Tăng nồng độ cholesterol toàn phần (TC) và lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL-C) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Điều này sẽ càng trầm trọng hơn khi nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) thấp và triglyceride tăng cao. Năm nhóm thuốc chính điều trị rối loạn lipid máu gồm:
- Statin.
- Fibrate.
- Chất ức chế hấp thu cholesterol.
- Chất gắn acid mật.
- Dẫn xuất acid nicotinic.
Về việc giảm nguy cơ tim mạch, có rất nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng statin như là lựa chọn đầu tiên.
10.1. Các thuốc nhóm Statin
a. Cơ chế
Statin ức chế hoạt động của enzyme HMG-CoA reductase, là enzym xúc tác cho quá trình chuyển đổi HMG-CoA thành mevalonate, làm giảm tổng hợp cholesterol ở gan. Sự suy giảm cholesterol nội bào làm tăng bộc lộ các recepter LDL trên bề mặt tế bào gan, làm tăng hấp thu LDL từ máu, làm giảm nồng độ LDL huyết tương và các loại lipoprotein chứa ApoB khác, trong đó bao gồm cả các hạt giàu triglycerid.
Hiệu quả của statin trên phương diện hạ lipid máu rất khác nhau phụ thuộc vào liều thuốc và các thuốc khác nhau trong cùng một nhóm:
- Giảm LDL-Cholesterol tới 50% đối với chế độ thuốc liều cao nếu dùng kéo dài. Những trường hợp không tác dụng hoặc không dung nạp thuốc có thể liên quan tới các yếu tố gen hoặc do các tác dụng phụ của thuốc.
- Giảm triglycerid máu khoảng 10 - 20%, đặc biệt ở những bệnh nhân đang sử dụng liều cao và có mức triglycerid máu cao. Cơ chế thực sự còn chưa được hiểu biết rõ ràng nhưng có vẻ như độc lập với cơ chế thông qua receptor LDL. Có thể liên quan tới cơ chế điều tiết hấp thu VLDL tại tế bào gan, cũng như làm giảm tổng hợp VLDL.
- Tăng HDL-Cholesterol từ 1 - 10% tùy thuộc liều và loại statin sử dụng.
b. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng
Có nhiều dữ liệu thử nghiệm lâm sàng phù hợp và mạnh mẽ ủng hộ vai trò của liệu pháp statin trong việc giảm nguy cơ tim mạch.
- Phòng ngừa tiên phát: WOSCOPS (1995, pravastatin); AFCAPS / TexCAPS (1998, lovastatin); CARDS (2004, atorvastatin); JUPITER (2008, rosuvastatin); HOPE 3 (rosuvastatin).
- Phòng ngừa thứ phát: 4S (1994, simvastatin); CARE (1996, pravastatin); LIPID (2000, pravastatin); HPS (2004, simvastatin); TNT (2005, atorvastatin).
- Hội chứng động mạch vành cấp: MIRACL (2001, atorvastatin); PROVE-IT (2004, pravastatin và atorvastatin), A to Z (2004, simvastatin).
c. Khuyến cáo lựa chọn và liều statin
Các bằng chứng hiện tại từ các nghiên cứu tổng hợp meta - analysis cho thấy lợi ích của liệu pháp statin trên phương diện dự phòng các bệnh lý tim mạch, do đó lựa chọn loại statin, mục tiêu điều trị cũng như liệu trình điều trị cần được cân nhắc đối với từng bệnh nhân cụ thể.
Nên cân nhắc một số yếu tố sau khi lựa chọn:
- Đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể trên từng bệnh nhân.
- Xác định mục tiêu điều trị (phụ thuộc yếu tố nguy cơ)
- Lựa chọn liệu pháp statin, và nếu cần thiết có thể phải phối hợp thêm các nhóm thuốc khác để đạt mục tiêu điều trị.
- Đáp ứng với statin ở mỗi bệnh nhân rất thay đổi, do đó điều chỉnh liều là cần thiết trước khi phối hợp thêm nhóm thuốc khác.
- Cân nhắc điều kiện của bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, các thuốc đang sử dụng, ngay cả điều kiện kinh tế cũng là một yếu tố cần được xem xét.
Simvastatin
- Tan trong lipid, là statin thông thường.
- Phạm vi liều: Thường khởi đầu từ 20 mg, có thể tăng liều lên tới 40 mg ở những bệnh nhân nguy cơ cao hoặc không đạt mục tiêu điều trị ở liều thấp.
- Tăng nguy cơ tiêu cơ vân ở liều 80 mg, do đó thường tránh trong thực hành lâm sàng, ưu tiên dùng các thuốc có tác dụng mạnh hơn hoặc phối hợp thuốc hạ lipid máu nhóm khác.
- Tương tác thuốc: Tương tác với các thuốc chuyển hóa qua CYP3A4 tại gan. Không nên dùng chung với cá thuốc nhóm Conazole (ketoconazole, itraconazole), một số kháng sinh (erythromycin, clarithromycin), gemfibrozil, cyclosporine. Đặc biệt chống chỉ định ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị HIV ức chế protease, boceprevir và telaprevir.
- Đối với bệnh nhân đang sử dụng amiodarone, verapamil, diltiazem, không nên sử dụng quá liều 10 mg. Ở bệnh nhân đang dùng amlodipine và ranolazine, không sử dụng quá liều 20 mg.
Pitavastatin
- Là thuốc nhóm statin mới nhất hiện nay. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy pitavastatin có tác dụng làm giảm LDL-C không thua kém hơn atorvastatin và simvastatin. Bên cạnh đó cũng có tác dụng tăng HDL-C và làm giảm triglycerid.
- Cơ chế làm giảm LDL-C có thể là do giảm tổng hợp lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) và tăng thụ thể LDL-C. Dẫn đến làm giảm sản xuất và/hoặc tăng dị hóa LDL-C. Tác dụng giảm lipid sau 1 - 2 tuần và hiệu quả điều trị tối đa trong vòng 4 - 6 tuần. Nồng độ LDL-C trong máu giảm phụ thuộc liều dùng.
- Phạm vi liều: 2 - 4 mg mỗi ngày. Ở bệnh nhân suy thận nên khởi đầu bằng liều 1 mg, có thể tăng lên tối đa 2 mg.
- Không sử dụng kết hợp với cyclosporine do tương tác dược động học làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân. Khi dùng chung với erythromycin giảm liều pitavastatin dưới 1mg/24 giờ, với rifampicin không dùng pitavastatin quá 2 mg/24 giờ.
Atorvastatin
- Là một trong những statin được sử dụng rộng rãi nhất. Bên cạnh hiệu quả làm giảm LDL-C, cải thiện HDL-C, atorvastatin còn có tác dụng trong dự phòng thứ phát các biến cố tim mạch, đặc biệt trong hội chứng vành cấp với liều 80 mg/24 giờ. Đối với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, atorvastatin cũng cho thấy vai trò làm giảm nguy cơ xuất hiện biến cố tim mạch một cách rõ rệt, giảm tỷ lệ đột quỵ.
- Phạm vi liều: 10 - 80 mg/24 giờ.
- Liều khởi đầu thông thường: 20 - 40 mg/24 giờ, trong hội chứng động mạch vành cấp nên được bắt đầu bằng liều 80 mg/24 giờ. Có thể đánh giá lại tình trạng rối loạn lipid máu sau 2-4 tuần để điều chỉnh liều.
- Chuyển hóa thuốc thông qua isoenzym CYP3A4 tại gan, do đó tương tác với các nhóm thuốc như ketoconazole, erythromycin hay các thuốc kháng virus HIV. Thận trọng khi kết hợp với thuốc nhóm fibrates.
Rosuvastatin
- Là một statin tan trong nước với đặc tính hấp thu cao và tác động chọn lọc tại gan. Rosuvastatin với thời gian bán thải lên tới 19 giờ, do đó có thể sử dụng vào bất kể thời điểm nào trong ngày, không cần phải ưu tiên dùng buổi tối như những statin khác.
- Phạm vi liều: 5 - 40 mg/24 giờ. Thường khởi đầu với 10 mg/24 giờ.
- Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ như suy thận, tuổi cao, bệnh lý gan mật, có tiền sử tác dụng phụ trước đó, hay có nhiều bệnh lý nội khoa đang điều trị kèm, cần bắt đầu với liều thấp 5 mg/24 giờ, có thể tăng lên 10 mg/24 giờ nếu dung nạp được.
- Rosuvastatin chuyển hóa qua CYP2C9 tại gan do đó ít tương tác với các thuốc thông thường khác vốn chuyển hóa qua con đường CYP3A4 là chính. Ở những bệnh nhân đang sử dụng cyclosporine, không nên dùng quá liều 5 mg. Ở những bệnh nhân đang dùng gemfibrozil, và các thuốc kháng virus không nên dùng liều quá 10 mg.
- Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ ít gặp được báo cáo trên các nghiên cứu lâm sàng bao gồm protein niệu, đái máu vi thể ở liều 40 mg. Các tác dụng phụ thường gặp khác như đau cơ, suy nhược, đau bụng.
d. Chống chỉ định và thận trọng
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với statin.
- Bệnh lý gan đang hoạt động (nồng độ aspartate transaminase (AST) hoặc alanine aminotransferase (ALT) > 100 UI/L) hoặc không giải thích được việc nồng độ transaminase trong huyết thanh tăng cao kéo dài.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Nên cân nhắc trì hoãn điều trị statin ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Thận trọng
- Suy giáp phải được điều chỉnh trước khi bắt đầu dùng statin.
- Bệnh nhân uống nhiều rượu.
- Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân.
- Rối loạn chuyển hóa Porphyria cấp tính (rosuvastatin được cho là an toàn).
- Bệnh thận: Có thể cần thiết phải giảm liều.
e. Xử lý các tác dụng phụ liên quan đến statin
- Rối loạn tiêu hóa: Khuyên bệnh nhân nên uống cùng hoặc sau khi ăn, lý tưởng nhất là với bữa ăn tối..
- Mất ngủ:
• Thử dùng thuốc sớm hơn trong ngày.
• Thử dùng statin khác thay thế nếu vấn đề vẫn còn.
- Đau nhức cơ bắp và bệnh cơ: Xin xem phần điều trị lipid máu (chương IV).
f. Tương tác thuốc
Các thuốc statin chuyển hóa qua CYP2C9 tại gan thường ít tương tác thuốc hơn các thuốc chuyển hóa qua CYP3A4 - là isoenzym chuyển hóa của rất nhiều loại thuốc thông thường khác. Một số nhóm thuốc chính chuyển hóa qua CYP3A4 thường gặp tương tác với một số thuốc nhóm statin:
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Tăng nguy cơ bệnh lý cơ khi dùng simvastatin với amiodarone; (khi dùng cùng amiodarone, liều simvastatin tối đa là 20mg).
- Kháng sinh:
• Clarithromycin làm tăng nồng độ trong huyết tương của pravastatin và atorvastatin.
• Clarithromycin, erythromycin, telithromycin, làm tăng tỷ lệ bị bệnh cơ khi dùng cùng với simvastatin; tránh sử dụng đồng thời.
• Daptomycin: Tăng tỷ lệ bệnh lý cơ khi dùng với statin.
• Acid fusidic: Tăng tỷ lệ bệnh lý cơ khi dùng với simvastatin.
• Telithromycin: Tăng nguy cơ bệnh lý cơ với atorvastatin; tránh sử dụng đồng thời.
- Thuốc chống đông máu: Thận trọng khi sử dụng với atorvastatin, simvastatin, fluvastatin, rosuvastatin.
- Thuốc chống nấm: Tránh sử dụng đồng thời với itraconazole, ketoconazole, posaconazole, miconazole do làm tăng tỷ lệ bệnh lý cơ.
- Thuốc kháng virus: Chỉ sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia.
- Thuốc chẹn kênh canxi:
• Diltiazem, verapamil có thể tăng tỷ lệ mắc bệnh lý cơ với simvastatin: Giảm liều là cần thiết.
• Diltiazem làm tăng nồng độ atorvastatin trong huyết tương.
- Cyclosporin: Tăng tỷ lệ bệnh lý cơ với statin; giảm liều hoặc tránh sử dụng đồng thời với rosuvastatin.
- Colchicine: Tăng tỷ lệ bệnh lý cơ với statin.
- Danazol: Có thể tăng tỷ lệ bệnh lý cơ với simvastatin.
- Fibrates: Tránh sử dụng đồng thời statin với gemfibrozil.
- Nước bưởi: Gây tăng nồng độ simvastatin, atorvastatin trong huyết tương.
g. Theo dõi
10.2. Các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu khác
a. Fibrate (bezafibrate, ciprofibrate, fenofibrate, gemfibrozil)
Cơ chế tác dụng
Nhóm fibrate có tác dụng làm giảm lipid máu nhờ một số cơ chế, bao gồm: Hạn chế hoạt động của các cơ chất dùng để tổng hợp triglyceride ở gan, kích thích hoạt động của enzym protein lipase dẫn tới làm tăng sự thanh thải của LDL-C, gắn vào các thụ thể của LDL-C, làm đảo ngược quá trình vận chuyển cholesterol. Fibrate làm giảm triglyceride một cách đáng kể cũng như làm giảm LDL-C và tăng HDL-C.
Dữ liệu lâm sàng
Hiệu quả lâm sàng của các fibrate trong đơn trị liệu được thể hiện qua các thử nghiệm lâm sàng: HHS, VA-HIT, BIP và FIELD. Số liệu từ các thử nghiệm trên đều cho thấy giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim không tử vong, đặc biệt trên các đối tượng có tăng TG và HDL-C thấp. Tuy nhiên số liệu trên các thông số về kết cục lâm sàng khác vẫn chưa rõ ràng nên lợi ích của fibrate lên bệnh lý tim mạch chưa mạnh như các statin. Các phân tích sau này ghi nhận rằng fibrate có thể làm giảm 13% các biến cố tim mạch chính (độ tin cậy 95%) và lợi ích của fibrate thể hiện rõ hơn khi TG > 2,3 mmol/L (> 200 mg/dL).
Liều dùng
- Bezafibrate: 400 mg, ngày 1 lần.
- Ciprofibrate: 100 mg, ngày 1 lần.
- Fenofibrate: 200 mg, 160 mg, 145 mg ngày 1 lần.
- Gemfibrozil: 600 mg, ngày 2 lần.
Vai trò của fibrate trong thực hành lâm sàng
Vai trò quan trọng nhất của fibrate là làm giảm triglyceride. Vì vậy, fibrate là lựa chọn ưu tiên khi bệnh nhân có tăng triglyceride đơn độc. Ở bệnh nhân đái tháo đường và các trường hợp rối loạn lipid máu hỗn hợp, statin được ưu tiên dùng, tuy nhiên có thể cân nhắc phối hợp thêm fibrate nếu tăng triglyceride ở mức cao hoặc statin đơn trị liệu ít tác dụng. Nghiên cứu ACCORD cho thấy khi phối hợp simvastatin với fenofibrate cho đối tượng bệnh nhân đái tháo đường có mức TG > 2,3 mmol/L và HDL-C < 0,8 mmol/L có thể làm giảm được nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch.
Tuy nhiên sự kết hợp này cũng làm gia tăng các tác dụng phụ lên cơ vân thậm chí có thể gây hoại tử cơ vì vậy cần phải theo dõi chặt chẽ.
Tác dụng phụ của fibrate
Tác dụng phụ của fibrate bao gồm các rối loạn về tiêu hóa, viêm cơ, đau cơ. Tương tự như nhóm statin, các tác dụng phụ của thuốc nhóm fibrate cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Cần thận trọng sử dụng kết hợp nhóm thuốc fibrate với warfarin vì nó có thể làm gia tăng tác dụng chống đông của warfarin.
Fibrate nói chung có khả năng dung nạp tốt với một số tác dụng phụ nhẹ: Rối loạn tiêu hóa chiếm 5%, ban đỏ da chiếm 2%. Tăng CK gấp 5 lần và tăng ALT gấp 3 lần so với giới hạn trên bình thường gặp < 1% trong cả hai nhóm nghiên cứu.
Tác động của các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu không thuộc nhóm statin
Tương tác thuốc của fibrate với các thuốc khác
- Thuốc kháng sinh: Tăng nguy cơ các bệnh lý về cơ khi dùng phối hợp với daptomycin.
- Thuốc chống đông: Tăng tác dụng chống đông của warfarin và các thuốc nhóm coumarin khác.
- Thuốc điều trị đái tháo đường:
• Làm tăng nồng độ rosiglitazone khi dùng kết hợp với gemfibrozil.
• Tăng nguy cơ tác dụng phụ hạ đường huyết khi sử dụng kết hợp gemfibrozil với repaglinide.
- Các thuốc điều trị rối loạn lipid khác:
• Tăng nguy cơ sỏi mật và các bệnh lý túi mật khi kết hợp sử dụng với ezetimibe, có thể cân nhắc ngừng sử dụng.
• Tăng tỷ lệ bệnh lý cơ khi sử dụng kết hợp với statin.
• Tránh sử dụng đồng thời gemfibrozil với statin trừ khi được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Gemfibrozil phối hợp với 1 statin sẽ làm nguy cơ tiêu cơ vân lên cao hơn gấp 15 lần so với sự phối hợp giữa fenofibrate với statin. Fenofibrate được khuyến cáo cân nhắc phối hợp với statin trên bệnh nhân cần phối hợp fibrate – statin.
b. Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe
Cơ chế hoạt động
Cơ chế hoạt động của ezetimibe là ức chế quá trình hấp thu cholesterol ở các tế bào diềm bàn chải ở dạ dày - ruột, làm giảm lượng cholesterol được vận chuyển tới gan. Tác động đầu tiên của ezetimibe là làm giảm lượng LDL-C, ngoài ra nó cũng làm giảm nhẹ triglyceride và làm tăng HDL-C.
Dữ liệu lâm sàng
Mặc dù ezetimibe đã được chứng minh làm giảm LDL-C, chưa có những dữ kiện lâm sàng mạnh mẽ chứng minh có hiệu quả phòng ngừa các bệnh lý tim mạch. Nghiên cứu IMPROVE- IT đã được báo cáo từ năm 2012 - 2013.
Liều lượng: Ezetimibe 10 mg/24 giờ.
Vai trò của ezetimibe trên lâm sàng
Ezetimibe thường được sử dụng kết hợp với statin khi sử dụng statin đơn độc không đạt được mục tiêu giảm cholesterol máu. Ezetimibe cũng có thể được sử dụng đơn độc ở bệnh nhân không dung nạp với statin.
Tác dụng phụ
Những tác dụng phụ của ezetimibe bao gồm rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt. Đau cơ là tác dụng phụ có thể gặp, cần xét nghiệm CK để loại trừ bệnh lý về cơ. Các biểu hiện của dị ứng có thể gặp như mẩn ngứa, mày đay, thậm chí sốc phản vệ đã được báo cáo.
Tương tác thuốc
Mặc dù các tương tác thuốc khi sử dụng ezetimibe là rất hiếm, tuy nhiên nguy cơ tiêu cơ vân khi kết hợp sử dụng ezetimibe và statin có thể gia tăng. Kết hợp cyclosporin có thể gây gia tăng nồng độ thuốc.
c. Nhóm thuốc gắn acid mật: Cholestyramine, colestipol và colesevelam
Cơ chế hoạt động
Làm giảm tuần hoàn gan - ruột của cholesterol thông qua ức chế quá trình tái hấp thu cho- lesterol ở ruột. Sự giảm tái hấp thu cholesterol ở ruột làm tăng hoạt động của các thụ thể của LDL-C ở gan dẫn đến tăng quá trình thanh thải LDL-C từ huyết tương. Tác động đầu tiên là làm giảm mức LDL-C, tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây tăng triglyceride máu.
Dữ liệu lâm sàng
Cholestyramine đã được chứng minh là có xu hướng làm giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim không tử vong qua nghiên cứu LRC-CPPT. Colesevelam đã được giới thiệu ở nước Anh lần đầu tiên năm 2007 và cũng có một số dữ liệu cho thấy hiệu quả của thuốc này.
Liều dùng
- Cholestyramine: Liều khởi đầu 4 g mỗi ngày (không quá 36 g/24 giờ) chia làm 1 - 4 lần. Với mỗi 4 g cholestyramine cần pha với ít nhất 150 mL nước.
- Colestipol: Liều khởi đầu 5 g mỗi ngày (không quá 30 g/24 giờ) chia làm 1 - 2 lần. Với mỗi 5 g colestipol cần pha với ít nhất 100 mL nước.
- Colesevelam:
• Đơn trị liệu: 3,75 mg mỗi ngày chia làm 1 - 2 lần.
• Điều trị phối hợp với statin: 2,5 - 3,75 mg mỗi ngày chia làm 1 - 2 lần.
Vai trò của nhóm thuốc gắn acid mật trên lâm sàng:
Ít được sử dụng trong thực hành lâm sàng do khả năng dung nạp thuốc kém, tương tác với nhiều thuốc và tác dụng phụ làm tăng triglycerid. Colesevelam cho thấy có một vài ưu điểm trong cải thiện hiệu quả tác dụng cũng như khả năng dung nạp tuy nhiên vẫn còn tương tác với nhiều nhóm thuốc khác cũng như làm gia tăng mức triglycerid.
Tác dụng phụ: Ảnh hưởng lên hệ thống tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đầy hơi.
Tương tác thuốc:
- Nhóm thuốc chống đông: Làm tăng hoặc giảm hiệu quả tác dụng của warfarin và các thuốc nhóm coumarin khác.
- Ảnh hưởng đến hấp thu một số thuốc như digoxin, hormone tuyến giáp, các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K ) và lợi tiểu thiazide.
- Vì vậy, các thuốc khác nên được uống trước 1 giờ hoặc sau 4 giờ từ khi uống thuốc nhóm gắn acid mật để giảm các tương tác về mặt hấp thu thuốc.
d. Nhóm thuốc acid nicotinic
Cơ chế tác dụng
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc acid nicotinic làm giảm cholesterol chưa được biết chính xác, tuy nhiên các giả thiết cho rằng chúng làm giảm quá trình tổng hợp triglycerid ở gan do ức chế men DGAT-2, chúng cũng làm tăng quá trình thanh thải ApoA1. Vị trí tác động đầu tiên của nhóm thuốc acid nicotinic là làm giảm mức triglyceride, nó cũng làm giảm LDL-C mức độ trung bình cũng như là tăng mức HDL-C.
Vai trò của nhóm thuốc acid nicotinic trên lâm sàng: Theo khuyến cáo của ESC 2019 không còn được sử dụng trong điều trị thường quy rối loạn lipid máu.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ hay gặp của nhóm thuốc acid nicotinic là rối loạn hoạt động dạ dày ruột như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm bài tiết acid dịch vị, đau bụng và mẩn ngứa.
Tương tác thuốc
Các thuốc điều trị rối loạn lipid khác: Việc phối hợp acid nicotinic và statin làm tăng nguy cơ bệnh lý về cơ.