TỪ “TÔI” ĐẾN “CHÚNG TA”
“Kể từ ngày hôm nay”, người đàn ông hét lớn, “Sẽ không còn các từ như “tôi”, “của tôi” trong vốn từ vựng của các bạn nữa. Những từ này sẽ được thay thế bằng các từ “chúng ta”, “cùng nhau” và “của chúng ta”.
Đây chính là cách để bắt đầu.
Đầu óc của George đang quay cuồng. Ông đã rất tự tin khi quyết định sẽ ra đi, nhưng bây giờ khi đang ở đây, ông cảm thấy mình đã đưa ra quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Nhưng điều đó bây giờ không còn quan trọng nữa. Tiếng la hét của một người nào đó đứng gần ông đột nhiên làm gián đoạn những suy nghĩ của ông về những gì ông có thể làm được, hay đáng ra nên làm. Những cảm giác phấn khích trước đó ngay lập tức bị thay thế bằng cảm giác căng thẳng, cô đơn và bất lực.
George là một phần của quá trình huấn luyện đã diễn ra hàng ngàn lần trước khi ông đến đây và sẽ còn tiếp tục mãi về sau. Một quá trình được mài giũa bởi những năm tháng diễn tập và sai lầm. Đó là quá trình chuyển đổi một người vào hàng ngũ của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Mọi thứ bắt đầu vào rạng sáng khi một nhóm tân binh mệt mỏi và mất phương hướng, tiến về một trong hai trại huấn luyện, một ở bãi biển phía Đông và một ở bãi biển phía Tây. Các tân binh sẽ được những người hướng dẫn có khuôn mặt đỏ chào đón. Giọng nói khàn đặc của họ do những năm tháng bị căng dây thanh âm, khiến người ta nhanh chóng nhận ra ai là người phụ trách. Đây là một gợi ý: Đó không phải là những tân binh nhé!
Sau 13 tuần mệt mỏi, mỗi người lính thủy quân sẽ được nhận quân hiệu có biểu tượng Đại bàng, Địa cầu và Mỏ neo, chứng minh rằng họ đã hoàn thành quá trình huấn luyện và có được vị trí của mình trong đơn vị. Nhiều người nắm chặt quân hiệu trong tay và cảm thấy tự hào đến mức rơi nước mắt. Khi tới trại huấn luyện, những tân binh đều cảm thấy không an toàn và họ chỉ chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Nhưng sau khi rời đi, họ cảm thấy tự tin vào khả năng của mình, cam kết và chịu trách nhiệm cho đồng đội và một điều chắc chắn rằng những người đồng đội trong Thủy quân lục chiến của họ cũng luôn cảm thấy như vậy.
Đây chính là cảm nhận về sự thân thuộc, về các giá trị chung và một sự đồng cảm sâu sắc. Cảm nhận này giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, cùng hợp tác và giải quyết vấn đề. Thủy quân lục chiến Mỹ luôn được trang bị tốt hơn để đương đầu với những nguy hiểm từ bên ngoài, bởi vì họ không phải lo lắng đến những mối nguy hiểm nào từ những người bên cạnh. Họ làm việc trong một Vòng tròn an toàn mạnh mẽ.
Vòng tròn an toàn
Một con sư tử nằm rình bốn con bò đang ăn cỏ trên đồng đã lâu. Nhiều lần, sư tử đã tính tấn công cả bốn, nhưng mỗi khi sư tử lại gần thì bốn con bò lại chụm lại bảo vệ nhau, vì thế dù sư tử tấn công thế nào cũng va phải những móng guốc và sừng nhọn của lũ bò. Một hôm, giữa những con bò có sự bất đồng. Sư tử thấy mỗi con bò ở một vị trí khác nhau trên đồng, không thể chạy nhanh lại với nhau được. Thế là sư tử tấn công từng con một và nhanh chóng xử lý cả bốn con bò.
Ngụ ngôn Aesop, thế kỷ VI TCN
Các trại huấn luyện của Thủy quân lục chiến không chỉ tập huấn về chạy, nhảy, bắn súng hay chiến đấu. Giống như các kỹ năng trong bản sơ yếu lý lịch của chúng ta, những kỹ năng này là một phần trong bản mô tả công việc, nhưng đó không phải là tất cả những gì khiến lính Thủy quân chiến đấu hiệu quả. Mặc dù lính Thủy quân sẽ phải học những kỹ năng này, nhưng đó chỉ là những kỹ năng được dạy để hỗ trợ cho công việc. Những kỹ năng này không thể xây dựng được sự tin tưởng cần thiết trong hợp tác và hoạt động nhóm, điều giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn những người khác. Những kỹ năng này không làm nên một nhóm có hiệu quả làm việc cao. Khả năng làm nên những điều ấn tượng của một nhóm phải dựa theo cách mà mọi người hợp tác với nhau như một đội. Và điều này sẽ không xảy ra nếu mọi người không gắn kết với nhau.
Thế giới xung quanh chúng ta luôn đầy rẫy nguy hiểm. Có vô số những điều khiến cho cuộc sống của chúng ta khổ sở và bất hạnh. Điều đó không phải do một cá nhân riêng biệt, đó chính là cuộc sống. Vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, cũng sẽ có một lực lượng nào đó không có lương tâm hoạt động để cản trở sự thành công của chúng ta, thậm chí giết chết chúng ta. Trong thời thượng cổ, đây là một trường hợp chắc chắn sẽ xảy ra. Cuộc sống của những người tiền sử bị đe dọa bởi tất cả yếu tố có khả năng kết thúc cuộc đời họ trên trái đất. Những yếu tố đó bao gồm thiếu nguồn lương thực, một con hổ răng kiếm hay thời tiết khắc nghiệt. Mối nguy hiểm không phải là do cá nhân nào cả mà đó là cuộc sống. Điều này vẫn đúng với ngày hôm nay, những mối đe dọa tới cuộc sống của chúng ta không thay đổi.
Đối với các doanh nghiệp và tổ chức của chúng ta hiện nay, những nguy hiểm mà chúng ta phải đương đầu bao gồm cả sự thực và nhận thức. Thăng trầm của thị trường chứng khoán có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất của một công ty. Một công nghệ kỹ thuật mới có thể làm cho công nghệ cũ hay toàn bộ mô hình kinh doanh trở nên lỗi thời trong một đêm. Đối thủ của chúng ta thậm chí còn không cố gắng đưa chúng ta ra khỏi hệ thống kinh doanh. Họ cũng không giết chết chúng ta nhưng vẫn đang cố gắng để phá hoại sự thành công hay ăn cắp khách hàng của chúng ta. Ngoài ra còn có sự cấp thiết trong sản xuất để đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu về năng suất và những áp lực từ bên ngoài. Tất cả sẽ góp phần tạo nên những mối đe dọa mà một doanh nghiệp phải đối mặt. Đồng thời, luôn có những thế lực làm cản trở sự phát triển và lợi nhuận. Những mối nguy hiểm này thường xuyên và liên tục, chúng ta không có cách nào kiểm soát chúng, chúng sẽ không bao giờ rời đi và thay đổi. Cuộc sống là như vậy.
Cũng có những thế lực nguy hiểm ngay bên trong tổ chức. Không giống như những nguy hiểm từ bên ngoài, những nguy hiểm từ bên trong có thể thay đổi được và nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Một số nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt là thực tế, và có thể ảnh hưởng ngay lập tức như bị sa thải vì công ty trải qua một quý khó khăn hoặc một năm làm việc không hiệu quả. Một số người trong chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ thực sự, đó là mất kế sinh nhai nếu chúng ta thử một điều gì mới mẻ và khiến công ty mất tiền. Chính trị cũng có những mối đe dọa thường xuyên, nỗi lo sợ một kẻ khác cố gắng đẩy chúng ta xuống vì sự thăng tiến của họ.
Đe dọa, sỉ nhục, cô lập, cảm thấy không thể lên tiếng, cảm thấy vô dụng và bị từ chối là tất cả căng thẳng chúng ta phải cố gắng tránh đi trong mỗi tổ chức. Tuy nhiên, những mối đe dọa từ bên trong tổ chức có thể kiểm soát được và đó sẽ là mục tiêu để những nhà lãnh đạo tạo nên một nền văn hóa miễn dịch với những mối đe dọa từ những người xung quanh. Để làm được điều đó, hãy cho mọi người cảm giác thân thuộc. Bằng cách tạo cho họ một môi trường văn hóa mạnh mẽ, dựa trên sự thiết lập của niềm tin và giá trị con người. Bằng cách cho họ khả năng để tự quyết định. Bằng cách tạo cho họ niềm tin và sự cảm thông. Và bằng cách tạo nên một Vòng tròn an toàn.
Bằng cách tạo nên Vòng tròn an toàn xung quanh mỗi người trong tổ chức, người lãnh đạo sẽ giảm được những mối lo lắng mà mọi người trong tổ chức đang cảm nhận. Trong vòng tròn đó họ thấy tự do, thoải mái để tập trung thời gian và năng lượng bảo vệ tổ chức khỏi những nguy hiểm bên ngoài và nắm bắt những cơ hội lớn. Nếu không có Vòng tròn an toàn, mọi người buộc phải tốn rất nhiều thời gian và năng lượng để bảo vệ bản thân khỏi những người khác.
Đó là mối liên kết mà chúng ta sẽ duy trì. Những người xung quanh chúng ta sẽ quyết định nơi chúng ta đầu tư công sức của mình. Càng tin tưởng những người xung quanh, chúng ta càng được trang bị tốt hơn để đối mặt với những mối đe dọa thường xuyên đến từ bên ngoài. Chỉ khi chúng ta cảm nhận được bản thân nằm trong một Vòng tròn an toàn, chúng ta mới có thể hợp tác để tạo thành một khối thống nhất, có khả năng tồn tại và phát triển tốt hơn, bất chấp những điều kiện bên ngoài.
Nhận một người nào đó vào trong một tổ chức giống như việc nhận nuôi một đứa trẻ.
Giống như những người gác cổng, các nhà lãnh đạo phải thiết lập tiêu chuẩn riêng của lối vào, ai được phép vào trong vòng tròn đó và ai phải ra ngoài, ai thuộc về vòng tròn và ai không thuộc về nơi đó. Các nhà lãnh đạo sẽ chọn những người đó vì điểm số của họ trong trường đại học, vì những nơi họ làm việc trước đó hay vì tính cách của họ và chỉ vì họ phù hợp với văn hóa công ty? Nhận một người nào đó vào trong một tổ chức giống như việc nhận nuôi một đứa trẻ và chào đón họ đến với ngôi nhà của bạn. Những người này, giống như tất cả những người đang sống ở đó, sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình và những người sống trong đó. Những tiêu chuẩn mà nhà lãnh đạo thiết lập rõ ràng về lối vào nếu dựa trên sự thiết lập giá trị con người, tiêu chuẩn đó sẽ tác động đến cảm giác thân thuộc và thiện chí của họ để hợp tác và cống hiến cho cả nhóm.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ chịu trách nhiệm cho việc mở rộng Vòng tròn an toàn. Khi một tổ chức là một đoàn thể nhỏ, một cách tự nhiên, họ sẽ nhạy cảm hơn với những nguy hiểm từ bên ngoài. Và việc quản lý vòng tròn cũng dễ dàng hơn. Một công ty kinh doanh nhỏ thường có những người bạn mà họ biết hoặc tin tưởng lẫn nhau. Lúc này nhà quản lý không cần giữ cho những người bên trong Vòng tròn an toàn khỏi những mối nguy hại từ bên trong. Nhưng khi tổ chức phát triển, những nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ phải tin tưởng các tầng lớp quản lý bên dưới để tìm cho ra những người phụ trách công việc. Tuy nhiên, khi những người ở vị trí quản lý bên trong tổ chức lại làm việc để bảo vệ bản thân họ thì sự phát triển sẽ bị chậm lại, và toàn bộ tổ chức sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực và sự đe dọa từ bên ngoài. Chỉ khi Vòng tròn bao quanh được tất cả mọi người trong tổ chức chứ không phải vài người hoặc một, hai bộ phận, thì tất cả những lợi ích từ đó mới được thực hiện đầy đủ.
Nhà lãnh đạo yếu kém là những người chỉ phát triển lợi ích của Vòng tròn an toàn cho những người điều hành cấp cao của họ và một vài người họ đã lựa chọn. Họ quan sát và chú ý đến những người đó, nhưng lại không đưa ra cân nhắc tương tự đối với những người bên ngoài “vòng tròn bên trong”. Nếu không có sự bảo vệ của nhà lãnh đạo, những người bên ngoài vòng tròn đó buộc phải làm việc đơn độc hoặc làm việc trong những nhóm nhỏ để bảo vệ và phát triển lợi ích của mình. Và khi làm như vậy, những hình thức tiêu cực trong công ty, những quan điểm lạc hậu, sai lầm sẽ được giấu giếm thay vì công khai, việc mở rộng thông tin chậm chạp và sự lo lắng sẽ nhanh chóng thay thế cảm giác an toàn và hợp tác.
Ngược lại, một nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ là người phát triển Vòng tròn an toàn cho từng cá nhân làm việc trong tổ chức. Tự bảo vệ là điều không cần thiết và những nhóm nhỏ thì ít có khả năng tồn tại. Với tiêu chuẩn rõ ràng cho lối vào Vòng tròn an toàn và những tầng lớp lãnh đạo tài ba sẽ giúp cho khả năng mở rộng chu vi Vòng tròn an toàn tốt hơn, tổ chức sẽ được trang bị tốt hơn và mạnh mẽ hơn.
Có thể dễ dàng nhận ra khi chúng ta đang ở trong Vòng tròn an toàn bởi vì chúng ta có thể cảm nhận được điều đó. Chúng ta sẽ cảm thấy được sự coi trọng từ đồng nghiệp và sự quan tâm, chăm sóc từ cấp trên của mình. Chúng ta hoàn toàn tin rằng những nhà lãnh đạo của tổ chức và đồng nghiệp đang làm việc là vì chúng ta và họ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp chúng ta thành công. Chúng ta trở thành thành viên của tổ chức và thấy mình thuộc về nơi đó. Khi tin rằng những người trong Vòng tròn luôn quan tâm đến chúng ta, điều này sẽ tạo ra một môi trường trao đổi thông tin tự do và giao tiếp hiệu quả. Đây là điều cơ bản để tiến tới đổi mới, ngăn chặn những vấn đề leo thang và làm cho tổ chức được trang bị tốt hơn, nhằm bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm từ bên ngoài và nắm bắt cơ hội tốt hơn. Khi không có Vòng tròn an toàn, sự hoang tưởng, hoài nghi, tính tư lợi sẽ xảy ra khắp nơi. Toàn bộ mục đích của việc duy trì Vòng tròn an toàn là giúp chúng ta có thể đầu tư thời gian và năng lượng để bảo vệ, chống lại những nguy hiểm từ bên ngoài. Điều đó cũng giống như lý do chúng ta khóa cửa vào ban đêm. Cảm giác an toàn bên trong tổ chức không chỉ tạo cho ta cảm giác an toàn trong tâm trí, mà tác động tích cực của nó đến tổ chức cũng rất vượt trội. Khi Vòng tròn ổn định và mạnh mẽ, cảm giác thân thiết sẽ là kết quả của sự hợp tác, tin tưởng và đổi mới. Đây chính là điểm quan trọng. Chúng ta không thể nói mọi người hãy tin chúng ta. Chúng ra không thể hướng dẫn mọi người tiến lên với những ý tưởng lớn. Và chắc chắn, chúng ta cũng không thể yêu cầu mọi người hợp tác. Nhưng đây luôn luôn là kết quả của cảm giác an toàn và tin tưởng mọi người làm việc cùng với chúng ta. Khi Vòng tròn an toàn vững chắc, chúng ta sẽ nêu ý kiến, chia sẻ hiểu biết và cả những nỗi lo lắng một cách tự nhiên. Mỗi kỹ năng và sức mạnh đơn lẻ mà chúng ta có sẽ được khuếch đại để cạnh tranh tốt hơn và đối mặt với những nguy hiểm từ bên ngoài, đồng thời, thúc đẩy những lợi ích to lớn của tổ chức hiệu quả hơn.
Nhưng ngược lại, các nhà lãnh đạo cũng muốn có cảm giác an toàn. Cho dù chúng ta làm ở vị trí nào, thì cũng đều muốn những người khác trong nhóm coi trọng mình. Nếu có một ngày làm việc tồi tệ, mệt mỏi, chúng ta hi vọng ông chủ của mình sẽ hỏi “Anh ổn chứ?” thay vì la mắng. Tương tự như vậy, là thành viên của Vòng tròn, chúng ta phải chịu trách nhiệm với những lãnh đạo của mình, điều này tạo nên giá trị của chúng ta với họ chứ không phải doanh số. Vì thế khi ông chủ khiển trách nặng nề mà chúng ta không biết lý do tại sao, thì trách nhiệm của chúng ta là thể hiện sự quan tâm đến hạnh phúc của họ. Đó là cách làm cho Vòng tròn an toàn duy trì mạnh mẽ.
Dù bạn có đang trong vai trò của một nhà lãnh đạo hay không thì câu hỏi đặt ra là, bạn cảm thấy an toàn như thế nào ở nơi mình làm việc?