Đưa một con người đến với thế giới và nuôi dạy con người đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn mà mỗi người trong chúng ta đều phải đảm nhiệm. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không nhìn nhận công việc này tương xứng với cách ta vẫn làm đối với công việc kinh doanh. Thí dụ, nếu điều hành một công ty tỉ đô, ta hoạch định sứ mệnh của tổ chức một cách kỹ lưỡng. Ta vạch rõ ràng mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu đề ra. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ta tìm hiểu nhân viên của mình và tìm cách khai thác hết tiềm năng của họ. Là một phần của chiến lược phát triển, ta nhận diện và phát huy những điểm mạnh, đồng thời chỉ ra điểm yếu để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng. Sự thành công của doanh nghiệp chỉ có được nếu có một chiến lược đúng đắn.
Ta cũng cần tự hỏi bản thân, “Sứ mệnh và triết lý nuôi dạy con của mình là gì? Làm sao thể hiện triết lý này trong mỗi lần tương tác với con? Mình đã vạch ra định hướng nuôi dạy con một cách chín chắn, cẩn trọng như điều hành một doanh nghiệp lớn hay chưa?”
Dù đang chung sống với bạn đời, đã ly dị hay là cha mẹ đơn thân, việc nghiêm túc vạch ra định hướng nuôi dạy con dựa trên nghiên cứu những phương pháp phù hợp và không phù hợp thực sự cần thiết. Rất ít người trong số chúng ta cân nhắc hậu quả tác động của cha mẹ lên con cái, để tạo ra động lực dẫn đến thay đổi cách tiếp cận của mình. Phương pháp của ta có đặc biệt lưu tâm tới việc lắng nghe tâm hồn trẻ? Liệu ta có sẵn sàng thay đổi cách tương tác với trẻ nếu thấy rõ ràng rằng cách thức ta đang sử dụng không có hiệu quả?
Mỗi chúng ta đều nghĩ rằng, trong khả năng của bản thân, mình đã cố gắng làm tốt nhất vai trò làm cha mẹ và sự thực hầu hết chúng ta đều là người tốt, đều dành cho con tình yêu thương vô bờ bến. Rõ ràng, không phải vì thiếu tình yêu đối với con mình mà ta áp đặt chúng. Thay vào đó, nguyên nhân cốt lõi nằm ở sự thiếu tỉnh thức. Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta không hiểu rõ cơ chế vận hành của mối quan hệ với con cái.
Không ai muốn thừa nhận mình thiếu tỉnh thức. Trái lại, ta có xu hướng đáp trả khi ai nói mình là kiểu người như thế. Nhiều người thậm chí bảo thủ tới mức, chỉ cần có ai nói đôi lời về lối dạy con của mình, là lập tức nổi đóa lên ngay. Tuy nhiên, khi bắt đầu biết mở lòng lắng nghe, ta sẽ thay đổi được cơ chế của mối quan hệ đối với con.
Con cái chúng ta phải trả giá đắt khi bố mẹ thiếu tỉnh thức. Rất nhiều trẻ phải chịu đau khổ vì được nuông chiều, dùng thuốc và hóa chất thái quá và bị gắn mác hư hỏng. Đây chính là sai lầm của bố mẹ, trút lên đầu con những nhu cầu chưa được giải quyết, những kỳ vọng chưa được đáp ứng và những ước mơ tan vỡ của chính mình. Cho dù xuất phát từ chủ ý tốt đẹp, con cái ta vẫn bị cầm tù trong những cảm xúc ta thừa kế từ bố mẹ, bị trói buộc trong những duyên nghiệp nhiều đời của tổ tiên. Bản chất của vô minh là ở chỗ, nó cứ liên tục nhỏ giọt từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến khi được chuyển hóa. Chỉ có nhận thức được điều này mới triệt tiêu được vòng xoáy của khổ đau trong mỗi gia đình.