Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016:
- Bệnh tim mạch hiện đã trở thành nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu.
- Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó có tới 85% chết do nguyên nhân bệnh ĐMV hoặc đột quỵ não.
- Có 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp.
- Có đến 17 triệu người dưới 70 tuổi chết liên quan đến bệnh không lây nhiễm, trong đó có 82% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp và 37% là do nguyên nhân bệnh tim mạch.
- Hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.
- Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
Bệnh động mạch vành (CAD) đã chiếm tới 14% tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chính làm giảm số năm sống còn (YLLs) và số năm sống trong bệnh tật hiệu chỉnh (DALYs). Nguyên nhân thứ hai dẫn tới tử vong là đột quỵ não chiếm tới 11,1% và đứng hàng thứ ba của YLLs và DALYs. Khi gộp lại, hai nguyên nhân trên chiếm tới ¼ số tử vong chung toàn cầu. Đáng chú ý, đột quỵ não có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước có thu nhập thấp - trung bình. Theo ước tính của WHO, đến năm 2030, tổng số tử vong do đột quỵ não tăng lên đến 30% và chủ yếu ở các nước thu nhập thấp - trung bình.
Cũng theo WHO, tử vong do tim mạch ở các nước thu nhập thấp - trung bình gia tăng nhanh, năm 2010 có 10 triệu trường hợp tử vong do tim mạch tại các nước trên so với 5 triệu ở các nước có thu nhập cao. Tốc độ tử vong do bệnh tim mạch tăng 31% từ năm 1990 đến 2010, tuy nhiên tử vong hiệu chỉnh theo tuổi lại giảm được 21,2%.
Sự thay đổi mô hình bệnh tật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị, nhập cư…
Nếu không kể đến sự tăng thêm của các yếu tố nguy cơ khác, hầu hết các nước trong đó đặc biệt là Ấn Độ và Nam Phi, sẽ có một số lượng lớn người chết do bệnh tim mạch ở tuổi trung niên (35 - 64 tuổi). Tại Trung Quốc, ước tính có đến 9 triệu người tử vong do bệnh tim mạch vào năm 2030 so với 2,4 triệu tử vong trong năm 2002 và một nửa xảy ra ở lứa tuổi trung niên từ 35 - 64 tuổi.
Nghiên cứu mô hình bệnh tật toàn cầu năm 2017 đã mô tả rõ hơn về nguyên nhân gây tử vong của bệnh lý tim mạch hiện nay trên toàn cầu (Hình 1.1).
Hình 1.1: Các nguyên nhân gây tử vong năm 2017 (Nguồn: Global health data 2017 http://ghdx.healthdata.org/)
Chú thích: ILD (Interstitial Lung Disease): Bệnh phổi kẽ, PAD (Peripheral Artery Disease): Bệnh động mạch ngoại biên, COPD (Chronic obstructive pulmonary disease): Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, HIV (Human immunodeficiency virus): Virus gây suy giảm miễn dịch ở người, LRI (lower respiratory infections): Nhiễm khuẩn hô hấp thấp.