Ken là nhân viên cấp cơ sở của một ngân hàng đa quốc gia lớn. Anh có cuộc sống tốt, dù không giàu có như những chuyên viên phân tích hay những nhà đầu tư cùng tổ chức. Anh sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở vùng ngoại ô cùng vợ và hai con. Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của Ken thật viên mãn. Và nhìn một cách tổng quát thì cuộc sống của anh khá ổn. Ken chưa từng nói rằng anh yêu thích công việc của mình. “Tạm được” là tất cả những gì Ken nghĩ về công việc của mình. Ken muốn từ bỏ công việc của mình để làm một thứ gì đó, nhưng hai đứa con nhỏ và những khoản thế chấp cần phải trả khiến anh không thể làm như vậy được. Ken có trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Điều này có nghĩa là nếu Ken không yêu thích công việc của mình thì đó cũng là cái giá mà anh sẵn sàng trả.
Thật bất ngờ khi chúng ta yêu thích công việc của mình. Cảm thấy an toàn, thoải mái ngay tại nơi làm việc. Làm việc cho một công ty thực sự quan tâm tới cảm nhận của chúng ta về bản thân và công việc chúng ta đang làm. Nhưng cũng đáng buồn khi số nhà lãnh đạo của công ty luôn chăm chỉ làm việc để khiến nhân viên của họ cảm thấy an toàn, thoải mái khi họ tới công ty, ít hơn những gì mà chúng ta muốn thừa nhận. Công việc thật ra chỉ đơn giản là công việc mà thôi!
Loại chủ nghĩa lý tưởng đánh bóng về những điều khiến chúng ta yêu thích công việc mà tôi đang nói đến khá ổn cho các cuốn sách, thế nhưng trong thực tế, hầu hết chúng ta, ngay cả khi được truyền cảm hứng từ những câu chuyện như của công ty Barry- Wehmiller, cũng ở trong tình trạng mà không thể thay đổi được điều gì. Chúng ta có những hóa đơn cần phải thanh toán. Chúng ta phải nuôi con cái ăn học. Có quá nhiều việc chúng ta phải gánh vác. Và thế giới ngoài kia, những điều lớn lao mà chúng ta chưa biết chính là một nơi nguy hiểm. Vì thế chúng ta sẽ ở yên bên trong đó.
Tương tự như vậy, ý tưởng về việc điều hành công ty, trong đó hầu hết mọi người đều cảm thấy an toàn và làm việc để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau nghe có vẻ khá tuyệt vời. Hầu hết những nhà lãnh đạo đều biết được tầm quan trọng và giá trị của việc đặt phúc lợi lên trên hết. Đây là chủ đề mà nhiều cuốn sách và bài báo trong Tạp chí kinh doanh Harvard đã đề cập. Tất cả chúng ta viết về điều này giống như không ai biết về nó. Nhưng trên thực tế, hoạt động của một doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, tư nhân hay nhà nước, hầu như không thể làm được những điều như tôi vừa nói. Những áp lực từ Phố Wall, các tập đoàn nước ngoài hay những mối đe dọa từ đối thủ của chúng ta là rất lớn. Và đối với một doanh nghiệp nhỏ, chỉ cần tìm đủ một lượng khách hàng giúp họ duy trì công việc kinh doanh cũng đã là quá khó khăn. Hơn nữa, điều này lại hết sức tốn kém, khó đo lường và dường như nó có vẻ cần sự “mềm mỏng” hay “mượt mà”. Và khả năng chứng minh tỷ lệ hoàn vốn đầu tư gần như là không thể… ít nhất là trong thời gian ngắn. Đối với bất kỳ một tổ chức chỉ tìm kiếm việc đạt được mục tiêu hàng năm, hay đơn giản chỉ là tồn tại, thì sự lựa chọn ưu tiên con người trước là điều không thể. Điều này cũng khá dễ hiểu. Những mối đe dọa từ bên ngoài quá lớn để lãnh đạo có thể lo lắng những người bên trong tổ chức cảm nhận như thế nào.
Việc xây dựng công ty như công ty Barry-Wehmiller nghe có vẻ rất hay nhưng thực tế sẽ khó xảy ra. Ngoại trừ công ty này, chúng ta thực sự khó tìm được công việc trong một công ty khác mà ở đó họ thực sự quan tâm đến phúc lợi. Vì thế, chúng ta sẽ tự nhủ với bản thân, mình sẽ phải làm gì. Điều gì sẽ xảy ra khi đảo lộn tình thế và chấp nhận những rủi ro không cần thiết? Những rủi ro quá cao có thể khiến chúng ta bị đẩy vào trường hợp tồi tệ. Vậy thì tại sao chúng ta phải thay đổi. Nhưng luôn luôn có cái giá cho mỗi quyết định mà chúng ta đưa ra.
Chúng ta có khả năng chu cấp cho con cái mình, đủ tiền chi tiêu, hoặc sống một cuộc sống không dư dả hay ổn định đôi khi chính là cái giá mà chúng ta phải trả cho đam mê, hạnh phúc hay sự hoàn mỹ trong công việc. Đó chính là thực tế. Và đối với nhiều người trong chúng ta, như vậy đã là ổn lắm rồi! Chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng, thế giới ngoài kia, những điều chúng ta chưa biết luôn đầy rẫy những nguy hiểm và ít nhất khi ở bên trong chúng ta có một tia hi vọng về cảm giác an toàn. Chỉ một tia hi vọng. Nhưng có nhiều điều về hiện thực mà chúng ta chưa biết. Mức giá mà chúng ta phải trả cho cảm giác về sự ổn định xuất phát từ chi phí của chính nó. Và mức giá của nó còn cao hơn nhiều so với hạnh phúc. Đó thực sự là vấn đề về sức khỏe. Của sự sống và cái chết.
Trước tiên, đối với nhiều người, cảm giác an toàn mà chúng ta có bây giờ chính là một lời nói dối mà ta tự nói với bản thân. Có rất nhiều công ty dễ dàng sa thải nhân viên để đảm bảo chi phí đáp ứng những kế hoạch thường niên. Điều này nghĩa rằng chúng ta đang ở trong tình trạng ít an toàn, và ổn định hơn chúng ta nghĩ. Nếu đó là một chế độ trọng dụng nhân tài thực sự, chúng ta có thể tự nói với bản thân mình rằng, nếu làm việc chăm chỉ, làm tốt công việc của mình thì công việc của chúng ta sẽ an toàn. Nhưng đó thực sự là trường hợp hiếm hoi. Mặc dù điều này có thể đúng trong một thời gian, nhưng đây không phải là điều mà chúng ta có thể dựa vào. Đa phần, đặc biệt là đối với các tổ chức lớn, vấn đề về những con số rất quan trọng. Và đôi khi chi phí để giữ chúng ta ở lại làm việc đơn giản sẽ làm mất sự cân bằng của phương trình doanh thu và lợi nhuận. Ở nhiều công ty, hàng năm những phương trình này sẽ được đánh giá lại, và có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải mỗi năm.
Nhưng tưởng tượng về công việc ổn định có thể là mối quan tâm ít nhất trong những mối bận tâm của mỗi chúng ta. Một nghiên cứu năm 2011 do một nhóm các nhà khoa học xã hội của trường Đại học Canberra ở Australia thực hiện đã kết luận rằng khi chúng ta ghét công việc, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta, và đôi khi tệ hơn cả việc không có một công việc nào cả. Mức độ trầm cảm và lo âu ở những người không thấy hài lòng với công việc của mình bằng hoặc cao hơn so với những người thất nghiệp. Những căng thẳng và lo lắng trong công việc ít liên quan đến công việc chúng ta làm mà liên quan nhiều hơn đến việc quản lý và lãnh đạo yếu kém. Khi chúng ta biết rằng, có nhiều người ở nơi làm việc quan tâm đến cảm nhận của chúng ta, thì mức độ căng thẳng sẽ giảm đi. Nhưng khi chúng ta cảm thấy có ai đó đang chỉ quan tâm đến lợi ích của chính bản thân họ, hay những người lãnh đạo công ty chỉ quan tâm đến con số hơn là những gì họ làm cho chúng ta, thì sự căng thẳng và lo lắng sẽ tăng lên. Đây là lý do tại sao chúng ta sẵn sàng thay đổi công việc ngay khi có thể. Chúng ta không có lòng trung thành với công ty mà ở đó người lãnh đạo không tạo cho chúng ta cảm giác thân thuộc, hay không có lý do để giữ chúng ta ở lại ngoài tiền bạc và lợi ích. Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu tại trường Đại học London thực hiện cùng năm đó đã cho thấy rằng, những người không cảm nhận được sự công nhận cho những nỗ lực của họ trong công việc tại nơi làm việc sẽ có nhiều khả năng bị bệnh tim. Daryl O’Connor, Giáo sư tâm lý sức khỏe thuộc trường Đại học Leeds nói “phần lớn là do cảm giác về sự kiểm soát [hoặc thiếu cảm giác này]”. Ông giải thích, “Nếu bạn cảm thấy mình đã đặt rất nhiều công sức vào đó mà vẫn không được khen thưởng, điều này dần dần sẽ làm gia tăng căng thẳng và sau đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim.” Và tất nhiên… điều này cũng không tốt đối với doanh nghiệp.
Sự đau khổ có thể bao quanh cả một tập thể, nhưng nếu tập thể giữ lại sự đau khổ ấy thì họ sẽ phải chịu đựng nhiều nhất.
Căn cứ theo kết quả thăm dò ý kiến của Viện Gallup tiến hành năm 2013 được gọi là “Nơi làm việc ở Mỹ”, khi những ông chủ hoàn toàn không quan tâm đến nhân viên, 40% sẽ chủ động xin nghỉ việc. Nếu ông chủ chỉ trích nhân viên thường xuyên, 22% sẵn sàng xin nghỉ việc. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bị chỉ trích, chúng ta vẫn tích cực làm việc vì đơn giản chúng ta cảm thấy rằng ít nhất có ai đó đang thừa nhận rằng chúng ta tồn tại. Nếu ông chủ chỉ công nhận một trong số những điểm mạnh và khen thưởng cho những gì chúng ta đã làm tốt thì chỉ 1% trong số nhân viên chủ động từ bỏ công việc mà chúng ta mong muốn. Thêm vào đó, những người đi làm mà không thực sự hài lòng với công việc của mình, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ làm cho những người xung quanh họ cũng cảm thấy không hài lòng với công việc.
NHỮNG NGHIÊN CỨU WHITEHALL
Bản năng nói cho chúng ta biết, khi càng leo lên bậc trên của chiếc thang, chúng ta càng cảm thấy căng thẳng và thiếu an toàn. Hãy xem xét khuôn mẫu của những nhà điều hành cấp cao khi phải đối mặt với những áp lực không ngừng từ các cổ đông, nhân viên, và những khách hàng lớn nhất công ty. Hầu như chúng ta không ngạc nhiên khi một trong số họ đột ngột chết vì một cơn đau tim khi chưa đến 50 tuổi. Thậm chí người ta còn đặt tên là “hội chứng căng thẳng của cấp cao”. Vì thế, có lẽ sẽ không quá tệ khi phải làm việc vất vả ở vị trí quản lý cấp trung hay thậm chí là trong phòng thư tín. Ít nhất theo như chúng ta nghĩ, sức khỏe của chúng ta sẽ không phải chịu đựng những áp lực đó.
Từ nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học ở Anh đã đưa ra nghiên cứu về mối liên quan giữa vị trí của một nhân viên trong công ty và sự căng thẳng, để giúp những người điều hành đối phó với sự căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của họ. Nghiên cứu này được gọi chung là những nghiên cứu Whitehall. Kết quả của những nghiên cứu này đáng ngạc nhiên và sâu sắc. Chúng đã chỉ ra rằng, căng thẳng của người đi làm không phải do mức độ trách nhiệm cao hơn và căng thẳng thường không đi kèm với xếp hạng. Những yêu cầu của công việc không gây ra căng thẳng và áp lực mà là do mức độ kiểm soát cảm nhận mà người lao động có trong suốt cả ngày. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng yêu cầu nỗ lực trong công việc không gây ra căng thẳng hay mệt mỏi, mà chính sự không cân bằng giữa những cố gắng của chúng ta và phần thưởng chúng ta nhận được gây ra điều này. Một cách đơn giản: kiểm soát ít hơn, căng thẳng nhiều hơn.
Những nghiên cứu Whitehall có ảnh hưởng khá sâu sắc tới những nghiên cứu sau này bởi vì đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học là công chức chính phủ, những người có lợi ích về sức khỏe tương đương nhau. Điều này có nghĩa là họ có thể kiểm soát sự thay đổi trong tiêu chuẩn sức khỏe, nhưng đây không phải là một trường hợp nếu họ phải nghiên cứu trên một công ty đại chúng lớn ở Mỹ. Mặc dù vậy nhưng nghiên cứu ở Mỹ cũng cho một kết quả tương tự.
Năm 2012, một nghiên cứu tương tự cũng được những nhà nghiên cứu tại hai trường Đại học Harvard và Stanford tiến hành để kiểm tra mức độ căng thẳng của những người tham gia chương trình MBA dành cho quản lý cao cấp tại Harvard. Trong nghiên cứu này, những nhà nghiên cứu đã quan sát chỉ số cortisol, hoóc môn mà cơ thể sản sinh trong quá trình căng thẳng của những người tham gia và so sánh với cấp độ của những người không nằm trong nhóm quản lý cấp cao. Nghiên cứu đã cho thấy rằng các nhà lãnh đạo có mức độ căng thẳng chung thấp hơn so với những người làm việc cho họ.
“Nói cách khác, có thể nói cảm giác của việc chịu trách nhiệm về cuộc sống của một ai đó căng thẳng nhiều hơn là nhận được trách nhiệm lớn hơn, đi kèm với những nấc thang cao hơn trong chiếc thang xã hội”, Dịch vụ tin tức Stanford đã viết trong báo cáo.
Những kết quả của nghiên cứu Whitehall thậm chí còn ấn tượng hơn khi chúng ta xem xét mối liên hệ giữa sự căng thẳng trong công việc và sức khỏe. Một người nào đó càng ở vị trí thấp hơn trong hệ thống cấp bậc của tổ chức, thì nguy cơ các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng càng cao, nhưng điều ngược lại thì không đúng. Ngoài ra, dường như trong thực tế, những người lãnh đạo cấp cao sống lâu hơn, mạnh khỏe hơn so với thư ký và quản lý làm việc cho họ. “Nếu bạn càng làm quản lý ở vị trí cao trong hệ thống cấp bậc, bạn càng có thể sống lâu hơn so với những người ở cấp thấp hơn mình”, theo báo cáo dựa trên những nghiên cứu do các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của trường Đại học London thực hiện năm 2004. Và sự khác nhau giữa các vị trí cấp bậc không hề nhỏ. Tỷ lệ tử vong của những người ở vị trí thấp nhất trong hệ thống cấp bậc cao hơn bốn lần so với những người ở vị trí cấp cao trong cùng công ty. Những công việc mà nhân viên có khả năng kiểm soát ít hơn cũng có mối liên hệ với tỷ̉ lệ của bệnh tinh thần cao hơn.
Không chỉ ở con người mới tìm thấy điều này, mà chúng ta có thể thấy rằng nhóm động vật linh trưởng không phải con người sống trong các nhóm xã hội khi chúng nằm trong hệ thống cấp bậc thấp hơn sẽ có tỷ lệ ốm đau và bệnh tật cao hơn, mức độ hoóc môn liên quan đến căng thẳng cũng cao hơn. Nhưng về bản chất đây không phải là vấn đề vị trí của mỗi chúng ta trong hệ thống cấp bậc. Đối với loài người, chúng ta được lập trình phát triển trong các hệ thống cấp bậc, chúng ta không thể xóa bỏ nó. Quan trọng hơn, hệ thống cấp bậc không phải là giải pháp. Việc kiếm nhiều tiền hơn hay làm việc theo cách của chúng ta để tiến lên các bậc thang không phải là đơn thuốc để giảm sự căng thẳng. Và đây chính là nghiên cứu về cảm giác kiểm soát của chúng ta ảnh hưởng đến công việc và cả cuộc sống.
Như vậy điều ngược lại vẫn đúng. Một môi trường làm việc có sự hỗ trợ và quản lý tốt sẽ rất tốt cho sức khỏe. Những người cảm thấy họ có quyền kiểm soát nhiều hơn, được trao quyền để đưa ra quyết định thay vì phải chờ đợi sẽ ít bị căng thẳng hơn. Những người chỉ làm theo yêu cầu, luôn bị ép buộc phải tuân theo các quy tắc sẽ là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Những cảm giác về sự kiểm soát, những căng thẳng và khả năng thể hiện tốt nhất của chúng ta đều có liên quan trực tiếp đến cảm giác an toàn mà chúng ta cảm nhận trong tổ chức. Cảm giác bất an bên cạnh những người mà chúng ta mong chờ được an toàn – những người trong bộ tộc (công việc chính là phiên bản hiện đại của bộ tộc) sẽ vi phạm quy luật tự nhiên và những gì chúng ta được tạo ra để tồn tại.
Những nghiên cứu Whitehall không có gì mới, nhưng kết quả của nó được xem là lặp đi lặp lại. Thậm chí ngay cả với sự vượt trội về các số liệu, chúng ta vẫn chưa làm được gì. Ngay cả khi chúng ta biết rằng, cảm giác bất an ở nơi làm việc ảnh hưởng tới hiệu suất công việc và sức khỏe thì chúng ta vẫn làm công việc mà chúng ta chán ghét. Vì một vài lý do chúng ta có thể tự thuyết phục bản thân mình rằng những nguy hiểm chưa lường trước được ngoài kia còn nguy hiểm hơn cả những nguy hiểm từ bên trong. Vì thế chúng ta chấp nhận và làm việc trong một môi trường không thoải mái mà ở đó chúng ta không cảm thấy dễ chịu hay có hứng thú để làm việc một cách tốt nhất. Đôi khi, tất cả chúng ta đã hợp lý hóa vị trí hay chỗ đứng của mình, đồng thời tiếp tục thực hiện chính xác những gì mình đang làm.
Công ty tư vấn nguồn nhân lực Mercer LLC cho biết rằng giữa quý IV năm 2010 đến quý I năm 2011, một phần ba nhân viên đã xem xét một cách nghiêm túc việc xin nghỉ việc, tăng 23% so với năm năm trước. Vấn đề là có ít hơn 1,5% người lao động tự nguyện xin nghỉ việc. Với một môi trường làm việc tồi tệ thì con số 1,5% thực sự là một trong nhiều vấn đề. Giống như trong một mối quan hệ tồi tệ, ngay cả khi chúng ta không thích, thì chúng ta vẫn tiếp tục. Có lẽ đó là suy nghĩ thà sống chung với lũ còn hơn phải chuyển đến một nơi hoàn toàn xa lạ, hoặc có lẽ là một điều gì khác nhưng mọi người lại cảm thấy bị mắc kẹt trong môi trường làm việc không lành mạnh.
Một phần ba số nhân viên muốn nghỉ việc nhưng họ không nói cho chúng ta biết hai điều. Một là, số người không cảm thấy thoải mái nhưng vẫn làm việc ở đó có tỷ lệ khá cao. Hai là, họ không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác để cải thiện cảm nhận của họ về công việc ngoài việc từ bỏ công việc đó. Tuy nhiên, ở đây có một cách thay thế. Một cách đơn giản hơn nhiều, hữu hiệu hơn nhiều mà không yêu cầu chúng ta phải từ bỏ công việc của mình. Hoàn toàn ngược lại. Đó là chúng ta tiếp tục ở lại làm việc.
Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta sẽ tránh khỏi việc nghỉ việc mà không phải làm gì cả. Chúng ta cần phải thay đổi cách thức chúng ta làm việc. Chúng ta phải chuyển từ việc tập trung đến bản thân mình sang quan tâm đến những người bên trái và bên phải chúng ta. Giống như những chiến binh Sparta, chúng ta phải biết được rằng sức mạnh không đến từ những cây giáo sắc nhọn mà đến từ việc chúng ta sẵn sàng sử dụng khiên của mình để bảo vệ người khác.
Một số người cho rằng nền kinh tế ảm đạm hay thị trường công việc ít là lý do để chịu đựng đến cùng trong trường hợp lãnh đạo của các công ty sẽ đối xử với nhân viên của mình tốt hơn trong suốt thời kỳ khó khăn, để tránh hiện tượng bỏ việc ồ ạt cho đến khi mọi thứ dần được cải thiện. Và trong điều kiện kinh tế tốt, nhà lãnh đạo ở các công ty sẽ đối xử tốt với nhân viên để mọi người sẽ sẵn sàng làm việc, giúp công ty khi thời kỳ khó khăn trở lại (điều chắc chắn sẽ đến). Các công ty tốt nhất luôn vượt qua được những giai đoạn khó khăn vì những người lao động sẽ làm những việc mà họ chắc chắn sẽ làm. Nói cách khác, xét từ quan điểm kinh doanh một cách nghiêm túc, việc đối xử tốt với người lao động trong bất kỳ một tình trạng kinh tế nào sẽ có chi phí hiệu quả hơn là không đối xử tốt với người lao động.
Có quá nhiều nhà lãnh đạo đang quản lý các tổ chức theo cách làm mất tiền của họ, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và sức khỏe con người. Và nếu những điều này vẫn chưa đủ để thuyết phục chúng ta rằng phải có một điều gì đó cần thay đổi, thì có lẽ tình yêu của chúng ta dành cho những đứa con sẽ làm điều đó.
Một nghiên cứu do hai nhà khoa học tại Trường Công tác xã hội, Đại học Boston thực hiện đã cho thấy rằng cảm giác hạnh phúc của một đứa trẻ bị ảnh hưởng ít hơn bởi cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho công việc và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tâm trạng của cha mẹ chúng sau khi đi làm về. Những đứa trẻ có cha mẹ làm việc cả đêm với công việc mà họ yêu thích thường hạnh phúc hơn và tốt hơn những đứa trẻ có cha mẹ chỉ làm việc trong thời gian ngắn, nhưng trở về nhà với tâm trạng không vui vẻ. Đây chính là sự ảnh hưởng của công việc lên gia đình. Làm việc muộn không gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái, mà có lẽ đúng hơn là cảm nhận của chúng ta ở nơi làm việc mới là nguyên nhân chính. Cha mẹ có thể cảm thấy tội lỗi, và con cái họ có thể sẽ rất nhớ họ nhưng đi làm về muộn hay thỉnh thoảng đi công tác dường như không phải là vấn đề nghiêm trọng. Thực sự nếu bạn không yêu thích công việc của mình, vì lợi ích của những đứa bé, tốt nhất bạn đừng về nhà!
Vậy cái giá chúng ta phải trả vì không yêu cầu những nhà lãnh đạo quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta là gì? Chúng ta thường nghĩ là mình sẽ chịu đựng những nỗi khổ trong công việc để có đủ tiền nuôi dạy con cái nhưng trên thực tế chúng ta lại đang làm hại chúng.
Đối với những nhà lãnh đạo của các công ty nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn khi bảo vệ những con số trước khi bảo vệ con người, thì hãy xem các chuỗi sự kiện xảy ra sau đó sẽ là kết quả của việc đó.
Chỉ có một cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Đó là xây dựng và duy trì Vòng tròn an toàn nơi chúng ta làm việc. Ra lệnh không phải là giải pháp mà hợp tác và cùng làm việc mới chính là giải pháp hữu hiệu. Và một tin tốt đó là, có nhiều lực lượng mạnh mẽ có thể giúp và thúc đẩy chúng ta. Nếu học hỏi để khai thác những lực lượng mang tính siêu nhiên ấy, chúng ta có thể sửa chữa những điều sai và làm tốt hơn. Đây không phải là một bài diễn thuyết lan man. Đó chính là sinh học.