Trong hơn 40.000 năm, chúng ta đã sống trong một nền kinh tế phần lớn là tự cung tự cấp. Chúng ta hiếm khi có được nhiều hơn những gì bản thân cần đến. Chỉ đến thời điểm cách đây khoảng 10.000 năm, khi chúng ta lần đầu tiên trở thành những nông dân thay vì thợ săn bắt và hái lượm, chúng ta bắt đầu tiến vào một nền kinh tế thặng dư. Chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn nhu cầu của mình và bây giờ có thể phát triển dân số vượt trên con số 150 người. Chúng ta có thể trao đổi sản phẩm dư thừa của mình với những người khác. Và chúng ta cũng có lực lượng quân đội, những nhà trí thức và tầng lớp có chức quyền.
Bất cứ khi nào một nhóm chuyển từ tự cung tự cấp sang thặng dư và giai cấp thống trị với giá trị thặng dư lớn nhất sẽ làm việc chăm chỉ nhất để định hình xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Câu hỏi đặt ra là, họ sử dụng thặng dư để tạo nên thay đổi thì điều đó tốt cho xã hội hay cho bản thân họ? Không có gì ngạc nhiên khi các công ty giàu có nhất lại tích cực vận động hành lang để các nhà lập pháp thực hiện (hoặc loại bỏ) quy định nhằm phù hợp với lợi ích của họ. Họ có nhiều nguồn lực để sử dụng, bảo vệ và tích lũy nhiều hơn. Và nếu không được quản lý đúng cách, nền văn hóa của các tổ chức này có thể rơi ra khỏi sự cân bằng.
“Sự giàu có hủy hoại” là cách tôi gọi kết quả của sự mất cân bằng này. Đó là những gì sẽ xảy ra khi những mưu cầu ích kỷ vượt ra ngoài sự cân bằng với mưu cầu vị tha. Khi cấp độ của các hành vi được thúc đẩy bởi dopamine áp đảo sự bảo vệ xã hội của những chất dẫn truyền khác. Khi việc bảo vệ thành quả được ưu tiên hơn là bảo vệ người tạo ra thành quả đó. Sự giàu có hủy hoại xảy ra khi các cầu thủ tập trung hoàn toàn vào tỷ số mà quên đi lý do tại sao họ chơi môn thể thao đó.
Tất cả các tổ chức đã từng trải qua việc bị sự giàu có hủy hoại đều có một đặc điểm chung rất rõ ràng mà chúng ta có thể rút ra bài học cho mình. Đó là hầu như trong tất cả tổ chức này, nền văn hóa không được quản lý đúng cách. Ở đó gần như luôn có một nhà lãnh đạo đã không thực hiện trách nhiệm của mình một cách có lương tâm. Một khi các lực lượng phá hoại của sự giàu có được thiết lập, sự chính trực bắt đầu trở nên lung lay và sự hợp tác nhường chỗ cho đấu tranh, đến khi bản thân con người trở thành một thứ hàng hóa được quản lý, giống như hóa đơn tiền điện. Sự giàu có hủy hoại sẽ luôn xuất hiện ngay khi những thách thức được thay thế bằng sự cám dỗ.