Việc đặt sự bảo vệ các ý tưởng và giàu có lên trước việc chia sẻ chúng đã trở thành tiêu chuẩn hiện nay. Một kế toán ở New Jersey đã nói với tôi rằng, ông thấy rõ sự khác biệt giữa những khách hàng cũ và khách hàng mới trẻ tuổi: “Những khách hàng cũ của tôi muốn làm việc trong phạm vi của luật thuế để làm những điều công bằng”. Ông giải thích. “Họ sẵn sàng nộp thuế theo nhiệm vụ. Còn thế hệ tiếp theo lại dành nhiều thời gian để tìm kiếm những lỗ hổng của Luật thuế nhằm giảm trách nhiệm của họ đến mức thấp nhất có thể.”
Khi những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số có con, họ dạy con mình hoài nghi những người xung quanh. “Đừng để ai đó lấy đi thứ gì từ con nếu họ không sẵn sàng bồi thường vì điều đó”, đã đi vào suy nghĩ của những đứa trẻ. “Không gì có thể ngăn cản được điều bạn mong muốn”. Một lần nữa, tất cả triết lý sẽ hợp lý nếu như hoàn cảnh của chúng ta hiện nay giống như những năm 1960 và 1970. Nhưng thực tế lại không như vậy. Chính vì vậy, rất ít ý tưởng tốt đẹp mà con cái của thế hệ Boomer đưa ra.
Thế hệ X1 và thế hệ Y2 được dạy dỗ để tin tưởng rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Thế hệ X lớn lên trước khi có sự xuất hiện của internet, được dạy những bài học như cúi đầu và được nhận làm việc. Một thế hệ bị bỏ qua và lãng quên. Những người trong thế hệ X đã không thực sự đứng lên chống lại điều gì hay nổi loạn trong những năm tháng trẻ tuổi. Chúng ta thừa nhận có cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng nó thực sự là hình thức cuộc Chiến tranh Lạnh tốt đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn đã tồn tại từ những năm 1960 và 1970. Thế hệ X đã không được lớn lên với những cuộc diễn tập ở trường nếu trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Lớn lên trong những năm 1980 thực sự là một cuộc sống tốt đẹp. Những năm 1990 và thiên niên kỷ mới thậm chí còn được chứng kiến nhiều sự bùng nổ hơn. Bùng nổ internet. Bùng nổ thương mại điện tử. Thư điện tử. Hẹn hò qua mạng. Chuyển phát nhanh. Không chờ đợi. Có mọi thứ ngay lập tức.
1 Thuật ngữ chỉ thế hệ những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Chiến tranh Thế giới thứ II, từ năm 1964 đến 1980.
2 Thuật ngữ chỉ những người được sinh ra trong khoảng những năm 1980, đầu những năm 1990.
Thế hệ Y thường được nhắc tới như thế hệ có ý thức về quyền lợi. Nhiều ông chủ thường phàn nàn về những yêu cầu của người lao động ở cấp bình thường đưa ra. Nhưng với cá nhân tôi, như một người quan sát, tôi không tin rằng đó chỉ là thế hệ ý thức về quyền lợi. Thế hệ này muốn được làm việc chăm chỉ và sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Những thứ chúng ta cảm nhận là yêu cầu, đòi hỏi thực ra chính là sự thiếu kiên nhẫn. Có hai điều dẫn đến sự thiếu kiên nhẫn: đầu tiên chính là suy nghĩ sai lầm rằng những thứ như thành công, tiền bạc hay hạnh phúc sẽ đến ngay lập tức. Mặc dù những tin nhắn và cuốn sách được chuyển đến ngay khi chúng ta mong muốn, nhưng sự nghiệp và thành tựu của chúng ta không thể đến ngay lập tức.
Yếu tố thứ hai thực sự đáng lo ngại hơn. Đó là do rút ngắn chu kỳ quá nhiều trong các hệ thống khen thưởng nội bộ. Những người trong thế hệ Y lớn lên trong một thế giới mà ở đó quy mô rộng lớn cũng là điều bình thường, tiền bạc được đánh giá trên cả dịch vụ, và khoa học kỹ thuật được dùng để kiểm soát các mối quan hệ. Hệ thống kinh tế ưu tiên đặt những con số lên trước con người trong thế hệ này, được chấp nhận một cách mù quáng như thể đó là điều hiển nhiên. Nếu không đưa ra các biện pháp để khắc phục hoặc giảm thiểu mức độ trừu tượng trong cuộc sống, thì đến một lúc nào đó, thế hệ này có thể trở thành thế hệ thua cuộc lớn nhất trong sự dư thừa của cha mẹ mình. Và trong khi những người trong thế hệ Y có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự rút ngắn chu kỳ này, bởi vì họ đã lớn lên trong thế giới đó, thực tế là không ai trong chúng ta có khả năng miễn dịch với điều này.
THẾ HỆ SAO LÃNG
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một chiếc máy bay đang bay trên độ cao khoảng 10km với tốc độ 850km/h từ New York tới Seattle. Một chuyến bay êm ả. Không có biến động. Đó là một ngày tuyệt vời và cơ trưởng dự đoán rằng chuyến bay sẽ diễn ra suôn sẻ và bình thường. Cả cơ trưởng và phi công lái phụ đều là những người dày dạn kinh nghiệm và máy bay được trang bị hệ thống điện tử và hệ thống cảnh báo hiện đại nhất. Theo như yêu cầu của Cơ quan Quản lý Hàng không (FAA), cả hai viên phi công đều đã lái chiếc máy bay mô phỏng nhiều lần mỗi năm để luyện tập cách đối phó với những trường hợp khẩn cấp khác nhau. Cách đó khoảng 160 km, trong một căn phòng tối không có cửa sổ của một tòa nhà, một nhân viên kiểm soát không lưu với 10 năm kinh nghiệm đang nhìn xuống màn hình để kiểm soát tất cả máy bay trong khu vực được giao của mình. Lúc này chuyến bay của bạn đang nằm trong phạm vi kiểm soát của người kiểm soát không lưu đó.
Bây giờ hãy tưởng tượng, người kiểm soát không lưu nhận được một cuộc gọi. Anh ta không được phép gọi hay nhận điện thoại khi đang làm nhiệm vụ, nhưng anh ta có thể nhận hoặc gửi tin nhắn hay truy cập email. Hãy tưởng tượng anh ta có thể chuyển tiếp hệ thống tọa độ của một chuyến bay, rồi kiểm tra tin nhắn, chuyển tiếp hệ thống tọa độ của một chuyến bay khác rồi lại nhận điện thoại một lần nữa. Điều này dường như hợp lý, phải không?
Hiển nhiên, tôi tin chắc rằng phần lớn trong chúng ta đều không cảm thấy thoải mái với tình huống này. Chúng ta luôn mong muốn người kiểm soát không lưu sẽ kiểm tra tin nhắn, kiểm tra email trong giờ nghỉ hơn là khi đang làm nhiệm vụ. Đó là bởi vì mạng sống của chúng ta đang bị đe dọa như chúng ta thấy rõ ràng trong ví dụ này. Vì vậy, nếu chúng ta nắm cả sự sống và cái chết trên tay thì tại sao chúng ta lại có thể nghĩ rằng mình có thể làm việc riêng, nghe điện thoại, soạn tin nhắn, gửi tin nhắn rồi lại soạn tin nhắn và gửi tin nhắn khác mà không gây ra nguy hiểm nào cho khả năng tập trung của chúng ta.
Thế hệ Y nghĩ rằng, bởi vì họ đã lớn lên cùng với tất cả những tiến bộ khoa học kỹ thuật này nên họ rất đa nhiệm (làm nhiều việc cùng một lúc). Tôi dám nói rằng, họ không thể làm tốt hơn khi làm nhiều việc cùng một lúc. Điều họ làm tốt hơn chỉ là việc bị phân tâm.
Theo nghiên cứu tại Đại học Northwestern, số trẻ em và những người trẻ tuổi bị chẩn đoán Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đã tăng 66% từ năm 2000 đến năm 2010. Tại sao lại có sự gia tăng đột ngột và rất lớn về rối loạn chức năng thùy trán trong suốt một thập kỷ như vậy?
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh xác định những người rối loạn tăng động giảm chú ý thường “khó tập trung chú ý, không kiểm soát được những hành vi bốc đồng (có thể hành động mà không nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra) hay hành động thái quá”. Tôi đã xem xét sự gia tăng đột biến này không chỉ đơn giản là do ngày càng có nhiều người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hơn các thế hệ trước, mặc dù điều này có thể đúng. Cũng không phải do sự gia tăng số lượng các bậc cha mẹ đưa con mình đi kiểm tra, mặc dù điều này cũng đúng. Tất nhiên, có nhiều trường hợp rối loạn tăng động giảm chú ý có thể đơn giản chỉ là do chẩn đoán sai dẫn đến sự gia tăng đột ngột của con số người mắc chứng này. Tuy nhiên, điều tôi tin rằng có thể xảy ra là do ngày càng nhiều người trẻ tuổi đang phát triển thói nghiện đối với sự mất tập trung. Cả một thế hệ đã bị nghiện việc tạo ra những tác động sản sinh ra dopamine từ tin nhắn, email và những hoạt động trực tuyến khác.
Chúng ta biết rằng đôi khi chúng ta có thể không kiểm soát được và những hành vi sai trái có thể được khuyến khích phát triển. Chúng ta đã tìm ra những tác động sản sinh ra dopamine và serotonin từ rượu giống khi những thanh thiếu niên có thể rơi vào trạng thái sử dụng rượu để làm giảm nỗi đau cảm xúc thay vì tìm người giúp đỡ. Hậu quả có thể xảy ra sau đó là chứng nghiện rượu. Ngoài ra, những tác động sản sinh ra dopamine từ những âm thanh, tiếng rung, ánh đèn nhấp nháy của điện thoại đã tạo ra mong muốn được lặp lại những hành vi để tiếp tục sản sinh ra cảm giác đó. Ngay cả khi đang làm việc gì đó, chúng ta sẽ cảm thấy tốt khi có thể kiểm tra điện thoại của mình ngay lập tức, thay vì chờ đợi 15 phút để hoàn thành nốt công việc.
Một khi đã nghiện ngập, thì sự khao khát luôn luôn là vô độ. Khi điện thoại kêu trong lúc lái xe, chúng ta phải nhìn ngay lập tức vào điện thoại xem ai mới gửi tin nhắn. Khi đang cố gắng hoàn thành việc gì đó, điện thoại rung trên bàn, thì sự tập trung của chúng ta liền bị phá vỡ và chúng ta phải nhìn vào điện thoại. Nếu những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số có được dopamine từ những mục tiêu đã được định hướng đến “nhiều hơn” và “ lớn hơn”, thì thế hệ Y lại đang nhận dopamine từ bất cứ điều gì đáp ứng được việc “nhanh hơn” và “ngay lập tức”. Thuốc lá phải bị loại bỏ. Các phương tiện truyền thông xã hội được duy trì. Đó chính là liều thuốc của thế kỷ XXI. (Ít nhất thì những người hút thuốc lá đứng ngoài cùng nhau).
Giống như những người nghiện rượu hay nghiện ma túy, căn bệnh này khiến cho thế hệ trẻ của chúng ta mất kiên nhẫn ở mức độ cao nhất. Tồi tệ hơn, nó còn khiến thế hệ trẻ cảm thấy cô đơn hơn và bị cô lập hơn với thế hệ trước. Khi rượu thay thế những mối quan hệ tin tưởng như một cơ chế đối phó của những thanh thiếu niên đang trưởng thành, thì sự công nhận chúng ta nhận được từ phương tiện truyền thông xã hội, và các mối quan hệ ảo sẽ thay thế cho các mối quan hệ tin tưởng người đời thực.
Một thế hệ luôn chiến đấu để tìm kiếm hạnh phúc và thỏa mãn nhiều hơn các thế hệ trước đó. Mặc dù mong muốn làm điều tốt, nhưng thiếu kiên nhẫn đã trở thành văn hoá của họ, có nghĩa là chỉ vài người sẽ cam kết thời gian và nỗ lực đủ lâu cho một việc để nhìn thấy hiệu quả – điều mà chúng ta biết sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn. Trong khi nghiên cứu cho cuốn sách này, tôi biết những người của thế hệ Y tuyệt vời, thông minh, định hướng và lạc quan, những người hoặc là bị vỡ mộng với công việc hoặc nghỉ việc để tìm một công việc mới “sẽ cho phép tôi tạo ra một tác động đến thế giới”, tiết kiệm thời gian và sức lực cần thiết để làm điều đó.
Điều đó giống như họ đang đứng dưới chân núi để tìm kiếm thành quả mà họ muốn có hay thành công mà họ muốn cảm nhận được khi lên đến đỉnh cao. Không có gì là sai khi tìm một cách nhanh hơn để trèo lên ngọn núi. Nếu muốn, họ có thể sử dụng máy bay trực thăng hoặc phát minh ra một chiếc máy leo núi để giúp họ trèo nhanh hơn, mang lại nhiều năng lượng cho họ. Thế nhưng có một điều mà họ không hề để ý đến, đó là ngọn núi.
Thế hệ “nhìn thấy và có luôn” này có nhận thức về nơi họ đang đứng và họ biết nơi mà họ muốn đi; nhưng những gì họ dường như không thể hiểu được là hành trình, hành trình cần rất nhiều thời gian. Họ dường như lúng túng và bối rối khi nói về những thứ cần thời gian. Họ rất vui khi đưa ra rất nhiều sự bùng nổ năng lượng và sức lực rất ngắn cho mọi thứ, nhưng cam kết và chịu đựng mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Dùng nhiều sức lực của bản thân để đạt được những thứ rất nhỏ dường như đã được thay thế bằng dùng chỉ một chút sức lực của bản thân mà có được những thứ to lớn.
Xu hướng này được minh họa bởi cách nhiều người thuộc thế hệ Y đáp lại các nguyên nhân xã hội khác nhau. Họ nhắn tin để đóng góp cho các tổ chức cứu trợ thảm họa sóng thần. Họ có một sự phấn khích mạnh mẽ khi làm việc tốt, giúp đỡ và hỗ trợ mọi người. Tuy nhiên, sau khi cảm nhận được một chút dopamine, họ sẽ muốn có được lượng dopamine tiếp theo. Nếu không đưa ra bất kỳ lượng thời gian và năng lượng đáng kể nào, một thế hệ thoải mái với sự trừu tượng đã nhầm lẫn cam kết thực sự với những cử chỉ tượng trưng.
Một thương hiệu cung cấp các nhà cải cách hăng hái, thời trang, trẻ tuổi có cơ hội để làm việc tốt mà không cần làm bất cứ điều gì đó là 1: Face. Khách hàng có thể mua một chiếc đồng hồ với màu sắc khác nhau, thể hiện lý do cho lựa chọn của họ, ví dụ, màu trắng để dập tắt nạn đói hoặc màu hồng để dập tắt bệnh ung thư vú. Theo trang web 1: Face, sẽ có một phần lợi nhuận không xác định dành cho các tổ chức từ thiện có liên quan. Vấn đề là, hãy hỏi những người đeo đồng hồ những gì tốt đẹp họ đang làm và có thể họ sẽ cho bạn biết họ đang giúp đỡ “để nâng cao nhận thức.” Đó là cái bẫy của thế hệ Y.
Có quá nhiều điều để nói về nhận thức hoặc “định hướng cuộc trò chuyện” mà chúng ta đã không nhận thấy rằng nói chuyện không giải quyết được các vấn đề; chỉ có đầu tư thời gian và công sức của con người mới có thể làm và giải quyết được tất cả vấn đề. Họ biện minh cho những chiến dịch như vậy khi cho rằng chúng tạo áp lực khiến mọi người phải bắt đầu hành động đã hỗ trợ cho lập luận của tôi, đó là chúng ta dường như ít có khuynh hướng cung cấp thời gian và sức lực để làm những gì cần phải được thực hiện, thay vào đó, thuyết phục người khác sẽ làm điều đó thay cho chúng ta. Nó cũng cho thấy một hạn chế của mạng internet. Các trang web là một phương tiện tuyệt vời để lan truyền thông tin, nó rất hữu ích để mọi người có thể nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhưng hạn chế của nó là không giúp giảm nhẹ được những hoàn cảnh đó. Hoàn cảnh của người khác không phải là một vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người. Và chỉ con người mới có thể giải quyết được vấn đề của con người.
Giống như tiền dùng để thay thế các chi phí thời gian và sức lực, bây giờ các thương hiệu mang lại cho mọi người cơ hội để làm việc tốt bằng cách không phải làm bất cứ điều gì đã thay thế cho sự phục vụ và giúp đỡ. Không đáp ứng các nhu cầu của con người để làm việc thực sự và chăm chỉ vì lợi ích của người khác. Cũng không đáp ứng các yêu cầu hi sinh cho serotonin hoặc oxytocin. Các định hướng dopamine cho sự hài lòng ngay lập tức, trong điều kiện tốt nhất, có nghĩa là chúng ta, những cá nhân, đạt được các mục tiêu khác nhau mà không bao giờ cảm thấy thân thuộc hoặc thỏa mãn lâu dài. Tuy nhiên trong điều kiện tồi tệ nhất, cảm giác cô đơn và cô lập có thể dẫn đến hành vi chống đối xã hội rất nguy hiểm.
KỊCH BẢN TÀN KHỐC
Thất vọng và vỡ mộng, thế hệ bùng nổ dân số đang tự giết chết chính bản thân họ, với số lượng ngày càng nhiều hơn bao giờ hết. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tự tử trong thế hệ này tăng gần 30% trong thập kỷ qua, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở độ tuổi đó, chỉ sau ung thư và bệnh tim. Tự tử cao nhất là ở những người trong độ tuổi ngũ tuần, nhóm tuổi này đã đạt đến con số khổng lồ – tăng 50%. Với sự gia tăng các vụ tự tử trong thế hệ này, ngày nay số người chết vì tự tử hơn chết vì tai nạn xe hơi.
Nếu chúng ta không làm điều gì đó, thì tôi e rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn. Vấn đề là trong khoảng 20-30 năm, khi thế hệ trẻ nhất của chúng tôi lớn lên và có trách nhiệm với chính phủ và doanh nghiệp, họ cũng sẽ lớn lên bằng cách sử dụng Facebook, thuốc theo toa hoặc các nhóm hỗ trợ trực tuyến như cơ chế đối phó chính của họ hơn là dựa vào các nhóm hỗ trợ thực sự: Sợi dây sinh học của tình bạn và mối quan hệ yêu thương. Tôi dự đoán rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của bệnh trầm cảm, lạm dụng thuốc theo toa, tự tử và các hành vi chống đối xã hội khác.
Năm 1960, chỉ có một vụ nổ súng xảy ra ở trường học. Trong những năm 1980 đã có 27 vụ. Thập niên 1990 đã chứng kiến 58 vụ, và từ năm 2000 đến năm 2012 đã có 102 vụ. Điều này có vẻ quá điên rồ, nhưng đó là sự gia tăng hơn 10.000% chỉ trong vòng 50 năm. Trên 70% kẻ xả súng trong tất cả các vụ kể từ năm 2000 đều sinh sau năm 1980, và có một số lượng rất đáng lo ngại những kẻ xả súng trong độ tuổi khoảng 14 hay 15. Mặc dù một số đã được chẩn đoán rối loạn tâm thần, nhưng tất cả họ đều cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và bị cô lập với trường học, cộng đồng hoặc gia đình. Trong hầu hết các trường hợp, những kẻ giết người trẻ tuổi hoặc là nạn nhân của những vụ bắt nạt hay cảm thấy bị tẩy chay vì lúng túng với xã hội hay những rắc rối trong bối cảnh gia đình.
Những con linh dương ốm yếu sẽ bị đẩy ra rìa của đàn, bị đẩy ra khỏi các Vòng tròn an toàn, vì vậy những con sư tử thường ăn thịt những con ốm yếu thay vì những con khỏe mạnh. Bộ não động vật có vú nguyên thủy của chúng ta dẫn chúng ta đến cùng một kết luận. Khi chúng ta cảm thấy đang ở bên ngoài Vòng tròn an toàn, không có cảm giác thuộc về nơi đó và không cảm nhận được những người khác yêu thương và chăm sóc, chúng ta sẽ cảm thấy không thể kiểm soát, bị bỏ rơi. Chúng ta cảm thấy bị cô lập và trở nên tuyệt vọng.
Các mối quan hệ ảo không thể giúp giải quyết vấn đề này. Trong thực tế, nó có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những người dành quá nhiều thời gian vào Facebook thường xuyên trở nên bị trầm cảm khi họ đem so sánh nhận thức về cuộc sống của họ với nhận thức về cuộc sống của những người khác. Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà tâm lý học xã hội thuộc Đại học Michigan đã theo dõi việc sử dụng Facebook của 82 người trẻ tuổi trong khoảng thời gian hai tuần. Khi bắt đầu nghiên cứu, họ đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống của người tham gia. Các nhà nghiên cứu sau đó kiểm tra trạng thái của các đối tượng hai giờ một lần, năm lần một ngày, để xem họ đang cảm thấy về bản thân họ như thế nào và bao nhiêu thời gian họ dành cho Facebook. Họ càng dành nhiều thời gian trên Facebook kể từ lần kiểm tra đầu tiên, họ càng cảm thấy tồi tệ.
Và sau hai tuần, các đối tượng dành hầu hết thời gian trên Facebook cho thấy họ ít hài lòng với cuộc sống. “Thay vì tăng cường hạnh phúc...”, nghiên cứu kết luận, “tương tác với Facebook có thể dự đoán là mang lại kết quả ngược lại cho những người trẻ tuổi – nó có thể phá hoại họ”.
Đó là thế giới chúng ta đang sống. Thế hệ cái tôi, nghiện thành tích đã phá bỏ những biện pháp bảo vệ chúng ta khỏi bị lạm dụng của doanh nghiệp và sụp đổ thị trường chứng khoán. Một thế hệ bị phân tâm, sống trong một thế giới trừu tượng, được cho rằng bị tăng động giảm tập trung nhưng chính xác hơn thì họ đang mắc chứng nghiện tăng dopamine với các phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại di động. Có vẻ như chúng ta đã đến vực thẳm. Vậy, chúng ta phải làm gì? Nhưng có một tin rất tốt là chúng ta chính là hi vọng tốt nhất của bản thân.