp với một chai nước, cậu ta đi đến nói chuyện cùng bọn con, con và K quen nhau như thế.
Lúc cả hội chia tay nhau để rời Đại Lý, mọi người cùng nói về ước mơ của mình, K nói, cậu ta muốn mở một hiệu sách second hand, con còn vào hùa hò theo: “Tôi cũng muốn thế! Tôi cũng muốn thế!”. Khi ai nấy đều trở về quốc gia của riêng mình, khi con vẫn lê la ở nhà sách hằng ngày, hẹn bạn bè ở bậc thềm ngoài nhà sách, hỏi han nhân viên và chủ nhà sách, thậm chí đến làm biên tập ở bộ phận tạp chí, thì K đã đi tìm được mặt bằng, tự mình tay đinh tay búa đóng kệ giá sách, tự vẽ biển cho hiệu sách, đi khắp các khu bán sách của Osaka, Kobe để thu mua sách cũ về bày lên kệ, hoàn thành mong ước mở hiệu sách của riêng mình.
Căn phòng cổ này có tên Tree House Bookstore - hiệu sách nhà sàn, được mở ở quê của K, Himeji-jo. Anh chàng viết thư cho con kể, thầy giải quẻ chùa Trung Hòa trên núi Thưởng Sơn ở Đại Lý chẳng phải đã từng nói cậu ta sẽ nhận được sự giúp đỡ của tiền bối hay sao? Quả đúng như vậy, cha cậu ta làm nghề mộc nên đã cho cậu ta rất nhiều gỗ, tiết kiệm cho cậu ta được kha khá tiền làm nội thất hiệu sách. Cái quẻ này thì con nhớ rất rõ bởi lúc đó chính con là người dịch cho cậu ta nghe, còn thầy chùa giải thích thế nào về quẻ của chính con thì con lại quên sạch bách.
Sau này, con đi du lịch Tokyo, Kyoto, vì con đã mua vé JR Pass - một loại vé tàu ưu đãi của Nhật Bản dành cho du khách nước ngoài, có thể đi bất kể tuyến tàu hỏa đi bất kể đâu ở Nhật Bản trong thời gian nhất định, nên con dành ra hai ngày để đến Himeji-jo, thành phố chỉ cách Kyoto một tiếng ngồi tàu. Con viết thư hỏi K ở gần đó có nhà nghỉ nào rẻ rẻ như kiểu nhà nghỉ Thanh niên hay không thì cậu ta hồi âm, nếu con không ngại thì có thể đến ở phòng áp mái của hiệu sách, cậu ta thường mời bạn bè nước ngoài, hoặc những người đến hiệu sách mà uống say ngủ lại. Ngủ lại ở hiệu sách, chuyện này không phải chỉ có ở hiệu sách Shakespeare tại Paris sao? Con phấn khích quá, vội hồi âm: “Ok, hẹn nhé”.
Đến tận nơi rồi con mới thấy, “dịch vụ” của “nhà trọ hiệu sách” này thực sự rất ổn. K không chỉ chuẩn bị cho con vô vàn cuốn tạp chí đặc biệt của hiệu sách, đặt thêm một chiếc giường sofa cho con ở phòng xép áp mái, tuyệt vời hơn nữa, trong hiệu sách không có phòng tắm, K còn cho con hai tấm vé tắm ở bể tắm công cộng.
Trong những cuốn tạp chí đặc biệt của hiệu sách có nói Tree House là kiểu hiệu sách “lãng du”, bởi sách về du lịch là nhiều nhất ở đây. Trong hiệu sách còn thiết kế một quầy bar nhỏ, ngoài những thứ đơn giản như café, bia, trên tờ thực đơn viết tay còn có một mục ghi “Món hoàng gia hôm nay”, chỉ cần 500 yên Nhật. K giải thích cho con, mục “Món hoàng gia hôm nay” có nghĩa là: “Hôm nay tôi ăn gì thì bạn cũng ăn món đó”. Khoảng chập choạng tối, vài vị khách quen sẽ gọi điện đến đặt tối nay ăn gì, K ước lượng số người rồi sẽ làm bữa tối đơn giản, mọi người sẽ vừa ăn vừa nói chuyện về sách. Khách ở đây có thủ thư, giáo viên trung học, người nước ngoài đến Nhật Bản dạy tiếng Anh, còn có một số người theo như lời K thì kiểu “không biết họ làm gì, chỉ cần đến giờ là sẽ thấy đến, có thể họ là những kẻ bợm rượu”.
Tối muộn hiệu sách đóng cửa, K về nhà, con chuyển sang đi dép lê, đeo chiếc ba lô nhỏ lên vai, đi qua góc phố yên tĩnh của Himeji-jo đến phòng tắm công cộng. Bể của nữ cũng không khác là mấy so với bể tắm nước nóng nữ ở Đài Loan, mọi người cũng không nói chuyện với nhau mấy, nhưng con thấy, nếu ở gần nhà mình mà có một phòng tắm công cộng thế này thì cũng hay biết mấy. Con sảng khoái bồng bềnh ngâm mình trong bồn tắm, quay về đến phòng xép xung quanh toàn sách là sách ngủ ngon lành. Thú vị hơn nữa, căn xép này được dẫn lên từ một cầu thang gỗ khác ở bên hông hiệu sách (cầu thang gỗ cũng bày đầy sách), ra vào không cần đi qua hiệu sách, nhưng nhà vệ sinh lại nằm ở bên trong hiệu, nên nếu nửa đêm mà con muốn đi vệ sinh thì sẽ phải trèo xuống, mở cửa cầu thang đi ra bên ngoài, rồi lại mở cửa hiệu sách. Nhưng cửa hiệu lại là một tấm cửa cuốn phải mất công cuốn lên, bởi vậy K dặn con nếu ngại phiền hà thì có thể sang hiệu Hai tư giờ Lawson bên kia đường đi vệ sinh nhờ.
Con thì rõ ràng là người ngại phiền hà rồi, bởi vậy con chọn cách nhịn đi vệ sinh. Sáng hôm sau có lẽ là lần đầu tiên từ thuở cha sinh mẹ đẻ con mong chờ một hiệu sách mở cửa đến vậy.
Hôm sau đó là cuối tuần, nói ra thì tưởng không may nhưng lại cũng là số hên, thông thường cuối tuần K hay đi chợ sách Kobe, Osaka để gom sách, trước đó khi viết thư cho K con cũng nói con muốn đi cùng, nhưng đợt này lại đúng vào đợt hội chợ handmade, DIY một năm mới có một lần ở Himeji-jo, K muốn đi tham gia hội chợ để bán sách cũ và café, con nghĩ hội chợ này chắc cũng sẽ rất thú vị đây. Đến nơi, con thấy rất nhiều cô gái Nhật Bản trang điểm tông màu khói, mặc váy ngắn đi bốt cao đến đầu gối, họ rất tự nhiên cầm búa sắt và thanh gỗ, đóng gõ liên hồi, kệ trưng bày sản phẩm của họ thành hình rất nhanh sau đó, trong chốc lát, những mảnh vải ghép quilting, khăn quàng cổ, những tấm thiệp, quyển sổ tay handmade của họ lần lượt được bày lên kệ. Con giúp K trông quầy, rồi hăng hái đi siêu thị mua bột quế hộ K, vậy là con cũng biết tự lê la ở Himeji-jo (Không hiểu sao khi đi qua phố vào siêu thị mua đồ, con có cảm giác mình giống những đứa trẻ con của các gia đình trong chương trình thực tế Nhật Bản đua nhau giúp bố mẹ đi mua đồ, xem ai hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên).
K nói con có thể dùng xe đạp của cậu ta nhưng con lại chọn đi bộ, Himeji-jo là nơi rất tuyệt để đi bộ, những con đường chính cứ thế thông nhau, từ bến xe đến thẳng Himeji- jo, hai hàng cây ngân hạnh cao hai bên đường, làn đường dành cho người đi bộ rộng rãi, chốc chốc lại có ghế dừng chân ngồi nghỉ. Con đi tham quan bảo tàng văn học của thành phố, là công trình kiến trúc đầu tiên của Tadao Ando, bên trong có căn phòng đặc biệt của nhà văn Shiba Ryōtarō.
Buổi tối, lại có một nhóm người khác đến hiệu sách tán gẫu, họ giới thiệu cho con sách của Shinya Fujiwara, ông là nhà lữ hành nổi tiếng Nhật Bản, cũng từng viết sách về Đài Loan, đó là cuốn Tiêu dao du ký, con tìm ngay cuốn này, lật trang đầu tiên quả đúng là ảnh của phòng trà Đàm Thủy.
Dường như Shinya Fujiwara có ý muốn nắm bắt mặt tối của thành phố, cùng trong một cuốn sách, ông chụp cả khu Cửu Long của Hồng Kông, nhưng là tấm bài vị ở khu nhà cũ nát chật hẹp, thực sự rất thú vị. Dù con đã học chút tiếng Nhật nhưng cũng coi như bằng không, chỉ có thể dựa vào phần chữ Hán để đoán mò nghĩa, nhưng bất chấp điều đó, sau đó con vẫn mua rất nhiều tác phẩm của ông khi đến Tokyo, Kyoto.
Sáng ngày thứ ba, con bắt Shinkansen - hệ thống tàu cao tốc nối toàn nước Nhật quay về Kyoto. K tiễn con ra ga tàu, bọn con lại nói về ước mơ của mình. Con kể ở New Zealand và Australia có một kiểu visa gọi là Working Holiday cho phép người nước ngoài từ mười tám đến ba mươi tuổi đến đây làm một năm, con hy vọng trước ba mươi tuổi con có thể đến đó làm. K bảo, “Ừm, năm tốt nghiệp đại học tôi đã đến đó rồi, ở New Zealand ngày nào tôi cũng đi hái quả kiwi”, nghe cách nói cảm giác cậu ta không thấy ở đó có gì hay ho cả.
Á, tại sao những ước mơ con cho là xa vời không thể đạt tới, bắt buộc phải cân nhắc đắn đo, chuẩn bị kỹ càng, hạ quyết tâm cao độ và mang một ý nghĩa to lớn thì K lại bình thản, nghiễm nhiên đạt được, chỉ như là chuyện bình thường trong cuộc sống vậy? Hay có lẽ do con đã quá coi ước mơ hay coi mình là một cái gì quá to tát, cuối cùng cứ đi theo hô hào, hùa theo, trải nghiệm, thăm thú, kể lể ước mơ của người khác. Rồi thì, dần dà tự con lại cảm thấy, trước thời khắc thần thánh khi con thực hiện được ước mơ đến, thì cứ như thế này cũng không có gì là không tốt cả.
Sau này, con thường xuyên thư từ qua lại với K, cậu ta nói tình hình kinh doanh của hiệu sách ngày càng tốt. Còn ước mơ lớn nhất lúc đó của cậu ta, là mau mau sắp xếp được thời gian để lại được đi lang thang khắp nơi.