Rất nhiều cha mẹ tin rằng nếu họ sợ hãi hoặc đánh con, con sẽ sớm rút ra bài học cần thiết. Nhưng không, con sẽ sợ ta và điều này sẽ gạt bỏ mong muốn bản năng của con là trở thành đứa trẻ ngoan mà con vốn đã như vậy. Nếu ta muốn phạt con một cách có ý nghĩa, ta cần tôn trọng uy quyền của bản thân và phải quyết đoán, đồng thời củng cố sự gắn kết với con. Chiến lược tạo ra cảm giác sợ hãi trong lòng con chỉ làm nhạt dần sự gắn kết giữa ta và con.
Nếu bạn tìm kiếm phương án xử lý đơn giản khi con cư xử chưa phải phép, bạn nên chuẩn bị tinh thần thất vọng lâu dài. Không có câu trả lời đơn giản nào cho quá trình nuôi dạy con. “Yêu cho roi cho vọt” mà người ta vẫn nói chỉ khiến con oán giận. Nhiệm vụ của bạn là kiềm chế sự độc đoán của bản thân để con học được cách tìm đến nguồn lực nội tâm để biết mình đã làm đúng hay làm sai trong tình huống cụ thể. Mặc dù đôi khi một người cha/người mẹ bị quấy nhiễu cũng mắng con, thậm chí la lối – tôi đã từng như vậy trong buổi đi chơi biển hồi con gái tôi 3 tuổi – nhưng ta không thể làm vậy thường xuyên nếu ta muốn nuôi dạy con trong tỉnh thức.
Khi bạn áp dụng các phương pháp độc đoán, những lời quở mắng của bạn khiến con luôn cảm thấy có lỗi và lo lắng. Trong tình huống này, con không tôn trọng bạn và cũng không tôn trọng chính bản thân mình. Khi con không cảm nhận được sự tôn trọng, con sẽ cảm thấy có lỗi và đổi lại, điều đó sẽ tạo nên cảm giác trống rỗng hoặc thiếu đi sự cảm thông đối với người khác. Cảm giác có lỗi xuất phát từ thực tế là trên thế giới này không đứa trẻ nào muốn cảm thấy mình không biết kiềm chế và không được tôn trọng.
Việc hình thành hành vi tỉnh thức đòi hỏi ta phải thay đổi động lực vốn khiến con cảm thấy sợ hãi, bị mắng mỏ hoặc xấu hơn thế, đòi hỏi ta phải biết lưu tâm đến nhu cầu của cả cha mẹ và con cái. Vì lí do đó, đối thoại không thể chỉ do một phía. Ta phải luôn luôn tự hỏi liệu mình đang đáp ứng hành vi của con thay vì nhu cầu của bản thân hay không, và ta phải sẵn sàng điều chỉnh. Sự kỷ luật không thể nào là “Mẹ nói rồi đấy, cứ thế mà làm”, và phải bao gồm thêm rằng “Đây là quy tắc, nhưng con cứ thoải mái lựa chọn xem muốn có trải nghiệm thế nào đối với từng quy tắc, và mẹ sẵn sàng lắng nghe cảm nhận của con”. Kỷ luật trong tỉnh thức yêu cầu con tuân thủ hướng dẫn của ta nhưng cũng cho phép con được tự do thể hiện quan điểm.
Khi ta trưởng thành, khả năng chịu đựng sự thất vọng bắt rễ từ thời thơ ấu của ta. Nói chính xác hơn, nó liên quan đến khả năng của cha mẹ ta trong việc dạy ta đối mặt với từ “không” và cảm xúc của ta. Hầu hết cha mẹ đều nói “không” nhưng lại không dạy con xử lý những cảm xúc nảy sinh sau lời nói quyền lực ấy. Ta né tránh việc giúp con khám phá cảm nhận thất vọng của con vì chính ta cũng không biết cách đối mặt với sự thất vọng của chính mình trong cuộc sống. Hoặc là ta phủ nhận cảm xúc của con, hoặc là ta an ủi con bằng cách nhanh chóng “xử lý” sự việc hoặc khiến con xao nhãng bằng cách nào đó. Đây là cách giúp con tránh xa cảm giác khó chịu, để rồi mười năm, hay nhiều năm sau nữa, có thể con sẽ vượt qua được những điều bất như ý trong cuộc sống.
Trừ khi con sớm học được cách đối mặt với cảm xúc của chính mình, đặc biệt là trong tình huống cha mẹ nói “không”, con sẽ không thể đối mặt với sự từ chối trong cuộc sống. Khi ấy, trẻ sẽ phản ứng như một đứa trẻ mới lên hai là giơ nắm đấm – hoặc theo phong cách người lớn là chè chén bê tha, hay sử dụng chất kích thích. Rất ít người nhận thấy hành vi của bản thân mang tính ngầm hủy hoại ra sao. Và căn nguyên là do ta không thể xoa dịu bản thân và không thể chịu đựng trạng thái như nhiên của cuộc sống.
Ta phải luôn luôn ghi nhớ nhu cầu được an ủi và được trao quyền của trẻ. Dù ta điều chỉnh hành vi đến đâu, quan trọng nhất là ta phải tiếp cận con thông qua phương pháp kể chuyện, ôm ấp, âu yếm hoặc trò chuyện, tùy thuộc vào nhu cầu và độ tuổi của con. Không bao giờ đổi mối quan hệ để lấy sự điều chỉnh hành vi.
Hành vi của con không bao giờ được thể hiện một cách vô nghĩa và có sự liên quan mật thiết với khả năng của ta trong việc thể hiện quyền uy của sự hiện hữu nguyên bản, thay vì của cái tôi. Nếu ta bị mắc kẹt với mức độ hài lòng và phản ứng theo lối cổ điển hoặc-là-mẹ-hoặc-là-con, lúc đó chính ta là người mất quyền lực và khả năng phản ứng sáng tạo. Và khi đó, ta sẽ cảm thấy con đã lấy đi của ta thứ gì đó: ví dụ như sự sáng suốt, khả năng kiểm soát, thời gian, lòng tự trọng hoặc sự tôn trọng. Con trở thành thực thể để ta đối mặt thay vì hợp tác.
Thay vì áp dụng phương pháp cổ điển hoặc-là-mẹ-hoặc-là- con, ta phải tự nhủ, “Mỗi người xung quanh ta đều là tấm gương phản chiếu của bản thân ta,” và khi ấy, ta sẽ có phản ứng rất khác. Phương pháp cổ điển kia chỉ khiến ta nhận ra rằng con khôn ngoan hơn ta và có thể nâng cao tinh thần của ta hiệu quả như khi ta nâng cao tinh thần cho con.
Để biết hiệu quả của phương pháp này đối với các thiếu niên, ta sẽ cùng tìm hiểu tình huống của hai bố con vốn có mối quan hệ rất thân thiết khi cô con gái còn nhỏ. Khi cô bé đến tuổi thiếu niên, mối quan hệ này bước vào giai đoạn bất thường, đến mức hai bố con hầu như không nói chuyện với nhau và cô bé học hành sa sút.
Cô bé cảm thấy bị biệt lập và bị chỉ trích. “Lúc nào bố cũng nghĩ cháu nói dối và không tin tưởng cháu,” cô bé nói với tôi. “Bố chẳng hiểu gì về cháu cả.” Cảm thấy mình không được thấu hiểu, không được lắng nghe và không được nhìn thấy, cô bé thay đổi tính cách và nói dối để né tránh sự đối xử khắc nghiệt của bố. “Ngày trước cháu cũng hay nghĩ, nhưng giờ cháu còn không quan tâm đến việc nói thật nữa,” cô bé nói. “Nói dối dễ hơn nhiều cô ạ.”
Về phía mình, người cha liên tục nhắc đi nhắc lại, “Lúc nào con bé cũng nói dối. Nó phải thôi ngay cái việc gian dối ấy.” Anh ngăn chặn hành vi nói dối của con bằng cách chỉ trích nhiều hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn. Gặng hỏi con thường xuyên để “phải biết sự thật”. Quá lưu tâm đến việc “dạy dỗ”, phương pháp của anh xuất phát từ nỗi sợ hãi.
Khi tôi nói với anh rằng mối quan hệ giữa bố con anh đã đánh mất yếu tố con người và khả năng chăm sóc, anh mới nhận thấy tầm quan trọng của việc phải tránh xa tâm lý định kiến mà anh đang bị mắc kẹt. Bằng cách dành thời gian chất lượng bên con, anh có thể củng cố mối quan hệ đồng minh với con. Khi nhận thấy rằng nếu không có mối liên minh mật thiết ấy giữa hai bố con, sự kỷ luật sẽ chỉ khiến hai bố con tránh xa nhau, anh bắt đầu từ chối phương pháp “dạy dỗ” và làm bạn với con. Chỉ vài tuần sau khi thể hiện sự quan tâm đến con với tư cách là một người bạn thực sự, hành vi của cô bé đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Vui vẻ và thích thú hơn, cô bé nói dối ít hơn – đó là bởi vì cô bé cảm thấy mình được chăm sóc. Sẽ không có sự điều chỉnh hành vi nếu thiếu đi mối quan hệ.
Mỗi khi ta áp dụng một phương pháp liên tục mà không đem lại kết quả, hãy dừng lại và tự hỏi, “Mình đang làm gì mà không hiệu quả như vậy?” Câu trả lời thường ẩn sau thực tế là ta đang bị mắc kẹt khi nhìn nhận con theo cách không lành mạnh. Khi thay đổi phương pháp, động lực cũng thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: Ta có sẵn sàng thay đổi phương pháp không?