Không ai muốn bị nói “không”. Lí do là vì đối với chúng ta, từ “không” luôn gắn liền với những thông điệp đáng sợ từ quá khứ. Từ “không” có thể khơi gợi kí ức về người cha/người mẹ nghiêm khắc và hay trừng phạt, hoặc tuổi thơ không được trao quyền.
Dù đã là người lớn, nhưng đôi lúc ta vẫn phải nghe từ “không”, và lúc đó, ta những muốn đấm đá như một đứa trẻ 2 tuổi, ném phăng núm ti giả hoặc lăn đùng ra sàn nhà ăn vạ cho đến khi mệt lả. Đương nhiên ta biết mình không thể làm vậy, vì vậy ta cho phép bản thân được nổi cơn thịnh nộ tinh vi hơn, ví dụ như rên rỉ, nói lén sau lưng, nói chuyện tầm phào, hoặc hờn dỗi. Ta đấm gối bùm bụp và không chịu nghe gì hết. Dù ta bao nhiêu tuổi, từ “không” vẫn là một từ rất khó để nghe. Vậy mà ta vẫn nói “không” vô số lần mà không nghĩ đến cảm xúc của con.
Mỗi khi ta võ đoán và không kiên định, ta phản bội cảm giác không thoải mái của bản thân bằng cách nói ngay từ “không”. Để rồi con coi như không nghe thấy lời nói của ta và nghiêm trọng hơn nữa là con nổi loạn. Nếu ta luôn cảm thấy khó chịu với từ “không”, dù ta nói bao nhiêu lần đi nữa, con sẽ không bao giờ nghe thấy từ đó. Chỉ khi ta thực sự mong muốn mình cần được lắng nghe, con mới chịu nghe ta. Điều này có nghĩa là ta phải mong chờ sự tôn trọng và con không được bước qua ranh giới của ta.
Nói cách khác, con cần phải cảm thấy yên tâm khi nghe từ “không” và ta cũng cần có cảm giác tương tự khi nói từ đó. Nếu ta lo lắng khi nói vậy, khả năng cao là con sẽ trở nên ngang ngạnh và ương bướng khi đến tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi chính là cách ta nói “không” và bối cảnh khiến ta nói vậy. Có phải ta nói “không” trong trạng thái tỉnh thức, khi ta nhận thức rõ ràng rằng đó là phản ứng nguyên bản trước hành vi của con và không phải sự biểu hiện vấn đề của chính bản thân ta? Khi tỉnh thức, ta có thể nói “không” mà không cảm thấy có lỗi, không cảm thấy bản thân thiếu quyết đoán hoặc không nhất quán.
Đôi khi ta không thể nói “không” hiệu quả bởi ta cảm thấy mình không có quyền nói như vậy. Lí do là vì nhiều năm trước, chính cha mẹ ta đã tước đi của ta quyền được thể hiện sự tôn trọng. Tôn trọng bản thân phải có trước khi ta tôn trọng người khác. Con hay bất cứ ai khác sẽ không tôn trọng ta nếu ta không tôn trọng chính mình.
Nếu khi nói “không” ta không nêu rõ lí do mình phản ứng như vậy, con sẽ thúc giục và kiểm soát ta. Đây là lí do quan trọng khiến ta chỉ nói điều mình muốn nói, thực sự mong muốn điều mình nói và nói là làm.
Có những lúc con bị cái tôi chiếm ngự và cần được ta động viên để trở lại với thực tại. Những lúc ấy, ta cần phóng chiếu sự hiện diện của ta vào con. Đôi khi ta cũng cần thể hiện rõ thiện chí của mình. Việc này khác hoàn toàn so với khi ta vô thức áp đặt cách thức của mình vào con mà không ý thức rõ yêu cầu của những cách thức này.
Suzanne là mẹ đơn thân và con gái sắp-đến-tuổi-thiếu-niên Maryann luôn nằm ngoài khả năng kiểm soát của chị. Hồi nhỏ, Maryann dễ thương như một thiên thần nên hai mẹ con rất hợp nhau. Nhưng rồi Maryann bắt đầu thể hiện cá tính riêng và Suzanne không biết phải làm sao đối mặt với sự độc lập ngày càng lớn dần của con gái. Chị cũng không biết phải phản ứng tích cực trước nhu cầu hết sức tự nhiên của Maryann là được tự chủ và được trao quyền, bởi điều đó chế ngự ý thức về giá trị bản thân của Suzanne.
Khó khăn của Suzanne trong vấn đề của con gái là kết quả của thực tế chị sinh ra và lớn lên bên một người mẹ hay chỉ trích và mắng nhiếc, không ngừng xem thường chị và khiến chị cảm thấy mình bị khiếm khuyết bẩm sinh. Hậu quả là khi Suzanne trưởng thành, trong tâm can chị vẫn còn dính mắc mối quan hệ với mẹ và chị không thể tìm được một người bạn đời biết tôn trọng chị. Và hơn hết là chị phải gồng mình chiến đấu với bệnh béo phì và đau lưng kinh niên.
Uy quyền của Suzanne ít ỏi đến mức chị không nghĩ đến việc phải yêu cầu con tôn trọng mẹ. Biên giới của chị bấp bênh đến mức chị không hề thiết lập ranh giới cho con. Kết quả là chị không ngăn chặn Maryann khi cô bé không nghe lời mẹ lúc lên 7 tuổi, chị cũng không nói gì khi Maryann lên tám đánh mẹ một cái, và chị cũng không phản đối gì khi Maryann 9 tuổi làm vỡ chiếc vòng cổ yêu thích của chị. Chị cũng không ra lệnh giới nghiêm khi Maryann 12 tuổi đi chơi tối với bạn bè lần đầu tiên. Nói một cách khác, dù không nhận ra nhưng Suzanne đã tạo bóng dáng của người mẹ hay mắng nhiếc lên con gái. Chị đã vô tình gieo mầm cho sự không tôn trọng của con gái do khoảng trống đầy uy lực mà chị vốn quen thuộc.
Trong những tình huống mà ta phải có phản ứng, hãy tự hỏi: Mình phản ứng như vậy do nhu cầu của bản thân và những vấn đề chưa được giải quyết hay thực sự là vì con? Sự thiện chí này cần được tạo dựng từ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và bước vào giai đoạn chuyển đổi – dấu mốc của phương pháp dạy con trong tỉnh thức.
Ta nên nói “không” sao cho phù hợp với tính cách của con. Trẻ biết sẵn sàng lắng nghe thường nhạy cảm hơn và dễ bảo hơn. Một số trẻ khác lại cần cha mẹ lừ mắt mới dừng hành động đang làm. Tuy nhiên, những đứa trẻ này đều có thiên hướng sẵn sàng làm hài lòng cha mẹ. Vì lí do này, cha mẹ cần lưu ý không được áp đảo con, khiến con cảm thấy lưỡng lự, thậm chí sợ hãi cuộc sống. Ánh mắt nghiêm khắc là chưa đủ đối với những trẻ ngang bướng hơn. Những trẻ này thường dễ gặp rắc rối hơn vì chúng thường không chỉ độc lập mà còn ngang ngạnh, bướng và khó bảo. Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải mạnh mẽ nhưng vẫn phải có hành động mềm dẻo, không nhượng bộ. Mọi biện pháp kỷ luật cần đi đôi với sự gắn kết trong không khí thư giãn nhất.
Đôi khi con trải qua giai đoạn nổi loạn và ta phải liên tục nói “không”. Chỉ cần đây là sự phát triển theo giai đoạn, cha mẹ có thể kiên quyết với con. Vấn đề ở chỗ rất nhiều cha mẹ không thể chịu đựng được việc này sau vài ngày. Còn con, nhờ mau lẹ khôn khéo hơn cha mẹ kiệt sức vì mỏi mệt, lại cảm thấy mình được trao quyền để tiếp tục có hành vi khó chịu kia.
Nếu con tỏ thái độ thách thức, ta cần phải dừng lại, hít thở sâu và tự nhủ, “Con vi phạm quy tắc chính hay vi phạm quy tắc linh hoạt?” Nếu con không chú ý đến phản ứng “không” của ta đối với một vấn đề quan trọng, ta cần phải có hành động. Nếu đó là quy tắc linh hoạt, ta cần khôn khéo vận dụng kĩ năng thương lượng hoặc đầu hàng.
Nếu cần thiết, ta phải có hành động như cấm túc, hoặc nói chuyện nghiêm túc với con về tác dụng phụ của các món đồ giải trí như đồ chơi, tivi hay máy vi tính. Ta phải học cách nói “không” và phải thực sự muốn như vậy, bằng chất giọng nghiêm nghị và quả quyết. Chỉ cần con nhận thấy ta nói là làm, con sẽ liên kết lời nói và hành động của ta với nhau. Hành động sẽ đem lại hiệu quả cao nhất nếu nó mang tính đồng nhất và quả quyết, thay vì mang tính chất trừng trị hay chuyên chế.
Trong quá trình học hỏi để tiếp ứng với từ “không”, trẻ cần thời gian và không gian để tìm thấy cơ chế tự-an-ủi của bản thân, bởi cơ chế đó sẽ giúp trẻ biết quay trở lại với trọng tâm của bản thân. Tôi nói với con gái, “Mẹ không thể đem sự tức giận của con đi và mẹ cũng không muốn như vậy. Nhưng mẹ có thể ở bên trong khi con vượt qua cơn giận đó.” Vượt qua cơn giận là cách đầu tiên để cho phép nó tồn tại. Ta cưỡi sóng khi sóng ập đến. Con sẽ học được cách điều tiết cảm xúc bằng cách thực hành sự ý thức, sự chấp nhận và sự chịu đựng.
Khi con nhỏ hơn, ta có thể đặt nền móng để giúp con sau này biết tự đối mặt với cảm xúc của bản thân. Để làm được việc này, ta có thể vận dụng kĩ thuật đặt tên cho cảm xúc. Một kĩ thuật khác là ngồi bên con khi con vẽ hoặc viết về cảm xúc của con. Một kĩ thuật khác nữa là khuyến khích con hít thở đều.
Rất nhiều khi, từ “không” được chuyển hóa nhanh chóng và cảm xúc cũng tiêu tan hết. Đôi khi con có nhiều điều muốn nói và nhiều cảm xúc muốn thể hiện. Nếu ta không giúp con chịu đựng cơn giận của mình, con sẽ nhấn chìm cảm xúc vào cơ thể. Nhiệm vụ của ta là lắng nghe con, sau đó cho con biết rằng cảm thấy tức giận là một điều hết sức tự nhiên. “Hãy ghi nhận cảm xúc của con,” tôi nói với con gái. Và hai mẹ con tôi cùng nhau quan sát cảm xúc ấy.
Sẽ rất hữu ích nếu ta hỏi con xem con có học được điều gì từ cảm xúc của bản thân khi ta nói “không” hay không. Kinh nghiệm đầu tiên là cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn. Đây là bài học khó khăn nhưng vô cùng thiết yếu. Tuy nhiên, nếu ta nhận thấy điều đó, từ “không” sẽ khơi dậy sự sáng tạo của ta. Nếu con không thể có thứ con cần trong lĩnh vực cuộc sống của con ngay lúc này, liệu con có thể có được trong lĩnh vực khác của cuộc sống sau này hay không? Khi ta cùng con tìm ra câu trả lời sáng tạo, chính ta đã trao cho con công cụ hữu ích để đối mặt với từ “không”.
Khi tập trung vào cách nói “KHÔNG” và cách phản ứng với con, tôi đề xuất một vài cách nói “CÓ” rõ ràng:
Nói “CÓ” với sự nỗ lực và nói “KHÔNG” với thành tích
Nói “CÓ” với sự khám phá và nói “KHÔNG” trước sự phát hiện
Nói “CÓ” với sự không biết và nói “KHÔNG” với việc luôn luôn biết
Nói “CÓ” với các hình thức tìm tòi kiến thức và nói “KHÔNG” với việc học vẹt
Nói “CÓ” với sự cố gắng và nói “KHÔNG” với sự thành công
Nói “CÓ” với sự hiếu kỳ và nói “KHÔNG” với sự dính mắc những thứ đã được khám phá
Nói “CÓ” với sự hiện diện và nói “KHÔNG” với việc hành động
Nói “CÓ” với khả năng tưởng tượng và nói “KHÔNG” với việc bắt chước
Nói “CÓ” với việc chấp nhận rủi ro và nói “KHÔNG” với việc chỉ chấp nhận sự an toàn
Nói “CÓ” khi con khóc và nói “KHÔNG” với việc khóc rền rĩ
Nói “CÓ” với sự hào phóng và nói “KHÔNG” với sự tham lam
Nói “CÓ” với việc chơi đùa và nói “KHÔNG” với áp lực
Nói “CÓ” với sự sáng tạo và nói “KHÔNG” với việc chỉ biết đọc sách vở
Nói “CÓ” với hoạt động chơi đùa và nói “KHÔNG” với tranh giành chiến thắng.