Khi chúng con đến, đủ loại ống nối, dây rợ, máy móc cắm vào người cha từ những ngày trước đó đều đã được rút hết, chỉ còn giữ lại một ống dẫn nhỏ ở bên lỗ mũi trái của cha và một mối nối của ống thở. Đó là cách để giữ lại hơi thở cuối cùng cho cha, chúng ta đã về nhà rồi.
Đó chẳng phải là kiểu đùa nhạt nhẽo mà ngày trước cha vẫn hay thích dùng sao cha?
Nghe tiếng còi hú của xe cứu thương thì phải phân biệt nhé! Nếu là tín hiệu “có thể cứu chữa được”, thì mau nhường đường đi; còn nếu nó kêu kiểu “thôi, vô phương cứu chữa rồi”, thì thôi, nhường mà làm gì. Khi mọi người cười ngặt nghẽo vì câu chuyện của cha, thì chỉ có con dám cả gan thách thức cha: Nếu đã vô phương cứu chữa, thì sao còn phải ngồi xe cấp cứu hả cha?!
Phải đưa về nhà chứ!
Cha nói đi!
Cho nên, chúng con lên xe với cha, ta cùng về nhà nhé.
Xét về danh nghĩa, chúng con đã tiễn cha đến cuối chặng đường rồi nhé.
Lên xe cấp cứu rồi, bác tài hỏi: Này cháu, nhà cháu theo Phật giáo hay tin chúa Jesus? Con chưa kịp trả lời, bác ấy đã thẳng thắn hỏi tiếp: Nhà cháu có thắp hương không? Con đành gật đầu. Bác tài liền lấy ra một cặp đĩa, nhét một cái vào đầu CD trên xe, tiếng “Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật...” cứ thế vang lên.
Thế chiếc đĩa còn lại là cái gì? Chẳng lẽ lại là Hallelujah hallelujah hallelujah?! Con hiểu rằng chuyến đi hoang đường nhất đời con vừa khởi động rồi đây.
(E ò e ò e ò...)
Con không chịu nổi, chỉ muốn kể cho cha nghe những gì con nhìn thấy. Cậu y tá đang đều đặn ngồi bóp bình thở, đó là sự hô hấp giả của cha. So với những biện pháp trị liệu vừa chuyên nghiệp vừa phức tạp sáu ngày trước, thì tên gọi của bước cuối cùng này có vẻ gần gũi dễ hiểu hơn nhiều cha nhỉ.
Đây gọi là hơi thở cuối cùng.
Về tới nhà rồi. Lá cờ của người hướng dẫn viên trong hành trình hoang đường này bây giờ giao cho đội tang lễ, chủ tang, đạo sĩ và hàng xóm láng giềng. (Có người trách móc chúng con tại sao không nói: Cha, chúng ta về đến nhà rồi. Thế là chúng con bèn nói).
Cậu y tá lấy dụng cụ ra, giơ tay nhìn đồng hồ rồi nói: “Nào, cả nhà nhìn giờ nhé, 17 giờ 35 phút được không?”.
Có được không? Chúng con còn biết nói gì đây?
Được. Chúng con đã nói “được”. Chúng con dám nói “được” rồi đấy cha ơi!
Vô nghĩa quá, con những tưởng cái ống thở đó chỉ dùng băng keo trong suốt dán vào vậy thôi. Con không ngờ cậu ta rút ra cái ống dài phát rợn người, thậm chí còn phải rạch vào da thịt cha mới rút nó ra được. Cậu ta nói với cha: “Này anh, chịu khó tý nhé, tôi khâu lại đây”. Vết thương cuối cùng trên cơ thể cha là ở phần dưới cổ họng bên trái.
(Không còn đau đớn.)
Con trân trân nhìn cái ống rợn người đó, đầu dây của nó đã từng cắm thẳng vào phổi của cha. Con đã nhìn thấy nó, thấy cả những vết đờm dịch vàng xanh, đặc quánh bám quanh nó.
(Không bệnh tật.)
Nào quỳ xuống! Người chủ tang nói.
Chúng con quỳ xuống, con nhìn cha rõ mồn một. Cha đang mặc một bộ vest, đeo cà vạt, đeo găng tay trắng và đội mũ (Cha đẹp quá, sau khi quỳ cạnh cha đốt tiền giấy cho cha, con đã nói thế với em gái).
Tiền giấy trước khi nhập quan không được để bị rách, chúng con đã phải tập luyện nhiều lần và rút ra được kinh nghiệm: gấp thành hình chữ L, xếp thành hình cây cầu, như thế sẽ dễ bắt lửa nhất. Chúng con cũng nhanh chóng phân công ra ba ca trực đêm: em gái sẽ trực từ mười hai giờ đêm đến hai giờ sáng, anh trai sẽ trực từ hai giờ sáng đến bốn giờ sáng, còn con, con sẽ ở bên cha từ đó đến khi trời sáng.
Thầy chọn ngày đã nói: Ngày thứ ba nhập quan, ngày thứ bảy hỏa táng.
Nửa đêm, đội tang lễ mang tủ đông đến, máy tăng áp kêu ầm ầm, sụt nguồn điện mấy lần. Cứ mỗi lần sụt nguồn, tim con cũng thót lại.
Nửa đêm, những người thân bạn bè đến chia buồn đã về dần. Chú Bân, người bạn hay hút thuốc cùng cha, châm một điếu thuốc rồi cắm vào bát hương trước di ảnh cha, sau đó tự châm cho mình một điếu, lặng lẽ hút. Hai đốm lửa đỏ nhỏ cứ thế lúc bừng sáng lên lúc tàn đi. Chú bảo: “Lâu quá rồi không hút thuốc cùng cha cháu, mà cha cháu thì cũng chả kiêng kỵ gì đâu nhỉ?”. Đúng rồi, con nhìn làn khói thuốc trắng bay lơ lửng trên bát hương mà trong lòng thầm nghĩ, đó đúng là hy vọng của cha mà.