15.1. Định nghĩa và điện tâm đồ
Tâm nhĩ và tâm thất được ngăn cách với nhau bởi vòng van ba lá ở bên tim phải và vòng van hai lá ở bên trái. Nút nhĩ thất là đường dẫn truyền điện học duy nhất trong quả tim bình thường. Đường dẫn truyền phụ có thể có ở bất kỳ vị trí nào dọc theo những vòng van này và được đặt tên theo vị trí của chúng (Hình 21.11). Chúng có thể dẫn truyền theo cả hai chiều: chiều xuôi (từ tâm nhĩ xuống tâm thất) và chiều ngược (từ tâm thất lên tâm nhĩ). Đường dẫn truyền phụ chính là cơ chất để hình thành cơn nhịp nhanh vòng vào lại nhĩ thất.
Nếu một đường dẫn truyền phụ dẫn truyền theo chiều xuôi, chúng sẽ biểu hiện trên điện tâm đồ bề mặt là hội chứng tiền kích thích (khoảng PR ngắn và sóng delta). Hình thái của sóng delta cho phép dự đoán vị trí của đường dẫn truyền phụ. Một số đường dẫn truyền phụ chỉ cho phép dẫn truyền xung động theo chiều ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ nên trên điện tâm đồ bề mặt sẽ không có biểu hiện của hội chứng tiền kích thích và được gọi là đường dẫn truyền phụ ẩn.
Hội chứng Wolff - Parkinson - White được dùng để chỉ những đường dẫn truyền phụ có biểu hiện hội chứng tiền kích thích trên điện tâm đồ và cơn nhịp nhanh kịch phát do vòng vào lại nhĩ - thất (AVRT).
15.2. Cơn nhịp nhanh
Một đường dẫn truyền phụ có thể gây ra cơn nhịp nhanh theo các cơ chế sau:
- Cơn AVRT chiều xuôi (thường gặp nhất, chiếm 95% các cơn nhịp nhanh do đường dẫn truyền phụ - trong trường hợp này cơn nhịp nhanh có phức bộ QRS thanh mảnh).
- Cơn AVRT ngược chiều - cơn nhịp nhanh có phức bộ QRS giãn rộng.
- Dạng đường dẫn truyền phụ đứng ngoài cơ chế cơn nhịp nhanh (bystander): Các rối loạn nhịp nhanh trên thất do cơ chế khác (nhịp nhanh nhĩ, cuồng động nhĩ...) nhưng xung động được dẫn truyền xuống thất qua đường dẫn truyền phụ, làm cho tần số thất rất nhanh.
15.3. Tiên lượng
Trường hợp rung nhĩ xuất hiện ở bệnh nhân có hội chứng WPW, vì đường dẫn truyền phụ không có tính chất dẫn truyền giảm tiến, xung động khử cực từ nhĩ được dẫn truyền xuống qua đường phụ gây ra đáp ứng thất với tần số rất nhanh và có thể thoái triển thành rung thất và đột tử. Nếu bệnh nhân có hội chứng WPW được phát hiện tình cờ và không có triệu chứng, thì nguy cơ xuất hiện đột tử thường rất thấp (khoảng 1/2000 đến 1/20000 mỗi năm). Thăm dò điện sinh lý có thể được chỉ định để đánh giá nguy cơ ở nhóm bệnh nhân này.
Các yếu tố tiên lượng xấu
- Qua thăm dò điện sinh lý:
• Thời gian trơ hiệu quả chiều xuôi của đường dẫn truyền phụ < 250 ms (được xác định là khoảng ghép dài nhất (A1A2) mà một xung động tạo nhịp nhĩ sớm không thể được dẫn truyền xuống thất qua đường dẫn truyền phụ).
• Gây được cơn AVRT.
• Nhiều đường dẫn truyền phụ cùng tồn tại.
- Cơn nhịp nhanh có triệu chứng (đặc biệt ở bệnh nhân Ebstein).
Hình 21.11: Vòng van ba lá và vòng van hai lá. Các đường dẫn truyền phụ có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào dọc theo các vòng van. Chúng được đặt tên theo vị trí giải phẫu, ví dụ: trước, trước bên bên trái, thành bên bên trái, thành sau bên bên trái… Các đường dẫn truyền phụ trước vách nằm gần với bó His và nút nhĩ thất và được gọi là đường dẫn truyền phụ cận His.