Công cụ thiết yếu cho một cuộc sống có chất lượng
Tiền = Hạnh phúc?
Mai vừa mua một chiếc xe đời mới sau khi được thăng chức ở cơ quan. Ai cũng bảo Mai thật may mắn và thành đạt. Anh có một gia đình đầm ấm với hai đứa con dễ thương. Nhà cửa cũng bề thế, nhưng Mai vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Anh bảo với tôi rằng anh có mọi thứ mà một người thành đạt có. Anh có tất cả, ngoại trừ hạnh phúc.
"Thành công không phải là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc. Nếu bạn thích những gì bạn đang làm, bạn sẽ thành công."
- Albert Schweitzer
Khi được hỏi điều gì khiến họ hạnh phúc thì phần đông giới trẻ Trung Quốc đã trả lời là "Tiền". Vậy mà trong 50 năm qua, ở Trung Quốc, cũng như ở hầu hết các nước phát triển, mức độ hạnh phúc đã giảm hẳn dù rằng mức thu nhập tăng cao hơn rất nhiều. Các nhà khoa học xã hội Mỹ cho rằng mức độ hài lòng của con người đã giảm đi đáng kể trong khoảng 25 năm trở lại đây. Một cuộc khảo sát của Viện Gallup cho thấy 1/3 số người giàu có nhất ở Mỹ thực sự kém hạnh phúc hơn so với tầng lớp lao động chân tay.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup ở Anh, số người cho rằng mình "rất hạnh phúc" là 52% vào năm 1957 nhưng hiện tại chỉ còn 36%. Từ năm 1949 đến nay, thu nhập theo đầu người đã tăng gấp 30 lần nhưng tình trạng nghiện ngập ở trẻ vị thành niên lại tăng gấp 200 lần, bạo lực tăng 30 lần, trầm cảm tăng 4 lần và bệnh xơ gan do uống rượu tăng gấp 8 lần.
Như vậy, quan niệm phổ biến cho rằng thành công là hạnh phúc hoặc nhiều tiền bạc là hạnh phúc có vẻ như không phải lúc nào cũng đúng. Chìa khóa của hạnh phúc còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa, mà quan trọng nhất chính là thái độ và tâm trạng của con người.
Với Mai, khi dành thời gian để chiêm nghiệm lại, anh mới nhận ra sở thích thời trẻ của mình là giúp đỡ mọi người. Nhưng trong những năm vừa qua anh chỉ tập trung vào mục đích cá nhân và lo kiếm tiền, đến nỗi chẳng còn thời giờ nghĩ đến người khác. Thế rồi anh quyết định chia sẻ kỹ năng kinh doanh cho một nhóm bạn trẻ có chí hướng nhưng không đủ khả năng tài chính theo học đại học. Chưa đầy một tuần hướng dẫn các em, Mai đã cảm thấy mình tìm lại được niềm vui thời trẻ. Giờ đây, ngoài thành công trong công việc, Mai còn có thêm niềm vui từ việc giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Không phải lúc nào ta cũng nhận thấy nguyên nhân khiến mình không hạnh phúc như Mai, nhưng chỉ cần nhìn vào nội tâm và suy nghĩ tích cực cùng với một chút kiên trì, chắc chắn ta sẽ tìm được câu trả lời.
Các Quy luật Hạnh phúc
Quy luật 1: Thái độ trao tặng hạnh phúc sẽ đem lại hạnh phúc
Nếu luật giao thông giúp cho người lái xe được an toàn thì trên đường đời cũng cần phải có những quy luật bảo toàn hạnh phúc. Phạm luật, nghĩa là chúng ta đang bị tước mất quyền hạnh phúc.
Giáo sư Sonja Lyubomirsky, thuộc Đại học California, đã yêu cầu những người tham gia hãy ngẫu nhiên làm những việc tốt cho người khác trong vòng 10 tuần. Bà nhận thấy mức độ hạnh phúc của những người này tăng lên đáng kể mỗi khi họ làm được một việc tốt và họ vẫn giữ được trạng thái hạnh phúc sau một khoảng thời gian. Nghiên cứu chuyên sâu hơn cho thấy những người hay giúp đỡ người khác, hoặc có tham gia hoạt động thiện nguyện thường cảm thấy hạnh phúc hơn khoảng 30% so với những người chưa từng tham gia các hoạt động này. Điều đó phản ánh đúng bốn cấp độ hạnh phúc mà Aristotle, triết gia Hy Lạp, đã nêu ra từ hai ngàn năm trước.
Theo Aristotle, hạnh phúc ở cấp độ cao thứ hai của loài người là chia sẻ, trao tặng - hay beautitudo, nghĩa là được chúc phúc. Khi ta làm cho người khác hạnh phúc, họ sẽ chúc phúc ta bằng những ý nghĩ và cảm xúc tích cực. Năng lượng tích cực ấy sẽ hướng về phía ta và làm gia tăng mức độ hạnh phúc trong ta – hạnh phúc vì nhìn ra điểm tốt ở người khác và làm được điều tốt cho người khác. Đã bao giờ bạn thử hỏi, giữa người nhận quà và người trao quà, ai sẽ hạnh phúc hơn?
Chính người cho đi sẽ nhận về hạnh phúc nhiều hơn.
"Tôi không biết số phận là gì, nhưng tôi biết một điều là chỉ những ai biết công hiến cho người khác mới là người thật sự hạnh phúc."
- Albert Schweitzer
Từ một nghiên cứu với sự tham gia của 2.016 người cho thấy những ai tham gia các hoạt động thiện nguyện thì tinh thần họ phấn chấn hơn, khả năng miễn dịch mạnh, ít bị trầm cảm và ít mắc các bệnh mãn tính. Một nghiên cứu ở Đại học Hebrew, Israel cũng phát hiện ra rằng lòng tốt sản sinh ra chất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh làm cho con người cảm thấy sảng khoái.
Khi bước vào tình huống với suy nghĩ "Mình có thể nhận được gì?" thay vì là "Mình có thể đóng góp được gì?", ta sẽ cảm thấy căng thẳng và có thể gặt trái đắng. Còn khi ta chủ động trao đi thì chính năng lượng trao tặng thể hiện qua thái độ, lời nói và hành động sẽ lại quay trở về với ta. Điều tưởng như là nghịch lý ấy vẫn đang diễn ra trong cuộc sống – khi cho đi, ta sẽ nhận về nhiều hơn cái ta có ban đầu.
Bài tập suy ngẫm
Cách đơn giản để củng cố thái độ trao tặng là thường xuyên tự hỏi mình: "Trong hoàn cảnh này, tôi có thể giúp được gì cho mọi người?". Chính câu hỏi này sẽ hướng suy nghĩ của bạn đi đúng đường.
"Cách tốt nhất để cổ vũ chính mình là tìm cách cổ vũ người khác."
- Mark Twain
Quy luật 2: Sự chú ý của bạn hướng vào đâu thì năng lượng sẽ tập trung về phía đó và làm cho nó thêm lớn mạnh
Tôi có dịp chia sẻ trong một buổi hội thảo dành cho những người bị bại liệt do tai nạn xe máy. Trong số những người tham dự có một cậu thanh niên khoảng 30 tuổi bị nặng nhất. Cậu phải nằm trên giường có bánh xe di chuyển vì không thể ngồi được. Thế mà suốt buổi trò chuyện, cậu luôn cười với khuôn mặt rạng ngời. Gần cuối hội thảo, cậu chia sẻ rằng cậu chấp nhận hoàn cảnh không thể thay đổi này và dành thời gian để vui sống bên cạnh người thân.
Ngay sau buổi hội thảo, vừa ra khỏi cổng bệnh viện, tôi bắt gặp một người phụ nữ đang đẩy xe lăn đưa chồng đi kiểm tra sức khỏe. Chồng chị ấy cũng bị liệt. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện đau buồn trong nước mắt khiến tôi cứ ngỡ rằng chồng chị mới vừa trải qua tai nạn, trong khi chuyện đã xảy ra từ 8 năm trước. Suốt 8 năm ròng, chị không lúc nào ngừng suy nghĩ về tình trạng của chồng và anh cũng đã khóc rất nhiều.
Chàng thanh niên trong buổi hội thảo và cặp vợ chồng này đều ở trong hoàn cảnh tương tự nhau nhưng họ lại có kết cuộc hoàn toàn khác nhau. Vậy, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là gì? Đó là do hướng chú ý của họ. Chàng thanh niên biết chấp nhận hoàn cảnh và chú ý vào việc tạo dựng hạnh phúc; trong khi đôi vợ chồng kia cứ mãi phủ nhận thực tế với những lời oán trách: "Tại sao số tôi lại thế này?", "Ước gì mình không bị tai nạn!"…
Ta hiểu gì từ quy luật này?
Khi bạn chú ý vào mặt tiêu cực của sự việc hay vướng mắc vào quá khứ, vào những điều ngoài tầm kiểm soát thì chẳng khác nào bạn đang tự rũ bỏ hạnh phúc của mình. Theo nguyên lý, khi ta chú ý vào đâu thì dù vô tình hay cố ý, ta đang làm cho điều đó thêm nảy nở. Nếu bạn để ý đến chuyện tiêu cực, không sớm thì muộn bạn cũng trở thành người tiêu cực như vậy. Và bạn sẽ có được hạnh phúc bằng cách chuyển sự chú ý của mình đi theo hướng tích cực, vào những gì bạn có thể kiểm soát.
Chúng ta trở nên giống với những suy nghĩ thường trực trong tâm trí mình. Bạn chỉ có thể thật sự hạnh phúc khi biết cách suy nghĩ tích cực và hướng thiện về người khác, kể cả những người khó chịu nhất. Để làm được như vậy, bạn cần có một sức mạnh nội tâm vững chắc.
"Có khi ta không chủ tâm chỉ trích ai đó, nhưng lại vô tình chú ý vào nhược điểm hay sai lầm của họ. Nếu ta cứ tiếp tục nghĩ 'Người ấy sai', thì chẳng khác nào ta đang tự xây hàng rào ngăn cản hạnh phúc đến với mình. Càng phát huy thói quen nhận ra ưu điểm của người khác và chỉ tập trung vào điểm tốt ở họ trong mọi hoàn cảnh, cảm giác hạnh phúc trong ta càng tăng cao."
Quy luật 3: Khi chúng ta sống với những giá trị tốt đẹp nhất, hạnh phúc sẽ đến
Một công ty đa quốc gia tầm cỡ đã tổ chức một bữa tiệc vinh danh Brian – người bán hàng hạng sao mới nhất của công ty. Anh đã làm giàu cho công ty bằng cách tìm ra nhiều khách hàng mới. Ai cũng chúc mừng cho Brian. Giữa buổi tiệc, một người đã phát biểu khen ngợi anh rằng: "Tốt lắm, cha anh chắc hẳn rất tự hào về anh!". Brian im bặt không nói được lời nào. Anh hiểu rõ cha mình. Cha anh đã từng phản đối cách làm ăn gian xảo của anh. Nghĩ đến những phi vụ làm ăn của mình, anh biết cha không hề tự hào gì về anh và bản thân anh cũng không thấy gì là tự hào về mình. Anh từng nghĩ thành công này sẽ mang lại hạnh phúc cho anh, nhưng thực tế không phải vậy vì chúng hoàn toàn đi ngược lại những giá trị của anh. Anh vội cáo lỗi mọi người và rút khỏi bữa tiệc, sau đó anh xin nghỉ việc và tìm một công việc mới phù hợp với giá trị nhân bản của mình.
"Ngay khi bạn tôn trọng giá trị vật chất hơn chính giá trị của bạn, bạn đã mất đi hạnh phúc."
- Mike George
Khi làm một điều gì đó ngược với giá trị của mình, lương tâm ta sẽ bị cắn rứt. Ban đầu lương tâm nhiệt tình mách bảo ta, nhưng ta cứ phớt lờ, thế là nó nín thinh. Hạnh phúc mất đi khi ta đi ngược lại bản chất tự nhiên hay các giá trị của chính mình.
Bài tập suy ngẫm/Hoạt động nhóm
1. Theo bạn, những giá trị nào là quan trọng nhất trong gia đình?
2. Những giá trị nào là cần thiết nhất trong xã hội hiện nay?
3. Mỗi ngày bạn hãy tự hỏi mình rằng hôm nay bạn muốn sống với những giá trị nào?
4. Khi bạn sống với những giá trị này mỗi ngày, sẽ có những ảnh hưởng nào đối với tâm trí và các mối quan hệ của bạn?
Quy luật 4: Thái độ biết ơn sẽ mang lại hạnh phúc
Có lần tôi hỏi một cặp vợ chồng cảm nhận của họ sau chuyến du lịch châu Âu tốn kém. Tôi đã hỏi riêng từng người một. Cô vợ bảo kỳ nghỉ hè thật tuyệt vời – thời tiết, khách sạn, thức ăn, phương tiện giao thông… tất cả đều tuyệt hảo và cô hoàn toàn thích thú với chuyến đi. Còn ông chồng thì tặc lưỡi "Tốn tiền" – thời tiết, khách sạn, thức ăn, phương tiện giao thông quá tệ… cái gì cũng tệ. Rõ ràng là nghịch lý! Họ đã có một kỳ nghỉ hè cùng nhau. Song, điều gì đã tạo ra sự khác biệt đến như vậy? Chính là thái độ của họ. Cô vợ trân quý kỳ nghỉ hè của mình, còn anh chồng thì không.
Có một thời gian tôi đã sống cùng một người thường hay ca cẩm ĐỦ THỨ. Có những tình huống tưởng như chẳng có gì để than phiền, thế mà anh ta vẫn luôn tìm ra điều gì đó để phàn nàn. Ban đầu, tôi cảm thấy chán khi cứ phải nghe những lời như thế, sau rồi tôi chấp nhận vì đó là thái độ nhìn nhận sự việc của mỗi người. Sự thật là khi có thái độ biết ơn đối với ai đó hay hoàn cảnh nào đó, chúng ta gia tăng đáng kể hạnh phúc của mình.
"Để gia tăng hạnh phúc, thay vì cố đạt cho bằng được một thứ gì đó, sẽ hiệu quả hơn nếu ta điều chỉnh suy nghĩ của mình về những thứ ta đang có trong tay."
Bài tập suy ngẫm
1. Nhận ra những loại suy nghĩ bạn thường có khi đối mặt với những tình huống khác nhau.
2. Bạn có muốn điều chỉnh những suy nghĩ của mình để thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn không?
3. Nếu có thì những suy nghĩ mới này tác động thế nào đối với bản thân bạn và những người khác?
Hoạt động nhóm
1. Thảo luận và khám phá tác động của thái độ biết ơn đối với các mối quan hệ.
2. Bạn sẽ đưa ra những lời khuyên nào cho một cặp vợ chồng đã lấy nhau được 40 năm nhưng lại có thói quen hay chỉ trích, phê bình nhau?
Mỗi khi nhận thấy hạnh phúc của mình mất đi, hãy nhìn vào bên trong, rồi ta sẽ thấy mình vi phạm một trong bốn quy luật trên. Chỉ cần tiếp tục tuân theo đúng quy luật, hạnh phúc sẽ nhanh chóng trở lại với ta.
Hoạt động nhóm
1. Khi nhắc đến hạnh phúc, hình ảnh nào lập tức xuất hiện trong tâm trí bạn?
2. Hạnh phúc có màu gì?
3. Biểu tượng nào nhắc bạn về hạnh phúc?
4. Bạn hãy suy ngẫm một vài phút, rồi thảo luận cùng nhau:
a. Khi nào bạn thấy hạnh phúc nhất?
b. Đằng sau cảm giác hạnh phúc này là các giá trị nào?
c. Bạn hiểu gì từ phát hiện này?
5. Thảo luận: Điều chúng ta nghĩ và nói có ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc của chúng ta?
6. Dành vài phút tưởng tượng xem bạn sẽ thế nào nếu bạn bị liệt… Trong trường hợp đó, bạn sẽ nhắn nhủ đến mọi người điều gì về hạnh phúc?
7. Hình dung bạn là người cố vấn hạnh phúc. Hãy viết ra 10 đến 15 suy nghĩ và hành động giúp tạo ra hạnh phúc.
8. Thảo luận: "Cách tốt nhất để cổ vũ chính mình là tìm cách cổ vũ người khác" (Mark Twain).
9. Thảo luận: "Thành công không phải là chìa khóa mở ra hạnh phúc. Hạnh phúc mới chính là chìa khóa mở ra thành công. Nếu bạn yêu thích điều bạn làm, bạn sẽ thành công" (Albert Schweitzer).