Nghệ thuật suy nghĩ hiệu quả
Cuộc chiến trong tâm trí!
Nhiều năm về trước, một già làng thông thái người da đỏ muốn từ một câu chuyện ẩn dụ để dạy đứa cháu nội của mình về ý nghĩa cuộc đời. Ông nói với đứa bé: "Có một cuộc chiến đang xảy ra bên trong ông, một cuộc đấu tranh dữ dội đang diễn ra từng phút, từng giây. Một bên là con sói đầy sợ hãi, giận dữ, tham lam, ganh ghét; còn con sói kia thì hiền lành, tự tin, tích cực, ân cần và yêu thương. Thật ra trong mỗi chúng ta đều đang diễn ra cuộc đấu tranh này". Cậu bé trầm ngâm một lát rồi ngẩng lên nhìn ông hỏi: "Con nào sẽ thắng hả ông?". Già làng mỉm cười xoa đầu đứa bé: "Đơn giản thôi cháu ạ. Đó là con mà cháu cho nó ăn".
Chúng ta cũng có cuộc chiến như vậy giữa nỗi sợ hãi với lòng tự tin, nhược điểm và ưu điểm… "Con" thắng là "con" mà chúng ta chọn cho nó ăn. Ta nuôi "con sói" bằng thức ăn là ý nghĩ và thái độ của ta. Thực ra, trong từng giây phút, chúng ta luôn chọn lựa để làm mạnh một trong hai "con sói". Hãy tưởng tượng nếu ta không nuôi dưỡng "con sói" tiêu cực, nghĩa là những điểm yếu của ta, trong một vài tuần thì nó sẽ như thế nào? Nó sẽ chết! Vậy tại sao nó vẫn còn sống? Vì ta vẫn tiếp tục dung dưỡng cho nó!
"Hãy chơi trò tìm kiếm những điều tích cực trong mỗi tình huống.
95% cảm xúc của bạn là do cách bạn tự diễn giải các sự kiện."
- Brian Tracy
Thực ra ta không cần phải tốn quá nhiều công sức để đối mặt với cái tiêu cực. Ta chỉ cần tập trung vào "con sói hiền". Hành trình vượt qua nỗi sợ và những nhược điểm của ta cũng là hành trình nuôi dưỡng bản thân bằng những ý nghĩ tích cực. Khi ta bỏ đói "con sói" sợ hãi và tiêu cực kia, nó sẽ dần yếu đi, cuối cùng thì chết hẳn. Nếu dành ra vài phút để ngẫm nghĩ về hai "con sói" và nhận ra ta thường hay cho "con" nào ăn hơn thì ta có thể biết được điều gì ta đang củng cố trong tâm trí và điều gì ta cần tập trung chú ý nhiều hơn.
Tôi cũng đã kể câu chuyện về hai con sói này trong một hội thảo. Một người đàn ông trung niên chia sẻ rằng ông đã nuôi trong mình "con sói" tiêu cực, là những suy nghĩ chỉ trích, lãng phí và kỳ vọng về người khác, suốt hơn 30 năm qua. Ông nhận thấy tác hại của nó đối với các mối quan hệ và với sự bình an trong tâm trí ông nhiều như thế nào. Nghĩ rằng cho "con sói" này sống chừng ấy năm là quá đủ rồi nên ông quyết tâm để nó ngủ yên và đánh thức "con sói" tích cực. Ông hy vọng "con sói" hiền sẽ mang đến sự thay đổi tích cực trong cuộc đời mình!
Bài tập suy ngẫm
1. Con sói nào đang mạnh hơn trong bạn vào lúc này?
2. Bạn có thể làm gì để tiếng nói của "con sói" hiền trở nên mạnh mẽ hơn?
3. Bạn có thể làm gì để làm yếu dần tiếng nói của "con sói" ác?
4. Bạn nhận ra mình đang nghe lời "con sói" ác qua những biểu hiện nào?
5. Bạn nhận ra mình đang nghe lời "con sói" hiền qua những biểu hiện nào?
6. Hình dung xem "con sói" ác sẽ nói gì về nhược điểm của bạn?
7. Hình dung xem "con sói" hiền sẽ nói gì về nhược điểm của người khác?
Nghệ thuật tư duy – ít mà hiệu quả!
"Chúng ta là sản phẩm của những gì chúng ta nghĩ. Nghĩ gì thành nấy."
- Mahatma Gandhi
Việc kiểm tra chất lượng suy nghĩ quan trọng như thế nào? Nhiều người nghĩ rằng nên để tâm trí tự do suy nghĩ, hoặc dẫu có giận dữ hay suy nghĩ tiêu cực một chút thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Mấy năm trước, trong khi hướng dẫn một buổi hội thảo, có người đã hỏi tôi rằng: "Vào tù tệ hơn hay trở thành ‘tù nhân’ của tâm trí thì tệ hơn?". Thành phần tham dự hội thảo đều là những người từng trải và chín chắn nên tôi đã đưa câu hỏi này ra để cùng bàn luận. Một cụ già chừng hơn 70 tuổi đã đứng dậy trả lời: "Tôi đảm bảo rằng là ‘tù nhân’ của tâm trí mình thì tệ hơn hẳn". Khi được hỏi tại sao, ông cụ trả lời rằng ông đã ngồi tù cả thảy 13 năm và câu trả lời của ông được đúc kết từ chính kinh nghiệm bản thân. Không có lý do nào để nói là ông cụ sai! Với kinh nghiệm hướng dẫn tư duy tích cực và qua hai năm thực hiện chương trình truyền hình Quà tặng Cuộc sống, tôi hiểu rõ trải nghiệm của ông cụ. Không nhận ra được điều này, con người dễ sa vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực và khó tìm được lối ra. Kết cục là họ tự làm tổn thương mình, ôm nỗi thù hận hay thậm chí tự vẫn vì cuộc sống đối với họ chẳng khác nào tù ngục.
Nếu không thường xuyên làm mới những suy nghĩ của mình, chúng có thể nhanh chóng chuyển sang hướng tiêu cực. Theo thời gian, khi khuynh hướng tiêu cực trở thành thói quen ăn sâu cắm rễ, ta tự xây phòng giam cho chính mình và tự nhốt mình trong đó. Ta dễ dãi tạo ra vô vàn suy nghĩ và để chúng tự do tuôn chảy; nhưng ta quên mất sự thật là: mỗi hạt giống suy nghĩ ta gieo đều sẽ mang lại kết quả. Khi gieo thì vui vẻ, nhưng đến lúc quả bắt đầu lớn, ta thấy thực tế thật hỡi ôi và than khóc như một "nạn nhân": "Tại sao lại nhằm vào mình cơ chứ?", "Mình không đáng phải chịu như thế này!"…
Một hậu quả khác của việc buông lỏng suy nghĩ là ta mất đi khả năng ngưng chúng lại khi cần thiết. Có bao nhiêu người trong chúng ta hay bị mất ngủ về đêm? Theo một thống kê gần đây, có tới 10% người dân Anh mỗi tối phải trằn trọc cả giờ đồng hồ mới ngủ được. Tôi biết khá nhiều người dù rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh và truyền thông nhưng họ phải trở mình đến ba, bốn tiếng đồng hồ mà vẫn không sao ngủ được dù đã dùng thuốc an thần.
Một hôm nọ, tôi có nói với một thầy giáo rằng con người ngày nay suy nghĩ quá nhanh. Và theo thầy, suy nghĩ nhanh nghĩa là năng suất cao hơn. Đúng là chúng ta cần có kỹ năng tư duy nhanh khi cần thiết, nhưng nếu không kiểm soát chúng hiệu quả, sẽ có lúc ta thấy mình bị sa vào thói quen nghĩ nhanh mà không thể điều chỉnh chúng chậm lại. Khi ấy, giấc ngủ ngon trở thành món hàng xa xỉ chẳng thể mua được!
Một tác hại nữa của việc suy nghĩ quá nhiều là các ý nghĩ thường kém chất lượng, thiếu sức mạnh, không tập trung và lãng phí. Những ý nghĩ như vậy phải được cho vào "giỏ rác".
Suy nghĩ lãng phí và tiêu cực thường có tốc độ nhanh hơn suy nghĩ tích cực. Người suy nghĩ hiệu quả có thể đột ngột tăng tốc tư duy nhưng cũng biết cách làm chúng chậm lại và duy trì được trạng thái cân bằng, bình an trong tâm trí. Từng huấn luyện cho cái tâm trí "hoang dã", thích đi rong của mình, tôi vẫn giữ vững quan điểm cho rằng "ít là tốt" đối với suy nghĩ của chúng ta.
Nhiều bằng chứng cho thấy suy nghĩ chậm và tích cực rất có lợi cho sức khỏe. Lời giải thích đơn giản nhất của các nhà nghiên cứu là suy nghĩ tích cực làm tăng khả năng tiết xuất các hormone có ích và giảm tiết các hormone gây hại cho cơ thể.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Tâm thần ở Hà Lan, suy nghĩ tích cực làm giảm tới 75% các chứng bệnh trầm cảm. Họ có được kết quả này từ việc theo dõi 464 người đàn ông lớn tuổi trong vòng 20 năm. Những người suy nghĩ tích cực cũng giảm được 55% nguy cơ đột quỵ do bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Pittsburgh cũng khẳng định rằng những người suy nghĩ tích cực thường khỏe mạnh hơn và đề kháng với bệnh cảm cúm tốt hơn. Khả năng bị cảm lạnh của họ thấp hơn 2,9 lần so với người bình thường.
Nghiên cứu của Đại học Miami trên các bệnh nhân HIV/AIDS cho thấy giữa suy nghĩ tích cực và khả năng cải thiện sức khỏe có mối liên hệ với nhau.
Trong khi đó, trường Đại học Ben Gurion tại Isarel cũng đã chứng minh rằng những người phụ nữ lạc quan giảm tới 25% nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu tại Đại học Yale cho biết, những người lớn tuổi có suy nghĩ tích cực về tuổi tác đã sống thọ hơn 7,5 năm so với những người có ý nghĩ tiêu cực.
Và theo nghiên cứu từ Đại học Helsinki, Phần Lan, những người suy nghĩ tích cực có huyết áp thấp hơn so với những người suy nghĩ tiêu cực.
Một đóng góp quan trọng khác của suy nghĩ tích cực là tác động của chúng lên các đối tượng khác (con người, sự vật…). Trường Đại học Boston ở Mỹ đã có một cuộc thí nghiệm khá lý thú. Các sinh viên khoa tâm lý được giáo sư của họ giao cho hai nhóm chuột để làm thí nghiệm. Vị giáo sư thông báo với các sinh viên này rằng nhóm chuột A đã bị phẫu thuật lấy đi một phần não, còn nhóm chuột B là những con bình thường. Sau đó, các sinh viên đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy nhóm chuột A hoạt động kém hiệu quả hơn tới 20% so với nhóm chuột B. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, vị giáo sư đã cho các sinh viên biết thật sự nhóm chuột A không hề bị phẫu thuật và hoàn toàn bình thường như nhóm chuột B. Vậy, điều gì đã làm cho kết quả khác nhau đến thế? Chính là thái độ và suy nghĩ của sinh viên, khi họ tin rằng nhóm chuột A kém thông minh hơn. Và bầy chuột đó đã có những biểu hiện y như cách họ đã nghĩ.
Tiếp đó, vị giáo sư lại tiến hành một nghiên cứu tương tự với 200 em học sinh có học lực trung bình tại các trường trung học trên toàn nước Mỹ. Ông thông báo cho cha mẹ và thầy cô trực tiếp dạy các em rằng những em này đều cực kỳ thông minh. Cha mẹ và thầy cô đã tin như thế. Một năm sau, vị giáo sư quay lại và thấy các học sinh này đều vượt khỏi điểm số trung bình và giờ đây đều đứng đầu lớp. Điều tạo ra sự khác biệt này chính là do thái độ và suy nghĩ của cả giáo viên và cha mẹ các em. Rõ ràng là suy nghĩ của ta không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn tác động đáng kể đến những người khác.
Những quan niệm sai lầm
Trên đời có những chuyện thật kỳ lạ! Người nghèo cho rằng người giàu hạnh phúc hơn, còn người giàu lại cho rằng người nghèo thì không có gì phải lo nghĩ. Người có học thì bảo người không học mới vô tư, còn người ít học thì thấy học cao mới hạnh phúc… Tôi thật may mắn khi được làm việc với mọi tầng lớp, từ người cực kỳ giàu có đến người cực kỳ nghèo khổ, từ người học cao đến người không biết chữ nào, từ người khỏe mạnh đến người đau bệnh, từ người cao sang quyền quý đến người bình dân, từ các nhà ngoại giao đến những người thất nghiệp… đồng thời qua những đợt tập huấn ở 12 nước trên thế giới, tôi có thể kết luận rằng con người dù có tiền của, có sức khỏe, có các mối quan hệ, có ngoại hình hay có học cao bao nhiêu thì tất cả những thứ này đều không có mối liên hệ nào đến chất lượng ý nghĩ hay hạnh phúc của họ.
Bằng chứng là tôi đã gặp những người tàn tật nhưng lại hạnh phúc hơn nhiều so với người hoàn toàn khỏe mạnh. Một số người trông bình dân nhưng từ họ lại toát ra nét hạnh phúc ngời ngời khó mà tin nổi. Một số người có ngoại hình đẹp nhưng lại đầy hoài nghi và ghét bỏ bản thân, thậm chí có trường hợp đã tự vẫn. Một số người không biết chữ nhưng lại tự tin và có tài năng xuất chúng, tưởng chừng như họ từng được đào tạo chuyên nghiệp nhiều năm. Một số người tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng nhất, nhưng lại luôn nghi ngờ bản thân và mắc bệnh trầm cảm. Một số người là tỉ phú đấy, nhưng họ lại cực kỳ bất hạnh; trong khi người nghèo sống trong những căn nhà ọp ẹp thì cứ luôn cười đùa.
"Người bi quan luôn nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan luôn nhìn ra cơ hội trong từng khó khăn."
- Winston Churchill
Khi nhìn ra thế giới bên ngoài, ta thường than thở "Giá như… thì chuyện này đã khác rồi", "Nếu mà… tôi đã cảm thấy tích cực hoặc vui vẻ rồi"... Đã bao nhiêu lần chúng ta đem mình ra so sánh với người khác và cảm thấy ganh tị với điều kiện của họ: "Nếu mình cũng được như thế thì sẽ hạnh phúc biết bao"? Các phương tiện truyền thông cũng góp phần không nhỏ trong việc lôi kéo chúng ta: "Nếu bạn mặc chiếc áo hàng hiệu này, bạn sẽ trông như Hoa hậu Hoàn vũ", "Chỉ trong một tuần sử dụng loại kem này, bạn sẽ lại có được tình yêu", "Chạy xe này mới là người sành điệu", "Sản phẩm này sẽ giúp cho gia đình thêm hạnh phúc"… Nghe thật ngớ ngẩn, nhưng những kiểu quảng cáo như thế vẫn liên tục được đưa ra; không ít người bị ấn tượng và tin vào chúng.
Trong một lớp học Tư duy tích cực dành cho nhóm các bé từ 6 – 16 tuổi, tôi đã hỏi các em: "Em nghĩ xem có người nào làm em giận?". Vừa dứt lời, một bé trai sáu tuổi đứng bật dậy và giơ hai nắm đấm về phía chị mình, cô bé cũng đang có mặt trong lớp học, và hét lên: "Chính chị ấy, chị ấy làm em giận". Trong khi mọi người cùng phá lên cười vì cử chỉ, điệu bộ của bé, thì tôi cảm nhận sâu sắc rằng dù mới ở tuổi lên sáu nhưng bé đã tin rằng chính người khác đã làm cho bé giận. Bé tin rằng ai đó phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của bé.
Thật may là đến cuối ngày, qua nhiều hoạt động khác nhau, bé đã hiểu ra rằng thật sự bé mới là người nắm giữ "chìa khóa" quyết định mình hạnh phúc hay giận dữ. Bé hiểu rằng dù cô chị có làm gì đi nữa, chính bé mới là người quyết định cảm xúc của mình. Giả sử bé không tham gia buổi học đó, hoặc không có những trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời, chắc hẳn bé sẽ mang theo niềm tin này đến khi trưởng thành, thậm chí đến lúc già – hết đổ lỗi cho chị gái, rồi đến vợ, công ăn việc làm, xã hội, thời tiết… Đây không phải lỗi của cha mẹ, thầy cô hay bất kỳ ai, mà quan niệm như thế đã được truyền từ đời này sang đời khác: hạnh phúc của ta phụ thuộc vào tác nhân bên ngoài, chứ không phải do chính bản thân mình.
"Thành công hay thất bại đều là kết quả của suy nghĩ."
- James Allen
Quan niệm cho rằng ai đó, điều gì đó phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc hay đau khổ của ta thường được hình thành từ khi ta còn bé. Cha mẹ, thầy cô thường đưa ra những lời nhận xét, đại loại như là: "Con làm như thế khiến mẹ rất vui", "Con làm như thế khiến mẹ buồn", hoặc "Mẹ rất vui khi thấy con trong bộ váy xinh xắn này". Quan niệm người khác phải chịu trách nhiệm cho trạng thái tâm trí của ta đã vô tình được sinh ra như vậy.
Mỗi khi ta gắn thái độ tích cực vào cái gì đó bên ngoài, ta đang làm suy kiệt sức mạnh nội tâm và mất dần năng lực tạo ra suy nghĩ, thái độ của mình. Chúng ta nhanh chóng biết hết tin tức xảy ra trên thế giới, nhưng thử hỏi chúng ta đã biết bao nhiêu về thế giới nội tâm?
Hạnh phúc trong tầm tay
Nói như vậy không có nghĩa là đã quá trễ. Nếu ta quyết định thay đổi khuôn mẫu này thì chỉ cần một giây thôi, chúng ta HOÀN TOÀN có thể hạnh phúc.
Tôi đã chứng kiến nhiều người cảm nhận được lợi ích chỉ sau vài phút họ thay đổi nhận thức của mình. Tôi còn nhớ một người phụ nữ trung niên nọ thường để mình chìm trong sợ hãi và lo lắng vô cớ. Hiếm khi chị ngủ được yên giấc vào ban đêm dù đã uống thuốc an thần. Chị kể với bạn tôi, một bác sĩ tâm thần, rằng con trai chị nghiện ma túy và đã bị nhiễm HIV. Để ngăn con không tiếp tục dùng ma túy, chị đã phải trói con và nhốt cậu ta trong nhà. Chị chỉ cởi trói cho cậu bé khi đi vệ sinh. Chị xót con và lo sợ con sẽ chết. Bạn tôi đưa cho chị vài viên thuốc an thần và cuốn sách Tư duy Tích cực. Một tuần sau, bạn tôi quay trở lại, anh nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trên gương mặt chị. Chị trông bình tĩnh và hạnh phúc hơn. Khi anh bạn tôi hỏi chị có cần thêm thuốc an thần hay không thì chị đã từ chối. Chị đã đọc cuốn sách, đó là tất cả những gì chị cần và giờ đây chị cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trong các khóa học Tư duy Tích cực, nhiều học viên đến học trong tâm trạng khá căng thẳng vì họ gặp nhiều thử thách trong đời. Khuôn mặt họ thể hiện rõ gánh nặng này. Đến cuối khóa học, họ đều ra về với cảm giác nhẹ nhàng và nụ cười trên môi. Họ đã học được kỹ năng suy nghĩ và biết cách loại bỏ những ý nghĩ khiến họ cảm thấy nặng nề.
Quy luật "Dòng chảy"
Cuộc đời cũng giống như dòng sông. Nhiều người cảm thấy thật mệt mỏi khi phải bơi ngược dòng. Nhưng nếu biết xuôi theo dòng chảy, mọi gian nan thử thách trở nên dễ dàng, áp lực giảm hẳn và tinh thần ta sảng khoái. Để "bơi đúng dòng", điều quan trọng là phải nắm rõ các quy luật của "dòng chảy".
Quy luật 1: Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính suy nghĩ, lời nói và hành động của mình
Bạn có bị nhức đầu mỗi khi cố kiểm soát ai đó, hoặc đau bụng khi cứ mãi lo lắng cho họ? Bạn cũng đang "bơi ngược dòng" khi bạn trách mắng người khác về những hành vi của họ. Quy luật này sẽ giúp ta tránh phải "bơi ngược dòng" và tập trung vào việc gia tăng chất lượng tư duy của mình.
Quy luật 2: Mỗi người đều có quyền nghĩ, nói và hành động theo ý mình
Có thể bạn sẽ phản bác rằng làm sao có thể như vậy khi mà cấp trên yêu cầu bạn phải làm việc này, mẹ bạn sai bạn phải làm việc kia… Dù cho họ có bắt bạn làm việc gì thì bạn vẫn là người quyết định sẽ thực hiện nó như thế nào. Chỉ duy nhất một người có thể ngăn cản ta là chính ta.
Quy luật này sẽ giúp cởi trói tư duy để ta có thể làm tốt nhất với khả năng của mình. Khi Einsten mất, người ta đã nghiên cứu và nhận thấy ông chỉ sử dụng có 5% năng lực trí não; tuy nhiên người bình thường còn sử dụng ít hơn nhiều. Như thế có nghĩa là vẫn còn một tiềm năng vô cùng lớn chưa được tận dụng. Thử nghĩ xem nếu bạn có thể tăng cường khai thác năng lực trí não theo hướng tích cực lên gấp đôi, hay gấp ba so với mức hiện tại thì cuộc đời bạn sẽ khác đi như thế nào.
Quy luật 3: Cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, ta luôn là người quyết định cách mình phản ứng trước sự việc đó
Mới đây, tôi có gặp một thương gia. Ông ấy đã mất một số tiền lớn khi đầu tư vào chứng khoán. Ông là một trong hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh này. Rất nhiều người đã chọn tự vẫn như là một cách "giải thoát", trong khi một số khác thì chọn cách ứng phó tích cực hơn. Tôi khuyên ông hãy chấp nhận sự việc chứ đừng mơ tưởng nó đã không xảy ra. Ông nên rút ra bài học để không bị thất bại vào lần sau.
Tìm cách né tránh sau thất bại thì quá dễ dàng, nhưng để có thể đứng dậy, ta cần có thái độ tích cực và cả sức mạnh ý chí nữa. Mỗi ngày, bạn nên sống trong hiện tại và làm hết khả năng của mình. Khi phạm phải sai lầm lớn, chúng ta thường suy diễn, phóng đại thiệt hại đến nỗi không còn sức đứng dậy nữa. Vì vậy bạn hãy tập trung vào hiện tại, từ từ xây dựng lại hình ảnh mới và nằm trong tầm kiểm soát. Edison đã có tới mười ngàn lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc. Khi người phụ tá của ông nhận xét về những "thất bại" này, ông bảo mỗi "thất bại" là một bước tiến gần đến thành công.
Quy luật 4: Suy nghĩ tích cực, hành động tích cực sẽ luôn dẫn đến kết quả tích cực
Thường chúng ta muốn bỏ cuộc khi kết quả xuất hiện không như ý muốn. Ta gieo hạt tốt nhưng quả xấu lại xuất hiện, rồi ta hoài nghi liệu quy luật này có đúng hay không? Thực ra, mỗi hạt giống đều có thời gian nảy mầm và lớn lên riêng. Rau muống sau một vài tuần là có thể thu hoạch trong khi xoài phải mất vài năm mới cho quả. Vì vậy ta cần kiên nhẫn và tiếp tục chăm sóc cho "hạt giống" tích cực đã được gieo. Đừng vội nản chí khi thấy quả chưa chín.
Chúng ta cần hết sức thực tế khi bắt tay vào việc thay đổi suy nghĩ của mình. Chuyện kể rằng có một vị vua muốn đi khắp vương quốc của mình chỉ bằng đôi chân trần. Khi ngài đang đi thì giẫm phải một hòn đá nhọn sắc bên lề đường nên đành phải quay về cung điện với đôi chân trầy xước và tím bầm. Vua triệu ngay quan tể tướng vào cung và ra lệnh cho ông ta lót da khắp mọi con đường trong vương quốc để vua có thể đi một cách thoải mái. Vị tể tướng tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thần nghĩ đây không phải là cách giải quyết hay vì nó rất tốn kém, mà lại không thực tế". Quan tể tướng xin phép vua ra ngoài, rồi sau đó quay lại với một đôi giày da. Ông dâng nó lên cho đức vua và nói: "Thần nghĩ bệ hạ nên mang đôi giày này. Bệ hạ có thể đi khắp nơi mà không sợ bị xước chân".
Không phải chỉ có mỗi vị vua này là ngớ ngẩn. Đôi khi chúng ta cũng như vậy – tìm cách thực hiện những thay đổi lớn lao vượt ngoài khả năng, trong khi vẫn còn nhiều thứ có thể thực hiện dễ dàng hơn mà hiệu quả lại cao. Hoặc thậm chí ta còn cho rằng người khác cần thay đổi, thay vì tự thân ta phải thay đổi trước tiên.
"Để xua tan bóng tối, ta cần bật đèn lên; để vượt qua giá lạnh, ta cần bật lò sưởi; để vượt qua những ý nghĩ tiêu cực, ta phải thay thế chúng bằng những ý nghĩ tốt đẹp. Hãy khẳng định những cái tốt, khi đó cái xấu sẽ biến mất."
- Dr. Joseph Murphy
"Tôi là người có năng lực. Khi phát huy tốt những năng lực này, tôi sẽ đạt được mục tiêu như ý muốn."
↓
Trình bày tự tin Phong cách lôi cuốn Hài lòng
Lạc quan
Vui vẻ
↓
Tìm được việc làm
"Tôi sẽ chẳng bao giờ xin được công việc như ý muốn."
↓
Thái độ căng thẳng, trễ giờ phỏng vấn, chẳng buồn tìm việc làm.
Vệ sinh kém, ăn mặc cẩu thả, phong cách kém tự tin, giao tiếp kém.
↓
Thất nghiệp
Bài tập suy ngẫm
Hãy dành ra vài phút để điền vào bảng sau. Bạn sẽ nhận ra mục đích và phương pháp để đạt được mục đích. Lưu ý rằng "làm" ở đây bao hàm luôn cả thái độ, suy nghĩ, hành động… của bạn.
Sau khi đã điền xong, bạn hãy đặt bảng này ở nơi dễ thấy và mỗi ngày đọc lại ba lần. Nếu kiên trì, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của bản thân.
Hoạt động nhóm
1. Thảo luận: Suy nghĩ của ta ảnh hưởng như thế nào đến cách ta trải nghiệm cuộc sống?
2. Bạn thường có loại suy nghĩ nào nhiều hơn? Tích cực hay tiêu cực?
3. Cùng vẽ một tấm áp phích nhiều màu với chủ đề Suy nghĩ hiệu quả. Hãy viết ra những ý nghĩ hiệu quả bằng bút màu và minh họa chúng bằng hình ảnh. Từng nhóm sẽ chia sẻ trước lớp và dán các tờ áp phích lên tường.
4. Viết một bức thông điệp khoảng 25 từ gửi cho trẻ em trên toàn thế giới về suy nghĩ hiệu quả (Mỗi người trong nhóm đưa ra một lời nhắn hoặc cả nhóm cùng thống nhất viết một lời nhắn). Viết lời nhắn này bằng bút màu trên giấy khổ lớn hoặc trên bảng, sau đó chia sẻ trước lớp và dán các thông điệp lên tường.
5. Thảo luận: Bạn chính là những gì bạn nghĩ.
6. Thảo luận: Thành công hay thất bại đều là kết quả của suy nghĩ.
7. Hình dung xem thế giới này sẽ như thế nào nếu mọi người đều suy nghĩ hiệu quả. Khi đó, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, các mối quan hệ, khả năng tập trung… của mọi người sẽ như thế nào? (Có thể viết lên giấy khổ lớn, rồi chia sẻ trước lớp)