TUẦN 24
Cơ hội sống sót nếu sinh non!
Dễ thở hơn rồi: Anh và cô ấy sẽ cảm thấy tinh thần rất thoải mái trong tuần này. Đó là vì anh đã đi đến cột mốc mà em bé có thể sống được nếu sinh non. Một nửa cho đến 2/3 các em bé sinh non trong tuần này có khả năng sống sót và mỗi ngày qua đi, tỉ lệ sống sót của các bé càng cao. Tuần này thực sự quan trọng vì nó góp phần giảm bớt mối căng thẳng của anh và quan trọng hơn nữa là mối căng thẳng của cô ấy. Nếu em bé của anh sinh non trong tuần này, khuôn mặt của em bé giống một khuôn mặt hoàn thiện: có lông mi, lông mày, tóc và các bộ phận khác đã phát triển đầy đủ.
Thai nhi vẫn đang tích mỡ dưới da và các bộ phận trong cơ thể, xương và cơ vẫn tiếp tục phát triển tiếp. Nếu anh không biết tóc em bé sẽ màu vàng hoe, màu đen hay màu đỏ, anh cứ tiếp tục đoán thôi nhé vì lúc này sắc tố tóc vẫn chưa xuất hiện.
Cô ấy tiếp tục đối mặt với các vấn đề cũ: đau phần lưng dưới, khó ngủ, ợ nóng, đầy hơi và chân tay bị phù. Anh nên khuyến khích cô ấy nhẹ nhàng vung chân và nghỉ ngơi mỗi khi có thời gian, uống đủ nước và duy trì chế độ ăn lành mạnh.
XÉT NGHIỆM TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Trong quá trình mang thai, cô ấy sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm hoặc sàng lọc và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một trong số đó (nếu kết quả sàng lọc cho thấy trong máu cô ấy có lượng đường cao). Cô ấy sẽ phải uống một ly nước rất ngọt và được lấy máu để xét nghiệm. Nếu kết quả cho thấy cô ấy bị mắc tiểu đường thai kỳ, cô ấy sẽ phải gặp bác sĩ để biết lượng đường máu của mình ở mức độ nào và điều chỉnh chế độ ăn để duy trì sự cân bằng. Anh có thể hỗ trợ bằng cách động viên cô ấy tuân thủ chế độ ăn do bác sĩ tư vấn và anh cũng cần ghi nhớ điều đó mỗi khi vào bếp.
Mục tiêu gia đình
Luôn có kế hoạch. Chuẩn bị sẵn túi đồ đi sinh: Túi đồ này vô cùng quan trọng và anh phải chắc chắn xếp 100% đồ dùng cần thiết vào túi phòng trường hợp em bé chào đời trước khi anh kịp chuẩn bị tinh thần!
Ông bố giàu kinh nghiệm. Tìm hiểu các dấu hiệu sinh sớm: thai bất ngờ xuống thấp, cô ấy vỡ ối, đau mỏi lưng hoặc tử cung co thắt, bị tiêu chảy/buồn nôn hoặc chảy máu âm đạo. Nếu thấy cô ấy có các dấu hiệu này, anh cần phải gọi ngay cho bác sĩ và xách túi đồ (hi vọng là anh đã chuẩn bị sẵn sàng).
DANH MỤC CÁC MÓN ĐỒ CẦN THIẾT TRONG TÚI ĐỒ ĐI SINH
Tôi đã đưa vợ đi sinh tại một vài bệnh viện và quy trình nói chung đều giống nhau. Sau khi người mẹ được đưa vào phòng hồi sức, các ông bố chờ bên ngoài. Ở đó cũng không có gì đặc biệt và có thể anh sẽ muốn chuẩn bị trước một vài đồ dùng cá nhân cho mình. Rất nhiều phòng hậu sinh có vòi hoa sen để tắm và sẽ thật tuyệt vời nếu anh được tắm táp sạch sẽ sau một đêm dài chờ đợi, và sau đó anh có thể yên tâm xuống căng tin để mua đồ ăn. Dưới đây là một số món đồ cần thiết (các món đồ trong túi của tôi và cô ấy đều giống nhau).
☐ Một vài bộ quần áo mặc nhà (quần thun, cô ấy phải mang vài chiếc áo rộng để dễ dàng cho con bú và trong trường hợp sinh mổ, anh cần chuẩn bị cho vợ vài chiếc quần dài rộng rãi để không vướng vào vết mổ của cô ấy).
☐ Vài chai nước.
☐ Máy quay và sạc.
☐ Máy tính xách tay hoặc máy tính bảng đã tải sẵn phim hoặc chương trình ti-vi.
☐ Sách.
☐ Sạc điện thoại.
☐ Đồ dùng vệ sinh cá nhân (mà anh thường mang theo khi đi dã ngoại qua đêm).
☐ Thảm ngủ (cho Bố - tấm thảm ngủ dùng khi đi cắm trại sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn thảm lò xo).
☐ Băng vệ sinh (cho Mẹ - bệnh viện thường cung cấp băng vệ sinh cho sản phụ dùng nhưng mang dư một chút cũng không thừa).
☐ “Quần lót bản rộng” (Xin lỗi nhé các chàng trai, nhưng các anh không nên mong ngóng sẽ được nhìn thấy cô ấy mặc quần lót tam giác sớm đâu và các anh nên gửi lời chào nồng nhiệt đến những chiếc quần lót bản rộng: loại quần này cực kì cần thiết vì nó tạo cảm giác dễ chịu và giúp giữ chặt băng vệ sinh – anh biết không, những miếng băng vệ sinh này còn to hơn cả tã sơ sinh của em bé đấy).