Ngày nay bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Trước năm 1900, bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong chính, trong khi chết do tim mạch chỉ khoảng dưới 10% các nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, đến những năm đầu thế kỷ XXI, tử vong do tim mạch ước tính khoảng 17,9 triệu người trên toàn thế giới và chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong. Điều đáng lo ngại là tổng số chết do các bệnh tim mạch vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ cao ở các nước đang phát triển có thu nhập trung bình - thấp.
1.1. Các giai đoạn chuyển dịch mô hình bệnh tật toàn cầu
Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh tim mạch (Cardiovascular disease - CVD) đã xảy ra một cách không thể lường trước được trong thế kỷ XX. Bệnh tim mạch được coi như một “đại dịch” là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và thay đổi lối sống một cách nhanh chóng xảy ra tại tất cả các khu vực, chủng tộc, vùng văn hóa trên toàn thế giới.
Có thể phân chia các giai đoạn của sự chuyển dịch mô hình bệnh tật làm các giai đoạn theo SJ Olshansky như sau:
- Giai đoạn các bệnh dịch lây nhiễm (dịch hạch...) và suy dinh dưỡng: Diễn ra từ trước cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Mô hình bệnh tật chủ yếu liên quan đến các bệnh thiếu dinh dưỡng và nhiễm trùng. Giai đoạn này, tỷ lệ tử vong rất cao ở trẻ sơ sinh và trẻ em; các bệnh như lao, dịch tả, dịch hạch, bạch hầu…khiến tuổi thọ trung bình thời đó chỉ là 30. Bệnh tim mạch chỉ chiếm khoảng dưới 10% tử vong và chủ yếu liên quan đến bệnh thấp tim và bệnh cơ tim do thiếu dinh dưỡng.
- Giai đoạn thoái lui các bệnh dịch toàn cầu: Ở giai đoạn này, mức sống đã được cải thiện, điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn, nguồn nước và thực phẩm sạch hơn, hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn… đã khiến tuổi thọ được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em giảm đáng kể. Giai đoạn này, tử vong do bệnh tim mạch đã gia tăng, chiếm tỷ lệ trong khoảng 10 - 35% tử vong chung. Bệnh lý van tim vẫn tồn tại, bên cạnh đó tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là những nguyên nhân gây tử vong chính. Hiện tại trên thế giới, vẫn có khoảng 30 - 40% dân số nằm trong giai đoạn này.
- Giai đoạn các bệnh thoái hóa và bệnh gây ra bởi con người: là giai đoạn mà các bệnh lý không lây nhiễm (Non Communicable Diseases - NCD) thống trị, trong đó bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất. Các bệnh nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đã thoái lui đáng kể. Lượng calo tiêu thụ từ thực phẩm (động vật và thực vật) tăng mạnh. Tử vong do tim mạch chiếm từ 35 - 65%, trong đó bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân chủ yếu. Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành so với đột quỵ não ở tỷ lệ 2:1 đến 3:1. Trong giai đoạn này tuổi thọ trung bình khoảng 50 và khoảng 35 - 40% dân số hiện nay trên thế giới đang trong giai đoạn này.
- Giai đoạn kéo dài các bệnh thoái hóa: Bệnh tim mạch và ung thư vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Bệnh tim mạch chiếm 40% nguyên nhân gây tử vong. Tuy vậy, tử vong hiệu chỉnh theo tuổi do tim mạch đã giảm nhờ các chiến dịch phòng bệnh đã được đẩy mạnh (ví dụ: Giảm hút thuốc lá, các chương trình phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường…); bên cạnh đó, việc điều trị nội trú và các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh chóng đã mang lại hiệu quả đáng kể. Bệnh động mạch vành, đột quỵ não và suy tim là những bệnh tim mạch chính. Hiện có khoảng 15% dân số thế giới trong giai đoạn này.
- Giai đoạn bệnh tật liên quan béo phì và ít vận động thể lực: Giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh thế giới công nghiệp hóa, hoạt động thể lực giảm và lượng calo tiêu thụ tăng. Kết quả là “đại dịch” béo phì - dấu hiệu cảnh báo loài người đã rơi vào giai đoạn này. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu tăng mạnh và xu hướng trẻ hóa kể cả ở trẻ em. Đây là giai đoạn đã xảy ra ở một số quần thể và dự báo xu hướng gia tăng trong tương lai.
1.2. Mô hình bệnh tật theo các khu vực
Tại các khu vực, quần thể khác nhau, mô hình bệnh tật cũng có sự khác biệt.
Với các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đã giảm đáng kể tới 50 - 60% trong 60 năm qua, trong khi đó tử vong do tim mạch lại tăng tới 20% trong vòng 20 năm qua với các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Với các nước phát triển như Hoa Kỳ và Tây Âu: Những năm 1900 là kỷ nguyên các bệnh dịch nhiễm trùng và suy dinh dưỡng, đến những năm 1930 đã chuyển giai đoạn tiếp theo với sự phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, tử vong do tim mạch đã chiếm 390 trên 100 nghìn dân. Tới những năm 1903 đến 1965, mô hình bệnh tật chuyển giai đoạn bệnh thoái hóa và do con người gây ra; tỷ lệ tử vong do tim mạch giai đoạn này đạt đỉnh mọi thời đại. Giai đoạn tiếp theo (trì hoãn bệnh thoái hóa): Diễn ra trong giai đoạn 1965 đến 2000. Những tiến bộ trong điều trị, phòng bệnh, các chiến dịch cổ vũ sức khỏe, thay đổi lối sống đã làm giảm đáng kể tử vong do bệnh tim mạch (hiệu chỉnh theo tuổi) và làm muộn hơn xuất hiện bệnh tim mạch theo tuổi. Mức độ giảm tử vong (hiệu chỉnh theo tuổi) do bệnh tim mạch đã giảm 3% mỗi năm từ năm 1970 đến những năm 1980 và giảm khoảng 2% trong những năm 1990 và từ đầu những năm 2000 lại tiếp tục giảm khoảng 3 - 4%. Đây là những tín hiệu rất tốt và là bài học cho các nước đang phát triển.
Tuy vậy, một xu thế đáng lo ngại là các nước này đã sang giai đoạn mới là gia tăng béo phì và ít vận động thể lực.
Các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp (thu nhập trung bình dưới 12.625 USD hằng năm) có mô hình trái ngược với các nước thu nhập cao, phụ thuộc nhiều vào khác biệt văn hóa, trình độ đáp ứng của mỗi nước về nền y tế và hạ tầng cơ sở. Tại các nước này, các bệnh lây nhiễm vẫn còn tồn tại, tuy nhiên bệnh tim mạch đã gia tăng rất nhanh chóng. Khu vực này đã chiếm đến 85% dân số toàn cầu, dẫn tới bộ mặt bệnh tim mạch thay đổi nhanh chóng những năm qua. Tại hầu hết các nước trong nhóm này, tỷ trọng thành thị/nông thôn thay đổi nhanh, tỷ lệ bệnh động mạch vành và đột quỵ não, tăng huyết áp tăng cao ở thành thị, tỷ lệ tử vong cũng khác nhau giữa các nước trong cùng nhóm và giữa các vùng trong một nước.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: là khu vực có sự thay đổi nhanh chóng nhất về mô hình bệnh tật. Các nước trong khu vực này đã tiến vào giai đoạn 3 với tỷ lệ tử vong do tim mạch đã lên hàng đầu, trong đó có Việt Nam.
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng đã bắt đầu tiến vào giai đoạn 3 của mô hình dịch chuyển bệnh tật toàn cầu.
Nhìn chung, các nước Mỹ La Tinh, cũng đang ở giai đoạn 3. Các nước Đông Âu và Trung Á đang ở giai đoạn đỉnh điểm của giai đoạn 3 với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao nhất trên thế giới (chiếm 66%). Một vấn đề quan trọng là tử vong do bệnh động mạch vành không chỉ gặp ở người có tuổi ở các nước này mà còn ảnh hưởng đáng kể tới nguồn nhân lực đang trong độ tuổi lao động.