V
ậy là ta đã xuống đến tầng nền tảng nhất của kim tự tháp bán hàng. Có thể bạn đang thắc mắc vì sao phần nền tảng lại nằm ở cuối quyển sách, bởi vì thái độ của người bán hàng là vô cùng quan trọng. Hơn ai hết, tôi rất hiểu điều đó. Với một thái độ không tốt, dù bạn có bao nhiêu kỹ năng bán hàng ưu việt, bạn cũng không thể chạm tới thành công. Ấy thế mà hơn 30 năm trong nghề đào tạo đã cho tôi thấy một thực tế rằng những chuyên viên bán hàng tìm đến tôi hầu như đều muốn biết cách làm trước – cách để tìm khách hàng, cách tạo ấn tượng tốt, cách ký được hợp đồng – chứ họ không tìm đến tôi để trau dồi thái độ.
Thực tế, chúng tôi cũng không quảng bá chính mình như một công ty chuyên về động lực. Dù vậy, hầu hết các học viên của tôi đều trở thành người có động lực rất lớn sau khi họ đã học được nghệ thuật và kỹ thuật bán hàng. Bạn thấy đấy, công việc của tôi là giúp loại bỏ nơi bạn cảm giác bất lực, quá tầm với, cảm giác mình là một nhân viên không đủ năng lực bằng cách chỉ cho bạn cần phải làm gì và làm như thế nào. Đó chính là động lực!
Câu nói “thái độ quyết định tất cả” đã bị lặp đi lặp lại rất nhiều lần suốt năm này qua tháng khác, đến mức với một số người, câu nói đó đã trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa chẳng khác gì câu “người thành công không bao giờ từ bỏ, người từ bỏ không thể thành công”. Người ta luôn chế nhạo những câu nói ấy. Nhưng những người thành đạt không bao giờ nằm trong nhóm đó. Vì sao? Bởi vì thái độ thực sự quyết định tất cả. Một thái độ tích cực là yếu tố cơ bản nhất tạo nền tảng thành công cho quá trình học hỏi và tinh thông nghệ thuật bán dịch vụ tài chính. Không có thái độ tốt thì không có nghệ thuật nào hết.
Thái độ không phải do bẩm sinh, được thừa kế hoặc có thể mua về từ các kệ sách kinh doanh trong hiệu sách. Thái độ là thứ mà bạn tự tạo ra trong chính bản thân mình, và là thứ bạn phải tạo ra hàng ngày.
Mỗi sáng thức dậy tôi đều nghe những nội dung hào hứng. Có thể là một bài phát biểu hay một đoạn nhạc vui vẻ, tùy lúc. Vừa nghe, tôi vừa tập thể dục hoặc chuẩn bị cho ngày mới. Tôi làm vậy bởi vì việc đầu tiên bạn làm vào sáng sớm sẽ quyết định cả ngày của bạn. Tôi muốn đi làm với tâm trạng sảng khoái, hào hứng và đầy nhiệt huyết để có thể đánh gục những thử thách trong cả ngày. Sẽ thế nào nếu thứ tôi nạp vào sáng sớm là tin tức về tình hình thế giới, nạn đói ở nơi này, rồi lốc xoáy sóng thần ở nơi kia, hoặc tình hình tệ hại của thế giới? Nếu như vậy, tôi sẽ gặp khó khăn khi bước lên bục giảng bài thật hay cho học viên. Tệ hơn nữa, thái độ tiêu cực của tôi sẽ lây lan cho mọi người xung quanh. Không thể được! Cuộc sống quá ngắn, quá lý thú và quá nhiều niềm vui, cho nên đừng để mình rơi vào cái bẫy đó.
Làm cách nào ta có thể xây dựng và duy trì thái độ tích cực như vậy? Hãy cùng xem một vài khó khăn gây ra thái độ tiêu cực để chúng ta có thể vượt qua.
QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG
Khi tôi nói bạn cần tìm cho mình một thái độ tích cực và duy trì nó, tôi không có ý nói bạn phải giống như Pollyanna(*) hay phải nhìn thế giới bằng cặp kính màu hồng. Ý tôi là bạn cần phải thực tế theo hướng tích cực. Cho dù bạn là ai, ở bất kỳ đâu, tình trạng và hoàn cảnh của bạn như thế nào, bạn sẽ luôn liên tục gặp phải khủng hoảng trong cuộc sống. Một trong những diễn giả có sức thuyết phục nhất mọi thời đại – Og Mandino từng nói: “Nếu bạn là con người và vẫn đang còn sống, bạn sẽ luôn trong tình trạng đang, đã hay sẽ gặp khủng hoảng”. Bạn có nhìn thấy không? Hai trong số ba giai đoạn ông ấy nhắc đến đều được xem là xấu. Chúng ta cần cùng nhau giữ cho mình một thái độ tích cực.
(*) Pollyanna là nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Eleanor H. Porter dành cho thiếu nhi. Pollyanna đã trở thành danh từ chỉ những người tích cực và vui vẻ quá đà.
Làm sao một người có thể giữ thái độ tích cực khi biết họ đang sắp sửa gặp phải khủng hoảng? Là một nhà vô địch, bạn biết rõ bạn không thể thay đổi bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, điều bạn có thể làm là thay đổi cách bạn đương đầu với những thử thách mà khủng hoảng sắp mang tới. Với một thái độ phù hợp, bạn có thể quản lý được bất kỳ khủng hoảng nào, giảm thiểu độ nghiêm trọng của nó, giảm thiểu khoảng thời gian bạn phải bỏ ra cho nó, và thậm chí bạn có thể học được và đạt được lợi ích từ nó. Thử thách không nằm ở những biến động đó mà ở cách bạn xử lý chúng.
CÁCH LÀM SAI
“Bobby này, chúng tôi đã luôn nghĩ về vấn đề này kể từ cuộc gặp trước, nhưng tôi thật sự không cho rằng chúng tôi có đủ khả năng chi trả cho kế hoạch tài chính mà cậu gợi ý.”
“Ông có chắc không, ông Hall?”
“Vâng, tôi chắc chắn.”
“Thôi được, nếu vậy thì tôi sẽ bàn lại vấn đề đó với ông sau vài tháng nữa.”
“Được thôi, có lẽ đến khi ấy chúng tôi sẽ sẵn sàng.”
CÁCH LÀM ĐÚNG
“Bobby này, chúng tôi đã luôn nghĩ về vấn đề này kể từ cuộc gặp trước, nhưng tôi thật sự không cho rằng chúng tôi có đủ khả năng chi trả cho kế hoạch tài chính mà cậu gợi ý.”
“Tôi có thể thấy điều này thật sự khiến ông bận tâm, ông Hall ạ. Ông có thể nói một chút về lý do ông đổi ý không?”
“Thật ra, tối qua chúng tôi vừa xem qua số liệu, và tôi không chắc rằng chúng tôi có đủ khả năng chi trả tất cả những thứ cậu giới thiệu.”
“Tôi hiểu thưa ông. Hay là thế này. Chúng ta có thể xem lại chỗ số liệu đó để đảm bảo chúng ta có cùng suy nghĩ hay không nhé.”
“Được thôi.”
Vấn đề khó khăn ở đây là một khách hàng bắt đầu hối hận về việc mua hàng, một căn bệnh thường gặp. Bobby trong trường hợp thứ nhất để bản thân bị đánh bại quá sớm mà thậm chí không cố gắng đấu tranh để vượt qua khó khăn đó. Bobby trong trường hợp thứ hai đã có phương pháp điều trị cho căn bệnh này, và hơn thế nữa, thái độ tích cực của anh ấy không cho phép anh ấy để khách hàng có bất kỳ sự lựa chọn sai lầm nào. Sau khi xem lại chỗ số liệu và xem chúng có liên quan đến thứ ông ấy cần không, ông Hall sẽ thấy cuộc mua bán này là một quyết định thông minh và ông ấy sẽ tìm cách xử lý vấn đề của mình.
Hoặc nếu ông ấy vẫn lo lắng, Bobby sẽ chia nhỏ kế hoạch tài chính ra cho dễ thở hơn với ông Hall. Có thể ông ấy là kiểu người thích khởi đầu chậm rãi, thử xem bản thân có thấy thoải mái với Bobby và sản phẩm được giới thiệu hay không. Bobby sẽ dễ dàng hơn trong việc làm cho ông Hall cảm thấy vui vẻ với toàn bộ chương trình khi ông ấy thoải mái hơn với việc đưa ra quyết định đó và với trình độ chuyên môn của Bobby trong lĩnh vực đó.
Với tư cách là một người bán hàng làm việc trong lĩnh vực tài chính, phải đối mặt với những tầng tâm lý phức tạp liên quan đến việc kiếm, tiết kiệm và đầu tư tiền bạc, có thể bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn nhiều người khác. Bạn luôn sẵn sàng (thậm chí không nhận thức được điều đó) gõ cửa, bước thẳng vào những khủng hoảng ngay trong một ngày bình thường. Bạn cũng sẽ gặp phải những trường hợp bị từ chối thẳng thừng. Bạn sẽ phải chịu đựng những tình huống khó khăn đến mức nếu gặp tình huống tương tự, một nhà kinh doanh tầm trung có thể sẽ phải tìm đến quán rượu, đến thuốc men, hoặc thậm chí là nghỉ ngơi một thời gian. Thử thách chỉ là một phần của công việc, nhưng nó là một phần bạn có thể xử lý hay thậm chí kiếm được lợi nhuận từ đấy. Một chút chuẩn bị và rèn luyện tinh thần sẽ giúp bạn sáng tạo và duy trì một thái độ mạnh mẽ, lạc quan dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Điều đầu tiên bạn cần làm là thay đổi suy nghĩ của bản thân. Bạn có nhận ra trong đoạn trước tôi đã thay đổi từ “khủng hoảng” thành “thử thách” nhằm nhấn mạnh không? Bạn có thể làm điều tương tự.
Đừng làm sự nghiệp của bạn bị đe dọa bằng cách không quan tâm tới thực tế rằng sẽ có rất nhiều áp lực khi làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, và sự thật là chúng có thể gây ra những thử thách to lớn gần như mỗi ngày. Hãy tự vực bản thân và sự nghiệp mình dậy, và vượt qua 5 loại thử thách mà tôi xem là áp lực này.
1. Nỗi sợ
Khi bạn bị kiểm soát bởi nỗi sợ, bạn sẽ luôn sợ rủi ro dù điều ấy chẳng bao giờ đến. Sợ hãi làm chúng ta cảm thấy vô cùng không thoải mái, dẫn đến việc chúng ta trốn tránh làm những việc cần thiết để đảm bảo cho thành công. Ví dụ, tân binh trong ngành thường sợ hãi với việc tạo mối liên hệ cá nhân với những người trong cộng đồng. Nếu họ không vượt qua được thử thách ấy, nỗi sợ hãi sẽ vượt qua mọi nỗ lực của họ và họ sẽ không bao giờ có thể đứng đầu trong ngành. Bạn không thể nào chỉ bán hàng mãi qua điện thoại, thư từ hay email. Bạn cần thật sự bước ra ngoài gặp gỡ đối tác.
Một lần nữa, hãy thay đổi suy nghĩ của bạn về nỗi sợ. Thay vì xem nó như là con quái vật khổng lồ không thể chinh phục, hãy nghĩ về nó theo hướng như sau: NỖI SỢ không là gì ngoài bằng chứng giả xuất hiện thật. Sự thật là hầu hết mọi người sẽ muốn bắt tay với bạn. Bạn cung cấp một dịch vụ có giá trị và đấy là thứ mà khách hàng luôn cần đến. Thế thì tại sao họ lại không chào đón bạn?
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là đối mặt trực tiếp với nó bằng toàn bộ sức bình sinh. Hãy đối mặt và hãy vượt qua, rồi biến nó thành một phần sức mạnh của bạn. Người thầy J. Douglas Edwards của tôi đã có những lời thông thái về việc vượt qua nỗi sợ, và những lời này đã tạo nên sự khác biệt đáng kể trong cuộc đời tôi:“Hãy làm điều mình sợ nhất, và bạn sẽ kiểm soát được nỗi sợ”.
Khi bạn thách thức và vượt qua nỗi sợ một cách thành công, bạn sẽ phải bất ngờ trước sức mạnh mới mà bạn có được từ thành tựu đó. Năng lực của bạn sẽ tăng lên, khiến bạn mạnh hơn trước. Nếu bạn sợ bắt tay, hãy bắt tay với những người thân, người quen trước. Nếu bạn sợ gọi điện tiếp thị, hãy đặt cuốn sách này xuống và gọi ngay một cuộc. Việc trì hoãn điều cần thiết sẽ khiến nó không bao giờ được hoàn thành.
Nếu bạn sợ diễn thuyết trước đám đông, hãy tham gia Toastmasters hay đăng ký khóa học Dale Carnegie để được hướng dẫn phương pháp diễn thuyết trước đám đông. Hãy biến việc bắt tay, gọi tiếp thị, diễn thuyết trước đám đông hay bất cứ việc gì khiến bạn sợ thành một thói quen, và thói quen này sẽ là vũ khí để bạn đánh bại nỗi sợ.
2. Bị từ chối
Đây là một phần tất yếu của công việc. Dân bán hàng chúng ta bị nhận những cái lắc đầu thường xuyên như cơm bữa, thậm chí còn thường xuyên hơn những cái gật đầu. Quy luật của cuộc chơi là vậy. Và bí quyết để vượt qua nỗi căng thẳng vì lời từ chối chính là hiểu rõ rằng người bị từ chối không phải là bản thân bạn. Có thể họ từ chối bạn vì họ lỡ hợp tác với người khác trước rồi. Có thể họ vừa có thay đổi lớn trong đời và chưa sẵn sàng để đưa ra các quyết định quan trọng khác. Có thể bạn chọn sai thời điểm. Dù thế nào, điều họ từ chối cũng không phải là bản thân bạn. Đừng bao giờ nhận lời từ chối về mình. Hãy vượt qua nó và chuyển sang khách hàng khác.
3. Nỗi thất vọng
Ngành bán dịch vụ tài chính này chính là trung tâm của các nỗi thất vọng. Lý do nằm ở bản tính của con người: người ta thường nói rồi không làm, hoặc người ta ngại làm ngay cả những việc có ích cho họ. Họ lần lữa rồi họ quên bẵng mất. Và họ làm bạn thất vọng.
Hãy sớm hiểu ra và chấp nhận hai sự thật trong ngành này: (1) bạn có khả năng sở hữu thu nhập cao từ sự hài lòng của người khác, và (2) một phần tất yếu của cái giá bạn phải trả cho thành công đó chính là nỗi thất vọng vào người khác. Khi bạn hiểu được chân lý này, bạn sẽ hiểu rằng điều tốt nhất bạn có thể làm là bỏ nỗi thất vọng qua một bên và tiếp tục tập trung vào công việc.
4. Cảm giác có lỗi
Thành công – thành công thực sự – trong ngành bán dịch vụ tài chính này phải được đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh. Có thể bạn sẽ phải bỏ nhiều thời gian để làm thêm giờ, làm qua đêm, làm cả cuối tuần, và điều này sẽ ảnh hưởng đến tình cảm gia đình bạn. Bạn sẽ bỏ lỡ các buổi họp mặt gia đình, các bữa cơm chung, những ngày nghỉ cuối tuần, hội thao của con cái, v.v... Và cũng chính vì thế mà bạn sẽ rất dễ bị vướng vào cảm giác tội lỗi.
Nếu cuộc sống của bạn cân bằng vừa phải, những hy sinh này hoàn toàn là xứng đáng trong một khoảng thời gian nhất định. Dù sao thì những giờ đồng hồ bạn hy sinh đều là vì tương lai an toàn, hạnh phúc hơn cho gia đình bạn. Hãy quán triệt tư tưởng và bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng cũng như thời gian bạn cần. Nhờ đó, bạn sẽ thành công mà không cảm thấy tội lỗi.
Hãy cẩn thận trước những kẻ kém cỏi thích dùng cảm giác có lỗi để thao túng bạn, khiến bạn chệch hướng khỏi cái đích thành công. Những kẻ đó không thích những nhà vô địch, vì khi nhìn những người thành công, họ lại nhớ về sự kém cỏi và thiếu tham vọng của chính mình. Họ sẽ tìm cách dìm bạn xuống để tiến tới. Đừng bị cuốn vào lối suy nghĩ tiêu cực ấy. Hãy chọn cho mình cộng đồng những người thành công để bạn có thể trao đi và nhận lại năng lượng. Họ sẽ là những người tạo động lực cho bạn vươn đến thành công hiệu quả nhất. Những người thành đạt luôn chúc mừng khi người khác thành đạt, vì ta cùng một phe mà – sao lại không nhỉ?
Điều duy nhất bạn nên cảm thấy có lỗi là khi bạn để cảm giác tội lỗi của mình che khuất khát vọng thành công của bản thân.
5. Trì hoãn
Có người từng nói đùa với tôi rằng: “Ta hãy lập nhóm chuyên Trì hoãn đi!”, và tôi đáp: “Ừ, nhưng để tuần sau hẵng làm”. Phải mất 3 giây sau anh bạn ấy mới hiểu ý câu đùa của tôi! Triết gia Seneca, người La Mã, đã nói: “Cuộc đời vẫn trôi khi ta trì hoãn”. Benjamin Franklin cũng từng nói rằng việc hôm nay chớ để ngày mai. Còn câu tôi thường nói là: Trì hoãn chẳng khác nào sống mãi trong quá khứ và tránh né hiện tại. Vì vậy, bạn sẽ phá hỏng tương lai. Trì hoãn chẳng khác nào một thứ dịch bệnh đối với sự nghiệp của con người.
Và cách để chữa bệnh trì hoãn – hay bất cứ thói quen xấu nào – là: Cam kết với bản thân rằng bạn sẽ làm những việc nên làm ngay trong 21 ngày. Bạn cần phải làm theo cam kết ấy thật triệt để. Và sau 21 ngày, bạn sẽ có kết quả như mong muốn. Khoa học đã chứng minh, 21 ngày là khoảng thời gian tối ưu để chúng ta đánh bại những thói quen xấu và thiết lập những thói quen tốt. Tôi không biết số 21 có gì đặc biệt, có thể vì nó là “số 7 may mắn” nhân lên 3 lần? Nhưng dù sao thì số 21 vẫn là một con số nhiệm màu.
Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy nói to lời cam kết đó lên, và lại nói to lần nữa trước khi đi ngủ, cũng như vài lần trong ngày. Rồi bạn sẽ bất ngờ trước sự hiệu nghiệm của phương pháp đơn giản này. Nhưng hãy nhớ: phải bắt đầu ngay hôm nay. Đừng trì hoãn!
CÓ RÁC THÌ PHẢI VỨT
Trong cuốn sách này, tôi xin định nghĩa “rác” là tất cả những yếu tố ngăn cản con đường đến với thành công vô biên trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, tỷ như thói quen hút thuốc, uống rượu, không tập thể dục thường xuyên, không trau dồi về mặt tinh thần, ngại gọi điện hay học hỏi về các sản phẩm mới. Dưới đây là một danh sách ngắn về những loại “rác” bạn cần vứt ngay vào sọt rác nếu muốn thành công.
Mắc kẹt trong thất bại. Ai trong chúng ta cũng thất bại, và sẽ còn thất bại nhiều lần nữa. Nhưng thế thì đã sao? Thất bại là một phần của quá trình thành công. Thay vì chán nản, bạn hãy học hỏi từ kinh nghiệm đó. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, và hiện tại là thời điểm quan trọng nhất. Ta chỉ nên tập trung vào hiện tại, vì ngày hôm qua đã qua rồi. Tương lai thì vẫn chưa đến. Vì vậy, hãy tập trung tất cả vào hiện tại của bạn.
Cần sự đồng tình của mọi người. Đây thực sự là một nhiệm vụ bất khả thi. Ví dụ, khi bạn đạt được doanh số quý cao và khiến bản thân cũng như cấp trên hạnh phúc, đồng nghiệp của bạn và các đối thủ của bạn sẽ khó chịu. Họ sẽ ghen tị với thành công của bạn và xấu hổ vì thất bại của bản thân.
Con người ta có tâm lý hạnh phúc hơn khi thấy người khác kém hơn mình. Thế nhưng với những người thành đạt, họ chỉ quan tâm tới mục tiêu chính và bỏ ngoài tai tác động tiêu cực từ những người tiêu cực. Nếu bạn làm được điều đó, bất kỳ nguồn năng lượng tiêu cực nào họ ném về phía bạn đều sẽ văng sang một bên, và con đường đến thành công của bạn sẽ vô cùng tích cực.
Gần mực thì đen. Bất cứ lúc nào cũng sẽ có người nói với bạn rằng bạn không thể làm một điều gì đó, hay rằng nỗ lực của bạn là vô dụng. Mà thường thì cái “điều gì đó” chính là một nấc thang quan trọng trên con đường thành công của bạn.
Những người mới bắt đầu, chưa quen việc cũng như chưa phân biệt được thành công thực thụ với ảo tưởng thành công rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người kém cỏi. Nực cười là những kẻ kém cỏi thường rất thích đưa ra lời khuyên, mà họ cũng rất giỏi thuyết phục. Vì vậy, tốt nhất là ta nên tránh phí phạm thời gian cho những người như thế, mà hãy dành phần lớn thời gian của mình để tôi luyện bản thân thành nhà vô địch. Hãy chọn bạn mà chơi. Nếu không, cái giá phải trả là rất đắt.
Cơn giận. Cơn giận là một kẻ thù đáng gờm, vì nó có thể khiến bạn mất hết khách hàng, mối quan hệ, sự nghiệp. Nó có thể kéo sập cả một doanh nghiệp hay một gia đình. Và điều đáng sợ nhất ở cơn giận là nó hút hết năng lượng của bạn. Bạn sẽ trở nên mất kiểm soát trước mục tiêu trả thù, gây tổn thương cho đối phương. Cơn giận sẽ thiêu rụi hết thời gian, tinh thần, cảm xúc, năng lượng và sức khỏe của bạn.
Như vậy thật sự không đáng chút nào. Hãy biến những năng lượng tiêu cực dồn nén trong lòng bạn thành động lực đến một mục tiêu tích cực hơn. Một trong những phương châm sống của tôi là: “Đừng bực bội. Hãy đổi hướng”. Khi để cơn giận kiểm soát mình, tôi đang cho phép bản thân bị điều khiển bởi hành động và ý kiến của một kẻ khác. Kẻ đó đã thắng từ trước khi chiến đấu, bởi vì tôi đã chấp nhận bị điều khiển cơ mà.
Còn “đổi hướng” là thế nào? Khi khách hàng bực bội, thực ra họ chỉ muốn xả giận một chút thôi. Tôi nói thật đấy. Khách hàng tỏ ra bực bội với bạn về con số lợi nhuận của một khoản đầu tư, nhưng thực tế họ đang bực người bạn đời của mình hay một vị khách hàng của chính họ, hay thậm chí là một chiếc xe cắt đường họ trên xa lộ.
Mấu chốt ở đây là đừng “lấy độc trị độc”. Hãy “trị độc” bằng sự bình tĩnh, mềm mỏng. Hãy thể hiện sự thân thiện và cởi mở, cho khách hàng biết rằng bạn rất hoan nghênh họ xả giận với bạn. Hãy cho họ biết bạn chân thành muốn lắng nghe khúc mắc của họ. Đừng bị cám dỗ bởi ham muốn “trả đũa”.
Hãy lắng nghe khách hàng và thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ hình thể phù hợp. Hãy nói “Vâng”, “Tôi hiểu”, “Tôi biết” và khuyến khích họ nói thêm. Thường thì chỉ cần vài phút là khách hàng đã “xả” xong, và họ sẽ không còn ấm ức nữa. Thậm chí theo kinh nghiệm của tôi, đã có vài lần khách hàng còn xin lỗi ngược lại sau khi xả giận. Nếu bạn khéo léo, đây còn có thể là một dịp để thắt chặt mối quan hệ.
Hãy kiểm soát cơn giận của mình, bạn sẽ kiểm soát được tình hình.
Muốn mọi thứ công bằng. Tôi xin bật mí với bạn rằng trên đời không có gì là công bằng trăm phần trăm. Có thể hôm nay bạn là một nhà vô địch bán hàng nhưng sang hôm sau, công việc lại trì trệ. Có thể tháng này thành tích bạn cao, nhưng tháng sau thành tích lại tuột dốc. Tất cả những điều đó là do cách bạn làm việc hay các chu kỳ trong cuộc sống chứ chẳng liên quan gì đến sự công bằng. Sẽ có lúc trong cuộc sống, bạn phải đối mặt với những thử thách khá bất công. Hãy làm hết sức có thể, hãy thay đổi bất cứ điều gì bạn có khả năng. Phần còn lại, hãy đối mặt với chúng hết sức mình.
Không ít người trong chúng ta có xu hướng ngụy trang thất bại của mình bằng hai chữ “bất công”. Khi họ không đạt doanh số, họ nói rằng đó là vì “bất công” chứ không phải vì họ lười tìm kiếm khách hàng. Khi họ không được thăng chức, họ gọi đó là “bất công” chứ không phải vì họ không làm việc hiệu quả.
Sự “bất công” trở thành lời bào chữa cho bất cứ khi nào họ thất bại mà không muốn cảm thấy có lỗi. Đâu phải lỗi của tôi, họ nói, mà là do cuộc sống quá bất công. Bạn đừng nên mắc cái bẫy này nhé. Nó không kém nguy hiểm hơn sự giận dữ chút nào đâu.
Khi “thùng rác” trong nhà bạn đã đầy rồi thì phải làm gì? Tất nhiên là phải đi đổ. Vứt nó đi. Vứt hết đi. Hãy dành ra một chút thời gian ngày hôm sau để kiểm kê lại xem trong thùng rác tâm lý của bạn đã chất chồng bao nhiêu loại rác rồi, và hãy đóng gói chúng rồi vứt chúng đi cho thật xa!
ÁP DỤNG LUẬT HẤP DẪN ĐỂ THU HÚT KHÁCH HÀNG
Luật Hấp dẫn đã tồn tại và được áp dụng cả ngàn năm nay. Gần đây nhất, cuốn sách dưới dạng DVD của Rhonda Byrne mang tên The Secret (tạm dịch: Bí mật) đã thu hút sự chú ý toàn cầu vì nội dung của nó: những điều ta nghĩ đến sẽ trở thành hiện thực.
Đây chính là “bí mật” được áp dụng tự cổ chí kim của tất cả những nhà vô địch khắp thế giới, mà người đầu tiên tôi nghe tới chính là cố nghệ sĩ Earl Nightingale từ những năm 60. Lúc đó tôi cảm thấy điều này thật khó tin, nhưng dù sao tôi vẫn muốn thử một lần xem sao. Tôi bắt đầu nghĩ về cảnh bản thân mình trở thành một chuyên viên ngành bán hàng thành công đến mức tôi nhận được vô số giải thưởng, và thật bất ngờ, tôi đã đạt được điều đó. Nếu bạn còn nghi ngờ, tôi xin phép được ra một thử thách cho bạn: hãy chọn ra 3 đến 5 người tài giỏi mà bạn ngưỡng mộ, và hãy đọc tiểu sử của họ. Tôi cá rằng khi bạn đúc kết lại trọng tâm của những nội dung bạn đọc, bí quyết thành công của họ chắc chắn là “Tôi tin tôi có thể, và nhờ vậy tôi thành công”.
Bạn có thể – nói đúng hơn là bạn nên – áp dụng luật Hấp dẫn vào mọi khía cạnh trong cuộc sống, nhất là với nỗ lực bán dịch vụ tài chính của mình. Dưới đây là 4 lời khẳng định dựa theo luật Hấp dẫn mà tôi muốn bạn đọc lên mỗi sáng và thật sự đặt lòng tin vào.
1. Thái độ mỗi ngày của tôi sẽ quyết định sự thành công trong tương lai của tôi. Hôm nay, tôi sẽ hành động và nói chuyện như hình tượng mà tôi mong muốn được trở thành.
2. Tôi xứng đáng với sự thành công, và tôi sẽ đi theo bước chân của những người thành công. Tôi không cho phép những người tiêu cực làm ảnh hưởng đến mình.
3. Hầu như mọi cuộc tranh cãi của tôi đều là với bản thân mình. Vì vậy, mỗi khi suy sụp, tôi sẽ nhắc nhở mình đừng quá tập trung vào bản thân. Nhờ đó, tôi sẽ thành công.
4. Hôm nay, tôi sẽ thành công. Vì sao à? Vì tôi có niềm tin, có lòng dũng cảm, và có bầu nhiệt huyết.
Luật Hấp dẫn chắc chắn sẽ có tác dụng nếu bạn chịu tin vào nó. Mấu chốt là ở đó – bạn phải có niềm tin. Thực chất, niềm tin là mấu chốt cho mọi vấn đề. Việc bạn đặt niềm tin tuyệt đối vào khả năng trở thành nhà vô địch về dịch vụ tài chính, cùng với tác phong tập trung sẽ biến ước mơ của bạn thành một hiện thực hữu hình, tuyệt vời và không thể bị bác bỏ. William James đã đúc kết một cách uyển chuyển điều này bằng câu: “Sự thật rất có thể sẽ không bao giờ đến nếu không có tiền đề là niềm tin rằng nó sẽ đến”.
Hãy đặt niềm tin vào công ty bạn, vào ngành nghề mà bạn đang theo đuổi. Hãy tin vào sản phẩm trong tay bạn. Và hãy tin vào chính bản thân bạn, bởi vì tôi tin bạn.
Ngành dịch vụ tài chính là một ngành tuyệt vời, và cũng là một ngành liên quan mật thiết với cộng đồng. Bạn sẽ bảo vệ tài sản của khách hàng, giúp từng cá nhân và gia đình xây dựng tương lai của họ, và hỗ trợ sự thành công của các doanh nghiệp. Bạn tạo nên sức ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến cuộc sống và tài sản của hàng ngàn cá nhân, gia đình, doanh nghiệp. Bạn hãy tự hào về điều đó, vì tôi tự hào về bạn.
“Cuộc cách mạng lớn nhất của thế hệ chúng ta chính là việc khám phá ra rằng: bằng cách thay đổi thái độ bên trong, loài người chúng ta có thể tạo nên thay đổi ngoài đời thực.”
- William James, nhà tâm lý học và triết học Mỹ