CHIẾN THẮNG HAY PHỤC VỤ
Vào đầu những năm 1990, Newt Gingrich, dân biểu của Đảng Cộng hòa từ Đại hội Khu vực lần thứ 6 của bang Georgia, đã thất vọng về việc Đảng Dân chủ đã kiểm soát hai Viện trong nhiều thập kỷ. Ông quyết định đã đến lúc phải cho Đảng Cộng hòa quyền lực và chiếm phần lớn trong Viện. Vấn đề ở đây là, ông đang cố thay đổi một hệ thống mà những mối liên kết vẫn còn khá vững chắc.
Hai đảng đã thực sự hợp tác với nhau khá tốt. Mặc dù Đảng Dân chủ đã chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng không giống như ngày nay, mục tiêu chính không phải là để chứng mình đảng nào đang kiểm soát; mà là để khoe khoang đảng nào làm việc hiệu quả hơn. Biết rằng bất kỳ đảng nào chiếm đa số cũng vẫn cần đến đảng kia, nên Đảng Dân chủ đã không nhận hết mọi công lao mỗi khi đạt được một thành tích nào đó. Những nỗ lực đã được âm thầm thực hiện để cho phép cả hai đảng khẳng định chiến thắng và thu hút sự ủng hộ riêng của mình. Hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác, Đảng Dân chủ vẫn luôn chiếm đa số theo mặc định, thực ra không phải vì họ tốt hơn. Khi việc kiểm soát không phải là mục tiêu chính, thì mọi thứ sẽ được thực hiện và cả hai đảng có thể đạt được mong muốn bằng cách làm việc cùng nhau.
Một thực tế khá phổ biến tại thời điểm đó dành cho các thành viên của Quốc hội là khi đã được đắc cử, họ sẽ phải chuyển gia đình đến Washington, D.C., và chỉ được trở về quê nhà theo lịch mà Quốc hội đã đề ra. Tại Washington, D.C., họ có một thế giới nhỏ, ở đó gia đình của họ sẽ đi đến cùng nhà thờ và trường học, không phân biệt đảng phái. Hằng ngày, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ tranh cãi, bàn luận và chỉ trích lẫn nhau trong các ủy ban, sau đó sẽ cùng tham dự các sự kiện tại trường học, có những bữa tiệc nướng thịt và tiệc cocktail vào buổi tối ở sân sau. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng mối quan hệ được thiết lập, bởi vì họ có thể tin tưởng và hợp tác với nhau.
Charles Gibson, cựu dẫn chương trình tin tức nổi tiếng và thành viên tại trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard còn nhớ cách mà George McGovern, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ từ tiểu bang Nam Dakota và Bob Dole, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Kansas, cả hai cùng đến phòng họp của Thượng viện và chỉ trích chính sách của nhau, nhưng ngay sau đó họ lại hành xử như những người bạn tốt thân thiết. Một ví dụ khác, Tip O’Neill, người phát ngôn của Hạ viện, thuộc Đảng Dân chủ thường xuyên gặp mặt với lãnh đạo khối thiểu số của Đảng Cộng hòa, Bob Michel. Họ thường làm việc cùng nhau.
Đầu những năm 1980, khi các đề xuất cắt giảm thuế của tổng thống Reagan được đưa ra bàn luận tại Quốc hội, Gibson nhớ lúc đó ông O’Neill đã nói trước Quốc hội: “Ông (Tổng thống) không lo lắng, quan tâm gì tới người dân.” Đáp lại, Tổng thống cho rằng O’Neil đã có những lời lẽ nhằm “mị dân”. Sau đó, khi Tổng thống gọi cho O’Neill để xoa dịu bầu không khí căng thẳng, O’Neill nói: “Ông bạn già ơi, đó là chuyện chính trị mà. Sau 6 giờ chúng ta có thể là bạn, nhưng trước 6 giờ, giữa chúng ta chỉ có chính trị mà thôi”. Nhưng ngày nay, việc chính trị dường như kéo dài cả ngày, cả đêm, và chỉ còn rất ít thời gian cho tình bạn.
Chính vì vậy mà thành viên của các đảng đối lập đã lấp đầy khoảng cách bằng cách xây dựng nên những “tình bạn” trên nền tảng cùng hướng đến một mục đích chung. Mặc dù sự phân chia đã luôn luôn tồn tại ở Washington, nhưng trong những thập niên 60, 70 và 80, Quốc hội vẫn đề cao hoạt động theo hướng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phải tìm ra cách để hợp tác. Những nghiên cứu sinh học và nhân chủng học đã chỉ ra rằng, mọi hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi chúng ta hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Gingrich, một người đàn ông dường như bị ám ảnh với chiến thắng hơn bất cứ điều gì khác, tuy nhiên ông lại là người đã thay đổi Quốc hội. Hợp tác bị thế chỗ bởi sự kiểm soát. Chiến lược mà ông đã chọn là loại bỏ hệ thống đang tồn tại. Để phá vỡ hiện trạng đó, ông đã làm mọi thứ để chứng minh rằng hệ thống quá thối nát và chỉ có đại tu hoàn toàn mới có thể bảo vệ được Quốc hội. Vào năm 1994, ông đã thành công. Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện, Gingrich là chủ tịch và niềm hi vọng cho mọi sự hợp tác giữa các bên đã kết thúc.
Kể từ khi phụ trách, Gingrich đã thúc đẩy một loạt các thay đổi nhằm thay thế hoàn toàn cách mọi việc đã được thực hiện tại Washington. Và bắt đầu từ việc gây quỹ nhiều hơn. Một trong những thay đổi bao gồm ý tưởng các thành viên Hạ viện sẽ dành phần lớn thời gian ở các khu vực quận của họ, chứ không phải ở thủ đô. Trong những năm 1980, gần hai phần ba số thành viên Quốc hội sống ở Washington, D.C. Ngày nay, số đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, các thành viên bay đến Washington với một tuần làm việc khá ngắn, họ sẽ đến Quốc hội vào thứ Ba và trở về quận của họ vào đêm thứ Năm. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Họ dành phần lớn thời gian trong tuần đi xa nơi làm việc là để gây quỹ cho các tổ chức phi chính phủ, vì vậy, lúc này các thành viên của hai đảng có ít thời gian để nói chuyện với nhau, và chắc chắn họ không có cơ hội để hòa nhập, giao lưu với nhau thường xuyên như thế hệ của các nhà lập pháp trước đây. Chính vì điều đó mà họ có rất ít cơ hội để phát triển sự tin tưởng.
Dĩ nhiên, nhiều thế lực cùng tham gia vào cuộc chơi đã dẫn đến việc chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội như ngày nay, và Gingrich chỉ là một trong số đó. Việc xem xét lại khu vực bầu cử và các phương tiện truyền thông có tính chính trị hóa cao đã đóng góp vào sự phân cực, trong đó sự phụ thuộc quá nhiều vào internet cũng là một nguyên nhân. Tại sao lại phải làm việc mặt đối mặt ở Washington trong khi bạn có thể gửi e-mail từ bất cứ nơi nào?
Các thành viên của Quốc hội chuyển từ việc chia sẻ quyền lực sang chiếm giữ quyền lực. Không có tầm nhìn hay mục đích định hướng, nên chúng ta đã chuyển từ quản lý theo đuổi vị tha, vì lợi ích của người khác sang quản lý vì lợi ích cá nhân. Cũng giống như việc kinh doanh chuyển từ phục vụ khách hàng sang phục vụ các cổ đông, Quốc hội đã đi từ một nền văn hóa hợp tác sang một trận chiến của ý chí và quyết tâm.
Tất cả các nhà lãnh đạo, để có thể trở thành một nhà lãnh đạo thực sự, cần phải đi bộ đến các đại sảnh và dành thời gian với những người mà họ phục vụ, như lính Thủy quân lục chiến gọi đó là “lãnh đạo nhãn cầu”. Các quan chức đắc cử của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, đó không phải là những gì đang xảy ra. Ngày nay, các thành viên của Quốc hội nói rằng họ đang dành nhiều thời gian ở các khu vực quận của họ để phụng sự tốt hơn cho các cử tri, nhưng mọi thứ có vẻ không phải như vậy. Không có bằng chứng nào cho thấy khi trở lại khu vực, các dân biểu được chọn tới tham quan các nhà máy, hoặc làm việc với các công dân để hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ (ngoại trừ có lẽ trong mùa bầu cử). Khi trở về khu vực quận của họ, việc mà dường như họ làm nhiều hơn là hoạt động gây quỹ nhằm giúp đảm bảo việc tái tranh cử của họ. Khi họ ngắt kết nối với những người mà họ phụng sự, thì họ dành nhiều thời gian tập trung vào nhu cầu của bản thân hơn là nhu cầu của người dân, những người họ phải có trách nhiệm.
Trong một bài thuyết trình PowerPoint trình bày cho các thành viên Quốc hội của Đảng Dân chủ mới được bầu, Ủy ban Chiến dịch Quốc hội của Đảng Dân chủ (DCCC) đã đề xuất một “lịch trình mẫu” trong khi các thành viên ở Washington: dành bốn giờ để kêu gọi gây quỹ, 1-2 giờ cho các chuyến thăm cử tri, hai giờ cho công việc trong phòng họp quốc hội hoặc trong ủy ban, một giờ dành cho tiếp cận chiến lược (ăn sáng, gặp gỡ, chào hỏi và báo chí) và một giờ thư giãn. Trong thực tế, Tom Perriello, người đã phục vụ trong Quốc hội một nhiệm kỳ, đã nói với tờ Huffington Post rằng “bốn giờ được phân bổ để gây quỹ thậm chí có thể là con số quá thấp và không thể dọa được các thành viên mới quá nhiều.”
Bất kể các thành viên có duy trì lịch trình mẫu này hay không, thì đó chỉ là một ví dụ điển hình về việc đặt áp lực lên các con số, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và duy trì quyền lực thay vì xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm nền tảng chung và phát triển vì lợi ích chung. Như giám đốc điều hành của một công ty đại chúng sẽ quan tâm nhiều hơn đến thắng lợi và con số hơn là quan tâm đến những người đang làm công việc thực tế, vì vậy mà cũng có rất nhiều quan chức được bầu của chúng ta đặt lợi ích của họ lên trước.
Vì vậy không quá bất ngờ khi mối quan hệ trong Quốc hội Mỹ ngày nay đang ở trong một tình trạng hỗn độn. Thái độ thù địch giữa các đảng ở mức cao nhất trong mọi thời kỳ. Các cựu nghị sĩ kể lại rằng ngày xưa có khoảng 80% các cuộc tranh luận về một dự luật mới sẽ xảy ra tại phòng riêng trong ủy ban, và 20% ở phòng họp công khai với các phương tiện truyền thông. Nhưng ngày nay lãnh đạo của mỗi đảng sẽ tranh luận với nhau, trước khi cố gắng có được sự đồng thuận trong ủy ban.
Olympia Snowe, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ tiểu bang Maine, đã có 33 năm hoạt động chính trị và năm 2012 bà đã quyết định không tái tranh cử, mặc dù bà là người dễ dàng giành chiến thắng. Snowe chỉ là một trong số những người, sau khi đã cống hiến cuộc sống cho việc phục vụ cộng đồng, liền xin từ chức do thất vọng với môi trường cay độc này. Nếu “người tốt” xin nghỉ việc có nghĩa là tương lai của chính phủ đang nằm trong tay của những người hoặc là được hưởng lợi từ hệ thống hiện hành hoặc cam chịu việc gây quỹ quá mức, thiển cận và lợi ích bản thân được đặt trước lợi ích chung.
Kết quả của một bầu không khí căng thẳng như vậy trong chính phủ đúng như những gì chúng ta đã dự kiến là do thiếu sự tin tưởng và phát triển. Thuộc lớp động vật xã hội, chúng ta sẽ đạt hiệu quả nhất khi chúng ta tin tưởng và hợp tác, vì vậy việc thiếu tin tưởng và hợp tác có nghĩa là những việc được thực hiện hiệu quả sẽ ít hơn.
Việc coi nhẹ yếu tố con người trong quản lý cho thấy khả năng của Quốc hội trong việc thực thi có xu hướng đi xuống. Và những ảnh hưởng của điều này là rất lớn. Theo các nhà quan sát chính trị, công chúng phần lớn đổ lỗi cho sự bất lực của các thành viên Quốc hội trong hợp tác và làm việc với nhau khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra. Sự phân cực trong Quốc hội được cho là nguyên nhân gây ra chậm trễ trong cải thiện thâm hụt ngân sách, cải cách an sinh xã hội, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như trong một loạt các vấn đề khác.
Một số thành viên đương nhiệm đã đổ lỗi cho “hệ thống” hay tốc độ lan truyền tin tức trên internet đã gây ra các cuộc đấu tranh nội bộ và tỷ lệ ủng hộ thấp. Tuy nhiên, họ lờ đi thực tế rằng họ chính là hệ thống và internet chẳng hề gây bất lợi; nó chỉ đơn giản đưa tin về thiệt hại mà họ đã gây ra. Vấn đề không phải là chính trị, tiền bạc hoặc các phương tiện truyền thông. Chính các thành viên là yếu tố căn bản của tất cả các vấn đề. Lý do Quốc hội Mỹ không đạt hiệu quả như những gì cần phải làm chỉ là do vấn đề sinh học. Nếu các thành viên của Quốc hội không dành thời gian cho nhau, không hiểu nhau và không biết những người dân mà họ đại diện, dòng chảy của các chất hóa học xã hội sẽ bị hạn chế và cuộc chạy đua để quyên góp tiền và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ tạo ra chất dẫn truyền cho động cơ chính của họ. Môi trường các nhà lập pháp đang làm việc khiến cho họ khó tin tưởng lẫn nhau hoặc làm việc cùng nhau vì lợi ích của người khác chứ không phải bản thân họ.
CHIẾN ĐẤU VỚI KẺ THÙ. HỢP TÁC CHO TÌNH BẠN
Các thành viên Quốc hội của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ đã có chuyến viếng thăm Romania, đó là một phần trong chuyến đi để tìm hiểu thêm về chính sách thương mại và gặp gỡ một số đối tác châu Âu của họ. Trong chuyến đi đó, không phải ngẫu nhiên mà Bob Goodlatte, nghị sĩ đến từ tiểu bang Virginia đã phục vụ lâu dài cho Đảng Cộng hòa, và Stephanie Herseth Sandlin, nữ hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ từ tiểu bang Nam Dakota phát hiện ra rằng trong phái đoàn, chỉ có hai bọn họ là không làm gì sau một ngày tham gia cuộc họp. Chính vì vậy họ quyết định đi mua sắm quà lưu niệm cùng nhau.
Mặc dù đều phục vụ trong cùng một ủy ban, nhưng hai dân biểu lại phục vụ cho hai đảng khác nhau. Và theo các quy tắc bất thành văn của Quốc hội, điều đó có nghĩa họ là đối thủ. Cho đến tận ngày hôm đó, mối quan hệ của họ có lẽ được miêu tả là thân mật nhất.
Khi cùng nhau thoát ra khỏi một hoàn cảnh sẽ khiến cho chúng ta cởi mở hơn để tìm hiểu một ai đó. Cho dù chúng ta đang kết hợp với đồng nghiệp chơi cùng trong trận bóng chày, ra ngoài ăn trưa hoặc đi công tác với một ai đó mà chúng ta không biết rõ, nhưng khi trách nhiệm trong công việc không ép buộc chúng ta phải làm việc cùng nhau, khi lợi ích cạnh tranh của chúng ta được đặt sang một bên, chúng ta dường như khá cởi mở để nhìn nhận những người khác như bao người, chứ không phải là đồng nghiệp hoặc đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán bình thường xảy ra trong môi trường yên lặng, nơi hai bên tham chiến có thể đi dạo với nhau.
Và đó chính xác những gì đã xảy ra với hai dân biểu Herseth Sandlin và Goodlatte. Không đặt nặng vấn đề chính trị, hai người đã tìm hiểu về đối phương. Hóa ra họ cũng thực sự khá tâm đầu ý hợp. Mặc dù không đồng quan điểm với nhiều vấn đề trong công việc, nhưng bên ngoài họ có rất nhiều điểm chung. Như chúng ta đều biết, điểm chung chính là điều thu hút chúng ta đến với nhau và là cơ sở của tình bạn.
Theo tiêu chuẩn hiện đại, những gì đã xảy ra giữa hai thành viên của Quốc hội thuộc hai phe đối lập là hầu như chưa từng xảy ra. Các thành viên có quá ít thời gian tại Washington, đơn giản là họ có ít cơ hội để gặp gỡ thân mật với những người họ thích, chưa kể đến việc phải cố gắng tạo mối quan hệ với những người có thể khiến họ bực tức và phẫn nộ. Nhưng vào ngày đó ở Romania, những hạt giống của tình bạn đã được vun trồng và sau đó phát triển thành một điều thiêng liêng có thể phục vụ cho cả hai dân biểu trong tương lai.
Trên cơ sở đã gặp và biết nhau, hai dân biểu Herseth Sandlin và Goodlatte tiếp tục cùng nhau đi ăn tại Washington, không vì bất cứ lý do nào khác ngoài việc họ muốn trở thành bạn bè. Họ bắt đầu xem và đối xử với nhau như những người bình thường thay vì xem nhau là đối thủ. Giống như bất kỳ hai phe đối lập nào giảng hòa với nhau, hai dân biểu đã hiểu được rằng những điểm chung giữa hai người chính là cơ sở tạo nên sự tin tưởng để có thể thoải mái trao đổi những ý kiến bất đồng. “Chúng tôi quan tâm đến nhau”, Herseth Sandlin kể lại. “Chúng tôi lắng nghe ý kiến của nhau và thỏa hiệp về các dự luật mà chúng tôi không thể làm khác.”
Cả Goodlatte và Herseth Sandlin vẫn luôn bỏ phiếu cho phe đối lập. Về xây dựng lập pháp, họ không phải là luôn đồng quan điểm nhưng họ cũng không cần như vậy. Vì sự tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị nên khi sự việc xảy ra, họ đồng ý sẽ luôn làm điều đúng đắn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là một trong số họ sẽ phải bỏ phiếu chống lại đường lối với đảng của họ. Dân biểu Goodlatte thậm chí còn bỏ phiếu cho việc sửa đổi mà Herseth Sandlin tài trợ. Bà nói: “Hiếm khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa lại thất vọng đến như vậy”. (Điều này đáng chú ý như khi bà Olympia Snowe bỏ phiếu đồng ý tranh luận thêm về chủ đề cải cách chăm sóc sức khỏe, đảng của bà đã chỉ trích sự công khai đó và dọa sẽ rút khoản tài trợ của bà. Chỉ vì bà đã bỏ phiếu để tiếp tục thảo luận về điều đó).
Hợp tác không có nghĩa là đồng ý hay chấp thuận, hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để phát triển điều tốt đẹp hơn, để phục vụ những người đã tin tưởng vào sự bảo vệ của chúng ta, chứ không phải để chất đầy chiến thắng nhằm phục vụ đảng phái hay bản thân. Những gì mà hai thành viên của Quốc hội đã xây dựng là đánh giá chân thực và tôn trọng lẫn nhau. Những gì mà họ xây dựng không khác những gì chúng ta ở bên ngoài thế giới chính trị thường gọi là tình bạn. Mối quan hệ như vậy lại được xem là đủ đặc biệt để tạo nguồn cảm hứng cho một cuốn sách có phần đáng buồn. Kết giao và tìm hiểu những người mà chúng ta cùng làm việc mỗi ngày được xem là cách thông thường để làm mọi việc.
Chỉ một vài năm trước khi Goodlatte và Herseth Sandlin khám phá ra điều đó, cũng đã có một vài thành viên có tầm nhìn của Quốc hội cố gắng làm điều tương tự. Nhận ra môi trường thiếu các mối quan hệ và cay độc đang phá hủy chính trị Washington, họ đã kêu gọi một loạt các buổi tĩnh tâm với mục đích khuyến khích văn minh lịch sự hơn trong Quốc hội. Cuộc tĩnh tâm lần đầu tiên được tổ chức tại Hershey, Pennsylvania, và Tiến sĩ William Ury, người đàm phán hòa bình nổi tiếng thế giới và đồng tác giả của cuốn sách Nhận được sự đồng ý (Getting to Yes) đã ở đó. Ông nhớ lại một số dân biểu đã nói với ông những điều tương tự về chất lượng của các mối quan hệ trong Quốc hội. Ury kể lại: “Họ đã dành nhiều thời gian hơn với các thành viên của đảng đối lập trong suốt ba ngày, quãng thời gian đó còn nhiều hơn so với thời gian họ gặp nhau trong toàn bộ sự nghiệp”. Đáng buồn thay, các cuộc tĩnh tâm đã nhanh chóng bị hủy bỏ do không mang lại lợi ích. Họ chỉ ra rằng tình hữu nghị và sự tin tưởng không thể được xây dựng trong ba ngày. Nó cần thời gian và sự nỗ lực.
“Nếu như có xung đột nhưng mọi người lại không hiểu rõ nhau thì rất khó để thiết lập hòa bình”, Ury nói. Với kinh nghiệm của bản thân, Ury cũng biết đôi điều về hòa bình. Là người sáng lập của Dự án Nghiên cứu về Đàm phán của Đại học Harvard, Ury được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về đàm phán. Ông thường được kêu gọi để giúp đàm phán các thỏa thuận hòa bình giữa các đối thủ ở nhiều nơi trên thế giới. Ông nói: “Chúng tôi cần họ hiểu nhau, nhân đạo với nhau và lắng nghe ý kiến của nhau.”
Có rất ít người phản đối quan điểm của Ury. Như chúng ta đã biết vì hòa bình giữa Israel và Palestine, các nhà lãnh đạo phải gặp mặt. Họ phải nói chuyện. Chúng ta cũng biết rằng vì nền hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan, họ phải sẵn sàng đến bàn đàm phán, để nói chuyện và lắng nghe ý kiến của nhau. Khi các bên từ chối nói chuyện, từ chối lắng nghe, thậm chí từ chối gặp mặt, thì bất hòa sẽ bị đẩy lên cao, khiến cuộc xung đột sẽ vẫn tiếp diễn. Vậy làm sao Quốc hội chúng ta có thể nhận được sự tín nhiệm để nói với thế giới cách thiết lập nền hòa bình, khi chính họ dường như không có khả năng chứng minh làm sao để thực hiện được nền hòa bình đó?
Herseth Sandlin và Goodlatte là một mô hình về điều khả thi trong Quốc hội. Nếu “hệ thống” không cho phép đảng này giao tiếp với đảng kia, mọi hi vọng sẽ chỉ nằm trong tay các thượng nghị sĩ và các dân biểu đặc biệt, những người có can đảm để lãnh đạo. Nếu họ được thúc đẩy định hướng lãnh đạo bằng những khao khát phục vụ cử tri và đất nước, thì việc dành thời gian, công sức để gặp gỡ và quen biết nhau là rất cần thiết. Nhưng nếu họ được thúc đẩy định hướng lãnh đạo chủ yếu bởi khát khao chiến thắng bầu cử và giữ quyền lực cho đảng của họ, thì hệ thống quốc hội đang làm việc đó chỉ có lợi cho họ chứ không phải cho bất cứ ai hay người dân nào.
Ngoài cuộc tĩnh tâm hoặc cam kết chính thức, tất cả những gì cần thiết cho một vài thành viên có đầu óc tiến bộ ở mỗi đảng là phải đích thân tiếp cận với một số thành viên có đầu óc tiến bộ của đảng đối lập để có những buổi gặp không liên quan đến chương trình nghị sự. Nếu họ thực sự quan tâm đến người dân Mỹ, thì họ cần phải gặp nhau. Giống như bất kỳ mối quan hệ nào, một số sẽ rất hòa thuận và một số thì không. Tuy nhiên, nếu đúng thời điểm, sẽ vẫn có sự hợp tác.