Khi nuôi dạy con cái, ta thường xuyên bắt gặp mình đứng trước cuộc chiến giữa lý trí và con tim, như luôn phải đi thăng bằng trên dây. Một phản ứng không phù hợp có thể làm khô héo tâm hồn con, ngược lại, một lời khen ngợi đúng lúc có thể tạo cảm hứng để con thăng hoa. Trong mỗi khoảnh khắc, ta đều phải lựa chọn xây hay phá, sưởi ấm hay làm nguội lạnh tâm hồn con trẻ.
Khi được là chính mình, con không quan tâm đến những thứ vẫn thường ám ảnh trong đầu cha mẹ. Hình ảnh trong mắt người khác, thành tựu, tiến bộ – chẳng có vấn đề nào của người lớn có mặt trong thời gian biểu của trẻ con. Thay vì tiếp xúc với thế giới trong trạng thái tâm lý lo lắng, trẻ em có xu hướng vô tư lao vào những trải nghiệm của cuộc sống, sẵn sàng đánh cược với mọi rủi ro.
Buổi sáng nàng Tiên Răng đến thăm phòng ngủ của tôi, con gái tôi không nghĩ gì về giá trị của tiền bạc, hay ham muốn ích kỷ rằng mẹ sẽ ấn tượng với con gái vì biết chia sẻ đồng đô-la của mình. Bé cũng chẳng lo lắng về việc đánh thức mẹ dậy quá sớm. Bé chỉ đơn giản sống với chính con người sáng tạo của mình, vui vẻ thể hiện sự hào phóng và háo hức chờ đợi khi bố mẹ phát hiện ra nàng Tiên Răng đã đến thăm nhà.
Là một người mẹ, tôi liên tục tự thấy mình đứng trước những cơ hội để phản hồi với con gái như thể bé là một con người đích thực như chính bản thân tôi, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc mà tôi có – cùng những ước mong, hy vọng, niềm vui, trí tưởng tượng, tài năng, bản tính tò mò và khả năng hạnh phúc. Nhưng cũng như những phụ huynh khác, tôi thường quá bận rộn với công việc của riêng mình đến nỗi đánh mất cơ hội mà những khoảnh khắc ấy mang tới. Tôi thấy mình quá dễ dàng rao giảng, hay thích chỉ bảo, rằng tôi thường thiếu nhạy cảm với những cách thể hiện độc đáo cho thấy bé hoàn toàn khác biệt với bất kỳ con người nào từng sinh ra trên Trái đất.
Điều quan trọng nhất bạn phải nhận ra khi nuôi dạy con là không phải mình đang nuôi dưỡng một “bản sao thu nhỏ”, mà là một linh hồn sống động và riêng biệt. Vì lý do này, cần phải chú ý phân biệt cho rõ: mình là ai và từng đứa con của mình là ai. Con cái không phải là vật sở hữu của ta theo bất cứ cách nào. Khi hiểu sâu sắc điều này, ta biết điều chỉnh cách nuôi dưỡng con theo nhu cầu của con, chứ không nhào nặn con cho vừa với nhu cầu của ta.
Thay vì đáp ứng nhu cầu riêng của con, ta thường áp đặt suy nghĩ và kỳ vọng của mình lên con. Kể cả với mục đích tốt đẹp nhất là khuyến khích con cái thành thực với chính bản thân mình, hầu hết phụ huynh chúng ta đều vô tình vấp vào cái bẫy của việc áp đặt chương trình của mình lên con cái. Hệ quả là thay vì nuôi dưỡng, mối quan hệ cha mẹ – con cái lại thường xuyên bóp chết tâm hồn đứa trẻ. Đây là lý do mấu chốt tại sao rất nhiều trẻ em lớn lên trong hoang mang và trong nhiều trường hợp để lại hậu quả bệnh lý.
Mỗi chúng ta bước vào hành trình làm cha mẹ với kỳ vọng của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết những chờ mong đó đều không thực tế. Có những niềm tin, giá trị và định kiến ta chưa bao giờ nghi ngờ. Nhiều người thậm chí chẳng thấy lý do gì để tự vấn vì tin rằng mình “đúng”, không có gì phải bàn cãi. Dựa trên một thế giới quan như thế, ta vô tình đặt ra những kỳ vọng cứng nhắc đối với hình ảnh mà con cần phải thể hiện. Ta không nhận ra rằng với việc áp đặt bản thân mình lên con cái, ta cản trở sự phát triển tâm hồn con.
Chẳng hạn, nếu là người thành đạt, ta có khuynh hướng nghĩ rằng con cái ta cũng phải trở thành người thành đạt. Nếu có thiên hướng nghệ thuật, ta thường động viên con đi theo con đường nghệ thuật. Nếu học hành giỏi giang, ta thường trao cho con ngọn đuốc hàn lâm để con thông minh sáng dạ. Nếu việc học trầy trật, để rồi kiếm sống vất vả khi bước ra đời, ta thường lo sợ rằng con cái sẽ đi lại vết xe đổ của mình, điều này khiến ta làm đủ mọi cách trong khả năng để tránh cho điều đó xảy ra.
Ta muốn con cái có được điều mà ta cho là “tốt đẹp nhất”, nhưng trong quá trình nỗ lực để đạt được điều này, ta dễ dàng quên mất điều quan trọng nhất đối với con là quyền được là chính mình và sống cuộc đời đúng với tâm hồn độc đáo của con.
Trẻ em sống với thế giới “đang là”, chứ không sống với thế giới “chưa được như là” . Khi đến với ta, bản thể của trẻ lấp lánh tiềm năng. Mỗi đứa trẻ đều có số mệnh của riêng mình – nếu thích, độc giả có thể gọi số mệnh ấy là nghiệp. Bởi vì trẻ em đều mang trong mình một định mệnh, thông thường trẻ biết rõ ràng mình là ai và mình muốn gì trong thế giới. Chúng ta được chọn để trở thành cha mẹ và giúp con hiện thực hóa điều này. Rắc rối nảy sinh khi ta quên mất điều đó, tước đi quyền sống đúng với thiên hướng của bản thân con. Kết quả là ta áp đặt ảo tưởng của chính mình lên con trẻ, vạch ra sứ mệnh tinh thần cho con dựa trên cái nhìn thiển cận của mình.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cha mẹ không bắt nhịp được với bản chất con người trong con. Làm sao có thể lắng nghe con cái khi nhiều người lớn chúng ta hầu như chẳng bao giờ lắng nghe chính bản thân mình? Làm sao thấu hiểu được tâm hồn, cảm nhận được nhịp đập trái tim con khi chúng ta còn chẳng thể làm được điều đó với cuộc sống của chính mình? Khi chính các bậc cha mẹ còn đang lạc lối thì câu chuyện nhiều trẻ em lớn lên mất phương hướng, sống khép kín và thiếu đam mê cũng là điều dễ lý giải. Khi không có sự kết nối với nội tâm, ta đánh mất bản năng làm cha mẹ và dạy con trong tỉnh thức.
Tôi viết ra trong cuốn sách những điều này với mong muốn độc giả, những người ngày ngày vật lộn với thiên chức làm cha mẹ – đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con tuổi vị thành niên, tìm thấy phao cứu sinh của mình. Với những trải nghiệm có được nhờ tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi tin rằng không bao giờ là muộn ngay cả đối với những phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc gần gũi với con ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tất nhiên, nếu bạn có con nhỏ hơn thì việc thiết lập nền tảng vững chắc càng sớm càng mang lại nhiều lợi ích.