Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, Việt Nam thuộc nước thu nhập thấp - trung bình với các thông số:
- Dân số năm 2016 là 94.569.000 người (năm 2019 là 97.607.146).
- Tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người (PPP $, 2013): 5.030 USD.
- Tuổi thọ trung bình (ước tính lúc sinh 2016): 72/81 (cho nam/nữ).
- Ước tính khả năng tử vong trong độ tuổi dưới 5 (trên 1000 trẻ sống lúc sinh): 21.
- Ước tính khả năng tử vong trong độ tuổi từ 15 - 60 (tính trên 1000 dân, 2016): 182/66 (nam/nữ).
- Tổng chi phí cho chữa bệnh tính trên đầu dân là 390 USD.
- Tỷ lệ tổng chi phí chăm sóc sức khỏe tính trên tổng thu nhập quốc nội là 7,1%.
Cũng theo báo cáo của WHO (Hình 1.2), trong đó các bệnh không lây nhiễm (NCD) đã trở thành nguyên nhân của 77% tử vong; tử vong do tim mạch chiếm 31%; tiếp theo là ung thư (19%) và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%. Các bệnh lây nhiễm, tử vong sơ sinh và suy dinh dưỡng chỉ còn chiếm 11% ngang với tử vong do tai nạn chấn thương.
Hình 1.2: Sơ đồ các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam (WHO 2016)
Theo báo cáo của chương trình GBD (Global Burden of Disease) 2017 cho thấy (Hình 1.3):
- Mô hình bệnh tật tại Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong vài thập kỷ vừa qua. Rõ ràng Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của mô hình bệnh tật và các bệnh không lây nhiễm gia tăng rất nhanh chóng.
- Bên cạnh các bệnh không lây nhiễm, các bệnh tim mạch liên quan đến nhiễm trùng vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định, khiến cho mô hình bệnh tim mạch ở Việt Nam khá đa dạng và phức tạp.
Hình 1.3: Thay đổi mô hình bệnh tật tại Việt Nam tính từ năm 1990 đến 2017 (Nguồn: GBD 2017)
Như vậy, có thể nói, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam và vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Trong số đó, các bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến sự thay đổi đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng mạnh.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch cũng tăng nhanh chóng.
Theo nghiên cứu của Viện Tim Mạch Việt Nam, từ những năm 1980 đến 2017, số bệnh nhân bị THA đã gia tăng với mức ước tính trung bình xấp xỉ 1% mỗi năm (năm 1980 là khoảng 10% thì đến năm 2015 là trên 40% người trên 25 tuổi có THA). Điều đáng lo ngại là số người THA mà không biết bị THA cũng đáng kể với khoảng 50% và số người THA được kiểm soát (điều trị, thay đổi lối sống) tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3. Mặc dù thực tế đã được cải thiện hơn về số người được phát hiện THA cũng như được điều trị so với trước đây, tuy nhiên con số này vẫn rất thấp đáng lo ngại.
Hình 1.4: Xu hướng tăng huyết áp tại Việt Nam
Tỷ lệ đái tháo đường type 2 cũng tăng đáng kể theo thời gian: Năm 2002 có 2,7% số người lớn bị đái tháo đường type 2 thì năm 2007 có 5,4% và năm 2015 có tới xấp xỉ 10%. Đáng chú ý là có tới 65% số người bị đái tháo đường hoàn toàn không biết mình bị đái tháo đường.