16.1. Cơ chế tác dụng
Ivabradine làm giảm tần số tim, do tác động ức chế chọn lọc và đặc hiệu dòng ion If - dòng ion này kiểm soát sự khử cực tâm trương tự phát ở nút xoang và điều hòa tần số tim. Tác dụng trên tim của thuốc là đặc hiệu với nút xoang mà không có ảnh hưởng tới các thời gian dẫn truyền trong nhĩ, nhĩ - thất, trong thất cũng như không có ảnh hưởng tới sự tái cực thất hoặc tới sự co cơ tim. Thông thường ivabradine sẽ làm giảm khoảng 10 nhịp khi nghỉ và lúc gắng sức. Việc làm giảm tần số tim sẽ làm giảm công của tim và làm giảm tiêu thụ oxy cơ tim.
16.2. Bằng chứng lâm sàng
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy ivabradine có hiệu quả như chẹn beta giao cảm trong phòng và điều trị cơn đau thắt ngực. Nghiên cứu BEAUTIFUL cho thấy vai trò giảm tần số tim của ivabradine khi kết hợp với điều trị chuẩn trong đó có chẹn beta giao cảm ở bệnh nhân có bệnh mạch vành và suy tim trái. Ivabradine không làm giảm các kết cục chính như tử vong tim mạch, nhập viện vì nhồi máu cơ tim hoặc nhập viện vì suy tim mới hoặc suy tim mất bù. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng khẳng định tính an toàn khi kết hợp ivabradine với chẹn beta giao cảm. Trong phân tích dưới nhóm của nghiên cứu BEAUTIFUL trên các bệnh nhân có triệu chứng đau thắt ngực được lựa chọn ngẫu nhiên (n = 1.507), không xác định được sự khác biệt về độ an toàn liên quan đến tỷ lệ tử vong do tim mạch, nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp hoặc suy tim.
Nghiên cứu SHIFT cho thấy ivabradine làm giảm nhập viện và tử vong tim mạch ở các bệnh nhân suy tim.
16.3. Chỉ định
- Điều trị triệu chứng đau ngực ở các bệnh nhânhội chứng động mạch vành mạn không dung nạp hoặc có chống chỉ định với chẹn beta giao cảm.
- Kết hợp ivabradine cho những bệnh nhân không thể kiểm soát triệu chứng, đã dùng chẹn beta giao cảm liều tối ưu mà tần số tim ≥ 70 nhịp/phút.
16.4. Liều dùng
- Khởi đầu: Thường dùng khởi đầu 5 mg × 2 lần/24 giờ.
- Sau 3 - 4 tuần có thể tăng lên 7,5 mg × 2 lần/24 giờ nếu cần kiểm soát triệu chứng hơn nữa. Nếu bệnh nhân cao tuổi (trên 75 tuổi) hoặc không dung nạp với liều 5 mg × 2 lần/24 giờ có thể giảm liều còn 2,5 mg × 2 lần/24 giờ.
16.5. Theo dõi khi điều trị
- Kiểm tra HA và nhịp tim trước khi điều trị và sau khi thay đổi liều.
- Nếu không có tác dụng phụ sau 4 tuần cân nhắc tăng liều nếu cần kiểm soát triệu chứng hơn nữa.
16.6. Chống chỉ định và thận trọng
Chống chỉ định: Hội chứng suy nút xoang, nhịp chậm xoang, sốc tim và nhồi máu cơ tim cấp, block xoang nhĩ, block nhĩ thất cấp III, hội chứng QT dài bẩm sinh, người phụ thuộc máy tạo nhịp, có thai và đang cho con bú.
Thận trọng: Hội chứng tiền kích thích, tần số tim thấp (< 70 nhịp/phút), huyết áp thấp < 90/50 mmHg, viêm võng mạc, suy chức năng gan (tránh nếu suy gan nặng), suy thận nặng (MLCT < 15 mL/phút).
16.7. Tác dụng phụ
- Các rối loạn thị giác: Tác dụng phụ hay gặp nhất.
- Tác dụng trên đường dẫn truyền: Nhịp chậm, block nhĩ thất độ 1, ngoại tâm thu thất có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
- Đau đầu: Xảy ra trong giai đoạn đầu điều trị.
- Chóng mặt: Có thể liên quan đến nhịp chậm.
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.